[Việt Nam] Dương Vân Nga: Non Cao Và Vực Thẳm

Chương 7 : 7

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:48 20-12-2018

.
Trong thời gian tang chế Thái tử Hạng Lang, Tiên Hoàng ít khi đến cung Đan Gia. vua không chịu nổi cảnh Dương hậu khóc lóc thảm thiết mỗi lần gặp mặt ngài. Lúc nào bà cũng đòi ngài phải trừng trị Nam việt vương Liễn. Có vài lúc, Dương hậu tỏ ra hung dữ lạ thường. vào hôm cúng thọ tang cho Thái tử, trong khi Nam việt vương Đinh Liễn đang vái lạy trước bàn linh, Dương hậu đã bất ngờ cầm cái chổi lông xông vào đánh túi bụi lên người vương. Bà vừa đánh vừa nguyền rủa nhiều lời độc địa. Mọi người xúm lại can ra thì bà sùi bọt mép rồi ngất xỉu tại chỗ. Từ đó Nam việt vương Đinh Liễn tránh không đến dự những lần cúng kiến Thái tử Hạng Lang nữa. Cái chết của Hạng Lang đã làm Dương hậu trải qua một thời gian suy sụp tinh thần lẫn thể xác thậm tệ tưởng chừng bà không sống nổi. Quá lo sợ, Tiên Hoàng đã cho ngự y chăm sóc bà tối đa. Ngoài ra, Tiên Hoàng còn cho phép hai người hầu thân thiết cũ bấy giờ là Tuyết Linh phu nhân (vợ Phạm Cự Lượng) và Cẩm Hồng phu nhân (vợ Tô Mẫn) hằng ngày vào cung Đan Gia để khuyên lơn, an ủi, chuyện trò cho Dương hậu quên bớt sầu khổ. với những cố gắng của hai vị phu nhân này, Dương hậu cũng khuây khỏa được phần nào. Gần ba tháng sau sức khỏe của Dương hậu mới hồi phục. Nhờ sự bồi bổ thuốc men đầy đủ, da thịt bà dần trở lại hồng hào như trước. Thấy Dương hậu qua khỏi cơn nguy biến, Tiên Hoàng rất mừng. Hôm đó Tiên Hoàng lại định đến nghỉ tại cung Đan Gia để an ủi bà sau một thời gian "gián đoạn". Nào ngờ vừa gặp mặt, Dương hậu liền quì xuống, nước mắt ràn rụa kêu van: - Bệ hạ ơi, nỡ nào bệ hạ không trả thù cho Hạng Lang? Hạng Lang chết oan chết ức như vậy làm sao hồn nó siêu thoát cho được? Tiên Hoàng bước tới đỡ Dương hậu dậy, nói như năn nỉ: - Ái khanh bảo trẫm phải làm thế nào đây? Thủ phạm không bắt được làm sao mà trả thù? Dương hậu vùng khỏi tay Tiên Hoàng, vật mình xuống thềm cung, lăn lộn: - Sao bệ hạ không giết thằng Liễn đi! Chính nó là thủ phạm chứ ai nữa? Nếu nó còn sống thì sớm muộn mẹ con thiếp cũng chết vì nó thôi! Thôi, để thiếp cho vệ vương uống thuốc độc rồi tự vận cho xong! Tiên Hoàng đau khổ đứng lặng một hồi rồi nói: - Nếu ái khanh đừng đem Thái tử đi chơi thì làm sao xảy ra chuyện được? việc đã lỡ rồi, ta đã mất một đứa con, nay lại muốn ta phải mất thêm một đứa nữa sao? Ái khanh cho rằng con mất ta không biết đau lòng sao? Dương hậu phẫn nộ gào to: - Nói thế tức là bệ hạ đổ lỗi cho thiếp à? Trời ơi, con tôi chết oan, tôi lại bị vu vạ nữa làm sao tôi chịu thấu? Nếu vậy thì bệ hạ để thiếp và vệ vương chết quách cho bệ hạ vừa lòng! Tiên Hoàng không biết làm sao bèn bảo các cung nữ dìu Dương hậu vào phòng. Ngài gọi một cung nữ đến dặn: - Các ngươi phải trông chừng đừng để hoàng hậu làm liều đấy. Có gì khác thường các ngươi phải báo động gấp không được chậm trễ. Nếu để xảy ra chuyện chẳng lành, các ngươi khó giữ được cái đầu nghe chưa! ° Trở về cung xong, Tiên Hoàng cứ suy nghĩ mà lo sợ. Biết đâu Dương hậu vì quá thương con mà tự tử thật thì sao? Ngài càng lo sợ hơn nữa khi nghĩ tới vệ vương Đinh Toàn vẫn còn đang ở chung với Dương hậu. Ngài đã trải qua mùi vị đau lòng thế nào qua cái chết của Thái tử Hạng Lang. Ngài biết chắc chắn người mẹ từng ôm ấp nâng niu, từng cho bú cho ăn, từng khóc cười đùa giỡn với Thái tử phải đau đớn hơn ngài bao lần. Nhưng Dương hậu đòi ngài phải giết Nam việt vương Đinh Liễn ngài làm sao mà nghe lời được? Chính ngài đã đối xử bất công với Liễn, việc làm đó đã làm ngài bị dằn vặt hối hận lắm rồi. "Lỗi tại ta! Lỗi tại ta! Tại sao ta lại hành động hồ đồ như thế chứ?" Thế rồi ngài ra lệnh cho hai viên nội thị Lý Tựu và Đỗ Thích thay nhau sang cung Đan Gia hàng ngày để thăm dò tin tức. Mấy ngày sau không thấy xảy ra việc gì ngài mới tạm yên tâm... Tiên Hoàng càng suy nghĩ càng thấy thương Dương hậu. Bao nhiêu hi vọng cao ngất trong lòng bà bỗng sụp đổ trong chốc lát. Nhiều lần ngài muốn đến với bà để an ủi, để nói lên sự thông cảm với bà, nhưng rồi ngài lại thôi. Ngài vẫn còn ngán cảnh Dương hậu khóc lóc khi gặp ngài. Ngày kia, vì quá nhớ Dương hậu, Tiên Hoàng một mình cưỡi ngựa đến cung Đan Gia. Theo lệ, mỗi khi ngài đến cung nào đều cho nội thị đến báo trước để vị hoàng hậu ở cung đó chuẩn bị trước. Thường thường ngài chỉ ngự giá đến các cung vào buổi chiều rồi nghỉ đêm luôn ở đó. Lần này sự xuất hiện thình lình vào buổi sáng của ngài đã làm các cung nữ ở cung Đan Gia bối rối: - Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế! Nhà vua khoát tay và hỏi: - Miễn lễ cho các khanh! Dương hoàng hậu đâu? Một cung nữ rụt rè thưa: - Muôn tâu, Dương hoàng hậu ở cung buồn quá nên đến thăm Tuyết Linh phu nhân để giải khuây rồi! - Bao giờ hoàng hậu trở về các ngươi biết không? - Muôn tâu, có thể tới chiều tối. Bệ hạ có truyền dạy điều gì cho hoàng hậu chúng thần sẽ bẩm lại! Nhà vua lắc đầu: - Thôi, cũng chẳng cần! Thế rồi ngài buồn bã ra về. Mấy ngày sau, Tiên Hoàng lại đến cung Đan Gia. Nhưng nhà vua cũng chẳng gặp được tình trạng khá hơn. vừa thấy mặt ngài, Dương hậu lại khóc lóc ỉ ôi: - Hạng Lang mất mà hoàng thượng chẳng thương tiếc gì ư? Tại sao hoàng thượng không lo giải oan cho con? Tại sao hoàng thượng không trừng trị giặc Liễn? Tiếng khóc của Dương hậu như mũi dao nhọn ngoáy vào tim Tiên Hoàng. Ngài loay hoay hỏi han qua loa một chốc rồi lại lên kiệu trở về cung. Tiên Hoàng vẫn tiếp tục cho hai viên nội thị Lý Tựu và Đỗ Thích hàng ngày thay nhau qua lại cung Đan Gia thăm dò tin tức rồi báo với ngài. Nội thị Đỗ Thích cho Tiên Hoàng biết cứ mỗi lần Dương hậu gặp ngài, bà khóc lóc rồi cơn uất nổi lên làm bà lại trở bệnh hai ba ngày. Tiên Hoàng tin lời, đành tránh đến cung Đan Gia thêm một thời gian nữa. Trải hơn hai tháng sau, Tiên Hoàng vẫn cố dằn nỗi thương nhớ... Một sáng đẹp trời, Tiên Hoàng một mình dạo quanh trong khu ngự uyển. Khi nhìn thấy những đôi bướm dập dìu bên nhau, Tiên Hoàng bỗng cảm thấy nhớ Dương hậu đến quay quắt. Một ý nghĩ bỗng chớm lên, ngài bèn ăn mặc theo lối văn nhân rồi lại một mình một ngựa đến cung Đan Gia. Nhưng ngài lại thất vọng. Các cung nữ lại cho ngài biết Dương hậu đã sang thăm Tuyết Linh phu nhân. Thế là một lần nữa ngài buồn rầu lên ngựa ra về. Đi được một đoạn ngài chợt thắc mắc: "Không hiểu sao Dương hậu lại hợp với Tuyết Linh đến thế nhỉ? Hay ta sang thăm nhà Phạm Cự Lượng một chút tiện thể gặp Dương hậu luôn cũng được!". Thế là ngài cho ngựa đi thong thả thẳng đến nhà vệ úy Phạm Cự Lượng. Khi còn cách nhà Cự Lượng một đoạn, Tiên Hoàng bỗng thấy một người nào đó, cũng mặc đồ văn nhân, cưỡi con ngựa trắng đang ngừng trước nhà chờ mở cổng. Phía sau vị này là hai người lính hầu vác giáo đi bộ. Nhà vua chưa kịp nhìn ra ai thì những người kia đã vào cổng. Khi ngài đến cổng, người lính coi cổng không nhìn ra ngài, lễ phép hỏi: - Thưa quí quan nhân đến đây có việc gì không? Tiên Hoàng nói: - Ta là người quen của Phạm vệ úy, ta muốn vào thăm ông ấy chốc lát! Người lính canh cổng nói: - Thưa, quan nhân có hẹn không? Hiện giờ quan vệ úy đang bận tiếp khách, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn vừa mới đến trước đây một chút. Xin quan nhân cho biết quí danh để tôi vào trình với quan vệ úy xem người tính sao! Tiên Hoàng nghe nói sửng sốt _ Thì ra người cưỡi ngựa có dáng dấp phong lưu nho nhã đó chính là Lê Hoàn! Nhưng hắn đến đây có việc gì? Có phải Dương hậu cũng đang ở trong nhà này không? Tiên Hoàng hỏi lại người lính: - Trong nhà ngoài Thập đạo tướng quân còn có khách quí nào nữa không? Người lính thật thà: - Thưa có, nhưng nghe đâu là khách của phu nhân. Tôi mới đến đổi phiên nên không rõ lắm. Người lính tuy lễ phép trả lời nhưng cũng có vẻ không hài lòng vì người khách lạ hơi tò mò. Tiên Hoàng thấy vậy bèn nói: - Nếu Phạm Tướng quân bận khách như thế thì thôi, ta sẽ trở lại dịp khác vậy! Thế rồi Tiên Hoàng cưỡi ngựa trở về cung. Ngài suy nghĩ lung lắm. Chung qui cũng chỉ vấn đề tại sao Dương hậu hay đến với Tuyết Linh phu nhân? Tại sao lần này Lê Hoàn đến với Phạm Cự Lượng làm gì? Trùng hợp tình cờ hay cố ý? Có âm mưu gì không? Sau cùng, Tiên Hoàng gọi kiệu phu đưa ngài trở lại cung Đan Gia. Đến nơi, ngài lại phải ngồi uống trà một mình, đợi cả canh giờ mới thấy Dương hậu về. Ở bên trong nhìn ra, ngài thấy Dương hậu ăn mặc trang điểm vô cùng lộng lẫy từ trên kiệu bước xuống. Chợt thấy nhà vua, Dương hậu sững sờ giây lát rồi vội vàng quì xuống: - Bệ hạ đến đây mà thần thiếp không biết để đón tiếp được thật có lỗi lớn. Tiên Hoàng hỏi: - Hậu đi chơi đâu về thế? - Vì thương con buồn quá nên thiếp sang nhà Tuyết Linh nói chuyện cho khuây khỏa thôi, xin bệ hạ chớ chấp! Vua nói: - Thôi, miễn lễ, đứng dậy đi! Hoàng hậu đi chơi vui vẻ trong khi trẫm phải đợi cả canh giờ rồi đấy nhé! Dương hậu thưa: - Vui vẻ gì được, chỉ mong cho qua những thì giờ buồn chán thôi. Ở nhà cứ thương nhớ tới con thần thiếp chịu không nổi! Vua lại hỏi: - Nhà Phạm Cự Lượng hôm nay có nhiều khách khứa không? - Thưa không, chỉ có một mình thiếp chứ có ai nữa đâu? Chính mắt Tiên Hoàng thấy người khách đến nhà Cự Lượng, người lính gác lại cho ngài biết đấy là Lê Hoàn, thế mà giờ Dương hậu nói chỉ có một mình bà! Cơn giận bốc lên bừng bừng khiến nhà vua tái mặt, run người lên. Nhưng rồi ngài dằn được: - Vậy hôm nay Phạm Cự Lượng làm gì? Dương hậu ngập ngừng một lát rồi nói: - Hình như ông ấy đi kiểm soát quân lính ở đâu đó, không thấy mặt ở nhà. - Vậy thì chắc hắn đi với Lê Hoàn chứ gì! Dương hậu hơi đổi sắc mặt: - Ông ta đi với ai thần thiếp không nghe Tuyết Linh nói đến. Dương hậu quay sang nói với các cung nữ: - Các ngươi hãy sửa soạn bữa ăn và dọn chỗ để hoàng thượng lại nghỉ đêm nay. Nhìn nhân dáng diễm tuyệt của Dương hậu lúc ấy rồi nhớ tới dáng vẻ hào hoa phong nhã của người khách trước nhà Phạm Cự Lượng, cơn giận của Tiên Hoàng càng bốc. Đi thăm một người đầy tớ cũ cần gì mà phải trang điểm lộng lẫy đến thế kia? Ngài nghiến răng sờ tay vào chuôi thanh gươm đang đeo... Nhưng rồi ngài vẫn đủ bình tĩnh để tránh một hành động hồ đồ thất sách. Ra tay bây giờ tất sẽ làm động ổ bọn gian mất! vả lại chưa có một người nào làm chứng về tội lỗi của chúng. Dù vụ trừng trị chúng có suôn sẻ, chưa chắc thiên hạ tin ngài làm đúng được! Hơn nữa, những tay đầu sỏ của bọn gian lại đang được ngài giao cho cầm trọng binh trong tay! Hậu quả sự việc biết đâu mà lường! Tiên Hoàng cố lấy một giọng hết sức bình tĩnh nói: - Thôi khỏi, trẫm sang thăm để biết sức khỏe của hậu thôi. Thấy hậu đi chơi đây đó được trẫm cũng mừng. Hôm nay trẫm thấy trong người không được khỏe lắm, trẫm phải trở về. Từ giây phút đầu gặp mặt Tiên Hoàng, Dương hậu vẫn cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng thật sự bà rất chột dạ. Bà vẫn ngầm quan sát thái độ của nhà vua. Đến lúc này, Dương hậu rầu rầu nói với nhà vua: - Xin bệ hạ bảo trọng mình rồng! Bệ hạ nên gọi ngự y chẩn đoán bệnh để ngăn chận ngay kẻo lỡ bệnh phát nặng thì phiền phức. Thần thiếp vẫn ngày đêm nguyện cầu cho bệ hạ được an khang. - Cám ơn ái khanh, ái khanh cứ lo việc của mình, trẫm cần về nghỉ ngơi. Thế rồi Tiên Hoàng trở về hoàng cung. Đây là lần đầu tiên ngài đã đến cung Đan Gia vào buổi chiều mà không ở lại với Dương hậu. Khi ngài nói với Dương hậu không được khỏe chỉ là nói dối, nào ngờ về tới hoàng cung ngài bỗng cảm thấy thân thể mình mệt mỏi rã rời thật. Ngài thay áo rồi lên long sàng tạm nghỉ chốc lát. Ngài cố nghĩ ra một kế hoạch kín đáo để bắt bọn gian. Nhưng ngài không cách nào định tĩnh được. Hình ảnh người khách nho nhã và Dương hậu kiều diễm cứ hiện ra trong đầu ngài. Chúng nó hẹn hò làm chuyện ám muội ở đó quá rõ! Ngài sực nhớ có lần quan Ngoại giáp Đinh Điền nói với ngài Lê Hoàn hay lui tới nhà Phạm Cự Lượng hình như có vấn đề gì mập mờ. Lúc đó ngài cứ nghĩ Đinh Điền ganh tị với Lê Hoàn nên tìm cách dèm pha thôi. Ngài đã nhìn Đinh Điền với thái độ khinh thường mà không nói gì. Bây giờ thì ngài vỡ lẽ tại sao Đinh Điền đã nghi ngờ như thế. Ngài chợt nổi cơn thịnh nộ với chính mình. Tại sao ta chủ quan và bất minh đến thế? Nắm tay ngài bất đồ đấm mạnh vào thành long sàng gây ra một tiếng động. viên nội thị ở gần đó lật đật chạy vào. Nhà vua nói nhanh: - Hãy mau đi mời quan Ngoại giáp đến đây gặp ta! Viên nội thị "dạ" một tiếng rồi đi ra ngoài. Cơn giận đã khiến ngài quên phứt hết sự mệt mỏi, Tiên Hoàng rời khỏi long sàng. Ngài đi ra đi vào phòng làm việc bao nhiêu lần với vẻ sốt ruột. Mấy viên nội thị khác nhìn nhau, hồi hộp theo từng bước chân dằn mạnh của ngài. Một hồi sau, viên nội thị được sai đi trở lại trình với ngài quan Ngoại giáp đã đến. Tiên Hoàng liền ra hiệu cho bọn nội thị lui ra hết rồi dắt Đinh Điền vào phòng làm việc. - Bệ hạ có việc gì cần đến hạ thần? - Phải, khanh là thủ túc của trẫm, hãy thành thật cho trẫm biết những nhận xét của khanh về Thập đạo tướng quân Lê Hoàn! Đinh Điền chột dạ. Ông nghĩ có thể Lê Hoàn đã bày nói chuyện lếu láo gì về ông với nhà vua. Ông dè dặt: - Dạ, Lê Hoàn là một người giỏi lãnh đạo chỉ huy... - Đúng, nhưng trẫm muốn hỏi chuyện khác. Trước đây có lần khanh nói với trẫm rằng Lê Hoàn hay lui tới nhà Phạm Cự Lượng, theo ý khanh hình như Hoàn có ý đồ gì mờ ám phải không? - Dạ đúng, hạ thần có nghi ngờ như vậy. - Thế lâu nay khanh có tiếp tục theo dõi hắn đến không? - Dạ, dĩ nhiên là có. Nhưng Lê Hoàn là người khôn ngoan, kín đáo quá nên hạ thần cũng chẳng biết được thêm điều gì. - Như vậy là khanh vẫn tin Lê Hoàn có ý đồ ám muội? Khanh nghĩ hắn có thể tạo phản chăng? Đinh Điền giật mình: - Hạ thần chưa bao giờ có ý nghĩ như vậy! - Thế thì khanh muốn nói ý đồ ám muội của Hoàn ở chỗ nào? Còn có ai hay qua lại nhà Cự Lượng nữa không? Đinh Điền có vẻ lúng túng một hồi rồi nói: - Có thể là hạ thần đã suy nghĩ sai lầm. Chắc đầu óc hạ thần lẩm cẩm mất rồi! Xin bệ hạ chớ quan tâm. Tiên Hoàng đứng dậy vỗ vai Đinh Điền, nhỏ nhẹ: - Khanh khỏi cần chối quanh nữa. Trẫm biết là khanh có điều khó nói. Nhưng khanh chớ ngại, lúc này trẫm không hiểu sai ý khanh nữa đâu. Dù sao khanh cũng là em trẫm, cũng là người trong nhà, khanh có thể nói việc trong nhà. Khanh biết được gì cứ nói cho trẫm nghe. Trẫm rất cần nghe những nhận xét trung thực của khanh. Thấy thái độ khẩn thiết của nhà vua, Đinh Điền đoán biết trong lòng ngài đã có một sự biến chuyển quan trọng. Ông vốn là anh em thúc bá với Tiên Hoàng, theo ngài từ lúc mới khởi nghiệp. Ông đã góp công lớn trong công cuộc thống nhất đất nước. Do đó, cái tư tưởng đệ nhất công thần cứ ám ảnh trong óc ông. vì thế, khi vua Tiên Hoàng trao chức Thập đạo tướng quân cho Lê Hoàn, ông không sao khỏi buồn. Chính ông cũng biết tài năng mình không qua Lê Hoàn được nhưng ông lại tin vào cái thế thân thích và cái thế lão làng của mình. Lê Hoàn nhỏ hơn ông đến mười sáu tuổi, lại ra giúp Tiên Hoàng sau ông rất xa. Ông đã từng làm chủ tướng của Hoàn. và ông từng coi thường cái tính ưa làm vừa lòng cấp trên của Hoàn. vì thế, khi Hoàn đã vượt qua mặt ông trên bước đường công danh, ông không mấy phục. Dĩ nhiên là ông chỉ biết bày tỏ sự bất phục bằng thái độ thờ ơ, lạnh lùng với Hoàn. vua Tiên Hoàng cũng thấy thái độ đó ở ông. vì thế, ngài không tin khi ông nói những điều không hay về Hoàn. Nhất là khi nói về cái chuyện đáng nghi ở nhà Phạm Cự Lượng, ông không thể nào trình bày trần trụi ra với nhà vua được. Tuy Tiên Hoàng không khiển trách ông nhưng ngài xem như ông đã nói những lời nhảm nhí. Điều đó đã làm ông đau lòng và chán nản không ít. Bây giờ có cơ hội, ông đã không ngần ngại nói tuốt hết cho vua nghe những ý nghĩ của mình mặc dù có chỗ xúc phạm đến Dương hậu. Ông kể luôn cả chuyện xảy ra tại bữa tiệc thịt nai thịt chồn ở nhà vệ úy Phạm Hạp. Tiên Hoàng đã lắng tai nghe ông nói. Nghe xong, Tiên Hoàng lắc đầu: . Đáng giận thật! Chuyện có hay không chưa rõ nhưng chắc chắn trẫm không sao khỏi bị chúng cười. Để tránh mọi sự dị nghị, từ nay trẫm sẽ cấm ngặt các hoàng hậu, quí phi, không được tùy tiện đến nhà các đại thần hoặc thân nhân bất cứ vì lý do gì. Trường hợp điếu tang hay đám cưới, cũng phải thông qua ý kiến triều đình chấp thuận hay không đã. Lê Hoàn quả thật hỗn xược lắm. "Nhập sơn bất phạ sơn trung hổ, Chỉ phạ nhân hoài lưỡng dạng tâm"! vào núi không sợ cọp trong núi mà chỉ sợ những kẻ ăn ở hai lòng! Nay mai trẫm sẽ tước binh quyền của hắn! Hiền đệ phải ráng giúp trẫm một phen tìm cho ra manh mối mới được! Đinh Điền nghe nhà vua nói như thế thì phấn khởi lắm: - Hạ thần lúc nào mà dám chẳng hết lòng vì bệ hạ! Nhưng sợ một mình hạ thần không bao quát được, hạ thần xin cho Định Quốc công Nguyễn Bặc cùng phụ với hạ thần một tay! - Càng tốt, trẫm hoàn toàn tin tưởng vào hai khanh. Đêm đó Tiên Hoàng uống rượu nói chuyện với Đinh Điền tới khuya. ° Đỗ Thích vốn là người giảo hoạt, biết làm vừa ý chủ, đã được Tiên Hoàng yêu chuộng và tin tưởng phong chức Chi hậu chánh chưởng cai quản đội nội thị. Nhân cơ hội nhà vua giao việc liên lạc với cung Đan Gia, Đỗ Thích đã tìm mọi cách để lấy lòng Dương hậu. Dương hậu thấy mình cũng cần một người ở gần nhà vua để biết tin tức nên hay tặng y tiền bạc để mua lòng. Chẳng bao lâu sau, Đỗ Thích cũng trở thành người thân tín của Dương hậu. về sau, khi tình trạng của Dương hậu đã khá, Tiên Hoàng chỉ còn để một mình Đỗ Thích thỉnh thoảng liên lạc với cung Đan Gia. Thế là mỗi lần đến cung Đan Gia trở về, Đỗ Thích vẫn báo lại với Tiên Hoàng những gì xảy ra dựa theo ý muốn của Dương hậu... Hôm sau, sự việc Tiên Hoàng giận dữ cho người gọi Ngoại giáp Đinh Điền đến nói chuyện và uống rượu đến nửa đêm cũng đến tai Dương hậu. Dương hậu lập tức sai người báo cho Tuyết Linh biết. Phạm Cự Lượng nghe tin hoảng sợ vô cùng. Suốt đêm qua Cự Lượng đã không yên giấc khi nghĩ tới người khách văn nhân. Ông sợ tai họa có thể ập đến với mình bất ngờ, nên lật đật đi tìm Lê Hoàn. - Thập đạo tướng quân có biết việc thánh thượng cho gọi Đinh Điền đến bàn chuyện mật đến nửa đêm chưa? - Ta chưa nghe. Họ bàn chuyện mật ra sao ông có biết ít nhiều chi không? - Chính là chuyện Tướng quân và Dương hậu gặp nhau tại nhà tiểu tướng đấy! - Nếu hoàng thượng biết chuyện đó thì rắc rối thật! Nhưng làm sao hoàng thượng lại biết được kìa? - Có thể là tên Bặc hay tên Điền cho người theo dõi mà chúng ta không biết. Như lần vừa rồi sau khi Tướng quân vào nhà, có một người khách ăn mặc theo lối văn nhân, xưng là người quen muốn vào gặp tiểu tướng. Khi biết Tướng quân đã vào nhà thì hắn đổi ý bỏ đi, tiểu tướng nghi quá! Hồi hôm thánh thượng lại đòi Đinh Điền đến bàn việc, tiểu tướng nghĩ tên văn nhân kia có thể là người của Đinh Điền. - Theo ông thì bây giờ ta nên làm sao? - Từ xưa đến nay, hễ vua đã nghi thì bề tôi phải chết. Tiểu tướng e rằng sớm muộn gì Tướng quân và tiểu tướng cũng mang họa! - Nếu vậy cũng là ý trời, ta biết làm gì được? - Tiểu tướng hiểu ý Tướng quân. Chúng ta không thể dùng quân sĩ để chống lại thánh thượng. Làm như thế thì chính quân sĩ sẽ đốt cháy chúng ta mất. Nhưng chẳng lẽ chúng ta xuôi tay ngồi chờ số phận đưa đẩy? Chúng ta cũng còn cách khác chứ! - Ông nói còn cách khác là cách nào? - Tướng quân có thể mượn tay Dương hậu lo vụ này được mà! - Ông nói thử ta nghe mượn như thế nào? - Thánh thượng vẫn cho tên nội thị thân tín của mình là Đỗ Thích qua lại liên lạc với Dương hậu. Tên hoạn quan này đã bị Dương hậu mua chuộc. Chính hắn cho Dương hậu biết cái tin quan trọng ấy đấy. Tướng quân phải làm sao khiến Dương hậu khéo dùng tên Đỗ Thích này thì việc có thể thành. . Ý kiến hay lắm! Nhưng một mình Đỗ Thích hắn biết xoay xở làm sao? Nếu tìm thêm người khác thì dùng dằng chậm mất, việc lại dễ bị tiết lộ. Ý ông muốn dùng phương cách đầu độc chăng? - Thưa, đúng vậy! Chỉ còn ngại Dương hậu không chịu thôi! - Ông khỏi lo, Dương hậu hết sức hận thù Đinh Liễn, cứ khai thác điểm hận thù đó thì thế nào Dương hậu cũng làm. - Vậy, xin Tướng quân cho tiểu tướng một bức thư để Dương hoàng hậu làm vật tin! - Được. Ông hãy bảo vợ ông liên lạc với Dương hậu lo vụ đó giúp ta. Tạm thời ta không thể chường mặt ra được. Nếu để hoàng thượng nghi ngờ mà đề phòng thì chúng ta càng nguy sớm! - Vâng, tiên hạ thủ vi cường, chúng ta sẽ thử một phen. - Nếu Đỗ Thích đòi hỏi vàng bạc bao nhiêu ta cứ chi ra, đừng tiếc. Chỉ cần hắn hành động một mình, đừng để liên lụy tới người khác. Nói cho hắn tin chúng ta ở ngoài mới có thể cứu hắn nếu việc không thành. - Thưa vâng, tiểu tướng sẽ cẩn thận lo việc đó. Thế rồi Thập đạo tướng quân gọi viên thư lại Phạm Đăng truyền lệnh: - Ngươi hãy thảo gấp cho ta một bức thư gởi Dương hoàng hậu. - Xin tướng quân cho biết những điều cốt yếu! - Đại khái báo cho hoàng hậu biết chúng ta đang lâm vào đường cùng. Xưa nay vua đã nghi ngờ kẻ bề tôi nào thì trước sau gì kẻ bề tôi ấy cũng phải chết. vị anh hùng Tào Tháo thời Tam Quốc từng nói: "Thà mình phụ người hơn để người phụ mình!", đó là con đường ta phải chọn. Chúng ta chỉ còn cách tiến tới chứ không thể thối lui. Nhắc cho hoàng hậu biết bà đã lỡ cỡi lên lưng cọp rồi. Dẫu nhà vua tha thứ cho bà, Đinh Liễn cũng nhất định không để bà yên. Đó là những ý chính của ta, nếu có những ý kiến sâu sắc khác ngươi cứ tự tiện thêm vào! Phạm Đăng nói với vẻ tự tin: - Tướng quân yên tâm, tiểu nhân sẽ viết ngay một bức thư bảo đảm Tướng quân vô cùng hài lòng! ° Dương hậu trao cho Đỗ Thích một cái túi khá nặng: - Đây là món quà Lê tướng quân gởi tặng ngươi trước để dùng lấy thảo. Nếu việc thành tựu, sự phú quí vinh hoa của ngươi sẽ không biết đâu mà lường! Đệ nhất công thần chứ đâu phải chơi! Nhưng ngươi phải luôn nhớ là việc làm của ngươi cực kỳ nguy hiểm, phải tuyệt đối bảo mật. Nếu không may mà việc bại lộ, ngươi phải bình tĩnh nhận tội một mình, đừng khai người chủ mưu. Ta và Lê tướng quân còn ở ngoài nhất định sẽ tìm cách cứu gỡ cho ngươi. Ta dặn vậy thôi chứ thủ đoạn này có trời mà biết! Đỗ Thích phân vân: - Hạ thần sẽ cố gắng làm theo lời dặn của hoàng hậu. Tuy nhiên, hạ thần gặp một trở ngại. Lâu nay Nam việt vương ngoài những khi làm việc, cứ ở miết trong cung riêng lo việc kinh kệ, không mấy khi yến ẩm với hoàng thượng, làm sao mà ra tay một lượt cho được? - Ngươi có hay đến cung Nam việt vương không? - Dạ, thỉnh thoảng khi có việc cần thôi. - Vậy thì được. Trước hết, ngươi hãy tìm cách nào để gặp cho được Nam việt vương. Gặp được, ngươi cứ nói với vương rằng hoàng thượng lúc này trông sắc diện sa sút lắm. Rồi khuyên vương nên vào hoàng cung thăm viếng để an ủi ngài. Tất nhiên là Nam việt vương sẽ xúc động mà nghe lời. Cha con đã gặp nhau thì thế nào cũng có tiệc tùng. Thế là tiện cho ngươi biết bao! - Ý kiến của hoàng hậu thật tuyệt diệu! Thế thì hạ thần sẽ thi hành được! ° Những nghi vấn tại nhà tướng Phạm Cự Lượng đã làm Tiên Hoàng đau khổ tột độ. Người vợ yêu quí nhất và viên tướng lãnh ngài tin tưởng nhất đã tư thông với nhau thật ư? Cuộc đời ngài đâu còn có ý nghĩa gì nữa? Nhưng dù sao chuyện cũng còn mập mờ, ngài cần phải thu lượm những tin tức thật chính xác trước khi trừng trị những kẻ phản bội. Ngài vẫn nén lòng làm việc bình thường, hai ngày vẫn lâm triều một lần, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng khi về cung ngồi một mình, nỗi đau khổ cứ dằn vặt tâm trí, khiến nhiều lúc ngài muốn điên lên. Một buổi chiều vào tháng mười năm Kỷ Mão, Tiên Hoàng đang buồn bực thì nội thị báo có Nam việt vương Đinh Liễn xin vào hầu. Tiên Hoàng nghĩ chắc có việc gì quan trọng nên sai nội thị dẫn Liễn vào ngay. Đến trước Tiên Hoàng, Đinh Liễn rơi nước mắt, quì xuống lạy: - Con bất hiếu là Liễn xin yết kiến phụ hoàng! Tiên Hoàng bước lại đỡ Đinh Liễn dậy: - Đứng dậy đi! Con đến thăm cha thôi hay có việc gì cần nói? - Thưa, con nghe phụ hoàng không được vui nên đến vấn an phụ hoàng. - Thế là tốt. Nghe con ngày nào cũng lo việc sám hối cha cũng ray rứt lắm. Chuyện lỡ xảy rồi, không phải lỗi chỉ một mình con đâu! Con không nên tự hành hạ tâm tư quá đáng như thế. Ở đời còn có nhiều nỗi bất hạnh khác cũng to lớn không kém. Con còn quá trẻ, phải gắng sức mà vượt qua! Cha già mất rồi, con cọp già không giở chân lên nổi thì con dê con thỏ cũng có thể giỡn mặt. Con phải phấn chấn tinh thần để chuẩn bị thừa kế sự nghiệp của cha chứ không nên chán nản buông thả. Đinh Liễn khóc: - Phụ hoàng không giận ghét đứa con tội lỗi này sao? Hình như những uất ức trong ngài đã bị dồn nén quá, nay được dịp bung ra: - Không, đó là lỗi lầm do cha gây nên. Nếu cha chịu nghe lời Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ thì đâu đến nỗi! Đời cha tuy tạo được nhiều công trạng hiển hách nhưng cha cũng phạm nhiều sai lầm lắm. Cha hi vọng con nhìn vào những sai lầm của cha mà tránh đi theo vết xe cũ. Sai lầm lớn nhất là cha đã cho phép các hoàng hậu tùy tiện muốn đi đâu thì đi! Một sai lầm khác là cha đã không tin chú Đinh Điền con mà trao hết binh quyền vào tay tên giảo hoạt Lê Hoàn! Người xưa nói "Đồng bộc vật dụng tuấn mỹ, Thê thiếp thiết kỵ diễm trang" (Đầy tớ trong nhà chớ dùng những kẻ tốt mã. Thê thiếp cần tránh những nàng diễm trang), quả người xưa đã trải qua bao nhiêu đau khổ mới rút được kinh nghiệm đó chứ chẳng phải không! Đinh Liễn giật mình: - Lê Hoàn có ý đồ bất chánh sao, thưa cha? Sao cha lại có những tư tưởng bi quan như thế? - Có thật đấy, nhưng còn may, cha đã thấy được ý đồ đen tối của hắn. Nay mai cha sẽ lột chức hắn. Cả tên Phạm Cự Lượng cũng là đồng bọn với hắn. Tiên Hoàng kể sơ mọi việc cho Đinh Liễn nghe. Rồi ngài dặn: - Con phải tỏ ra hết sức bình thường để chúng khỏi nghi ngờ! Chúng nó chưa biết gì cả đâu. Ta phải hốt một lưới cho sạch gian đảng mới được! Thế rồi Tiên Hoàng sai nội thị dọn rượu ngay tại cấm đình Hoa Lư để ngài uống với Đinh Liễn. Chính viên Chi hậu chánh chưởng Đỗ Thích đứng ra điều khiển các đầu bếp lo chế biến các món ăn thật ngon để vua và Nam việt vương dùng. Những món ăn hấp dẫn, thơm lừng đã làm cho nhiều người thèm đến rệu nước miếng. Cha con ít khi gặp nhau, lại đều mang tâm trạng buồn, hai người cứ uống miết. Đến gần nửa đêm thì cả Tiên Hoàng lẫn Nam việt vương đều say khướt, gục xuống bàn. Chốc sau, một cung nữ cầm khăn ướt lại lau mặt cho Tiên Hoàng, nàng bỗng kêu lên: - Sao hoàng thượng lại như thế này? Mấy tên nội thị vội chạy lại xem thì thấy hoàng thượng đang sùi bọt mép, vành môi co giật một cách khác thường. Họ coi lại Nam việt vương cũng thấy tình trạng y hệt như thế. Chi hậu Đỗ Thích nói lớn: - Hoàng thượng và Nam việt vương bị trúng gió, phải đi gọi quan ngự y ngay! Một nội thị lật đật chạy ra ngoài. Trong khi đó, nội thị Lý Tựu đứng quan sát giây lát rồi kéo tay Đỗ Thích lại: - Này, Đỗ Chi hậu coi đây, không phải trúng gió đâu, mà trúng độc đó! Nhiều người nhìn theo ngón tay chỉ của Lý Tựu: Trong mớ bọt mép của vua có pha sắc đỏ của máu. Các thớ thịt trên mặt nhà vua thì co giật liên hồi. Lúc này thì thân thể cả vua lẫn Nam việt vương đều quằn quại có vẻ đau đớn lắm. Đỗ Thích đang loay hoay bỗng đâu từ tay áo y rớt xuống một khúc ống hóp nhỏ lăn lóc cóc trên nền sân. Đỗ Thích lật đật cúi xuống định chụp lại nhưng Lý Tựu đã dùng bàn chân giữ lấy khúc ống hóp ấy: - Đỗ Chi hậu dùng khúc ống hóp này làm gì? Đỗ Thích hất chân Lý Tựu ra: - Thì mắc mớ gì tới ông? Ống hóp đã bị vỡ, bày ra một ít bột trắng. Lý Tựu vừa dằn lại vừa nói lớn: - Ông không được lấy cái ống này! Đây là bằng chứng ông đầu độc hoàng thượng, mọi người thấy cả rồi ông biết chưa? Mọi người đã chứng kiến từ đầu sự việc giờ mới vỡ lẽ, đều la lớn: - Đỗ Thích đầu độc hoàng thượng! Đỗ Thích không có vẻ sợ hãi chút nào, trợn mắt nhìn mọi người: - Thì tao làm vậy đó! Có ai làm gì tao được không? Thấy Đỗ Thích đã thí chúa lại còn hung hăng thách đố, mọi người đâm ra hoang mang, lúng túng. Lý Tựu phải hét lớn: - Đỗ Thích thí vua, tuy nó là cấp trên của chúng ta nhưng bây giờ nó là giặc, chúng ta phải bắt lấy nó để triều đình xử tội! Ai không tuân lời là đồng lõa với nó! Đã thấy bằng chứng hiển nhiên, bọn vệ sĩ của nhà vua bèn nhất loạt nhảy vào đấm đá Đỗ Thích rồi đè y xuống, trói gô lại. Đỗ Thích lại la lớn: - Ta có tội giết vua, sẽ có quan trên xử đoán. Các ngươi không được đụng tới ta mà mang họa về sau! Bọn thị vệ gông cổ Đỗ Thích lại rồi dẫn đến một góc cấm đình bắt quì ở đó chờ đợi. Lát sau thì Định Quốc công Nguyễn Bặc và vệ úy Phạm Cự Lượng bước vào. Nguyễn Bặc thấy mặt Đỗ Thích liền giận dữ quát: - Ai xúi giục mày đầu độc hoàng đế và Nam việt vương? Đỗ Thích cười nửa miệng: - Ngài hỏi tôi không nói đâu! Hãy đưa tôi đến gặp Thập đạo tướng quân! Phạm Cự Lượng đang đứng cạnh nổi giận: - Tại sao mày không trả lời chúng ta mà phải đợi gặp Thập đạo tướng quân? Mày dám khinh thường chúng ta hả? Rồi Cự Lượng thuận tay rút gươm đâm một nhát vào ngực Đỗ Thích làm y gục xuống chết ngay. Nguyễn Bặc thất kinh quay lại hỏi Cự Lượng: - Sao ông nóng nảy thế? Nó chết mất rồi làm sao mà tra cho ra người chủ mưu? Phạm Cự Lượng ra vẻ hối tiếc: - Tôi lỡ nóng nảy làm hỏng việc. Mong Định Quốc công bỏ qua cho! - Thôi, chuyện đâu còn đó. Bây giờ chúng ta vào thăm hoàng thượng xem sao đã! Nhưng ông phải giao gươm cho lính cấm vêï mang ra ngoài. Chốn này chúng ta không có quyền mang gươm. Bấy giờ Cự Lượng mới sực nhớ mình đã mang gươm vào khu vực cấm. Trong lúc tình trạng lộn xộn chưa ổn, bọn lính cấm vệ quên để ý nên không ngăn ông lại. Cự Lượng bèn trao gươm cho người lính cấm vệ đang đứng gần đó rồi theo Nguyễn Bặc vào trong. Lúc ấy các viên ngự y đã khám nghiệm và xác nhận nhà vua cùng Nam việt vương đã ăn phải một lượng lớn nhân ngôn, còn gọi là thạch tín, một loại thuốc cực độc. Đỗ Thích đã khéo léo cho thuốc vào trong những món ăn ngon nhất đến nỗi nhà vua và Nam việt vương không nhận ra chất đắng của nó. Bấy giờ các đầu bếp mới hiểu vì sao Đỗ Thích đã giành làm thay họ nhiều việc. ° Sau khi chuyện thí nghịch xảy ra, Ngoại giáp Đinh Điền liền lập tức đến gặp Định Quốc công Nguyễn Bặc, nói: - Đây đúng là âm mưu của bọn Lê Hoàn! Bây giờ chúng ta phải làm sao? - Thì rõ như ban ngày rồi còn gì nữa! Nhưng chúng ta yếu thế, phải nhẫn nhục rồi thủng thẳng tính sau chứ biết làm sao hơn! - Ta không thể tố cáo tội ác của chúng sao? - Tố làm sao được? Thủ phạm đã bị chúng giết để bịt miệng rồi! Bọn chúng toa rập với nhau, bây giờ ta nói ra ai làm chứng, ai tin? Chúng quật ngược lại ta về tội vu vạ càng chết! - Thế mình đành bó tay sao? - Đâu có, trong triều còn rất nhiều người trung thành với Tiên Hoàng, ta phải gắng giúp con ngài giữ lấy ngôi báu thì chúng cũng khó làm gì được. Sau đó sẽ tìm cách khử lần bọn chúng! Huynh đừng để mình bị kích động quá không tốt đâu! Đinh Điền thở dài: - Đành vậy! ° Hôm sau, triều đình mời Dương hậu lâm triều để bàn việc. Khi bá quan đã tụ tập đông đủ, quan Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ thưa với Dương hậu: - Tâu hoàng hậu, trong nước không thể một ngày không có chủ. Nay hoàng thượng và Nam việt vương đã qui tiên, người đủ tư cách để kế thống cơ nghiệp không còn ai khác hơn là vệ vương Đinh Toàn. vậy, xin lập ngay vệ vương Đinh Toàn lên ngôi cho yên lòng thiên hạ! Bá quan văn võ đều nhất loạt hô lớn: - Thỉnh cầu quốc mẫu chuẩn y đề nghị của quan Đô hộ phủ sĩ sư! Đinh vệ vương vạn tuế! vệ vương vạn vạn tuế! Dương hậu lấy khăn chậm nước mắt rồi nói: - Họ Đinh ta dày công dựng nên nước Đại Cồ việt cả thiên hạ đều biết. Không hiểu do đâu, năm nay tai họa lại đến liên tiếp khiến hết người này đến người khác phải vong mạng. May mà lòng trời chưa nỡ tuyệt dòng họ Đinh nên còn lưu lại một giọt máu chính thống của Tiên Hoàng, đó là vệ vương Đinh Toàn! Nay được các khanh không quên ơn chúa cũ, đồng lòng phò tá vệ vương nối ngôi, ta thật vô cùng cảm động! vậy, ta mong rằng, các khanh người nào việc nấy, trước đây đã ăn ở với Tiên Hoàng thế nào thì bây giờ các khanh cũng ăn ở với ấu chúa thế ấy. Ta là đàn bà, không thạo việc chính trị, nhưng vì vua mới còn quá nhỏ, ta xin tạm thời ngồi sau lưng ấu chúa để đỡ đần mọi việc cho người. Khi nào hoàng thượng trưởng thành ta sẽ rút lui, các khanh thấy ta nói có hợp lẽ không? Lưu Cơ tâu tiếp: - Bẩm quốc mẫu, công việc của một vị hoàng đế hết sức trọng đại! vệ vương tuổi còn thơ ấu, tất nhiên ngài chưa thể nào kham nổi. vậy, khi ngài lâm triều, quốc mẫu ngồi sau lưng để đỡ đần cho ngài thật là hợp lý. Tuy thế, hạ thần xin đề nghị cử thêm ba vị đại thần phụ chính để giúp đỡ quốc mẫu tránh khỏi gặp tình trạng sức khỏe suy kiệt mà lo việc nước lâu dài. Xin quốc mẫu chuẩn y cho! Dương hậu nói: - Khanh nói cũng đúng, vậy, khanh thử cử những người nào xem có hợp ý với ta không? Khanh thấy Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thế nào, ông ấy làm phụ chính được không? Lưu Cơ thưa: - Bẩm, Thập đạo tướng quân làm phụ chính thì hợp lý lắm. Hạ thần xin đề nghị hai vị khai quốc công thần và cũng có chức tước cao nhất tại triều là Định Quốc công Nguyễn Bặc và quan Ngoại giáp Đinh Điền cùng phụ chính với Thập đạo tướng quân, có được không xin quốc mẫu quyết định! Dương hậu nói: - Đề nghị của khanh thật hợp lý. Kể từ nay ba vị Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc là đại thần phụ chính bên cạnh ấu chúa! Các khanh còn ý kiến gì cứ nói tiếp! Định Quốc công Nguyễn Bặc thưa: - Sau khi xảy ra sự biến, hạ thần đã cho bắt hầu hết những bà con thân thích của nghịch tặc Đỗ Thích, hiện còn giam giữ trong thiên lao. Xin quốc mẫu quyết định? Dương hậu hỏi bá quan: - Các khanh ai có ý kiến gì về vụ này? Quan hình pháp Lưu Kỳ Thanh tâu: - Bẩm, đây là một vụ phạm án tày trời. Theo phép từ ngàn xưa, kẻ gây án phải chém cả ba họ. Xin quốc mẫu định tội! Dương hậu nói: - Vậy, khanh cứ phép nước thi hành! Ngoại giáp Đinh Điền tâu: - Cứ theo phép nước công thì thưởng, tội thì trừng trị. vừa rồi, sau khi vụ án xảy ra, quan vệ úy Phạm Cự Lượng mang gươm vào cấm đình giết chết nghịch tặc Đỗ Thích làm tuyệt mất manh mối điều tra kẻ chủ mưu gây ra vụ án. Như vậy là Phạm Cự Lượng mắc hai tội đáng chết: Tội thứ nhất là mang gươm vào cấm đình, tội thứ hai là làm đứt manh mối truy tầm kẻ chủ mưu gây án. Xin quốc mẫu quyết định! Dương hậu nói: - Ta đã nghĩ đến vấn đề này. Tuy rằng phép nước đã định nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ. Trước khi xảy ra vụ án, Đỗ Thích có sang cung Đan Gia ta, hắn khoe với các cung nữ đêm trước hắn mộng thấy có một ngôi sao lớn từ trên trời rơi vào mồm hắn. Ta nghĩ rằng hắn đã mắc ảo vọng từ giấc mộng kia nên tự mình gây ra vụ án. Còn Phạm Cự Lượng trong lúc ở cấm đình xảy ra chuyện lộn xộn, quá nóng lòng vì chúa nên đã quên cả điều lệ cấm kỵ mà phạm phải. Rồi cũng vì quá thương chúa mà nóng nảy giết kẻ gây án. Đó là những vi phạm phát xuất từ lòng trung nghĩa, tưởng cũng nên châm chước cho y nhờ. Ta quyết định cảnh cáo truất trừ nửa năm bỗng lộc của y mà khỏi nghị án. Các khanh thấy thế nào? Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thưa: - Quốc mẫu quyết định như vậy thật là nhân hậu và sáng suốt! Các quan văn võ hình như nhiều người không hài lòng với lối giải thích và quyết định về vụ Phạm Cự Lượng của Dương hậu. Thế nhưng ai cũng biết Phạm Cự Lượng là cánh tay phải của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, có nói sao cũng chỉ chuốc thêm oán thù chứ chẳng làm gì được. Thế là chuyện thông qua.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang