[Việt Nam] Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng

Chương 0 : Lá cờ thêu sáu chữ vàng: Nửa thế kỷ vẫn bay

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 16:24 08-09-2018

.
Cuốn sách dành cho thiếu nhi, xuất bản lần đầu tiên năm 1960 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa được NXB Kim Đồng tái bản sau nửa thế kỷ đi vào lòng các bạn trẻ. Hơn hai tháng trước khi cuốn truyện lịch sử thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng xuất bản, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời ngày 25.7.1960. Theo bà Trịnh Thị Uyên, vợ ông, hôm vào Bệnh viện Việt - Xô, ông đã ghé qua Nhà xuất bản Kim Đồng ở phố Phạm Đình Hồ giao bản thảo. Nhà thơ Phạm Hổ thì cho biết dù phải nằm ngửa trên giường bệnh, Nguyễn Huy Tưởng còn tự tay sửa bản in thử Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Sách kể về người anh hùng 16 tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, gặp buổi rợ Mông Nguyên sang cướp nước Nam, đã chiêu mộ sáu trăm người, kết làm anh em, đánh giặc. Chỉ với trăm trang in, Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên bức tranh rộng mở về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai với hội nghị của vua tôi nhà Trần ở bến Bình Than quyết định đánh hay hàng, đến trận Hàm Tử Quan do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng. Với góc nhìn của người viết dã sử, Nguyễn Huy Tưởng đã “cho” Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than xin chủ chiến, và được ban trái cam và chàng đã bóp nát lúc nào không biết. Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục truyền thống, lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt dụng công về nghệ thuật. Ông viết đi viết lại, trau chuốt từng chữ, chú giải kỹ càng. Nói về Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người”, thật chính xác với một tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng! Ra đời vào năm 1960, Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một trong những cuốn sách gối đầu giường của các thế hệ thiếu niên. Lớn lên, họ ra trận, mang theo hình ảnh Trần Quốc Toản tuổi trẻ chí cao, dám chiến đấu và chiến thắng kẻ thù dân tộc. Khi giới thiệu Lá cờ thêu sáu chữ vàng trên Tạp chí Văn Nghệ năm 1961, nhà văn Thiều Quang đã không giấu được cảm xúc: “Đọc mê mải cuốn truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, tôi có cảm khoái say sưa như lâu ngày được hưởng một “món ăn lạ miệng”. Nhà văn Vũ Ngọc Bình thì bày tỏ nỗi tiếc thương tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng trên Báo Thiếu Niên Tiền Phong năm 1960: “Nhà văn mất đi, đem theo một chương trình sáng tác về truyện lịch sử dân tộc, loại truyện còn hiếm người viết vì đòi hỏi một vốn hiểu biết dồi dào và nghệ thuật viết văn điêu luyện”. Nửa thế kỷ đã qua, Lá cờ thêu sáu chữ vàng vẫn luôn có mặt trên thị trường sách đang ngày một đa dạng và phong phú. Đặc biệt, năm 2010, kỷ niệm 50 năm ngày mất của tác giả, cũng là 50 năm ngày ra đời cuốn sách, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt Lá cờ thêu sáu chữ vàng phiên bản mới, in màu trên giấy vàng khổ lớn, trang nghiêm và sang trọng. Sau hơn nửa năm dụng công vẽ và trình bày sách, họa sĩ Tạ Huy Long, từng được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước tâm sự, càng vẽ càng hứng thú. Trong đó, ấn tượng nhất là bức vẽ mẹ già của Trần Quốc Toản ra bờ sông nhìn theo sáu trăm gã hào kiệt đi đánh giặc đang xa dần, xa dần. Trong nắng chiều, những ngọn tinh kỳ của đoàn quân bay phấp phới. - Nguyễn Huy Thắng -
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang