[Việt Nam] Dương Vân Nga: Non Cao Và Vực Thẳm
Chương 8 : 8
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 21:48 20-12-2018
.
Vào tháng mười năm Kỷ Mão, Vệ vương Đinh Toàn được triều đình Đại Cồ việt chính thức tôn lên ngôi hoàng đế. Ngài không đặt niên hiệu mới mà vẫn giữ nguyên niên hiệu Thái Bình của vua Tiên Hoàng. Hoàng hậu Dương vân Nga được tôn phong làm Thái hậu. Từ đó, cứ mỗi buổi chầu, Dương Thái hậu lại ngồi cạnh ấu vương để quyết định mọi việc. Tuy triều đình đã cử ba vị đại thần phụ chính, nhưng khi gặp những vấn đề quan trọng, Dương Thái hậu thường chỉ hỏi ý kiến Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Định quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại giáp Đinh Điền gần như bị gạt ra ngoài.
Nắm sẵn binh quyền trong tay, trước khi bước vào lãnh vực quyền chính, Lê Hoàn đã cẩn thận bổ nhiệm các thuộc hạ thân tín nắm giữ hầu hết các chức vụ then chốt trong quân đội. Lê Hoàn vốn là người rất mẫn tiệp, chỉ nhìn sơ qua một vấn đề ông có thể phác thảo ngay một phương hướng giải quyết trong đầu. vì thế, Dương Thái hậu hết sức tin tưởng ông. Mượn cớ thảo luận việc nước với Dương Thái hậu, hằng ngày Lê Hoàn ra vào cung cấm một cách tự nhiên. Tuy việc gì hai người cũng bàn bạc với nhau, trên thực tế Dương Thái hậu chỉ quyết định theo ý muốn của Lê Hoàn. Quyền thế của Lê Hoàn càng ngày càng lớn. Những kẻ xu phụ trong triều ngã theo Lê Hoàn mỗi ngày một nhiều. Nhân đó, Lê Hoàn tự xưng là Phó vương. Dần dần ông tự giải quyết rất nhiều vấn đề mà không cần đến ý kiến của Dương Thái hậu.
Những vị quan trung chính thấy những hành động lộng quyền của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đều lấy làm khó chịu lắm. Mọi người đều nhận biết ngai vàng của họ Đinh không sớm thì muộn sẽ lọt vào tay viên quyền thần này.
Trong số tướng lãnh chỉ huy quân sự, vệ úy Phạm Cự Lượng là người được Phó vương Lê Hoàn tin cậy nhất. Người anh Cự Lượng là Phạm Hạp, cũng chức vệ úy, thấy em mình a dua theo quyền thần quá đáng thì khuyên:
- Nhà mình hai đời mang ơn họ Đinh, em nỡ nào hùa theo kẻ muốn làm hại giang sơn họ Đinh vậy?
Cự Lượng trả lời:
- Trên đời này toàn đạo đức giả cả anh ơi! Thiên hạ là thiên hạ chung, ai khôn lanh thì người ấy được! Cứ đạp ngã được một người đi trước thì mình lại tiến thêm được một bước, có sao đâu? Thử hỏi có ai không có tham vọng bắt con nai [1] về tay mình?
Phạm Hạp nghe Cự Lượng nói thế thì ngán ngẩm, từ đó hai anh em ít lui tới với nhau. Cự Lượng cũng đem ý không thuận của Phạm Hạp nói với Phó vương Lê Hoàn. Lê Hoàn nghĩ để Phạm Hạp cầm một cánh quân ở ngay Hoa Lư cũng là điều bất tiện nên sau đó ông đề nghị với Dương Thái hậu cử Hạp vào làm Đô úy ở Ái châu.
Giữa tháng giêng năm Canh Thìn [2], triều đình tổ chức lễ cúng một trăm ngày cho Tiên Hoàng và Nam việt vương. Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ được cử lo về phần nghi lễ. Ngoại giáp Đinh Điền được cử điều hành ban tổ chức.
Ngoại giáp Đinh Điền nghĩ mình là người có vai vế lớn nhất trong dòng tôn thất, cho nên trước ngày tổ chức lễ, ông không nề hà khó nhọc, chuẩn bị mọi việc hết sức chu đáo. Chính ông thân hành cắt đặt bố trí nhân sự, tính toán khách phương, lo liệu mua sắm những thứ gì cần thiết cho cuộc lễ. Nhìn qua tưởng không đáng kể nhưng thật sự ông phải vất vả rất nhiều ngày.
Bấy giờ viên nội thị Lý Tựu cũng được chỉ định điều khiển đám người lo cỗ bàn. Lý Tựu làm công việc mà mặt mày không mấy vui, thỉnh thoảng lại lấy khăn chấm mắt. Đinh Điền trông thấy lấy làm lạ, đợi lúc thuận tiện ông lại gần hỏi:
- Quan thị hình như có gì không vui thì phải?
Lý Tựu nhìn quan Ngoại giáp:
- Cả nước đang buồn, tiểu nhân làm sao mà vui được! Nhưng tiểu nhân nghĩ chắc cái buồn của tiểu nhân chẳng thấm vào đâu so với cái buồn của ngài!
Đinh Điền bất giác thở dài:
- Ta cũng bất lực, không biết làm sao cắt được nỗi buồn!
Lý Tựu cười nửa miệng:
- Tiểu nhân như cọng cỏ, đá có đè cũng còn có thể bám rễ xuống đất bò lây lất sang chỗ khác để tồn tại. Còn ngài, nếu không may có chuyện đổi đời, ngài sẽ về đâu?
Đinh Điền trầm ngâm suy nghĩ - viên nội thị này đã nhìn thấu suốt tâm can ông - một lát sau ông nói:
- Lòng trung nghĩa không phân biệt thân sơ, ai cũng như ai. Ông cũng đã từng chịu ơn dày của tiên đế, lẽ nào đứng ngoài mà nhìn chuyện đổi đời?
Lý Tựu nhìn quanh một vòng rồi nói:
- Ở đây nói chuyện nhiều không tiện. Khi xong việc ngài nên giả vờ mệt nhọc quá mà té xỉu. Tiểu nhân sẽ thân hành đưa ngài về nhà rồi chúng ta bàn chuyện. Làm như vậy mới có thể thoát khỏi sự dòm ngó của bọn quyền thần. Ngài đồng ý chứ?
Đinh Điền gật đầu:
- Ông tính như vậy là chu đáo lắm. Cứ thế mà làm.
°
Trên bàn thờ, người ta chưng một bức chân dung vua Tiên Hoàng oai phong lẫm liệt mặc hoàng bào đang ngự trên ngai. Hình vua được vẽ trên một vuông vải lụa trắng.
Thái hậu Dương vân Nga và ấu vương Đinh Toàn quì trước bàn thờ đầu tiên. Hai mẹ con sùi sụt khấn vái khá lâu. Kế đến là bốn vị hoàng hậu. Kế nữa là vợ chồng công chúa Minh Châu và phò mã Trần Thăng. Sau đó mới tới lượt vợ chồng Ngoại giáp Đinh Điền.
Khi quì trước bàn thờ, Đinh Điền khấn thầm:
- "Hoàng huynh ở trên cao có linh thiêng xin phù hộ cho tiểu đệ có sức mạnh để tru diệt kẻ đại nghịch Lê Hoàn mà bảo vệ ấu chúa, bảo vệ Đinh gia. Chính Lê Hoàn đã chủ động âm mưu sát hại hoàng huynh và Nam việt vương. Hiện nay hắn đang làm mưa làm gió tại chốn triều đường, cấu kết với Thái hậu làm chuyện nhơ nhớp trong cung cấm. Nếu hắn không chết, họ Đinh ta sẽ có ngày không còn đất chôn thây..."
Đinh Điền đang khấn vái bỗng một cơn gió lạnh tạt mạnh vào rạp tế làm ông rùng mình. Một số giấy vàng bạc bị hất tung bay lả tả. Ông bỗng sửng sốt khi thấy đôi mắt trên bức chân dung Tiên Hoàng long lên như giận dữ một hồi. Khi đã định thần, ông vẫn còn thấy mấy giọt lệ đọng ở dưới mắt Tiên Hoàng. Ông ngạc nhiên đứng dậy lại gần nhìn để nhìn cho rõ. Thì ra đấy chỉ là mấy cái tàn nhang bị gió thổi bạt lên còn dính lại. Nhưng tinh thần ông vẫn còn rúng động. Ông không hiểu đây là điềm lành hay dữ nhưng ông tin người chết đã cảm ứng với quyết tâm của ông. Nếu ông cũng buông xuôi thì còn ai dám làm gì nữa? Nhất là hôm nay ông mới tìm ra được một người mà ông thấy có phương tiện để làm nên việc, tại sao không thử một phen? Lời viên nội thị Lý Tựu đâu có quá đáng, nếu có sự đổi đời, ông làm sao tồn tại được? vừa là tôn thất, vừa là khai quốc công thần của nhà Đinh, chẳng lẽ ông lại khuất phục thờ kẻ thù? Mà dù ông có chịu khuất phục, lẽ nào kẻ thù lại quên bài học "trảm thảo trừ căn?". vạn nhất mà ông bước qua được hai trở ngại trên, ông cũng chỉ còn được một kiếp sống thừa, làm sao mà ngẩng mặt nhìn đời nữa? Ông không còn cách lựa chọn nào khác! việc thành thì sống, không thành thì chết, chỉ có thế thôi!
Thế rồi ông tìm cách gặp người bạn tâm đầu ý hợp xưa nay là Định Quốc công Nguyễn Bặc để hẹn cùng đến nhà ông bàn chuyện.
Khi lễ cúng một trăm ngày cho Tiên Hoàng và Nam việt vương đã hoàn tất, Đinh Điền cho dọn cỗ ra để mời mọi người. Quan lại triều đình tùy theo phẩm trật lớn hay nhỏ để bố trí ngồi mâm trên hay mâm dưới. Theo lệ cổ, trong thời kỳ có tang chế nhà vua, thần dân không được tỏ ra vui vẻ. Không ai được quyền vui say hay đàn ca xướng hát. vì thế, không khí trong bữa ăn cỗ không nhộn nhịp và không kéo dài. Ăn uống no nê xong, mọi người lần lượt kéo nhau ra về...
Trong lúc Đinh Điền đang đứng tiễn khách, ông bỗng ngã vật xuống đất. Mọi người hoảng hốt xúm lại đỡ ông dậy. Một người nào đó nói:
- Chắc quan Ngoại giáp lo việc mấy hôm nay vất vả quá nên mất sức. Hãy mau đưa ông ấy về tư dinh để ông ấy nghỉ!
Viên nội thị Lý Tựu thưa với Dương Thái hậu:
- Bẩm Thái hậu, Thái hậu cho phép thần đưa quan Ngoại giáp về dinh một chút kẻo ông ấy có thể bị nguy hiểm đấy! Da ông ấy tái xanh và hơi thở có vẻ mệt nhọc lắm. Ông ấy đã có tuổi mà phải thức khuya dậy sớm lo công việc cả mấy ngày nay!
Dương Thái hậu nói:
- Ừ, khanh hãy giúp ông ấy về dinh đi! Nhớ bảo người nhà lo thuốc men cẩn thận cho ông ấy!
Lý Tựu bèn theo chân đám người nhà của Đinh Điền đưa ông về. về tới dinh mình, Đinh Điền làm như vừa khỏe người lại. Ông nói với đám người nhà:
- Ta thức đêm hơi nhiều nên bị xoàng một chút thôi, hãy để ta vào phòng riêng nghỉ một lát là xong. Bọn bay hãy rót nước cho ta mời quan thị!
Lý Tựu hiểu ý, nói:
- Tôi có thể chẩn mạch và xoa bóp cho quan Ngoại giáp chóng khỏi, ngài có bằng lòng không?
- Tốt lắm, xin mời quan thị vào phòng với tôi luôn!
Đinh Điền vừa rót nước mời Lý Tựu thì Định Quốc công Nguyễn Bặc đến. Nguyễn Bặc cũng đi vào phòng của Đinh Điền, thấy hai người đang uống trà thì nóng nảy hỏi:
- Sao, các ông trù liệu được kế hoạch nào để giết tặc thần Lê Hoàn chưa?
Đinh Điền nói:
- Lấy gậy ông đập lưng ông thôi. Trước đây tặc thần biết dùng nội thị đầu độc Tiên Hoàng và Nam việt vương thì nay tôi cũng muốn dùng đòn đó trả lại cho hắn.
Lý Tựu nói:
- Quan Ngoại giáp muốn bảo tôi đầu độc Lê Hoàn?
- Chính là như thế. Ông nghĩ coi, mình đâu còn có cách nào hơn nữa? Binh quyền ở trong tay hắn cả. Dương Thái hậu cũng về phe với hắn. Ta còn biết dựa vào thế lực nào để hành động? Giang sơn của họ Đinh có giữ được hay không đều trông cậy vào một tay ông đấy!
Lý Tựu nói:
- Thế mà tiểu nhân cứ nghĩ các ngài hẳn còn một số khả năng nào khác chứ! việc đầu độc Lê Hoàn đối với tiểu nhân rất khó, có bao giờ tiểu nhân gặp được cơ hội lo chuyện ăn uống cho ông ta đâu? Tiểu nhân tưởng chỉ có thể giúp các ngài biết về những việc làm chướng tai gai mắt khi ông ta vào hậu cung để khi cần công bố cho thiên hạ rõ thôi.
Định Quốc công Nguyễn Bặc nói:
- Tể tướng vào hậu cung tất nhiên có chuyện lộn xộn rồi. Dù không công bố người ta cũng đoán ra cả. Cứ để cho người ta phỏng đoán chuyện nó sẽ thành phong phú hơn. Nhưng có một việc khác ta tin rằng quan thị có khả năng làm được!
- Xin Định Quốc công cứ nói!
Nguyễn Bặc nói:
- Chúng ta phải giữ được ấu vương trong tay mới có danh chính ngôn thuận dễ bề hiệu triệu quốc dân. Ông ở chốn nội cung có thể lo việc "rước" ấu vương ra ngoài cho chúng ta được chứ?
Đinh Điền nói vào:
- Kế ấy xem ra hay đấy! vì sự mất còn của Đinh triều, xin quan thị chớ từ nan!
Lý Tựu hỏi lại:
- Nếu tiểu nhân "rước" ấu vương ra ngoài được rồi các ngài sẽ làm sao?
- Chúng ta sẽ đưa ấu vương về Ái châu là căn cứ địa của chúng ta do Thứ sử Dương Thà và Đô úy Phạm Hạp cai quản. Tiếp đó, chúng ta bố cáo cho thiên hạ biết mưu đồ soán nghịch của Lê Hoàn, kêu gọi các nơi nổi dậy phò Đinh diệt Lê. Như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng đánh gục được Lê Hoàn.
Đinh Điền quay lại hỏi Nguyễn Bặc:
- Nhưng Nguyễn huynh đã liên lạc và bàn chuyện với Thứ sử Dương Thà và Đô úy Phạm Hạp chưa?
Nguyễn Bặc nói:
- Quí vị cứ yên chí. Tôi đã lo kỹ chuyện đó từ lâu.
Lý Tựu tỏ vẻ sốt sắng:
- Vì sự nghiệp của Đinh triều, tiểu nhân xin cố gắng thực hiện việc tày trời ấy. Xin nhị vị cho biết bao giờ chúng ta có thể khởi sự?
Đinh Điền lẫn Nguyễn Bặc đều tươi hẳn nét mặt. Nguyễn Bặc nói:
- Quan thị đã chịu làm việc ấy đại sự tất thành! Chúng ta sẽ bàn định lại thật kỹ rồi sẽ báo cho quan thị ngày giờ hành động.
°
Vào một buổi sáng, cả kinh thành Hoa Lư bỗng náo động lên. Dân chúng được lệnh đâu ở yên đấy, không được di chuyển. Các sắc lính được lệnh bủa ra khắp các nẻo lùng sục tìm kiếm. Một số kỵ binh được lệnh hỏa tốc chạy ngựa trạm đến các vùng xa xôi để truyền lệnh khẩn cấp của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Trên điện Hoa Lư, Dương Thái hậu mặt buồn xo ngồi ở chiếc ghế đặt phía sau chiếc ngai vàng để trống. Bên ngoài, Phó vương Lê Hoàn bước qua bước lại trước mặt bá quan đang nhốn nháo tại sân chầu với vẻ nôn nóng, hậm hực:
- Mấy cái thằng sai đi cả buổi chưa thấy về!
Lát sau thì một viên nội thị tất tả đến trước mặt Lê Hoàn:
- Bẩm Phó vương, chúng tôi đã đến phủ Định Quốc công và phủ Ngoại giáp kêu hỏi om sòm rất lâu nhưng cả hai nơi vẫn im phăng phắc, không có ai trả lời gì cả.
Phó vương Lê Hoàn giận dữ quát lên:
- Thế thì đúng bọn này cố tình gây biến rồi!
Dương Thái hậu đang ở trên điện nghe tiếng Phó vương Lê Hoàn quát nạt cũng nôn ruột, bà vội bước xuống thềm điện tiến ra sân. Bốn cô thể nữ lật đật chạy theo bà bén gót. Dương Thái hậu mặt tái mét, hỏi Lê Hoàn:
- Thế nào Phó vương? Ngài đã nghe được tin tức gì?
Phó vương Lê Hoàn quay người lại:
- Thưa Thái hậu, chính bọn Đinh Điền và Nguyễn Bặc đã bắt cóc ấu vương đem đi rồi. Thần xin Thái hậu cho phép thần được toàn quyền hành động để bắt bọn gian trị tội mà rước ấu vương về!
Dương Thái hậu nói:
- Không ngờ bọn chúng lại phản trắc như vậy! Ta sợ chúng hại ấu vương mất thôi!
Lê Hoàn trấn an:
- Không, chúng không bao giờ dám hại ấu vương đâu! Nếu muốn hại ấu vương thì chúng đã hại tại chỗ rồi! Chúng bắt cóc ấu vương cốt để lợi dụng ấy mà. Xin Thái hậu cứ yên lòng!
Dương Thái hậu nói:
- Ta là đàn bà không rành những việc đó. Ông là Phó vương, ông có bổn phận và có quyền hành động để trừ gian khử bạo giúp dân cứu nước. Điều quan trọng nhất là ông phải làm sao đừng để chúng làm hại ấu vương là được!
Lê Hoàn thưa:
- Tuân lệnh Thái hậu. Xin Thái hậu cứ yên tâm, thần sẽ không để bọn nghịch thần làm tổn hại đến một cọng lông của ấu vương!
Dương Thái hậu bỗng nổi cơn xúc động, nấc lên:
- Ông có biết thế nào là nỗi đau của người mẹ thương con không? Ta đã mất Hạng Lang, đã đau khổ biết dường nào rồi! Bây giờ chỉ còn một mình Đinh Toàn! Mọi sự ta hoàn toàn tin cậy ở ông. Xin ông chớ phụ lòng ta!
Lê Hoàn nói:
- Thần hiểu việc đó, thần sẽ vì Thái hậu mà ra sức! Xin Thái hậu trở về cung nghỉ ngơi cho đỡ hao phí sức khỏe.
Dương Thái hậu dùng dằng hỏi:
- Phó vương có đoán biết hiện giờ ấu vương đang ở đâu không?
- Thưa, theo thần dự đoán thì bọn Điền, Bặc đã đem ấu vương về Ái châu. Thứ sử Ái châu là Dương Thà trước nay vẫn thân thiết với bọn chúng. vả lại, vệ úy Phạm Hạp mới được Thái hậu cử làm Đô úy chỉ huy quân sự ở đó vốn cũng cùng cánh với bọn Điền, Bặc. Nghe đâu mới đây Đô úy Phạm Hạp có lén về triều nhưng thần bận quá cũng chưa kịp hỏi đến. Ngoại trừ Ái châu ra, chúng thật khó mà tìm được đất dung thân!
- Ta nóng ruột lắm! Phó vương định khi nào ra quân?
- Thần sẽ cố gắng cho xuất phát ngay hôm nay. Phải ra quân thần tốc chúng mới không kịp chuẩn bị đề phòng. Thái hậu cứ về nghỉ, thần sẽ có tin báo tiệp sớm!
- Chúc Phó vương sớm thành công!
Dương Thái hậu vừa quay gót thì có tên lính túc vệ đến trình với Phó vương:
- Bẩm, có một kỵ sĩ từ phương nam đến muốn báo cáo việc mật với ngài. Ông ta hiện đang đợi ở cổng.
Lê Hoàn nghe nói mặt lộ rõ sắc mừng:
- Gọi hắn vào ngay!
Một kỵ sĩ áo quần còn ướt đẫm mồ hôi và lấm bụi đường đến gặp Phó vương. Sau khi nghe y trình báo sự việc, Phó vương cười đắc chí:
- Ta đã nói không sai mà! Đập chết bọn chúng cũng vào Ái châu chứ còn biết đi đâu nữa?
°
Sau khi ra lệnh cho các quan văn võ ổn định lại hàng ngũ, Phó vương Lê Hoàn tuyên bố:
- Hôm vừa rồi, bọn Điền, Bặc đã ra mặt làm phản. Chúng đã bắt cóc ấu vương mang về Ái châu. May ta đã đoán biết manh tâm của chúng từ lâu nên đã đề phòng mọi mặt. Ta đồ rằng chúng sẽ lấy Ái châu làm căn cứ địa để chống lại triều đình quả không sai. vì tình hình khẩn trương, nguy hiểm, Thái hậu đã giao phó ta toàn quyền hành động. Binh quí thần tốc, ta sẽ ra quân ngay để bọn phản loạn không trở tay kịp. Trong thời gian ta đi vắng, sinh hoạt tại triều vẫn bình thường, ai cố tình hay vô ý gây nên những sự xáo trộn đều phải bị trừng trị thích đáng. Ta tạm thời phân định thêm một số trách nhiệm để các quan chấp hành như sau:
- Giúp Thái hậu giải quyết các vấn đề triều chính: Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ.
- Bố trí phòng thủ kinh đô: phò mã Đô úy Trần Thăng.
- Tuần phòng, đốc thúc các đạo, các quân, lữ ở mạn bắc và biên giới đề phòng quân Tống xâm lược: Đại tướng Trịnh Tú, vệ úy Tô Mẫn.
Riêng vệ úy Phạm Cự Lượng và vệ úy Tạ Tấn phải chuẩn bị gấp để theo ta vào Ái châu dẹp giặc!
Phó vương Lê Hoàn cắt đặt mọi việc ở triều xong xuôi liền sửa soạn lên đường.
Lê Hoàn đã điều động các lực lượng quân sự tiến nhanh đến nỗi đối phương không thể nào ngờ được! Một trận thủy chiến đã diễn ra ác liệt giữa hai phe tại cửa biển Đại An. Nhờ ở thế thượng phong: quân đông hơn, đã chuẩn bị sẵn, Lê Hoàn đã đốt cháy hầu hết binh thuyền của phe xướng nghĩa. Ngoại giáp Đinh Điền tử trận, Định Quốc công Nguyễn Bặc bị bắt. Quân triều do Phạm Cự Lượng và Tạ Tấn chỉ huy nhân đó cũng đánh tan luôn bộ binh của phe xướng nghĩa. Đô úy Phạm Hạp và Thứ sử Dương Thà phải bỏ trốn. Ấu vương Đinh Toàn may mắn được vô sự.
Sau khi thắng trận, một mặt Lê Hoàn cho tướng đuổi theo truy quét tàn quân của phe Nguyễn Bặc, một mặt ông cho rước ấu vương Đinh Toàn và dẫn độ một số tù binh quan trọng về Hoa Lư. Trên đường về, Nguyễn Bặc bị cởi trần, cổ mang gông, nhốt trong một chiếc cũi đặt trên chiếc xe ngựa kéo. Phía trước chiếc cũi có treo một tấm biển đề bốn chữ "Tặc thần Nguyễn Bặc". Đi tới đâu cũng có dân chúng hiếu kỳ chạy theo xem. Đến một nơi quân lính nghỉ chân, xe tù ngừng lại, dân chúng liền kéo đến đứng quanh xe tù đông nghẹt. Thấy thế, Nguyễn Bặc bèn nói lớn:
- Đồng bào thấy ta lạ lắm sao? Ta là Định Quốc công Nguyễn Bặc đây! Một đời ta tận tụy hi sinh theo phò Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân để lập nên đại nghiệp. Nay Tiên Hoàng đã lâm nạn mà qua đời, đại nghiệp của ngài bị quyền thần rắp rem tiếm đoạt. Ta vì họ Đinh phải ra tay ngăn chận trước, không may sa cơ mắc phải tay nó. Cơ nghiệp họ Đinh giờ như chỉ mành treo chuông trước lòng tham của tên nghịch thần này. Đồng bào nghĩ sao về việc làm của ta mà chạy theo coi như thế này?
Dân chúng nghe nói nhiều người thầm lau nước mắt mà tản đi.
Về tới Hoa Lư, Nguyễn Bặc bị dẫn tới gặp Lê Hoàn. Hoàn cười:
- Định Quốc công cũng có ngày như thế này ư? Sao không chịu quì xuống năn nỉ ta có thể rủ lòng mà tha cho?
Nguyễn Bặc nạt lại:
- Tao đường đường là một công thần nhà Đinh, sao lại phải năn nỉ một tên gian thần?
Lê Hoàn nói:
- Ngươi bảo ngươi vô tội à? Tiên đế mắc nạn, thần và người đều phẫn uất, ngươi nhân lúc rối loạn gây ra binh biến, nghĩa thần tử của ngươi như vậy sao?
Nguyễn Bặc hét:
- Tao hành động cốt là để ngăn chận tham vọng của mày! Mày cho mày là trung nghĩa à? Tiên đế mất mồ chưa xanh cỏ, mày đã vào cung tằng tịu với Thái hậu, điều đó trong ngoài thiên hạ ai không biết mà mày còn giả bộ trung nghĩa?
Lê Hoàn quay lại thét đám vệ sĩ:
- Dẫn nó ra chém mau!
Nguyễn Bặc thản nhiên đi theo bọn lính của Lê Hoàn ra pháp trường.
°
Mấy ngày sau Đô úy Phạm Hạp cũng bị tướng Tạ Tấn bắt dẫn về Hoa Lư. Trước khi đưa Phạm Hạp ra xử, Phạm Cự Lượng thưa với Lê Hoàn:
- Anh tôi theo bọn phản loạn, ấy là anh ấy tự rước lấy tội chết. Nhưng tôi làm em mà không có lấy một lời cũng khó coi với thiên hạ. Xin chủ tướng cho tôi dụ hàng anh ấy được không?
- Được, ông cứ thử xem!
Phạm Cự Lượng bèn vào ngục gặp Phạm Hạp, nói:
- Tội lớn của anh thật khó sống. Nhưng em vì tình máu thịt, đã năn nỉ với Phó vương xin bảo lãnh cho anh. Anh có chịu hàng không?
Phạm Hạp cười:
- Anh làm thì anh chịu chứ chú năn nỉ ai làm gì? Chúng ta nhờ theo họ Đinh mà nên danh nên phận, họ Đinh đã bao giờ ăn ở bạc bẽo với chúng ta đâu? Ta nỡ nào tiếp tay cho bọn gian cướp đoạt cơ nghiệp của họ Đinh? Chú cứ suy nghĩ cho kỹ đi! Nếu chú quyết chọn con đường ấy thì hãy để anh chết cho tròn danh tiết chứ anh không muốn họ Phạm ta bị mang tiếng phản bội cả dòng!
Phạm Cự Lượng hỗ thẹn, giận dỗi bỏ về.
Thế là Phạm Hạp cũng bị đưa ra pháp trường.
Quyền chính cả nước từ đó lọt hẳn vào tay Phó vương Lê Hoàn.
__
Chú thích:
1. Con nai: tượng trưng cho sơn hà xã tắc. Nhà Tần để sổng một con nai, thiên hạ tranh nhau đuổi bắt. Cuối cùng con nai lọt vào tay Lưu Bang.
2. Năm Canh Thìn: 980
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện