[Việt Nam] Đỉnh Non Thần

Chương 11 : XI

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:30 20-12-2018

.
Đêm đã khuya lắm. Trong một hốc cây nào đó, con tắc kè đã kêu ba tiếng đều đặn, ba tiếng như ba giọt nước lạnh rỏ thánh thót trong lòng hang sâu... Trời cao thẳm, hơi vẩn sương mù tuy mấy ngôi sao nhấp nháy trong vô tận vẫn trông thấy rõ... Rừng núi nổi từng đám đen quái gở, bí mật, vẻ lì lì như đang thầm tính những chuyện gì ghê gớm. Thỉnh thoảng, một hơi gió thở dài qua kẽ lá... Rồi, đâu đó lại im lặng, một thứ im lặng thăm thẳm, bứt rứt ám ảnh, từ trong đó, vẳng ra cái tiếng suối đổ mơ hồ, nó gieo vào tâm hồn ta một cảm giác mông mênh về sự vật trường tồn... Động Phù Yên đã ngủ say như chết. Các trại quân đều chìm trong bóng tối và yên lặng... Chốc chốc, tiếng mõ cầm canh nổi một hồi rộn rã để một phút sau không còn chút vang động nào... Giữa đêm ngàn nặng trĩu bí mật mà trí tuệ không thể hiểu, cái dấu hiệu của loài người ấy có một tính cách thảm thê. Cái số kiếp người ta sinh ra chỉ là để ghê sợ lẫn nhau, để giữ miếng nhau từng tí! Nhưng cảm tưởng ấy rõ rệt đến nỗi một người có tâm hồn mộc mạc như ông già Bàn Văn Tam cũng phải ngơ ngẩn, vẩn vơ. Trái với mọi đêm, ông già tự nhiên thấy khó ngủ. Ông đã đi nằm nhưng sau lại vùng dậy... Là vì, trằn trọc mãi trên giường để cho các đầu xương cứ xung khắc mãi với ván cứng, ông đã thấy đau ê ẩm cả người. Ông vùng dậy, ngồi nhìn bâng khuâng bóng tối và lắng nghe cái tịch mịch bao trùm sự vật. Ông cảm thấy rờn rợn vì cái mà người ta vẫn quen gọi là lặng lẽ, ông bắt đầu thấy ngầm chứa rất nhiều hoạt động thầm kín. Ông ngờ vực như quanh mình có cả một thế giới đương thức, đương hằn học, thù hằn một cách ghê gớm. Hơn nữa, ông thấy mình ngẫu nhiên được chứng kiến một cuộc âm mưu vĩ đại của sự vật. Tiếng con mọt gặm cột bương, tiếng giường phản cựa lắc rắc, tiếng chuột chạy trên kèo nhà, tiếng gió lùa khe cửa mọi khi nghe rất thường, giờ có một ý nghĩa thầm kín làm cho ông sởn gai ốc. "Quái! Chẳng lẽ mình nhát thế!". Ông già lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại câu nói như một chiến sĩ lúc ra trận cất tiếng hát to bài võ ca để lừa dối những hồi hộp trong lòng. Nhưng, càng quả quyết rằng mình không sợ, ông già càng thấy sợ hơn. Ông cố bới móc trong đầu lấy một chuyện gì để quên cái cảm giác lạnh lẽo nó bám lấy tâm hồn ông như một con nhện đen lạnh lẽo. Tuyết Hận đi, hẹn sẽ đem thủ cấp Ma Vạn Thắng về. Hừ! Cu cậu chừng hối hận. Sự hối quá bao giờ cũng là một cái hay. Nó cũng ví như thang thuốc đắng. Không biết cháu ta nó lấy đâu được những ý nghĩ rất lạ! Những ý nghĩ mà ông cho là phiền phức, khó hiểu và vô ích lại văng vẳng bên tai ông trong giọng nói buồn rầu của chàng trai trẻ: "Người ta sống trong bầu cảnh vật đẹp đẽ nhường này, cớ sao lại cứ phải thù oán giết hại nhau? Cớ sao, trước muôn nghìn hình sắc tốt tươi, trước muôn tiếng chim ca gió thổi, người ta không mở rộng tấm lòng để đón lấy những rung động êm đềm? Cớ sao người ta không yêu mến đồng loại và các sinh vật khác mà Hóa công đã tạo nên một cách đa tình? Cớ sao ta cứ ghen ghét nhau, hằn học nhau, độc ác, ích kỷ? Và, như thế để làm gì để một ngày kia lăn đùng ra chết!". Ông già mỉm cười, khẽ lẩm bẩm: - Thực là viển vông. Tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm tưởng cuộc đời như một bài thơ mà người ta ở với nhau như trong họ mạc cả! Họ mạc còn có khi đâm chém nhau đấy! Dứt lời, ông lại nghĩ đến cái chết của anh ông là Bàn Văn Nhị, đến mối thù sâu mà ông mang nặng từ hai chục năm trời. Mối thù ấy, vừa rồi, ông tưởng đã rửa sạch bằng máu cừu nhân không ngờ lại hỏng mất cơ hội. Ông hậm hực mãi. Vết thương trong tim hồ đóng vẩy lại sướt ra và rớm máu. Nhưng sau cái chết can đảm của Yến Xuân, cái mưu kế mà Tựu Nghĩa đã đem sang châu Đại Man, nhất là sự hối quả của Tuyết Hận dần dần làm cho ông nguôi lòng. Yến Xuân đã vì hối hận mà tự sát, thì nỗi căm hờn thù ghét nhân loại trong lòng ông đã giảm hẳn đi được một nửa. Ừ, như thế thì người đời có hỏng bất quá như trái cây mới thối có một phần! Tựu Nghĩa hăng hái đi phục thù khiến ông càng vững lòng tin rằng sự thù oán cố kết của ông là hợp lẽ, mặc dầu đã có lúc ông thấy nó lung lay trước những lời phân trần của Tuyết Hận. Chẳng thế mà chính Tuyết Hận bây giờ cũng phải hổ thẹn mà hứa sẽ lấy đầu Vạn Thắng đem về. Chắc hẳn cháu ông cảm thấy vì sự hy sinh của Tựu Nghĩa. Một người bề tôi không máu mủ còn biết thương xót tức giận thay huống hồ con rứt ruột đẻ ra? Những sự may mắn đó có thể là điềm tốt. Ông già có thể ngay từ bây giờ xoa tay chờ đợi tin mừng được. Ý nghĩ này làm cho Bàn Văn Tam khoan khoái. Ông hớn hở nhìn quanh như tìm một ai để chia sẻ sự đắc ý, nhưng đêm tối chung quanh vẫn lầm lầm bí mật, vẫn như một người bạn ngúng nguẩy quay đi. Rút cái điếu can dài, ông quay ra hút thuốc. Phải, những lúc buồn rầu hay sung sướng mà người ta chỉ có một mình thì người ta chỉ có thể có được một người bạn thân tín nhất, kín đáo nhất là cái điếu mà thôi. Mồi thuốc cháy, một làn khói tỏa thơm lên nghi ngút làm cho ý nghĩ ông già cũng nhẹ nhàng bay bổng. Một cảm giác bùi ngùi tan dần thấm dần trong miệng làm cho tâm hồn say sưa, phiêu diêu, khinh khoái... Bỗng, ông đắc chí nói một mình: - Có lẽ trong lúc này khắp thế gian chỉ có ta còn thức! Nhưng, ông già đã nhầm và ông sẽ nhận thấy mình nhầm nếu ông ra khu rừng phía Bắc, gần ngay trại quân của ông. Khu rừng tối tăm, bí hiểm lúc ấy tưởng chỉ là nơi lai vãng của hùm beo rắn rết, chứ ngờ đâu còn thấp thoáng có bóng người! Phải, một cái bóng người từ trên một cây bồ đề cao vút từ từ leo xuống, đoạn cắm đầu cúi đi... Tiếng lá cây bị giày xéo ràn rạt tới đâu, giun dế lại ngừng kêu đến đấy như ngạc nhiên kinh dị... Bóng đen cứ mò mẫm tiến lên, chắc chắn không còn ai nom thấy hoặc bắt gặp mình nữa. Hắn vừa đi vừa giơ tay ra phía trước rẽ lau vạch cỏ. Lưỡi đao trong tay lão thỉnh thoảng nhấp nhánh sáng. Chốc chốc, một con vật chạy roàn roạt làm cho bóng đen đứng dừng lại nghe ngóng... Tiếng động qua, bóng đen không thấy gì nguy hiểm lại vững dạ tiến lên. Nhưng, uỵch! Hắn vướng dây ngã. Một tiếng càu nhàu! A! Đích thị là người chứ không phải ma quái như thời khắc bấy giờ vẫn dễ làm cho người ta tin có sự phi thường. Sức cản trở của thảo mộc dần dần khiến cho bóng đen mệt nhọc vì hơi thở của hắn bắt đầu cấp bách và mạnh. Nhưng, hắn vẫn đi nhanh... Là vì, sau lưng hắn, đàn muỗi đói từ nãy vẫn đuổi theo vo vo như đàn ong. Chúng theo, theo mãi, theo chẳng khác một cái ám ảnh. Và dạn dần, chúng bay xít lại gần gáy hắn... Từ những lớp lá cây rụng chồng đống lên nhau đã mục nát, những con vắt vô hình đua nhau rúc vào trong áo, vẽ lên mình bóng đen những vết lạnh buốt làm cho hắn sởn gai tuy hắn không sợ gì cả. Đồn trại Phù Hiên đã gần... Thấy động, đàn chó trong sân cùng sủa rầm rĩ. Những con ngỗng nuôi để giúp quân canh cũng quàng quạc váng lên... Trong trại, người ta cựa mình, thức giấc... Những tiếng xì xào chạy từ miệng này sang miệng khác như một cái rùng mình... Bóng đen đứng lại. Đàn chó càng sủa già! Đàn ngỗng càng kêu to. - Những của chết tiệt! Bóng đen chưa dứt lời thì tiếng trống đã nổi vang động. Rồi, những hiệu lệnh tung ra. Trong trại đã đánh hơi thấy một sự nguy hiểm. Bóng đen ngần ngừ: tiến hay thoái? Tiếng ông già BànVăn Tam cất lên lanh lảnh: - Quân bay! Một tiếng dạ như sóng cồn. - Phòng có gian tế rình mò! Lập tức, chân người chạy huỳnh huỵch rồi một lát sau một loạt hỏa hổ bắn ra rừng, về phía chó cắn. Lửa bắn vào cỏ khô lem lém cháy, tiếng nổ nghe lép bép... Những bụi rậm, những thân cổ thụ hình thù quái gở, những đoạn dây leo to bằng bắp chân đột ngột hiện ra trong vùng sáng đỏ nom như ma quỷ hiện hình và những con trăn rắn dữ tợn... Bóng người thấy nguy, vội trèo thực nhanh lên một cây to, ôm chặt lấy nửa thân cây chìm khuất trong tối. Đàn chó dần dần bớt sủa. Ngỗng dần dần thôi kêu... Lửa dần dần tắt... Quân sĩ không thấy gì lạ, lại cùng nhau ai về chốn nấy. Sự im lặng lại bao trùm lấy sự vật. Chờ một lúc lâu, bóng đen mới thong thả tụt xuống đất. Lần này, hắn bước rất nhẹ và đi rất thong thả chứ không dám bước bạo như trước nữa. Hắn mon men về hướng Tây... Con bìm bịp chợt kêu làm cho bóng đen lại qua một lúc hốt hoảng. "Mau lên mới được! Trời gần sáng rồi!". Hắn rẽ xuống một tràn lau thấp, rồi lúc sau lại nhô lên ở một sườn đồi cao. Sương mù bắt đầu xuống... Không khí dần dần lạnh như nước... Thời khắc giao canh là lúc đêm đã gần tàn, ngày đang sắp lại. Bóng đen in rõ trên nền trắng đục nom lực lưỡng và cao to như một người khổng lồ. Hắn víu vào rễ cây, nắm lấy cỏ rậm cố leo lên tới đỉnh đồi thì trong khoảng mù mịt của sương trùm cây cỏ, đột hiện ra trước mắt hắn một khúc tre dài mà hai đầu mất hút vào khoảng xa... - Đây rồi! Bóng đen kêu lên một tiếng khẽ. Hắn ghé tai nghe: bên trong ống máng, nước vẫn chảy róc rách... Đó là cái máng nước bắc từ núi xa về tận nhà ông Bàn Văn Tam. Dân đường rừng họ không bao giờ chịu ăn nước ngòi, nước sông. Sông, ngòi chỉ là nơi để rửa ráy và cho trâu đằm. Họ lấy tre luồng đục thủng mắt nối liền lại với nhau, một đầu bắc ghé vào nguồn nước mới ở lòng đất phun ra kẽ đá, một đầu ghé vào máng ở đầu nhà. Cái máng có khi dài bằng hai ba cây số đặt lên những cái gạc bằng gốc vầu già hoặc bằng cành nhội là những thứ chịu được sương nắng lâu ải. Nhờ mẹo đó, người ta quanh năm được thứ nước trong như lọc để uống. Nước đó không hề ngâm lá cây hoặc dằm nát những thây loài vật chết. Nước ấy còn dùng để rót vào chày máy giã gạo nữa. Óc sáng chế và lợi dụng của người đường rừng đã biết lợi dụng sức vận động thiên nhiên của nước chảy. Bóng đen lại gần máng nước, khẽ tháo bỏ đoạn tre về phía nguồn đặt xuống đất. Tức khắc, nước tung tóe ra trên mặt cỏ. Hắn tháo xong, liền rút ở trong khăn gói ra một phong giấy bản lớn. Đoạn trút tuột cả thứ bột trắng ở trong gói vào máng nước đương còn nguyên trên nạng gỗ. Cúi xuống nhắc đoạn tre bỏ ghếch ở sườn đồi, hắn nối liền vào như cũ để thuốc độc có thời giờ tan ra nước và chảy về nhà ông già. Khi đã để nước chảy đủ rồi, bóng người bí mật lại tháo máng ra như lúc nãy rồi bỏ chạy. Từ lúc chó sủa, ngỗng kêu, ông già Tam tự nhiên có vẻ lo lắng. Cuộc âm mưu bí mật mà ông cảm thấy tiềm tàng quanh mình ông, trở nên cảm giác rõ rệt, ghê gớm. Trong già nửa đời người, ông đã từng quen xông pha giữa rừng tên mưa đạn, ông đã từng phen chạm trán với thần Chết, nhưng ông thực chưa biết sợ là gì. Có lẽ bởi sự nguy hiểm lớn lao từ trước vẫn hiện ra trước mắt ông, một cách rõ rệt, chính đại. Nó khác hẳn với lần này: sự nguy hiểm chỉ mập mờ lẩn lút, như một kẻ thù hèn nhát nhưng nguy hiểm. Ông không biết nó ở chỗ nào tuy ông vẫn thấy nó bất thần có thể xảy ra được. Cái trò chơi ú tim làm cho ông già rất khó chịu. Ông vùng đứng dậy, vươn vai, bước mạnh trên sàn gỗ như người đang cơn tức giận. Tiếng con bìm bịp kêu vang đâu đó làm cho ông già nhận thức rằng trời sắp sáng. Để khuây khỏa, ông tự mình lại gần khuôn bếp nhóm lửa đoạn xách ấm ra máng lấy nước vào đun. Ánh đỏ chờn vờn nhảy nhót làm cho ông già dễ chịu. Ông ngồi trước bếp để hứng lấy cái hơi ấm áp hiện ông đương cần phải có, sau một đêm sống giữa sự đìu hiu... Chợt nhớ tới bài hịch mà quân sĩ đem trình ông chiều hôm trước, ông chỉ mới xem qua, Bàn Văn Tam liền lấy ra đọc lại... Ấm nước đã sôi reo vào chờ cho ngấm đoạn sẽ rót ra chén. Khói thơm bốc lên ngào ngạt... Ông nâng chén chè nóng, nhấp từng hớp một. Hương vị tuyệt vời giúp thêm cho lòng hăng hái của con sư tử về già. Ông rung đùi, cất tiếng ngâm nga mấy câu Chinh phụ mà ông còn nhớ rõ: Chí làm trai dặm nghìn da ngựa Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao Giã nhà đeo bức chiến bào Thét roi cầu vị ào ào gió thu... Tiếng ngâm dứt, ông lại cầm chén nước thứ hai lên uống. Lòng ông dạt dào khí phách như lúc còn thanh niên... Hai chén rồi ba chén... Bỗng, tay ông đờ ra, bỏ rơi chiếc chén cổ, mắt ông trợn lên, miệng ông sùi bọt, tứ chi ông run như gà cắt tiết và sau cùng, ông ngã vật xuống ván sàn. Ngay cùng lúc ấy, một tên quân chạy lên trình lớn: - Bẩm tướng quân, Tựu Nghĩa đã chém được đầu Ma Vạn Thắng. Ông già ngoảnh cổ, ngóc đầu thét: - Thật à? Bảo nó mang lên đây, mau. Công tử cũng về đấy chứ? - Bẩm, đức công tử gặp lão tướng Tựu Nghĩa nên cũng cùng về. Một vẻ mừng rỡ phi thường hiện trên gương mặt hấp hối: - Bảo lên cả đây, mau! Ta sắp chết vì... thuốc độc!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang