[Việt Nam] Lan Trì Kiến Văn Lục (2015)

Chương 7 : Nguyễn Quỳnh

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 00:16 17-09-2018

Nguyễn Quỳnh người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa. Tuổi trẻ đỗ thi Hương, nổi tiếng văn chương, tính tình phóng khoáng cởi mở, rất ưa khôi hài. Ông thường đến luyện văn ở nhà Quốc học, luôn được xếp hạng ưu, nên rất tự đắc. Một hôm, vào dịp luyện văn đầu tháng, học trò làm văn trong phòng, có một thư sinh trẻ, vẻ người tuấn tú, cầm bút nghĩ một lát, rồi viết liền một mạch mấy tờ, thao thao không dứt. Chưa đến trưa, mà bài đã xong. Quỳnh khi ấy còn đang khổ sở suy nghĩ, thấy anh ta làm nhanh như vậy, ngạc nhiên thán phục, mượn xem toàn bài, thì thấy tứ văn mới lạ, bản thân mình không thể sánh được, Quỳnh bèn bỏ bút xuống hỏi họ tên. Người ấy nói mình là một học trò hèn kém ở Hải Dương vừa ra du học ở Trường An, trọ ở ngoài thành, tên họ thấp hèn, không dám để vẩn tai bậc tôn quý. Trò chuyện cùng nhau, thì thấy anh ta học vấn uyên bác, hỏi đến đâu đáp đến đó. Quỳnh vốn rất tự phụ nổi danh, coi thường người cùng lứa, đến bây giờ cảm thấy rất phục, mời về chỗ ở của mình. Chàng thư sinh lấy cớ bận việc khác, từ chối không đi và nói: “Nếu anh không nỡ bỏ nhau, thì sau ba ngày hãy đợi em ở đình Quảng Văn, khi ấy sẽ mời anh tới hàn xá”. Nói rồi từ biệt mà đi, cũng không nộp quyển nữa. Tới hôm hẹn, buổi sớm, Quỳnh đến đình Quảng Văn, thì chàng thư sinh đã ở đó rồi. Hai người gặp nhau, rất vui vẻ cầm tay nhau cùng đi, ra ngoài thành chừng một dặm rồi đi lối rẽ chừng vài chục bước, thấy một thư đường, cửa gài đóng chặt, dùng tay gõ cửa, có một người đầy tớ già ra mở, đưa khách vào. Trong nhà, ngoài giường, chiếu, nồi đèn ra, không còn có thứ gì khác, cũng không có bút nghiên và sách vở gì. Quỳnh lấy làm lạ, hỏi, thì người đã nói là không có ý định tiến thân làm quan, không học ngón đẽo gọt văn chương. Hỏi hôm trước sao lại làm văn, thì người đã nói là từ lâu đã nghe danh lớn, muốn đến làm quen, lại sợ đường đột, nên thử vung ngọn bút, xin được hạ cố tới. Hai người ngồi trò chuyện rất lâu, người đó sai đầy tớ dọn mâm, chỉ thấy có hai bát cơm gạo xay, cùng canh rau, thịt sấy thôi. Đến chiều, Quỳnh từ biệt ra về. Chàng thư sinh nói: “Chỗ ở bần hàn, thô lậu, không dám giữ bậc cao quý ở lại”. Rồi rút từ trong tay áo ra 27 đồng tiền tặng Quỳnh và nói: “Dịp sau khó hẹn, xin tạm đỡ anh tiền rượu nước đi đường”. Quỳnh cười nói: “Chỗ tôi ở trong Kinh cũng gần đây sớm tối còn được gặp nhau, sao lại nói những lời vĩnh biệt như vậy. Vả lại, đường về gần, cần gì đến phí tổn dọc đường”. Chàng thư sinh cười, không trả lời, nhét tiền vào ống tay áo của Quỳnh, đưa tiễn ra cửa, trân trọng từ biệt. Quỳnh quay đầu lại nhìn, thì thấy lớp lớp núi xanh, trập trùng sau trước, còn mình thì ở giữa tầng mây trắng, giữa đám tùng xanh, không có một ngôi nhà nào cả. Quỳnh tìm đường đi xuống, dọc đường gặp người lấy củi, hỏi ra mới biết chỗ đó là núi Phượng Hoàng đất Hải Dương, cách Kinh thành hơn hai trăm dặm. Quỳnh ngạc nhiên than thở mà về, sờ ống tay áo, thấy tiền tặng vẫn còn, đang lo vất vả thiếu thốn dọc đường, nhưng khí lực tăng bội phần, không cảm thấy đói. Mua trà, rượu, tiền mất một ít, nhìn lại, trong tay áo tiền vẫn còn. Ba ngày sau về tới Kinh thì số tiền cũng biến mất.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang