[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912)

Chương 2 : Bồng con trẻ giao cho phu tướng, Đem má hồng gởi lượng sóng xao.

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:31 20-12-2018

.
Nghĩa Hữu vào tới phòng thấy Nguyệt Ba ngồi bồng con mà khóc thì năn nĩ rằng: “Xin mẹ trẻ tưởng tình đừng trách móc, cho hay ta tơ tóc lỗi lầm, bây giờ đang ruột héo gan bầm, cay đắng khổ tâm biết mấy. Dầu mẹ trẻ không thương bỏ lẫy, trăm năm e chẳng thấy mặt nhau, nghĩa vợ chồng chẳng trước thì sau, ta há phụ cháo rau ơn bạn.” Nguyệt Ba rằng: “Thiếp không phải ân tình bảng lãng, xét phận nầy chẳng đáng nưng khăn, chữ trinh kia đáng giá ngàn vàng, há chẳng thẹn với chàng cho đặng. Kể từ thuở thân nầy lâm nạn, tại Hà Hương kết oán thù thâm, mấy trăng dư xét phận phù trầm, cực khổ cũng cam tâm chịu vậy. Thiếp chẳng trách chàng sao ở quấy, phận nam nhơn thiếp bảy thê ba, oán là oán Hà Hương đem dạ tinh tà, thù là thù Hà thị ké ma chước quỉ. Thời cũng tưởng thân nầy riêng lụy, may có người dõng sĩ cứu tha, công dưỡng nuôi công tợ hải hà, ơn cứu tử ơn đà đáng mấy. Chừng nở nhụy cũng nhờ người lo chạy, cứng cát rồi đưa lại cố hương, có dè đâu mưu phản chận đường. Vì kế độc Hà Hương ám hại. Nhờ có sức ân nhơn cứu giải, giết hung đồ mắc phải tù lao, phận rủi may thiếp có kể nào, thương hại kẻ anh hào mang họa. Thiếp cũng muốn giữ tròn danh giá, cho rõ lòng người ham cá quên nôm, rủi thay, tình cờ gió bụi nổi cơn, thiếp phải đem mình thiếp đền ơn chiếu cố. Vì nhớ tích Điêu Thuyền thuở nọ chuốt môi son tá trợ Hớn trào, nay gặp cơn binh địa ba đào, cậy má phấn cứu anh hào một thuở. Bởi rứa cho nên chữ trinh tiết thiếp đà lầm lỡ, mặt nào không mắc cỡ với non sông, bấy lâu còn nương náo phòng không, vì chưa gặp mặt chồng giao trẻ. Lại thêm lúc chàng bỏ nhà vắng vẻ, thương mẹ cha quạnh quẽ không ai, thiếp náo nương hôm sớm đôi ngày đáp thúc ơn dày nghĩa trọng. Nay chàng đã khỏi nơi la võng, thiếp chẳng còn luyến vọng chỉ hồng, nầy cpn thơ chàng khá ẵm bồng, thiếp nhảy xuống giữa dòng cho rạng.” “Mẹ trẻ nói sao không rộng lượng, hễ thương con phải tưởng đến chồng, bấy lâu mà phân cách tây đông, vì nguyệt lão tơ hồng cắc cớ. Ngày nay đã duyên xưa gặp gỡ, nàng lại mong kẻ Sở người Tần, cho hay rằng trong cuộc ái ân, chữ trinh ấy là thân hiền nữ. Biến thường ấy cũng điều thế sự, kinh quyền nầy là dự hồng nhan, như nàng gìn chữ hiếu vẹn toàn, chữ trinh mất chẳng can chi đó. Khá suy nghiệm lẽ đời cho rõ, mấy ai từng giận đó bẻ đăng, làm sao đừng lỗi thửa đạo hằng, dường ấy mới là hiền đức. Kia cha mẹ mừng con chưa dứt, nàng nỡ đi tính bức cho đành, dầu cho nàng chẳng nghĩ nợ ba sanh, há quên đạo sanh thành làm trọng. Nhành dâu ấy mai chiều xế bóng, biết cậy ai tối vọng sớm thờ, con nàng đây còn hỏi bé thơ mất mẹ ắt u ơ bố cốc. Rủi kế mẫu có loàng sâu độc, mắng chửi con đứa ngốc thằng ngu, nàng dầu toan trốn nợ đặng ru oan gia ấy ngàn thu chưa mất.” “Xin chàng hãy bớt lời khuyên dứt, thêm nhiều cơn buồn bực riêng tây, thiếp thoát thân cho khỏi kiếp nầy, kiếp sau nữa hoặc may có gặp.” Nguyệt Ba đang nói tới đây, xảy nghe có tiếng mẹ chồng kêu, lật đật bồng con chạy xuống. Vợ họ Đậu biểu Nguyệt Ba để con ở nhà, đi với hai đứa đày tớ ra Chợ Giữa đòi bắp, vì mấy chủ hỏi tiền bắp đều hẹn ngày nay trả đủ, nếu không đi, e sau đòi không đặng. Nguyệt Ba vâng dạy ra đi, chẳng dè thằng con nhào lăn đòi theo với mẹ. Nguyệt Ba trở vào, bước lại bồng con hun hít một hồi rồi nói rằng: “Con ở lại nhà cùng bà nội, để cho mẹ đi …” nói tới đây nước mắt rưng rưng, song cũng gượng cười, ẵm con đưa cho mẹ. Nguey65t Ba ra đi, và đi và tính, tính hơn thua tính tới tính lui, nhứt định rồi đau dạ sụt sùi, cực chẳng bằng đã, chớ thật thương trẻ ngậm ngùi không nỡ bỏ. Khi đi tới cầu Chợ Giữa, Nguyệt Ba mới bảo hai đứa đày tớ “ Bây gánh gánh trước đi, để tao đại tiện noi theo sau cũng kịp.” Hai đứa đày tớ ngỡ thật, vưng lời, Nguyệt Ba ngừng lại giữa cầu ngồi than khóc giây lâu, rồi gieo mình xuống nước. Nói về hai đứa đày tớ, đi tới bóng mát đứng lại đợi Nguyệt Ba, dòm lại ngó chừng, xảy thấy Nguyệt Ba sa xuống. Ở xa ngó ngỡ là Nguyệt Ba trật chơn nên té, bởi vậy cả hai đua nhau chạy tới la làng, bởi làng xóm ở xa, nên la cả buổi mà chưa thấy người tiếp cứu. Nguyệt Ba thì nỏi lên hụp xuống đôi ba phen rồi mới chìm luôn, hại thay, khối tình đành trôi nổi giữa giòng, thù oán nặng hết trông trả đặng! Một chặp làng xóm chạy tới, xúm nhau lặn hụp mằn mò, còn hai đứa đày tớ cong lưng chạy riết về nhà, phi báo cho ông bà tường hãn. Vợ họ Đậu đang ngồi chơi với cháu, thấy đày tớ chạy về thở không ra hơi, thất kinh hỏi lớn rằng: “Chuyện gì, chạy đi đâu dữ vậy?” Hai đứa thưa rằng: “Không xong rồi, bà ôi, mợ hai đi với hai đứa tôi, lúc tới cầu Chợ Giữa, mợ hai biểu hai đứa tôi tới trước kia đứng đợi, xảy thấy mợ hai sa xuống nước. hai đứa tôi la làng chói lói, mà không ai tới cứu kịp giờ, mợ hai đã chết chìm, làng xóm còn đang tìm kiếm.” Vợ họ Đậu nghe nói thất thanh ngã lăn xuống đất, họ Đậu cũng đã thất kinh, Nghĩa Hữu đấm ngực dậm chưn, tức ấm ách nói không ra tiếng. Giây lâu tỉnh lại, vợ họ Đậu sai trẻ tuốt qua cho vợ chồng Trần Quế hay, rồi đề huề kéo nhau ra Chợ Giữa. Ra tới nơi làng xóm đã mò đặng thây Nguyệt Ba đem lên để nằm trên cầu, rồi tuốt ra báo quan Biện lý. Thây Nguyệt Ba tuy là hồn nương dị lộ, mà nhan sắc chẳng kém phai, hai mắt cứ mở hoài, thác mà không hay nhắm. Vợ chồng Trần Quế tới thấy thây con, ôm khóc vang trời, vợ chồng họ Đậu thương dâu, rên than động đất, Nghĩa Hữu cũng ôm vợ mà khóc kể, song Nghĩa Hữu khóc chừng nào, máu mũi Nguyệt Ba trào ra chừng nấy. Người lối xóm tựu tới thấy vậy cũng mủi lòng, nhỏ lớn điều sa nước mắt. Có kẻ nói: “Sao Nghĩa Hữu không vuốt mặt nàng cho nhắm lại?” Nghĩa Hữu liền bước lại vuốt mặt Nguyệt Ba, chẳng dè mắt không nhắm mà máu lại càng trào ra, làm cho trẻ già coi thất vía. Vợ chồng Trần Quế vuốt cũng chẳng nhắm, vợ chồng họ Đậu vuốt nhiều bận cũng không linh, có kẻ nói hay là Nguyệt Ba còn nuối con, nên chết mới không nhắm mắt. Ai nấy đều lấy làm phải, sai trẻ về bồng Thoàn ra, tới nơi thả xuống; tội nghiệp tuổi bé thơ chưa biết, kiếp chết ấy là gì. Thoàn cũng tưởng như mọi khi, tay nắm áo, miệng lại kêu: “Má, Bú!” Mắt Nguyệt Ba liền nhắm, máu mũi trào đọng vũng khá thương, Trần Quế càng như cắt cang trường, vợ chồng họ Đậu xôn xang tợ như kim châm dạ. Một chặp xảy thấy quan Biện lý ngồi xe đi với quan thầy thuốc vào khám tử thi, rồi cho vợ chồng họ Đậu lãnh thây về chôn cất. Tống chung rồi, vợ họ Đậu lo việc nuôi cháu, còn họ Đậu rầu dâu bỏ phế việc nhà, tuổi tác đã già, cơm cháo không ăn, mang bịnh chưa mấy ngày đã thác. Tống táng xong xuôi, lụi đụi ít ngày có trát đòi Nghĩa Hữu. Vợ họ Đậu lo gởi cháu, đặng mà theo cùng Nghĩa Hữu tới tòa, thảm thay, thời hư quỉ lộng phá nhà, của hết thân ra tro bụi! Tới ngày Nghĩa Hữu tựu tòa, có Trạng sư Bọt-tre ủng hộ. Khi tòa hỏi Nghĩa Hữu lại minh bạch rồi, quan Biện lý liền đứng dậy, hài tội Nghĩa Hữu ra như vầy: “Các quan ngồi thế mặt cho phép công bình, chẳng phải không thấy sự tinh tệ của Nghĩa Hữu mà minh đoán. Chắc là các quan cũng đã hiểu thấu như tôi vậy, nhưng bởi tôi á vị dân Pháp, ngồi đây mà thay mặt cho dân, chẳng lẽ chẳng phân biện rõ ràng thì làm sao rằng danh chánh. Như Nghĩa Hữu, theo lời tra vấn của quan Bồi thẩm, xét theo lời khai các khoản trong vụ Hà Hương, quả là tay đa tình hiểm độc. Trước hết cưới Hà Hương làm vợ, bởi Hà Hương làm dâu không chính thẳng, heo cờ bạc điếm đàng, Nghĩa Hữu cũng rõ vậy chớ lẽ nào không, mới kiến đến điều phân ly phu phụ. Để rồi đi cưới Nguyệt Ba – sự tráo đổi trẻ – Nghĩa Hữu nói rằng không biết – cho rằng phải đi – chớ như chuyện Hà Hương trai trên gái dưới có lẽ nào lại không hay. Đã dễ đả bỏ, đi cưới vợ khác là Nguyệt Ba, ở với nhau đà kiết tử nhâm thần, cớ sao lại bỏ mà theo Hà thị. Lấy đó mà suy thì Nghĩa Hữu là thằng gì? Khi Trạnh, Hồ và Đạo ba thằng giả làm bần nhơn đến cửa xin ăn, lãnh đi bạn chèo ghe mà hại Nguyệt Ba. Nghĩa Hữu khai rằng cơ gian không thấu; lời khai ấy là lời dối phép đó. Vả chăng trước khi ba đứa đến nhà Nghĩa Hữu, thì Nghĩa Hữu đã có vãng lai với Hà Hương rồi chẳng phải chưa, có vãng lai sao lại không biết mặt ba đứa ấy, sao lại không rõ nó là bọn tay chưn bộ hạ của Hà Hương, dầu cho chúng nó có bôi lọ ngậm than mà giả hình giả dạng đi nữa Nghĩa Hữu cũng chẳng nhầm. Mà thôi, Nghĩa Hữu nói một hai không thấu, cũng cho rằng phải đi; còn như khi chúng nó hại Nguyêt Ba rồi trở về nhà Hà Hương, Nghĩa Hữu cũng không biết nữa sao? Khi Nguyệt Ba đi bặt tích, cả nhà đều vang tiếng ruồi xanh, một mình Nghĩa Hữu là chồng mà chẳng động tình, bỏ qua bên Hà Hương ở bển. Hại rồi ba đứa trở về nhà, gặp Nghĩa Hữu ở đó, có lẽ nào Nghĩa Hữu không biết mặt chúng nó. Biết mà chẳng nói, biết mà làm thinh, tòa nghĩ coi có phải Nghĩa hữu đồng tình cùng Hà thị chăng? Còn một khoản khác nữa là khi Nguyệt Ba sai ó đem thơ vào – Nghĩa Hữu khai rằng khi ấy không có ở bên Hà Hương nên không gặp mặt Ó – lời ấy có chi làm bằng chăng? Chắc là không – chớ như tôi nói khi ấy có mặt Nghĩa Hữu ở đó, thì có lý và có cớ chắc chắn. Tòa nghĩ như khi Nguyệt Ba còn tại gia, Nghĩa Hữu còn ăn dầm nằm dề bên Hà Hương thay, huống chi Nguyệt Ba lâm hại rồi, có lý nào Nghĩa Hữu lìa Hà Hương cho đặng. Ví như Nghĩa Hữu không có ở đó, thì khi ấy ở đâu? Lời cha mẹ Nghĩa Hữu nói rằng khi Nguyệt Ba lâm hại rồi, Nghĩa Hữu ít khi về nhà cha mẹ. Lại thêm khi Hà Hương sai ba đứa di ngừa đàng mà giết Nguyệt Ba cho bặt tích theo như lời Đạo đã thú thiệt, Nghĩa hữu có tại nhà Hà Hương, sao Nghĩa Hữu lại không hay; Nghĩa Hữu nói rằng không hay, thấy vắng mặt hỏi thăm, Hà Hương nói đã đuổi hết – ấy là lời Nghĩa Hữu khi quan đó! Theo như mấy khoản tôi đã luận ra đây, thì Nghĩa hữu a ý cùng Hà Hương mà hại Nguyệt ba không còn nghi ngờ chút nào nữa, vì Nghĩa Hữu quyết chí vợ chồng cùng hà Hương mà thôi. Sự dễ Hà Hương cưới Nguyêt Ba là bất đắc dĩ, Nghĩa Hữu vâng theo ý cha mẹ, chớ kỳ trung không vui không đẹp. Lời tôi luận đây chẳng phải vô cớ – còn có chỗ xét tới nữa. Khi Hà Hương và Nguyệt Ba cả hai đều bị cầm ngục, Nghĩa Hữu còn thương tưởng Hà Hương nhiều lắm (Ấy là lời Nghĩa Hữu khai cùng quan Bồi thẩm đó) thương cho đỗi lừa lọc kiếm thế đi thăm Hà Hương cho thấy mặt, nói một việc đi thăm Hà Hương mà thôi chớ không nghe nói đi thăm Nguyệt thị. Lấy đó mà suy thì Nghĩa Hữu coi bên nào trọng bên nào khinh thì tòa biết, cho hay rằng Nghĩa Hữu ở với Nguyệt Ba đã có con. Nghĩa hữu nói rằng không có dẫn Hà Hương đi trốn – nếu không phải Nghĩa Hữu thì ai – còn ai thương Hà Hương hơn Nghĩa Hữu nữa mà làm ra sự ấy? Tòa phải nhớ rằng buổi Hà Hương trốn có Nghĩa Hữu theo vô tới tòa – khi mất Hà Hương thì mất Nghĩa Hữu, vậy thì hai đứa đi đâu? Việc nầy sáng rỡ như ban ngày, tối tăm gì mà phải cậy đuốt soi hang tối? Nghĩa Hữu từ chối, không chịu chỉ Hà Hương bây giờ ở đâu, không chỉ cũng chẳng cần, xin tòa chiếu theo luật, lấy án Hà Hương mà nghiêm răn Nghĩa Hữu. Dường ấy mới nhằm phép công bình, dường ấy mới an lòng Nguyệt Ba nơi chín suối.” Vừa dứt lời, quan Trạng sư Bọt-tre bước ra bào chữa cho Nghĩa Hữu rằng: “ Tôi là Trạng sư vưng lãnh bào chữa cho bị cáo. Trước khi phân giải mấy lời cáo của quan Chưởng lý, tôi xin nhắc lại cho tòa nhớ rằng Nghĩa Hữu là gì. Tòa coi lấy đó nỡ thật là một thằng con nít dại đặt chưa nếm biết mùi đời chút nào cả. Đã hay rằng Nghĩa Hữu là con nhà giàu, song nó là con cưng, sanh trưởng nơi rẫy bái, thiếu sự ăn học, lớn mà thiếu học còn chưa đủ điều thay huống lựa nó là một thằng con nít. Đã dốt nát thì chớ lại thêm mới mười chín hai mươi cha mẹ đà lo cưới vợ. Cưới vợ về ăn hay ăn, ngủ hay ngủ, sẵn tiền đắp đầu gối thì xài, biết gì, bởi vậy Hà Hương mới buông lung thả theo điếm đàng cờ bạc. Nếu như nó khôn, Hà Hương buông lung sao đặng. Đã đến đỗi ấy mà cũng còn thương yêu Hà Hương, bỏ hết mọi điều quấy, đến chừng cha mẹ biểu để cũng nghe lời để, không suy nghĩ chút nào cả. Tòa biết rằng có tình thương nào cho bằng tình nghĩa vợ chồng, Nghĩa Hữu thật thương Hà Hương vô giá, ví như ai mà thương yêu nhau như vậy để bỏ nhau sao đặng, mà Nghĩa Hữu nghe lời cha mẹ bức bỏ tình thương đặng, lấy đó mà suy thì Nghĩa Hữu quả là vô tâm vô trí đó. Quan Chưởng lý buộc rằng Nghĩa Hữu a ý cùng Hà Hương mà hại Nguyệt Ba, điều ấy là điều vô bằng vô cớ, lại thêm từ đầu chí cuối, không nghe lời khai nào mà có Nghĩa Hữu ở trỏng, mà cũng chẳng nghe ai kêu nài Nghĩa Hữu a ý với Hà Hương; ấy vậy thí dụ Hà Hương mà hại Nguyệt Ba, Nghĩa Hữu phi phận sự. Khoản chót quan Chưởng lý buộc rằng Nghĩa Hữu dắt Hà Hương đi trốn, chẳng hay điều ấy có chi làm bằng cớ ra chăng? Quan Chưởng lý vẫn biết và đã có nói Hà Hương là một con sớm đào tối mận, biết nói sao không biết xét, để mà vu oan cho người. Như thế thì chẳng phải một mình Nghĩa Hữu thương Hà Hương, hãy còn nhiều người tình khác nữa. Mà trong bọn tình của Hà Hương, tòa có biết ai thương Hà Hương hết chăng? Chắc là không biết, vậy chẳng nên nói rằng Nghĩa Hữu thương Hà Hương mà dẫn đi. Buổi Hà Hương trốn, nói rằng Nghĩa Hữu tới tòa, lời ấy tôi chẳng cãi, song tòa phải xét rằng chẳng phải một mình Nghĩa Hữu tới đó, có cai có bếp có chức việc làng có đủ thầy thông thầy ký, thình lình mất Hà Hương, mất Nghĩa Hữu, tòa nói rằng Nghĩa Hữu dẫn Hà Hương đi, ví như thiếu mặt một thầy thông nào đó, tòa mới nói làm sao? Chừng ấy khi tòa nói Nghĩa Hữu với thầy thông a ý dẫn Hà Hương đi nữa sao? Dường ấy chẳng là oan cho người lắm. Nghĩa Hữu bỏ xứ mà đi cũng vì việc vợ con chẳng xong, như ai có trí khôn thì không đến đỗi bỏ đi, chớ như Nghĩa Hữu, tôi đã nói nó là một thằng con nít vô tâm vô trí. Con nhà giàu, sung sướng gấm gan, bỏ đi đâu cho cực khổ như vậy? Cũng vì buồn bực nên bỏ đi, tưởng đi làm ông gì, chẳng ngờ đi làm lục lộ. Đây tôi sẵn có thơ quan Tham biện Trà Vinh làm bằng. Lời khai của Nghĩa Hữu qua Trà Vinh làm lục lộ quả như vậy, ở đậu nhà thầy đội làm lục lộ cũng có, trong thơ nói một mình Nghĩa Hữu ở đậu với thầy đội chớ không nói có Hà Hương; như vậy nếu tòa mà buộc Nghĩa Hữu dẫn Hà Hương đi chẳng là oan cho nó lắm. Vậy xin tòa hãy tha Nghĩa Hữu ra, dường ấy mới trúng phép công bình chánh quốc.” Trạng sư bào chữa xong rồi, quan lui vào thẩm án giây lâu, trở ra tha Nghĩa Hữu. Nghĩa Hữu lạy tạ lui ra, mẹ con từ giã Trạng sư rồi đem nhau về gia nội. Về nhà, Nghĩa Hữu vui mừng bày tiệc đãi đàng lối xóm. Từ đây Nghĩa Hữu rảnh rang mọi việc, thả luống theo cờ bạc điếm đàng, ngày thì đổ bác môn trung, tối dựa thanh lâu tửu điếm. Không xét xem gia đạo, không tính việc làm ăn, gia thế càng ngày càng hao mòn, đến đỗi thiếu sau hụt trước.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang