[Việt Nam] Gái Thời Loạn

Chương 17 : XVII

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:39 27-12-2018

Trong thành, kèn báo thức bắt đầu thổi. Tiếng đồng lanh lảnh, vọng vào núi xa nghe rất hùng tráng. Góc trời đông chói lọi màu bạc trắng. Ngọn Sâm Sơn mỗi lúc một hiện rõ trên đám sương mù. Ánh sáng tràn ngập cả những đường ngang lối tắt. Những nhà cửa lụp xụp và trống rỗng hình như ngơ ngác nhìn trộm lê minh. Trong thành thức giấc. Lá cờ ba sắc phấp phới trên ngọn Thổ Sơn. Thành là thành cổ, xây toàn bằng đá ong, ngay bên hữu ngạn Thanh Giang. Xung quanh đồi núi bao bọc mà gò Chùa tức là một ngọn gò sát với thành nhất. Bên ngoài tường thành, bờ lau búi lác, cảnh hoang tịch đìu hiu. Tuy vậy, giữa lúc nhiễu nhương, cái lặng lẽ của rừng cây chẳng phải là cái người ta có thể tin chắc được. Thì quả nhiên, lúc đó, cửa thành sịch mở. Một toán kỵ binh lê dương, do một viên tướng trung úy chỉ huy, tế ngựa ra thành, tiến thẳng về phía bắc. Vừa được tin có giặc về đánh tỉnh, thiếu tá Franger vội phái quân đi thám thính. Ngựa cuốn đều bốn vó, toán kỵ binh quay lại đã chẳng thấy bóng thành quách đâu nữa. Trên ngọn Thổ Sơn, lá cờ ba sắc chỉ còn là một điểm nhỏ con con. Trước mặt, sau lưng, bát ngát những đồi cùng ruộng. Xóm làng thưa thớt, ẩn dưới bóng tre xanh, cũng lặng ngắt tiếng người. Cảnh rất buồn. Cái buồn của một ngày đông giữa thời loạn. Ánh nắng vẫn rỡ ràng, khí hậu vẫn ấm áp, nhưng bên trong vẫn có cái khí vị tịch diệt âm thầm. Nền trời cao có những vệt mây màu tro lạnh. Những cánh rừng xanh mốc bao quanh những ruộng hoang vàng úa. Trên đồi cao thưa thớt mấy cụm cây cằn; hay vài khóm lau già đầu bạc, chốc chốc rền rĩ trước làn gió thoảng. Trong không khí hanh hao, đàn rĩn bay lao xao như một mớ bụi. Chốc chốc một con mồng bay vi vút, như tiếng liềm của thần chết rạch ngang cái quạnh hiu... Ánh nắng mỗi lúc một gắt. Người, ngựa đã ra chiều uể oải, đi đến đâu, in lên nệm cỏ những vệt bóng chập chờn. Viên trung úy đi đầu, hai mắt sáng quắc, nhìn bới móc những cụm cây xa, những lớp rừng u uất. Dưới tầng lá dày, chẳng có gì khác hơn là những thân cây khổng lồ vạch lên nền tối những nét trắng lốp. Tuy vậy, càng thấy im lặng bao nhiêu, trung úy càng ngờ vực bấy nhiêu. Quanh mình cái cảm giác rằng thần chết vẫn rình mò làm cho ai nấy khó chịu. Không phải quân, tướng thiếu can đảm, nhưng nhà binh ưa nhìn tận mặt sự nguy hiểm hơn là sự lẩn lút, ám muội. Đã tới chợ làng Rinh. Trung úy và một viên đội phóng ngựa lên một ngọn đồi gần đấy. Thốt nhiên, viên đội giơ tay chỉ xuống cánh rừng trước mắt: - Bẩm trung úy, trong rừng kia, tôi nhận thấy có nhiều bóng đen cử động. Trung úy đặt viễn kính nhìn và nói luôn: - Thầy đội, mau dàn quân quanh chân đồi này! Tiếng ngựa chạy như thác chảy, tiếng gươm súng va chạm nhau, tiếng hô: - Đứng lại! Trung úy vừa dứt lời, những bóng đen đã nhảy ra khỏi rừng. Đất như cựa lên. Một tiếng vang ầm, rồi thì trăm nghìn đợt sóng chàm cuồn cuộn vỗ tới chân đồi. - Xuống yên để đánh bộ. Cách năm mươi thước, bắt đầu khai pháo! Súng nổ dịp một, trước còn thưa, sau mỗi lúc một rền. Dưới chân đồi, nhiều cái áo xanh quay lông lốc, ngã vật xuống. Nhưng muôn lớp sóng kình cứ tiến. Cơn phong ba mỗi lúc một hăng. Xa xa, hai bên tả hữu dực bộ quân Cờ Đen, kỵ binh hiện ra như hai cái tay kìm muốn khép lấy ngọn đồi... - Bắn! Bắn mau! Quân giặc bạt ngàn, lụt đồi, tràn ruộng, tiếng quát tháo như sấm vang, gươm sáng lập lòe như chớp giật. Dưới ánh nắng khô khan, bụi cuốn mù mịt. - Lùi! Lên ngựa! Trung úy nhìn qua trận thế, biết phải lui quân về gần thành để mong có trợ lực và tiện chỗ dàn quân. Thấy quân Pháp lùi, bên giặc reo vang trời. Hàng vạn cánh tay khua gươm múa súng, hung hăng quyết thắng. Cùng một lúc ấy, Hoàng Tử Trung dẫn quân kỵ lẻn xuống làng Đồng, đánh tạt ngang đường cái, triệt lối quân Pháp tháo lui. "Đùng!... Đoàng!...". "Roạt!... Roạt!...". Cờ Đen bắn. Quân Pháp bắn... Người ngã, ngựa lồng, thịt rơi, máu chảy... Quân Pháp vừa lùi vừa bắn rất hăng, nhưng đạn lửa không thể cản được ngọn trào đa số. Trung úy biết chỉ có đem toàn lực đánh tan đám quân triệt lộ mới hòng thoát được. Vươn mình hoa kiếm, trung úy hô một cách quyết liệt: - Xung sát! Thục hai gót giày vào bụng ngựa, tay vung kiếm, miệng quát to, cả cánh kỵ binh Pháp xông thẳngvào đám quân Hoàng Tử Trung như một luồng bão táp. Quân Cờ Đen kinh ngạc và thán phục cái can đảm của bên địch đến nỗi chùn lại. Cái phút vô cùng quan trọng! Cái phút sinh tử vô song! Trung úy hô quân cố tiến. Súng nổ vô hồi, gươm lia nhoang nhoáng đập vào giáo mác, ánh lửa lập lòe. Tiếng ngựa hí, tiếng binh khí chạm nhau, tiếng quát tháo, tiếng rên la, hiện thành một cảnh tượng sầu thảm, kinh khốc!... - Tiến!... Quân Cờ Đen không cưỡng nổi, phải dạt ra hai bên. Quân Pháp mở xong đường máu, vừa toan chạy thì cánh quân đuổi theo vừa tới. Tiếng xung sát bội lên; những bộ áo choàng loang máu hồ chìm khuất dưới làn sóng màu chàm thì lại nổi bềnh lên, chẳng khác những chiếc phao bập bềnh trên mặt sóng. Toán cô quân lúc đó không phải một chọi một, mà chọi với trăm nghìn... Quân Cờ Đen hăng lắm, dù tên nào bị thương ngã xuống, cũng cố bò lại, chặt chân ngựa bên địch, có khi níu lấy yên, leo lên để chém người. Năm... mười... hai, ba mươi... bốn, năm mươi tên ngã, quân Pháp chỉ còn độ sáu, bảy chục người phần nhiều đã bị thương tích và mệt lắm. Trung úy lúc đó như con mãnh hổ cùng đường. Hai vế cặp chặt lấy yên ngựa; tay múa gươm, tay bắn súng, quyết phá vòng vây để cứu lấy tàn quân. Cờ Đen lại chùn. Một phút ngơi tay, một phút thán phục kẻ thù địch anh hùng, vì chúng dù sao cũng là những chiến sĩ chân chủng. - Thoái! Con đường về tỉnh đã mở. Cơ sống còn là ở đấy. Trung úy phóng ngựa đi trước dọn đường, tàn quân theo sau. Một tiếng gầm thét căm hờn của Tử Trung làm cho ba quân sực nhớ đến điều lỗi lớn. Chúng hò reo đuổi theo, một là bắt, hai là quyết giết cho kỳ hết đám quân thù. - Roạt!... Roạt! Quân Pháp vừa chạy vừa bắn trở lại, bắn vào giữa cơn lốc người. Cờ Đen tử thương rất nhiều; cuộc truy nã dần dần bớt hăng hái. Tuy vậy, cái thác vẫn réo ồ ồ. Tán quân tàn vừa vào khỏi cổng thành thì ba bề bốn bên, áo xanh ngàn ngạt bao vây. Bức cổ thành lúc ấy chỉ như một cái cù lao giữa cảnh ba đào sát phạt. Thiếu tá Franger thân lên mặt thành đốc chiến. Trái phá nổ ầm ầm. Súng tay như pháo cháy. Bên giặc thêm tiếng cồng khua trống giục, thảm đạm kinh hồn. Trên mặt chiến trường, những con ngựa mất chủ, hoảng chạy tán loạn, giày xéo lên cả những thây chết nằm ngổn ngang, lắm cái mất cả đầu, vỡ cả ngực, ruột gan bừa bãi, máu me bét be. Hoàng Tử Trung đang đốc quân đánh thành, chợt thấy về góc tây nam, súng nổ, người reo kinh động. Biết rằng cánh quân của Lưu Vĩnh Phúc đã đến, Hoàng lại càng thêm hăng hái, truyền lệnh cho sĩ tốt nhất tề lên thành. Bên trong vẫn bình tĩnh ứng chiến, không vì bên địch nhiều hơn mà nao lòng. Quân Cờ Đen không ngờ đâu thế, đua nhau hăm hở lên thành. Mấy dịp súng nổ liền, những kẻ đang chắc mẩm công đầu tức thì lăn xuống như sung rụng. Hoàng Tử Trung căm giận, ba lần thúc quân tiến đánh, ba lần phải lùi trở ra. Mà, cái số tử thương dần không xiết kể... Đánh nhau từ sáng đến tối, hai bên đành nghỉ tay. Trong thành bị thiếu nước, phải đào đường ngầm ra sông. Có người nghĩ kế viết thư cầu viện bỏ vào những chai rượu không, miệng chai gắn xi kín, thả trôi theo dòng nước. Nhờ thế mà ở Sơn Tây, đại tá Duchesne mới được tin cáo cấp và đem binh giải vây thành Tuyên. Quân Cờ Đen hãm thành đã ba hôm. Lưu Vĩnh Phúc chợt được tin ấy, lập tức truyền lệnh lấy rõ nhiều thuyền chở đá, bơi xuống đánh đắm ở chỗ Gành Riềng, để ngăn đường quân thủy. Lưu lại dặn Hoàng Tử Trung vây thành, còn mình thân tự dẫn quân xuống mai phục ở Hòa Mục. Quả nhiên hôm sau, tiền quân cứu viện tiến đến Hòa Mục. Nhân lúc đối phương bất ý, Lưu Vĩnh Phúc đem toàn lực ra đánh, giết được rất nhiều. Nhưng, rút cục, sự thắng lợi ấy đổi ngay ra sự thất bại. Đại tá Duchesne phá tan cánh quân Lưu Vĩnh Phúc, tiến sát đến chân thành. Bên trong thấy có viện binh, hăng hái ra đánh. Quân Cờ Đen thua chạy, cuộc hãm thành ròng rã năm ngày trời, rút lại chỉ là xôi hỏng bỏng không...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang