[Việt Nam] Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết

Chương 0 : Bình: Về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 13:29 21-05-2019

.
Về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp (Tạ Ngọc Liễn) Trước Vàng lửa, tôi có đọc hai truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu và Kiếm sắc. Tôi thấy tác giả hai truyện ngắn này có khả năng thể hiện mình bằng văn học giỏi hơn nhiều cây bút từng trải khác. Trong sáng tác văn chương ở ta gần đây, Nguyễn Huy Thiệp, mặc dầu mới xuất hiện, song anh đã sớm chứng tỏ được mình là một nhà văn có bản sắc riêng, mới mẻ, bạo dạn, súc tích, gây được chú ý thực sự của độc giả. Với ấn tượng thiện cảm ấy, tôi tìm đọc tiếp Vàng lửa là truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mới in trên Văn nghệ, số 18 ra ngày 30-4-1988. Cũng như Tướng về hưu, với Kiếm sắc, kỹ thuật viết, sức khái quát, tính biểu tượng nhiều mặt của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp trong Vàng lửa khiến tôi có thể khẳng định: Đây là một tài năng. Tuy nhiên, về nội dung tư tưởng, về quan điểm xã hội, cách nhìn nhận các giá trị lịch sử mà Nguyễn Huy Thiệp muốn phát biểu qua tác phẩm của mình thì Vàng lửa, theo tôi, là một truyện chứa đựng không ít sai lầm, lệch lạc, buộc chúng ta phải nhắc nhở anh cần định hướng lại một cách chín chắn hơn khi ngồi trước trang giấy, đặc biệt cần kiểm tra lại vốn tri thức văn hóa, vốn hiểu biết lịch sử trong hành trang anh đang có, nếu như anh vẫn tiếp tục đi vào các đề tài lịch sử. Vàng lửa là một truyện ký danh nhân, lịch sử. Nhân vật Nguyễn Huy Thiệp mô tả là Gia Long và Nguyễn Du, hai con người đều có tầm vóc lớn trong lịch sử chính trị, lịch sử văn học nước ta thời đầu thế kỷ XIX. Bên cạnh Gia Long, Nguyễn Du, còn có một nhân vật người Pháp tên là Francais Perie. Francais Perie chính là nhân vật Nguyễn Huy Thiệp xây dựng ra để nói hộ mình những suy ngẫm về mọi chuyện, trong đó có sự đánh giá Gia Long, Nguyễn Du, quan trọng hơn là đánh giá đặc điểm dân tộc ta, truyền thống văn hóa, văn minh Việt Nam và lịch sử Việt Nam thời Nguyễn lúc bắt đầu tiếp xúc với người châu Âu. Người sáng tác văn học, dù viết một đề tài lịch sử nghiêm túc nhất vẫn có quyền hư cấu, nghĩa là thêm thắt những cái được tưởng tượng ra, không có trong thực tế lịch sử. Với độc giả, việc nhà văn hư cấu chuyện này, chuyện nọ không quan trọng. Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử không, có đem lại cho họ những xúc động sâu xa không?… Theo quan niệm của chúng ta từ trước tới nay Gia Long là nhân vật lịch sử phản diện, vì ông ta dựa vào Pháp đánh đổ triều Tây Sơn, ông ta là người “cõng rắn cắn gà nhà”. Sự thật, Gia Long (Tự Đức và vương triều Nguyễn nói chung) cần được đánh giá cho khoa học hơn, khách quan hơn. Nhưng dẫu có được đánh giá lại thế nào thì chắc rằng sẽ không ai thừa nhận Gia Long là một “khối nguyên liệu vô giá” “Quốc bảo”. Còn Nguyễn Du, nhất là hoàn cảnh đất nước, dân tộc, môi trường văn hóa đã sinh ra Nguyễn Du thì sao? Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật Francais Perie nhận xét hộ mình: “đặc điểm lớn nhất của sứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất của ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không bao giờ hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình…” “Cộng đồng Việt Nam là cộng đồng mặc cảm. Nó bé nhỏ xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi, lại vừa tàn nhẫn…” Tôi nhấn mạnh đoạn văn trên vì nó có vẻ rất “triết học lịch sử”, xong là bằng chứng rõ rệt về sự nhận thức phiến diện, về một trình độ học vấn chưa đầy đủ của tác giả Vàng lửa khi anh muốn định luận một vấn đề vừa lớn, vừa phức tạp, vượt quá giới hạn khả năng anh. Chúng ta không thể đồng tình với Nguyễn Huy Thiệp cho rằng đặc điểm lớn nhất của đất nước Việt Nam là nhược tiểu và dân tộc Việt Nam là dân tộc luôn sống mặc cảm, vì mình quá bé nhỏ bên cạnh nền văn minh lớn Trung Hoa. Nước ta so với nước Trung Hoa thì nhỏ. Nhưng phải hiểu nhỏ mà không yếu. Những cuộc phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh ở thế kỷ XI, XIII, XV, XVIII chẳng lẽ chưa đủ để xác lập Việt Nam là một xứ sở mạnh mẽ sao? Hiểm họa bị đồng hóa mất dân tộc trong hàng nghìn năm Bắc thuộc là một thử thách ghê gớm, một chứng minh tuyệt vời về sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt, dẻo dai của cộng đồng dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa tự tin, tự khẳng định. Tôi đề nghị tác giả Vàng lửa hãy nghiền ngẫm lại thơ văn Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Xưởng, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… thử tìm xem trong đó có những mặc cảm tự ti dân tộc không, bởi họ là đại diện chân chính nhất phát ngôn cho dân tộc mình, về mọi phương diện, ở mọi cấp độ. Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu một cộng đồng người chỉ biết khắc khoải, bất lực trong tâm thức, mặc cảm về số phận lịch sử nhỏ nhoi của mình thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay cũng như một truyền thống văn hóa dân tộc riêng tuy mang khá nhiều nhược điểm sống cổ kính uyên bác, cao nhã, nhân bản biết bao nhiêu! con cháu không hiểu điều ấy thật là có lỗi với tổ tiên. Cũng giống Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Trung Hoa song người Việt Nam chưa bao giờ coi đấy là điều đáng hổ thẹn. Người Việt Nam tiếp nhận văn hóa Trung Hoa không phải hoàn toàn do bị cưỡng bức, áp đặt sau những lần xâm lược thống trị của chủ nghĩa phong kiến phương Bắc. Càng không phải, càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con của nền văn minh Trung Hoa “cưỡng hiếp” đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh, khỏe khoắn. Việt Nam trong tiến trình lịch sử của mình thường xuyên chịu tác động ảnh hưởng văn hóa bên ngoài dội vào trực tiếp và trước hết là văn hóa Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam bằng hai cách: theo con đường giao lưu bình thường và theo vó ngựa xâm lăng với tư cách là công cụ chinh phục, đồng hóa. Giữa hai phương thức du nhập ấy thì con đường giao lưu, văn hóa bình thường là dòng chủ đạo trong mối quan hệ văn hóa Việt Nam – Trung Hoa xưa. Văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa lớn trên thế giới nhưng nó bị giai cấp thống trị Trung Hoa sử dụng nhằm phục vụ chính sách xâm lược của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Nhiều dân tộc đã bị Trung Hoa nuốt chửng kể cả những dân tộc đã xâm lược và thống trị Trung Quốc. Ở Việt Nam tình hình không diễn ra như vậy. Qua hàng chục thế kỷ, mặc dù các vương triều phong kiến Trung Hoa đã thực hiện những âm mưu đồng hóa, tiêu diệt nền văn hóa bản địa Việt Nam, nhưng cùng với dân tộc Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển ngày một mạnh mẽ, phong phú thêm. Văn hóa Việt Nam sở dĩ không bị đánh bại vì nó là một nền văn hóa có gốc rễ chắc khỏe. Nhưng còn một nguyên nhân quyết định nữa là vai trò chủ thể của người trí thức Việt Nam. Chính tầng lớp trí thức đã góp phần quan trọng cùng nhân dân bảo vệ, xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong cuộc đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc, bản lĩnh người trí thức Việt Nam bộc lộ không chỉ ở chỗ họ biết tự vệ để không bị mất bản ngã mình, mà còn ở chỗ biết chủ động thâu thái những thành tựu của văn hóa Trung Hoa, làm cho nền văn hóa dân tộc thêm giàu có. Tất cả những nỗ lực không mệt mỏi của trí thức Việt Nam các đời nhằm xác lập, phát triển nền văn hóa dân tộc là sự tự khẳng định cao ý chí tự cường dân tộc. Trí thức Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn có rất nhiều gương mặt đẹp, tiêu biểu cho tinh thần văn hóa Việt Nam, trong đó Nguyễn Du là một tài năng lỗi lạc mà Truyện Kiều, “khúc Nam âm tuyệt xướng”[1], là đỉnh điểm chói lọi của tài năng ấy. Mọi người đều biết Nguyễn Du đã dựa theo truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (người cuối đời Minh) để viết ra Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều. Nhưng từ tác phẩm không có gì xuất sắc của Thanh Tâm Tài Nhân đến kiệt tác của Nguyễn Du là cả hai thế giới tâm hồn dân tộc khác nhau. Chỉ xét riêng phần ngôn ngữ Truyện Kiều với kho từ vựng tiếng Việt của Nguyễn Du trong đó và cách sử dụng nó, với việc dùng từ gốc Hán một cách sáng tạo bậc thầy, đủ nói lên Truyện Kiều là kết tinh từ sức sống kỳ diệu của tiếng Việt. Nguyễn Du là niềm tự hào cho sức mạnh chiến thắng của văn hóa Việt Nam. Thế giới dịch Truyện Kiều, kỷ niệm Nguyễn Du hẳn không phải vì Nguyễn Du có “dòng máu chứa đầy điển tích Trung Hoa” như Nguyễn Huy Thiệp đã ngộ nhận. Và nguy hại hơn là anh đã đem tâm lý mặc cảm của mình khoác gán cho dân tộc, cho những con người mà chính nhờ họ chúng ta mới được thừa hưởng một kho tàng ngôn ngữ dân tộc phong phú, đẹp đẽ như bây giờ, để chúng ta tư duy, nói năng, giao tiếp, viết văn, làm thơ… để giữa cộng đồng rộng lớn của nhân loại, thế giới biết rằng có một nền văn hóa Việt Nam khác với nền văn hóa Trung Hoa. Trong đoạn kết 2 của Vàng lửa, tác giả viết: “Phăng xin vua Gia Long mang theo Vũ Thị và một số vàng lớn hồi hương. Về Pháp ông lập một ngân hàng và sống sung sướng đến già. Ông thường kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm quá khứ, về những biến cố ở xứ An Nam xa xôi. Theo ông, thời kỳ ông ở Việt Nam mới là sự bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt, khi này biên giới phân định, chữ Latinh phổ biến, người Việt dần thoát ra sự cầm tù đáng sợ của nền văn minh Trung Hoa, có những sự giao lưu chung với cộng đồng nhân loại”. Tôi sẽ không nói với cái ý mà người đọc dễ hiểu lầm là ở đây tác giả Vàng lửa muốn ca ngợi Pháp có công khai hóa văn minh cho đất nước ViệtNam! Tôi chỉ ngạc nhiên vì nhân vật Phăng của Nguyễn Huy Thiệp sao lại quá kém về kiến thức lịch sử như vậy khi Phăng bàn chuyện lịch sử? Thời Gia Long (1802-1819) đầu thế kỷ XIX, biên giới ViệtNam- Trung Quốc chưa được phân định theo văn kiện, giấy tờ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, vào năm 1887, luật quy ước về vấn đề biên giới giữa ViệtNamvà Trung Quốc mới được ký kết. Dưới triều Gia Long, chữ Pháp và chữ quốc ngữ (chứ không phải chữ Latinh) đâu đã được phổ biến? Công việc ấy chỉ được tiến hành sau khi Pháp đã chiếm Nam Kỳ, tức là vào khoảng từ năm 1862 trở đi. Quốc gia Việt Nam nếu tới thời Gia Long mới bắt đầu có lịch sử thì hơn 2000 năm trước đó, người Việt không có lịch sử sao? Vào các thế kỷ thứ II; thứ III sau công nguyên, sự có mặt của nhiều thiền sư Ấn Độ và Phật giáo tại Việt Nam cũng như từ thời Lý – Trần đến Lê, thuyền buôn các nước tấp lập cập bến Vân Đồn và một số thương cảng khác của nước ta, rồi trống đồng thời Hùng Vương, đồ gốm Bát Tràng đời Trần, đời Lê, đời Mạc được chở sang Trung Quốc sang Nhật Bản, đi Indonexia, đến Thổ Nhĩ Kỳ… tất cả là gì, nếu không phải là mối giao lưu, cùng nhân loại? Tất nhiên những mối giao lưu giữa các nước ở thời cổ Trung đại không giống như các quan hệ quốc tế ngày nay. Để thay lời kết luận cho bài viết này, tôi muốn nói: Viết về lịch sử, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cũng phải phục tùng sự thật, đúng bản chất lịch sử, không được làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi. Chúng ta có quyền vạch ra và phê phán những nhược điểm của dân tộc, song không được xúc phạm tới danh dự dân tộc mình. Hãy đọc kỹ Lỗ Tấn xem. Ông đã thông qua nhân vật AQ để chỉ trích “chủ nghĩa thắng lợi tinh thần” của Trung Quốc cũng như ông từng lên án mạnh mẽ thứ “đạo lý ăn thịt người” của xã hội Trung Quốc phong kiến, nhưng không ai có thể dựa vào đó để bảo Lỗ Tấn là người bôi nhọ dân tộc Trung Hoa. Nét vĩ đại của nhà văn cách mạng này chính là ở chỗ ấy. __ [1] Lời đánh giá Truyện Kiều của Đào Nguyên Phổ cuối thế kỷ XIX. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (26-6-1988). Rút từ chuyên đề tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do 2 nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình sưu tầm, biên soạn __ https://phebinhvanhoc.com.vn/ve-truyen-ngan-vang-lua-cua-nguyen-huy-thiep/
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang