[Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Chương 2 : Diệt Hồng Ninh, Bình An vương rước vua về đô cũ, Rời Thuận Hóa, Nguyễn thái úy lại ra Bắc chầu mừng.

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:07 28-08-2018

Lại nói năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ sáu (1583), tháng ba, vua Mạc Hồng Ninh lại đem quân tiến đánh. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng sai quân đánh lại, phá tan được. Tháng chín, tướng Mạc là Chấn quận công lại đem quân đánh xuồng để báo thù lần thua trước. Tướng Mạc chia quân đóng trại, quân thủy bộ tiếp liền nhau. Đô tướng Trường quốc công sai quân đón đánh quân Mạc ở nơi Đường Nang (1). Quân của Chấn quận công bên Mạc thua lớn phải chạy lui về phía sau trận. Quận Chấn chưa chạy được mấy dặm thì bị tướng Trịnh là quận Miễn đuổi kịp, bắt sống đem về nộp. Trường quốc công ra lệnh chém đầu. Quân Mạc chết trận đến quá nửa, số bị bắt làm tù binh nhiều không đếm xuể. Đô tướng Trường quốc công vốn có đức hiếu sinh, cấp cho cơm ăn áo mặc, cho về quê hương bản quán. Quân lính nhà Mạc vái vọng tạ ơn, rồi ai về làng nấy. Dân Hoan, Ái (2) hai xứ lại được yên ổn như xưa. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng lại cất quân đi đánh lấy hai huyện Yên Khang và Yên Mô (3), đặt quân đóng đồn ở núi Kiềm Tu. Nhà Mạc lại sai quân đến đánh. Trường quốc công Trịnh Tùng cho quân mai phục hai bên bờ sông ở khoảng chùa Điền. Quân hai bên đánh giữ giằng co đến hơn mười ngày, Đô tướng Trường quốc công thấy vậy hạ lệnh thu quân về. Tướng Mạc tưởng quân Trịnh khiếp sợ liền thừa thế đuổi theo, đến chỗ có rừng rậm che khuất, đang lúc không đề phòng, bỗng nghe tiếng súng nổ vang, quân của Trường quốc công mai phục hai bên sườn núi liền nổi dậy xông vào giáp chiến. Quân Mạc thua to, tán loạn tìm đường chạy trốn, số chết tại trận rất nhiều. Những tên sống thoát tìm đường trốn về. Từ đó trong cõi được yên. Năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Hưng thứ chín (1586), đô tướng Bắc triều là Trường quốc công Trịnh Tùng sai quan là hiến sát sứ Nguyễn Tạo vào hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đo khám ruộng đất để thu thóc thuế. Hiến sát sứ Nguyễn Tạo vâng mệnh vào Thuận Hóa, đến công dinh yết kiến Đoan quốc công. Chúa xuống dưới thềm đón tiếp, mời vào trong trướng, chia ngôi chủ khách cùng ngồi nói chuyện. Rồi chúa sai mở tiệc khoản đãi, thăm hỏi chăm sóc Tạo rất ân cần, ngày đêm không rời nửa bước. Hiến sát sứ Nguyễn Tạo thấy chúa Nam tiếp đón mình trọng hậu, trong lòng rất cảm phục. Những khi trò chuyện với chúa, Tạo thường tỏ ý khuyên chúa biệt lập cơ đồ. Tạo lưu lại ở Thuận Hóa khoảng năm, sáu tháng không vội về Bắc, cũng chẳng buồn bước chân ra đến đồng ruộng. Chỉ truyền cho các quan phủ huyện sửa sang biên chép điền bạ (sổ ruộng) nộp lên, Tạo chỉ xem lướt qua cho biết ruộng đất tốt xấu, lại tự mình cắt giảm đi phân nửa rồi mới đệ trình cho chúa Nam để theo đó thu thuế mà cấp phát cho ba quân. Nguyễn Tạo nấn ná ở lâu tại Thuận Hóa sợ đắc tội với triều đình, bèn cáo từ để về Bắc. Chúa lưu luyến, tỏ cách rơi lệ cầm tay Hiến sát xứ Nguyễn Tạo mà nói rằng : - Ta nay được gặp ông ở đây thật duyên may như rồng mây cá nước, khôn xiết vui mừng. Muốn lưu ông lại đây để cùng đàm đạo cho thỏa tâm tình. Nhưng ông từ biệt ra về khiến cho ta lòng rối như tơ vò, đau tựa dao cắt. Ông nỡ rời bỏ ta mà về chăng ? Hiến sát sứ Nguyễn Tạo nghe xong sụp quỳ khóc lớn, thưa rằng : - Thần vâng mệnh lớn của triều đình, đi về minh bạch, không thể ở lâu. Thần xin trở vè Bắc trả lại ấn thao (4) rồi sẽ trở vào xin giúp rập minh công, không dám quên ơn minh công lượng cả. Chúa nghe đoạn bèn sai mở tiệc khoản đãi Nguyễn Tạo, khi lên đường, chúa theo tiễn chân hai dặm mới chia tay. Hiến sát sứ vái vọng cáo từ trở về Bắc, bấy giờ chúa mới trở về công phủ để xử lý công việc. Từ đó, trong cõi thường gặp mưa hòa gió thuận, lúa thóc được mùa, dân chúng mừng vui. Ngoài đường không ai nhặt của rơi, phần nào có dáng dấp cảnh tượng thái bình. Lại nói năm Tân Mão, niên hiệu Quang Hưng thứ mười bốn (1591), tháng giêng, đô tướng của Bắc triều là Trường quốc công Trịnh Tùng cất quân đi đánh dẹp miền Sơn Tây, đến chùa Ngô Sơn dừng lại đóng quân, chia doanh đặt trại, thủy bộ tiếp ứng cho nhau, đội ngũ chỉnh tề. Vua Mạc Hồng Ninh nghe tin liền chia quân đi chặn địch. Hơn hai tháng đôi bên đánh nhau mấy trận không phân thắng bại. Tháng hai, ngày hai mươi bảy, đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng suy nghĩ mưu kế dụ địch, bèn hạ lệnh nói phao lên rằng : vì hết lương ăn nên phải rút quân. Trước hết sai người đưa xe lương về theo đường tắt, phao tin cho bên Mạc biết để dụ chúng đưa quân đuổi theo đánh úp. Lại mật truyền cho thái phó Dương quốc công Nguyễn Hữu Liêu đem một nghìn quân bí mật tiến vào chân núi xem xét địa hình, tìm nơi hiểm yếu để đặt phục binh. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng tự dẫn đại quân tiến đến đóng quân ở xã Phấn Thượng (5). Ngày hai mươi tám, giờ Dần, Mạc Hồng Ninh cả phát quân lính người ngựa tiến thẳng đến dàn trận trước doanh trại quân Trịnh và chia quân tỏa đi vây bọc bốn phía. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng nghe tin báo cả cười rằng : - Bọn giặc kia chàng hiểu việc binh, ếch ngồi đáy giếng lại muốn khoe khoang sức mạnh ? Thế là lọt vào bẫy của ta rồi. Nói đoạn vào trong trướng gọi họp các tướng để sai phát. Lệnh cho hai doanh Thận Nghĩa và Khuông Nghĩa tiến quân hai cánh tả hữu; doanh Tuấn Nghĩa làm quân tiên phong; hai doanh Tráng Nghĩa, Sùng Nghĩa tiến sau làm hậu ứng. Bấy giờ bên Mạc sai hai tướng An Nghĩa và Khuông Định xuất quân đánh ập vào. Giờ Ngọ, hai tướng đem quân ra đánh. Các tướng bên Trịnh cười nói : "Phép đánh trận phải đợi thiên thời. Chưa đến thời thì chớ có vội". Các tướng đều lặng yên. Đến giờ Thân, đô tướng Trường quốc công hạ lệnh xuất quân đánh gấp. Các tướng được lệnh nhất tề dẫn quân xốc tới. Tướng Mạc là An Nghĩa, Khuông Định trễ nải không phòng bị, trở tay không kịp, đều bị chém đầu trước trận. Quân Mạc bị giết rất nhiều. Các đạo quân Trịnh thừa thắng đuổi dài đến tận sông Hát (6), vua Mạc Hồng Ninh sự hãi mất mật, quay đầu chạy bừa về phía Bắc, khi đến gần chân núi bị phục binh của Dương quốc công xúm vào vây đánh. Mạc Hồng Ninh cả kinh liều thân chạy thoát. Đô tướng Trường quốc công xua quân đuổi theo. Bỗng có một tên quân chạy ngựa đến bảo rằng tướng Mạc là thường quốc công đã cho đặt phục binh ở xã Phấn Hạ để chẹn phía sau. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng hay tin bèn hạ lệnh phát quân tiến đánh. Tướng Mạc là Thường quốc công biết mưu bị lộ, đang đêm bỏ quân trốn về Đông kinh. Trường quốc công đánh thắng, thu quân về đóng trại ở huyện Yên Sơn [7]. Đô tướng Trịnh Tùng sai quân đi thám thính tình hình quân Mạc. Quân do thám trở về báo Mạc Hồng Ninh chiếm đóng quân ở xã Yên Thạch [8]. Trịnh Tùng bèn sai chọn một trăm con voi đực, sai thái phó Dương quốc công lĩnh ba nghìn quân, cùng voi và ống lửa, súng lửa, nhân ban đêm tiến đánh, bắn vào doanh trại để phá tan quân Mạc. Dương quốc công vâng lệnh, đang đêm dẫn quân tiến thẳng đến doanh trại quân Mạc, xua đàn voi chiến và bắn ống lửa, súng lửa vào đốt trại. Quân Mạc không chống cự nổi, tán loạn khắp nơi tìm đường tẩu thoát. Mạc Hồng Ninh cả sợ, một mình chạy trốn về Đông kinh. Đến đồn Nhị Hà, Mạc Hồng Ninh lại chiêu tập tàn binh để mưu đồ khôi phục, nhưng gặp khi năm hết tết đến đành phải đóng binh bất động. Người đời sau có thơ vịnh rằng: Ào ào đảng Mạc dấy đao binh. Khắp núi đầy đồng trống thúc nhanh. Trường quốc vung đao xua nghịch tặc. Hồng Ninh vứt giáp chạy Đông kinh. Nhị Hà đêm trốn nghe vượn khóc, Yên Thạch canh khuya tiếng nhạn vang. Khen khéo chồn ranh khoe võ mép, Nghe xa cọp rống ắt hồn kinh ! Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ mười lăm (1592), mùa xuân, ngày tiết Nguyên Dương [9], đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng cùng các quan văn võ và các tường hướng về phía hành tại của vua Lê kinh vái chúc mừng. Trường quốc công Trịnh Tùng mở tiệc lớn khoản đãi các tường, hi cuộc rượu ngà ngà say, Tùng báo các tướng rằng : -Bọn ta vâng chiếu lệnh của thiên tử dẹp trừ giặc dữ, quét sạch gian tà. Nay giặc Mạc chưa yên, ta muốn cất quân đi đánh, tiễu trừ cho biết loài sói lang. Chưa hay ý các tướng thế nào? Các tướng đều đứng dậy chấp tay bẩm rằng: -Bọn thấp hèn chúng tôi được hưởng tước lộc nhà vua, ai nấy đều nhờ ơn nặng của nước nhà. Nay ngụy Mạc đánh giữ đều không xong, chính là lúc bọn chúng đang tan rã. Chúng ta không nhân lúc này mà đánh phá thì còn đợi đến bao giờ ? Xin mình công xuống lệnh chia quân, bọn chúng tôi xin tùy cơ đánh dẹp, diệt trừ hết đàng nghịch, lấy lại Đông kinh. Ý nguyện của chúng tôi là như thế ! Đô tường Trường quốc công cả mừng. Thế là qua ngày mùng hai tết, dời quân đến đóng ở Ninh Giang [10]. Ngày mồng năm, từ sáng sớm các đội quân thủy bộ voi ngựa và đội Hùng tượng tiến thẳng đến Nhân Mục[11]. Đến giờ Ngọ lại tiến quân đến trận địa để xem xét tình thế quân giặc nhiều ít hư thực ra sao, Giờ Thân lại rút quân về Ninh Giang. Đô tường Trường quốc công đứng trước trướng gọi các tướng đến họp bàn, Trường quốc công nói: -Giặc Mạc chiếm đóng thành Đại La, cậy nơi hiểm yếu. Nhưng nơi đây đường đi thông suốt bốn phương tám hướng. Bọn kia không hiểu binh pháp, việc phá thành chẳng có gì khó khăn. Ta có một kế lấy thành Đại La dễ như trở bàn tay… Nói đoạn bèn lệnh cho thái phó Dương quốc công dẫn ba nghìn quân làm tiên phong. Hai doanh Tráng Nghĩa và Sùng Nghĩa làm tả xung vệ trận tiến quân theo đường Cầu Dừa. Hai doanh Trấn Nghĩa, Khuông Nghĩa àm hữu xung vệ trận, tiến thưo đường Ống Mác, Nguyệt Áng. Trường quốc công nói: -Ta đích thân dẫn đội chính binh tiến theo đường Cầu Giền. Doanh Trấn Nghĩa [12] đi sau để tiếp ứng. Hẹn đêm nay từ lúc canh ba dậy sớm dẫn quân thẳng tiến, nhất loạt cùng vào đánh phá. Ai vào thành trước được xếp công đầu, kẻ nào trái lệnh xử theo quân pháp! Các tướng nghe lệnh ai nấy đều lui về doanh trại chuẩn bị trận đánh. Đến ngày mồng sáu, tướng cầm quân các đạo theo đúng thứ tự đã ghi trong bản đồ, lần lượt đem quân đến thành Đại La. Chỉ thấy: Cờ xí rợp đất, gươm giáo buốt sương Voi ngựa đầy non xanh, thuyền mành che nước biếc. Sừng trống dồn rúc [13] rung đất, chiêng khua sấm động trời Dương oai tựa sấm rền chớp giật, diễu võ như gió táp mây cuốn. Người người béo khỏe, ai nấy oai hùng. Giặc Mạc làm sao chống nổi ! Thế là các đạo quân nhất tề xốc tiến đến thành Đại La, chia binh đánh vào rất gấp. Tướng Mạc là thái phó Thường quốc công [14] đem quân ra chống cự. Hai bên giao chiến một hồi lâu, sắp phá được thành. Quân Mạc thua to, chết tại trận nhiều không đếm xuể, số còn lại tán loạn chạy trốn. Thường quốc công cả kinh, vội giả làm một tên lính trà trộn trong đám loạn quân tìm đường thoát. Đang nghĩ cách ẩn náu, bỗng gặp quân tiên phong bên Trịnh, Thường quốc công liền bị bắt giữ. Quân Trịnh không biết mặt Thường quốc công bèn bảo nhau cắt mũi đem nộp để tính công. Thường quốc công cắn răng chịu đau, rồi cứ thế nhằm vào phía núi sâu mà chạy trốn. Chẳng may lại bị gặp phải thái phó Vinh quốc công [15], Thường quốc công bèn bị bắt sống đem về. Mạc Hồng Ninh thấy tình thế nguy cấp vội bỏ thành chạy gấp sang huyện Phượng Nhãn [16]. Các đạo quân của Trường quốc công bèn hạ thành Đại La, phóng hỏa thiêu hủy cung điện phố phường, phe đảng nhà Mạc bị giết … hết. Quân Mạc chết trận máu nhuộm đỏ sông Nhị Hà, thây trôi đầy bãi cát. Đô tướng Trường quốc công Trinh Tùng hạ lệnh treo bảng chiêu an, cấm quân lính không được phá phách cướp bóc của cải, giết hại nhân dân, trong thành lại được giữ yên như cũ. Trường quốc công thăng trướng, tướng cầm quân các đạo đều tới dâng công. Thái úy Vinh quốc công Hoàng Đình Ái dẫn tướng Mạc Thường quốc công vào dâng nộp. Trườn quốc công Trịnh Tùng thấy Thường quốc công bị cắt mũi rất lấy làm thương xót, bèn cời trói đưa vào trong trướng an ủi vỗvề, chẩn cấp cho rất hậu. Quân lình bên Mạc bị bắt đều được cấp cơm áp rồi tha cho về. Đô tướng Trường quốc công đi tiểu trừ các nơi ở La thành đề phòng đồ đảng họ Mạc tái tụ. Người đương thời có thơ vịnh rằng: Sâu ong tụ tập đã bao sinh, Một trận uy phong quét sạch sanh. Mậu Hợp thân cô chuồn Phượng Nhãn. Quận Thường mất mũi khốn La Thành. Gươm đao vùng vẫy khói lang tắt [17]. Ngựa chiến nhanh bon cõi thái bình Khen khá Trường công ơn trạch xuống, Ngời ngời đức sáng đên thương sinh. Khi trước tướng Mạc là Văn Phái hầu Nguyễn Quyện nghe được bài thơ sấm bốn câu chưa hiểu ý nghĩa ra sao. Thơ nói: Tam ngũ chi thời, Hắc long ngộ hổ, Quân tiễu Long thành, Sinh cầm đại vũ. Nay phá được thành Đại La, các nhà nho cùng với Nguyễn Quyện mới giải thích được ý nghĩa của bài thơ sấm ấy: “Tam ngũ chi thời” tức là năm Quang Hưng thứ mười lăm. “Hắc long” (rồng đen) tức là năm Nhâm Thìn [18], “Ngộ hổ” (gặp hổ) là nói về tháng giêng [19]. “Quân tiễu Long thành” là nói quân nhà Lê phá thành Đại La tức thành Thăng Long. “Sinh cầm đại vũ” là chỉ vào Trường quốc công vậy. Lại nói tháng ấy, đô tướng Trường quốc công Trinh Tùng san phá thành Đại La, quét trừ nghịch Mạc, quân dân mới hơi được tạm yên. Bấy giờ đô tướng lại đem quân về đóng ở Ninh Giang, sai quân đi thám thính tin tức Mạc Hồng Ninh, Thường quốc ở lại trong quân nửa tháng rồi ốm chết. Trường quốc công rất thương xót, cấp tiền bạc, gấm vóc điều phúng, sai người đem về quê nhà làm lễ an táng. Bấy giờ Trường quốc công đã lấy được hai xứ Sơn Tây và Sơn Nam, lập được công lớn, bèn đem quân về đóng doanh ở phủ Yên Trường, trấn Thanh Hoa [20], sai quan đem lễ vật đến bái yết lăng điện các vua triều trước. Trường quốc công cùng các quan văn võ vào triều bái yết kiến thiên tử ở thềm son. Vua xuống dưới thềm vỗ về úy lạo, nói rằng: -Khanh năm nay dẹp yên hung đồ, quét trừ ngụy đảng, chinh chiến vất vả, công lao thật to lớn, trẫm không biết lấy gì báo đáp. Công của khanh dẫu là kẻ anh hùng thời xưa cũng khó sánh tày. Trường quốc công vái tạ tâu rằng: -Thần đội nhờ uy đức bệ hạ, dựa vào các tướng hùng cường, ba quân sắc mạnh, thành công ngày nay không phải do tài năng của thần, thần đâu dám được nhận lời ban khen của thánh thượng ! Vua nghe tâu, cười bảo rằng: -Từ xưa đã có câu “Hữu đức bất cư, hữu công bất phạt” [21] ấy là nói về khanh đấy. Trường quốc công vái tạ, vua bèn sai mở yến tiệc thưởng công, úy lạo các tướng, khao đãi ba quân. Yến tiệc xong, các tướng ai nấy đều trờ về bản doanh. Từ đó đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng truyền lệnh cho các tướng luyện tập quân sĩ, chuẩn bị chiến cụ và binh lương đủ dùng trong khoảng hơn sáu bảy tháng. Thượng tuần tháng tám có tướng Mạc là Bùi Văn Kháng tìm đến quân doanh của đô tướng thưa rằng: -Cha thần là Sơn quận công Bùi Văn Khuê người huyện Gia Viễn [22] làm tướng nhà Mạc. Vì thấy vua Mạc Hồng Ninh bản tính say đắm tửu sắc, giết hại trung thần lương tướng, tin dùng bọn xiểm nịnh gian tà, liệu thế nhà Mạc tất không được lâu. Nay nghe tin thánh chúa ở Biện hương [23] là người nhân từ độ lượgn, nạp sĩ chiêu hiền, thiên hạ kéo nhau theo về. Cha thần đã quyết chí đến hàng. Không ngờ cơ mưu không kín, bị đồ đàng họ Mạc dò biết, sai người hãm hại vây bức ở Điềm Giang [24]. Cúi xin chúa công sai quân đến cứu cho cha thần thóat về, thần nguyện hết lòng dương khuyển, trổ lực ngựa hèn, bết đất gan óc để đền đáp ơn đức chúa thượng, thỏa lòng giữ vẹn đạo vua tôi. Nghe Bùi Văn Kháng nói, Trường quốc công cả mừng bèn sai thái phó Vinh quốc công đem quân đến đóng ở bãi Lĩnh. Quân Mạc dò biết phải trốn về. Quận Sơn Bùi Văn Khuê thấy quân Mạc chạy tan, vội dẫn quân tùy tùng xông ra, tìm đến trại quân của Vinh quốc công. Hai người gặp gõ chào hỏi nhau xong, bèn cùng về yết kiến Trường quốc công, Sơn quận công Bùi Văn Khuê đến trước trướng vái chào, trần tình đầu đuôi việc mình bị vây khốn. Trịnh Tùng vui mừng sai mở tiệc khoản đãi, ban cấp cho Văn Khuê rất trọng hậu.Quận Sơn đứng dậy vái tạ, thưa : -Cúi xin minh công lại một phen xuất phát thiên binh, thần xin dẫn đường đi bắt Mạc Hồng Ninh dâng nộp để lập công khởi tiến. Đô tướng Trường quốc công nghe nói cả mừng, ban sắc phong cho Băn Khuê giữ chức quản thống binh dân các huyện ở phủ Trường Yên. Quận Sơn nhận chức, vái vọng tạ ơn. Trường quốc công bèn cho tiến quân đến phía nam sông Quyết. Tướng nhà Mạc là bọn Quỳnh quận công. Lộc quận công đều dâng thư xin hàng. Trường quốc công lại tiến quân đến đóng quân ở Cầu Tắc huyện Thanh Liêm [25]. Từ đó các tướng Nam đạo của nhà Mạc đều đem cờ xí, khí giới, voi ngựa, chiến thuyền đến trước cửa quân của Trường quốc công Trịnh Tùng dâng nộp xin hàng. Trường quốc công cả mừng, mở tiệc khoản đãi, cho ai nấy đều được giữ chức cũ. Các hàng tướng đều hồ hởi tuân phục. Đô tướng lại sai quân đi do thám tin tức quân Mạc. Lại nói quân Mạc từ lúc thua trận, lui về đóng giữ ở vùng Hát Giang, chiêu binh mãi mã, dựng lũy đắp thành để làm thế cầm cự lâu dài. Quân do thám trở về báo tin, Trường quốc công nghe xong bèn sai sắp sẵn binh lương, khi giới, voi ngựa đợi lệnh. Đến ngày mười bốn tháng mười, đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng dẫn quân thủy bộ thẳng tiến đến Hát Giang đánh lớn với quân Mạc. Tiếng súng nổ vang động trời đất, tên đạn vèo bay như sao vượt. Quân Mạc thua to, bỏ thành tan chạy, quân tướng đều không dám ngoái đầu lại, ai nấy đều lánh trốn tìm đường sống thoát. Tướng Mạc là Đà quốc công [26] một thân chạy thoát. Vua Mạc Hồng Ninh cả kinh, liệu bề khó chống cự nổi bèn giả làm một tên lính thường chạy gấp về huyện Phượng Nhãn, trong tay không một tấc sắt, không có quân hầu, thật đã đến bước đường cùng. Khi chạy đến chùa Mô Khuê, Hồng Ninh bèn cạo tóc giả làm sư để ẩn náu, người đời không ai biết. Ngày mười lăm, Trường quốc công đem quân đến Trường Yên, đóng trại ở xã Bát Cổ. Bề tôi nhà Mạc nghe tin đua nhau đến xin hàng.Trường quốc công tiếp đãi rất trọng hậu. Đến này mồng một tháng chạp lại sai Trà quận công [27], Liêm quận công đưa quân qua sông Nhị Hà lên huyện Phượng Nhãn tra hỏi dân huyện ấy tin tức Mạc Hồng Ninh trốn tránh nơi nào. Dân chúng đều nói :Trước đây có vua ngụy Mạc giả làm sư ẩn náu ở chùa Mô Khuê. Quận Trà nghe xong sai người về bẩm báo. Trường quốc công cả mừng. Ngày mồng ba, sai hai doanh Tráng Nghĩa, Sùng Nghĩa dẫn quân ập đến vây chặt chùa Mô Khuê, bắt thầy chùa đem ra xét hỏi họ tên quê quán. Mạc Hồng Ninh đáp: -Bần tăng người huyện Thạch Hà, xứ Nghệ An, bình sinh mến chuộng đạo Phật, cạo tóc đi tu, tháng ngày vân du non biển, gối tuyết nằm sương, không can dự việc đời, xem phú quý tựa bụi trần, coi công danh như cỏ rác. Chỉ mong vẹn thành chính giác để cứu vật giúp người, đối với hoàng triều không làm điều gì can phạm. Nay các ông bắt giữ bần tăng, chẳng hay vì cớ gì? Quan quân nghe nói thế đã toan tha. Nhưng trong bọn có kẻ biết xét đoán, thấy dáng mạo ông sư chẳng phải người thường, lại nói năng hoạt bát, trong bụng đã sinh nghi, bèn cứ trói tay giải nộp. Mạc Hồng Ninh tự liệu không thoát, bèn nghiêm giọng nói lớn: -Ta chính là Mạc Hồng Ninh, vua muôn thặng [28] thống trị cả nước. Nay không may sảy chân gặp bước đường cùng. Ta từng nghe kẻ làm vua thiên hạ, gặp bước loạn ly, chết không có điều gì oan uổng. Nay ta đến bước này, đó là vận số của ta như thế. Bọn người chỉ là hạng tiểu tốt, không được làm nhục ta. Quân lính nghe thế liền phi báo cho hai tướng biết. Trà quận công và Liêm quận công cả mừng, sai đóng cũi nhốt Hồng Ninh áp giải về kinh sư dâng nộp. Tới nơi, Hồng Ninh không chịu quỳ, Trường quốc công nghiêm giọng mắng: -Người là kẻ bề tôi tiếm đoạt ngôi vua, tội ngươi to tầy núi biển. Nay ngươi bị bắt, ấy là đạo trời báo ứng, còn muốn nói gì mà không chịu quỳ? Mạc Hồng Ninh cất tiếng đáp lại: -Ông nói sai rồi, ông không biết các đời Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống kế tiếp thay nhau hay sao? Huống chi nhà Lê lên ngôi nhân lúc họ Trần hết vận, nhà Mạc lên kế trị khi nhà Lê suy tàn, đó là lẽ phế hưng thông thường. Tuy là tiếm đoạt, nhưng ai là vua đó chăng, ai là bề tôi đó chăng? Mạc Hồng Ninh nói xong ngửa mặt lên trời cười vang. Trường quốc công nghe xong cả giận mặng : -Tên nhãi nhép điên rồ không biết ơn nuôi dưỡng lại còn khua môi múa lưỡi ! Nói đoạn hạ lệnh sai quân dẫn Mạc Hồng Ninh ra ngoài phía nam của doanh xử lăng trì [29] để răn đe dân chúng. Cho đến khi chết, Hồng Ninh vẫn còn chửi mắng không thôi. Từ đó đồ đảng họ Mạc nam nữ lớn bé đều bị tru diệt, thây chất như núi, máu chảy thành sông. Nhà Mạc mất. Chỉ còn người con thứ của Mạc Hồng Ninh là Mạc Đăng Mạo lánh trốn lên miền rừng núi Cao Bằng, lại tụ tập đồ đảng trộm chiếm xứ Cao Bằng, xưng hiệu là Long Thái vương. Triều đình nhiều phen sai quân đi đánh dẹp cho dứt hẳn. Chưa biết họ Mạc còn mất ra sao, chỉ biết khi trước đã có thơ sấm nói rằng: Ngưa đầu thử vĩ nguyệt, Thần đao trảm thảo tuyệt. (Tháng đầu trâu đuôi chuột Đao thần chém đứt cỏ) Người bấy giờ không hiểu ý nghĩa ra sao. Đến khi nhà Mạc mất, người ta mới hiểu rằng: ngưu đầu (đầu trâu) là nói về thượng tuần tháng chạp, thử vĩ (đuôi chuột) là nói về cuối tháng mười một [30]. Hòa đao là trong chữ Lê có chữ đao; thảo tuyệt (dứt cỏ) là chữ Mạc. Bấy giờ ngườita mới nghiệm rằng lời sấm ngữ quả không sai ! Nhân đó có thơ chê cười nhà Mạc như sau: Ầm vang tiếng trận đến La Thành. Họ Mạc ngày tàn đã đến nhanh. Đêm tối quốc kêu buồn lạc lối, Canh khuya nhạn khóc đang thương tình. Hiên ngang chịu chết lòng chẳng khuất, Khảng khái liều thân miệng quát vang. Khen khá Hồng Ninh gan cứng mạnh, Đời còn nhắc nhở cũng lưu danh ! Bấy giờ Mạc Hồng Ninh đã chết, đồ đảng nhà Mạc tụ tập ở miền huyện Thanh Lâm [31] tìm được tông thất nhà Mạc tên là Hùng Lễ [32] lập lên làm vua, xưng niên hiệu là Khang Hựu [33] năm đầu, ngầm chiếm một cõi, áp bức dân chúng, cướp bóc của cải. Trường quốc công Trịnh Tùng nghe nói cả giận, bèn sai thái phó Dương Quốc công thống lĩnh thủy quân, thái phó Vinh quốc công thống lĩnh bộ binh chia đường tiến phát. Vinh quốc công dừng quân đóng trại ở huyện Thanh Lâm, sai lính đi do thám tình hình quân giặc, rồi cho quân tiến đánh. Hùng Lễ chia quân chống cự. Quân đôi bên đánh lớn mấy trận không phân thắng bại, rồi lui về đóng trại cố thủ. Năm Quý Tị, niên hiệu Quang Hưng thứ mười sáu (1593), tháng giêng, ngày mồng mười, đô thướng Trường Quốc công hạ lệnh tiến quân, các đội quân nhăm theo bờ sông, thủy bộ đều tiến. Khi đến sông Giẻ liêng tung quân đánh ngay. Quân Mạc thua tô, máu trôi đỏ ngày sông Giẻ, thây chết đầy bờ cát. Hùng Lễ một mình chạy thoát thân. Trường quốc công sai lính kỵ đuổi theo đến miền huyện Chí Linh, Đông Triều [34] bắt sống được đem về dâng nộp. Hùng Lễ bèn bị chém đầu. Từ đó dẹp yên đồ đảng nhà Mạc. Trường quốc công đem quân về kinh đô Thăng Long, sai ngươig tu sửa cung điện, kho tàng, phố phường cho được như cũ. Mùa hạ, tháng tư, sai thái phó Dương quốc công Nguyễn Hữu Liêu về phủ Yên Trường, xứ Thanh Hoa đón rước xa giá vua Lê về kinh thành Thăng Long. Vua Lê vỗ về răng bảo dân chúng, cho giảm nhẹ lao dịch phu phen. Lại nói chúa xứ Nam là thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng từ ngày thống quản hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa rộng ban ơn đức, thương yêu dân chúng, chậm bữa ăn để đón người hiênm xuống xe để tiếp quân sĩ. Anh hùng quy phục, hào kiệt đến theo. Luôn năm mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa no đủ, các nước lân bang tìm đến chầu phục. Một hôm Đoan Quốc công đang coi chầu bàn xét triều chính bống có tin ở Bắc triều Trường quốc công Trịnh Hùng đã diệt được Mạc Hồng Ninh, cắt gai nhổ rễ, làm nên công lớn. Đoan quốc công cả mừng hạ lệnh chuẩn bị ra kinh đô Thăng Long chầu mừng, Trước là chúc mừng thiên tử, sau là viếng lăng tẩm các tiên vương để thòa lòng bầy lâu tưởng nhớ. Tháng sáu, Nam chúa Đoan quốc công Nguyễn Hoàng dẫn quân về kinh đô, vào triều bái yết hoàng đế. Vua Lê an ủi vỗ về, nói : - Khanh trấn nhậm hai xứ, lòng dân được yên, công ấy rất lớn. Vua Lê nói xong truyền mở tiệc khoản đãi. Đoan quốc công chắp tay tạ ơn. Dự ban yến xong, Đoan quốc công lui chầu, đi ngày đến phủ đô tương kiến đã xong, hai người chia ngôi chủ khách, cùng ngồi bàn việc nược, bày tỏ tinh thần. Đoan quốc công là kẻ anh hùng cái thế, công đức lớn laom dầu là các bậc danh tường đời xưa cũng không sánh kịp. Trường quốc công cả mừng, lấy tình thân thích màu mủ mà đối xử, phong Đoan quốc công làm hữu thừa tướng, ngôi thứ xếp sau Trường quốc công một bậc. Từ đó về sau, ngày đêm không rời, ăn tất cùng mâm, ngồi ắt cùng chiều, thân thiết như tim phổi, tin dùng như chân tay. Trường quốc công lại tưởng nhớ công lao của các bậc huân thần, tâu vua xin xét công ban thưởng, vinh thăng phẩm trật để đền đáp công lao. Lại nói chuyện hiến sát xứ Nguyễn Tạo năm trước vâng mệnh vào xem xét việc mùa màng cày cấy ở hai xứ Thuận, Quảng, đến khi trở về Đông đô mến chuộng tưởng nhớ Nam chúa Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, ngày đêm không một khoảnh khắc quên nguôi. Sau đó Tạo vào triều nộp trả ấn thao xin về hưu trí ở quê nhà. Nay, nghe tin chúa Nam về kinh, Nguyễn Tạo mừng vui khôn xiết, bèn thân đế dười trướng yết kiến. Nam chúa cả mừng, mời Tạo cùng ngồi ông lại tình cảm trong lúc chia phôi, xa cách tưởng nhớ. Hai người ngày đêm chuyện trò bàn luận, cảm tình sâu săc thân thiết, ý muốn cùng nhau mưu đồ đại sự. Năm Ất Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ mười tám (1595), tháng hai, Trường quốc công cậy vào uy thế, muốn được lập ngôi chúa, bèn sai người mật tâu với vua. Vua lo sợ, bèn xuống chỉ rằng : Đô tướng thái úy Trường quốc công Trịnh Tùng có công trung hừng nhà Lê, diệt trừ ngụy Mạc, không thể không thăng thưởng. Bèn ban kim sách, ấn ngọc cùng với cờ mao tiết liệt. Sai thái tể Phụng quốc công Trịnh Đỗ đem tới phủ dinh của Trường quốc công tôn phong Trường quốc công Trịnh Tùng làm đô nguyên súy tổng quốc chính thái sư thượng phụ, tước Bình An vương, được mở vương phủ. Đó là để đền đáp công lao của bậc nguyên huân. Trường quốc công nhận được tước phong, vào triều vái tạ rồi về phủ định liệu công việc. Các quan văn võ có dáng sợ hãi, cùng đến phủ chúa chúc mừng. Bình An vương mở yến tiệc khoản đãi, ban phát vâng lụa cho các quan. Từ đó trong triều ngoài quân, mọi việc cắt đặt quan chức, ban cấp bổng lộc đất ruộng, khen thưởng, bình phạt, thăng giáng, bãi truất đều do Bình An vương xét định. Kỷ cương chính sự, vua Lê chỉ ở trong thâm cung mà thôi. Thượng tuần tháng tư, có tin vua Minh sai người sang hỏi việc tuế cống. Bình An vương sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Văn Giau lên đầu địa giới ở Lạng Sơn nghe lệnh, xong rồi trở về. Tháng sáu, sai thượng thư Phùng Khắc Khoan lĩnh lễ vật sang triều cống vua Minh. Phùng Khắc Khoan tướng mạo xấu xí, hình dáng thấp bé, tóc rối râu phơ, nhưng bẩm tính thông minh sáng trí, hiểu biết hơn người, có tài năng của Gia Cát, Lưu Cơ [35], có sức học của Nhan, Tăng, Tử, Mạnh [36]. Văn chương nhất đời, mưu lược hơn người, đáng là bậc trạng nguyên một thời. Bấy giờ Phùng Khắc khoan vâng mệnh mang lễ vật đi sứ, ngày đêm trèo non vượt bể, gội tuyết xông sương, thẳng tới kinh đô nước Minh. Sứ bộ nghỉ ở khách quán, ngày hôm sau vào triều bái yết dâng lễ vật tiến cống. Vua Minh thấy Phùng Khắc Khoan tướng mạo xấu xí, thấp bé, cười nói: -Ngày trước bọn Mộc Thạnh, Trương Phụ ở An Nam về tâu rằng nước Nam nhân tài rắp rắp, hòa kiệt ngời ngời. Nay sứ giả Khắc Khoan đến đây chắc là đã được tuyện chọn kỹ. Nhân tài phồn thịnh có thể thấy được chăng? Nói đoạn hỏi Phùng Khắc Khoan rằng: -Ngươi ở nước Nam làm quan chức gì ? Khắc Khoan đáp: -Thần ở nước Nam thi đỗ trạng nguyên, được phong chức thượng thư bộ Hộ. Vua Minh nói: -Ngưoi là trạng nguyên nước Nam, hẳn là thông kim bác cổ. Nay trẫm thử hỏi ngươi: Việc trong thiên hạ rất dễ mà cũng rất khó. Vậy thì việc gì dễ nhất và việc gì khó nhất ? Khắc Khoan tâu đáp: -Người ta sinh ra trong cõi đời, phàm những chuyện về thiên văn, địa lý, nhân sự, tam giáo cửu lưu, bách công kỹ nghệ, đều là việc rất dễ! Duy chỉ có hai chữ “thanh sắc” là khó mua khó cầu [37], ấy là việc rất khó có được! Vua Minh lại hỏi: -Thức ăn món gì ngon nhất? Đồ dùng thứ gì quý nhất? Khắc Khoan đáp: -Thức ăn ngon không gì bằng muối trắng, đồ vật quý không gì bằng người hiền. Muối trắng có thể điều hòa đủ độ ngọt ngon, cho vừa mặn nhạt, bổ gan bổ phổi, nhuận tâm, nhuận tràng. Đó là thức ăn ngon vậy. Người hiền có thể cương, có thể nhu, có thể giúp phò xã tắc, có thể chuyển loạn thành trị, biến truân thành hanh, bồi dưỡng mệnh mạch nước nhà đạt đến thăng bình thịnh vượng, giúp rập cơ đồ dài lâu. Trên thì giúpvua đạt đến mức thành quân như Ngiêu, Thuấn. Dưới thì mở mang bờ cõi non sông, bốn biển yên bình, muôn nước chầu phục. Ấy là của báu chân chính. Vua Minh nghe nghe tâu xong cho là đúng, bèn ban yến cho Khắc Khoan, cho lui về khách xá nghỉ ngơi. Các quan văn võ triều Minh tấm tắc khen ngợi không ngớt. Vua Minh nói: -Sứ giả nước Nam mặt mũi xấu xí nhưng đối đáp trôi chảy. Ta phải thử hỏi như thế để biết rõ tài năng. Mấy ngày xau, vua Minh sai thợ giỏi là giả một con chim sẻ biết chạy, nhảy, mổ, bay, đặt đậu trên bụi trúc trước điện, cho bay nhảy hệt như chim thật, người lạ nhìn vào không ai phân biệt được. Rồi đó vua Minh cho vời Phùng Khắc Khoan vào chầu, mời lên điện rồi hỏi rằng: -Sứ nước Nam có biết con chim sẻ này trẫm nuôi đã bao nhiêu năm mà dạn người như thế? Phùng Khắc Khoan ngắm nhìn thấy nó biết bay biết nhảy như thường, một lúc sau bèn bước xuống thềm đi đến bụi trúc giơ tay chộp bắt ném xuống giữa sân. Con chim sẻ vỡ thành bốn mảnh gỗ. Khắc Khoan bèn đến trước điện thản nhiên tâu rằng: -Trúc là hạng quân tử, ví như mình rồng của thiên tử. Sẻ là hạng tiểu nhân, ví như kẻ phàm phu tục tử, lẽ đâu lại để cho tiều nhân đứng trên quân tử? Thế là các quan của thượng quốc đã khinh mạn thiên tử vây. Nước thần tuy nhỏ nhưng còn biết phân biệt lẽ vua tôi, đạo cha con, nghĩa anh em, rạch ròi kẻ trên người dưới, chứ không ô tạp lộn ngược dưới trên. Lẽ như thế, chứ đâu phải thần không biết nó là con chim giả! Tâu xong, Khắc Khoan ngửa mặt lên trời cười to. Vua Minh nghe tâu hơi có ý xấu hổ, làm thinh không nói gì. Từ tể tướng cho đến các quan trong triều đều lo sợ, ai nấy đều không ngớt lời khen ngợi Khắc Khoan. Vua Minh bèn ban thưởng cho Khắc Khoan, cho lui về nhà công quán nghỉ ngơi. Phùng Khắc Khoan vái tạ ra khỏi triều trở về nhà nghỉ. Tù đó Khắc Khan nhàn hạ đi du ngoạn, viếng thăm núi sông, chùa tháp các nơi ở nước Minh, tận mắt nhìn ngắm cảnh vật cực kỳ tươi đẹp hùng tráng. Mấy tháng sau, vua Minh lại sai người tìm hai con ngựa cái vóc dáng sắc lòng đều y hệt như nhau, người trong ngước không ai biết con nào ngựa mẹ, con nào ngựa con. Vua Minh sai người dẳt hai con ngựa ấy đến nhà công quán, hỏi Khắc Khoan rằng: -Nhờ trạng nguyên phân biệt giúp hai con ngựa này, con nào là mẹ, con nào là con? Chỉ ra rõ ràng, thế mới thực đúng là trạng nguyên. Phùng Khắc Khoan nghe xong mìm cười bảo rẳng: -Cái lý ấy chẳng có gì khó khăn, cần gì phải đợi nhà vua đích thân hỏi đến! Nói đoạn đưa tay quơ nắm cỏ giơ lên phía trước mà cười. Ngựa con vốn tính nóng vội, thấy cỏ bèn bước lên trước tranh ăn. Ngựa mẹ điềm tĩnh hơn, vẫn đứng yên tại chỗ. Khắc Khoan cười nói: - Con bước lên đó là ngựa con, con đứng yên kia là ngựa mẹ, chắc chắn như thế, không sai ! Người Minh thấy vậy đều kính phục, tấm tắc khen ngợi : “quả đúng là trạng nguyên” rồi lập tức trở về hoàng cung tâu vua Minh biết. Vua Minh khen ngợi Khắc Khoan là người tài giỏi. Tháng mười một, Phung Khắc Khoan dâng biểu xin được trở về nước. Vua Minh có ý muốn giữ lại, nhưng sợ mang tiếng thất tín, bèn ban sắc phong cho Phùng Khắc Khoan là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Tháng mười một, Phùng Khắc Khoan dâng biểu xin được trở về nước. Vua Minh có ý muốn giữ lại, nhưng sợ mang tiếng thất tín, bèn ban sắc phong cho Phùng Khắc Khoan là “Lưỡng quốc trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước), ban thưởng vàng bạc vóc lụa, chuẩn cho được trở về nước Nam. Phùng Khắc Khoan vái chào vua Minh, từ biệt các quan rồi về nhà công quán sắp xếp hành trang trở về. Trên đường về Khắc Khoan có làm một bài vãn sứ trình (38) Về đến kinh đô, Khắc Khoan vào triều bái yết vua Lê tâu bày công việc đi sứ. Sau đó Khắc Khoan sang vương phủ (39) chào Bình An vương Trịnh Tùng bẩm trình mọi việc. Từ đó người nước Nam ta, trên từ các bậc công khanh, dưới đến học trò dân chúng đều ca ngợi Phùng Khắc Khoan vâng mệnh đi sứ Bắc quốc biết trọng mệnh vua, làm mạnh thế nước, quả đúng danh vị trạng nguyên. Bình An vương vui mừng, rất mực yêu mến, giao cho giữ chức phụ quốc chính (giúp việc triều chính) chăm lo vun đắp thái bình, xứng đáng là bậc danh nho ở đời. Người đời sau có thơ khen ngợi Phùng Khắc Khoan như sau: Học đạo tinh thuần được quý tôn, Non sóng vạn dặm đến cung môn. Lộ trình Bắc sứ tùy ứng biến, Công việc vua giao phải vẹn tròn. Một chữ kinh luân dành để dụng. Phải đâu thanh sắc đọ thua hơn(40) Bốn phương từ trước bao tài giỏi, Ai được như ông lưỡng Trạng nguyên? Chú thích : (1) Theo Cương mục núi Đường Nang ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). (2) Tức Nghệ Tĩnh (châu Hoan) và Thanh Hóa (châu Ái) (3) Hai huyện của phủ Trường Yên đời Lê ở xứ Sơn Nam (nay thuộc Ninh Bình). (4) Ấn thao : chữ Hán là ấn thụ, là quả ấn, con dấu, do triều đình cấp cho các viên trưởng quan. Thao là giải lụa màu đính ở cán con dấu để đeo bên lưng. (5) Nay là xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. (6) Sông Hát Giang : chi lưu của sông Hồng chảy qaa các huyện : Phúc Thọ, Đan Phượng (ngoại thành Hà Nội nay). (7) Yên Sơn: Thời Lê sơ gọi là huyện Ninh Sơn, thời Lê trung hưng kiêng húy của Trang Tông (Lê Ninh) đổi gọi là Yên Sơn. Nay là huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình. (8) Yên Thạch: Tến xã thuộc huyện Yên Sơn (9) Tức ngày rằm tháng giêng. (10) Nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Hưng. (11) Tên xã ( tức làng Mọc), thuộc huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) (12) So phiên hiệu của các doanh thì thấy doanh Trấn Nghĩa nhắc đến hai lần, có thể đây là doanh Tuấn Nghĩa. (13) Tiếng tù và kêu. (14) Thường quốc công :tên tước của Nguyễn Quyện, tướng nhà Mạc trước là Văn Phái hầu, sau thăng Thạch quận công (1584) bị bắt năm 1592, chết trong ngục (1593). (15) Tên tước của Hoàng Đình Ái (16) Phượng Nhãn: tên huyện đời Lê, nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. (17) Nguyên văn “lang yên” (khói lang) :thời cổ khi có quân địch xâm phạm bờ cõi, đồn binh ở biên thùy đốt lửa để báo hiệu bằng khói. Vùng sa mạc phía bắc thường dùng phân chó ói để đốt khói, cho nên gọi là lang yên. Tắt khói lang nghĩa là được yên bình. (18) Thìn là năm Rồng (19) Tháng Giêng là tháng Dần, ứng với Hổ (20) Phủ Yên Trường: Nơi đóng hành doanh của triều Lê trung hưng (nay là huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). (21) Có nghĩa là: có đức không tranh, có công không khoe. (22) Gia Viễn: Tên huyện thuộc Ninh Bình cũ, nay là Hà Nam Ninh. (23) Biện hương :tức xã Biện Thượng thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (24) Điềm Giang: Có lẽ là con sông chảy qua làng Điềm Xá, huyện Gia Viễn (Hà Nam Ninh). (25) Thanh Liêm: Tên huyện thuộc trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nam Ninh). (26) Đà quốc công: Tên tước của Mạc Kính Điền. (27) Trà quận công: Tên tước của Nguyễn Đình Luận. (28) Ý nói vua chính thống (thiên tử) có muôn cỗ xe. (29) Cực hình dùng voi xé xác. (30) Tháng mười một là tháng Tý (chuột), tháng mười hai là tháng Sửu (trâu. (31) Thanh Lâm : tên huyện thời Lê Mạc, thuộc phủ Nam Sách (nay thuộc tỉnh Hải Hưng). (32) Tên tước của Mạc Kính Chi (con của Mạc Kính Điển) xưng vương ở miền Chí Linh, Đông Triều. (33) Nguyên bản chép Khai Hựu, sửa lại là Khang Hựu như Lê Quý Đông đã gải trong ĐVTS. (34) Tên Huyện thuộc Hải Hưng nay. (35) Gia Cát tức Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, quân sư Lưu Bị thời Tam quốc. Lưu Cư tự Bá Ôn, giúp Minh Thái Tổ thống nhất Trung Quốc. (36) Tức Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử, bốn người học trò nnổi tiếng của Khổng Tử. (37) Vì Phùng Khắc Khoan tướng mạo rất xấu xí nên mới ngụ ý nói “thanh sắc” là vật khó mua khó cầu. (38) Nguyên văn Sứ trình vãn (Khúc ngâm trên đường đi sứ). (39) Vương Phủ: tức phủ chúa Trịnh (40) Vì Phùng Khắc Khoan tướng mạo xấu xí mà được người Minh thán phục cho nên nói không phải vì “thanh sắc” (tiếng nói và sắc đẹp) để đọ hơn thua với mình.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang