[Việt Nam] Hòm Đựng Người
Chương 5 : Oan xưa theo mãi
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 15:18 07-09-2018
.
Trên xóm Vườn Cam thuộc tỉnh Cao Bằng, có nhà ông Hoàng Trịch, ông vốn là con cháu họ Mạc sau nhân vì họ Lê dấy lên, muốn tránh cái vạ sát lục, ông thân sinh ra ông đem lấy nét ngang chữ Mạc lên trên và thêm vào ở giữa chữ viết một nét sổ con, mà đổi sang họ Hoàng. Trịnh Tùng năm xưa đem họ hàng nhà Mạc ra giết, ông cụ càng căm lắm. Đối với họ Trịnh ông có cái thù "chẳng đội trời chung" chí ông vẫn muốn giết họ Trịnh để báo thù nhà. Giá đời không toại chí, ông để hi vọng vào con. Chữ Trịch, ông đặt tên con là ý ấy. Bộ thủ là tay để bên chữ Trịnh thành chữ Trịch là ném. Tay kia mong sau này sẽ giết họ Trịnh nọ.
Ông Hoàng Trịch từ ngày chịu lời giối giăng cuối cùng của cha, luôn luôn vẫn để tâm đến việc mưu trừ họ Trịnh, nhưng giận về thời thế chẳng chiều, nhân tâm lại muốn quên họ Mạc, nên ngày đêm ân hận không cùng. Ở đời, ai cứ luôn luôn để tâm đến việc gì, thì dù kín đáo trầm tĩnh đến đâu, cái việc ấy cũng có lúc lộ ra lời ăn tiếng nói, nét đi, đường đứng. Quan địa phương đã nhiều khi để ý đến cái thái độ khả nghi ấy của ông, nhưng vì chưa tìm ra manh mối gì nên vẫn mặc đó, chờ khi việc phát ra rồi trị cũng vừa.
* * *
Một hôm vào độ trung tuần tháng tư, về một buổi chiều, khí trời oi ả, Hoàng Trịch ngồi trong nhà buồn chạy ra ngoài trại, đi vòng quanh đồi hóng mát. Đến chỗ cuối đồi, ông nghe thấy tiếng người thì thào bên kia suối. Nấp vào bụi lau ổng lắng tai nín hơi nghe, thì ồ này lạ, rõ là tiếng con gái ông đương nói chuyện với ai. Nén lòng giận, ông cố nghe cho hết câu chuyện trên bộc trong dâu:
- . . . Cha tôi có việc gì lo nghĩ lắm. Anh là người thông minh, anh có đoán ra không?
- Tôi biết lắm, nhưng không thể nói được trừ ra. . .
- Trừ ra thế nào?
- Trừ ra tôi được coi như là người một nhà.
- Anh vẫn đi lại nhà tôi luôn. Cha mẹ tôi coi anh cũng gần là người nhà rồi đó, anh cứ nói đi.
- Gần thì chưa nói được. . . Phải coi thật là người nhà thì mới nói được. Mà vị tất. . .
Đến chỗ ấy, tiếng nói nhỏ dần. Bụng ông bấy giờ càng bối rối. Ông nghĩ: "Quái cái thằng Cao Trường Bộ nói biết tâm sự ta chắc. Nếu vậy thì cũng nguy cho ta. Nghe những lời nó nói thì là nó biết rõ lắm rồi. Nó lại bảo con bé rằng nó có được coi như hẳn người nhà thì nó mới chịu nói. Hay là mai ta thử gọi đến. Hứa gả con Tố Hà cho nó mà hỏi nó xem, nó có chịu nói không. . . ?". Nghĩ vậy ông liền quay gót trở về. Về tới nhà, trời vừa sẩm tối. Chờ mãi đến lúc trăng lên Tố Hà mới về, ông hỏi:
- Con đi đâu mà mãi bây giờ mới về?
- Con đi thăm mấy nương chè ở đồi bên kia xem bao giờ được hái.
- Thăm nươngchè sao lại đứng ven suối Đá Cóc?
Tố Hà chưa kịp tìm câu chống chế thì ông lại hỏi dồn:
- Thằng Cao Trường Bộ nói chuyện gì với con thế?
- Thưa không! Vì anh ấy năng đi lại nên gặp không lẽ mần thinh, nên có nói chuyện đôi câu thôi, chứ anh có nói gì với con đâu.
- Con cũng đến tuổi rồi, việc ái ân thầy cũng dung thứ cho. Nhưng cứ như mấy lời con với nó, mà nó nói với con lúc chiều ở bờ suối thầy nghe như quan hệ to đến công việc của ta. Điều ấy con đừng giấu nữa.
Ông là người rất nghiêm trong việc trị gia, những thói thì thầm trai gái thế chẳng khi nào ông lại có dung. Hôm nay ông lại rộng bụng đối với việc nói chuyện với trai của Tố Hà thế là vì câu chuyện nửa kín nửa hở lúc chiều của hai người làm ông phải để tâm nhiều quá mà quên mất cái nghiêm đối với con gái trong việc thường nhật ông vẫn cho là trái lẽ, trái gia giáo.
- Chúng con vẫn đoán là thầy có điều gì nghĩ ngợi sâu xa lắm. Nhưng sao anh ta có chịu nói gì đâu?
- Thầy hiểu rồi. Nếu nó có thể giúp được ta việc ấy thì thầy cũng gả con cho nó. Để mai thầy gọi nó đến ướm thử xem sao?
Sáng ngày mai, Cao Trường Bộ đến, Hoàng Trịch hỏi rằng:
- Ông là con cháu quan nhà Mạc, ông có nghĩ gì đến nhà Mạc không?
- Nghĩ thì cũng có nghĩ, nhưng biết làm thế nào! Khi số nhà Mạc hết rồi ai làm sao vãn hồi lại được.
- Nếu nói thế thì hèn quá, như cuối đời nhà Hán, nếu Gia Cát Vũ hầu cũng nghĩ như ông thì làm gì có nhà Hán ngót năm mươi năm ở đất Thục.
- Vũ hầu cố cưỡng thì thế, chung quy cũng đến bất đắc chí ở Trung nguyên mà thôi. Huống chi họ Mạc lấy nước do điều bất chính mà nay không ai có tài như Vũ hầu thì cái việc cát cứ một vùng Cao Bằng tôi e rằng là việc khó.
- Họ Trịnh giờ tôi coi như là vận trời mở cửa cho đó. Ông tính chuyện về họ Mạc phục thù, chuyện ấy hay lắm, nhưng việc ấy không làm được. Thì, thế, cơ ba điều coi như bất lợi cho ta cả, làm thế nào được. Cứ tôi xem thì Mạc Kính Vũ bây giờ hiện ở Cao Bằng, chẳng bao lâu cũng đến có cái vạ diệt môn như Mạc Kính Chỉ năm xưa thôi.
- Lời ông nói rất là hợp lẽ, nhưng người cùng máu mủ với họ Mạc không thể nghĩ như ông được. Vì tình xương trắng máu đào thì dù cưỡng thì thế mà chết tôi cũng không từ.
- Cao Trường Bộ nghe câu ấy ngẩn người ra một lúc mà rằng:
- Ông là con cháu chúa Mạc chăng? Nếu thật thế mà ông nói với tôi thì ông hớ to, vì tôi không phải con cháu họ Mạc. . .
- Thì ông xu viêm phụ nhiệt mà theo Trịnh Tạc để tố cáo tôi chăng?
- Không phải thế, nhưng nói ra có điều hớ lắm. Tâm sự một đời vì một câu nói kháy đem phun cả ra, cơ hỏng việc của ông là ở chỗ đó. May mà phun ra với tôi. . .
- Khi nào tôi lại có hớ. . . tôi nói với ông vì tôi coi ông như người nhà mà ông có thể là người nhà được nữa. Câu chuyện ông hôm qua với con em Tố Hà ở bờ suối; tôi biết hết cả rồi. . .
Cao Trường Bộ cười mà nói rằng:
- Nhưng ngài định thế nào với họ Trịnh? Ngài theo chúa Kính Vũ ở Cao Bằng chăng?
- Không! Tôi định ngầm nuôi thế lực ở đây để chờ dịp. . . Khi nào xong việc tôi sẽ gả con em cho.
- Thì tôi làm phụ mã! To tát nhỉ?
- Không, tính gì việc hưởng phú quý to tát đến như thế. Tôi chỉ cần có một đạo quân, lừa nhà Trịnh đem quân lên đây, cất lên đánh một trận để mở lối sống cho mình ở bảy châu trên này. . . Uống được máu một thằng họ Trịnh đủ hả giận cho tôi rồi, tôi chết nhắm được mắt rồi. Còn như việc diệt nhà Trịnh tranh lại cơ đồ, việc ấy tôi cũng biết là không làm nổi.
* * *
Từ đó Hoàng Trịch cùng Cao Trường Bộ ngày ngày mộ quân nuôi ngựa, kết liên với thẩy các chủ động Mán, Mường. Không ngờ công việc làm chưa đầy một năm thì ở Cao Bằng Mạc Kính Vũ nghi là có ý ngầm nuôi thế lực, để tranh đoạt ngôi vua, cho quân lên Vườn Cam bắt cả nhà Hoàng Trịch và Cao Trường Bộ về Cao Bằng; rồi theo đó, một năm sau, nhà Trịnh sai bọn Đinh Văn Tả lên đánh Mạc Kính Vũ. Cả nhà họ Mạc bị giết. Cao Trường Bộ cùng Hoàng Trịch chạy lên miền Vạn Lĩnh. Hoàng Tố Hà thị bị bắt đem về làm cung nhân hầu vua Lê Huyền Tông (Việc ấy xảy ra năm Đinh Vị, niên hiệu Cảnh Trị thứ năm, lịch Tây năm 1667).
Năm ấy Tố Hà mới hai mươi tuổi, ở trong cung được hơn ba năm thì vua Huyền Tông mất, nàng phải theo bọn cung phi vào Quả Thịnh lăng.
Thật ra nàng cũng chẳng biết nhà cửa ở đâu, hiện nay ai còn ai mất. Câu nàng nói với Ấu Mai rằng gặp người lính thú nhờ đưa tin về nhà là nói dối. Thật ra nàng chỉ nhờ người ấy về Cao Bằng dò xem cha mẹ cùng người yêu nàng còn mất thế nào.
Nàng gặp người đồng quận thì cũng nhờ liều may ra người ta giúp được chăng, chứ thật ra nàng thất vọng đến cùng cực rồi. Vậy chẳng để tâm gì đến việc nhờ "cầu phong" ấy cả.
Chuyện nàng đến đây tạm dừng bút chép mà nói đến câu chuyện của Ấu Mai và ông hoàng Duy Lễ.
* * *
Tố Hà muốn cho bạn khỏi ngượng ngập vì mình xin vào phòng nghỉ sớm:
- Chầu cùng chị Ấu Mai xa cách đã mấy năm trời, câu chuyện chắc phải dài, em xin phép vào phòng nghỉ trước.
Ấu Mai đỏ mặt không nói gì, ông hoàng Duy Lễ cũng có vẻ bẽn lẽn. Tố Hà hiểu ý, không đợi trả lời cứ quay vào phòng.
Dưới đây trích dịch một đoạn lời cung ở tập hồ sơ bản án ở toà Tam pháp đời chúa Hoàng Dương Vương Trịnh Tạc xử việc "Dâm loạn ở Quả Trịnh lăng", đoạn ghi câu chuyện tối đầu của cặp uyên ương xấu số.
. . . . Con Tố Hà vào phòng xong rồi, cặp gian dâm mới bắt đầu nói chuyện. Câu chuyện thôi bỉ, xin phụng ghi đúng sau này:
Ấu Mai, - Anh vào đây có những ai biết.
Duy Lễ. - Chỉ có già Thông, bõ Mai cùng con Thuý Hồng biết thôi. Nhưng cớ sao em lại hỏi câu ấy trước, em lại bụng dạ mà lo kỹ lưỡng đến thế ư? Năm năm gặp nhau mà câu đầu của em lại nói những việc đâu đâu. . . Anh không bằng lòng thế.
Ấu Mai - Vâng! Anh trách thế em cũng xin chịu, nhưng em bị nhiều điều đau khổ quá rồi nên tính hoá thế. Lúc nào em cũng coi như là có người rình mò làm hại, lúc nào cũng hình như ác thần nấp sẵn sau lưng. . . Nhưng thôi có anh đây, em vui mà quên cả mọi điều.
Duy Lễ - Phải! Vui đi thôi, quên đi thôi, em. Đời là một trò hề của con Tạo. Thấy tấn hề vui, ta hãy cùng vui, đừng nghĩ chi đến cái lòng bất nhân của Tạovật đã đem ta làm một cuộc bông đùa. Chỉ nên biết rằng, trong tấn hề, con Tạo khiến đôi ta sắm vai hề đa tình gian truân, thôi thì. . . trời đã bắt thế biết làm sao?
Ấu Mai- Phải đó, anh nghĩ thế phải đó. Ở đây chị Tố Hà ý cũng thế. Chị ta bảo rằng: Bất cứ việc gì ta cũng phải vội cười ngay đi không thì sau lại khóc ngay về việc ấy. Ở đời được một người bạn trai như anh và người bạn gái như chị Tố Hà thì dù giữa cơn giông tố ba đào, em cũng giữ được tâm hồn bình tĩnh. . . Em ở đây chỉ luôn luôn nhớ đến anh và nhà. Anh ngồi trước mặt em rồi, nỗi nhớ anh đã vợi, em muốn hỏi anh tin tức ở nhà. Hồi trước, anh mang thơ của em ra phải không?
Duy Lễ- Phải! Mà nói đến đấy anh lại nhớ đến một câu chuyện lạ quá.
Ấu Mai- Chuyện gì?
Duy Lễ- Hôm anh ở trong hoàng thành mang thư ra đến "Tiến sỹ môn". Thấy cổng rấp, người làng họ nói rằng:
- Từ năm ông Chiêu nhà mắc nạn, từ năm cụ Hoàng nhà về trí sĩ, Tiến sỹ môn vẫn bỏ không ai đi đến. Cách sáu bảy năm trước đây, anh cùng em ở trong Nội ra vẫn đi cổng ấy mà. Sao lại có sự lạ thế?
Ấu Mai tủm tỉm cười- Lạ cho anh chứ có lạ cho ai. Đến ngày em được phép ở trong cung về thì người vẫn chực sẵn để mở cửa. Cửa ấy trong bao nhiêu năm chỉ có anh và em đi thôi.
Duy Lễ- Lại thế kia à? Thảo nào mà độ tháng trước anh đến trông nó tiều tuỵ như chỗ bỏ hoang. Hay là vắng em anh trông cái gì cũng xấu?
Ấu Mai- Anh nói quá, em đi đến đâu xấu xí đến đó thì có. . .
Từ đây trở xuống, chuyện ông hoàng cùng Ấu Mai đến đoạn ái ân. Câu chuyện khơi mào cho việc quá việc "vẽ lông mi"[30]. Xin bỏ qua.
Tố Hà từ hôm đó mất hết vẻ vui mọi ngày, Ấu Mai thì lại vui cười hơn trước. Bà Tiệp dư cùng các cung nhân ai cũng lấy làm lạ. Có người nói: "Hay là khối vui của Tố Hà nhảy sang bụng Ấu Mai, mà nỗi buồn của Ấu Mai lại chạy từ Ấu Mai sang bụng Tố Hà. Bạn bè chơi với nhau thân, nhiều khi có những chuyện truyền lòng đổi dạ ấy".
Có người nói: "Không phải! Cứ tôi xét thì Tố Hà là người không có bản lĩnh gan góc gì cả. Khi mới đến đây, cố làm ra vui vẻ đó thôi. Cái vui vẻ gượng ấy chẳng bao lâu tất mất. Ấu Mai mới thật là người có gan góc, nên khi đã nhận hết nỗi khổ, khi đã trông cảnh mình hết mọi mặt, chị ta mới quyết vui cười mà chịu số phận một cách thản nhiên. Thức lâu mới biết đêm dài, mới biết người thức giỏi. Mới chập tối chẳng nên tin ai".
Có người lại nói: "Không phải thế, việc đời không thể triết lý suông mà đoán được. Mình cứ lấy triết lý suông, có khi quên cả người ta. Biết đâu rằng: trong cách cử chỉ của hai người mỗi người không mới nẩy ra cái ý mới trong cõi lòng".
Chị em bạc mệnh chốn Sơn lăng chỉ chăm chú để ý vào Tố Hà cùng Ấu Mai, hai người thật cũng có vẻ khác người lắm. Việc thay đổi dáng điệu của hai bông hoa ấy, không những để cho chị em cùng phận chốn Sơn lăng phải để tâm nghĩ ngợi mà đến tận ngày nay, độc giả duyệt đến chỗ này có lẽ cũng muốn tìm ra manh mối. Cớ sao Ấu Mai đang buồn thành vui? Cớ đó chắc ai cũng hiểu rồi. Còn Tố Hà, cớ sao đang vui hoá buồn? Nàng ở lâu chốn Sơn lăng, cái buồn nơi mồ sống hồng nhan ngày một ăn sâu vào óc, đuổi cái nết vui bình tố đi vào làm mặt nàng đầy thu khí, giọng nặng sầu đi chăng? Cùng lứa đầu xanh, nàng thấy Ấu Mai vẹn thề xưa ước cũ, nàng cũng nhớ đến người trước duyên xưa của nàng mà nàng buồn chăng?
Một phần cũng vì đó. Chỉ có một phần vì đó mà thôi, nếu chỉ vì gợi mối tình cũ mà buồn thì nét mặt kia chỉ có dáng âm thầm ngẩn ngơ là cùng thôi, chứ không bao giờ đến nỗi cau có khốn nạn, lúc mặt tối sầm như trời sắp nổi cơn giông tố to, lúc mặt nhăn trán bóp như trong lòng có nỗi thống khổ gì kịch liệt lắm nó vặn ruột moi gan.
Thật ra, mấy hôm sau, khi ông hoàng Duy Lễ vào ở trong Sơn lăng, ngày nào đêm nào trong óc nàng cũng như gió bão. Trong trận gió bão ấy, gió khi thổi Nam, lúc thổi Bắc, lúc lại quấn vòng tròn như trận lốc ngoài khơi, cuốn hàng trượng nước cao mười tầm rồi thả ra những bọt ngầu trắng xoá; mưa khi tạnh, khi sa, khi phơi phới như bụi toả khắp vùng trời, khi dồn dập như làn nước thác chảy xiết sườn non.
Chẳng chịu liều như anh chàng kia, giầy hơi lấm thì dấn bừa vào bùn cho lấm hẳn, nàng vẫn cố sức che mưa, che gió bằng một mái nhà tranh lung lay.
Trận bão trong tâm tư ấy, ta cũng lấy cái đo mưa đo gió mà ghi vào ký tuyến đồ.
Thoạt đầu, nàng nhớ đến câu chuyện ái ân ở bờ suối ven rừng đất Vườn Cam, đến cái vẻ quân tử nghĩa hiệp của Cao Trường Bộ, đến những lời thề trừ kẻ thế thù họ Mạc của người nàng muốn xẻ ân, chia ái, gửi thịt, trao xương. Nàng lại hồi tưởng đến cơn gia biến khi xưa, một nhà ruột thịt lìa tan, người Nam kẻ Bắc. . . Nàng nghĩ mãi, nhớ mãi, nghĩ mãi cái cuộc đời không sao mà có được, nghĩ mãi đến người nàng không biết sống chết ra sao. Nghĩ đến một việc tuyệt không hi vọng gì, nó tựa như người mong mát mẻ ở giữa mùa hè.
Trước còn gắt trời nóng, rủa gió nóng, sau càng quạt, càng oi ả, càng nhúc nhích, càng bức tối, rồi cũng đến vứt quạt ngồi lì, cam chịu nỗi mồ hôi nhễ nhại. Lúc ấy là lúc đành. Đã là đành thì cười xuê cho gọn cuộc đời, khóc than chẳng tránh số trời được nao!
Rồi thì nàng trông thấy Ấu Mai còn ông, còn mẹ, còn người đoái hoài hỏi han tới, còn được vẹn nguyền đôi chút với người ngày xưa, còn hi vọng mà lo chạy thoát thân sau ba năm hương khói chốn Sơn lăng, mà nàng thì nhà không, cửa không, cha mẹ không có, họ hàng cũng không. Những cái nàng thấy và nỗi thất vọng của nàng, nẩy ra trong óc nàng mấy câu hỏi. Cũng là lứa đầu xanh xấu xố mà sao số ta lại đến xấu vô cùng? Không còn hi vọng gì nữa? Ta đương độ trẻ trung, ta cũng có quyền được sung sướng chứ. Biết đâu! Cha mẹ ta còn thì biết đâu? Cao Trường Bộ còn thì biết đâu? Còn nước còn tát, can chi ta lại yên trí rằng: còn có mình ta trên trần? Phải đi tìm, phải đi tìm cha mẹ, phải đi tìm người đã cùng ta thề thốt đến điều. . . Nhưng chim lồng khôn dễ cất mình bay cao, biết làm sao mà thoát khỏi cảnh này bây giờ? Người ta quyền thế có, cha mẹ có, mà còn khó mong thoát chốn này, huống hồ mình.
Từ đó định ý của nàng là thoát khỏi Sơn lăng, ý ấy đêm ngày luẩn quẩn ở trong trí, không lúc nào rời ra. Tuy rằng: nghĩ nát óc chẳng ra kế gì thoát thân? . . . Nàng cũng vẫn bị cái ý ấy nó vây bọc tâm hồn. Thành ra ngoài đã bị cái chế độ lấy người sống làm vật tuẫn táng nó giam cùm, trong lại bị cái định ý nó bao bọc nàng, từ đó như bị nhốt trong hai lần ngục tối.
Thoát thân! . . . Làm sao mà thoát được thân? . . .
Có mấy tiếng ấy mà ngày nào, giờ nào, khắc nào nàng cũng đem ra làm câu hỏi gắt gỏng với số phận, với trời xanh, với khối óc đã nặng bề sầu thảm. Đột nhiên một hôm, trí nàng bật ra một tia sáng mới: Tia sáng ấy, chói lọi như một tia chớp, nàng nhắm mắt lại, không dám nhìn nữa. Nàng mới nghĩ ra một cách thoát thân là: lập công với quan trên. Công gì? Tố giác việc kín của Ấu Mai.
Nghĩ tới mấy lời ấy, nàng rùng mình ghê sợ, phải gạt ngay vào xó tối trong tâm tư. Nhưng ác thay, hạt giống gieo vào đất tốt mầu, nó cứ nẩy nở nhanh lạ thường, không sức gì cản được. Cái ý "bán bạn cầu tự do" gieo ở óc nàng Tố Hà, được tấm lòng đối với người xưa tình cũ làm mầu bón, nó cứ lần lần nẩy nở. Qua mười lăm, mười sáu ngày, ý ấy mọc thành hình hẳn hoi, không dùng cách gì thui chết đi được. Song, nàng vẫn còn cố chống chọi với tấm lòng vị kỷ, đê hèn ấy cho đến cùng. Một đêm, nàng tự xẻ khối óc ra làm đôi, một nửa làm quan toà buộc cái tội trái lời thề, trái lời thề với người bạn thân, một nửa làm thày cãi hộ biện cho cái phải vị kỷ của nàng.
- Tố Hà! Mày phải nhớ ơn cha mẹ. Ơn ấy không thể sao quên được. Tội gì mà vì chút tình bằng hữu mới mẻ, bỏ người sinh ra mày, cơm nặng, áo may cho mày!
- Tố Hà mày nhẫn tâm giết người để tìm bố mẹ à? Mà bố mẹ mày đã chắc gì còn sống! Tình bằng hữu tuy mới, nhưng là người còn sống; bố mẹ dẫu là ơn đầy sống bể nhưng là người không chắc đã còn. Mày giết mấy mạng người, mày giết một gia đình để đi tìm lũ người có lẽ chết rồi ư?
- Bố mẹ tôi, tôi chưa biết đích là đã chết, tôi không được nghĩ là chết. Nghĩ như thế có khác gì rủa bố mẹ hay không? Làm con mà rủa bố mẹ, còn tội nào to bằng?
- Tố Hà, nếu như bố mẹ mày chết trong đám loạn quân năm nọ rồi, bây giờ mày giết cả nhà bạn để đi tìm, tìm đâu cho ra. Mà con chim lạc tổ mày định nương tựa vào đâu cho sống?
- Nương tựa vào đâu? Tôi chẳng cần nương tựa vào đâu cả. Cho hẳn là cha mẹ tôi chết rồi, ra ngoài có bị thân gái bơ vơ với bị chôn sống ở nơi này, hai đường, đường nào cũng thế cả.
- Hai đường, một đường ở lại chốn này, một đường ra ngoài mà bơ vơ, hai đường mày coi như nhau, nhưng ở lại, mày không phải làm một việc gì bất nghĩa mà bước chân ra đi, mày phải bán tính mệnh một nhà, cam tâm làm con người bất nhân phi nghĩa, hai đường mày cho đường nào hơn?
- Đã chắc đâu là bố mẹ chết rồi.
- Quân nhà Lê lên Cao Bằng phá tan họ Mạc giết cả nhà Mạc Kính Vũ, mày bị bắt về đây. Hoạ loạn lớn thế mà mày chắc là cha mẹ mày còn sống sót được à?
- Cái đó cũng có lẽ. . . Cha mẹ tôi, anh em tôi đều là máu mủ họ Mạc, có lẽ đều bị giết hại cả rồi, cái đó cũng có lẽ. . . Nhưng Cao Trường Bộ thì có máu mủ gì với họ Mạc mà bị nạn ấy. Tôi phải đi tìm người cũ của tôi, người đã cùng tôi non chỉ bể thề. Một lời đã ước đến chết không quên.
- Nhưng giết chết hàng trăm mạng, mày nhẫn tâm à?
- Chết thế nào đến trăm mạng được. Việc vỡ ra chỉ chết Ấu Mai và vài đứa đầy tớ nhà Ấu Mai mà thôi.
- Đổi một người bạn lấy một người chồng mà cũng vì tình thế bắt buộc chứ nào tôi có nhẫn tâm phụ ai?
- Mày thử tưởng tượng: một ông lão tám mươi, con cái không có, một người đàn bà goá chồng, đứng vậy nuôi con mười bảy, mười tám năm trời, nếu Ấu Mai bị mày đem ra đưa vào lưỡi phạng của quân đao phủ thủ. Mày nhẫn tâm giết một nhà đổi lấy người chồng ư? Người chồng ấy, chưa chắc phụ bạn rồi mày đã gặp được. Cho rằng phụ bạn đi mà có gặp được chồng thì rồi mai sau đây, mỗi khi mày đứng cạnh chồng mày, chồng mày lại phải nghĩ đến cái cớ gian ác mày đã làm, chắc mày hối hận vô cùng. Đời như thế còn gì thú vị?
- Nếu chỉ vì cái thú gối chăn thì tôi đây đâu có nào phụ bạn. Thân này bỏ đi từ ngày bỏ đất Cao Bằng, còn dám biết xuân là gì nữa. Nhưng sở dĩ muốn tìm Cao Trường Bộ là muốn cùng chàng gánh vác cái việc "tiêm Cừu" đã ước cùng nhau trong rừng Vạn Lĩnh kia, vì máu mủ một họ tôi, thì phụ ai tôi cũng phụ. Nếu cha mẹ tôi bị hại vì quân họ Trịnh rồi, thì cái thù "chẳng đội trời chung" thế nào tôi cũng phải báo. . .
Nghĩ đến đấy, Tố Hà quả quyết ngồi vùng dậy, mài mực cầm bút viết vào tràng áo mấy chữ "Phụ mẫu chi thù, vật dữ cộng đái thiên[31]. Nàng phải viết vào tràng áo cho luôn luôn phải nhắc đến cái thù to tát ấy, muốn lấy mấy chữ ấy làm cái lối "ự kỷ mặc thị".
Sáng hôm sau, lúc rửa mặt, Ấu Mai trông Tố Hà nét mặt rầu rầu ngấn nước mắt còn in trên má, đuôi con ngươi màu thấy đỏ hoe, liền hỏi rằng:
- Trong ít bữa nay, em thấy chị điềm đạm khác trước, nhiều lần toan hỏi, nhưng lại thôi. Hôm nay, em trông chị như có điều gì buồn bã lắm thì phải. Chị có điều gì nên nói với em, hoặc giả em có cách gì làm khuây cho chị chăng?
Tố Hà cúi đầu, nói:
- Tôi nhớ nhà. . . có thế thôi.
- Sao trước chị vui mà nay chị buồn?
- Ấy cứ một mình nghĩ ngẫm mãi thì cái buồn xưa nó lại kéo đến. . .
Nói đến đây, Tố Hà cúi đầu xuống, tay mân mê cái khăn, im lặng không nói gì. Giữa lúc ấy một ngọn gió thổi bay vạt áo trước, lộ chiếc vạt con, Ấu Mai nhìn rõ mấy chữ "Phụ mẫu chi thù, vật dữ cộng đái thiên" vội hỏi xoắn xít:
- Chị có mối lo to thế kia mà không cho em biết.
Tố Hà bỗng vứt khăn xuống chân, hai tay bưng mặt rít lên như người hoá dại:
- Tôi phải nhẫn tâm, trời ơi! Tôi phụ hết, tôi phụ hết cả mọi người! Tôi chẳng nghĩ gì cả.
Nói xong, chạy thẳng vào trong buồng đóng chặt cửa lại, Ấu Mai cũng hoảng hốt chạy vào trong nhà.
Ba hôm sau, gặp ngày rằm, bọn cung nhân phải đến cung Kiền Long làm lễ sớm. Lễ xong, mặt trời mới lên khỏi ngọn thuỷ tùng, khi về nhà riêng trông đồng hồ mới vào đầu Thìn.
Tố Hà bảo Ấu Mai:
- Chị chịu khó hôm nay xuống bếp thổi cơm một mình, tôi mệt xin phép chị tôi nghỉ.
Làm cơm xong, Ấu Mai mời Tố Hà ra ăn, Tố Hà cũng chối.
Ngày hôm nay nàng bỏ bữa cơm sáng, nằm mê man cả ngày. Ấu Mai ngồi bên cạnh giường vuốt ve săn sóc.
- Bệnh chị chắc là tâm bệnh. . . bệnh ấy ở đây chẳng làm gì ra thuốc mà chữa, có một cách diệu nhất là chị cố yên tĩnh thần trí lại, đừng nghĩ ngợi gì cả, coi việc đời như đám phù vân cả. Chị mà cố được như thế, thì bệnh phải lui. . . .
- Sao chị biết bệnh tôi tại tâm?
- Mấy chữ chị viết ở vạt áo, mấy lời chị nói sáng hôm nọ, bằng ấy cái chứng cớ lại chẳng đủ làm chứng cho cái tâm bệnh của chị ư?
- Hôm nọ tôi nói sảng gì thế?
- Chết nỗi, thế chị quên rồi à?
- Vâng, tôi chẳng nhớ gì cả. Thế tôi nói những gì thế?
- Những câu lảm nhảm cả.
Tố Hà cố gạn hỏi cho ra những câu nàng nói sáng hôm nọ. Ấu Mai thì cố hết sức giấu giếm. Cái giấu giếm ở bụng hai người có ý nghĩa khác nhau. Ấu Mai thì sợ Tố Hà vì nghĩ tới việc cũ - việc nàng chưa được biết, nhưng đoán chắc là quan hệ to lắm - mà phát bệnh điên. . . Đối với một người sắp có thể hoá điên được, thì diệu kế nhất là không nhắc lại một li một tí gì những việc đã xảy ra. Vậy Ấu Mai im đi là vì thương Tố Hà. Tố Hà thì cố hết sức hỏi xem câu mình nói quan hệ lắm không, có "phản" cái ý nghĩ yêu ác của nàng vừa nghĩ ra mấy hôm nay không? Cố gạn mãi không được, nàng cầm chắc là câu nàng nói sảng đã lộ hết mưu mô bất nhân của nàng. . . Nghĩ đến đấy nàng lại gục đầu xuống ngủ.
Sáng hôm sau, Ấu Mai thấy Tố Hà dậy thật sớm, mặc áo ra đi rồi. . . ngày một ngày hai không thấy nàng trở lại.
* * *
Đây lại nói chuyện bốn mươi năm về trước, hồi Đặng Phi Hiển, sau mấy tháng tập việc ở kinh, được bổ đi làm tri phủ, phủ Thiên Quan, thuộc trấn Thanh Hoá ngoại.
Hồi đó ở vùng từ bến đò Gián Khẩu đến vùng Lạc Thuỷ vẫn có một đảng cướp rất to, đảng ấy có khi cướp ở đò dám dìm xuống đáy sông Hoàng Giang, xác người có khi trôi đến vướng cả chân núi Thuý. Có khi đảng ấy lại to gan, dám đem quân phá phủ để cướp kho. Trước quan phủ Đặng, hai quan phủ đã bị cách chức vì bọn cướp ấy. Khi quan phủ Đặng mới đến, nha lại cũng đã bẩm quan rõ sự tình ấy. Đặng nói:
- Tôi cũng đã rõ cái tình thế ấy lắm và đương nghĩ cách trị bọn đó cho đến tiệt nọc.
Thầy lại mục thưa:
- Trị đến tiệt nọc thì khó lắm, vì đảng cướp ấy thế lực nó to lắm. Từ xưa đến nay các quan trị đã nhiều phen rồi.
- Lối trị của các quan như thế, thì có khác gì ném bùn xuống ao. Cứ thấy giặc phá ở đâu, thì mới đem quân đến đánh, đó chỉ là lối đau đâu xoa đó, chẳng ăn thua gì cả. Cứ ý tôi, phải dò ra những tay đầu đảng tụi này mà trị cho thật nghiêm thì tự nhiên vùng Hoàng Giang này được yên, nhổ cỏ phải tìm đến gốc mà trị, chứ cứ phát hớt trên mặt, nào có ăn thua gì. Không những không ăn thua gì, mà cỏ mọc lại càng thêm khoẻ. Quả như lời ông nói: trong sáu tháng sau ông dò được cái nhà đứng làm trùm cho các trộm cướp một vùng. Nhà ấy, hạng trai khỏe lực lưỡng, có đến non trăm, hạng đàn bà con gái dùng làm người thông tin tức, cũng được vài chục. Chủ nhà ấy là một tên lý trưởng đã từ dịch, họ Kiều tên Thạc, nhà y bọc ngoài hai lần hào, ba lần luỹ, lối vào đều có thả chông. Khi đồ đệ y tề tựu cả ở nhà thì ngày ngày mổ trâu bò ăn uống "rầm rĩ".
Kẻ chép chuyện đây dùng hai chữ "rầm rĩ" là dùng chữ vuốt đuôi sau khi đã biết thừa tỏ rõ, chứ dân gian hồi ấy, vùng ấy đố ai có thấy động tĩnh gì khác thường. Lúc nhà ấy mổ trăm trâu khao nghìn quân, với lúc nhà ấy chỉ có một thầy trò, ngồi canh cái trại mười mẫu, hai lúc cũng bình tĩnh như nhau, Kiều Thạc chẳng cần phải xê xích khỏi nhà một bước, mà bao nhiêu đám cướp to nhỏ suốt một vùng giáp giới ba trấn, phần lợi lớn vẫn vào kho nhà ấy cả. Cách y tổ chức giỏi đến nỗi rằng: Trên vua chúa cùng các quan từ bao giờ không dò ra được manh mối, dưới các đồ đảng một tơ một hào không dám ăn chận trước. Đặng tri phủ phải dùng đến cái kế mỹ nhân, mới cho lọt đôi tai của phủ nha vào trong trại của Kiều Thạc. Người con gái dùng làm mồi câu hổ dữ ấy, là một đứa con gái quê ở làng ông, ông mua đem đến phủ, cho ở ngoài phố, vì sắc đẹp, Kiều Thạc ta quyết cướp cho được. Vào ở trong trại, người con gái ấy khéo dùng sắc đẹp, dùngmánh khoé mà khám phá trong một tháng hồ hết cơ quan của Kiều Thạc.
Một hôm, Đặng tri phủ được tin của người con gái ấy ra báo rằng:
- Tối ngày kia tên Kiều Thạc phái hơn trăm tên cướp đến phá phủ để cướp kho, ở trại tối nay chỉ có nó và vài tên đầy tớ thôi. Canh hai, chúng bắt đầu đi. Lệnh ông[32] cho lính chực sẵn ở cổng trại khi nào ở trong có đuốc soi làm hiệu thì cứ kéo ồ theo ngọn đuốc mà vào, chắc là bắt sống được Kiều Thạc. Còn việc giữ phủ ở lệnh ông định liệu.
Tiếp được tin Đặng tri phủ bí mật cho chuyển hết của kho ra ngoài thành phủ. Cả đồ đạc cũng cứ ban đêm dọn cả ra ngoài. Đúng ngày hôm ấy, phủ chỉ còn là cái xác thành không.
Một mặt ông báo trình lên quan trấn, bí mật lấy thêm quân, chập tối hôm ấy, ăn mặc giả làm nông phu, kéo đến đóng cạnh trại tên tướng giặc.
Đúng đầu canh hai thì cửa trại mở to, quân giặc kéo ra. Hôm ấy là ngày hai mươi mốt, trăng lúc bấy giờ chưa lên, bên quân Đặng tri phủ ở chỗ tối nhìn ra rõ mồn một.
Chúng đi cách trại chừng nửa tiếng thì thấy ở trong luỹ thấp thoáng có người soi đuốc. Đặng tri phủ nhìn theo thì một lúc ngọn đuốc vạch to lên trên không chữ nhập, bèn cứ theo ngọn đuốc kéo vào. Vào được tới nơi bắt hết già trẻ nhà tên Kiều Thạc trói gô cả lại đem về phủ.
Đi đến giữa đường thì trăng lên. Đặng tri phủ nói:
- Ta đi nhanh thì có lẽ quân giặc còn ở trong phủ cả.
Nói về đạo quân của giặc đến cướp phủ, khi đến thì không phải đánh mà vào được trong phủ thành. Vào tới trong, vội vàng tới kho khuân bạc, còn đương huỳ huỵch khiêng những gỗ đá chận trên kho thì vang trời bên ngoài thành đã có tiếng quan quân đánh vào. Át cả tiếng reo hò, một tiếng loa lanh lảnh:
- Bọn giặc! Chúng bay nhìn kỹ: tướng mày là thằng Kiều Thạc quan trên đã bắt được. Chúng mày đứa nào muốn còn đầu thì nên hàng cả, không thì chỉ trong chốc lát, nắm xương không còn.
Chúng trèo lên mái nhà nhìn ra, thì trên đầu ngọn tre, rõ ràng Kiều Thạc bị treo tóc, đương giãy giụa như con thú giữ mắc bẫy, dưới nghìn bó đuốc soi tỏ như ngày, không còn nghi ngờ gì nữa. Thấy chủ đã bị bắt, chúng đều hàng cả.
Khép vào án, Đặng tri phủ đem chém tất cả già trẻ lớn bé nhà Kiều Thạc, hơn bảy mươi mạng, đồ đảng của y hơn ba trăm mạng. Từ đó trong vùng được yên.
Con trai nhỏ Kiều Thạc, tên gọi Kiều Cảnh khi đó hiện đương ở chơi bên họ ngoại ở chốn khác nên thoát nạn. Sau Kiều Cảnh vì không biết nương tựa vào đâu cho qua ngày, ở bên quê ngoại thì bên quê ngoại sợ nỗi cháy thành vạ lây, liền liều về phủ Thiên Quan, vào tận phủ nha nộp mình. Đặng tri phủ thương vì trăm mạng chết đi còn trông vào có một hòn máu sót ấy làm người cúng vái, liền dung cho ở coi cái trại cũ làm ruộng, làm vườn kiếm ăn. Vì thế y cũng tạm yên thân.
Được mấy năm Đặng tri phủ bổ đi chỗ khác. Sau đấy vài mươi năm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào, Kiều Cảnh lại đến nhà Đặng tri phủ xin ở.
* * *
Lại nói đến việc trong Quả Thịnh lăng: Ấu Mai thấy Tố Hà đi mãi chưa về, băn khoăn nghĩ mãi không hiểu duyên cớ vì đâu. Tự nhiên nàng thấy trong bụng buồn bã vẩn vơ.
Nỗi buồn ấy, nàng hỏi mãi không biết tự đâu đưa lại. Đương khi vào ủ ra ê, thì thấy con Thuý Hồng vào thăm, mặt mày ngơ ngác:
- Chị Mai ơi! có lẽ sắp có tai vạ chứ chẳng chơi đâu! em lo lắm. . .
Vừa nói, Thuý Hồng vừa thở hồng hộc. Đợi Thuý Hồng hết thở, Ấu Mai nói:
- Cái gì? em vừa nói gì? Cái gì mà tai vạ, làm sao mà như người mất hồn mất vía thế?
- Chị ơi! Thằng cha Kiều Cảnh trốn đi mất sáu hôm nay rồi, em lấy làm lo lắm. Nói đổ sông đổ bể, lỡ nó biết việc ta mà đi tố thì chết.
Ấu Mai nghe đến đó chột dạ, song vẫn nói cứng:
Không, nó biết đâu! Không sợ. . . mà lạ quá! Trong này chị Tố Hà cũng đi vắng chừng sáu, bảy hôm rồi.
- Sao chị lại bắt chuyện chị Tố Hà vào chuyện thằng Kiều Cảnh?
- Ồ nhỉ. . . cũng là ngẫu nhiên đó mà thôi.
Hai chị em đương nói chuyện thì bỗng thấy lính vũ lâm vào cổng, áo nỉ đỏ ngòm, theo sau một vị quan ngồi chiếc võng đào, đầu che hai lọng. Đó là quan Lăng giám đến khám chỗ ở của Ấu Mai. Tới nhà riêng Ấu Mai, quan Lăng giám nói:
- Có kẻ tố cáo với ta rằng: Mi chứa trai trong nhà này, có không?
Ấu Mai nghe nói, tái hẳn mặt đi, không đáp được nữa. Viên Lăng giám quay lại bảo lính:
- Chúng bay vào khắp các phòng, giường, hòm, chăn xem!
Lũ lính vâng lệnh: trong chốc lát, Vũ Lăng hầu Duy Lễ đã bị chúng lôi cổ ra.
Viên Lăng giám hỏi Vũ Lăng hầu:
- Thằng kia, mày tên là gì? Người ở đâu?
Vũ Lăng hầu ngước mắt nhìn lên xà nhà mà không thèm đáp.
- À thằng này to gan thật! Mày dám cả gan vào trộm chốn này, bây giờ mày lại làm bộ với tao à?
Vũ Lăng hầu nói:
- Tao làm trái phép nước, đành chịu chết, nhưng tao không phải nói năng gì với mày!
- Lính đâu! Trói cả chúng nó vào cho ta!
Lính vâng lệnh, trói trật cánh khỉ Vũ Lăng hầu, Ấu Mai cùng Thúy Hồng, đoạn lại lấy dây thừng dài trói cả ba người vào một xâu. Viên Lăng giám cứ thế giải cả ba người sang tòa Thừa chánh để đợi ngày giải kinh, giam ở tòa Ngự sử.
Giải sang tới tòa Thừa chánh, đương giữa buổi hầu, quan Thừa chánh sứ đương đăng đường xử việc.
Viên Lăng giám vào, cho lính giữ các tội nhân dưới hè, rồi lên công đường nói:
- Năm hôm trước, một người cung nhân đến tố cáo với ty chức một việc dâm loạn xảy ra ở nhà riêng người cung nhân họ Đặng. Đã hơn nửa tháng này, ty chức không tin, giữ đứa tố cáo lại ở cung Kiền Long rồi cho người đến chỗ ở riêng người cung nhân ấy dò la. Khi dò đã được đích xác rồi, ty chức đến khám, bắt được quả tang, liền cho giải cả sang đây, chờ lệnh quan lớn xét xử.
Quan Thừa chánh nói:
- Sao lại có việc lạ thế, sáng hôm nay tôi cũng vừa tiếp chiếu chỉ, bắt kê hết tên cung nhân dưới ba mươi tuổi, hiện đương ở trong Quả Thịnh lăng.
- Thưa kê để làm gì?
- Để đến sau ngày lễ tốt khốc tiên đế thì cho thải về cả. Người cung nhân ông bắt được quả tang mắc tội loạn dâm ấy, tuổi chừng bao nhiêu?
- Bẩm tôi chưa tra rõ, nhưng cũng trạc hai mươi bốn, hai mươi nhăm gì đó.
- Thế liệu chừng cái số cung nhân dưới ba mươi tuổi ở Sơn lăng có độ mấy người?
- Bẩm độ năm, sáu người, mà trong số đó chắc phải có người cung nữ họ Đặng, người cung nữ họ Hoàng là người ở chung một nhà với người họ Đặng, là người đi tố với ty chức các việc dâm loạn kia.
- Thế thì trời hại chúng nó, ông cho chúng nó lên trên này để tôi hỏi.
Sau một tiếng gọi, lính dắt một lũ người lên hè. Quan Thừa Chánh trông thấy Vũ Lăng, sửng sốt mà rằng:
- Chết nỗi! Đức ông ở trong cành vàng lá ngọc mà cũng mắc vào cái tội ô uế này ư?
Vũ Lăng hầu:
- Kể ra thì cũng chẳng ô uế gì, đại nhân nói lầm to!
- Tôi nói lầm! Đức ông nói lạ! Đức ông vào tận lăng tiên đế, làm chuyện gian dâm, điều đó tôi bảo là ô uế, còn dè dặt lời nói lắm đó, đức ông lại báo là tôi lầm.
- Đại nhân chỉ biết có một việc giữ phép nước mà thôi, tội phạm phép nước thì tôi chịu tội. Còn như nói là ô uế thì vị tất. . . còn có việc ô uế hơn việc tôi làm.
- Thế là việc gì thế, tâu đức ông?
- Sống làm hại gần trăm gái non vô tội, chết đi lại đem hàng trăm người vô tội dìu đến ấp đống xương mục dưới đất. Cái thói dâm ô đến lúc nằm dưới đất đen, có lẽ còn ô uế bằng vạn cái tính háo sắc thường của tôi!
Quan Thừa chánh quát:
- À quân này láo, mày nói lý sự với tao à! Lính đâu tống cổ chúng nó xuống cả trại.
Quan Thừa chánh lại bảo viên Lăng giám:
- Cho ông về, ông giải con bé cung nữ đi tố cáo việc ấy sang đây để lấy cung.
Dưới trại, ba người bị giam ở phòng, ông hoàng Duy Lễ cùng Ấu Mai bị cùm. Ở phòng thứ ba, Tố Hà được biệt đãi không phải cùm xích gì cả. Dòm qua khe bức tường ván Ấu Mai thấy Tố Hà ngồi phòng bên cạnh liền lên tiếng gọi:
- Chị Tố Hà, chị còn nhớ lời thề chứ?
Gọi ba lần Tố Hà không đáp, Ấu Mai liền nghĩ bốn câu thơ đọc sang cho nghe rằng:
Giăng thanh còn đó chiếu bên mành,
Nỡ phụ nhau chi một chút tình.
Thề thốt những gì nên nhớ lại,
Ở ăn chẳng sợ có giời xanh.
Đọc xong thơ cũng không thấy Tố Hà trả lời. Ấu Mai nằm xuống thở dài, bụng nghĩ rằng: "Mình nói gì với nó cũng bằng thừa mà thôi. Con người bất nhân đến thế nói làm gì nữa! Âu là số mệnh hẩm hiu thì mình cam chịu, kêu gào trách oán ai cũng là vô ích".
Chiều hôm ấy, đến bữa cơm, tên ngục lại mang cơm vào, tháo cùm ra, bảo Ấu Mai rằng:
- Cô giam ở phòng cạnh có gởi cho cô mảnh giấy, tôi để dưới trôn bát ấy.
Khi tên ngục lui ra. Ấu Mai móc trôn bát lấy ra một mảnh giấy. Mở ra trông rõ bốn dòng chữ Tố Hà viết, thì là một bài họa lại bài thơ đọc ban trưa.
Em gì nghĩa cũ chút tình mành,
Cốt nhục thù kia một mối tình,
Vàng ngọc tiếc thân đem dấn bụi,
Hồng trần phụ những mắt ai xanh.
"Sau đây xin có thư dài bộc bạch can trường nay tạm hãy xin họa lại bốn câu thơ của chị"
Ấu Mai xem thơ cười sằng sặc mà rằng:
- Mày có can trường gì nữa mà nói bộc bạch? Chẳng qua là số tao chẳng ra gì thì tao gặp mày, mày còn nói khéo nỗi gì nữa? Tao mắc nạn này dù có chết cũng can tâm, tao chỉ thương cho mày vị tất đã thoát nổi chốn Sơn lăng mà thôi!
Tối hôm ấy Ấu Mai có lệnh triệu lên công đường hỏi cung. Lên tới nơi, quan Thừa chánh nói:
- Tôi là bạn với ông Chiêu sinh ra cô, vẫn có ý che chở cho cô đó, ở kinh cụ nhà hết sức vận động, trong phủ Chúa, đã được Chúa tâu Kim thượng ra ân thải hết những cung nhân hiện ở Sơn lăng mà chưa đầy ba mươi tuổi. Nếu không xảy ra việc này thì còn non một tháng nữa, đến tuần tốt khốc tiên đế thì cô được ra. Chiếu chỉ hiện tôi đã tiếp được đây. Nay xảy ra chuyện này, thì ơn trên không trông mong gì nữa. Việc lại dính đến Vũ Lăng hầu là người Chúa thượng vẫn ghét, khó lòng mà toàn vẹn được.
- Nếu thật không sao thoát được nạn thì xin đại nhân gọi mẹ tôi ở ngoài phố vào đây, tôi được trông mặt già rồi xin tự liệu ngay trong ngục, bất tất phải giải tôi về kinh nữa.
- Không nên! Việc con Tố Hà nó tố cô, chỉ có cô, chỉ có viên Lăng giám và tôi biết mà thôi, tôi sẽ liệu thu xếp với ông ta bỏ hết lời cung của con Tố Hà thì có thể thoát được tội, ở nơi biên trấn này, quyền ở cả tôi; vậy cô hãy tạm ở đây cho đến ngày tốt khốc tiên đế.
Ấu Mai phục xuống đất lạy tạ mà rằng:
- Nếu đại nhân thương được đến như thế thì thật là đại nhân cứu được tính mệnh một nhà, ơn ấy, biết trời bể nào ví được. Nhưng còn Vũ Lăng hầu thì sao?
- Nếu muốn cứu cô thì phải cứu cả Vũ Lăng hầu, cả con Tố Hà. . . tóm lại phải coi như không có chuyện gì cả. Để sáng mai, tôi vào tận Sơn lăng, thu xếp cùng viên Lăng giám, cùng bảo lũ cung nhân nó quên rằng có việc ấy đi; cô hình như cũng được chị em yêu quí thì phải.
- Vâng!
- Thế thì được, công việc thế nào chiều tối mai tôi nói cho hay. Thôi, bây giờ cô hãy tạm vào nhà trong nghỉ với các em. Vũ Lăng hầu tôi cho lính đưa ra ngoài phố, giao cho một người lại mục phải giữ.
Ấu Mai vào trong nhà rồi, quan Thừa chánh lại gọi Tố Hà lêntrách mắng và bảo lẽ hơn thiệt và bắt vào trong nhà ở riêng một phòng.
Chiều hôm sau, quan Thừa chánh thu xếp ổn hết cả mọi việc, mọi người đều hi vọng thoát nạn cả, thì đến sáng hôm sau, bỗng có phi kỵ ở kinh mang trát của tòa Ngự sử bắt phải lập tức giải Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ, cung nữ Đặng Ấu Mai và Hoàng Tố Hà về kinh ngay để cứu cái án dâm loạn ở Quả Thịnh lăng.
__
[30]. Đời Hán, Trương Xưởng làm quan Doãn đất Kinh Triệu, ở nhà, có khi trong phòng, vẽ lông mi cho vợ. Tiếng phao đến tai vua. Vua hỏi, Trương đáp: Tôi nghe ở trong buồng khuê, việc riêng của vợ chồng, còn có việc quá việc vẽ lông mi.
[31]. Kẻ thù của cha mẹ chẳng có thể đội chung trời cùng.
[32]. Cho tới trước hồi bảo hộ dân gian gọi phủ huyện là lệnh ông. Chữ quan lớn chưa bị đem xuống gọi các quan nhỏ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện