[Việt Nam] Ngược Đường Trường Thi
Chương 4 : Đổi văn sang võ
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 23:59 05-09-2018
.
Khi đó vào khoảng cuối đời chúa Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng, nhà Lê đương vào đời vua Thần Tông. Dương Quận Công Nguyễn Nghi đương làm Lễ Bộ thượng thư. Con cả, ông Nguyễn Sủng đương làm quan Tả Tư Giảng cho các vương tử trong vương phủ. Các con Sủng đều học giỏi, có hy vọng sau này đỗ cả. Con thứ hai, ông Nguyễn Đậu (tức em Sủng) đương làm Tư Vụ Bộ Binh bỗng dưng ốm kịch liệt rồi mất, để lại ba đứa con thơ, đứa lớn nhất mới có mười ba tuổi. Đứa con thơ ấy, cả nhà - khi đó chưa thành họ, nên dù đã truyền đến bốn đời, đã ở riêng cả, con cháu Lan Quận Công vẫn coi nhau như người một nhà đều lấy làm buồn, tuy nó còn bé nhưng nó đã ngỗ nghịch khác những trẻ cùng tuổi nhiều.
Yến, tên đứa bé, càng lớn càng ngỗ nghịch, không chịu học hành gì, và tệ hơn cả, là cứ đi chơi diều với trẻ con khác ngoài đường. Yến sinh ra cũng có tướng lạ. Tay y buông dài quá đầu gối, cánh tay trước chỉ có một ống xương tròn. Năm y mười ba tuổi đã cao lớn bằng người mười tám đôi mươi. Ăn thì khỏe gấp năm gấp bảy người khác, mà cả ngày chỉ, hoặc đi chơi rong rài, hoặc ở nhà thì nằm lì một xó, không chịu làm gì cả. Cả nhà đều lấy làm chán ngán, duy có Dương Quận Công vẫn yêu mến, một là vì thương cháu bồ côi, hai là vì những nết khiến cả nhà không ưa Yến, Công cho là không sao. Công thường nói:
- Không biết chừng ngày sau thằng Yến nó hơn chúng mày cũng nên. Nó có sức ăn nhiều thì ngày sau nó mới kiến được nhiều lộc. Còn cái nghịch ngợm thì lớn lên nó khác đổi đi, không can chi mà ghét bỏ nó.
Riêng Yến, Yến cũng chỉ sợ, kính, yêu, trọng Dương Quận Công mà thôi. Còn ra, y coi thường cả. Y thường nói với mọi người:
- Yến có ông thôi. Còn ra Yến chấp hết. Yến chỉ tiếc rằng ông già rồi, khó lòng mà được thấy Yến lúc làm nên.
Năm Yến mười chín tuổi thì Dương Quận Công mất. Không còn ai kềm chế nổi nữa, y lại càng tung hoành. Mẹ Yến là con ông Trần Phi Chiếu, đỗ tiến sĩ và làm quan với Mạc đến Thái bảo. Vì thế, người nhà có kẻ ác miệng nói rằng:
- Thằng Yến nó giống bên ngoại nhà nó. Giống thờ ngụy Mạc được kia mà!
Mẹ Yến nghe thấy lời ấy, lấy làm tủi nhục vô cùng, khóc mà bảo Yến:
- Con dòng giống của tướng, đôi bên nội ngoại đều là nhà thi lễ trâm anh. Con cứ lêu lỏng thế này, tủi nhục đến cả các cụ. Cha con ở dưới suối vàng cũng nằm không an. Con thử xem, cả nhà ai cũng học hành để chờ khoa, chỉ có một mình con là lêu lỏng. Bây giờ ông mất rồi, bác con đương làm quan to, các anh con bác thì người nào người nấy học hành nết na, anh cống Sung thì đương làm quan to đó. Con nhà bác thì thế mà con... trời ôi... bao giờ cho con thành người!
Yến nghe mẹ nói, bỗng ngùi ngùi.
- Vâng, con xin đi học. Ngày sau con mà văn không đỗ tiến sĩ, võ không làm tới Quận công, con thề không vào nhà thờ lễ cụ.
- Thôi, con đừng nói thế. Hãy lo sao ăn ở cho ra người rồi liệu mà học hành đi thôi.
Yến vâng lời mẹ về quê đi học. Học được dăm năm thì mẹ mất. Từ đó Yến lại rất hoang toàng bậy bạ, hay uống rượu, hay đánh nhau, hay sinh sự. Ai ai cũng sợ không dám trêu vào vì ngoài cái là con nhà tướng ra, Yến còn là một anh lực sĩ rất khỏe. Năm ba mươi tuổi, Yến mở trường dạy học. Dạy học chỉ là một công việc bất đắc dĩ Yến phải làm để chiều ý ông bác, chứ Yến thì dạy ai?
Chữ nghĩa chỉ đủ để viết bức thư xoàng xoàng, tính nết thì hung hãn, liệu định truyền gì cho đệ tử? Y chỉ dạy học để bắt học trò khiêng thầy ngồi trên chiếc ngai đi chơi quanh vùng. Đến nhà ai y thấy giường thờ có cái ngai, là y như hỏi vặn:
- Người thờ trên giường thờ kia đỗ gì, làm gì? Láo! Văn tiến sĩ, võ quận công mới được thờ bằng ngai!
Rồi y nhảy tót lên ngồi ngai thờ nhà người ta. Không một ai dám phản đối vì một là sợ con cháu nhà quan, hay là sợ ông ấm tay vượn có sức địch trăm người.
Có người bẻ y rằng:
- Thế ông đỗ gì, làm gì mà ngồi ngai?
- Tao ấy à? Rồi tao làm đến Quận công.
Năm ba mươi hai tuổi, y bỏ nhà đi biệt vì không muốn dự lễ khao hai người anh con nhà bác vừa đỗ tam giáp tiến sĩ.
Ông bác cũng chán ngán không buồn cho người đi tìm nữa.
° ° °
Ở giữa khúc con đường từ Giám xuống Cầu Giấy, ở giữa hai thôn con của hàng Thủ Lễ, và hướng nam, ở bên tay trái nếu ta đi từ Giám đến Cầu Giấy, có một khu ruộng vuông ngay cạnh vệ đường. Khu ruộng ấy xưa là trường Giảng Võ cho các tiểu tướng.
Mỗi năm một lần, chúa Trịnh ngự ra đó xem các "chiến tướng dự bị" tập bắn tập cưỡi ngựa và tập xách tạ.
Thượng tuần tháng gGiêng năm Tân Hợi (Lê Huyền Tông, Cảnh Trị năm thứ chín, lịch tây 1671) dân ba phường Giảng Võ, Thủ Lễ, Vạn Phúc tấp nập đến trường Giảng Võ dọn cỏ, sửa đường, chôn lại bia bắn, và sắp sẵn ngựa, quả tạ để đợi đức Hoằng Tô Dương Vương ra ngự xem thí võ. Giữa sân, một bãi cát rộng chừng một sào còn đẫm hơi sương buổi sớm. Ngay cạnh bãi cát ấy, một cái nhà hai từng bốn mái uốn cong, cửa mở cả bốn bề. Đó là ngự lâu. Cách xa ngự lâu và trước bãi cát chừng hơn mười trượng, một tấm gỗ to bằng mặt chiếc phản dựng lên trên một mô đá. Giữa tấm gỗ ấy vẽ ba vòng tròn bôi thuốc từ trong ra ngoài: đỏ, vàng, xanh. Chung quanh trường, sát cạnh hàng rào tre, một con đường cát là đường quần ngựa. Dân phu sửa sang đã ba hôm trời. Sáng hôm ấy, hôm rằm tháng Giêng, từ lối đầu giờ Mão, một đôi tượng cùng với một đoàn đội trưởng các đội Siêu, Tuyển, Ưu, Trạch, Nội Thủy, Thuyền Nội. Nhưng, Khuôn, Dực, Trấn, Thắng, Hùng đến túc trực ở hai dãy thảo xá dựng bên lối đi vào. Theo sau, viên Chỉ Huy Sứ hai đội Tả Loan Giá, Hữu Loan Giá dẫn một dây tù tay xích cổ gông. Vào tới trường, người ta tháo gông tháo xích cho lũ tù chạy trên đường đua ngựa và bãi tập tạ cho dẽ cát.
Đầu giờ Dần. Người ta lại đóng xích xiềng, gông vào cho tù và bắt ngồi cả hai bên bãi tập tạ. Xa xa, người ta đã nghe tiếng loa thét dẹp đường và tiếng nhạc quân. Đạo ngự Tây Định Vương gần tới. Tiếng thét dật dọng ở ngoài cửa khiến các thầy đội vội vã ra đứng sắp hàng hai bên lối vào cho đến chân lầu ngự. Tây Định Vương Trịnh Tạc cùng con ngài, Thái úy Định Quốc Công Trịnh Căn đi vào giữa hai hàng gươm tuốt sáng lòa. Tây Định Vương lên lầu.
Thái úy ra ngồi ở chiếc ghế trước lầu, bên cạnh bãi tập tạ.
Các ông đội bắt đầu tập bắn. Súng các ông dùng là kiểu súng "musqueton" mà người Hòa Lan đúc hộ ở xưởng Phố Hiến. Đoành! Đoành! Đoành! Chưa ai trúng hồng tâm phát nào. Lác đác chỉ có vài phát trúng vòng vàng, vòng thứ hai. Hai bên mép đích, chi chít những đạn.
- Đồ cơm tai!
Ba tiếng ấy làm cho mọi người dừng tay quay lại nhìn xem ai đã buông ra lời hỗn xược, ngạo ngược ấy.
- Đồ cơm tai nhà nước!
Lần thứ hai tiếng hỗn xược ấy lại buông ra. Tiếng ấy ở miệng một tên tù đương bị xiềng tay xích chân ngồi ở bên bãi tập.
Thái úy Định Quốc Công đứng dậy:
- Thằng kia, sao dám nói càn!
Ba tiếng chuông trên lầu vang xuống. Mọi người im phăng phắc. Trên lầu, Tây Định Vương hỏi xuống:
- Cái gì thế? Sao đương tập mà dừng?
Định Quốc Công đem đầu đuôi nói. Tây Định Vương truyền dẫn tên tù đến rồi hỏi rằng:
- Sao mày dám chê người của nhà nước?
- Bẩm tại người của nhà nước ăn cơm tai của nhà nước, bắn không phát nào trúng đích.
- Mày có biết bắn không?
- Tiểu dân cũng võ vẽ.
- Thế ta cho mày bắn. Trúng thì thưởng, bằng không trúng thì phải tội ngạo mạn viên chức của quốc gia. Cởi xiềng ra cho nó.
Vương vừa truyền xong, tức khắc nghe hai tiếng rắc rắt thật to. Các xiềng xích đã gẫy cả. Tên tù tự bẻ lấy. Mọi người đều thất sắc. Vương thấy lạ, hỏi:
- Cớ sao mày bẻ được xích sắt mà từ trước đến nay mày không trốn?
- Bẩm, tiểu dân có tội thì phải chịu tội. Vương Thượng truyền tha xiềng xích cho thì xin bẻ lấy. Từ trước đến tay tiểu dân không dám bẻ xiềng là sợ phép nước.
Ở mọi người lòng giận bỗng mất ngay, và, thay vào đó, lòng kính phục pha kinh ngạc bắt đầu phát sinh. Vương truyền tên tù bắn.
Tên tù liền cầm súng gát lên chiếc gạc sắt, bật bùi nhùi đốt hỏa mai. Ba phát trúng liền giữa hồng tâm cả ba. Vương truyền cầm tạ. Tên tù chọn hai quả tạ to nhất nhấc lên hai tay, rồi đưa ngang hai tay ra đi ba vòng bãi cát. Hết ba vòng lại tung hai quả tạ ra ngoài năm trượng. Vương truyền thử ngựa. Tên tù chọn con ngựa ô cao nhất, chân không tì bàn đạp, tay vỗ lưng ngựa nhảy phắt lên rồi ra roi cho phi ngay. Phi được ba vòng, lại đứng thẳng trên mình ngựa cho ngựa phi một vòng nữa.
Tây Định Vương truyền gọi đến hỏi:
- Mày mắc tội gì và là con cái nhà ai?
- Tâu, tiểu dân vì ghét thói cường bạo, trót dại giết người. Tiểu dân giết một đứa cường bạo cậy thế ức hiếp dân. Tiểu dân biết tội đã nhiều, cúi xin chịu cực hình của nhà nước.
Đến đây, tên tù cúi đầu không nói nữa.
- Thôi chuyện ấy ta khác bảo hình quan xét lại rồi châm chước giảm nhẹ tội đi cho và mày được tòng quân, lập công mà chuộc tội. Nhưng mày con cái nhà ai?
Tên tù cúi đầu nghĩ một lúc rồi nói:
- Nói ra xấu hổ trăm chiều... Song Vương Thượng đã bắt nói thì tiểu dân xin nói. Tiểu dân là con Nguyễn Đậu, cháu Dương Quận Công Nguyễn Ngãi và chắt Lan Quận Công Nguyễn Thật.
Vương mừng rỡ:
- Thế ra, ngươi gọi Giám Sát Ngự Sử Thái Nguyên Xuân Trường Bá Nguyễn Sủng bằng bác ruột. Ngươi là con cháu công thần. Thôi thế thì ta tha tội ngay cho. Công của cha ông ngươi đủ xóa tội ngươi rồi.
Tức khắc ngày hôm ấy được làm đội trưởng.
Cuối năm (năm Tân Hợi, Lê Huyền Tông, Cảnh Thị năm thứ chín; 1671) được coi đội quân Nội Duệ. Năm sau, thăng làm Cơ Sát Sứ ở Sơn Tây. Rồi vì bắt được tên Cự, chủ bọn giặc Bạch Sĩ ở Thanh Ba, được phong Hoằng Trí Tử. Năm sau nữa, phụng mệnh đánh nốt dư đảng của bọn Bạch Sĩ ở đồn Bảo Man. Ông dẹp tan hẳn. Khi về thăng làm Phân Dũng tướng quân, lĩnh chức Khinh Xa đô úy, gia tước Hoằng Trí Bá. Lại năm sau nữa, kiêm coi thêm sang hai cơ Tả Tiệp, Hữu Tiệp để ra tuần tiểu các vùng Hải Dương Quảng An. Năm sau, thống suất quân lên Cao Bằng đánh họ Mạc. Công được trận to và chém được tướng Mạc là Vũ Quận ở Lung Bàn. Khi tin thắng trận về đến kinh, triều đình phong làm Hoài Viễn tướng quân, hàm Đô Chỉ Huy Sứ, coi thêm bốn vệ quân Cẩm Y, gia thêm tước Hoằng Trí Hầu. Hầu vẫn tức rằng chưa phá hết giặc Mạc ở Cao Bằng, nên năm sau lại xin đốc quân lên đánh nữa, thề phen này "có Yến thì không có Mạc, có Mạc thì không có Yến". Hầu bao giờ hành quân cũng đi trước quân sĩ. Chuyến ấy bị hãm ở trận tiền tất cả mười lần. Chín lần trước không sao. Đến lần sau cùng, Hầu bị hãm vào đất hiểm, bị quân mai phục đánh. Hầu hết sức xông pha, nhưng kết cục bị chết trận. Ngày ấy là ngày hai mươi sáu tháng chín năm Vĩnh Trị thứ ba đời vua Lê Gia Tông. Năm ấy Hầu vừa bốn mươi tuổi. Quân đều khóc cả vì bình sinh Hầu vẫn cùng quân lính chia nỗi sướng khổ. Khi đem quân ở ngoài, hễ Hầu nhận được tiền bạc hoặc phẩm vật triều đình ban cho, là đem chia cả cho tướng sĩ. Tin về đến kinh, cả triều thương xót, truy tặng: Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Đô Đốc Phủ Đô Đốc Đồng Tri, Thượng Trụ Quốc Thượng - trật Hoằng Quận Công.
Tin về đến nhà, ông bác thở dài:
- Ta gần hết đời coi nhầm nó. Bây giờ nó lấy chết báo ơn nước, con cháu ta không bao giờ theo kịp nữa! Phúc trạch của tiền nhân từ nay về cành thứ mất thôi!
Ông giận mình xét nhầm người mà nói thế chứ nhà ông hiện bây giờ cũng còn thịnh lắm: Con thứ năm ông, tiến sĩ Nguyễn Sĩ tuy mất rồi, nhưng con thứ tư ông, tiến sĩ Nguyễn Khuê hiện đương làm Thập Nhị Bồi Tụng trong Súy Phủ. Con cháu đầy nhà, chưa ai dám bảo là suy cả. Hoằng Quận Công mất rồi, chúa Trịnh tâu vua Lê cho lục dụng ngay các con của Công. Con trưởng, Nguyễn Trạch, con thứ hai, Nguyễn Gia, đều được làm đội trưởng ngay. Nguyễn Trạch sau làm đến Võ Huân tướng quân coi bốn vệ quân Thần Võ, tước Hãn Thái Hầu. Con cháu Hầu sau hồ hết theo nghiệp võ. Hiển hách hơn là Nguyễn Gia, làm tới Võ Huân tướng quân, Đô Đốc Phủ Đô Đốc, tước Ninh Quận Công. Sự nghiệp của ông, có kể lại thì cũng na ná như sự nghiệp của Hoằng Quận Công. Cho nên: đã nói sự nghiệp của Lan Quận Công thì miễn nói sự nghiệp của Dương Quận Công; đã nói sự nghiệp của Hoằng Quận Công thì cũng miễn nói sự nghiệp của Ninh Quận Công. Duy về đường con cái thì Công muộn mằn hiếm hoi quá. Năm năm mươi sáu tuổi, quận kế thất phu nhân Trần Thị mới có mang. Công mất rồi, phu nhân mới sinh được một con trai.
Người con trai ấy, người con di phúc (con đẻ sau khi cha chết gọi là di phúc) ấy, sau này lại làm gia thanh nổi lên một lần nữa. Người con ấy, không những không được trông thấy mặt cha mà khi sinh ra cũng không được sinh nơi quê cha đất tổ nữa. Nguyên Ninh Quận Công năm trước được cử vào Nghệ An sung chân Đề Điệu trường thi hương. Vào đấy, ông mới lấy kế thất phu nhân Trần Thị người xã An Bài, châu Bố Chính, thuộc Nghệ An (Nay thuộc huyện Bình Chính), tỉnh Quảng Bình). Năm sau, ông ra Bắc rồi mất.
Khi con đầy tuổi tôi, Quận phu nhân mới ra Bắc. Đến nơi mới biết là ông mất rồi. Mẹ góa con côi, cửa nhà thanh bạch - Vì nhà ấy có cái phong nghèo, cho dẫu văn tiến sĩ, võ quận công - phu nhân phải lần hồi ngày tháng mới đủ nuôi con.
Đến năm Bá, tên người con - lên bảy có ông bác họ, nhà gọi là cũng có bát ăn hơn người, cho gọi cả hai mẹ con sang ở. Nghĩ người bác có thật tình thương cháu bồ côi, em dâu góa, hai mẹ con liền sang ở. Không ngờ cái lòng thương gái góa con côi của người bác, nhất là người bác dâu - nó chỉ ở lỗ miệng thôi. Kịp khi hai mẹ con sang thì người bác dâu sai mẹ làm bếp, coi như con đòi; sai con chăn trâu, coi như đứa ở. Bá đòi đi học thì bà bảo:
- Mày dòng giống võ biền, học với hành gì! Đi chăn trâu cho tốt, lại còn làm mã!
Đó là đối với con. Còn đối với mẹ thì bà vẫn làm ra ý rằng Quận phu nhân chẳng phải vợ cái con cột gì, chẳng qua cũng là một người vợ theo! Bà thường nói:
- Muốn sung sướng về xứ Nghệ nhà mi!
Được một năm, không thể chịu đựng được nữa, mẹ con đành về chỗ túp lều tranh cũ, mẹ con lần hồi cho qua. Rồi kịp khi lớn tuổi, Bá đến học trường quan Hình Bộ Tả Thị Lang Vũ Huy ở làng Đan Loan, huyện Đường Hào, xứ Hải Dương. Bỏ làng, bỏ nhà xuống Hải Dương cầu ăn cầu học. Bá rất chăm chỉ tự biết rằng mình không cứu mình thì không ai cứu. Đến năm Bá hai mươi hai tuổi, thi đỗ sinh đồ (bây giờ là tú tài). Đỗ được một chút, mẹ con lại về làng ở và cũng vì đỗ được một chút, họ hàng bà con cũng đỡ khinh. Nhưng Quận phu nhân đỡ cái tủi bị người ta khinh thì thêm cái lo vì tính khí ông con. Số là ông, tuy học hành thi đỗ, nhưng vốn vẫn là con nhà võ tướng, nên vẫn ham chơi với bọn tướng - tá quân đinh cũ của Ninh Quận Công. Những bọn ấy, khi còn Ninh Quận Công thì là tướng được việc, nhưng đã lâu không có người sử lính thành ra bao nhiêu cái tinh thần thượng võ cũ họ đem trút vào những việc khả dĩ gọi là võ phu võ đoán trong vùng. Nói trắng ra là họ làm những việc hung hãn như ăn cướp, đốt nhà. Nhũng việc ấy, tuy bao giờ cũng kèm theo những cử chỉ nghĩa hiệp, nhưng cũng phải gọi là bất chính, vì nó ra ngoài khuôn phép sẵn có của Nhà Nước. Các anh không biết ở vùng nhà quê, nhất là vùng Kinh Bắc (bây giờ là Bắc Ninh, Phúc An, Bắc Giang) vẫn có những hạng cường hào như thế. Đứng đầu cho hết thảy đám cướp, các tướng cướp; nhưng đồng thì vẫn che chở dùm bọc cho dân nghèo yếu. Đó là di phong từ đời xưa còn lại, di phong gây lên ở mấy họ to đời Lê. Ông đồ Bá - đời Lê gọi Tú Tài là Sinh Đồ - đi lại chơi bời với bọn cường hào ấy, bọn cường hào làm bộ hạ Ninh Quận Công trước. Ninh Quận phu nhân ngăn mãi nhưng cũng vô hiệu. Vâng vâng dạ dạ cho qua, ông đồ Bá vẫn không sao nhịn được không đi lại với những người mà ông cho là hào hiệp, những người vẫn mến trọng ông vì cái tính cách văn nhân kiêm hiệp sĩ.
Rồi ông cũng đứng đầu một việc cướp. Nhưng việc ăn cướp của ông cũng có vẻ đặc biệt khác người lắm. Nguyên ở cùng huyện, ở làng Danh Lâm cũng có một họ học hành. Ở đó, có ông đồ họ Trịnh có một pho sách quý. Ông đến chơi muốn mượn bộ sách về xem. Ông đồ kia không những không cho mượn, lại nói khẩy:
- Ai hoài sách mà cho quan viên kẻ Đóm [1] mượn. Thi với quan viên kẻ Đóm chứ còn thi với ai? Cho quan viên kẻ Đóm mượn sách thì còn đè sao được thiên hạ!
Ông căm lắm. Về nhà, hô quân hoán lữ, lấy đủ một quân đội ăn cướp kéo đến làng Danh Lâm. Tuần làng giữ, đánh tuần làng bị thương, đốt cháy điếm. Rồi kéo quân vào nhà ông đồ kia. Vào tới nhà, ông trói cả lại rồi xạo xục vào trong nhà, lục tung cả các tủ, xáo trộn bày cả đồ đạc... rồi đem bộ sách kia ra giữa sân đốt... rồi bỏ đi.
Khi tuần làng đến cởi trói cho khổ chủ, soát lại đồ đạc không mất mát gì, duy mất một bộ sách. Tuy ông đã lấy mực vẽ mặt, nhưng cái lối cướp đánh người nhưng không đả động đến của ấy nó đã tố giác một cách quá rõ ràng rằng đứng đầu là ông đồ Bá Vân Điềm.
Cố nhiên rồi việc phải lên tới phủ và đồ Bá sẽ bị truy tố, cho dẫu rằng khổ chủ và hương lý tuần đinh không nhận được mặt. Việc tới tai người trong họ và Ninh Quận phu nhân. Người trong họ đều như muốn đuổi đi, vả phu nhân cũng muốn lánh nạn, nhất là muốn tuyệt đường giao du của ông con, nên cả nhà chạy vào ở trong An Bài.
Ông cùng Quận phu nhân ở trong An Bài được năm năm. Đến năm Bính Dần (1716), ông đã ba mươi tuổi. Phu nhân thấy tính con đã thuần hơn trước, vả lại, ở Đông Đô, chúa Minh Vương lên thay chúa Uy Nam Vương đã được năm năm, việc cũ có lẽ người ta cũng quên đi rồi, nên phải tính chuyện thi cử cho ông, phu nhân lại mang cả gia quyến ra Bắc ở làng Vân Điềm. Quanh mình chỉ có bốn vách trống, đêm khuya một ngọn đèn mờ, đồ Bá hết sức học hành. Quận phu nhân thường khuyên ông: "Gái góa này nghìn dặm theo chồng, chẳng may nửa đường chia rẽ. Âu là mệnh giời như thế, mẹ có oán trách hờn tủi chi! Phỏng khiến con hết sức học hành, trước là làm rạng rỡ gia thanh, sau là không phụ mẹ một đời khổ tiết, thì cha con ở dưới suối vàng cũng được mát mẻ và mẹ cũng thỏa một đời tân khổ phiêu lưu". Mỗi lần nghe mẹ nói, ông bùi ngùi muốn khóc. Cho nên từ đó ông tuyệt không giao du bậy bạ nữa. Năm ba mươi mốt tuổi, ông vào Súy Phủ ứng thí. Tại sao lại vào Súy Phủ. Chỗ này, muốn rõ, ta cần phải ngó lại sử một chút. Chúa Trịnh Minh Vương, muốn tỏ mình là người lễ hiền hạ sĩ, và sau khi đã dẹp yên những đám giặc to do chính sách bất hảo của anh ngài là Uy Nam Vương Trịnh Giang gây nên, muốn tỏ ngài là vị minh chủ săn sóc đến văn trị cũng như võ công, ngài cho treo ở Tả Môn Điếm (cái điếm ở cửa phía tả vương phủ) một cái chuông và một cái mõ và ra lệnh rằng: Ai muốn điều trần gì về thế vụ, ai có tài nghệ muốn tự tiến, thì đánh chuông; ai bị kẻ quyền quý bức hiếp, ai có nỗi gì oan khuất, thì đánh mõ. Vì thế, đồ Bá vào phủ đánh chuông đánh mõ tự tiến tài nghệ ông và dâng khải điều trần việc thiên hạ. Bài điều trần theo lệ bây giờ phải phong kín để Lại Phiên đệ lên. Bài ấy không rõ nói những gì, nhưng không ai tuyên tiết ra cả. Còn về văn chương thì ông làm bài "Ngưu Sơn Mộc Phú" dụng thể ngư tiều vấn đáp. Bài ấy, lúc bây giờ được thiên hạ truyền tụng và cho làm hay lắm. Cái hay đó, tôi tiếc không đem giải ra cho các anh hiểu được vì thời đại "giả giả chi hồ" đã hết rồi. Bây giờ chúng ta ở thời đại "J’ai allé". Cũng năm ấy, ông đỗ nho sinh trúng thức, đỗ thứ hai. Luôn năm sau có kỳ thi hội mà thi ở bãi Trung Sa, tức là bãi giáp liền với Bãi Cỏ trước.
Chắc các anh đã nghĩ bụng. Lại quay về nơi cũ mà hiển hách thì nhà ấy sắp tắt mà chuyện sắp hết. Không, vì khoa ấy ông chỉ trúng tam trường chứ không được vào điện thí. Năm ấy, ông hỏng thi. Là may hay rủi, đó là tùy miếng đất ta đứng mà xét đoán. Sự thật thì năm ấy là năm rủi cho ông. Vì thi hội vừa hỏng thì Ninh Quận phu nhân mất, thọ sáu mươi tư tuổi. Năm ấy. Ông vừa ba mươi hai.
Hai năm sau, ông lại ứng thi, đỗ Tam Giáp Tiến Sĩ. Việc ông thi đỗ không có gì đáng nói lắm vì nó cũng như trăm nghìn cái thi đỗ khác. Nhưng về ông, có ba cái đáng chú ý.
Thứ nhất là họ ông đã hơn bốn mươi năm chưa có người đỗ đại khoa, chỉ có người đỗ trung khoa thôi. Cho nên, sự đỗ đại khoa của ông, người trong họ coi là một sự trùng hưng.
Thứ hai là đôi cấu đối của người họ Trịnh Danh Lâm - họ cái ông đồ bị ông đốt sách, phá nhà - mừng ông, nói gay gắt đến cả chuyện sang kiếm võ hiệp cũ của ông. Câu đối rằng: "Ngày nay áo mũ người đều trọng; buổi trước gươm đao chúng vẫn ghê!"
Thứ ba là ông thi đỗ ở lầu Ngũ Long, lầu mà nền cũ bây giơ vào khu chỗ các nhà Trung Ương Thư Viện, trại Hiến Binh (Gendarmerie). Con đường "hồi" của bước khoa giáp họ Nguyễn đã về quá nửa đường vậy. Còn bước sĩ hoạn của ông Nghè Thưởng. (Tôi quên, chưa nói rằng sau ông bỏ tên Bá đổi là Thưởng) Đây là cái tràng lý lịch của ông, kể ra cũng hơi tẻ, tẻ vì ta đã quen tai.
Ngay năm ấy bổ Hàn Lâm Viện Hiệu Thảo.
Sáu năm sau, nghĩa là năm Cảnh Hưng mười bảy, năm ông bốn mươi tuổi, thăng Giám Sát Ngự Sử. Được hơn một năm lại thăng Hiên Sát Sứ Nghệ An. Năm Cảnh Hưng hai mươi, thăng về kinh làm Hình Khoa Đô Cấp Sự Trung, tước Khánh Xuyên Nam. Năm Cảnh Hưng 22, thăng tước lên Khánh Xuyên Tử. Cũng năm ấy được cử tiếp sứ Tàu cùng với Binh Bộ Tả Thị Lang là Nguyễn Bá Lân. Sứ Tàu bấy giờ, chánh sứ là Hàn Lâm Thị Độc Đức Bảo và Đại Lý Tự Khanh Cố Nhữ Tu, Đức Bảo là người Mãn, Cố Nhữ Tu là người Hán. Hai người đều là tay danh sĩ Trung Quốc bây giờ. Ở Điêu Diệu Công Quán, nơi triều đình làm ra để tiếp sứ bộ, những bài xướng họa của ông phần nhiều được truyền tụng.
Năm sau thăng làm Sơn Nam Thừa Chính Sứ.
Năm Cảnh Hưng 26, được sung vào tuế cống sứ bộ làm giáp phó sứ.
Năm Cảnh Hưng 28, đi sứ về thăng Hàn Lâm Viện Thị Giảng, tước Khánh Xuyên Bá. Tháng tám năm ấy lại thăng lên Thị Độc. (Đời Lê, Thị Giảng, Thị Độc làm to hơn bây giờ).
Năm sau, thăng Nhập Thị Thiêm Sai, Tri Lại Phiên (Khi bấy giờ phủ chúa có sáu phiên, cũng như bên triều đình có sáu bộ; tri phiên là quan đầu phiên), lại kiêm chức giáo thụ Võ Cử Trường. Cách đó ít lâu, phụng mệnh xuống Sơn Nam dẹp giặc.
Năm Cảnh Hưng 31, thăng làm Tri Lễ Phiên, rồi phụng mệnh làm Tán Lý Nhung Vụ cùng Thống Lý Nhung Vụ (Thống Lý là ông tướng đứng đầu. Tán Lý là ông thứ hai) là Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vào Nghệ An đánh Lê Duy Mật. Trận núi Trình Quang ở Trấn Ninh, Lê Duy Mật thế cùng, cùng vợ con tự đốt chết. Vì có dự công ấy, được thăng làm Thừa Chính Sứ Thanh Hóa. Được mấy tháng lại về kinh, thăng làm Ngự Sử Đài Thiêm Đô Ngự Sử, Công Bộ Hữu Thị Lang, tước Khanh Xuyên Hầu.
Năm Cảnh Hưng 37, vì có công dẹp bọn giặc bể ở Thanh Hóa, được thăng làm Tham Lĩnh Nghệ An. Năm sau, lại lĩnh chức Chính Lĩnh thay Kiều Nhạc Hầu Nguyễn Khản.
Khi đó, họ Tây Sơn mới nổi ở phương Nam, vẫn có ý dòm dỏ đất Nghệ An. Một hôm, đồn Đông Hải cáo cấp. Hầu nghe tin, đồ chừng là Nam quân muốn do lối thượng đạo và hải đạo đi tắt ra dò hư thật đất Nghệ An. Hầu không cáo cấp về Kinh, cũng không báo cho hai trấn Thanh Hóa Thuận Hóa biết, cứ việc phân binh giữ hết các cửa bể, các đường núi. Quân Nam thấy Nghệ An có phòng bị, lại rút về. Việc ấy về tới Kinh, chúa Tĩnh Đô Vương khen rằng: "Khanh trông việc lanh lợi, lo việc tròn vẹn, thật là một người lão thành trì trọng" [2].
Vì thế, lại về Kinh làm Thị Lang, vẫn coi tòa Ngự Sử, lại kiêm công việc hai bộ Binh và Hình, tuy chưa là Thượng thư.
Năm Cảnh Hưng 41, vì cớ can chúa Tĩnh Đô Vương về việc dựng Vương Tử Cán, bỏ Thế tử Khải, Hầu bị biếm [3] ra làm Nghệ An Đốc Thị.
Khi mệnh ra, Hầu đương ốm. Nhưng cũng cứ đi. Năm sau mất ở Nghệ An, thọ sáu mươi tư tuổi. Chết rồi, chúa Trịnh mới hối. Đến năm chúa Trịnh Khải lên làm chúa, truy tặng cho Hầu là Binh Bộ thượng thư, Ngự Sử Đài Đô Ngự Sử.
Hầu có bốn con: trưởng là Nguyễn Đường, thứ hai là Nguyễn Xuân Chiêm, thứ ba là Nguyễn Noãn, thứ tư là Nguyễn Viêm.
__
[1] Tên nôm làng Vân Điềm.
[2] Nguyên văn: kiến sự chi mẫn, lự sự chi chu, chân thị lão thành trì trọng.
[3] Biếm: rétrograder.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện