[Việt Nam] Giọt Máu Chung Tình
Chương 1 : Thành Bình Định lược sơ sự tích, Võ Đông Sơ lướt dặm quang hà
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 18:00 21-09-2018
.
Trong lúc lửa hạ vừa tàn, gió thu đổ lá, kia xóng róng một đám rừng thung cụm liễu, cây đứng xơ rơ, trợn mắt trơ trơ, dường như giận cái phong cảnh tiêu điều mà phai màu xũ lá. Nọ một dãy trường san vọi vọi, nằm dọc theo mé biển Đông Dương, gio sóng phơi sườn mà thiêm thiếp im lìm ở dưới trời nam, dường như buồn thảm cái thời tiết đổi dời, nên không động dạng.
Còn phía Đông Nam một dãy, thì cỏ hoa lúp xúp, mấy tòa cửa hoạn nhà quan; day mắt ngó ngang, thì thấy một dãy đồn quân trại lính; ấy là một cảnh Tỉnh thành Bình Định đẹp thay thủy tú san kỳ. Còn nhắm lại cảnh Tây Bắc phía sau, thấy chớn chở non cao, sờ sờ một cái cổ tháp của nước Chiêm Thành khi xưa, đã thuộc về Việt Nam ta chiếm cứ, tuy là lờ mờ bụi đóng rêu phong; nhưng cũng còn trơ trơ một toàn tháp nguy nga trên gộp đá.
Vậy nên xưa những đấng thi nhơn danh sĩ đi ngang qua xứ nầy, thấy cái cảnh tình sự nghiệp của nước Chiêm Thành đã tiêu điều, duy còn cái tháp này trải qua chẳng biết bao nhiêu gió táp mưa sa, thỏ tà ác lặn, thì cám cảnh mà làm câu thi như vầy:
Đa thiểu thiền ba vân cọng khứ
Duy dư tiền tháp lão càn khôn
(Nghĩa là chốn phiền ba thị tứ của nước Chiêm Thành – tục kêu là Chàm – đã theo mây gió mà tan tành, duy còn một cái tháp tiên này kình với lão càn khôn mà đứng trơ trơ lên bàn thạch).
Đó rồi ngó qua phía trên, thì thấy trong đám rừng hoang cỏ rậm, lấy cây làm gác, bẻ lá che chòi, đặng mà đục nắng trốn mưa, ấy là rải rác ít nhà con mọi.
Trong khi đương chăm chăm mắt ngó cái cảnh tượng của võ trụ san hà, mê mẩn thú nước biết non xanh, làm cho ngơ ngẩn tâm thần, rồi đứng sững chần ngần, như điên như ngốc, thình lình thấy một lằng khói mù mịt, xung xăng bay lên dựa mé rừng kia, rồi lần lần bay qua triền núi nọ.
Kế một lát nghe tiếng lạc đồng rãng rãng, chợt thấy một bóng ngựa kim ô, bốn vó bỏ liền vo, chạy nghe lốp bốp. Chừng chạy lại gần, thì rõ ràng một con ngựa cao lớn vạm vỡ phi thường, chớp mao xũ trán, hình như sư tử hạ sơn, lông gáy dững ngay, dạng giống kỳ lân xuất thế yên cương đẹp đẽ kiều khấu rỡ ràng thật là: một giống hùng mã long cu, chớ chẳng phải ngựa tầm thường sánh kịp.
Trên ngựa ấy thấy một trang niên thiếu, lưng mang đản kim, mình mặc võ trang, tướng mạo đường đường, thật đáng một vị anh hùng hào kiệt, đương buông cương giục ngựa, bôn ba lướt dặm quang hà, vượt bụi băng rừng vội vã theo đường tiểu lộ.
(Khán quan có biết một vị thiếu niên này là ai chăng? Nếu tôi không cầm viết chỉ ngay ra dưới đây, thế thì liệt vị khán quan có lẽ cũng còn hồ nghi mà tưởng rằng một người tha bang dị chủng.
Song người thiếu niên này chẳng lạ, người này tên là Võ Đông Sơ, vẫn là con của một vị khai quốc công thần của Đức Cao hoàng khi xưa, là quan Hậu Quân Võ Tánh). Đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của quan Hậu Quân Võ Tánh. Nguyên là người Bà Rịa, sau nghe Cao hoàng muốn phục nghiệp trung hưng, thì Ngài đem binh ứng nghĩa, đánh với Nguyễn Nhạc Tây Sơn, đến đâu thì kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công, bọn giặc đều táng đởm kinh tâm, mà cho ngài là một vị Võ công danh tướng.
Khi ngày bị một vị tướng quân của Tây Sơn là Trần Quang Diệu vây thành Bình Định ba năm, trong đã hết lương, ngoài không binh cứu. Đương lúc thế cùng binh nhược như vậy, ngài bèn lên cái lầu bát giác kia, rồi kêu tướng sĩ đến mà nói như vầy:
“Các tướng sĩ ôi, ta cảm ơn các tướng sĩ đã tận tâm kiệt lực, lướt đạn xông tên mà chia cực khổ với ta trong thành này đã ba năm dư, cũng tưởng hết sức với nước nhà mà trừ loài nghịch tặc, nhưng binh giặc càng ngày càng đông, mà trong thành lương tiền đều hết. Vậy nay ta quyết mượn ngọc lửa này mà vị quốc quyên sanh, cho khỏi nhọc lòng tướng sĩ; nhưng ta xin tướng sĩ một điều là sau khi ta thác rồi, thì các tướng sĩ sẽ mở cửa thành ra mà trở về quê hương xứ sở, đặng nuôi dưỡng cha mẹ vợ con, chớ chẳng nên dục lợi cầu vinh mà hàng đầu kẻ giặc.”
Nói rồi day qua hướng nam lạy vua 4 lạy, rồi lấy điếu thuốc của ngài hút liệng trên giàn hỏa, thuốc súng bắt lửa lừng lên.
Ôi! cái hồn trung liệt của một vị khai quốc công thần, nay đã theo ngọn lửa vô tình nầy, phất phất phiêu phiêu mà tiêu diêu nơi cõi thọ.
Đây tôi xin nhắc lại tên Võ Đông Sơ khi cha người là Võ Tánh mất rồi, thì Đông Sơ còn nhỏ ở với mẹ là Ngọc Du công chúa tại Nam Kỳ, đến khi lớn lên thì mẹ đã từ trần, Đông Sơ bèn ra ở với chú tại thành Bình Định mà học nghề văn, tập nghiệp võ. Thật là một vị con dòng cháu giống của cửa tướng nhà quan, tánh chất thông minh học ít biết nhiều, nên văn võ gồm hai, đáng một bậc nhơn tài tuấn kiệt.
Chú thấy Đông Sơ thông minh hào hiệp, thì thương cháu cũng như con; bởi vậy nên nhiều phen muốn tính việc nhơn duyên, đặng định cho cháu sánh bề giai ngẫu. Nhưng Đông Sơ chối từ không chịu, mà thưa với chú rằng:
– Thưa chú! chú đã đem lòng hạ cố mà thương chút phận đơn cô, nên mới tính việc lứa đôi, thì cháu chẳng xiết muôn ngàn cảm tạ. Nhưng mà cháu nghĩ phận trẻ đương lúc bèo mây trôi nổi, nào biết đâu là bể ái nguồn ân, vì cái án công danh còn ngơ ngơ ngẩn ngẩn nơi chốn phong trần, chưa biết chừng nào đặng mở mang mày mặt, lẽ đâu dám vội quên chữ lập thân hành đạo, cho hiển tổ vinh tông. lại đem cái chí khí nam nhi mà ràng buộc theo dây tình thê nữ? Vả lại, sự vợ chồng là một mối luân thường rất trọng, trong lúc thời đợi văn minh, xin chú để cho cháu lóng đục dò trong, mà lựa một bực đức hạnh song toàn, sắc tài xứng đáng, đặng ngày sau lấy cái sự tài đức của phấn đại quần xoa mà cầm quyền tề gia nội trợ thì mới đặng, ấy là chí bình sanh sở nguyện của cháu như vậy.
Chú nghe Đông Sơ phân giải cặn kẽ mấy lời, thì chúm chím miệng cười, thỉnh thoảng vuốt râu, rồi gặt đầu mà cho là phải.
Cách ít bữa, Đông Sơ thưa với chú xin ra Đông Kinh du học, trước là trao dồi việc võ, sau là tập luyện nghề văn, cho tinh thuộc hoàn toàn, đặng đợi thu đi ra mà lập công danh với thế, đoạn mới sắm sửa đồ hành trang và lộ phí, rồi một mình giục ngựa buông cương, dãi nắng dầm sương, theo quan lộ băng chừng thẳng tới.
Đây tôi xin nhắc khán quan nhớ lại trong khoảng trước tôi đã nói một vị thiếu niên anh hùng cưỡi ngựa chạy nơi mé rừng kia, làm cho một lằng khói bụi lên mù mịt, đó là lúc Võ Đông Sơ đã từ giã chú rồi, cưỡi ngựa ra Đông Kinh mà du học, nên đây tôi xin tiếp theo.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện