[Việt Nam] Hòm Đựng Người
Chương 7 : Tam toà pháp
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 15:20 07-09-2018
.
Chương trên đã nói là sở dĩ Trịnh Kha cố buộc tội là cả nhà ông Hoàng dự mưu đem Vũ Lăng hầu vào Sơn lăng là vì muốn buộc tội cả nhà vào mà giết. Nay, trừ hai thầy trò Ấu Mai cả nhà đều chết cả rồi, thì họ còn tra tấn cố bắt cung sai sự thật để hại ai? Nguyên quan coi Hình phiên bên phủ Liêu là người chân trắng xuất thân, bình nhật vẫn ghét những người khoa bảng, y chỉ cố hãm ông Hoàng vào tội, để tên ông ở bia tiến sĩ bị đục đi mà thôi. Báo thù đến cái vong linh người đã chết - đã chết vì cái đòn tấn bi thương - ở cái danh vọng hão huyền, cái óc viên Hình quan kia thật đen quá mực Tàu!
Việc lấy cung thế là xong. Chỉ còn đợi ngày Bộ Hình, Đại lý tự Đô sát viện cùng quan coi Hình phiên bên phủ Liêu họp nghị rồi đem ra xử thôi. Trong lúc họp nghị, hết thảy ai cũng dựa theo ý Trịnh Kha mà ghép tội cả, duy có quan Đại lý tự khanh bấy giờ là ông Xuân Trường bá tỏ ý trái một chút mà thôi:
- Những đứa gian dâm, lẽ tất nhiên là phải trị tội, cái ấy đã đành rồi. Song, bằng vào mấy lời cung của một tên dầy tớ cũ mà ghép ông Đặng Phi Hiển vào tội, bạn nghịch khi quân, điều đó tôi thiết tưởng quá lắm.
Trịnh Kha nói:
- Việc chúng nó làm kín trong nhà thì làm sao cho ra nhiều chứng được.
- Nhưng, đứa khác có cung không?
- Nó không cung gì, nhưng tôi, tôi đã có cách ghép vào tội.
- Cách gì?
"- Thiết khẩu kiến bất cung sưng. . ."[39] chữ luật Hồng Đức các quan chắc biết cả.
- Đành rằng thế. Nhưng Đặng Phi Hiển đã quá cố trong lúc tấn cúc rồi thì làm chi mà phải ghép vào tội nữa cho nhục vong linh người đã cố. . .
- Đem trai vào Sơn lăng cho cháu gái thế, có là phạm đến Cửu thiên chi linh tiên đế không?
Trịnh Kha giở đến chữ "Cửu thiên chi linh" của tiên đế ra, tức là lôi một thần thánh bất khả xâm phạm ra, khiến quan Đại lý tự khanh dù có biết ông Đặng Phi Hiển là oan cũng không dám nói nữa. Ngoài ông ra, quan Thượng hình thì sợ uy Trịnh Kha là họ nhà chúa, quan Hình phiên thì là người chân tay y rồi án ấy làm gì không được như ý y.
Thế là việc án từ xong cả, chỉ còn đợi chiếu chỉ của vua cùng huấn từ của chúa là tòa Tam Pháp đăng đường.
Ngoài cổng Bộ Hình hai lá cờ đỏ trên thêu hai chữ: "Tĩnh Túc" cắm hai bên rồi từ cổng đi thẳng vào công đường, đôi bên cũng cắm hai hàng cờ ngũ hành bát quái. Xen lẫn với cờ, hai hàng lính mặc áo nỉ đỏ cầm mã tấu, roi, quất, hèo hoa, thiết lĩnh làm tăng thêm vẻ nghiêm trọng một chốn công môn. Sắc đỏ thường vẫn là sắc vui mừng mà để vào nơi này trông có vẻ dữ tợn ghê gớm, tưởng như sắp có việc máu chảy thịt rơi.
Dưới bực hè công đường, hai viên tả hữu Phòng thành[40] mũi gươm chống đất, đứng lừng lững như hai ông hộ pháp. Trên bức hè, cách giọt ngói chừng hai thước, một chiếc bình phong khung ngà căng gấm giữa thêu hai chữ "Thu quan". . . Trong bình phong ngay chỗ giáp khuôn cửa giữa, một bộ bát bảo đầu sắt sáng loáng như gương.
Trong phòng ba chiếc sập kê trên ba chiếc bục gỗ. Sập giữa sơn son thếp vàng, trên giải chiếu cói cạp điều, vì người sắp ngồi đó đỗ đại khoa. Hai sập bên, sơn đen thếp bạc, chiếc bên phải giải chiếu cạp điều, chiếc bên trái giải chiếu cạp xanh, vì người bên trái không phải chân đại khoa. Cạnh mỗi chiếc sập hai tên lính đứng sẵn tay cầm quạt lông trắng. Giữa phòng kê một chiếc bàn dài đôi bên kê đôi hàng ghế.
Từ trong phòng đến ngoài cổng im phăng phắc không có một chuyện trò gì. Dân sự qua đường không dám nhìn lâu sợ phải tù tội, chỉ dám liếc qua rồi cắm đầu rảo cẳng bước mau, đi cách trăm bước mới dám khẽ bảo nhau:
- Hôm nay tòa Tam Pháp đăng đường xử việc loạn dâm lăng Quả Thịnh.
- Nhanh lên! Một lát nữa thì không ai được qua cửa nữa.
Đúng giữa giờ Mão, ba hồi trống dài từ trong bộ Hình vang ra. Ứng hồi trống ấy, ba hồi chiêng bên giám ngục ty dục ngục lại dẫn tù sang tòa Tam Pháp. Một lát, giữa hai dãy cờ đỏ khé, viên giám ngục dẫn một dây ba tù nhân Vũ Lăng hầu, Ấu Mai và Thúy Hồng. Vào tới hiên thoát dây xiềng xích, Ấu Mai và Thúy Hồng ngồi dựa lưng vào lan can, Vũ Lăng hầu đặc biệt ngồi trên ghế đẩu. Nhìn sang hè gian bên giải, Thúy Hồng trông rõ Kiều Cảnh, Tố Hà và viên Lăng giám.
Đúng đầu giờ Thìn, một hồi trống từ sân trong công đường vang ra. Tiếp theo hồi trống ấy, tiếng trống con bong bong mỗi lúc một gần, một gấp một to: Các quan đăng đường. Hai cánh cửa bên tả, bên hữu mở rộng, mọi người đứng im như tượng gỗ. Từ bên cửa tả bước ra một người râu dài mà bạc chân đi đôi giầy chấn hoa, mình mặc áo địa màu lam, đầu đội khăn nhiễu tam giang, từ từ tiến lên ngồi sập giữa, đó là quan Hình bộ Thượng thư, Tham tụng Lê Hạo, Từ cửa bên hữu, một người mặc áo chẽn gấm màu cổ đồng lên ngồi ở sập bên tả. Từ cửa bên tả, một người mặc áo địa lam ra ngồi sập bên hữu. Vị ngồi sập bên hữu là quan Đại lý Tự khanh Xuân Trường bá Nguyễn Lâm. Vị ngồi sập bên tả là quan Đô sát viện Tả đô Ngự sử Trịnh Kha. Theo sau hai vị ấy là tám viên thị lang chủ sự, tư vụ lại mục đến hai hàng ghế quanh chiếc bàn kê giữa; theo sau tám người ấy, mấy tên lính bưng ba chồng hồ sơ tử tập đặt trên ba chiếc sập và bút mực giấy để ở trên bàn.
Sáu tên lính đứng cạnh sập cầm quạt phe phẩy trên đầu ba quan đầu tòa Tam Pháp.
Tĩnh túc được một lúc, quan Thượng Hình truyền:
- Cho gọi bị cáo vào đây. Gọi Lê Duy Lễ trước.
Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ vào cúi chào.
Quan Thượng Hình hỏi:
- Cứ theo lời cung của tên Kiều Cảnh, thị Tố Hà và viên Lăng giám thì ông cũng bàn mưu với cả nhà Đặng Phi Hiển để vào Sơn lăng thông gian với cung nữ Đặng Ấu Mai, việc đó ông có nhận không?
- Tôi nhận việc vào Sơn lăng tư thông với Đặng Ấu Mai còn việc dự vào việc bàn mưu, tôi không nhận, xin cho tôi đối chất với những người nguyên cáo kia.
- Cho gọi Kiều Cảnh
- Có, chủ tôi cùng Vũ Lăng hầu bàn mưu với nhau việc ấy từ ở ngoài bắc; bàn ở chiếc Thuỷ toạ trên hồ Tĩnh Tâm, mưu ấy không ở Vũ Lăng hầu nhưng Vũ Lăng hầu có được biết.
- Tri gian bất báo, dữ tội đồng biết chưa?
Vũ Lăng hầu nói:
- Xin nghe nốt mấy lời cung của Tố Hà và viên Lăng giám.
Tố Hà nói:
- Tôi chỉ biết việc từ lúc Vũ Lăng hầu vào Sơn lăng, còn việc từ trước không rõ.
Viên Lăng giám nói:
- Ty chức cũng không biết hơn Tố Hà điều gì.
Vũ Lăng hầu nói:
- Đó, các quan nghĩ xem Đặng Phi Hiển có can dự gì vào việc này.
Quan Đại lý tự khanh nói:
- Cho cả hai bị cáo vào đối chất nữa.
Vào tới nơi, Ấu Mai và Thuý Hồng vẫn khăng khăng một mực như cũ, nhất định không chịu nhận là ông và mẹ có dự mưu. Cuối cùng Ấu Mai nói:
- Xin các quan cho đòi ông và mẹ tôi cùng hết cả gia nhân nhà tôi tới đây đối chất.
Quan Thượng Hình nói:
- Ông mày, mẹ mày cả lũ gia nhân nhà mày đều chết cả trong ngục rồi còn đâu mà gọi ra đây.
Ấu Mai nghe dứt câu, rú kêu rằng:
- Trời ơi! Cả nhà tôi chết oan rồi! Hình luật đâu mà thảm khốc đến thế này, trời hỡi trời!
Dứt tiếng nàng ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Thuý Hồng nước mắt ràn rụa, cố níu nàng lên.
Quan Hình bộ Thượng thư truyền:
- Thôi cho ra cả.
Mọi người ra. Các quan nghị tội.
Quan Thượng Hình - Cứ như thế thì chỉ khép tội Lê Duy Lễ, Đặng Ấu Mai và Vũ Thuý Hồng mà thôi, các quan nghĩ thế nào?
Quan Đại lý-Ý tôi như thế.
Quan Tả đô- Ý tôi khác. Luật Hồng Đức có nói rằng: Nếu tội nhân tấn cúc thế nào cũng không chịu xưng, cứ một mực "thiết khẩu kiên bất cung xưng" thì cứ việc ghép tội theo lời cung của các nguyên cáo hay bị cáo.
Quan Đại lý-Đây nguyên cáo và bị cáo, trừ tên Kiều Cảnh ra, có đứa nào cung xưng rằng mưu gian dâm khởi lên tự ông Đặng Phi Hiển đâu.
Quan Tả đô- Nếu cứ tìm đủ chứng cứ thì tôi e rằng: một trăm cái án, thối đến chín mươi chín cái, trong việc án ngục: có cái tình ngay mà lý gian, phải thấu tình cho người ta thì kẻ vô cô, người vô tội mới thoát được tội, có cái lý ngay mà tình gian, phải hiểu lẽ đó, thì phép nước mới được rõ rệt. Cứ ý tôi, việc này lý ngay mà tình gian, mưu một việc trái phép thế, công việc làm lại chu đáo thế, lũ trẻ con như Vũ Lăng hầu Duy Lễ, Ấu Mai, con Thuý Hồng, lũ hạ ngu như gia nhân Đặng Phi Hiển không làm nổi được.
Các quan nghĩ thế?
Quan Đại lý- Vâng, khép thế cũng được.
Quan Tả đô- Ý quan Thượng Hình thế nào?
Quan Thượng Hình- Ý tôi cũng thế.
Quan Tả đô- Xin các quan cho điền vào bản án rồi gọi tội nhân vào tuyên án.
Hai vị gật đầu.
Bắt đầu tám người ngồi bàn dưới cắm đầu viết.
Một lát trống rung ba hồi. Ba hồi trống rung báo trước việc tuyên án tiếng gấp mà ngắn, nghe như tiếng kêu hả dạ của ác thú miệng ngoạm được mồi. Hết ba hồi trống rung, tất cả nguyên cáo, bị cáo đứng sắp hàng trước cái bàn kê giữa, cúi đầu nghe viên thị lang Tào hình[41] dõng dạc đọc án.
- Thừa Thánh chỉ ngày mồng một tháng tư năm Dương Đức nguyên niên, do nội các cung lục.
"Thừa ý chỉ Đại nguyên suý Thượng sư Thái Phụ Tây Vương, ngày mồng một tháng tư năm Dương Đức nguyên niên do Thị nội phiên cung lục.
"Hình bộ, Đô sát viện Đại lý tự họp thành Tam Pháp thi xét việc tên Đặng Phi Hiển, Lê Duy Lễ, thị Đặng Ấu Mai, Vũ Thuý Hồng và đồng phạm là lũ các tên: Đặng Văn Khuê, Trần Văn Điền, Lê Trần Thông, và lũ các thị: Bùi Thị Vinh, Lê Thị Liễu[42] về việc thủ mưu âm mưu giúp sức cho tên Lê Duy Lễ, cùng thị Đặng Ấu Mai dâm loạn trong nhà riêng của nhà nước làm ra cho cung nữ ở Quả Thịnh lăng. Cứ lời cung của các nguyên cáo là viên Lăng giám Trịnh Đống, tên Kiều Cảnh, cung nữ Hoàng Tố Hà thì việc dâm loạn đích xác là có và bị bắt đương trường ở nơi nói trên. Cứ lời cung của nguyên cáo Kiều Cảnh thì mưu ấy do tội nhân Đặng Phi Hiển, Hoàng Triều Vĩnh Tố thập niên, Mậu Thìn khoa Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, thủ xướng mà có dự biết là tất cả bọn đồng phạm, trừ con Đặng Ấu Mai ở trong Sơn lăng, phụng sự tiên đế.
"Lại cứ luật Hồng Đức điều một trăm bốn mươi, thiên mười lăm, mục hai mươi nói rằng: tội nhân nào tra tấn đến đâu cũng một niềm thiết khẩu kiên bất cung xưng thì cứ một lời cung của nguyên Cáo làm bằng.
"Nghĩ theo đúng quốc pháp tội nhân nặng nhẹ tuỳ theo công việc phải chịu những hình sau này:
"Đặng Phi Hiển bị tội giáo "thắt cổ".
"Lê Duy Lễ phải tội lăng trì xử tử
"Bọn Đặng Văn Khuê, Trần Văn Điền, Lê Trần Thông phải tội xử tử kiêu thú (bên đầu) ba ngày.
"Đặng Ấu Mai phải tứ mã phanh thây
"Vũ Thuý Hồng, phải tội voi giày.
"Lê Thị Liễu, Bùi Thị Vinh phải xử tử.
Nhưng nghĩ:
"Đặng Phi Hiển đã bị Thiên Chu[43], phải đục bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, và tước tên trong Hoàng triều Đăng khoa lục. Bọn đồng phạm là những tên. . . và những thị đã bị Thiên Chu, miễn cho tử thi không phải chịu hình. . ."
Ngày hôm ấy là ngày mười hai tháng tư năm Nhâm Tý, niên hiệu Dương Đức đầu đời vua Lê Gia Tông Mỹ hoàng đế, tức là năm thứ mười sáu đời Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc. Lịch tây vào năm 1672.
__
[39]. Miệng sắt cố gan không chịu xưng.
[40]. Như chức cảnh sát trưởng một đô thị bây giờ vậy.
[41]. Mỗi bộ chia ra mấy Tào.
[42]. Tức bà Chiêu Đặng Thụ Ấm
[43]. Bản án tử hình mà chết trước khi thành án hay trước khi hành hình.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện