[Việt Nam] Một Chữ Tình

Chương 9 : Chương 9 (chương kết)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:08 16-09-2019

.
Con người ở đời từ sang chí hèn, từ giàu chí nghèo, chẳng ai mà chẳng có thấy một cảnh buồn. Nhưng những cảnh buồn thấy đó, xét lại chẳng có cảnh buồn nào làm cho mình dễ động lòng cho bằng cái cảnh buồn ở trong nhà Xuân Hoa đêm nay. Cửa lớn đã gài chặt, cửa sổ thì một cánh khép, còn một cánh mở. Trong nhà đèn khí đốt sáng lòa, tuy có bốn năm người, song trông vào không nghe nói chuyện chi hết. Trong phòng, Xuân Hoa ngồi trên giường chống tay qua cái bàn nhỏ khóc rấm ra rấm rít. Ngoài bộ ván phía trước, hai bà sui nằm một người một đầu, một bà day mặt vô vách, còn một bà day mặt ra đường, bà sui gái lấy khăn đậy mặt mà nước mắt cứ chảy ướt dầm, còn bà sui trai nằm im lìm, một lát nghe thở dài một cái, rồi chắc lưỡi kêu trời. Sau nhà bếp thằng Tự ngồi khoanh tay dựa bên mâm cơm mặt mày buồn nghiến. Trót cả đêm không ai ngủ hết, song không ai nói chuyện với ai, bởi cái khối sầu nó đặc cứng trong lòng, nên không ngụ ý đến việc chi mà nói. Đến khuya thằng Tự nhớ lại trọn ngày hôm qua hai bà với cô không ai chịu ăn cơm hết, nên nấu một nồi cháo và hâm đồ ăn mặn dọn ra năn nỉ hai bà với cô ăn đỡ dạ. Xuân Hoa dùn dằn không chịu ăn, hai mẹ ép quá nên túng thế phải ngồi ăn một chén, song nuốt cháo cũng như nuốt đá, không biết mùi vị mặn lạt là gì. Bà chủ Hiệp thấy dâu buồn thảm quá sợ nó mang bịnh mà khốn nữa, nên an ủi rằng: - Thôi buồn mà chi lắm con. Ông trời đã khiến nhà mình có cái họa như vậy, thì phải chịu, chớ biết làm sao mà cấm được. - Tại con nên chồng con mới chết, má biểu con đừng buồn, làm sao mà không buồn được. Xuân Hoa nói mấy lời rồi khóc ngất. Bà chủ Hiệp mới nói: - Chồng con nó nghi bậy bạ như vậy, chớ mẹ biết bụng con, lẽ nào con nỡ thất tiết với chồng hay sao. Con đừng có buồn. Bà Hương sư Thể nghe chị sui nói như vậy xen vô nói rằng: - Nay chị nói tôi mới nói, thiệt từ hôm qua cho tới bữa nay tôi nhớ mấy lời con tôi nói tôi hổ thẹn quá. Tôi không biết vợ chồng nó ở với nhau làm sao, mà tôi nghĩ cũng có sao đó nên thẳng mới nghi, chớ nếu không có mòi gì hết thì làm sao nó nghi được. Xuân Hoa thưa rằng: - Thưa hai mẹ, số là anh Bác Ái với chồng con là anh em bạn thiết nên trìu mến nhau lắm. Ảnh làm việc ngoài Bắc, chồng con theo xúi giục ảnh xin về trong nầy, rồi lại kiếm mướn phố dùm đặng ở gần cho vui. Ảnh là người ở một làng với con nên con cũng quen, bởi vậy hễ ảnh tới chơi thì con niềm nở. Chẳng biết có phải tại vậy mà chồng con sanh nghi hay không, song con nhớ lại thì mấy tháng nay ở gần nhau, anh Bác Ái coi con như em ruột ảnh vậy, chớ chẳng thấy ảnh trổ mòi chi hết. Đã vậy lúc chồng con đi chơi bời luông tuồng, con cậy ảnh khuyên giải dùm ảnh cũng hết lòng, đến chừng con giận con mượn ảnh làm đơn cho con xin để chồng, thì ảnh lấy lời chơn chánh mà dứt bẩn con chớ chẳng hề có nói ra nói vô tiếng chi hết. Thiệt con không hiểu vì cớ nào mà chồng con nghi. Bà chủ Hiệp nói: - Mẹ biết Bác Ái với chồng con hai đứa thương yêu nhau lắm, không lẽ Bác Ái nó có ý gì. Huống chi nó đã có danh phận, lại còn nhà giàu lớn, nếu nó muốn có vợ thì thiếu gì nơi tử tế, cần gì phải phạm nghĩa cho nhơ danh. Mẹ tưởng chồng con nó tự vận đây là có chuyện chi khác con không hiểu, chớ không phải nó nghi con hai lòng đâu. Xuân Hoa suy nghĩ một lát rồi thưa rằng: - Chồng con đã viết cho con một bức thơ như vậy, thì có ý gì khác nữa đâu. - Nó kiếm chuyện nó nói nghe cho xuôi, con hiểu sao được. - Xin mẹ đừng có đổ lỗi cho chồng con, tội nghiệp, bởi vì chồng con chết rồi, thà là để lỗi cho con chịu, con còn vui lòng hơn. Bà chủ Hiệp nghe dâu nói như vậy liền ôm dâu vừa khóc vừa nói rằng: - Dâu tôi nó thương chồng nó như vầy, chồng chết rồi mà nó cũng không chịu trách chồng, chẳng biết vì cớ nào mà con tôi lại nói vợ nó không thương nó. Qua ngày sau, lối 10 giờ trưa, có lính trên bót tới nhà kiếm Xuân Hoa nói rằng: Có một thây ma chết trôi tấp dựa sông Thị Nghè, ngang vườn thú, nên ông Cò sai đòi Xuân Hoa lên bót rồi đi theo lính đến đó nhìn coi có phải là thây của Quảng Giao hay không. Xuân Hoa với hai mẹ nghe nói khóc muồi, song nóng lòng thương con quá nên phải gượng gạo đi theo lính lên bót. Ông Cò dắt ba người đi với lính xuống vườn thú. Khi tới mé sông Thị Nghè, dòm dựa một đám ôrô thấy có một cái thây người ta nằm trên mặt nước ruồi bu ào ào, mùi hôi thúi phải bụm mũi. Ông Cò biểu lính lấy cây khều vô sát bờ, rồi lấy dây làm vòng kéo lên. Thây ma trần truồng, sình lên rất lớn, cái mặt bị cá rỉa nát hết một bên, tuy vậy dòm vô ai cũng biết là thây của một người trai, hớt tóc theo kiểu ma ní. Khi mới kéo lên Xuân Hoa dòm vô la lên mấy tiếng “Trời đất ôi!”. Rồi té xỉu bất tỉnh nhân sự. Bà Hương sư lật đật đỡ con, rồi ôm con khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Ông Cò thấy vậy lật đật sai lính chạy vô nhà ông chủ vườn thú xin rượu cõ-nhắc đem ra đổ cho Xuân Hoa, Xuân Hoa tỉnh lại ngồi ngó thây ma trân trân không khóc mà cũng không sợ, dường như kẻ mất trí khôn vậy. Ông Cò liền hối bà Hương sư đem Xuân Hoa lên xe về nhà rước thầy điều trị, rồi mới biểu lính chở tử thi lên nhà mổ cho quan thầy khám nghiệm. Bà chủ thấy thây con thì chết điếng trong lòng, mà thấy dâu như vậy lại càng bối rối hơn nữa, song thấy bà Hương sư đã lãnh đem Xuân Hoa về nên bà phải ở lại đi theo xác con. Xuân Hoa lên xe ngồi mở mắt trao tráo mà không nói chi hết. Bà Hương sư hỏi: “Trong mình con có sao không con?”, thì Xuân Hoa cứ lắc đầu hoài. Xe về vừa ghé ngay cửa thì Bác Ái ở Long Xuyên lên, đi xe kéo cũng vừa tới đó, Bác Ái thấy bà Hương sư đang liệu điệu dắt con xuống xe, không hiểu đau bịnh gì, nên biểu xe ngừng lại hỏi rằng: “Thưa mợ mới lên, chị tôi đau hay sao đó mợ?”. Bà Hương sư ngó thấy Bác Ái vùng khóc lên nói rằng: “Cháu ôi! Thằng rể của mợ nó nhào xuống sông chết rồi. Trời ôi! Tại cháu báo hại nên mới...” bà nói tới đó ngại ngùng nên nín không nói nữa và lo dắt Xuân Hoa vô nhà. Bác Ái vừa nghe nói Quảng Giao nhào xuống sông mà chết thì thất kinh biến sắc, vùng nhảy xuống xe chạy vô nhà, không nghe mấy lời sau của bà Hương sư. Anh ta vừa khóc vừa hỏi thăm, còn bà Hương sư vừa khóc vừa kể sơ sự Quảng Giao viết thơ cho Xuân Hoa tỏ ý nghi ngờ vợ hai lòng, rồi nhào xuống sông tự tử, Cò bót đã kiếm được thây rồi bây giờ đương chở lên nhà mổ. Bà lại nói sự Xuân Hoa té xỉu nên bà phải dắt về, rồi cậy Bác Ái làm ơn rước dùm lương y điều trị cho gấp. Bác Ái thấy việc bối rối quá không nghi kỵ chi hết, lật đật nhảy thót lên xe chạy lại đường Richaud rước một quan lương y đem về nhà, rồi giao Xuân Hoa cho ông chẩn mạch, còn anh ta chạy lại nhà mổ dự khám tử thi. Anh ta bước vô cửa nhà mổ, thấy bà chủ Hiệp đứng đó, thì dở nón chào bà, đến chừng ngó thấy thây thì đấm ngực kêu trời nói rằng: “Trời sao nỡ hại anh tôi như thế nầy! Trời ôi!... Anh ôi!”. Lúc ấy quan thầy thuốc đương mổ khám nghiệm tử thi. Bác Ái đứng một bên với ông Cò. Đến chừng khám nghiệm xong rồi, quan thầy thuốc, ông Cò và Bác Ái nói chuyện tiếng Tây với nhau một hồi, rồi Bác Ái day lại nói với bà chủ rằng: “Thưa bác, quan thầy thuốc khám nghiệm rồi nói anh tôi chết từ trưa chủ nhựt cho tới bữa nay, và chết đây là uống nước ngộp hơi mà chết, chớ không phải ai đánh đập chi... Tôi có xin phép lãnh tử thi về nhà tống táng, ông Cò với quan thầy thuốc cũng bằng lòng. Vậy xin bác về nghỉ, để tôi xuống Xã Tây khai tử rồi tôi đi luôn xuống cầu Ông Lãnh đặng tẩn liệm cho sớm”. Bà chủ Hiệp thở dài rồi lau nước mắt bước lên xe mà về, Bác Ái lên xe kéo thấy cái hoa ly hãy còn đó, nên ghé nhà kêu đứa ở chạy ra đem hoa ly vô, rồi anh ta đi thẳng xuống Xã Tây khai tử, và đi luôn xuống cầu Ông Lãnh đặt hòm, nhà vàng, tính tẩn liệm xong rồi khiêng về nhà đặng cúng quãy chờ sáng bữa sau sẽ tống táng. Xuân Hoa nhờ quan lương y điều trị nên tỉnh lại rồi nằm than khóc rùm nhà. Chừng linh cữu khiêng về nhà, Xuân Hoa ngã lăng khóc kể nghe càng thảm thiết hơn nữa. Trong đám tang có một mình Bác Ái lo hết, chớ bà chủ với bà Hương sư chết điếng trong lòng không lo tính chi được. Đêm ấy Bác Ái ở đó coi sắp đặt mọi việc cho an bài, chớ không về nhà. Đến khuya Xuân Hoa bưng trầu rượu ra lạy hai mẹ, thưa rằng: - Thưa hai mẹ, con có chồng đã năm năm nay con cứ lo bề nội trợ chẳng có giây phút nào con xao lãng. Con chẳng biết con có thiếu hạnh nào hay không, mà chồng con nghi con có ngoại tình với người ta, nên tự vận mà chết, ấy vậy cái tội giết chồng oan phải chịu, chớ con không chối được. Chẳng dấu chi hai mẹ, mấy bữa rày con đã nhứt định tự vận chết theo chồng đặng xuống cửu tuyền tìm chồng rồi tỏ lòng trinh bạch cho chồng con biết. Song con nghĩ lại chồng con nghi con ngoại tình đã mấy tháng nay, chắc là chồng con lao tâm cực trí lắm rồi mới chết. Nếu con chết liền bây giờ, con chỉ đền bồi được cái chết của chồng mà thôi, chớ sự lao tâm cực trí con chưa đền bồi được. Vậy sẵn trước linh sàn đây, con xin hai mẹ cho phép con vô nhà kín để tu, đặng không nhớ việc thế gian nữa, rồi con có ngày giờ khấn vái linh hồn của chồng con một ít năm rồi con sẽ chết, làm như vậy tình nghĩa vợ chồng mới toàn vẹn. Hai bà nghe nói khóc muồi, còn Bác Ái ngồi chống tay trước quan tài nước mặt rưng rưng, không nói chi một tiếng. Hai bà kiếm lời can gián, nhưng nói thế nào Xuân Hoa cũng không nghe, cứ sòng sòng quyết một, hễ tống táng an bài rồi thì cô đi thẳng vô nhà kín. Qua ngày sau lối chín giờ động quan đưa linh cữu an táng trong Phú Nhuận. Lối xóm láng giềng ai thấy mẹ đưa con, vợ khóc chồng cũng đều mũi lòng. Tống táng xong rồi, hai bà mẹ với Xuân Hoa leo lên xe kiếng về, Bác Ái ngồi riêng một cái xe kéo chạy theo sau. Về tới Xuân Hoa không chịu vô, biểu thằng đánh xe phải đưa thẳng cô lại nhà kín. Hai mẹ theo can gián, Xuân Hoa hăm rằng nếu không cho cô đi tu cô sẽ tự vận chết liền theo chồng. Hai bà thấy con đã quyết ý rồi, liệu thế không cản được, nên cực chẳng đã phải khóc đưa con vô nhà kín. Bác Ái tuy biết Quảng Giao nghi mình có tư tình với Xuân Hoa, mà thiệt mấy năm nay thầm thương trộm nhớ, song từ Long Xuyên trở lên, thấy tai họa trong nhà bạn như vậy, thì lấy làm đau đớn trong lòng lắm, bởi vậy không kể hiềm nghi, mà cũng không dám tưởng tới việc chi quấy nữa. Anh ta ráng lo cho an bài cuộc tống chung, rồi thấy Xuân Hoa quyết chí đi tu cho trọn tình vẹn nghĩa với chồng, anh ta hết sức kính phục, nên anh ta không dám cản rồi cũng lần đi theo đưa Xuân Hoa vô nhà kín. Xuân Hoa với hai mẹ bước vô nhà kín gặp một bà phước đón hỏi ba người đi đâu. Xuân Hoa lau nước mắt thưa rằng: - Thưa bà, chồng của con chết rồi, con buồn rầu không muốn biết đến việc thế gian nữa, nên đến đây xin bà làm phước cho con vào tu. Con nguyện ở tu trọn đời, không nhớ đến việc gì khác. Bà phước ngó Xuân Hoa rồi hỏi rằng: - Con xin vào tu, vậy con đã xin phép quan Biện lý và xin phép Cha cả rồi chưa? Xuân Hoa nghe nói chưng hửng, nên đứng ú ớ một hồi mới nói rằng: - Thưa bà, con tưởng muốn đi tu thì vào đây xin ở mà tu, chớ con không dè phải xin phép Biện lý với Đức cha cả. Bà phước cười và nói rằng: - Không được, con muốn đi tu phải có giấy phép đem trình cho bà bề trên rồi mới được vào nhà tu, con phải về xin phép đã. Xuân Hoa chắc lưỡi lắc đầu rồi xá bà Phước đi ra. Hai mẹ đi theo nghe bà Phước không chịu thì mừng thầm trong bụng. Ra khỏi cửa thấy Bác Ái cũng còn đứng chờ dựa gốc cây xoài. Bác Ái bước lại hỏi coi trong nhà kín họ cho tu hay không. Bà chủ Hiệp đương đứng thuật mấy lời của bà phước lại cho Bác Ái nghe, thình lình Xuân Hoa la lên mấy tiếng: “Ủa mình! Trời đất ôi! Té ra chồng tôi còn sống đây mà!”. Rồi vụt chạy ra đường. Ai nấy ngó theo thì thấy Phạm Quảng Giao ở trên xe kéo nhảy xuống, rồi Xuân Hoa ôm chồng vừa cười vừa khóc: “Vậy mà tôi tưởng mình đã chết rồi. Mình ôi! Mình làm chi cho tôi sầu thảm mấy bữa rày vậy hử? Vậy chớ ai chết đó mà mình còn sống đây:” Quảng Giao tay mặt đỡ vợ, đầu cúi chào hai mẹ, còn tay trái thì bắt tay Bác Ái rồi hỏi lăng xăng rằng: “Trời ôi, tôi xin phép đi săn chơi hổm nay, vừa mới về tới nhà thằng Tự nó nói làm đám ma tôi và bây giờ đương đưa vợ tôi vô nhà kín nên tôi lật đật chạy riết xuống đây. Hai má lên bao giờ? Còn ai chết đâu mà làm đám ma đó?”. Xuân Hoa tay vịn vai, còn mặt úp trong ngực Quảng Giao mà khóc. Hai bà mẹ cười nói rộn ràng kẻ hỏi người trả lời, kẻ cười người khóc, làm cho người đi đường không hiểu chuyện gì, nên ai cũng dừng chơn ngó. Bác Ái mời hết lên xe về nhà rồi sẽ phân trần hơn thiệt. Về đến nhà đã 4 giờ chiều. Mỗi người đều hớn hở vui mừng, còn Xuân Hoa hễ Quảng Giao ngồi đâu cô cũng theo đứng gần một bên đó. Lối xóm ai nghe Quảng Giao về cũng chưng hửng nên áp lại hỏi thăm lăng xăng. Quảng Giao biểu vợ thuật rõ lại cho mình nghe vì cớ nào lại có đám ma như vậy. Xuân Hoa mới nói rằng: - Tối thứ bảy tôi tiếp được cái thơ của mình tôi thất kinh nên chạy kiếm mình cùng Sài Gòn mà không gặp. - Tối thứ bảy tôi đi rồi, còn ở Sài Gòn đâu mà gặp - Mình đi đâu. - Tôi đi theo ghe của thầy Cai Cần Giờ xuống dưới săn bắn chơi. - Hèn chi tôi ghé nhà thầy giáo Đống thầy nói mình xin phép nghỉ 4 bữa. - Phải, sáng thứ sáu tôi mới đi dạy. Mình đi kiếm tôi không được rồi mình làm sao? - Sáng chúa nhựt tôi tính cậy anh Tư đây đi kiếm dùm chẳng dè ảnh mắc về Long Xuyên, không có ở nhà, túng thế tôi phải lại thầy giáo Đống nói rằng mình gởi thơ cho tôi nói tự vận và tôi cậy thầy đi kiếm dùm. Thầy kiếm hết sức không được rồi mới dắt tôi lên bót cớ. Trưa thứ hai ông Cò đòi tôi lên đưa cái áo và bóp phơi của mình cho tôi và nói rằng lính lấy được cái áo tại Vàm Kinh bên Xóm Chiếu. - Phải rồi, tôi đi có một thầy sở, sanh ý đi theo. Thầy lại có dắt theo một thằng bồi xuống tới Nhà Bè ghe đậu nghỉ, thằng bồi nó trốn mất. Sáng ngày tôi mới hay nó lấy cái áo và cái bóp phơi của tôi mà trốn. Té ra nó về tới Xóm Chiếu nó bỏ lại đó hay sao? Mà trong bóp phơi còn bạc tiền hay không? - Có ba miếng danh thiệp của mình chớ không có tiền bạc chi hết. - Ờ, nó thỉnh mấy chục đồng bạc của tôi rồi. Thây kệ bỏ đi, rồi sau nữa, nói tiếp nghe coi. - Tôi thấy áo của mình tôi chắc mình đã nhào xuống sông chết rồi, nên tôi khóc đã thèm, rồi tôi mướn người lặn mà vớt. Vừa về tới nhà may có hai má lên, tôi tỏ hết đầu đuôi cho hai má nghe rồi dắt nhau qua Xóm Chiếu mướn họ vãi chài tới tối mà kiếm tử thi không được. - Đâu có mà kiếm, sao nữa? - Sớm mai thứ ba, ông Cò cho đòi tôi nữa và nói rằng có tử thi nào tấp dưới vườn thú, biểu xuống đó nhìn. Tôi dắt hai má đi với tôi. Chừng tôi thấy tử thi, tôi té chết giấc. Một má phải đem tôi về, còn một má hộ tống tử thi vô nhà mổ. - Trời ôi! Tử thi của ai vậy? Sao lại quả quyết là tử thi của tôi? Hai bà mẹ nói rằng: - Ai biết đâu mà. Thấy tóc cụt cụt như mầy, tao tưởng là mầy, bởi vì thấy sình lên lớn quá mà cá rỉa sứt mũi, sứt tai hết coi kỹ sao được. - Té ra là đám ma chôn tử thi đó hay sao? Xuân Hoa cười nói rằng: - Chớ sao! Mình báo hại hai mẹ khóc hết nước mắt. - Em có khóc không? Xuân Hoa nghe hỏi mắc cở cúi mặt xuống đất. Quảng Giao mới nói rằng: “Tôi không dè có hai má lên. Tôi làm hai má kinh tâm, thiệt tôi quấy quá. Xin hai má tha lỗi cho con”. Bà Hương sư nói: - Thiệt, tao với chị tưởng mầy chết rồi, chớ có dè mầy gạt vợ mầy đâu. Thôi mầy sống thì thôi, tao cũng không cố chấp, mà từ rày về sau con đừng có báo hại vậy nghe không con. Chiều lại khách đến thăm đều về hết, Quảng Giao cầm Bác Ái ở lại ăn cơm. Hai anh em tính với nhau sáng ngày lên bót tỏ ông Cò hay, rồi xuống Xã Tây hủy tờ khai tử. Tối lại Quảng Giao nhớ tới chuyện vợ lo chôn cất tử thi nào ở đâu, thì tức cười hoài rồi hỏi vợ rằng: - Nầy, mà sao em đi xuống nhà kín làm chi vậy? Xuân Hoa lặng thinh bộ coi buồn lắm. Bà chủ Hiệp rước trả lời thế cho dâu rằng: “Con dại quá! Tại sao con lại viết thơ cho vợ con mà nói bậy bạ như vậy? May là mẹ biết bụng dâu hiền, chớ phải như người ta, họ nóng lòng đi thưa kiện lùm tùm, có phải là mang tiếng mang lời hết thảy hay không? Sao con lại nghi vợ con nó không thương con và nó ngoại tình với người khác? Con có bắt được bằng cớ chi, hay là thấy nó có mòi chi hay không? Phải chi mấy bữa rày con có ở nhà, con ẩn mặt chỗ nào đó mà rình vợ con, thì mới thấy vợ con thương con như thế nào. Nó đòi tự vận chết theo con hoài, tao với chị giữ gìn hết sức, sau nó mới tính vô nhà kín tu, đặng đày đọa tấm thân trả nghĩa cho con một đôi ba năm rồi sẽ chết, bởi vậy chôn cất xong rồi mới vô nhà kín đó. Quảng Giao nghe rõ đầu đuôi thì thở ra, rồi day qua thấy vợ ngồi khóc thút thít, anh ta mới nói rằng: - Ấy là một kế qua sắp đặt đặng thử bụng em, chẳng dè nhọc lòng em đến thế, vậy xin em đừng cố chấp qua. Xuân Hoa vừa khóc vừa cười và hỏi rằng: - Mà nay mình còn có nghi tôi nữa hay không? Giữa đây có đủ mặt hai má và có mặt anh Tư, nếu mình muốn cho tôi mổ ruột đặng cho mình moi lòng tôi thì mình nói đi, tôi mổ liền cho mình coi, đặng hết nghi ngờ nhau nữa. Quảng Giao rưng rưng nước mắt đáp rằng: - Giữa chỗ nầy em dám nói lời ấy, qua đủ hiểu bụng em rồi. Vậy em đừng buồn nữa, từ rày về sau qua không nghi việc chi nữa đâu. Quảng Giao lại day qua nói với Bác Ái rằng: - Anh đã thấy rõ ràng hay chưa? Vợ chồng có cần gì phải có tình trước rồi mới thương nhau đâu. Bác Ái ngồi cúi mặt xuống nói nho nhỏ rằng: - Tôi quấy lắm! Thiệt là tôi quấy lắm. Rồi từ giã về nhà nghỉ. Từ ấy về sau vợ chồng Quảng Giao ở với nhau mặt càng yêu, lòng càng mến, tình càng mặn, nghĩa càng nồng, trên thuận dưới hòa, trong êm ngoài ấm. Còn Bác Ái cách vài tuần sau làm đơn xin đổi lên Phủ Toàn Quyền lại, rồi ra Bắc Kỳ, đến nay hơn đã năm năm rồi mà chưa tính việc xe tơ kết tóc.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang