[Việt Nam] Một Chữ Tình
Chương 1 : Chương 1
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 14:08 16-09-2019
.
Chủ nhựt, học trò trường Chasseloup Laubat ra đi chơi hết, duy có trò bị phạt với chừng mười lăm trò thấy ngày thi đã cận rồi, muốn học ôn, nên còn ở lại trong trường mà thôi.
Lúc trưa trời mưa giông trót một giờ đồng hồ, me đổ lá đầy sân, cát chỗ khô chỗ ướt. học trò ngủ trưa thức dậy vào lớp học bài cho đến 4 giờ chiều mới ra ngoài hàng tư ngồi chơi. Đầu nầy năm ba học trò dụm nhau ngồi trò chuyện, đầu nọ vài ba trò dắt nhau đi lại đi qua.
Phạm Quảng Giao tay cầm cuốn sách “Pháp văn bị thể” chơn lần đi lại một góc vắng vẻ, rồi ngồi giở sách ra đọc. Trời tuy đã dứt mưa, song gió thổi ngọn me oằn oại, hễ luồng gió đến thì nước đọng trên cây đổ xuống, rồi lá me cũng lát đát rớt theo. Quảng Giao tính kiếm chỗ vắng học cho dễ, nào dè dở sách ra đọc chưa được mấy hàng mà ngoài sân nước tuôn lá đổ đã mấy lần, làm cho trò ta lãng trí đọc mà không nhớ chi hết.
Quảng Giao để cuốn sách trên gối, tay trái thì đè, còn tay mặt thì chống cằm, ngồi ngó ra ngoài sân, mắt nhìn cảnh vật tiu hiu, trí tưởng tiền trình càng ái ngại. Ngồi hồi lâu, bỗng nghe sau lưng có tiếng giầy động đất, Quảng Giao day lại thấy trò Lê Bác Ái chơn đi nhè nhẹ, miệng cười chúm chím, đương xâm xâm bước tới, ý muốn lén chọc cho giật mình chơi. Bác Ái thấy Quảng Giao day lại, không còn thế chọc ghẹo được, mới cười lớn rồi giựt cuốn sách mà hỏi rằng:
- Học giống gì đây anh?
- Đọc bậy Pháp quốc văn học chơi vậy mà.
- Anh giỏi quá! Trời nầy mà đọc sách được chớ. Tôi có tánh kỳ, hễ trời mưa tôi buồn, chẳng hề khi nào tôi học được.
- Tôi cũng vậy, nãy giờ đem sách lại ngồi đây chớ có đọc được câu nào đâu.
Bác Ái ngồi kề một bên Quảng Giao, tay lật sách lia lịa, dòm ngó láo liên một hồi để dẹp cuốn sách lại một bên nói với Quảng Giao rằng:
- Bữa nay còn có 4 tuần lễ nữa mới tới ngày thi anh há?
- Ừ.
- Anh nhớ đến ngày thi anh sợ hay không?
- Sợ giống gì?
- Thiệt, học như hai anh em mình đây đi thi thì cũng ít sợ. Ngặt chừng thi có học trò mấy trường khác vào thi chung với mình, bởi vậy tôi còn lo một chút.
- Lo sao? Họ thi phận họ, mình thi phận mình, hễ làm bài đủ số điểm thì đậu, chớ có họ rồi họ bớt điểm mình được hay sao mà lo.
- Không phải! Tôi lo là lo họ giựt thứ nhứt, thứ nhì rồi thì mất danh tiếng tụi Chasseloup mình chớ.
- Thi thì phải ráng chớ sao, mà tôi biết tôi giựt thứ nhứt không được đâu.
- Sao vậy?
- Tại cái mạng tôi không có, học thì học chớ không khi nào dành thứ nhứt được đâu.
- Mạng là cái gì? Anh khéo nói thì thôi!
- Vậy chớ anh không thấy sao? Mấy năm học trong lớp có thua ai đâu, mà mấy lần thi có lần nào tôi đứng thứ nhứt đâu nào?
- Tại anh tin tưởng mạng vận quá nên xuôi xả như vậy đa. Phải chi anh sốt sắng, trong trí cứ tính tranh thứ nhứt hoài, thì ắt phải được chớ gì,
- Hứ! Anh nói hơi Tây hoài! Con người ta ai lại không có mạng, vậy chớ kỳ thi năm ngoái anh Hà Tấn Phát học giỏi, ai cũng chắc ảnh đậu đầu, mà ảnh lại rớt đi, còn anh Nguyễn Văn Cảnh ảnh học dở mà lại cà lâm, ai cũng tưởng ảnh rớt, mà sao ảnh lại đậu?
- Ấy là tại may rủi chớ mạng số gì. Anh Phát ảnh rớt là vì lúc đi thi toán rủi ảnh tối tăm mày mặt, làm toán trật hết, nên ảnh mới rớt chớ.
- À! Ảnh giỏi toán sao chừng thi môn ấy ảnh tối tăm mày mặt, làm không được, vậy không phải tại phần số ảnh hay sao?
- Mình học Tây mà nói số mạng nghe kỳ quá!
- Ủa! học Tây là học, chớ cái óc của mình là óc Việt Nam làm sao mà đổi được.
- Anh nói nghe tức quá, nín không được. Học là cái gì? Con người đi học là cố ý muốn mở trí khôn cho rộng đặng biết chỗ nào là chỗ tốt, chỗ nào là xấu, sự nào là sự phải, sự nào là sự quấy, điều nào là điều hay, điều nào là điều dở, rồi chừng thành nhơn ra xung đột với đời, mình khỏi thua sút thiên hạ. Thưở trước ông bà mình học chữ Tàu, sách Tàu thì chuyên dạy lễ nghĩa, đạo đức mà thôi, bởi vậy ông bà mình học rồi trí thâm nhiễm lễ nghĩa, đạo đức đến thay đổi thấy việc chi có lợi thì sợ phi nghĩa nên không dám làm, bị ai hiếp đáp thì sợ thất lễ nên không dám cự, vì vậy, nên mối lợi mới để cho họ dành hết, mới bị người ta hiếp đáp bấy lâu nay đó. Anh nghĩ thử coi, cái óc của người mình như vậy không nên rửa cho sạch rồi sơn màu khác cho nó mới hay sao? Bọn chúng ta đây mau thoát khỏi vòng cựu học rồi chúng ta học theo Pháp quốc giáo dục, Pháp học mở trí khôn mà lại giúp con người có nghị lực, có cam đảm biết tốt biết xấu, biết quấy phải, nghĩa là hễ học thành rồi rồi thì con người có thể cạnh tranh lợi quyền, có thể đối đãi với đồng loại. Hễ học thì phải hành, mình học theo chữ Pháp thì phải ráng mà làm như người Pháp, nghĩa là cư xử, đi đứng, làm ăn, tính toán, suy nghĩ, mỗi mỗi đều phải làm cho giống người Pháp mới được, chớ anh học chữ Pháp mà anh cứ làm theo xưa, cứ nói hơi xưa hoài, thì khó coi quá mà.
- Anh nói nghe hay thiệt, mà tôi coi bạn học của mình đây chẳng phải có một mình anh nói như vậy đâu, trong 10 người hết 9 người đã muốn làm theo người Pháp, chớ không muốn làm theo xưa nữa. Phận tôi thì không chịu vậy. Tôi cũng biết cựu học tệ thì tệ, xưa nay người Nam ta cũng vì môn học ấy mà chậm trễ bước văn minh. Nhưng cựu học tệ thì tệ, chớ cũng có chỗ hay, nhứt là phong hóa có thua môn học nào đâu. Anh nói bây giờ mình học theo Tây, mình phải làm theo Tây, vậy chớ làm theo người Nam là bậy lắm sao? Mà anh tính làm theo Tây, vậy chớ anh đã thông thạo cách người Tây cư xử trong gia đình, họ giao thiệp cùng xã hội, họ suy tính lúc hành sự làm sao không, mà anh dám đại ngôn rằng anh làm như họ! Ê! đừng có vậy nà! Anh có giỏi thì anh học cho bằng trí, tài, nghề nghiệp của họ đi, còn cách cư xử thì mình phải theo người Nam mới phải chớ.
- Anh làm theo người Nam anh làm, còn tôi làm theo Tây chớ tôi không chịu cách cư xử của mình đâu.
- Ờ thôi, anh làm được anh làm, tôi sợ anh muốn làm con công, rồi anh thành con ngổng chớ.
Quảng Giao nói mấy lời rồi thò tay lấy cuốn sách, còn Bác Ái nghe nói như vậy liền day lại xô Quảng Giao đụng trong vách tường, rồi cười nói rằng: “Anh kiêu ngạo quá!”
Bác Ái bỏ đi được vài bước rồi trở lại hỏi rằng:
- Nầy anh, anh tính thi đậu rồi anh xin ra Hà Nội học thêm nữa, hay là ra kiếm việc làm?
- Theo ý tôi thì tôi muốn chừng thi đậu rồi tôi xin vào trường cao đẳng sư phạm ngoài Hà Nội học thêm ba năm nữa đặng sau trở về làm giáo sư ít năm, đợi trộng tuổi tôi sẽ xin thôi, ra lập trường tư dạy học. Nhà tôi tuy không giàu chớ cũng đủ ăn, tôi đi học nữa thì được rồi, ngặt vì ông thân tôi đã khuất sớm, chị tôi có chồng phải theo ở bên chồng, còn bà thân tôi thì yếu lắm, nên tôi đi chắc không được. Còn phận anh, anh có tính đi học nữa không?
- Tôi chưa nhứt định. Tôi muốn đi học nữa mà ông thân, bà thân tôi lại không chịu vậy, tính hễ tôi thi đậu thì cưới vợ liền cho tôi, rồi biểu đi thi ký lục.
- Anh là con nhà giàu có, cha mẹ song toàn, anh em lại đông đảo, anh nên đi học nữa, chớ ra làm việc sớm làm gì.
- Tôi cũng nghĩ như vậy đa. Tôi muốn đi Tây quá, mà ngặt bà thân tôi không chịu, lần nào tôi nói tôi cũng bị rầy.
- Nầy, không cho đi Tây, thôi đi Hà Nội.
- Ý tôi không muốn đi học Hà Nội.
- Sao vậy?
- Như có học thêm nữa, thì học mấy môn bác vật, hóa học hay là học kỹ nghệ cơ xảo chi chi, đặng sau có thể giúp cho nước mình được tiến bộ văn minh, chớ đi học Hà Nội là học đặng làm quan, học như vậy có ích chi đâu mà học.
- Nếu anh có chí như vậy thì tốt lắm … Tôi buồn cho phận tôi không có tiền nhiều, mà lại mẹ góa con côi không thể làm theo anh nói đó được, chắc là cái mạng tôi phải làm thầy giáo hay là thông ngôn ký lục rồi.
- Anh cứ nói mạng số hoài! … Tôi nói đó là cái riêng của tôi cho anh nghe chơi, chớ biết ông bà thân tôi có “khứng” cho tiền đặng tôi đi học nữa hay không. Theo biểu tôi đi coi vợ hoài, kỳ quá!
- Anh năm nay đã 20 tuổi, trộng rồi. Bác biểu đi coi vợ cũng là phải, chớ sao mà gọi rằng kỳ.
- Tôi thấy cách người mình đi cưới vợ tôi ghét quá. Con trai vừa mới lớn lên, nghe nói chỗ nào có con gái, nhắm coi nhà có xứng với nhà mình rồi dắt tới xin coi. Cô gái thay áo đổi quần chạy ra hỏi một tiếng rồi lật đật chạy vô, không thấy chú trai cho rõ coi đen hay là trắng, thấp hay là cao; mà chú trai ngồi ngó thấp thố, cũng không thấy cho rõ cô nọ. Coi rồi đi về. Cha mẹ cậy mai đến nói, hai bên bằng lòng, định ngày làm lễ hỏi. Bên trai cũng vậy mà bên gái cũng vậy, không bên nào chịu dọ coi tánh dâu rể thế nào mà cũng không hỏi coi dâu rể nó có thương nhau hay là không, hễ cha mẹ bằng lòng thì làm sui bướng. Lễ hỏi xong rồi, hễ ít ngày cho chàng rể qua bên vợ làm rể một lần. Làm rể nghĩa là qua dựa góc ván tối ngày rồi về chớ không phải buộc làm rể là cố ý làm cho vợ chồng gặp nhau đặng nói chuyện với nhau cho quen, đặng gây cái ái tình trước, ngõ hầu chừng cưới vợ về chồng đã thương vợ, vợ đã thương chồng, khỏi trâu đen trâu trắng.
- Anh nói kỳ quá! Con gái nó hay mắc cở, anh chưa cưới mà biểu nó ra nói chuyện với anh, nó biết nói chuyện gì?
- Nếu mắc cở thì có thương nhau đâu, còn như thương thì đời nào có mắc cở, nghĩa là không thương thì đừng có ưng, mà làm trai nếu người ta không thương mình thì cưới về làm gì?
- Thương để cưới về thủng thẳng sẽ thương, chớ mới đi nói mà anh biểu phải thương, thương làm sao được?
- Cái tệ là tại đó đa. Đi cưới vợ không cần thương trước, ai cũng nói cưới về rồi thủng thẳng sẽ thương, bởi vậy cho nên thuở nay biết bao nhiêu người cưới vợ về không đặng bao lâu thì đã rời rã, kẻ đến tòa xin để, người thì bỏ vợ trốn chồng, con trai gặp vợ không vừa lòng buồn chí kiếm mèo, con gái gặp chồng không đẹp ý sanh tâm đi ăn vụng. Chớ chi con trai con gái cho biết trước nhau đặng cho nó dọ tánh nết nhau, rồi nếu nó thương yêu trìu mến nhau, nó quyết kết tóc trăm năm với nhau rồi, chừng ấy sẽ đi nói cưới, thì làm sao mà có cuộc chia bâu rẻ cánh như tôi nói đó.
- Anh nói vậy sao được. Con gái mà cho nó biết trước con trai thì còn gì tiết hạnh. Có thứ con gái hư nó mới hốt tốc, trông gặp trai thì liếc mắt đưa tình, chớ con gái nên nó xẩn bẩn chốn khuê phòng, ngoài tường ong bướm mặc ai, nó giữ trinh như gương trong, như tuyết trắng anh làm sao mà khêu tình nó đặng? Dẫu nó đi ngoài đường đi nữa, anh làm sao ghẹo cho nó thương anh?
- Thiếu gì cách.
- Giỏi dữ! Anh gặp người ta đi, anh theo chọc ghẹo người ta sao? Cách đó thô tục quá nà! Con gái nếu anh chọc nó, nó càng ghét anh, chớ đời nào mà nó thương.
- Chọc gái có nhiều cách chọc, chớ phải có một cách thả giọng dê đó hay sao.
- Tôi xin khuyên anh đừng có theo Tây quá như vậy không được đâu. Nước nào có phong tục nước ấy, cái lệ hôn nhơn của mình tốt lắm, anh có giỏi cải lương thì cải lương tài trí, chớ đừng có tính cách cải lương hôn nhơn, không nên đâu anh. Vậy chớ thuở nay ông bà mình cưới hỏi nhau đó, mấy thương yêu nhau trước, mà cũng “phu xướng phụ tùy” ở với nhau đến già đó sao.
- Phải, theo cách cưới hỏi xưa nay đó có cặp vợ chồng cũng ở với nhau đến già được vậy, song ở với nhau thì ở, mà không có chi là vui vẻ hết. Có người cưới vợ về ở với nhau lâu ngày chầy tháng có nhiều dịp chồng giúp vợ, hoặc vợ nuôi chồng, rồi kết thành cái nghĩa nặng bỏ nhau không đành, hoặc sanh con rồi dầu vợ chồng có xích mích với nhau cũng bỏ qua, vì thương con nên phải lây lất mà nuôi con. Xét lại thì các đôi vợ chồng ấy ở đời với nhau là vì cái tình nghĩa nó ràng buộc, hoặc vì sắp con nó líu nhíu, nên phải theo nhau, chớ chẳng có tình ái với nhau chút nào hết, tôi không chịu vậy đâu, con trai con gái phải thương nhau trước rồi sẽ cưới, làm như vậy ngày sau mới khỏi ăn năn.
- Chắc hay không?
- Sao lại không chắc.
- Như bác ép anh phải đi coi vợ anh làm sao?
- Ép cái gì? Cha mẹ tôi biểu tôi phải cưới vợ thì được. Mà cưới vợ phải để cho tôi thong thả đặng tôi lựa, chớ ép tôi phải cưới con Xoài, con Mít, tôi không thương nó, mà tôi cũng không biết nó có thương tôi hay không thì tôi dễ chịu đâu?
- Anh lựa là lựa làm sao?
- Tôi không cần giàu nghèo, không cần đen trắng, miễn tôi coi tánh nết ở đời với tôi được, tôi dọ nếu có lòng thương tôi, mà bụng tôi cũng thương nữa, thì tôi đi cưới, chớ nhà giàu muôn hộ, nhan sắc như tiên đi nữa mà tôi không dọ được tánh nết, tôi không biết nó thương tôi hay không, thì tôi không thèm đâu.
- Thiệt vậy sao?
- Thiệt chớ.
Hai trò đàm luận mới bao nhiêu lời kế nghe đồng hồ gõ 5 giờ, rồi trống ngoài cửa đánh inh ỏi nên phải lật đật chạy lại đứng sấp hàng đặng vô lớp làm bài.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện