[Việt Nam] Hận Lãng Bạc

Chương 5 : 5

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 10:48 13-09-2018

Với cô thuật ngữ “người Giao Chỉ” là sự xỉ nhục. Lúc nào nó cũng gợi lên những ác mộng truyền kiếp, di căn, trong đêm đen Bắc thuộc. Anh tuyệt đối thông cảm và thấu hiểu nỗi lòng cô. Từ Hàn Phi Tử, Hoài Nam Vương đến Tư Mã Thiên, họ đều ghi nhận thời tối cổ (Thần Nông, Nghiêu Thuấn, Thương Ân); đến cận cổ (Thương Chu, Tần Hán), lãnh thổ Hoa Hạ phía nam giáp Giao Chỉ, chứ không phải bao gồm Giao Chỉ. Trên bản đồ khảo cổ học Trung Hoa, đất đai tiên Tần chỉ là khu vực nhỏ hẹp hai bên trung lưu Hoàng Hà. Do đó Giao Chỉ rất dễ hiểu, chính là khái niệm nói về vùng đất phía nam của Hoa Hạ và không thuộc Hoa Hạ. Giao Chỉ sẽ dịch chuyển dần xuống phương nam, dưới gót sắt các đoàn quân đế quốc, thực dân. Không khó nhận ra Giao Chỉ thời Tây Chu là vùng Đan Dương nước Sở; Giao Chỉ Đông Chu tuột xuống bờ nam Trường Giang; Giao Chỉ thời Tần là Lĩnh Nam. Lịch Đạo Nguyên ghi lại lời Hán Vũ đế muốn mở mang Giao Chỉ làm Cơ Chỉ (cơ sở, nền móng) cho con cháu, là căn cứ xác đáng để kết luận tên của nước Sở gần như đồng nghĩa với Giao Chỉ, vì Cơ Chỉ có thể gọi là Cơ Sở. Chữ Sở trong Cơ Sở đồng âm và chỉ khác chữ Sở tên nước một bộ Thạch. Hán Vũ đế gộp chín quận phía nam nước Hán (có quận Giao Chỉ trong đó) thành Giao Chỉ bộ, quận Giao Chỉ nhiều khả năng mang tính khái niệm và đại diện, hơn là địa danh đã chiếm đoạt. Khi tiêu diệt Nam Việt, các đoàn quân Hán đã dừng lại ở Phiên Ngung, và sau đó hàng trăm năm, không có bất cứ một Thái thú nào được bổ nhiệm tại quận Giao Chỉ. Anh bị thuyết phục bởi lý lẽ cô đưa ra nhưng anh không phải sử gia có quyền năng và tiếng nói. Anh tin xứ sở của Hai Bà Trưng độc lập hoàn toàn trước khi Mã Viện nam chinh. Nhâm Diên, Tích Quang và Tô Định chỉ cầm đầu những nhóm sứ đoàn nhỏ lẻ, không đánh giá hết sức mạnh của Âu Lạc, muốn cưỡng chiếm nó bằng cái giá rẻ mạt nhất. Họ thất bại là tất yếu. *** Sau cuộc chạm trán ngày Đoan Ngọ với Trưng Trắc, Tô Định vừa đau, vừa nhục và bế tắc hơn bao giờ hết. Dã tâm của y đã lộ rõ, chẳng ai còn nghi ngờ nữa. Tô Định tiếc nuối vì không tham khảo sách lược thâm hiểm mang gương mặt khai hóa của Nhâm Diên và Tích Quang. Giờ đây, chỉ có bạo lực mới duy trì được bạo lực và tội ác Tô Định đã thực hành. Y chợt sáng ra một quỷ chước mà nền chính trị Hán thường áp dụng thành công trong nhiều tình huống là tách bó đũa ra để bẻ gãy từng chiếc một. Cũng bởi Tô Định từng tưởng bở Âu Lạc chỉ là một chiếc đũa yếu ớt. Y hy vọng kế này vẫn còn kịp. Chế độ mẫu quyền chậm tiến Âu Lạc không thể ngày một ngày hai chuyển đổi lập tức dưới tiếng trống đồng Trưng Trắc. Sức ỳ và tâm lý bảo thủ là rất hiển nhiên, Tô Định sẽ khoét sâu thêm thói ích kỷ và tư lợi cố hữu của một bộ phận quí tộc Âu Lạc. Cận công viễn giao là con bài tẩy Tô Định bắt đầu sử dụng. Với những vùng đất xung quanh Long Uyên, y hành quân, càn quét, cướp phá, giết chóc liên tục. Thậm chí có làng, Hán quân hầu như diệt chủng tất cả trẻ em, ông già bà cả, phụ nữ đã có chồng con, chỉ chừa đàn ông trung niên, nam thanh nữ tú vừa chớm trưởng thành. Bằng cách vạch ra những tử huyệt trong chế độ mẫu quyền, Tô Định không ngừng tuyên truyền, lôi kéo người Âu Lạc đến với văn minh phụ hệ Hán tộc. Chẳng hạn cha con người Âu Lạc không có tình thân vì từ bé đứa con không được cha nuôi nấng dạy dỗ, nó chỉ thuộc về họ ngoại. Lớn lên, đứa bé nhiều khi rất vô tư thuê chính cha mình làm kẻ hầu hạ, nếu chẳng may người ấy nghèo khổ, không chốn nương thân. Không ít đàn ông Âu Lạc thật thà, cứ tưởng Tô Định hết lòng bênh vực, đứng về tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội. Họ rủ nhau đầu quân cho Tô Định ngày càng nhiều. Với những vùng xa xôi hẻo lánh, chưa nghe tiếng ác của Tô Định, y dùng chiến lợi phẩm mua chuộc, kết giao và hứa hẹn quyền lợi kinh tế và thương mại. Y đề cao văn hóa bản địa, những ưu việt của chế độ mẫu quyền, nhằm khai thác mâu thuẫn giữa Trưng Trắc mang tinh thần cách mạng, đổi mới, và những người bị trói buộc, giam cầm trong luật tục xưa cũ của Âu Lạc. Bất kể gần xa, Tô Định vỗ về yêu quí những Lạc tướng, quan Lang tham lam, thích ăn chơi sa đọa và đối xử với người dân khắc nghiệt. Y chuốc bọn ấy rượu mạnh của người Hán, lụa trơn từ Giang nam, ngọc quí Hợp Phố, sơn hào hải vị Nam Hải. Đặc biệt Tô Định sẽ trang bị vũ khí sắc bén bằng sắt thép, trui rèn tận phương bắc cho bất cứ quí tộc Âu Lạc nào xem nhân dân là kẻ thù của họ. Chế độ mẫu quyền đã bị Tô Định điên cuồng tiêu diệt như thế. Thôn tính đất đai và con người chưa đủ, có một cuộc cưỡng chiếm khó nhận ra tức khắc và hình dung được tác hại to lớn của nó, trong bất cứ chiến dịch thực dân nào, đó là xâm lăng văn hóa. Sử học ghi nhận rằng, chỉ sau vài thế hệ sống dưới ách nô lệ người Hán, nhân dân Âu Lạc nói chung đã không còn biết Đoan Ngọ là sinh nhật mẹ tổ của họ, là ngày cực dương, nực nội nhất trong năm. Các lễ hội đua thuyền vẫn diễn ra, sông nước vẫn là nơi người ta tụ họp để mong nóng bức dịu đi phần nào. Các loại bánh nếp nguội buộc chỉ ngũ sắc vẫn được gói, dâng lên bàn thờ hoặc làm quà cho nhau; mô hình Giao long thuyền vẫn được chế tác, đem cung nghinh thần thánh và linh hồn tiên tổ, hoa trái vẫn được đặt lên bè lá và thả xuống sông, hồ, để cầu an, khấn nguyện. Nhưng… một chữ nhưng rất lớn, đầy ẩn nghĩa. Nhưng nguồn gốc Đoan Ngọ đã bị khoác lên những cái tên xa lạ với xứ sở này. Nào là viếng Khuất Nguyên nước Sở trầm mình ở Mịch La, ghi nhận Ngũ Tử Tư chết thảm tại Ngô, hay tưởng nhớ Câu Tiễn luyện binh… Nền văn hóa Hoa Hạ đã thống trị văn hóa các nước giáp biên Trung Hoa tinh vi như vậy, nó làm cho cơ hội độc lập thực sự của họ rất mong manh. Mùa hạ sau tiết Đoan Ngọ năm 40, trời đất có lẽ cũng nổi giận với Tô Định tham tàn. Âu Lạc hạn hán nặng. Ruộng đồng khô cằn. Mặt đất nứt ra từng mảng. Dịch bệnh tràn lan. Nước biển đông xâm nhập đến tận hạ lưu biển hồ Lãng Bạc, tôm cá chết trương nổi lềnh bềnh quanh Long Uyên. Phải chăng lòng người oán thán vì Âu Lạc chưa có ai nổi dậy đuổi giặc, quét sạch bất công? Phải chăng chí liệt nữ đã bị lung lạc? Sự thật là Trưng Trắc ốm nặng. Lao tâm, lao lực suốt tháng ngày, Trưng Trắc đổ bệnh trong khi mọi người đang chờ bà phát lệnh cho ba quân thẳng tiến đến Long Uyên. A Thi thay vợ gánh vác rất nhiều việc, nhưng lòng người Âu Lạc không thông. Có Lạc tướng còn khẳng định chỉ hội quân khi Trưng Trắc dẫn đầu. Cuối cùng Trưng Trắc cũng phải gượng dậy, cùng Trưng Nhị tuyên cáo sẽ lập đàn cầu mưa, hỏi mẹ trời căn cớ. Bà ước sẵn, bất kể mưa hay không, đại quân của bà cũng tiến về Long Uyên hỏi tội Tô Định. Bà cần lý do tập hợp binh lực khắp nơi, mà không gây kinh động, làm giật mình con cọp dữ Tô Định đang nghiến ngấu xé xác người Âu Lạc làm gỏi. Đàn cầu mưa cao chín trượng, dựng ở cù lao nhìn ra cửa Hát. Bốn đội trai tân, mỗi đội mười tám người thay nhau khấu đầu quì lạy liên tục mỗi ngày. Ba mươi sáu ngọn đuốc cắm trên đàn, cháy suốt nhờ mỡ rái cá. Bảy mươi hai con thuyền Giao long của các dũng binh nối đuôi nhau kết thành một vòng tròn giữa sông. Mỗi canh giờ, sau điểm khắc của trống đồng, lính tráng bịt miệng, giả làm tiếng cóc kêu chín mươi chín tiếng. Bình minh và hoàng hôn hằng ngày, Trưng Trắc bước tám mươi mốt bậc thang lên đàn, hướng mắt về mặt trời van nài: “Mẹ tổ ơi, chúng con cần mưa!”. Chỉ đến ngày thứ ba, xế chiều, gió đông mát rượi thổi tới. Cóc trong mọi hóc ngách, bờ bụi Âu Lạc bắt đầu nghiến răng kèn kẹt. Tối muộn, mây đen ùn ùn kéo về. Sấm nổ liên hồi. Chớp giật nhoáng nhoàng, sét đánh vỡ và cháy bùng một chiếc Lâu thuyền tại bến Long Uyên. Đang hò hét quân lính dập lửa, Tô Định bỗng nghe lồng lộng trong gió, trong mưa, tiếng trống mẹ Âu Lạc gấp ruổi, dồn dập phát lệnh xung trận. Cuối trời tây, ánh đuốc đỏ thẫm một vùng. Tô Định chợt hiểu sự nghiệp của y đã tiêu vong, chỉ còn mỗi mạng sống để níu giữ. Y líu ríu khép đùi giấu vết nước đang loang ướt đáy quần, rồi sai tên lính hầu ném lọng che mưa đi. Tô Định mong càng ít quan binh nhìn thấy cảnh tượng hèn mạt ấy càng tốt. Tô Định quẫn cuống, không thể kêu gào lính tráng lên thuyền bỏ chạy, nhưng không ai bảo ai, Hán quân hiểu chúng phải làm gì. Chạy, chạy thục mạng, chéo lái, chéo sóng, chéo buồm để Lâu thuyền đi xiên gió. Ba, bốn, năm… càng nhiều người càng tốt vận một tay chèo, cật lực đua ra biển. Khi đại quân của Trưng Trắc đến Long Uyên thì lửa đã trùm kín doanh trại Tô Định. Dân thường Âu Lạc xung quanh Long Uyên đã nổi dậy, tràn vào bắt ngụy quân và châm lửa thiêu cháy tất cả. Nghe tiếng trống mẹ bên tai, người người chạy đến bến nước hô vang “Lạc vương vạn tuế. Trưng Trắc vạn tuế”. Không dừng lại, Trưng Trắc chỉ hướng cho đoàn Giao long thuyền tiếp tục đuổi theo quân Hán. Mưa ngày càng nặng hạt. Sấm một lúc một to. Các thủy binh vẫn không ngừng tay trống. Thuyền của họ nhỏ, tốc độ không cao bằng Lâu Thuyền nhưng âm thanh có đường đi rất ngắn. Cuối cùng Tô Định cũng chạy thoát, nhưng tiếng trống đồng Âu Lạc đã làm y mất ngủ cả đời, bạc hết râu tóc trong chốc lát. Hán quân về đến Hợp Phố, điểm danh thì thấy một phần ba đã chết vì vỡ mật.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang