[Việt Nam] Nàng Công Nữ Ngọc Vạn

Chương 23 : 23

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:56 20-12-2018

Không khí ở kinh thành Oudong sau vụ ám sát hụt thái hậu Ngọc vạn đã trở nên ngột ngạt nặng nề. Để đề phòng những âm mưu đen tối của bọn phản loạn, hoàng thân Outey cho tăng cường vệ binh canh gác rất kỹ những nơi trọng yếu. Nhiều đội binh thay nhau tuần phòng liên tục trên các đường giao thông. Dân chúng khi cần thiết phải di chuyển ban đêm đều phải thắp đèn, tuyệt đối không được mang vũ khí bất cứ loại gì. Ban ngày, khi nhà vua hay hoàng thân Outey đi đâu cũng lính tráng tiền hô hậu ủng rềnh rang hơn trước. Dân chúng phải tránh xa không được mon men bên đường dòm ngó như xưa. Sau khi thái hậu rời núi trở về, việc bảo vệ an ninh kinh thành càng được tăng cường hơn. Người ta tin với sự bố phòng an ninh chặt chẽ như thế, bọn bất hảo sẽ không làm gì được nữa. Năm Nhâm Thân, nhằm ngày giỗ vua Chey Chetta II, tất cả quan viên trong triều đều tập trung làm lễ ở nhà thờ hoàng tộc. Trong lúc thái hậu cùng vua Chau Ponhea To và các quan đang quì lạy dâng hương thì bất ngờ một mũi phi đao từ đâu phóng tới cắm phập vào gáy nhà vua. Ngài chỉ kịp "ối" một tiếng rồi ngã ra chết ngay tại chỗ. Các quan nhốn nháo hỗn loạn lên một hồi. Hoàng thân Outey lập tức ra lệnh bao vây ngay toàn bộ khu vực chung quanh nhà thờ hoàng tộc rồi cho tăng cường người để lục soát. Trong lúc quân lính đang lùng sục mọi nơi thì một người Tàu ăn mày rách rưới, què chân, nói ngọng chỉ tay vào một tòa dinh thự lớn mà nói: - Các ông cứ lục soát trong nhà này thì thế nào cũng bắt được tên thích khách. Chính mắt tôi trong khi nằm nghỉ bên vệ cỏ đã thấy một người Tàu trông dáng khả nghi, nhảy qua hàng rào nhanh như một con sóc chạy vào nhà này. Viên chỉ huy đám quân lính hỏi lại: - Ngươi nằm ở chỗ nào và thấy tên kia từ phía nào đến? Người ăn mày chỉ vào một lùm cây thấp ven đường: - Tôi nằm nghỉ ở nơi đó. Rồi gã lại chỉ tay về phía một ngôi nhà nằm đúng hướng thẳng về nhà thờ hoàng gia mà tiếp: - Tôi thấy hắn từ trên mái nhà kia nhảy xuống, băng qua đường và nhảy lẹ qua cánh cổng nhà này! - Hắn có thấy ngươi không? - Chỉ tôi thấy hắn chứ hắn làm sao thấy tôi được! Viên chỉ huy nhìn ngôi dinh thự rồi nói: - Đây là tư dinh của đại thần Mông Cun, không có lệnh của vua bố tôi cũng không dám cho lục soát! Mông Cun bấy giờ đang là một vị trọng thần trong triều. Trước đây ông là cánh tay phải của vua Soryopor, một người triệt để thân Xiêm. Khi thấy dân chúng Chân Lạp quá thù hận người Xiêm, muốn nổi loạn, vua Soryopor phải nhường ngôi cho con là vua Chey Chetta 2 thì Mông Cun cũng theo chiều gió mà đổi hướng. Sau này, thấy người việt sống tràn lan trên đất Thủy Chân Lạp, Mông Cun cũng như nhiều đồng liêu của ông đâm ra nghi ngại lo sợ. Thế là nhóm này ngầm kích động tinh thần độc lập của dân bản xứ cũng như lòng ganh tị của các sắc dân khác khiến họ thêm bất bình, oán ghét người việt. Lúc này tinh thần bài việt trong dân chúng Chân Lạp đang lên cao cho nên số người trong triều về hùa với Mông Cun cũng gia tăng. Do đó uy tín, thế lực của Mông Cun càng lớn. Vì thế, viên đội chỉ dám cho canh chừng ngôi dinh thự rồi hỏa tốc cho người về báo sự việc lên quan phụ chánh để xin chỉ thị. Hoàng thân Outey nghe báo bèn cử hoàng thân Nặc Nậu dẫn một đội vệ binh đến xem xét và giải quyết. Đến nơi, hoàng thân Nặc Nậu liền gọi tên ăn mày lại hỏi han cặn kẽ mọi điều. Ông thấy lời tên ăn mày có vẻ ăn khớp với sự kiện vừa xảy ra, lại cũng ăn khớp với mối nghi ngờ của một số quan lại trong triều về biến cố trước kia nữa. Thế là ông cho rải binh ra bao quanh cả ngôi dinh. Khi ấy đại thần Mông Cun ở triều cũng vừa về tới nhà. Thấy tình trạng như vậy ông bèn hỏi hoàng thân: - Thưa hoàng thân, vì cớ nào ngài lại cho lính vây kín nhà lão phu như vậy? Hoàng thân Nặc Nậu nói: - Xin quan lớn thông cảm cho, có kẻ cáo rằng tên thích khách giết vua đã trốn vào nhà ngài. - Như vậy hoàng thân cho rằng tôi chủ mưu hoặc chứa chấp tội phạm ư? - Tôi không dám đoan quyết như thế, nhưng chẳng lẽ có kẻ báo như vậy tôi lại làm ngơ sao được? - Thế bây giờ hoàng thân muốn gì? - Tôi nghe nói ở nhà ngài có một võ sư người Tàu, xin mời ông ấy ra đây cho tôi gặp mặt được không? - Thưa hoàng thân, nhà tôi trước đây có nuôi một vị võ sư để dạy con cháu thật, nhưng ông ấy đã về Tàu cả năm nay rồi! - Vậy bây giờ không có người Tàu nào trong nhà ngài nữa ư? - Nhất định không có! - Người ta báo cáo là người Tàu này mới đến nhà ngài sáng nay. Ngài ở triều mới về chưa kịp vào nhà làm sao biết được trong nhà hiện không có người Tàu nào? Tôi đành phải xin lệnh xét nhà ngài vậy! . Được, hoàng thân cứ tự nhiên, nhưng ngài nên nhớ rằng, xét nhà đại thần mà không tìm được bằng cớ gì thì ngài phải chịu hết trách nhiệm về sự vu khống bôi nhọ đại thần đấy! Đó là chưa nói ngài phải bồi thường những thất thoát vật chất do quân sĩ gây nên nữa. Hoàng thân Nặc Nậu nghe đại thần Mông Cun nói như vậy cũng đâm ra dật dờ. Chuyện đâu đã chắc ăn, nếu lỡ có lục soát mà không có tên Tàu nào trong nhà Mông Cun thì ăn nói làm sao? Hoàng thân toan cho người về xin thỉnh ý thái hậu Ngọc vạn hoặc quan phụ chánh thì tên ăn mày lại xin gặp ông. Nguyên sau khi nghe tên ăn mày khai cặn kẽ việc trông thấy tên nghi can ám sát nhà vua như thế nào, hoàng thân Nặc Nậu sai cấp áo quần, cơm nước cho gã và giữ gã lại để nhận diện nghi can khi cần. Giờ thấy hoàng thân Nặc Nậu định không khám xét nhà ông Mông Cun, gã ăn mày lại xin gặp hoàng thân lần nữa. - Sao, ngươi muốn gặp ta để nói gì nữa đây? Tên ăn mày thưa: - Thưa, tiểu dân xin lấy tính mạng mà bảo đảm tên sát nhân hiện ở trong nhà lão Mông Cun. Ngài cứ lục soát thế nào cũng bắt được hắn. Nếu tìm không có hắn, xin cứ chém đầu tôi đi! Hoàng thân Nặc Nậu lại hỏi: - Có thể nó có đến đây thật, nhưng nó lại đi nơi khác rồi thì sao? - Bẩm đại gia, nhất định nó còn ở đây mà! Hoàng thân Nặc Nậu vô cùng ngạc nhiên trước thái độ xác quyết chắc nịch của gã ăn mày. Tại sao gã này lại can thiệp vào một vụ án chết người mà gã chỉ là kẻ ngoại cuộc? Tất nhiên phải có một nguyên do! Nghĩ như thế rồi ông hỏi gã: - Ngươi là ai? Theo ta suy đoán, chắc ngươi biết lý lịch người Tàu này? Gã ăn mày ngẫm nghĩ chốc lát rồi thưa: - Ngài đã hỏi, tôi cũng xin thưa thật đầu đuôi để ngài rõ. Tôi là Điền Khang, người Sơn Đông, vốn làm nghề bán thuốc. Còn hắn tên Tống Căn, cũng người cùng quê với tôi. Trước đây, vì chuyện ân oán giữa hai gia đình, hắn ỷ mạnh đã giết mất cha tôi. Tôi hận lắm, nguyện phải trả thù bằng mọi giá. Thấy mình chưa đủ sức, tôi bán cả nhà cửa ruộng vườn, đi tìm thầy học võ. Hình như biết được ý nguyện của tôi, hắn cũng bỏ đi lưu lạc giang hồ. Sau nhiều năm dò tìm, tôi mới biết được hắn đang sống ở Chân Lạp. Thế là tôi băng bộ vạn dặm đến đây tìm hắn. May mắn tôi được gặp lại kẻ thù. Nhưng than ôi, bấy giờ tôi mới biết được tài mình vẫn còn dưới tay hắn. Thay vì giết hắn, tôi đã bị hắn đánh gẫy chân, trụt lưỡi rồi quăng xuống một dòng nước lũ. Tôi tưởng đời mình đã kết thúc, nhưng còn may, một hiệp sĩ người Đại việt đã cứu tôi, giúp thuốc men chữa vết thương cho tôi. Nghĩ rằng đời mình như đã bỏ rồi, nếu không trả thù được thì chết dưới tay hắn cũng cam. Thời gian gần đây, tôi dò biết chính hắn đang là một cánh tay đắc lực của đại thần Mông Cun, một kẻ đang mưu đồ đại sự. vì thế, tôi giả làm tên ăn mày lê lết ở đây để chờ cơ hội phục thù... Hoàng thân Nặc Nậu hỏi: - Thế là hắn cũng không hề biết ngươi còn sống? - Chắc thế. Hắn đã quăng tôi xuống dòng nước lũ đang chảy xiết cơ mà, làm sao hắn nghĩ ra tôi có thể sống được! - Thế vị hiệp sĩ cứu sống ngươi bây giờ ở đâu? - Bẩm, tôi chỉ tình cờ biết ông ta là người Đại việt qua tiếng nói khi ông ta nói chuyện với mấy người bạn của ông ta. Ông ấy người cao lớn, tôi có hỏi tên họ nhưng ông ta không nói. Sau khi tôi đã lành vết thương thì chúng tôi chia tay. Bây giờ tôi cũng không biết ông ấy ở đâu nữa. Ngừng một chút, gã ăn mày nói thêm: - Muốn chắc, ngài nên cho võ sĩ canh chừng trên mái nhà thật kỹ. Nó có thể thoát bằng đường đó! Nó cũng có nhiều đệ tử giỏi nữa, ngài nên gọi thêm quân mới được! Thế là hoàng thân Nặc Nậu mạnh dạn quyết định lục soát nhà đại thần Mông Cun. Ông cho gọi tăng cường thêm quân, vây kín cả khu vực. Ông còn cho một số võ sĩ thay nhau canh chừng cả trên nóc dinh thự. Sau đó, ông thân hành dẫn người vào dinh tiến hành cuộc lục soát. Thấy toán vệ binh theo chân hoàng thân Nặc Nậu tiến vào nhà, đại thần Mông Cun chận lại phản đối: - Hoàng thân nên biết rằng, nếu cuộc xâm phạm tư gia của đại thần này mà không kiếm ra được thích khách thì hoàng thân mắc tội lớn đấy nhé! Hoàng thân Nặc Nậu dõng dạc: - Dĩ nhiên ta đã làm ta sẽ chịu trách nhiệm chứ sao! Điều ta yêu cầu ngài là không được để người nhà làm trở ngại công việc của các viên chức triều đình. Nếu ngài vô tội, ngài muốn kiện cáo ra sao thì kiện! Thế rồi đám lính lục xét gần hết những chỗ khả nghi trong dinh thự. vẫn không có kết quả gì. Cuối cùng, chỉ còn một vuông gác nhỏ sát trần nhà, muốn lên đó phải bắc thang, là chưa xét được. Hoàng thân Nặc Nậu có vẻ phân vân nhìn vuông gác ấy. Đại thần Mông Cun thấy vậy cười xuề xòa chỉ lên nói: - Nơi đó là chỗ tôi cất một ít đồ đạc quí giá cùng một số sách cổ, chắc hoàng thân không nghi có người ẩn núp được chứ? vậy là hoàng thân khám xét thỏa mãn rồi nhé! Hoàng thân vì việc nước mà chẳng nể tình tôi chút nào nhưng tôi không vì thế mà buồn hoàng thân đâu. Giờ sao hoàng thân còn đợi gì mà chưa cho lính tráng ra ngoài để người nhà chúng tôi thu xếp đồ đạc lại? Hoàng thân Nặc Nậu nói: - Vuông gác đó tuy không thể ăn ở ngủ ngáy lâu dài được nhưng một hai người ẩn núp tạm thời cũng được chứ? Phiền ngài cho người dẫn nhân viên công lực lên xem một chút cho xong chuyện! Mình trong sạch thì đâu ngại gì? Đại thần Mông Cun nổi giận: - Hoàng thân ép người quá đáng đến thế ư? Ngài muốn xét cứ tìm cách lên đó mà xét! Tôi đã báo cho ngài biết rằng đó là chỗ tôi chứa đồ gia bảo, ngài cần cứ lên hay sai thuộc hạ lên đó mà lấy đi! Hoàng thân Nặc Nậu nghe nói thế bực lắm, nhưng nếu cứ làm găng mà lỡ không có gì thật thì ăn nói ra sao! Ông bèn giả lả: - Chẳng qua tôi cũng chỉ muốn làm cho sáng tỏ sự trong trắng của ngài thôi chứ ép uổng gì! Nếu ngài không vui lòng thì thôi, tôi sẽ cho rút quân. Thế rồi hoàng thân bước ra ngoài, ông giận mình bợp chợp nghe lời tên ăn mày Điền Khang đến nỗi hành động hơi lố. Ông đang bực bội chưa biết tính sao thì Điền Khang lại xin ra mắt nữa. Hoàng thân lấy làm kỳ cho gọi đến ngay, trách: - Ngươi đặt điều nói lôi thôi làm ta vừa mất mặt vừa chuốc thêm oán hận, bây giờ còn muốn nói gì nữa? Điền Khang thưa: - Tôi xin đem cái đầu tôi để bảo đảm Tống Căn vẫn còn ở nhà lão Mông Cun. Đằng nào ngài cũng lỡ làm mất lòng lão Mông Cun rồi còn ngại gì nữa. Tên Tống Căn nếu không ở vuông gác trên trần thì cũng ở một hầm bí mật nào dưới đất trong dinh. Ngài cứ cho lính canh chừng riết tới ngày mai ngày mốt thế nào nó cũng phải lộ diện! Vị hoàng thân nghe nói có lý, ra lệnh cho lính canh chừng cả trong lẫn ngoài dinh thự. Buổi tối, một toán lính dọn chỗ ngay dưới vuông gác chứa sách và bảo vật của Mông Cun để ngồi uống nước. Chúng vừa uống được vài hớp thì một tên kêu lên: - Mẹ kiếp, con thằn lằn ỉa ngay trên trán tôi! Hắn đưa tay lên quẹt đi. Nhưng rồi hắn lại kêu: - Mẹ nó, ỉa gì mà ỉa hoài vậy? Hắn lại đưa tay lên quêït rồi đưa lên mũi ngửi, hắn khịt khịt: - Thằn lằn gì mà ỉa toàn cứt nước lại hôi xon như nước tiểu! Tên lính toan đứng dậy tránh đi nơi khác thì hai giọt nước nữa liên tiếp tróc vào trán y dội bắn tung tóe. Những người ngồi gần đó đồng loạt kêu lên: - Mùi nước tiểu anh em ơi! Khai thấy mẹ! Một người nhảy ra chỉ ngay lên vuông gác: - Có người ở trên đó thật rồi! Nó bí đái phải són ra nên giọt xuống đây chứ gì? Thế là cả dinh thự được báo động. Hoàng thân Nặc Nậu liền truyền quân canh chừng đại thần Mông Cun và tất cả những người trong nhà. Đồng thời ông cho thắt chặt vòng vây và dõng dạc kêu gọi tên thích khách ra hàng. Một chốc sau quả có tiếng trả lời từ trên vuông gác: - Ta đã phạm tội đại nghịch giết vua há lẽ ra đầu hàng lại được tha ư? Ta không ngu đâu! Đừng kêu gọi vô ích! Hãy làm cách nào để giết ta bọn ngươi cứ thử xem? Ít nhất mạng này cũng đổi thêm được ít mạng nữa! Xin mời! Thế là cả nhà đại thần Mông Cun lập tức bị bắt. Nhưng người chỉ huy quân triều đình rất bối rối vì vị trí có tính cách "hiểm địa" của tên thích khách. Nếu bắc thang để tấn công thì người leo thang có khác chi làm mục tiêu cho hắn, ai dám đi đầu? Nếu bao vây mà chờ thì người ở dưới có thể bị hắn bất ngờ phóng phi đao giết hại. Ngón phi đao thần sầu của hắn đã giết tươi vua Chau Ponhea To ai mà chẳng ngán? Chỉ có cách đốt nhà mới mong diệt hắn nhanh gọn nhưng lại tiêu mất ngôi dinh thự đáng giá kia. Lại biết đâu trong khi lửa cháy mịt mù, trong thế đường cùng hắn có thể liều lĩnh thoát được vì hắn là một cao thủ phi hành? Chẳng lẽ một kẻ võ nghệ siêu quần như hắn lại chịu ngồi chờ đến khi đuối sức mà chết? Mọi người đang suy nghĩ nát nước để tìm một phương pháp triệt hạ hắn mà giảm thiểu được thiệt hại thì lại có tiếng từ trên vuông gác nói xuống: - Ta là Tống Căn, người đã phóng dao giết vua Chau Ponhea To, ta sẵn sàng nạp mạng với một điều kiện, các người có chấp thuận không? - Điều kiện gì? - Ta còn có một mẹ già đang ở Oudong là người thân duy nhất. Xin đừng làm hại tới bà vì bà không có gì nguy hiểm cho các người cả. Sau khi ta chết, xin giao xác ta cho mẹ ta thiêu đốt thế nào tùy bà. Nếu vị nào đại diện cho triều đình chịu hứa thực hiện điều ước đó, ta sẽ xuống nôïp mình. Hoàng thân Nặc Nậu nghe điều kiện của tên thích khách đưa ra cũng không có gì là quá đáng. Điều quan trọng là phải diệt mối nguy hiểm ở chính nó, đây là cơ hội để giảm thiểu thiệt hại nhất còn mong gì hơn nữa! Nghĩ thế rồi hoàng thân nói lớn: - Ta là hoàng thân Nặc Nậu tuyên bố trước ba quân: Tên tội phạm thí nghịch Tống Căn xin nộp mình với điều kiện triều đình không làm tội bà mẹ của y. Sau khi tội phạm thọ hình, thân xác y được giao trả cho mẹ y lo việc thiêu đốt. Ta xin thay mặt triều đình Chân Lạp chấp thuận yêu cầu của tội phạm Tống Căn! - Vậy, xin hoàng thân cho tránh ra một khoảng trống bên dưới cho tôi nhảy xuống! Chốc sau, tên thích khách cao lớn tay không cầm vũ khí, không một cử chỉ kháng cự, đã xuất hiện trước mắt mọi người. Quân sĩ vui mừng xúm quanh y tới mấy vòng. Hắn thản nhiên đưa tay cho quân lính trói lại rồi dẫn ra bên ngoài. Hắn được điệu tới trước mặt hoàng thân Nặc Nậu. Hoàng thân hỏi: - Ngươi tên là Tống Căn? - Thưa đúng, tôi là Tống Căn... Bỗng có tiếng người từ bên ngoài kêu lớn: - Hoàng thân lầm rồi, nó không phải là Tống Căn đâu, nó là tên giả mạo thôi! Người kêu lên đó chính là Điền Khang. Hoàng thân liền hỏi Điền Khang: - Ngươi chắc chắn hắn không phải là tên Tống Căn chạy vào nhà này sáng nay? Sao lại như vậy được nhỉ? - Bẩm, quả vậy! Hắn chỉ là tên mạo nhận Tống Căn thôi! Xin ngài cho tìm bắt Tống Căn ngay kẻo nó thoát mất! Hoàng thân Nặc Nậu giận dữ quay sang tên bị trói: - Vậy mày là ai? Tống Căn đâu rồi? Tại sao mày dám mạo nhận là Tống Căn? Tên bị trói cười ngạo mạn: - Bây giờ thì Tống Căn đã đi xa rồi còn đâu mà tìm! Ta thế mạng hắn vì hắn cần sống để cứu nước Chân Lạp! Thật ra ta chỉ đánh lừa bọn ngươi thôi chứ thế mạng gì đâu. Không lý bắt được hắn các ngươi lại tha cho ta? Biết bị mắc mưu rồi hãy giết ta đi, hỡi tên hoàng thân bán nước ngu ngốc kia! Hoàng thân Nặc Nậu giận điên lên, ông đâm một nhát kiếm lút ngực tên tù. Hắn ngã xuống mà không kêu một tiếng. Hoàng thân lại truyền lệnh tìm gấp tên Tống Căn nhưng quả thật hắn đã mất tăm tích. Thì ra, trong lúc tên Tống Căn giả hiệu nhảy xuống chịu trói, những võ sĩ mai phục trên mái nhà tưởng đã xong việc đều nhảy xuống đất hết. Tống Căn lợi dụng dịp này phá thủng một mảng ngói trên nóc mà thoát thân mất rồi. ° Hôm sau, triều đình tổ chức lễ tấn phong cho hoàng tử Nou, em vua Chau Ponhea To, với sự tham dự của thái hậu Ngọc vạn và hoàng thân Outey. Hoàng tử Nou lên ngôi vua lấy hiệu Chau Ponhea Nou. Tiếp đó, triều đình mới tổ chức tang lễ cho vua Chau Ponhea To. vua Chau Ponhea To mất lúc mới mười một tuổi, làm vua được 4 năm, chưa lập gia đình. Tấn phong tân vương xong, triều đình Chân Lạp liền cử hoàng thân Nặc Nậu điều tra vụ án giết vua Chau Ponhea To. Nhưng hoàng thân Nặc Nậu chưa kịp thi hành lệnh thì lão Mông Cun đã tự tử trong ngục. Hoàng thân chỉ còn cách là đem những người trong gia đình Mông Cun ra tra hỏi. Họ đều khai rằng Mông Cun có nuôi hai võ sư người Trung Hoa là Tống Căn và Trịnh Bạt ăn ở trong nhà. Trịnh Bạt chính là người đã bị hoàng thân Nặc Nậu giết vừa rồi. Họ cũng khai có nhiều người Hoa hay lui tới giao thiệp với Mông Cun nhưng họ không rõ nội dung các cuộc giao thiệp. vì thế, triều đình có nhiều người đoán rằng người Trung Hoa muốn giúp Mông Cun gây thế lực để tạo dựng một triều đình thân Trung Hoa. Một số khác thì cho rằng đó chỉ là âm mưu của một thế lực thân Xiêm. Chánh phạm Tống Căn là một tay võ nghệ siêu quần còn ở ngoài vòng nên triều đình Chân Lạp hoang mang lo sợ lắm. Cuối cùng, cả gia đình Mông Cun đều bị xử tử. Triều đình cũng ra lệnh theo dõi kỹ những gia đình người Trung Hoa sống trên đất Chân Lạp. Một lần nữa, manh mối về vụ án lại coi như bị cắt đứt.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang