[Việt Nam] Kẻ Cướp Bến Bỏi

Chương 2 : III

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:46 20-12-2018

.
Bài ca cái roi song (Đằng tiên ca) Sau hôm rằm tháng chín, khí trời đã dịu Mặt trời u ám, ban mai không có ánh sáng Người bị giam xù đầu ngồi trên giường gãy Gió lạnh buốt thổi phần phật vào áo quần Chợt có lính của bộ đến, tiếng lanh lảnh Gọi ra thúc giục đến công đường Đứng dậy mang gông đi theo Khăn rách xốc xếch chân bước vội vàng Lúc vào cửa có lính canh ngục kèm hai bên Người ở kinh đô ngơ ngác đứng xem, vây kín như bức tường Các quan lớn ngồi trên, dưới có một viên quan nhỏ Gọi bày những hình cụ bày ra la liệt Có cái roi song to, dài thật là dài Da nó tía, mình nó cứng, uốn nó lại thẳng đờ ra Người bị tội nằm duỗi, sợ hãi xanh xám Đầu quay nghiêng, mặt lấm lét, như con dê hoảng hốt Chân tay căng thẳng, hai mắt quáng lên Lúc đó sau trận mưa, hơi thấp độc xông lên đến bàng quang Giờ lâu bị tra hỏi, miệng không nói được Chỉ khan vã kêu: "Oan! Oan!" và gào trời Quan thét lên như tiếng sét rung cả rường nhà Roi quất nhoang nhoáng bay đi liệng lại như ánh chớp Lúc giơ lên như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở Lúc ngừng như nước lạnh đổ vào nồi nước sôi Hai cái nọc đứng sững, có vẻ vững chắc Tiếng rên rỉ vang quanh dãy hành lang Than ôi! Cành hoa hải đường đương xuân Bị bẻ tan nát không kể gì đến hương thơm, ở Xương Châu nữa Bấy giờ đã muộn, trời sâm sẩm tối Ở nơi góc đài, những giọt sương trong cũng vì ta mà bay lên Roi song rũ xuống thôi không hăng hái như trước nữa Chắp tay đứng, ruột mềm quặn lại như cuốn được vào ngón tay Được, mất do mệnh là sự thường Ta cũng mày mặt như mọi người việc gì mà đau thương Ơn nhà, nợ nước chưa chút đền đáp Là người dũng cảm, đâu có chịu chết ở nơi văn tự Chao ôi, roi song ôi Mày không thấy: Ở phía nam sông Đức Giang ở đỉnh núi Nguyệt Hằng Trên đó cây tùng, cay bách chết một nửa Nhưng vẫn đứng trơ trơ giữa trời rét mướt Ví phỏng có người thợ giỏi, biết dùng không bỏ nó Thì những hạng cây như bồ kếp và chương não kia đáng kể vào đâu Vậy mà còn đốn chặt nó thì có đáng không. - Vũ Khiêu (dịch nghĩa) - Ngày 17 tháng Mười, sau khi bộ Lễ tra tấn nghiêm ngặt, nhịn đau viết luôn bốn bài (Thất nguyệt thập thất nhật, thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu, cưỡng bệnh mãn chí tứ thủ) Sấm gầm chớp giật trơ trọi một thân Bạn quen trông thấy sợ không dám gọi Khiêng về, bỗng mê man như trong cơn mưa gió ác liệt Tỉnh lại thấy tiếng nói khác thường Nửa đời thân phận mỏng manh nghĩ những chuyện gân gà mà thương Mười phần chết chín, tấm lòng chua xót, tưởng đến râu hùm mà sợ Đa tạ chú bộc cũ nhà họ Tiêu Đã khóc lóc đem những lời ôn tồn mà yên ủi thân này. - Nguyễn Văn Tú (dịch nghĩa) - * * * Trắt ở bên kia sông về. Nhưng Trắt còn dắt trâu ra chợ bán. Bán trâu, được tiền, dễ chạy ra việc, chứ bây giờ cũng chẳng bụng dạ nào mà lo đồng áng. Chặp tối Trắt mới về đến nhà Cõi. Trắt vẫn đóng cái khố một, mặc cái áo nâu đêm trước, bùn rong trâu bết lên tận bẹn, tận mặt, như vừa lội dưới đồng sâu lên. Đã nhập nhoạng tối mả những con chó từ đầu làng xuống cuối xóm đồng chỉ sủa hoáng vu vơ. Cái mùi bùn, phân trâu chó đánh hơi được ở người hàng ngày. Những con chó nhà không nhận được mặt, nhưng cũng là quen thuộc nên chỉ cắn hóng. Thoạt trông ra, Cõi chỉ thấy người giống mang máng. - Trắt đấy phải khõng? Trắt đã vào bên bậu cửa. Những mảnh bùn trên cổ, trên bẹn, ống chân đã khô róc ra. Cả chiều, cả đêm hôm kia đánh chén, ngủ vùi, mồ hôi nhày nhụa trên mặt, những đám bùn bắn lúc lội qua hào, lúc trâu bồn trên đường, lại cả ngày hôm nay lặn lội đuổi trâu, đánh trâu ra chợ, các lớp bùn bết lại rồi khô, lúc bám lúc rơi, bây giờ mới rời ra từng miếng như bóc. Cõi kêu lên : - Ô, sao thế này? Trắt cười : - Giống thổ công, vua bếp, không nhận ra hả? Bị trôi sông, bị chôn sống, chẳng ngờ hãy còn về được. - Lấy quần áo tao mà mặc cho khô. Tớ đi kiếm cái nhắm. - Có tiền đây, cầm đi mà mua. - Khoan đã. Chui vào ổ rơm đi, run cầm cập kìa. - Thế bác gái đâu? - Biết được nó đi đâu! Lúc ấy, mụ Cõi vừa mới về, đứng ngoài mái tranh đằng hắng nói trống không cốt cho trong nhà nghe tiếng. - Lại quân ăn tàn phá hại nào đấy! Cái mừng Trắt về đã át cơn tức, Cõi quên cho mụ ác khẩu một quả thụi. Cõi cung cúc đi. Mụ Cõi cũng chẳng nhìn rõ mặt Trắt. Chỉ thấy cái hình thù đen nhẻm, như lội dưới bùn lên, mụ đoán thằng kẻ trộm này mò ở đâu về, trơ trụi thế chắc chẳng được cái qué gì. Mụ lẳng lặng như trong nhà không người, mụ vào bếp thổi đống dấm. Ánh lửa nhen lom dom rồi mụ cũng ngồi nguyên đấy. Một lát, Cõi về, dựng huỵch chiếc gậy, lở cả một mảnh vách trấu. Lúc đi, Cõi định bụng hỏi nhà ai cho vay con gà - đôi khi vẫn thế, rồi Cõi trả sòng phẳng. Không thì cũng bất cần, thấy gà chưa lên chuồng thì quơ một con. Cõi không có thói gà què ăn quẩn, túng quá mới mượn, khi có lại đền, cười hề hề. Nhưng số ăn mày, chẳng được cóc khô gì. Đã tối, trời lại trở gió, cổng tán nhà nào cũng buông kín. Mụ Cõi ngồi trong bếp, cũng đoán chồng đi mõi gà. Mụ vốn háu ăn. Mụ đã lấy cái nồi đất, rút rơm đun nước sần để làm lông gà. Rõ chưa bắt được ếch đã ngả thớt. Cõi trông thấy lửa lom đom trong bếp, cũng đoán mụ đun nước làm gà, nghĩ cười thầm con mụ chết đói, nhưng Cõi không vào bếp, Cõi không biết mụ đã vùi cái ngô nướng trong đống tro. Trắt đã rúc vào ổ lá chuối khô, ngủ ngáy khò khò. Cõi để yên, Cõi mò xuống bếp. - Nhà mày ăn vụng cái gì đấy? Mụ hỏi lại : - Ai trên nhà thế? - Chú Trắt. - Đi biệt tăm mấy phiên chợ mà về tay không a? - Xà, rõ nhà mày... Mụ hỏi một câu lửng : - Bảo đi kiếm cái nhắm kia mà? Được gì không? - Được cái con bòi đây này. Mụ cười khành khạch. Cõi đùa : - Tại nhà mày đun nước trước đấy. Đi câu cá mà bảo là đi câu, sẵn lửa củi, thì có mà ăn mày. Mụ Cõi nghiêm mặt, nói : - Hỏi thật đấy, tưởng dạo này chú ấy đi ăn trộm? Có thế mới phải tối mò mới về, lại ướt như ngã xuống ao. Khéo nó còn giấu, chứ vác bạc nén về không biết chừng. Hỏi xem. - Lúc nãy nó cũng bảo cầm tiền mà đi mua cái ăn, chắc nó có. Chuyện còn dài lắm, tao cũng chưa kịp hỏi. Bây giờ có gì ăn không? Mụ Cõi ngỡ đã đoán đúng chồng biết Trắt có của nả thế nào, mụ đấu dịu : - Niêu tép mới đánh dặm hôm qua, được không? - Ừ nhỉ? Thế thì ù đi mua cho xó rượu rồi về bờ rào sờ sẫm quả ớt, cố nhìn mấy quả ổi chiêm ngay đấy, rượu với ổi chấm muối ớt được. Cá dấm, tép kho thì chết cơm rồi. Được, được... - Chỉ hươu vượn tán ăn. Nhấc niêu cá trong đống tro ra, để bắc nồi thổi cơm. Mà nhà hết gạo, còn có mẹt tấm mới sảy hôm nọ. - Tấm cám được tất! Mà thôi, đêm hôm thế này để tao lại đi vậy. Mụ Cõi nghiêm mặt nguýt một cái rồi đẩy nắm rạ vào bếp. Không mấy khi mụ dễ sai, lại không nói cục và ngoan làm thế. Ở vùng đồng trũng cả đời sũng nước này hiếm hạt thóc, nhưng được cái dễ vơ váo. Con nhái, con chẫu, lá mùng tơi, cây dền cơm, đâu cũng sẵn. Ra đồng người nào cũng đeo cái giỏ, cái ống, lại sẵn mấy cái lạt. Khi về, cái lạt xâu con ếch, con rắn nước, ngửa nón ra thấy quả bàng, quả nhót, nắm lá mảnh bát nấu bát canh láo nháo. Cái giỏ đựng con cua, con trạch, bọn mài mại, săn sắt thì dốc vào cái chĩnh đậy tàu lá cọ, trong đã lót muối sẵn. Tháng tháng đổ chĩnh chắt hết cá mú đã ngấu đem bỏ vào nồi, nước cáy với giềng cả miếng, trát bùn quanh nồi, quấn rơm hầm cả đêm. Sáng ra, nồi kho đã nục như bánh đúc ngô. Cái nước cáy ăn quanh năm, ngọt hơn mật. Một tay mụ Cõi làm nên cái ăn cái uống. Thằng chồng nợ đời lúc nào cũng lầm lầm như chó ăn vụng bột, như đứa chết rồi, lại đòi đi ăn trộm gà, cái lông gà chẳng được, về lại hét cơm hét rượu. Nhưng mà có nhẽ thằng Trắt có tiền! Cõi lên gian trên, đã thấy Trắt ngồi bó gối, sột soạt giữa đống lá khô. Không biết Trắt tỉnh ngủ ngồi dậy hay đương cơn hốt hoảng, như con đồng môi mới ốp, đầu đảo lắc lư. Thấy thế, Cõi nán lại, chưa đi vội. Cõi lay vai Trắt. Trắt nhớn nhác kêu : - Ối! - Mê ngủ à? - Đây là đâu? Đình Hàng Hòm hả? - Ở nhà rồi, ở nhà... "Ở nhà rồi" - Trắt lẩm nhẩm nhắc lại, như chưa tan cơn bàng hoàng. Bao nhiêu khúc sống, khúc chết, Trắt đã về được đến đây, nhưng từ cái đêm chui từ dưới đất lên ấy, đi đâu, làm gì, ăn uống gì, Trắt biết cả lại cũng quên cả. Vẫn nửa tỉnh nửa mê. Trắt nói : - Chết ngạt rồi, tắc mũi rồi. - Vẫn sống nhăn răng ra đấy thôi. - Nó đã đem chôn tôi, tôi chết rồi... Nồi cơm gạo tấm mụ Cõi đã bắc lên. Một mình Trắt lùa cơm không, vét sạch. Nóng giãy môi mà không biết. Hết cả nồi, chưa đụng đến niêu tép. Ăn xong, Trắt nằm ngửa, vật hai cánh tay xuống, bụng kênh lên, trợn mắt, thở phì phọc. Như người bội thực chết đến nơi. Cõi như không để ý, bấy giờ mới lủi ra ngoài trời tối. Trắt thẳng cẳng một lát, lại gà gà mắt ngủ. Mụ Cõi lại đã đoán chồng đi đâu. Mụ đem cái nồi đất đã nhăn cơm ra vại múc nước vào bắc lên bếp. Lại nhác mắt tìm cái thớt con dao phay. Mụ chẳng để ý câu hèm đi câu, đi đơm lúc nãy chồng nói. Mụ đã trông thấy cái hầu bao của Trắt để cạnh ổ lá chuối khô, ló cái bẹ mo cau, hằn vệt những xâu tiền kẽm. Cõi lại đã lù lù về. Tay cầm be rượu, tay xách con gà trống đã bị bóp họng, mào lỉu xuống, nhưng cái mỏ vẫn ngoác như giật mình sắp quang quác vỗ cánh kêu thì bị chịt cổ. Lúc này vào trộm gà nhà người ta thì phải chui rào. Nhưng mụ Cõi chẳng hỏi, lẳng lặng đun nước sôi vặt lông gà. Cõi rót rượu. Trắt đã lại ngất ngư ngồi lên. Cơm lèn vào rồi, ngửi thấy hơi rượu, mới thật lại người. Nửa đêm, vẫn lỉnh kỉnh chén chú chén anh. Cơn thảng thốt đã nguội hẳn, Trắt mới giật mình. Mê man thế mà sao Trắt biết ra chợ bán được trâu, lại lần mò được về đến đây. Nhưng rồi dần dà, chắp nối lại, Trắt kể cho Cõi nghe từ hôm Cõi về, Trắt đi bán dầu... Đến gà gáy, Trắt lại lăn ra ngủ. Mấy hôm, ăn cơm xong, lại ngủ. Một buổi tối, Trắt nói tỉnh táo : - Tôi định thế này. Tôi định lại ra đình Hàng Hòm. Ta phải có cánh, cánh to, cánh vững mới được. Tôi mà còn sống là nhờ anh em bên Bắc Bỏi kia. Nhiều người các nơi theo về với Bắc Bỏi rồi. Không phải kẻ cướp, không phải tướng cướp như thiên hạ đồn đại, đây là những người cứu nhân độ thế. Anh em ấy sẽ giúp ta. - Đã đành các ông ấy là người trọng nghĩa. Nhưng mối thù của anh em ta, thì ta phải lo. - Phải, là việc của ta. Nhưng mà đấy, không có người đỡ một tay thì em đã ngỏm rồi. - Chịu thầy, chịu thầy. Chú biết hơn tôi, vậy bây giờ thì làm sao? - Như thế này... Những chuyện tày đình tính đếm giằng co có lúc tức tốc rồi lại phân vân, chẳng khác tháng tám tháng chín ngắn ngủi, không biết trời trở lại nắng nôi hay đã sang mùa gió bấc nổi. Mùa màng sông nước cũng nhấp phỏng cái đói ngày ba tháng tám bao phủ xóm làng. Đã sang cuối tháng tám lại như đang còn, không biết ngày mai nóng nực hay mưa dầm, cũng chưa dứt những trận mưa rào. Chỉ còn ấm áp khoảnh khắc, mà lúa ra giêng ngùn ngụt xanh khắp các ruộng cao gần chân tre. Những khóm xương rồng ông lủa tủa quanh bờ cái giếng đất trước cửa đền, hoa lốm đốm vàng hây như đĩa xôi đậu. Bỗng dưng, tiếng sấm rền chân trời hệt những đêm đầu mùa hạ. Nhưng không phải chớp bể mưa nguồn đâu đâu, một cơn gió đùng đùng tới cây cối điên đảo như phải bão rớt, nhưng rồi sấm chớp nối theo ầm ầm. Đây là trận mưa cuối mùa hạ còn sót lại, trong đêm tối, vật vã trên các khoanh tre, bờ rào và cánh đồng. Mỗi cơn gió giật những tàu cau đổ đùng xuống, ánh chớp ngoài bậu cửa xanh lè hắt vào. Vẫn thấy hai người âm thầm ngồi. Tất cả những cái đói, cái hốt hoảng như mê như tỉnh của Trắt thì những chén rượu đã đuổi bạt từ lâu, từ sau lúc Trắt đã kể ngọn ngành mọi sự việc, lại còn tính xa những việc mới. Be rượu đã lăn lóc giữa đống xương gà cạnh đĩa muối. Họ chẳng say cũng không buồn ngủ. Những ngày đêm khủng khiếp của Trắt vừa qua đã khiến hai người tỉnh như sáo, cứ đăm đắm nghĩ chưa ra thế nào. Một lằn chớp ngoằng xuống xanh lét, tiếng sét đánh ngay đâu trên ngọn tre. Cõi gọi vào trong bếp : - Mùi khét lắm. Sét đánh ngoài bụi tre đây thôi. Nhà mày dậy chịu khó ra xem có con cò nào sợ sét rơi xuống thì nhặt về ta làm nồi cháo gạo tấm. Cái cháo cò giã rượu đấy. Dễ đến sang canh rồi. Mụ Cõi lổm cồm bò trong ổ ra, đội cái rổ sáo lên đầu tránh mưa, biến ra sân. Cõi nhìn theo, nói : - Có nhẽ con mẹ này vẫn nằm nghe chuyện. Nó cứ đòi giữ cái hầu bao tiền bán trâu của chú. Nó mà cầm tiền thì bằng gió vào nhà trống. Mai phải đuổi nó đi đâu, nó là đứa trống mồm lại hay gàn quải. Nện cho luôn mà không chừa. Của nợ! Trắt vươn vai, ngáp : - Em chưa có cảnh vợ con, chẳng biết thế nào. Nhưng thế nào thì cũng phải bớt thượng cẳng chân hạ cẳng tay, ông anh ạ. Rồi lại nói : - Tính chẳng ra, ngáp sái quai hàm mà cái ngủ không đến cho. - Chú cứ đi nằm. Mai lại bàn xem thế nào. Nói thế, nhưng hai người vẫn ngồi ngật ngưỡng, có lúc tựa vảo cột tre, nghe răng rắc trên mái ọp ẹp. Ngoài kia, mưa đã dứt hạt. Từng cơn gió nhẹ lướt qua, nước đọng trên những tàu cau, bụi chuối, ào ào trút xuống. Những bụi tre kẽo kẹt đưa võng đã chui xuống từ lúc mưa gió to, cái nhà cột tre xiêu xiêu như người rượu say. - Khi nãy ấy mà, mò vào cái chuồng gà đầu xóm, tớ bóp cổ con gà không kịp quéc một tiếng. Sau lại rứt nắm lông cánh, lông cổ rắc ra đằng bờ chuôm, làm như gà bị con cày con cáo tha ra ngoài đồng. - Mẹo đấy! - Mẹo thằng trộm gà nào cũng thế thôi, nhà chủ nó biết tỏng rồi. Vết chân người hay chân cáo, nó dò chứ. Rồi mai bảnh mắt, có người chửi "đứa nào ăn gà nhà tao" rong khắp xóm cho mà xem. Cõi lại như phân trân : - Nhưng mà nói có quỷ thần hai vai, tao có trộm gà nhà nào bao giờ. - Mới lúc nãy thôi. - Để mừng chú mày về, túng thì phải tính, chứ mai chú đưa tiền tao ra chợ mua con gà, gà to hơn con này rồi nửa đêm tao đem bỏ vào chuồng nhà nó. Tao hay làm thế đấy. - Lại cao tay nữa! - Đi học, vẫn nhớ thầy chả đã đánh toét đít những đứa ăn không nói có. Rồi Cõi thì thào : - À có cách này. - Cách sao? - Thằng đội Quang... - Không phải cứ nghĩ mà được. Đấy, tôi... - Hai thằng cùng đi. - Bác còn ngờ em à? - Đừng nói nhảm! Nghĩ oan anh thế phải tội, đời mình cũng còn không tiếc cơ mà. Hai người cùng đi, cùng lo thì dễ việc. Lần trước, bởi tôi vụng tính, không có đồng nào giắt lưng. - Lần này có tiền đây. - Không, ta tính việc khác. Trắt nghển cổ lên : - Bác liệu thế nào? Cõi chậm rãi nói : - Bây giờ thì nó sợ, nó nghi ta rồi. Lại đang truy nã chú nữa. Thì ta làm hẳn như thật, cho nó hết đường nghi, cho nó phải tin. Đóng một cái cũi. Chú ngồi vào cũi, tôi trói tay trói chân cẩn thận, ừ tôi trói. Rồi bắn tin cho đội Quang biết làng ta đã bắt được thằng hàng dầu. Nó đang truy lùng mà. - Tôi không hiểu. - Ta đóng lấy cái cũi. Tay tôi phó cả thợ mộc đây. Mộng mẹo đinh lim, đinh tre khớp đâu vào đấy, thật chắc, nhưng ta lại tháo ra tháo vào được, chỉ có ta tháo được. - Thế để làm gì, tôi chưa tường. - Nó đã đa nghi thì làm cho nó phải tin. Người của nó khiêng cũi, thế nào cũng gõ, cũng thử xem cũi có chắc không. Chắc chứ, lung lay không được, đạp không chuyển. Nhưng ở trong ta làm mộng khác, chốt khác, đẩy một cái mở được ra như cánh cửa liếp này, mà chỉ một người ở trong mở được. - Bác làm thế nào... - Anh đã cả đời giữ chân phó nhỏ, phó hai hầu hạ cụ phó cả làm đình, làm chùa mà! - Vâng, vâng. - Tớ sẽ đi với lính lên hầu quan, tớ được lên nhận thưởng bắt được thằng hàng dầu cơ mà. Cái cũi được khiêng về đặt trước mặt đội Quang. - À... à... - Thằng đội Quang cúi xuống nhòm vào cũi, chú tung cũi nhảy ra đấm ngay vào giữa mặt. Thế tất chúng nó bấn cả lên. Tớ rút dao chém ngay cái sỏ nó. Đường đất nhà ấy, chú đã thuộc, phải không? Hãy biết thế đã. Chắc nhà tớ nó sắp về rồi, còn nồi cháo cò. Nhớ giữ mồm giữ miệng, con mẹ ấy mà biết thì sinh lôi thôi. Hay là chú cho nó giữ bao tiền, bịt miệng nó lại. Con mẹ ấy mà thấy tiền thì mắt nó đỏ hơn mắt cá chày. Câu chuyện càng dữ dội, lôi cuốn, hai người càng tỉnh ngủ. Vừa lúc, mụ Cõi bưng về cả một thúng cò. Lổn nhổn những cò bợ, cò bạch, cò lửa bị ướt sắp chết rét, lông bết tóp lại như những bắp ngô còi, lố nhố thò đầu lên cạp thúng, nhưng hai cánh đã rúm lại không nhảy ra nổi. Trong khi ngoài trời tối đôi lúc sấm sét lại oang oang, gió đùng đùng quật ngọn tre rạp xuống trước cửa, những con cò còn lại văng cả vào trong vách. Cò rớt bão nhiều quá. Mụ Cõi đặt thúng xuống, lũ con cò lổm ngổm lẫn với những con cò trong vách vừa dò ra. Mụ ấy với Cõi và Trắt, nước mưa hắt ướt lõng võng, xúm xít vặt lông sống từng con. Những con cò bị nước ngấm lâu lông bở bùng bục. Rồi thì mổ vứt lòng mề, con thui vào đống rạ, con bỏ vào nồi cháo. Chẳng bao lâu giữa ánh chớp lằng nhằng chốc lại lóe vào như đuốc sáng, mọi người nhồm nhoàm vừa nhai, vừa húp xoàn xoạt, như cả ngày chưa được miếng nào. Và Cõi lại quên câu mình vừa dặn Trắt, Cõi nói bô bô : - Phải mẹo thế cái thằng đa nghi mới mắc. Trắt đương hứng như cắt nghĩa lại cho Cõi : - Khôn thế nào thì được người ta khiêng đến tận nhà cái thằng định giết mình cũng phải sướng tửng lên. Sướng là phải, xúm lại xem là phải, chỉ có bác mới cao tay thế, em chịu không nghĩ ra. - Gặp cái đứa thâm hiểm... - Em chỉ chưa hạ thủ được nó chứ nhà nó em đã vào hai lần, đâu cũng thuộc như lòng bàn tay. Thế thì phen này... Cõi lại to tiếng, vẻ lên mặt : - Thế đã thật chắc chưa? - Cái cũi ta đóng, ta lại có khóa hiểm, yên trí rồi. Nhưng còn điều này. - Còn cái gì? Trắt nói : - Lo nó vẫn phòng bị. Nhỡ nó chỉ ngồi trên sập, không bước chân xuống đất, không sờ đến cái cũi. Nó sai lính xỉa dáo vào cũi... - Tính rồi, tính cả rồi. Làm cho nó phải sốt ruột, phải háo ra nhìn cho được mặt cái đứa mà nó giết mấy lần chưa chết. Nó phải trông xem có đích không cái đã. - Bác bảo rồi làm ra làm sao? - Trình cho quan biết là đánh nhau suýt chết mới tóm được giặc chứ chẳng phải ngon ăn. Quan cứ ra trông thì biết. Có thế thằng tù mới chịu bị trói nằm ngửa trong cũi. Nhưng nó cũng bị đòn quá tay, đã gãy một chân. Bắp đùi phải quấn lá chuối khô cho cầm máu. Không thì nó nghẻo từ hôm nào ấy rồi. Đổ máu lợn vào cho đọng mặt cũi. Trong bọc bẹ chuối ta cặp con dao ba. Chú ngồi phắt dậy, đạp cũi, không phải đấm mà rút dao đâm thẳng, phóng thẳng vào giữa mặt nó. - Em chịu! Thế thì em chịu rồi. Mọi chuyện ngon ơ như húp bát cháo cò. Rồi lăn ra ngủ. Mụ Cõi như cái bóng, sập cửa xuống rồi nhặt các thứ thừa mứa bỏ vào thúng. Mụ thò tay vào mép ổ, kéo cái hầu bao, thấy nặng không xách được. Mụ sờ soạng từng buộc quan tiền. Mụ đẩy lại cái hầu bao vào chỗ mép ổ, nghĩ mừng mừng. Bên ngoài, đằng xa thỉnh thoảng ánh chớp dây, không nghe tiếng sấm. Đã tan cơn mưa cuối mùa, chẳng khác rớt bão. Hôm sau, Trắt nói với Cõi : - Còn một điều thật cần. - Gì thế? - Tôi về được đến đây lả nhờ các ông đình Hàng Hòm. - Chú đã kể rồi. - Các ông ấy không phải chỉ vài ba người. Người của các ông khắp cõi, có nhẽ ở Kẻ Chợ thì xó nào cũng có. Cái hôm ăn cỗ thịt trâu ở đình, em biết cái tài của các ông ấy. Khắp nơi, trong phường ngoài chợ, động chệ thế nào, biết ngay, chuyện cần thì tin về bến Bỏi. - Bên Kẻ Chợ thì ở hồ Tây theo ven sông Cái lên bến Chèm sang Bỏi hay sang Hối, rồi vào đầm Ao cả Vực Đê, phải không? - Nhưng ở đây lên thì gần, chỉ nửa buổi. Phải, chỗ Chèm sang. Đương khét tiếng có ông tướng cướp lạ lắm tôi đã kể đấy. Cướp mà đêm hôm không đốt nhà, trộm lợn trộm trâu, không giết người lấy của. Các ông kẻ cướp chỉ cất công đi tìm ma, trừ ma ở lẫn với người, lấy được của rồi đem phát chẩn cho người khố rách, phát hết, rồi về tay không. Hay là thấy đâu trái tai gai mắt thì đến xóa đi. Ngay tôi đây thoát chết cũng nhờ một lời hẹn với các ông ấy. Chỉ một lời hẹn giữa đường giữa chợ mà không quản sống chết, họ hàng máu mủ nào bằng. - Bây giờ ta nên thế nào? Đêm qua, chú bảo tôi phải có cánh. Tôi thấy là nên, nếu được cánh các ông bến Bỏi giúp cho. - Em đã nghĩ thế. Hai anh em cố sang bến Bỏi. Bẩm kỹ với các ông việc của ta. Xem có thể thì cậy các ông một tay. - Được thế thì còn gì! Nhưng phải cẩn thận ngay ở nhà này. Chú đã biết con đĩ rạc nhà tôi, chúng mình mà đi, nhỡ nó nổi cơn, nó báo bọn lý hương thì rầy rà. Bao nhiêu cái kín đáo, đêm qua đã nói toạc ra cả. Bây giờ vẫn nhớ giữ gìn, nhưng lại quên phứt cái hở. Một lúc sau, Cõi nói : - Mặc nó, để rồi tôi liệu. Nghe chú nói, tôi cũng thèm đi. Nhưng nhiều cái gấp quá. Lần này, chú đi một mình. Tôi ở nhà lo thế nào lúc chú về thì ta ra Kẻ Chợ được ngay. Đóng cái cũi giả, chỉ một tay mình tháo lắp được không phải một lúc mà xong. Tôi cũng chỉ biết học lỏm thế, còn phải sang nhờ cụ phó cả chỉ vẽ thêm cho. Cụ đã yếu, ta đem con gà, chai rượu đến nhà, cụ khỏi phải đi. Mà lại kín việc, vả chăng... - Ừ thế thì em đi một mình. Nhưng ở nhà anh liệu lời bảo chị ấy. Đưa cho chị ấy giữ tiền cũng được. - Chú mặc tôi, đã bảo mà. Tối hôm ấy, thế nào mà vợ chồng Cõi lại chửi nhau, rồi Cõi nện vợ ra trò, mụ vẫn cờn lên. - Nhà này sắp rủ nhau đi giết người hả? - Giữ mồm giữ miệng nào. Mồm mày như cái tĩ gà, ỉa xoèn xoẹt. - Biết tỏng ra rồi. - Á! Á! Đi đâu thì ông cũng phải chọc tiết mày cái đã. - Ối giời ôi! Cõi mới để ý mấy hôm mụ chạy lên chạy xuống, lúc đun nước, lúc kín nước, lại lúc ngồi ăn, thế ra nó tỏ tường cả. Không xong rồi. Phải giã một trận cho nó nhớ đời. Nào Cõi có biết gốc gác ả ở đâu. Nằm với nhau thì là vợ ra đường cũng người dưng nước lã, thế thôi. Ngày trước quãng mùa tháng mười, các ả đi thành bọn như phường đánh dặm đến gặt mướn cho nhà người ta. Gặp nhau giữa chợ rồi nên vợ nên chồng. Nghe nói quê dưới đồng chiêm - những miền đất xót như phèn, nắng đến con cua con cáy cũng chết như rang, người phải trôi dạt ra kiếm cơm thiên hạ. Kể thì, lấy vợ nhặt cũng không ra mặt mũi thế nào. Chẳng gì, Cõi đã ngậm cái bút lông mèo theo thầy, nhưng mà cả làng, cả chi họ này không lạ nhà Cõi, đời bố đến đời con, chẳng đời nào có đồng gãy giắt lưng. Làm sao lấy nổi vợ. Lấy vợ theo không thì nghĩ tủi thân, chứ làng nước ai trách cứ, ai rỉa róc đâu. Người ta lại còn khen - chẳng biết mỉa mai hay thật bụng, kiết xác mà cũng tậu được vợ, lại còn học đòi nghiên bút. Cái nông nỗi vợ chồng Cõi thế vậy. - Có câm đi không? Mày mà... - Sợ chó ai! Thấy trái tai gai mắt thì nói giữa giời đấy. Kiếm mửa mật không ra hạt cơm, ngữ ấy mà vào lính thì chẳng có nổi hạt gạo làng gánh đi nuôi, ở lính cũng chẳng nên thân, lại còn ra điều ta đây đòi đâm chém ai. - Con tuyệt tự! - Ới ông cả bà nhớn ơi! Chúng nó tụ bạ đi giết người, ối... Cõi xông đến. Ả cũng chẳng vừa. Hai bên dần nhau ăng ắc, tưởng có đứa gãy xương. Sáng hôm sau, ả nằm trong đống lá chuối, rên hừ hừ. Mặc kệ, Cõi sang làng bên kia đìa, đến nhà cụ phó cả. Không biết chỉ một lúc sau, mụ Cõi đã trở dậy, lục hết ổ lá chuối ổ rơm, cả trên các hốc cột, hai bên mái nhà. Nhưng không thấy cái hầu bao đựng tiền. Giữa trưa, Trắt mải miết đi một mạch mới lên đến bến Bỏi. Sông Cái vào mùa lặng, hai bên bờ cát nổi cao như gò, ở dưới sâu, những làn nước đỏ lừ vẫn cuồn cuộn như có gió to. Trời quang, trong xanh. Từng đàn chim bói cá bụng trắng cánh đen kêu khanh khách ở đâu đến chốc lại vút lên rồi rơi bõm xuống mặt nước như ai ném mảnh sành thia lia. Bay lên, đã quắp được gáy con thiểu, con thờn bơn trắng nhoáng. Mùa này hai bên bờ, các bến Chèm, bến Bỏi quang vắng. Chỉ đến khi nước cả, những bè giang nứa, song mây, bè củ nâu, bè dó hay là vào cuối năm các của rừng tải về cho đường xuôi ăn Tết, những thuyền măng khô, măng củ, mộc nhĩ, nấm hương, lại lá dong, cây rễ ăn trầu... bấy giờ các bến mới lại nhộn nhịp khách buôn khách lái. Tuy vậy, bến bên này cũng không sầm uất bằng bến Chèm bên kia, tiện xuôi Kẻ Chợ hơn. Thường vào mùa cạn kiệt, cả những phiên chợ hai bên sông cũng vắng đò ngang, mà buổi chợ mới có đò chuyến. Các thuyền đánh cá chỉ đi về có buổi chợ cá eo sèo đôi lúc đầu hôm, sớm mai, mà cũng bất chợt cái thúng, cái mảng nứa ghé vào, chợ tạm mỗi hôm một nơi mà thôi. Có người sang bến Chèm, nhỡ buổi, phải chặt cây chuối, ôm thân chuối bơi ghé qua bãi Giữa vào khi vắng đò, đôi bên sông vẫn quen lội thế. Nhưng Trắt không sang sông, mà Trắt ngóng thuyền qua lại, để hỏi thăm. Một cái nan câu lướt nhanh ngoài mép nước. Trắt gọi : - Ơi đò! Chiếc nan ghé vào. - Cho tôi hỏi thăm thuyền bác Bỏi. - Bác Cả hả? Ở đâu về đấy? - Ngoài đình Hàng Hòm. - Xuống đây. Chẳng biết thế nào, nhưng thấy người dưới nan sốt sắng tự nhiên, lại nói như ra lệnh, cũng chẳng do dự Trắt leo xuống cái thúng câu. Người ấy cúi đầu sải bàn tay. Thúng tạt ra dòng rồi xuôi vun vút. Chắc cái thúng này đi rút câu cắm hay thu lưới về, túm lưỡi câu cắm với đống lưới đã xếp bên mạn, những con cá nhảy lục đục dưới cái vỉ tre cật, người ngồi xổm lên. - Thuyền bác Cả đậu chỗ kia. Một đám lô nhô thuyền mờ mờ dưới bóng cây ven bờ. Trắt bỡ ngỡ, lặng im. Nhưng người nan câu lại vui chuyện. - Cả vạn này vừa hội đánh cá tiến ngã ba sông trên ngược về, đã mấy đêm vào đám ăn cỗ đấu võ ở thuyền bác cả. - Liền anh cũng ở đám à? - Ừ. - Hội võ bác Bỏi a? - Tôi chỉ là thằng cầm bùi nhùi bật hồng thỏi, võ viền đâu thứ tôi. - Hội võ trên thuyền thì to thế nào? - Mấy đời các vạn ở bến Bỏi là con cháu nhà bác Cả. Nghề cá ở nước thì hội võ các vạn cũng như đình đám xóm làng bên trên bãi. Ở vạn thì chỉ bao giờ có đám ma mới phải đưa lên bờ. Dần dần, trông rõ nhấp nhô cả chục chiếc thuyền gỗ đỗ chen chúc trong hũm bờ lở, dưới mấy cây súng xanh mát như bụi tre và những cây muỗm cổ thụ um tùm. Những cái nan len lỏi giữa đám thuyền, ra vào ve vé, như bọn trẻ con chạy quanh người lớn. Cái nan câu Trắt ngồi, người chèo đã ném sợi thừng vắt lên cọc trước mũi chiếc thuyền rồi quay lại bảo Trắt : - Bíu mà lên trước đi. Trắt dún chân, nắm mạn thuyền. Người nan câu dận Trắt vào khoang trong. Thấy một người mặt rám nắng màu cát đỏ xạm, chạc trên dưới năm mươi, hàng râu ria ba chòm đen rậm xõa ngang ngực vạm vỡ để trần. Trắt đoán đây là bác Cả, bác cả Bỏi, ông tướng cướp bến Bỏi đã được nghe lão quán nước Hàng Hòm thì thào. Ông tướng mà sao cái anh thuyền câu không vẻ sợ sệt, mà lại nói suồng sã vui vui. - Người Kẻ Chợ về chơi với bác Cả đấy! Bác Bỏi ngẩng lên : - Mày vẫn trọ đình Hàng Hòm à? Thằng Cõi đâu? Trắt giật mình. Dường như bác ấy đã biết hết. - Bẩm quan, anh Cõi con chưa lên được, cho con sang tạ ơn quan. Con là thằng Trắt bán dầu, quan đã ra tay cứu. Bây giờ chúng con có việc lên xin quan chỉ bảo. - Quan nhớn, quan bé, thằng lãnh, thằng đội gì tao. Tao là cả Bỏi, thằng chài lưới bến Bỏi. - Vâng ạ. - Về đây thì cứ thong thả. Ra mui nghỉ chốc nữa vào ăn cơm. Trắt ra ngồi mảnh chiếu cói ngoài mũi thuyền. Gió mát rượi, ngủ gật được, nhưng không chợp mắt nổi vì người các thuyền nhảy sang, đi như chạy rầm rập. Chỉ một thoáng đã biết đại khái quang cảnh và mọi việc quanh mình. Bác Bỏi đã vào bữa chén, ngồi với mấy tay chân sào, chắc thuyền khách. Các thuyền bên bưng sang cả rổ vỉ cá nướng thơm mõ còn sèo sèo với những vò rượu nút lá chuối được xách cổ theo. Cũng như vẻ mặt dễ dãi phúc hậu của bác Bỏi, tấp nập thế nhưng không nghiêm như cửa quan, mà còn bộn rộn, có người vừa đi vừa ê a múa hát. Ngoài sông, gió cát bốc lên đỏ xuộm, những chiếc nan như lá tre bay trong làn bụi. Lát sau, Trắt được gọi vào. Chén bữa cơm toàn cá với rượu thuốc uống bằng bát. Không biết rượu rắn hay ngâm cá, vị hoi hoi. Về chiều, lại nhiều thuyền nữa chen đến, những chiếc to bản đậu rúc mũi vào nhau ghép liến thành cái sàn, người bước thoăn thoắt như trong nhà ra sân. Lúc ấy, thuyền nào cũng như có chén, chẳng biết tiệc hay cơm tối, khói nấu nướng xanh bốc trên mui. Ánh nước hắt lên lẫn khói, lẫn sương phảng phất, đôi chỗ còn rớt lại một vết nắng vàng nhạt. Dần dần, khói bếp thành làn mờ mịt trên đám thuyền lẫn vào sương tỏa ra mặt nước. Cả đêm, Trắt ngồi xem những trận đấu võ, múa võ, kỳ lạ, hào hứng, không biết mỏi mắt. Khoảng sàn như mỗi lúc rộng hơn, những cây đình liệu sáng rộng tít ra các mép thuyền mới tới, chụm mũi lại, các mái khoang dỡ ra hết, neo khít lại rồi đánh đai chão dây song. Bác Bỏi vẫn trần trùng trục, đứng ra khoang giữa, một tay giơ bổng thanh trung bình tiên bằng cả cây tre đực, như dựng cờ. Rồi vỗ bụng đốp đốp mấy cái. - Anh em ời, anh em ới! Vụ nước kiệt vào mùa năm nay, các vạn ta ngược ngã ba Hạc được mẻ cá tiến [1], thuyền nào cũng đầy. Có biếu, có tiến ai đâu cá ngon thì làm cỗ ăn chơi, đấy là tục lệ từ thời các cụ ta ở bến Bỏi. Những cây đình liệu tiếp nối rừng rực sáng chưng một khúc sông. Hầu như mỗi thuyền là một lò võ, một môn võ khác nhau, lúc chặp tối thì múa võ, khuya thì đấu, sau cùng đánh trung bình tiên. Mắt người xem đã lóa rượu, thấy đâm thấy gạt như múa hoa, không nhìn ra đấy là cây roi tre, cái sào chống hay chiếc bê chèo. Bây giờ mới thấy bác Bỏi ra võ thượng thặng, cả bốn ngọn roi chúc lại, bác cả gạt ngang hết ra rồi đâm sang vun vút. Đình liệu tàn, các tay quyền tay roi nằm lăn lóc ra sàn ngáy pho pho. Trắt vui như minh cũng được là người các vạn đi đánh cá tiến về hội võ, rồi Trắt cũng nằm ngủ ngay trên ván thuyền. Sáng sớm, bác Bỏi cho người ra lay Trắt dậy. Nhà chài thức khuya mấy cũng quen dậy sớm. Bác Bỏi hỏi : - Có việc gì nào? Trắt kể tình đầu. Nghe xong, bác Bỏi chỉ nói: "Chẳng cứu chúng mày thì cứu người khác, không phải ơn huệ đâu!"Rồi bác ngồi yên, mặt lạnh không động râu, không nhếch mép, cũng không hỏi thêm câu nào. Bác Cả bảo người nhà thuyền dọn rượu sớm. Rồi bác bảo Trắt : - Ăn cơm sớm rồi về cho kịp, kẻo tối. Trắt mạnh dạn : - Chúng con định làm thế, bố bảo sao? - Đã định thế thì cứ thế mà làm. Cả thuyền đã xong bữa sáng. Bác Cả im lặng, nhưng dường như bác vẫn nghĩ cả lúc Trắt kể lể, bây giờ bác mới nói một mạch : - Giá năm trước mà cụ huấn Cao kéo quân qua Bỏi thế nào tao cũng lên với cụ rồi. Tao vẫn còn tiếc. Bây giờ giúp môn sinh rửa thù cho cụ, thế cũng như tao được làm quân của cụ. Có phúc mới được theo việc nghĩa trời đất chứng giám này. Anh em mày đã bàn, mưu chúng mày thì chúng mày làm, tao có nghĩ ra đâu mà tao được như chúng mày. Bây giờ chỉ còn ở cái trí, cái gan. Hãy nhớ, không được trệch sự hẹn, việc quân không sai một bước chân, biết chưa. Hẹn sao giữ hệt thế. Ngày nào chúng mày vào nhà lãnh Quang thì tao khắc biết, khỏi phải báo lại. Cứ ngày ấy, ngày ấy, lúc chặp tối, người của tao vào trói cả nhà lãnh Quang, gắn sơn vào mồm, không đứa nào kêu được một tiếng. Chúng mày bắt sống thằng lãnh Quang hay xách cái đầu nó ra bến Đá thì tùy cơ ứng biến. Bấy giờ đã sẵn thuyền đợi ở bến Đá. Được chưa? Trắt cũng thấy rõ ràng không thể hỏi được hơn. - Vâng, lạy bác. Mặt trời lên ngọn tre, Trắt đã ra thuyền, vẫn chiếc nan câu hôm trước đưa Trắt đến. Như cái nan hòm ấy đã cố tình qua bãi chỗ Trắt đợi chứ không phải hấc lờ. Trắt biết mọi việc bác Cả ngồi đấy mà đã sắp đặt trước sau đầy đủ. Bác ấy như có con mắt đằng sau gáy. Trắt định hỏi anh thuyền câu có phải thế, lại hỏi có phải anh đã ngồi đình Hàng Hòm, anh đã biết mặt tôi. Nhưng Trắt không dám tò mò. Bấy giờ những thuyền tụ tập thâu đêm đã tản đi nhiều nhưng vẫn còn một đám dưới gốc sung xanh lưa thưa. Có khi chiều nay lại tụ hội, lại đấu võ như đêm qua. Chưa tan hội cá tiến mà. Người chèo nan nói như biết được cái nghĩ của Trắt. - Còn đấu nữa, mấy đêm rồi vẫn chưa ngã ngũ thuyền nào giật được giải. - Chén hết cá tiến mới tan hội? - Có năm còn lâu hơn. Giật hết giải mới thôi, bảo là cái hèm thế. Càng lâu mới hết giải là càng lắm trai tráng mạnh khỏe, là điềm được mùa. Người ấy cười : - Cả đời, ở sông nước, mong trên đồng được mùa lúa mới có hạt gạo thổi cơm. - Sao lại có tiếng tướng cướp bến Bỏi? - Cái tiếng ấy cũng phải. Thiên hạ sợ vạn Bỏi như sợ thành hoàng làng, mới nên cái tiếng dữ dội thế. - Bác nói như sao? - Như bác Cả bảo ông sáng nay đấy. Nói thẳng ra bận gì mà bác Cả phải ra tay. Có thế phải không? Những thuyền lưới đương tấp nập từng quãng sông. Đôi lúc gió lớn như bão cạn thổi cát lẫn phù sa đỏ ngùn ngụt bốc lên ngang trời, những chiếc thuyền qua lại mơ hồ như trong mây. Tiếng gõ cá, tiếng mái chèo va mạn thuyền tiếng chài quăng roàn roạt, nghe văng vẳng trong thinh không. Gió cát và dòng nước nhuộm trời đất đỏ lừ. Trắt rụt rè hỏi : - Phải cái đêm anh em cứu tôi ở nhà đội Quang, bác cũng ở đình Hàng Hòm? Người chở nan cười, không nói. Trắt về đến thì Cõi ở bên làng cuối đìa nước cũng vừa về. Quả là học thêm được mánh nghề của cụ phó mộc - những ngón hiểm chơi khăm khi hiệp thợ dựng kèo cột các nhà giàu độc ác, bủn xỉn. Nhà hờ, cột hờ, cũi hờ, cụ phó đã bảo ban cho. Thấy Cõi, Trắt reo lên : - Bác Cả cho cái hẹn rồi. . Có đến mấy phiên chợ, Cõi và Trắt lúi húi các bụi chọn những cây tre chết róc rắn chắc, lại cả tre non về hun khói giả tre già. Bốn cột cọc cũi chắc như gỗ lim, cứng như sắt, mỗi đòn nan bằng ống tay. Các nút chặt chẽ không lay được, lại nức chằng sợi mây. Con hổ, con trâu ném vào cũi này, có quạy đến rời sống tưng cũng đến chịu chết nằm co. Chỉ riêng người thợ cả nắm được ngóc ngách của cái cũi bề ngoài vững như cột đình. Cái thằng nằm trong cũi đã tường chỗ hiểm, giựt một nút lạt mây, cả cái cũi lập tức toang từng mảnh. Quả là phàm thợ ngõa, thợ mộc giỏi đểu có đòn phép. Gia chủ không được lòng thợ, cả đời phải vận áo xám vậy. Nửa đêm, hai người đã bật dậy hì hục làm. Bấy giờ chỉ bào, chỉ tiện vì đêm hôm khuya khoắt, còn đồ nghề tràng đục thì làm vào buổi trưa, khi hàng xóm đã ra đồng, đi chợ, xuống bến. Trắt đã nằm vào cũi, giựt thử. Cả mấy lần, cái cũi đương bề thế phút chốc rụng rời ra. Mà chưa yên tâm, lại chính Cõi chui vào, đến lúc Cõi dạy Trắt đẩy nhanh thoăn thoắt thuận cả tay phải, tay trái, mới được bằng lòng. Có điều Cõi áy náy, nhưng nói ra e Trắt cản, gạt đi. Nhưng rồi cũng phải thổ lộ rồi mới yên mà làm. - Cái con mẹ mồm loa mép giải nhà tôi, chú ạ. - Anh bảo thế nào? - Thế là đằng nào nó cũng đã biết. Phải thịt nó đi, mới bịt được mồm nó. - Ấy chết! - Không có, nhỡ một cái, mình chưa động tình mà cả hàng tổng đã biết thì nước lã ra sông. Chẳng những công cốc mà có khi mình mất mạng. - Tôi đã nói bác nên khuyên bảo. Một ngày nên nghĩa, thầy cô, cũng như cha mẹ, con cái phải báo đền, nói thế chắc bác ấy phải nghe ra. - Biết thì nó vẫn biết, tôi đã nói, nhưng nó trống mồm lại cục tính. - Nhưng mà đánh chết người thì không nên. Rồi bẵng đi ít hôm. Cõi bảo Trắt : - Nghĩ ra rồi, khi đi thì ta trói nó lại, bảo trước nó vậy, làm thế nào đến hôm nó cởi được thì việc ta đã xong. Trắt ngần ngừ : - Tùy bác. Tùy Cõi, chứ Trắt biết tính sao. Vợ chồng mới biết nhau và chỉ Cõi mới làm được thế. Cái trái tính trái nết là những đối xử với nhau, lúc mặt nặng lúc mặt nhẹ, Cõi nói quá đi vậy chứ không đến nỗi Cõi ngờ ả có ý phản phúc, nhưng cái thói ba hoa nói hóng nói hớt lại hay nói dối vặt thì có thể khốn đấy. ừ đem trói nó ra ngoài xó vườn, bảo nó rằng làm thế cho hết nhẽ, nhỡ xảy ra điều không may, quân quan về tra soát mà thấy nó bị trói, giẻ nhét vào mồm, ắt người ta cho là vô tội, không liên lụy. Nói trước với nó thế, cho nó nghe ra. Ngày ấy, ngày ấy đã ước với bến Bỏi. Cơ chừng đã xong xuôi cả. Trắt đã nói, ta cứ khởi sự, thế nào các ông ấy cũng biết, lại hẹn giờ giấc, như đinh đóng cột. Bây giờ đến việc tung tin. Thổi hé ra cho người làng đi chợ, phao rằng nhà Cõi đã bắt được thằng kẻ cướp vào nhà ông lãnh Quang trốn về đây. Nó bị nhà Cõi gô cổ lại rồi. Tóm được đứa có tội tày đình phải truy nã thì được thưởng to, phen này nhà Cõi lên voi ngồi kiệu rồi. Câu chuyện kín đáo ghê thế, chỉ rỉ tai, đã loang ngay, càng được thêm thắt ly kỳ hơn. Thằng bán dầu kẻ cướp ấy đã mấy lần vào rình nhà ông lãnh Quang. Nó biết ông lãnh Quang mới chém giáo thụ Cao nổi giặc, ở phủ Quảng, được thăng chức, được thưởng hàng chum bạc, lại được đổi ngay về Kẻ Chợ. Cả Kẻ Chợ đã ca dao chuyện nhà lãnh Quang làm tiệc khao, ăn cỗ, xem hát ròng rã mấy phiên chợ liền, khách tận Sơn Tây xuống nườm nượp. Nhà ấy thăng quan được về Kẻ Chợ mà. Chẳng phải chỉ vài chum tiền đâu mà cả cây bạc, cây vàng nữa. Thằng bán dầu mới hóa ra thằng kẻ cướp gan liền. Nhưng nó chưa tính hết nước. Lãnh Quang còn cao mưu hơn. Lọt vào mấy lần mà không quơ được cái váy rách, không dắt được một con trâu, lại còn suýt cụt đầu. Thằng kẻ cướp trốn được sang sông toan lập bọn định làm mẻ nữa. Bị nhà Cõi vờ theo, đổ cho một trận rượu, thế là trói nghiến được. Phen này thì vợ chồng nhà thằng Cõi kiết xác sắp được ngồi vắt chân chữ ngũ, vuốt râu xốc váy mà ăn mấy đời chưa hết của. Câu chuyện đồn, được bàn tán râu ria thêm mãi. Trói rồi, đóng cũi rồi, đợi quan trên về giải đi thôi. Nhà Cõi đương gọi người khỏe, táo tợn đến vác thằng kẻ cướp sang Kẻ Chợ để lĩnh thưởng cho nhanh. Có mấy đám đến xin việc bị Cõi chê ỏng eo là: "Ốm đói sắp chết", thằng tù này dữ hơn ông ba mươi. Cái giả thổi đi, những người thật đến hỏi. Có người thợ cày lực lưỡng, bác Cõi bĩu môi: "Ngữ mày chưa khiêng nổi cái cũi qua bờ ao làng", rồi xua ra. Chuyện bịa, chuyện thật cứ tung lên thế. Những đồn thổi xuống sông, sang chợ, mắm muối thêm mãi. Đến đỗi rồi người ta quá sợ, nhìn chỗ nào cũng thấy cướp, chỉ dám thầm thì sau bức vách, trong cột hàng nước, nấp vào cái mành mành buông sụp xuống, nhưng như thế cái hãi hùng lại càng lan nhanh. Cũng chỉ ghé tai, thật cũng chưa ai tò mò lởn vởn đến nhà Cõi xem thế nào. Cái nhà bác Cõi mưu mẹo tài ba nhường mấy mà lôi được quỷ sứ dưới địa ngục lên nhốt vào cũi. Xóm nhà Cõi rồi vắng teo, khác lệ thường trong làng, động một mảy, đám cãi nhau, người say rượu, người trẫm mình, con trâu chết, cứ lũ lượt kéo đi qua, kéo đến xem. Đằng này, bề ngoài dửng dưng như không, nhưng là sợ. Mụ Cõi te tái hớt hải ngoài chợ về. Mụ nói bô bô từ cổng tán : - Cả chợ người ta nói dăng dăng nhà này sắp làm giặc, nuôi giặc chết lây đến cả con mẹ này đây, chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào. Cõi ngọt nhạt : - Có gì đâu, nhà mày biết cả rồi. Cái cũi kia kìa... - Nó đồn các người định đi chọc tiết những ai... những ai... Đã bảo đừng dại... - Nhà mày dại thì mới nói thế. - Các người ăn phải bùa mê bả dột thì có. Rước cái cũi về... rồi thế này, thế này... Một đống tiền của chú ấy đấy, ở yên mà chén chú chén anh nào. - Chớ dông dài. Kín tiếng cái đã. Hôm nào đáo sự tôi sẽ nói cho mà nghe. - Chẳng nghe đứa nào. Cái hầu bao ấy, đưa đây không thì chẳng mấy lúc mà hết tong. - Hôm nọ, chú ấy đã bảo thế. - Hừm, sao chưa đưa. Đến phải đi báo quan cho trắng mắt ra rồi mới đưa chắc? Cõi nổi cáu : - Mày mà nho nhoe, ông chặt cổ. - Rõ ở dưng không lành, ăn cơm không ăn, ăn... Có lúc, Cõi cũng toan nhỏ to bàn bạc với ả, như đã định thế. Nhưng Cõi không chịu được ả nói bẳn mà ả thì mở miệng lại xẵng lời. Đáng lẽ bàn chuyện cái hầu bao tiền, Cõi lại xông vào ục tới tấp. Mụ Cõi cấu xé lại, khóc hu hu. Lúc ấy Trắt đi đâu vắng. Một hôm, một cơ lính - chưa vào đến nơi đã có người chạy về báo lính quan tổng đốc ngoài Kẻ Chợ, đã tràn cả trên đê. Khắp cả làng nháo nhác sợ đên đỗi như những cái mắt tre cũng phải giương mắt ra như mắt người. Hơn ba mươi người lính, áo nâu dài, thắt lưng bo que, vác súng vác dáo, có ông suất đội cưỡi ngựa đeo thanh gươm - thật đấy là con dao bảy nước sơn then bọc vỏ đã tróc nham nhở mặt gỗ. Ngoài sông, gió cát đỏ xẫm lên cả cánh đồng, bụi lấm vó ngựa và chân người. Mấy cô con gái đi cấy chiêm không dám tiếc rẻ cắm rốn nốt tay mạ, hớt hải chạy núp vào bờ tre. Bọn lính đến nhà lý trưởng, nhưng cả trương phiên khán thủ và tuần đinh cũng trốn tiệt từ bao giờ. Bao nhiêu năm lụt lội, loạn lạc, không biết cánh nào là kẻ cướp, là quân quan, chẳng đâu còn ra lệ luật, thể thống. Huống chi lại từ khi bên Sủi bị triệt hạ, đã thấy nhãn tiền. Cứ nghe có lính, thế là chẳng biết sao, hãy chạy đã. Các chánh lý, cụ tế chủ, cụ từ giữ đền cũng mất tăm. Con trâu, con chó theo người, cả xóm không một tiếng chó sủa, tiếng nghé ọ. Có lẽ chỉ còn mỗi nhà Cõi ở lại. Không biết đâu đã mách, lính xồng xộc vào thẳng nhà Cõi. Người người hốc hác, từ mặt xuống hai ống chân, đỏ xạm, loang lổ từng tảng cát rơi xuống. Ai nấy đói vàng mắt, lã người ra rồi, không lê bước được nữa. Ông suất đội cũng mặc cái áo nâu da bò, khác lính có dải thắt lưng điều bạc nhờ nhệch, đầu quấn vòng khăn lượt che cái búi tó. Ông vẫn ngồi trên ngựa, nhưng trông cũng khướt lắm. Con ngựa còm nhom, lưng trần, cái yên lót bằng mảnh mo cau, với hai dẻ thừng làm cương. Chẳng biết bắt được ngựa làng nào, hay vì phải đi ngoắt ngéo nhiều xóm tìm người tìm chỗ, con ngựa thở phì phì, mõm rớt rãi rỏ giọt. Ông suất đội cất tiếng đói thuốc phiện khàn khàn : - Ới ới! Đinh Ất, đinh Giáp, đinh Bính, nhà này nhà đinh nào? Có đứa nào ở nhà không? Cõi chạy ra, hai tay chắp lòng khòng. - Bẩm con là đinh Cõi. - A, mày là thằng Cõi. - Con là thằng Cõi. - Có lệnh về hạch tội đinh Cõi cho ra nhẽ. Phải mày là thằng Cõi? - Bẩm quan... - Quan đem lệnh trên truy nã thằng bán dầu có tội cướp nhà quan. Có phải mày chứa chấp thằng bán dầu? - Con không biết thằng bán dầu nào. Con chỉ biết con bắt được một thằng ăn cướp. Mời quan vào nhận diện nó. Suất đội quay đầu lại. Những người lính đương đứng, ngồi xổm lố nhố, chống cái mác, khẩu súng dài ngoẵng, ai cũng còn khượt ra hơn thế. Cũng chưa ai biết mặt mũi thằng bán dầu, thằng kẻ cướp thế nào. - Trói đinh Cõi lại. Quân ta đóng lại ở nhà nó, nhà nó đây rồi. Thấy bảo "nhà nó đây, đóng lại", cả lũ sướng ngã ngồi ra. Cố quá rồi, cái xương sống không còn sức đỡ được cái lưng nữa. Có người rút cuộn dây mây quàng ở cổ con ngựa ra. - Ô hay, sao các quan trói tôi? - Trói cho nghiêm lệnh, rồi mới tra hỏi. Mày chưa biết cửa quan bao giờ a? Người lính đương trói tay Cõi, rỉ tai : - Bảo chạy thuốc phiện về cho quan thì mày được nới tay. Mau lên. Ông suất đội lại hét : - Tên Cõi! - Dạ. - Quan nghỉ ở nhà mày. Quân đóng ở nhà mày. Cơm rượu, thuốc hút bưng ra. Không có thì chúng mày giải nó đi tìm... - Bẩm mấy phiên chợ rồi con ở nhà canh tù, con phải nhịn đói. Làng này sợ có giặc, sợ các quan về. Chạy hết cả rồi. - Làm cái thòng lọng, buộc cổ đinh Cõi lại, giải đi tìm người về. Chẳng ai nhúc nhích. Một người xách con dao vào. - Cho chúng con đem cắt tiết thằng này thì mới ra được rượu thịt. Cái lệ quan quân đi việc công ở đâu cũng bắt đầu dọa một vài câu từa tựa thế thì rồi mới tòi cơm rượu ra được. Cõi quì xuống vái ông suất đội. Rồi cứ hai tay bị trói, Cõi lật đật ra ngõ. - Thằng kia định trốn à? - Tôi đi réo vợ tôi về tìm rượu, tìm thuốc cho các quan. Nó biết các chỗ người ta trốn. Ông suất đội nói : - Không được cho đàn bà làm việc quan. Mà đinh Cõi, mày phải đứng yên, quan hỏi đã. Thằng kẻ cướp bán dầu đâu? Có mấy đứa? - Có mỗi nó. Con đã cũi nó đằng sau nhà. - Đem ra đây. Cõi dẫn bọn lính ra sau nhà. Ngoài vườn, dưới gốc cây ổi, cái cũi cao lù lù như cái bẫy hổ, bốn chân lênh khênh bằng cây vầu đực. Ở trong, một người cởi trần nằm ngửa, đóng chiếc khố một, mình mẩy thâm tím bê bết bùn, một bên bắp đùi buộc cái bẹ chuối. Tưởng như con hổ mắc bẫy. Lại trông ra mảnh vườn hoang, cỏ tranh mọc lút đầu, ngỡ là vẫn có cánh cướp nấp trong ấy cả bọn hoảng hốt khiêng vội cái cũi ra sân trước. - Làm sao chân nó phải bọc thế kia? - Bẩm phải đánh nhau tợn mới bắt được nó. Tôi đâm một mũi thùng lùng. Không biết nó có gãy xương đùi hay không, nhưng máu nó ra nhiều quá, nhỡ nó mà chết thì tôi buột mất tiền thưởng, tôi phải lấy bẹ chuối buộc cho nó cầm máu lại. Câu rỉ tai lúc nãy của người lính mà đúng, ông suất đội dịu giọng, nói khác : - Thế là được. Bây giờ cho hai thằng dẫn nó đi gọi vợ con nó về. Cõi ra đầu ngõ, gọi ới ới một lúc, chẳng thấy bóng mụ vợ đâu. Nó trốn chỗ nào, chẳng biết. Thế là cái việc định trói nó một chỗ chưa biết ra sao. Mà cũng chẳng biết rõ hôm nay hay mai bọn lính mới về Kẻ Chợ. Thường thế này, quân quan còn nằm hạch sách. Cõi ngước nhìn trời, mai hay hôm nay sao cho sang đến Kẻ Chợ hôm này thì vừa nhọ mặt người, cái hẹn của bác Cả lúc chập choạng tối mà. Hai người lính lại lôi Cõi vào. Đã thấy một lũ, ông khán thủ với bọn tuần phiên lố nhố trong ngõ. Biết lính về bắt thằng kẻ cướp ở nhà Cõi thì các chức sự trong làng lại mò ra. Chẳng phải vì mẫn cán, đợi việc, mà ai cũng đều thuộc trò vè về để ghé gẩm, ăn ghẹ. Cứ rêu rao không có, chết đói đến nơi, đi ăn mày cả làng rồi. Nhưng làng bỏ hoang thì người ta đốt làng mất. Ông lý lại sai gõ vào mỗi đinh, rồi cũng biện được đủ. Người đến làm cỗ, đến chực ăn cỗ, người vào xem, chen chúc đông dần. Những người lính xúc xạo đi các nhà bắt lợn. Thoáng thấy trong chuồng hay ở xó vườn có lợn, bọn ấy nhanh như chớp, đuổi túm hai cẳng sau, xách ngược lên. Tiếng lợn eng éc vang động. Những con chó nghe lợn kêu, chạy mất dạng. Rồi chẳng mấy lúc, đã đủ các thứ, gạo nếp thổi xôi, cả liên muối còn rượu thì từng hũ sành, lại bàn đèn và những cóng những ngao thuốc phiện. Chỉ không có khách khứa dập dìu, còn thì chẳng khác đám khao vọng quan cửu, quan bát hàng tổng. Hôm nào tính tráng kéo đi rồi, phờ phạc đến cả những cây rơm, bụi tre. Ông suất đội đã nằm dài bên bàn đèn, quên cả hạch cái thằng Cõi lúc nãy nói láo là cả làng trốn tiệt. Chưa đủ mâm đã ngả. Ở lại hôm nay, hay còn mấy ngày nữa. Cuộc chén lu bù đến chặp tối, rồi cả đêm. Việc khẩn, ông suất đội cũng không dám dùng dắng, hôm sau, làm bữa sáng xong quân quan trảy. Tuần đinh, trai tráng được ăn ké nhưng cũng một phen khó nhọc, phục dịch rồi lại phải khiêng cũi tù ra tận bờ sông. Cõi cũng bị trói tay, thêm cái gông ở cổ rồi đẩy theo xuống thuyền. Cái cũi thằng tù buộc gò bốn cọc giữa chiếc thuyền tam bản. Có lính canh bốn phía. Một chiếc nan kéo con ngựa của ông suất đội bơi theo. Một lúc, con ngựa sặc nước, giằng đứt thừng. Ngựa chìm vào làn sóng, không biết nó bơi được hay chết đuối đâu. Chỉ có ông suất đội trên nan, ngẩn ngơ nhìn theo. Cõi cũng phải ngồi ngay cạnh cũi. Hai tay trói, cái gông sáu khấc đóng khít cổ, gần tắc thở. Chẳng sốt ruột sớm tối nữa. Có lo cũng bằng khống, cốt sao về được Kẻ Chợ lúc chặp tối, mà liệu. Mặt trời mới xế đỉnh đầu, đã vàng vàng chiều. Những năm ấy, vào mùa này, gió đùng đùng như bão cát. Trời đất vẩn vụ đỏ lừng lững. Đoàn thuyền rào rạt trôi theo dòng. Tưởng như sắp tối, thế là trong bụng lại như có lửa đốt. Đám lính dưới các thuyền lên, xúm xít như đàn kiến tha mồi, bò về dinh ông lãnh Quang. Cái cũi khênh cao giữa bọn, đằng sau một dây thừng đay lôi theo một người cởi trần, gông đóng sáu then, những tay tre mới đẵn còn xanh ngắt. Đám rước lạ mắt, kinh hãi đến thế những người đi chợ chiều cũng chẳng ai dám ngước mắt, cả gồng gánh tránh dạt ra ven đường. Lơ láo rồi biết thế nào, nhỡ cái thì chỉ có oan gia. Ngày nào ở Kẻ Chợ chẳng có đám đánh người, giết người, những cũi, những rọ, những tù dây gông đóng tróng mạng, từ trong thành ra, dưới sông lên và ở các cổng nhà quan lãnh, quan chưỏng đem đi trôi sông, đem chôn sống, đem vùi xác ngoài tha ma. Án này đưa về xử giữa sân nhà quan lãnh. Bấy giờ chưa hẳn tối. Cái sân gạch bát tràng đỏ xẫm như máu khô, thoạt nhìn đã hãi. Dinh cơ vẫn thế, nhưng chằng chịt thêm những búi chông trà, những quãng hào được đào rộng ra. Trên mặt nước, không biết vì mưa rào cá rạch, hàng đàn rô, trê lúc nhúc ngoi lên ăn nổi như tép nhảy ngoài sông Tô Lịch, ở mỗi góc cất lên một cái lều vó. Từng bọn lính vừa canh gác vừa kéo cá, kiếm cái ăn cái để. Lính ở nhà này vừa gánh việc quan, vừa cày cuốc, đánh cá. Người nào cũng vậy, cả hạn ở lính, các nhà các làng cứ từng vụ theo lệ, quảy thóc, đeo xống áo chăn chiếu lên đóng lương lính thì quản gia nhà quan nhận đem cất vào kho. Không ai được biết mặt lương xoạn của làng, của nhà nộp thế nào. Ông lãnh coi đấy là bổng nhà quan, còn lính thì cày ruộng, làm vườn, nấu nước mắm cáy "được quan cho kiếm lấy mà ăn, sướng ưỡn lưng ra rồi" quan lãnh bảo thế, chẳng ai dám ho he. Cái sân lên nhà trên trước kia sân đất, lát gạch xong thì vừa dịp tiệc khao. Lên quan lãnh rồi quan chưởng, quan bố đến nơi, như sân đình làng, chẳng khác công đường dinh tổng trấn, tổng đốc. Ở giữa uy nghi án thư sơn son thếp vàng, hai bên giá cắm hươm vàng bát bửu. Đằng kia, một đống cùm, xích, bàn tra gông, gậy song, thừng đay, dây mây trói... Người có việc vào đi nem nép, những viên gạch xẫm gan gà rợn cả mắt. Đã chiều rồi mà người đầy sân, đám này quan trọng quan xử gấp đây. Mấy người xách những đĩa dầu ra treo sẵn dọc hiên, sắp tối đến nơi, Cõi bỗng dưng đỡ nóng ruột, mà lại mong ngóng, lo lo. Bọn lính điếu đóm, lính canh, lính chạy thư đã ngồi đứng trực quanh. Ông lục khăn lượt quấn gấp nếp áo dài the trong lót áo lụa bạch, không biết cái quản bút tháp bút hay cái xiên giữ búi tóc cài trên gáy, các ông đã ra ngồi sau án thư làm vì, bên sập ông chánh lãnh binh. Trên sập đầu hè trải chiếu hoa, ông lãnh áo nhiễu cẩm, xếp bằng tròn bệ vệ. Một người lính cắp cái điếu ống khảm, xe trúc cong vắt đặt xuống. Một lính khác đứng nghiêm, cầm cái quạt lông, chốc lại phảy làm phép một cái. Lãnh Quang khệnh khạng xuống sân, bước lại, nhìn cái cũi, cười khà khà rồi nói : - Thằng bán dầu, tao tưởng mày trốn lên giời rồi. Lần này thì mày lên giời thật, con ơi! Lãnh Quang đứng ra trước mặt Cõi, thản nhiên hỏi một câu rùng rợn : - Mày nhìn xem tao tháo cũi có đúng cái mộng của mày không? Lãnh Quang xoe ống tay áo đến khuỷu, nắm hai cọc cũi, lay ngược một cái. Cả cái cũi vững chắc bỗng tung ra từng thanh. Y như hôm trước Cõi với Trắt đã kỳ khu lắp những cái mộc chệch. Việc xảy ra như chớp, Cõi hốt hoảng không kịp kinh ngạc. Cõi vẫn đứng đây, cái gông khoác vào chiếc cọc tre, chẹt hai con mắt trố ra xanh lè mắt mèo trước cái cũi vỡ. Lãnh Quang lủi lên thềm, hét dồn dập : - Chặt chân, chặt đến ngang bẹn, bắt nó hóa ra con ếch nhảy chồm chồm cho ông xem. Trắt đã choàng dậy. Nhưng những ngọn xà mâu dằn Trắt ra. Hai nút thừng trói cổ tay Trắt buộc mẹo đã đứt tung. Mảnh bẹ chuối tuột hết, Trắt lại chồm lên chộp cái chuôi con dao bầu. Vừa lúc, cả chục mũi dáo đâm xọc vào hai vế đùi. Trắt lại ngã ngửa xuống, máu phun ồng ộc ra như nước cống. Đã đứng sẵn, một người lính vung cái rìu. Hai vế đùi đứt đỏi
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang