[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912)

Chương 1 : Tráo con những tưởng con hưởng phước, Đổi trẻ nào hay trẻ bất lương

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 11:02 23-09-2018

.
Gần chợ Mỹ Lồng, thuộc tổng Bảo Thành, tỉnh Bến Tre, có tên Quế họ Trần, vẫn là tay xuất ư hàn vi, song bổn tánh chơn chất, cần kiệm vô cùng, nhân bởi lúc nghèo khó cầm tiền cho đậu. Chừng có đôi bạn, lại càng nghèo hơn nữa, nghèo cho đến nỗi cơm không đủ bữa, sớm cháo rau tối cũng cháo rau, quần áo chẳng lành, trưa chài lưới, chiều cũng mang chài lưới. Tuy vậy mà bởi cả hai đều là người biết mạng, nên tâm chẳng động chí chẳng nao, cứ củi lục làm ăn, noi đức ông bà cần kiệm. Tới năm 1870 trong nhà đã khá, dư để dư ăn, sắm ruộng mua trâu, cho vay đặt nợ; trong có đầy có tớ, ngoài sẵn mọi sẵn tôi, cuộc đời khi giàu chật khách tới lui, lúc khó không người thăm viếng. Thế thường hay nói: Nghèo thì tự tiện, hễ có tiền rồi thì sanh tánh tự kiêu, như ai kia, chớ như vợ chồng Trần Quế khác, bởi vậy trong làng nhiều kẻ mến yêu, ngoài xóm hi61m người tôn kính. Trong một năm ấy vợ Trần Quế thọ thai, tính lại cũng cận ngày nở nhụy. Gần bên vách lại có vợ tên Thân là Thị Liến, con của bà mụ Lưu, cũng có thai, tháng ngày cũng đồng như một. Tới tuần tháng năm Annam, nhằm mùa cày; Thân mắc chưn ở mướn, còn một mình mụ Lưu ở nhà với Thị Liến, ngày mồng hai bước đầu giờ thìn Thị Liến chuyển bụng sanh đặng một gái. Dịp đâu, qua tới đầu giờ ngọ vợ Trần Quế cũng chuyển bụng, mụ Lưu lật đật chạy qua, chập lâu cũng sanh ra một gái. Lúc ấy vợ Trần Quế ở nhà với con đầy tớ, còn bao nhiêu cũng đều ra ruộng thả cày, vì vậy nên khi vợ Trần Quế chuyển bụng, con đầy tớ chạy ra ruộng kêu Trần Quế về. Trần Quế về chưa tới nhà, vợ đã khai hoa nở nhụy. Thấy nhà không ai, mụ Lưu liền ngụ ý, bèn ẵm con của Trần Quế ra làm bộ chùi lau, bước trái về nhà đổi con cho Thị Liến. Đổi rồi trở qua, lo vầy lửa như thường, vợ Trần Quế không hay chi cả. Chừng Trần Quế về tới nhà, thấy con mừng lòng, lật đật lấy tiền ra tạ ơn bà mụ. Còn tên Thân khi nghe tin vợ lâm bồn, cũng bỏ cày về thăm, thấy vợ bình yên mười phần cả đẹp. Thoãn mãn, ngày tháng như thoi đưa, bỗng tới năm 1888, hai gái đều đặng mười tám tuổi. Con Trần Quế đặt tên là Hà Hương, nhan sắc đẹp đẽ, đáng cho nguyệt thẹn hoa nhường, da đâu kém tuyết Lam Kiền, tóc chẳng nhường mây Vị Thủy; thiên kiều bá mị, vạn chưởng phong lưu, vợ chồng Trần Quế tưng tiêu, dường như vàng cao ngọc tốt. Bởi vậy Hà Hương thấy cha mẹ thương mới được nước, nghinh ngang quen tánh hỗn hào, nữ hạnh thưa như hàng rào, nữ công đà bạch tuột. Việc thêu tiểu vá may không thuộc, bếp nồi bánh trái chẳng xong, được có một điều đánh phấn soi gương, nhõng nhảnh vàng vòng kiềng chuỗi. Sáng lo đánh áo quần dạo xóm, tối thì hát lý đờn ca, chẳng thèm xem sóc việc nhà, còn cũng mặc hết âu cũng mặc. Còn con của tên Thân là Nguyệt Ba, nghĩ cũng lạ quá đa, con khác cha mà giống hịch. Nó giống con Hà Hương cho tới tướng đi tướng đứng, giống cho tới giọng nói giọng cười, nhan sắc cũng bằng nhau, song khác tánh ăn nết ở. Nguyệt ba con nhà nghèo, làm lụ quần bò áo vải, mà không hay đôi mách ngồi lê, nữ công nữ hạnh vẹn bề, trong chốn thông quê có một. Thuở nên chín mười tuổi, Hà Hương và Nguyệt Ba học một trường, bởi vậy Hà Hương thương Nguyệt ba như ruột rà, lớn lên thường bữa lại qua chuyện vãn. Trong làng có nhà họ Đậu tên là Nghĩa Sơn, giàu có lớn, trai nhà tên là Nghĩa Hữu, tuổi đà mười chín, mà chưa có chốn vầy duyên, tánh không ưa học hành, bao dựa vách lầu xanh trướng súy. Ngày kia có bác của Nghĩa Hữu là Đậu Kiến Đước tới viếng, thấy vắng mặt Nghĩa Hữu hỏi thăm, Đậu Nghĩa Sơn nghe liền than, hỏi làm gì thứ con oan đàng chi địa. Kiến Đước hỏi: “Sao không coi nơi nào cho nó, để nó thả luống tối ngày, chú nó dốt gì mà chẳng rõ câu; Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương, lỗi ở nơi mình trở trách con ngỗ nghịch. Nghĩa Sơn nói: ” Tôi cũng đã chọn lựa, mà chưa gặp chỗ hiền, chẳng luận nơi nhiều bạc nhiều tiền, miễn gái cho tuyền đức hạnh. Kiến Đước liền đáp rằng: “Sao lại không có; vậy chớ chú nó không biết con Hà Hương là con gái Trần Quế hay sao? Năm nay nó cũng chừng mười bảy mười tám lối đó; nhà Trần Quế cũng là xứng đáng, lại thêm hai vợ chồng tánh ý hiền lương, nhỏ lớn đều thương mến; như chỗ đó vậy cũng là xứng đôi vừa lứa rồi, còn kén chọn nơi nào nữa.” Nghĩa Sơn nghe nói mừng lòng, cậy anh đi với mình qua đó. Tới nhà, Trần Quế chào mừng tiếp rước, phân ngôi chủ khách khuyên mời, Kiến Đước mới bày chuyện lứa đôi cho hai đàng kết cấu. Chữ thiên thành giai ngẫu, khiến nên nguyệt lão xe săng, hai đàng thoạt nói thoạt ừ, giàu với giàu làm sui dễ quá. Trần Quế chịu gả Hà Hương cho Đậu Nghĩa Hữu là con Đậu Nghĩa Sơn, liền cho hẹn ngày dưng lễ hỏi, rồi cho đi lễ cưới, chẳng cầm cọng lâu ngày. Bên trai bên gái đều giàu, đám cưới phải lớn, chẳng cần thuật lại. Hà Hương về nhà chồng, chẳng những làm dâu thua thớt, lại quen bổn tánh hỗn ẩu với chồng; đặng đôi ba tháng rồi lại càng hỗn hơn nữa. Chẳng kể bề trên kẻ dưới, không chừa thân thích bên chồng, vợ chồng họ Đậu mỏi lòng, muốn tính phức cho xong mà ngặt chút con mình đắm sắc. Vợ chồng họ Đậu mới mua một cái nhà nhỏ nhỏ, cho Nghĩa Hữu ra riêng, lớp thì cho bạc cho tiền, lớp sắm đồ sắm đạc. Ra riêng rồi, Hà Hương trống chưn trống cẳng, dầu dọc ngang, ngang dọc một mình, tiếng 9o72i ví: chồng là chúa vợ là tôi, như ai kìa, chớ như Hà Hương thị chồng như thảo giái. lại sanh tâm đổ bác, chưa bao lâu thua hết bạc tiền, bây giờ mới tới phiên, cầm vàng bán giấy. Thiếu tiền góp chúng nó kêu ó dậy, Nghĩa Hữu mê mà thấy vậy cũng rả mê, Hữu mới trở lộn về, to nhỏ cùng cha với mẹ. Vợ chồng Đậu Nghĩa Sơn nghe nói tức mình ấm ách, ví tợ té cây, bây giờ đây biết tính sao đây, gỡ cho đặng mối dây oan nghiệt. Vợ chồng Nghĩa Sơn mới nói: “Thôi! Con về bên nhà với nó, lúc đêm hôm to nhỏ cùng nhau, như mà nó chịu thôi, con kiếm vợ nó kiếm chồng, mẹ cho nó hai ngàn đồng bạc hiện. Hữu nghe lời về nói chuyện, Hà Hương thấm ý chịu liền: “Lúc nầy mình thiệt túng tiền, thây, ráng chịu đỡ rồi ngày sau sẽ tính.” Sáng ngày, Hữu lật đật về thưa lại cùng cha mẹ rằng: Hà Hương chịu như lời. Vợ chồng họ Đậu mở tủ lấy hai ngàn (1600 bạc giấy, 500 bạc đồng) dặn Hữu dẫn Hà Hương tới làng, chồng hiện ra cho nó. Hữu thật không đành bỏ vợ, tưởng trăm năm nào ngờ rã hai phang, sắp lưng đi mà lụy nhỏ đôi hàng, tâm như đao cắt, thở than đà không xiết. Hà Hương thật lòng nàng chí quyết, mãn ham hai ngàn nào biết nghĩ chút tình sâu, lãnh bạc rồi nàng mới mau mau, trở lộn lại nhà cha với mẹ. Nói về vợ chồng Đậu Nghĩa Sơn, bỏ được con dâu rồi thì mừng, mới tính kiếm nơi khác mà cưới cho con là Nghĩa Hữu. Vợ mới nói: “Xưa kia, mình tưởng vợ chồng Trần Quế hiền lành, sanh con tử tế, ai dè đâu cây ngọt mà trái lại chua le, mình làm sui chỗ nhà giàu mà chẳng ra gì, chuyến nầy ba nó để cho tôi kiếm dâu coi thử. Chẳng nệ nhà nghèo khổ, miễn là gái lành nghề thêu tiểu vá may, công hạnh dung ngôn cho có mới hay, chớ như ba nó vậy, mãn có già lửa má mác. Để tôi làm cho bỉ mặt, mới nghe con Nguyệt Ba là con của thị Liên thiệt nên, trong xóm làng thảy thảy đều khen; Cha mẹ dữ mà sanh gái biền mới quí cho chớ. Đậu Nghĩa Sơn chịu cho vợ định hôn, rạng ngày vợ họ Đậu qua nhà mụ Lưu trần nước xong xuôi, mới gạy chuyện Nguyệt Ba ra hỏi. Đàm đạo đôi hồi, rồi lại đòi làm sui với bà mụ. Mụ Lưu nói: “Tuy tôi là bà nó mặc dầu, song hãy còn có cha nó, tôi đâu dám tự chuyên, nói vậy hay vậy để cha nó về đây, tôi hỏi qua rồi sẽ nhắn tin cho mợ biết.” Một chập, vợ họ Đậu từ giã ra về, mụ Lưu theo đưa khỏi cửa, rồi trở vào kêu con là thị Liến mà nói rằng: “Con vẫn biết con Hà Hương là ruột của con, còn con Nguyệt Ba là con nuôi; nay vợ chồng Hà Hương xa nhau cón trông có ngày trở lại, vì Nghĩa Hữu còn thương nó lắm. Nếu đem Nguyệt Ba mà gả cho Nghĩa Hữu chẳng là dứt đàng ân ái của Hà Hương, đã biết lời tục ví; sanh dưỡng ấy đạo đồng, chớ mẹ xét kỹ lại chữ sanh nặng hơn chữ dưỡng, xưa kia mạ lập tâm đổi tráo như vậy là có ý sau cho cháu nó hưởng lấy gia tài, cùng là đẹp mắt nở mày vui câu xuất giá, có dè đâu lệ tình cha chả, làm cho rời rã gối chăn, vậy chừng cha nó có về con ráng mà đón ngăn, đừng để nó làm nhăng chịu gả, đa nhé.” Sắp đặt vừa yên. Thân quảy giỏ cá bước vào. Thị Liến lo cơm nước dọn lên, rồi ngồi xề lại một bên thuật chuyện. Lại rằng: “Vợ chồng họ Đậu tuy giàu mà độc hiểm, nếu gả Nguyệt Ba vào đó, chẳng khác nào đem con tới cửa thứ mười.” Thân nghe nói vùng cười, ta biết rõ họ Đậu là người chơn chất, tại con Hà Hương nó rậm rật, dầu cho tánh Phật cũng la; nay họ Đậu dầu muốn kết sui gia, cũng nên chịu cho con ta no ấm. – Nguyệt ba, cha hỏi, lời ngay cón khá bẩm, đừng nói dấu chẳng xong, vậy chớ con đành Nghĩa Hữu hay không, nói thiệt đừng mong xảo trá, như ưng thì cha gả, con không đành dạ thì thôi, đừng để cha ừ lỡ ra rồi, làm chuyện lôi thôi không đặng? Mụ Lưu và Thị Liến ngó Nguyệt Ba nháy mắt lắc đầu, ra dấu biểu Nguyệt Ba đừng chịu, song Nguyệt Ba vô ý không thấy, nên trả lời rằng: “Thưa cha phận gái mưới hai, nên cùng chăng tại lòng cha sở định. Vẫn biết lời tục ví: ép dầu ép mỡ, không ai nỡ ép duyên con mặc lòng, chớ xét kỹ lại đạo làm con, áo bận khỏi đầu ít có.” Thân nghe con nói như vậy, khoái ý cười rè; cơm nước xong xuôi, lo vác cày ra ruộng; may đâu lại gặp Đậu Nghĩa Sơn, hai đàng giao ước. Thân nói: “Tôi chẳng phải như người ta đòi năm lễ bảy lễ, tôi cầu cho đôi lứa thành gia, tự ý anh tính cho tiện việc nhà, ba xôi nhồi một chỗ cũng đặng mà.” Còn Mụ L7u với Thị Liến thấy việc không xong, mới tính qua nhà Hà Hương, mách thót. Nói về Hà Hương, ngày lãnh bạc ra đi, trở lộn về nhà cha mẹ. Vợ chồng Trần Quế giận lẫy không thèm chứa, Hà Hương qua nhà Mụ Lưu xin tá túc. Mụ Lưu nhắm thế không kham, bèn xúi Hà Hương ra Chợ Giữa mua nhà mà ở. Hà Hương nghe lời, ra mua một vuông nhà lá ở đó; lạ chi, hễ hoa xuân thắm mọc càn giữa chợ, biết mấy ngàn ong bướm lại qua, thầy Cai thầy Phó lân la, Chệc khách Chà Và lui tới; nhà rần rần như hội, Hà Hương nhõng nhảnh vòng vàng, lại có tụ tập quân oan, để làm tay sai khiến. Bữa nọ Hà Hương đang ngồi, trẻ vào thông tin rằng có bà Mụ Lưu tới, Hà Hương lật đật ra rước vào trò chuyện. Khi trà nước đãi đằng rồi. Mụ Lưu mới tỏ bày sự tích tráo con đổi trẻ; lại rằng: “Từ ấy nhẫn nay, bà bưng kín miệng bình, không dám hở môi cho ai biết, nay mà bà tỏ thiệt, cháu khá lo phòng ý như thành, nếu lậu ra sanh việc chẳng lành, e không khỏi lụy mình mà chớ. Buổi trước bà làm như vậy đó, vì bà vị tử tôn tác phú quí, kế gian, dè đâu nay rời rã keo san, đến nỗi phụng loan rẽ cánh. Phải hay trước gia môn bất hạnh, cùng là mạng cháu hạp khiết thô phận như vầy, bà chẳng thèm nhọc sức ra tay, bà cũng chẳng tư trùng la miến. Tuy vậy mà cũng còn may một chuyện, may là may Nghĩa Hữu còn quyến luyến tình xưa, rủi thay, cha của cháu là thằng Thân nó bất tri cơ, nó ngỡ con Nguyệt ba là con ruột của nó, nên nó chịu gả cho nhà họ Đậu rồi. bà cũng xét hết; ruột bỏ ra da bỏ vào thậm lỗi, nên bà kiếm lời hay sớm tối đón ngăn, bởi cha cháu nó bất tuân, nên bà đã vô phang định liệu.” Nghe phân cạn Hà Hương mới hiểu, mồ hôi tuôn đượm giọt ướt mình: “Bà ôi! Nếu vậy thì chuyện nầy khó nỗi làm thinh, chữ hiếu trọng chữ tình cũng hậu. Như Nguyệt Ba với cháu là kết chị em từ ấu, nay có lý đâu nó lại làm như sâu giành mồi, vậy thì để cháu theo bà về hỏi thử coi, hơn thiệt dường bao cho biết.” Nói rồi, bà cháu ra đi riết, mãn chuyện trò phút đã tới nhà, Nguyệt Ba trong cửa bước ra, chào bạn đàng xa mới tới. Hà Hương rằng: “Mới nghe bà nói lợi, rằng con Hai nó vui chữ vu qui, tôi mừng lòng lật đật ra đi, qua thăm hỏi chỗ nào cho biết.” Nguyệt Ba mới tỏ bày sự thiệt: “Vốn gần đây chớ lạ xứ nào đâu, bởi đôi bên ý hiệp tâm đầu, nên cha tôi gả về làm dâu họ Đậu. – Ủa! Nói vậy Nghĩa Hữu là chồng bậu, (Hà Hương và nói và cười) nầy Hai nó ôi! Nghe tôi phân cho thấu ngọn ngành, như tôi với Nghĩa hữu, Hai nó cũng biết, dầu cho vô oan trái bất thành, Hai nó lại nỡ đành làm vậy. Lẽ nào chịu chồng em chị lấy, lý nào đem duyên chị thế em, làm sao cho miệng thế khỏi dèm, tính sao vẹn tình em nghĩa chị, mới phải cho chớ. Hay là con hai nó nghe lời vỗ mà không kịp nghĩ, chớ như việc vợ chồng tôi, cách sơn cách thủy dễ cách lòng, nay tuy xa có thuở cũng tương phùng, vậy thì con Hai nó khá nghĩ việc thỉ chung mà sửa lại, Thiếp dầu có lỡ duyên kim cải, như Kiều bán mình từ ngãi Kim Lang, Hai nó cũng chẳng nên học làm chi cái thói Túy Vân, ngừa lúc biến ẵm chàng Kim Trượng.” Nguyệt Ba rằng: ” Niềm bậu bạn tôi đâu chẳng tưởng, nhưng mà, xin cô xét giùm cho tôi là gái có cha, phận làm con đâu dám cãi qua, áo mặc khỏi đầu đà chẳng được. Cô hai cũng rõ, giai ngẫu tự thiên thành định trước, cuộc trái oan mơ ước đặng đâu, phải chi mà cột nọ tìm trâu, cô Hai trách tôi ham của tới vườn dâu cho đáng. Xét kỹ lại mà coi, tôi thiệt chẳng ôm hoa rao bán, cũng không lòng tham ván bán thuyền. Cô những dầu lỗi hẹn lỡ duyên, cũng tại bởi bất nghiêm nhi thất vị. Phải mà họ Đậu lòng còn đoái nghĩ, xin cô miễn chấp, lẽ nào đi gieo lý thả đào, bởi duyên kia sao nợ ấy sao, họ Đậu mới cưới tôi vào sửa tráp. Cô Hai mựa đem lòng nê chấp, duyên nợ trời xuôi gặp há vong, giai ngẫu nầy dầu có chẳng xong, trên sở định tại lòng nào biết.” – Nói vậy Nguyệt ba mi chí quyết, cướp chồng minh chính thiệt to gan, tưởng chị em phân cạn lời vàng, chớ nói gì muốn ngang dọc, ta dọc ngang cũng đặng mà. Dứt tiếng, Hà Hương đứng dậy ra đi; về tới nhà ăn không ngon nằm không ngủ, năm canh thức đủ, nhan sắc kém phai, trâm nọ biếng cài, tóc kia biến gỡ. Đêm ngày lo sợ, lầm lỡ tơ duyên, bởi vậy ngồi không vững đứng không yên, đeo dạ ưu phiền, sầu riêng tình cựu. Xuống bút đề cho Nghĩa hữu, sai tớ nhà Ba Trạnh đem thơ: “Phùng xuân ôi! Mi chớ dật dờ, ráng tận tâm trung chánh, bộ mầy coi bản lãnh, nói làm sao cho ảnh qua đây, phải cho trọn đạo tớ thầy, đừng bán đồ nhi phế, nhé.”
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang