[Việt Nam] Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng
Chương 16 : XVI
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 22:47 07-09-2018
.
Tất cả các tướng sĩ ở Vạn Kiếp đều thích vào cánh tay hai chữ Sát Thát. Tướng sĩ ở các nơi khác cũng theo gương ấy.
Nhưng quân Thoát Hoan thế to, tràn đi như nước vỡ bờ. Chúng đánh vào Vạn Kiếp. Hưng Đạo Vương phải bỏ Vạn Kiếp. Chúng đánh xuống Thăng Long, đặt súng bên bờ sông Cái bắn nát kinh thành và các doanh trại. Hưng Đạo Vương bàn với các vương hầu và tướng tá:
- Thế giặc đang mạnh, mùa đông lại là mùa lợi cho chúng tiến quân. Ta nên tránh cái nhuệ khí ban đầu của giặc, tạm thời bỏ kinh thành, rút quân vào Hoan Ái. Đợi đến mùa hè, quân giặc mỏi mệt, không chịu được thuỷ thổ, ta sẽ dĩ dật đãi lao đánh ra, nhất định chỉ một trận là đuổi giặc ra ngoài bờ cõi.
Hưng Đạo Vương bèn bỏ Thăng Long, rước vua vào Thanh Hoá.
Đạo quân thứ hai của giặc, do Toa Đô là một tướng có sức khoẻ vô địch thống lĩnh, đi đường bể đánh vào Chiêm Thành, rồi lại từ Chiêm Thành đánh ra Nghệ An. Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được lệnh vào giữ Nghệ An. Nhưng thành Nghệ An đã bị Toa Đô san phẳng. Chiêu Minh Vương phải lui về giữ vùng núi rừng hiểm yếu để chặn quân Toa Đô.
Hai gọng kìm của Thoát Hoan phía bắc và Toa Đô phía nam kẹp lấy mảnh đất Thanh Hoá còn lại. Khắp nước Nam đâu cũng có quân giặc. Thế nước nguy như trứng chồng.
*
* *
Mùa đông giá rét đã qua, và hoa gạo đã nở đỏ trên các bờ sông. Rồi cây cỏ lại đã xanh tươi. Những quả vải đã chín mọng và chim tu hú đã gọi hè. Đêm mưa như trút nước. Ngày nắng chang chang.
Các chiến sĩ chôn chân mãi ở đất Thanh Hoá, thảy đều sốt ruột. Họ đếm từng ngày, mong chóng đến hè. Mùa hè đã đến, nhưng trướng hổ của Hưng Đạo Vương vẫn im lặng như tờ.
Đã nhiều lần, Hoài Văn Hầu xin Hưng Đạo Vương cho dẫn quân riêng đánh ra, dù có chết cũng cam lòng. Hưng Đạo Vương nói:
- Đánh giặc phải biết chờ đợi thời cơ. Thời cơ đến thì như cánh buồm thuận gió, thuyền đi như bay. Thời cơ sắp đến rồi, cháu phải ra công luyện tập. Một khắc là ngàn vàng, không nên bỏ phí.
Hoài Văn lui ra, lòng vẫn buồn bực, bèn đi tìm gặp Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, là người mà Hoài Văn rất mến, rất gần. Năm ngoái, Chiêu Văn Vương đi dẹp Trịnh Giốc Mật, một tù trưởng Mán nổi loạn ở mạn Đà Giang. Nghe tin Chiêu Văn Vương lên, Mật cho người đưa thư đến, thách Vương có giỏi thì một mình vào trại hắn, Mật sẽ xin quy thuận triều đình. Các tướng sĩ sợ Mật là người tráo trở, đều can Vương không nên đi. Nhưng Vương nhất định nhận lời thách của tên tù trưởng. Vương chỉ đem theo một gã tiểu đồng mang điếu tráp. Còn Vương thì mình không mặc áo giáp, tay không cầm vũ khí, ung dung như một thầy đồ vào trại Trịnh Giốc Mật.
Mật đã cho quân sĩ mai phục sẵn, hễ thấy Vương mang theo quân là đánh. Nhưng khi thấy Vương chỉ phe phẩy cái quạt đi vào, Mật rất cảm phục. Mật mặc thường phục ra đón Chiêu Văn Vương, mời về trại và mở tiệc lớn đãi Vương. Vương thạo các tiếng Thổ, Mán, bày cho Mật những điều hơn thiệt, khuyên hắn không nên gây chuyện can qua, làm cho trăm họ khổ sở. Mật nghe theo lời Vương. Cả một dải Đà Giang từ đấy sóng yên bể lặng.
Khi Hoài Văn tới dinh Chiêu Văn Vương, thì thấy Vương đang ngồi ngoài vườn đánh cờ với Triệu Trung. Triệu là một tướng giỏi của nhà Tống, không chịu làm nô lệ nhà Nguyên, đã sang ở nhờ nước Nam và hiện là môn khách của Chiêu Văn Vương.
Nghe Hoài Văn nói hết nỗi niềm, Chiêu Văn Vương cười và bảo:
- Ta biết được ý của Tiết chế rồi. Thời cơ đuổi giặc không xa nữa đâu. Cháu hãy nuôi cái giận cho lớn, luyện cái chí cho bền, đợi ngày lập công. Cháu luyện tập thuỷ chiến đã giỏi chưa?
Hoài Văn trở về, lòng vẫn không vui. Chàng tiếc những ngày ở Ma Lục, thật là dọc ngang trời đất, phỉ chí tang bồng. Thấy Hoài Văn kém ăn kém ngủ, người tướng già hỏi:
- Sao vương tử ít lâu nay cứ buồn rười rượi?
Hoài Văn nói:
- Giặc chiếm gần hết nước, cái cơ nguy không còn chỗ dung thân đã rõ rành rành. Thế mà ngày qua tháng lại, ta cứ mòn mỏi ở đây, vui làm sao được?
- Quốc công bảo đến hè là quét sạch sành sanh quân giặc. Nay đã sang hè rồi. Vương tử phải mừng mới phải chứ.
- Ta đợi chờ mãi rồi, không chịu được nữa. Ta muốn rút sáu trăm quân riêng của ta trở lên Lạng Giang với Thế Lộc, cùng đánh giặc như dạo nào. Chứ ở mãi đây thì ta chết mất. Đêm qua, ta mê thấy nằm ở động Ma Lục, anh em Thế Lộc thấy ta lên mừng không kể xiết. Ta phải trở lên Ma Lục, để giữ đúng lời hứa với Thế Lộc. Người quân tử không thể sai lời.
- Lúc này, tự tiện rút quân riêng đi là một tội lớn. Vương tử không nên nghĩ thế. Nguy hiểm lắm. Tướng nào cũng nghĩ như vương tử thì đại quân vỡ mất. Vương tử chớ nên phân vân, tâm chí lúc nào cũng phải hướng vào Tiết chế mới được. Tiết chế là một bậc kinh bang tế thế, mưu lược như thần. Ba mươi năm trước, tuổi mới mười tám, Tiết chế đã tỏ rõ tài thao lược, giúp đức Thái Tông đánh tan giặc Ngột Lương. Đấy là bậc đại tướng, lòng trung trinh sáng như trăng sao, há phải là người ngồi khoanh tay để cho nhà tan nước mất ư? Vương tử không nên nóng nảy, buồn phiền, e làm giảm mất nhuệ khí của quân sĩ.
Từ đấy, Quốc Toản mới yên lòng đôi chút, lại hăng hái nghiên cứu binh thư, tập đánh bộ, đánh thuỷ, đợi ngày rửa hận.
Một hôm, trời nóng như nung như nấu, Hoài Văn bỗng được triệu vào trướng hổ. Tới nơi thì thấy các vương hầu và tướng tá đã đông đủ, đứng dàn ra hai bên trướng hổ, theo thứ tự trên dưới.
Nguyên là thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải cho người chạy ngày đêm từ Nghệ An ra báo tin Toa Đô bị chặn đánh ở Nghệ An, đã phải rút ra bể và kéo chiến thuyền ra bắc, để hợp cùng đại binh của Thoát Hoan. Hưng Đạo Vương bàn với các vương hầu và tướng tá rằng:
- Toa Đô vượt biển vào đánh Chiêm Thành, rồi lại mượn đường quay ra đánh úp Nghệ An, tưởng là một sớm bình định xong châu Hoan rồi nuốt luôn châu Ái. Nhưng mưu ấy không thành. Kẻ kia phải bỏ Nghệ An mà đi. Thế là muôn dặm đường trường, quân sĩ mỏi mệt, lại gặp mùa hè nóng nực, chúng không quen thuỷ thổ, tất sinh tật bệnh. Đấy là cái cơ thua của giặc. Nay ta đem quân đã được dưỡng sức mà đánh kẻ địch mỏi mệt, một trận phá tan nhuệ khí của nó đi, đấy là cái thế thắng của ta vậy.
Mọi người đều khen lời bàn của Tiết chế là phải. Ngồi trên trướng hổ, Hưng Đạo Vương nhìn xuống các vương hầu, tướng tá và hỏi:
- Trận đầu này phải thắng. Ai đi thay ta cầm quân đánh Toa Đô?
Hưng Đạo Vương nói chưa dứt lời thì một người ở hàng đầu vương hầu đã bước ra, vòng tay trước mặt, nói một cách hiên ngang, khảng khái:
- Tôi tuy bất tài cũng xin đi đánh Toa Đô. Thượng tướng Chiêu Minh Vương đã chặn đứng được Toa Đô ở Nghệ An, lập nên công lớn với triều đình. Tôi hưởng lộc nước đã nhiều, chưa có dịp báo đền. Phen này, Tiết chế tin tôi mà cho đi, tôi quyết phá tan giặc giữ.
Mọi người nhìn ra thì người ấy là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, vị chú ruột của nhà vua, lúc nào cũng có cái vẻ ung dung, nho nhã. Hưng Đạo Vương mừng rỡ nói:
- Chiêu Văn Vương mà đi thì ta có thể ngồi nhà chờ tin báo tiệp.
Nói xong, Hưng Đạo Vương rút một lá cờ lệnh, đứng dậy từ trên trướng hổ bước xuống giao cho Chiêu Văn Vương và nói:
- Toa Đô mà hợp được với Thoát Hoan, tạo thành cái thế ỷ giốc thì rất khó đánh. Chiêu Văn Vương đi phen này, vừa phải phá cái uy phong của Toa Đô, vừa phải chặn không cho Thoát Hoan, Toa Đô liên lạc được với nhau. Việc trước khó, việc sau còn khó hơn. Chiêu Văn Vương phải rất lưu tâm mới được.
Chiêu Văn Vương nhận lá cờ lệnh và thưa:
- Xin vâng lệnh Quốc công. Tôi không làm tròn được hai việc ấy, để nhỡ đại sự thì xin nộp đầu dưới trướng.
Chiêu Văn Vương liền viết tờ cam đoan để lên án thư, vẻ vẫn ung dung, mặt không biến sắc. Sau đó, Vương cầm lá cờ lệnh lui về chỗ cũ. Cuối hàng hầu, Hoài Văn vội bước ra, vòng tay trước mặt, hướng lên trướng hổ uy nghiêm và nói to:
- Cháu xin Tiết chế cho đi theo Chiêu Văn Vương đánh Toa Đô.
Hưng Đạo Vương như không để ý đến Hoài Văn. Hưng Đạo nói:
- Toa Đô là thượng tướng nhà Nguyên, có sức khoẻ như Bá Vương, đã từng đánh đông dẹp tây, tới đâu thắng đó. Hiện nay, ta chỉ có Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão mới đối địch được với Toa Đô. Phạm Ngũ Lão thì còn ở Nghệ An giúp thượng tướng. Ở nhà, còn tướng quân Nguyễn Khoái. Tướng quân Nguyễn Khoái đâu?
Từ trong hàng tướng, Nguyễn Khoái dạ một tiếng lớn và bước ra. Đấy là một người mặt vuông, mình rộng, trạc bốn mươi tuổi, vững như cột cái chống đình. Nguyễn Khoái thưa:
- Tôi xin vâng tướng lệnh. Không đánh được Toa Đô, tôi quyết không trở về trông thấy Quốc công.
Hưng Đạo Vương gật đầu, truyền cho Nguyễn Khoái về chỗ. Hoài Văn vẫn hướng lên trướng hổ, mặt đỏ nhừ vì tức giận. Hoài Văn quỳ xuống nói như gào:
- Cháu theo quan quân vào trong này, ngày đêm chỉ mong được đi đánh giặc, ngõ hầu đền ơn vua, trả nợ nước. Nay quan quân sắp đi đánh một trận to. Cớ sao Tiết chế cử tướng khác mà lại không tin cháu như vậy?
Hưng Đạo Vương nói:
- Hoài Văn là một tiểu anh hùng. Ta muốn giữ cháu lại để đi đánh trận sau.
- Xin Tiết chế cho cháu đi đánh trận này. Trận nào cháu cũng xin đi, huống nữa là trận đầu?
Hoài Văn đưa bàn tay trái lên vỗ mạnh vào cánh tay phải đã thích hai chữ Sát Thát. Mặt người thiếu niên tái dần đi, lời nói rung lên:
- Cháu thích hai chữ Sát Thát vào tay, có phải là để lùi lại đằng sau đâu. Ai ngại Toa Đô chứ cháu không ngại nó. Một Toa Đô chứ mười Toa Đô cháu cũng coi thường. Xin Quốc công cho cháu đi theo hoàng thúc. Cháu sẽ cùng tướng quân Nguyễn Khoái đánh cho Toa Đô mảnh giáp không còn. Cháu cũng xin làm một tờ giấy cam đoan. Không đánh được Toa Đô, cháu xin nộp đầu dưới trướng.
Hưng Đạo Vương truyền cho Hoài Văn đứng dậy và nói:
- Ta muốn thử lòng cháu đó thôi. Ta cho cháu đi theo hoàng thúc. Ta đợi tin mừng của cháu.
Hoài Văn nhảy lên reo vui, quên khuấy rằng mình đứng trước trướng hổ uy nghiêm.
Sau khi bàn riêng với Chiêu Văn Vương về kế hoạch tiến quân, Hưng Đạo Vương thân tiễn ba người ra khỏi cổng dinh rồi mới trở vào. Hưng Đạo Vương vuốt chòm râu đốm bạc, tươi cười nói với mọi người:
- Tài trí của Chiêu Văn Vương, sức khoẻ của tướng quân Nguyễn Khoái, tráng khí của Hoài Văn Hầu, trận này nhất định thắng to.
Hưng Đạo Vương lại bước lên trướng hổ bàn việc quân. Quốc công nói:
- Cho triệu Thượng tướng ở Nghệ An ra để thu xếp đi đánh Thoát Hoan, lấy lại kinh thành.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện