[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912)
Chương 4 : Tham của sẵn Hà Hương lén bước, Nơi tửu lầu Ba Hạnh định mưu
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 22:23 20-12-2018
.
Ba Hạnh nói dứt lời, Ái Nghĩa liền từ giã ra về, Ba Hạnh theo đưa khỏi cửa. Ái Nghĩa đi rồi, sáng ngày Ba Hạnh kêu trẻ ở, sai tuốt qua kêu Hà Hương. Hà Hương tới, vào cửa thấy Ba Hạnh, liền chúm chím cười, Ba Hạnh mừng vui cũng cười sơ, rồi đàm đạo.
Ba Hạnh hỏi: “Vậy chớ Ái Nghĩa đưa cho cháu bao nhiêu?”
Hà Hương đáp rằng: “Cậu tư cho tôi năm chục.”
“Thiệt hay chơi, bộ cháu nói giả ngộ sao chớ?”
“Thiệt vậy chớ, cho bao nhiêu tôi nói bao nhiêu, dì truất bẻ gì mà tôi phải nói giấu.”
Ba Hạnh nổi giận nói: “Thôi mi đi, mi đừng toan ở xấu, mà nói xảo cùng ta, cháu cũng nghe chớ lẽ nào không, dì đây làm đĩ tới giàn, há chẳng biết lột da Bạch tỉ. Hễ đạo làm trùm đĩ, nhớ đồng tiền chỉ tiền kim, không vậy thì khốn chi phải đi tìm, không ai chuốt rá. Nay cháu đã đặng cá, ý đã giả quên nôm, lửa kia đặng gần rơm, chẳng nghĩ đến công ơn cực khổ.
Dì lóng nghe tỏ rõ, mới hỏi dọ thử coi, móc giấy săng (Cent) đưa cho cháu hẳn hòi, sao cháu lại trổ mòi gian giấu. Cháu chưa biết, chớ hễ cái nghề đĩ lậu, chẳng nên ở xấu với Tào kê, đặng bao nhiêu cũng phải đem về, nhiều ít phân chia bằng thật. Một đồng ăn bốn cắc, theo lệ thường ai chặt lột ai, có chỗ phải chia hai, một phần gái, một phần mai chẳng thiếu.
Cháu mau định liệu, người biết điệu phải không, cháu ăn sáu chục đồng, còn bốn chục mai dong dì lấy. Để mặt dì đưa đẩy, lo chi chẳng thấy vàng cân, cháu mà đặng ấm thân, dì cũng gần no đủ; Xế dì qua mà rủ, đi vô sở thú xem chơi, ra khỏi rồi nhảy phóc xe hơi, vô Chợ Lớn cho người gặp mặt. Dì sẽ biểu làm cho cháu hai giây neo đặt, cùng vàng vòng đeo chật cánh tay, cháu nghĩ mà coi, từ xưa chí những nay, thấy sắc đắm thì mắc!”
Hà Hương bị Ba Hạnh chận đầu, lại thêm nghe nói thâm trầm, bèn móc túi đưa ra cho Ba Hạnh bốn chục, rồi kiếu trở về, kẻo chồng trông đợi. Về tới nhà, bước vào phòng, thấy Nghĩa Hữu đang nằm, Hà Hương vội vã nằm kề, làm bộ tỏ tình quyến luyến.
Tình thương như biển, Hà Hương mà làm như vầy, khác nào sóng ba đào xao xuyến thuyền cây, mấy năm dư cứ tật cũ nầy, trăng gió, gió trăng vầy một túi!
Nói về Ba Hạnh, khi Hà Hương kiếu ra về, bèn kêu trẻ ở, đưa tiền bảo ra xe lửa đi CHợ Lớn, tầm cho đặng Ái Nghĩa mà nói cùng người rằng: “Chiều nầy gặp nhau tại Đào Viên, đặng cùng chăng, người phải trả lời cho biết.”
Trẻ vâng dạy ra đi, Ba Hạnh ngồi nhà trông đợi. Một chặp ước chừng một giờ, trẻ trở về, thưa cùng Ba Hạnh rằng: “Cậu Tư ừ, song Cậu Tư dặn sao sao cũng phải mời cho có Cô hai đi, vào đó dùng cơm luôn thể.”
Ba Hạnh gật đầu, rồi đánh quần đánh áo, trang điểm ra đi, tuốt qua nhà Hà Hương, đàm đạo chơi tới xế. Liệu gần tới bốn giờ, Ba Hạnh giả chước là buồn, rủ Hà Hương dạo xem sở thú. Hà Hương liền tiệp theo, nói với Nghĩa Hữu xin đi; Nghĩa Hữu cho, song dặn phải về cho sớm.
Ba Hạnh tiếp nói: “E chị em tôi về trễ, vì tôi sẵn tính, coi sở thú rồi mời Cô hai đi tiên lầu dùng cơm một bữa, ắt chẳng về sớm đặng.”
Nghĩa Hữu nói: “Có trễ lắm thì chừng chín mười giờ, chẳng nên ở khuya.” Nói rồi Hà Hương vội vàng thay xiêm đổi áo, trang điểm phấn dồi, xong việc bước ra, ngó tợ Hằng Nga giáng thế, môi son má phấn, mắt phụng mày tằm, đầu bới tóc cánh tiên, tay móng dài đậm đuột. Hình dung xem tươi trắng, đi đứng rất điệu đàng, thiệt quả tay hường nhan, chơn mang giày “mình dưới”. Áo quần chải chuốt, tím tía khoe màu, dẫu cho họ Địch xem vào, cũng khó gìn lòng cho đặng. (Ái Nghĩa bỏ bán Ba khía phải lắm mà.)
Ke7u nhau ra một đỗi xa xa, vừa khuất mình. Ba Hạnh kêu xe, bước lên dông tuốt. Vô Chợ Lớn, biểu xe đem tới tiệm Đào Viên, ngựa vừa ngừng, thấy Ái Nghĩa đang đứng đợi. Mừng rỡ nhau rồi kéo lên lầu vào phòng. Ba người ngồi lại, rượu đặng vài tuần, Ái Nghĩa đà hừng mặt. Hà Hương ngồi một bên khuyên ép lại cạ vế kề vai, làm như tuồng liễu ép hoa nài, sóng tình dậy dẫu có ai nào kể. Ái Nghĩa lúc ban đầu còn hơi nể, hừng chí rồi tưởng như thế không người, ôm Hà Hương vào lòng, để ngồi trên vế, lộ nguyệt hoa Hà thị hổ ngươi.
Ba Hạnh mới nói: “Một cốt một đồng ai cười phòng ngại.”
Ba Hạnh thấy vậy mới thừa cơ bước trái, để cho hai người tỏ tình ân ái vấn vương. Ái Nghĩa say, nựng nịu cho đến sức rồi lại muốn thò tay mở túi cang thường (síc), Hà Hương nắm tay lại và nói: “Đừng, đừng làm thói bướm chán ong chường chẳng dễ.”
Dứt lời nghe gõ cửa, tửu bảo bưng đồ ăn vào, Hà Hương vội vã bước ra, mời Ba Hạnh dùng cơm rồi kẻo trễ.
Ba Hạnh vào, ba người ngồi vây lại ăn. Ba Hạnh mới nói: “Xưa tưởng là trăng gió, nay đã thiệt đá vàng, Cậu Tư, tôi có nói xin cậu chớ phiền, tiếng cậu có bạc ngàn, lẽ nào cậu lại để cho nàng nghèo khổ. Cô Hai cậy tôi nói với Cậu, mua cho một cây kiềng đeo cổ, cùng vàng neo, chuỗi hột đeo tay, cô Hai thiệt sợ cậu hết sức, cổ muốn nói với cậu hổm nay, mà mãn ngại hoài không nói. Lời tục ví: Hễ là chó đói, thì xấu mặt chủ nhà, vợ của cậu đi ra, có ai mà không biết.”
Ái Nghĩa nói: “Đồ trang vật thật tôi không trải việc, làm sao cho biết thấp cao, việc ấy chị với ở nhà tôi tính lấy, ít nhiều tiền bạc tón hao, tôi gồm bao trả hết.”
Ba Hạnh nói: “Phải, đồ trang vật đờn ông quê kệch, nếu ra mua lầm chết chẳng sai, để tôi tính cho Cậu nghe, một cây kiềng hết một lượng hai, còn đôi neo đặt đeo tay ba lượng; như Cậu rộng lòng thương tưởng sắm thêm cho ba lượng chuỗi tay, tính hết thảy có sáu trăm ngoài, đánh chắc mườ hai lượng trọn.”
Ba Hạnh nói dứt lời, Ái Nghĩa móc túi đưa cho Hà Hương một xấp giấy bạc sáu trăm, biểu Hà Hương mua sắm trang vật, rồi lại ngó Ba Hạnh mà nói rằng: “Lòng tôi quyết gầy nên cuộc vợ chồng một cửa, ước phải chi Cô Hai mà về cùng tôi, tôi sửa sang nhà cửa hôm sớm có nhau, đặng như vậy tôi mới phỉ tình hoài vọng.”
Hà Hương chụp nói rằng: ‘Mình muốn như vậy đặng lòng mình, chẳng nghĩ cuộc sầu thảm cho ai phải chịu. Vả chăng mình rõ biết tôi là gái có chồng, vợ chồng cùng nhau bấy la6i, đã từng cuộc giàu sang cộng hưởng, đã từng ngậm đắng trếu cay, nay mà tôi tư tình cùng mình đây, thế sự dầu chẳng biết, cao dày cũng xét soi, tôi muốn thật cũng đành, lẽ đâu dám phụ phàn duyên cũ.”
Ba Hạnh nói: “Cô hai nói như vậy chẳng là sái lắm, lời tục ví: Chim khôn chọn cây lành mà đỗ, gái ngoan tìm chồng phải mà thờ, như Cô Hai đáng là cho tay má phấn hường nhan, bá chẳng chuộng Cậu Tư mà phối ngẫu. Cô Hai nghĩ lại mà coi, Cô Hai về cùng Cậu Tư thì đặng ba điều lợi, thờ trọn một chồng có ba điều hại.
Ba điều lợi là: Biết tìm chỗ sáng lánh chỗ tối; nhà rân rát đáng phận làm dâu; sẵn bạc sẵn vàng, tôi tớ đầy nhà, lên xe xuống ngựa, như vậy mới khỏi hổ han má phấn, vui phận gởi mình, ở nhà kẻ yêu người vì, đi ra kẻ tôn người kính.
Còn thờ trọn một chồng có ba điều hại là: Chồng cô danh dự, Cô mà theo hoài chẳng khác nào đem vóc ngọc mà vùi bùn, ấy là điều thứ nhứt; phận má hồng như giây các dựa tùng quân, vô nhứt nghệ biết lấy chi mà chi độ. Để cho Cô yếm mang quần vận, chạy mà lo đắp đổi tháng ngày, Cô có theo già đời rồi cũng phủi tay không, dường ấy khó trông mà lập nghiệp; ấy là điều thứ nhì.
Nay Cô đã một quê hai kiển, thương nhau rồi khó mà ngăn nước dẫy tràn, ngày nay không kết nghĩa tào khan, sau có chỗ ăn năn không kịp. Cô phải nghĩa ai lấy thúng úp voi cho được, nên Cô không tính trước, đề chồng Cô hay ra, một bước khó dời, có phải là cuộc vợ chồng đã chẳng trọn đời, tình nghĩa cũng rã rời hai ngả; ấy là ba điều hại đó.
Chi bằng, để tôi nói cho Cô rõ, trai vậy gái vầy, trai gái đều có chỗ chẳng chê, trai biết cho bảy thiếp năm thê, gái há chẳng biết lựa quê lập kiển. Đừng một gái hai chồng sanh chuyện, phàm hễ đi sông đi biển phải dò, theo bên nào mà đặng ấm no, thì một dạ thờ cho trọn đạo.”
Hà Hương nghe Ba Hạnh nói một hồi, rồi ngồi làm thinh, ngẫm nghĩ, gặt đầu và hỏi rằng: “Dì nói nghe cũng phải, song biết làm sao bây giờ? Phải tính thể nào mà đi cho tiện? Tiện là khỏi mang danh bất nghĩa, khỏi mang tiếng bội phu, khỏi Nghĩa Hữu hiề thù, ở với Cậu Tư miên viễn.”
Ba Hạnh rằng: “Điều ấy chẳng khó, để đó mặc tôi, bây giờ lo vầy tiệc vui say, rồi kéo hết về nha, tôi sẽ bày mưu định kế cho.”
Ái Nghĩa nói: “Luôn dịp đây mưu kế chị định phân thể nào, xin nói ra nghe thử; chừng ăn rồi theo đưa chị tới nhà, khuya tôi sẽ trở về chẳng muộn.”
Ba Hạnh rằng: “Vả chăng Cô Hai muốn cho hai bên trọng ngãi, thì phải làm như vầy: Ngày mai Cô Hai phải chiên hết đồ đạc qua tôi, rồi cứ việc ở nhà đàm đạo cùng Nghĩa Hữu, giả hình như tình nặng nghĩa nồng, đưa cho Nghĩa Hữu một trăm đồng, dối rằng mới ăn một sòng “lúc lắc”. Tối lại, tôi kêu xe chờ sẵn, Cô Hai lén qua tôi, Cô Hai với tôi đi tuốt vô đây; phần Cậu nội ngày mai phảo lo dọn dẹp một căn phố cho tử tế đặng Cô Hai vô ở đó với Cậu.
Làm như vầy Nghĩa Hữu trong tay có sẵn đồng tiền, muốn về xứ thì về, bằng chẳng muốn ở đó, cũng có đủ tháng ngày đắp đổi. Dường ấy có phải đặng lưỡng toàn chăng>”
Hà Hương và Ái Nghĩa nghe qua liền khen hay, rồi xúm nhau ăn uống. Tiệc vừa xong, cả ba kéo xuống lầu, lên xe trở về nhà Ba Hạnh. Về tới nhà, Ba Hạnh kêu trẻ mở cửa, bước vào liền nói với Hà Hương và Ái Nghĩa rằng: “Đây vốn gần nhà Nghĩa Hữu, e trông khuya nó qua lại thăm chừng; vậy Cậu với Cô Hai vào phòng, để tôi đóng cửa lại nằm nơi ván mà ngủ, chừng Cậu về Cậu sẽ kêu tôi thức dậy.”
Ái Nghĩa với Hà Hương đem nhau vào phòng, Ba Hạnh say nằm ngay xuống ngủ.
Nói về Ái Nghĩa khi đem nhau vào phòng, sẵn có chén, xem Hà Hương nhan sắc càng xinh, Ái Nghĩa động tình, bồng ẵm tưng tiu dường như ngọc. Hà Hương cũng có hơi say, lửa lòng vội dục, mới trổ tài ghẹo chọc bướm ong, toại thay, chim đại bàng mà ngộ lam phong, mặc sức ruổi dong cao thấp.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện