[Việt Nam] Đỉnh Non Thần
Chương 1 : I
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 20:26 20-12-2018
.
Tòa thánh đất châu Đại Man đứng sừng sững bên bờ phía tây sông Gấm, trên một gò cao hình phẩm oản.
Bốn thung lũng bọc chung quanh chân gò như một cái hào thiên nhiên.
Nhà cửa dân cư vây kín bên ngoài phần nhiều là mái tranh vách đất.
Đường từ phố vào thành chỉ có một lối khuất khúc chạy đến một đoạn cầu treo men qua lòng vực thẳm, ngay phía cửa tiền.
Bờ thành cao hơn trượng, bốn cửa có bốn vọng gác, ngày đêm lúc nào cũng canh giữ nghiêm cẩn.
Trong giữa thành, một tòa nhà kiểu cung điện, mặt ngoảnh về phương nam, mái lợp ngói vẩy rồng, toàn thân bằng gỗ sến sắc hồng. Hướng nhà ấy không phải là ngẫu nhiên. Chính do cái ý ngầm nam diện xưng cô [1] của Ma Vạn Thắng.
Ma nhận thấy tình trạng trong nước nhiễu loạn, nào giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng [2], Cờ Đỏ nổi tứ tung liền cũng tự xưng làm Đại Tiết chế, lấy danh nghĩa phù tá triều đình, nhưng bản thân thì thực có chia giang sơn riêng cõi, làm tỏ mặt can trường...
Ma Vạn Thắng giấu rất kỹ cái ý mình nên các tả hữu thân tín cũng không ai biết được. Là bởi, Ma tự liệu sức mình chưa thể cùng một lúc với Hoàng Sùng Anh (tướng Cờ Vàng), Lưu Vĩnh Phúc (tướng Cờ Đen), và triều nhà Nguyễn được.
Một buổi chiều kia, mặt trời vừa lặn, Ma Vạn Thắng lên vọng lầu đứng nhìn phong cảnh.
Những chỏm núi xa trùng điệp hãy còn vương bụi nắng chiều vàng trong khi chân núi bắt đầu tan trong sương lam mờ tỏa...
Dưới lòng thung, rừng cây rì rầm như sóng bể, vang lên để rồi im hơi lặng tiếng...
Đêm ngàn trở lại với tiếng cú kêu, hùm rống, và những bí mật rợn người.
Dòng sông Gấm thờ ơ chảy, màu nước biếc xanh phủ bọt trắng ngần, nom như một tấm lam hoa bạc.
Vạn Thắng vuốt chòm râu quai nón, lẩm bẩm nói một mình:
- Làm tài trai nên có lúc đắc chí như Tào Mạnh Đức cầm ngang ngọn giáo, nốc rượu say rồi ngâm thơ trên mũi thuyền chiến ở cửa Tam Giang!... Núi Thần, sông Gấm, cảnh đẹp như tranh, ai bảo không phải là non sông riêng của ta!
Nói đoạn, Ma cất tiếng cười khanh khách, phô ra hai hàm răng bàn cuốc màu ngà cũ...
Bỗng, một tiếng kêu thăm thẳm, như lọt tự lòng đất lên khiến Ma Vạn Thắng cau mặt. Ma lắng tai nghe. Tiếng kêu bẵng hẳn. Rồi lại văng vẳng âm thầm...
Ma Vạn Thắng vỗ mạnh hai bàn tay vào nhau, gọi:
- Sẩu à!... Sẩu!...
Một người đàn ông lực lưỡng hiện ra, mình trần đến thắt lưng, bắp thịt nổi rõ dưới làn da bánh mật, ngực đen những lông như lông gấu. Cạnh sườn tay trái anh ta đeo một con dao to bản, cài trong chiếc vỏ đồng. Cặp mắt anh ta lim dim như mắt mèo, hàm răng khểnh như răng vượn già, toàn thân có cái dáng nhanh nhẹn của một con đười ươi, vẻ mặt lạnh lùng như của một pho tượng đá.
Ma Vạn Thắng hỏi:
- Nó đâu?
Mùn Sẩu giơ ngón tay trái qua vai đáp:
- Vẫn còn nguyên chỗ cũ.
- Tao vừa nghe như nó kêu thì phải?
- Vâng, chính nó kêu.
- Mày có biết ý nó lại đây làm gì và từ đâu đến chăng?
- Hình như nó từ Hà Giang về thì phải. Nó lẻn vào phố, thì thầm với tên chủ nhà trọ Nông Văn Phù một cách bí mật.
- Chắc nó là tay sai của Hoàng Sùng Anh về đây do thám. Hãy tống nó xuống hầm, đừng để lộ tai tiếng, chờ xem động tĩnh ra sao đã.
Vạn Thắng không cần phải dặn thì Mùn Sẩu cũng toan làm như thế. Đối với bọn giặc Khách, Mùn Sẩu ghét hơn ghét bệnh hủi.
- Thưa chúa công, nó sục sạo luôn luôn, tưởng có thể trốn thoát được. Lại nhiều lúc nó nằm cù rù như một con chó ốm vậy...
Vạn Thắng nhìn Mùn Sẩu, nhưng tỏ ý chán tai không muốn nghe nữa.
Cảnh chiều hôm với những núi rừng bát ngát làm cho Vạn Thắng say sưa, náo nức lên. Những tư tưởng hào hùng, những hy vọng vĩ đại dào dạt trong tâm hồn Vạn Thắng như mặt bể sóng cồn. Từng cơn gió nóng ngào ngạt mùi hương, chốc chốc thoảng vào mặt Vạn Thắng như những hơi thở nồng nàn, bí mật. Ai đó khẽ đặt bàn tay lên vai Vạn Thắng. Võ tướng quay lại, Yến Xuân đã đứng ở sau lưng chồng tự lúc nào.
Một tấm áo lụa màu chàm buông xuống gần bén gót Yến Xuân. Vội vàng từ khuê phòng bước ra, Yến Xuân chẳng kịp phấn sáp trang điểm gì cả, một mớ tóc xòa xuống ngực, lách qua dưới làn yếm nổi căng thêu mỏng. Hai má hồng hào, cặp mắt lấp lánh. Yến Xuân bảo với chồng bằng một giọng đắc thắng:
- Lưu Vĩnh Phúc về hàng với nhà Nguyễn rồi!
- Ai bảo nàng biết?
- Tôi khắc biết!
Vạn Thắng mỉm cười vì nhớ ra rằng chị họ vợ mình lấy Hoàng Tiền Đình, một tướng của Lưu.
Yến Xuân nói tiếp:
- Lưu đã được nhà vua cho ở mạn Lào Cai để cự địch với Hoàng Sùng Anh. Hắn thế nào chẳng sắp có thư mời ta cùng hợp lực với hắn để đánh Hà Giang!
- Nhưng ai dại gì đem thân dẹp đường cho hắn!
Yến Xuân cả quyết:
- Ta thể nào cũng phải giúp Lưu Vĩnh Phúc.
Vạn Thắng cau lông mày tỏ ý tức giận:
- Tại sao?
Yến Xuân cười nhạt:
- Xưa nay, Lưu - Hoàng vẫn là hai cái đinh ở trước mắt ta. Chúng nó mà hòa nhau thì ta mong gì ngóc đầu lên được! Nay tự nhiên chúng kình nhau, tức là trời giúp ta đấy. Ta phải vờ phò Lưu để diệt Hoàng vì đường lối vùng này ta rất thông thuộc. Khi Hoàng đã thua, đã chết, ta sẽ mượn tiếng làm tôi nhà Nguyễn quay lại đánh Lưu. Hai cái đinh cùng nhổ cả rồi thì một vùng từ Tuyên Quang lên tới Hà Giang chẳng thuộc về ta, còn về ai nữa. Vua tôi nhà Nguyễn có biết vậy, song còn mải chống nhau với giặc... chắc cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Ta ung dung xây đồn, lập trại, chứa lương, mộ lính, mỗi ngày một gây thêm sức mạnh để dự bị về sau. Đến lúc mọi việc đã như ý muốn, thì dù ai có biết cũng chẳng làm gì nổi ta.
Dứt lời. Yến Xuân thuật rõ cho chồng nghe tất cả những mưu chước của mình: nào xúi giục cho các tướng lĩnh của Lưu, Hoàng ghét nhau, nào thuê người do thám cả hai bên.
- Chẳng một việc gì lợi cho ta mà lại không làm. Tôi chẳng quản khó nhọc, nguy hiểm gì cả. Vì chàng, tôi chẳng đã làm hơn nữa đó ru? Tôi đã giết chồng, tôi đã bỏ con tôi giữa khi còn trứng nước!...
Ma Vạn Thắng biến sắc. Câu chuyện từ hai mươi năm qua Vạn Thắng đang cố quên đi không ngờ Yến Xuân còn động tới!
Cả một dĩ vãng lại sống lại trước mắt Vạn Thắng đẫm máu hồng...
Vạn Thắng ngoảnh mặt đi để tránh cặp mắt của vợ. Yến Xuân ngồi phịch xuống bao lan gỗ, tay ôm mặt khóc...
Nhưng chỉ giây phút, Yến Xuân đã chùi ráo lệ, hứa sẽ không nghĩ đến chuyện xưa và quả quyết rằng mình sung sướng, đoạn nàng cố nhắc lại những kỷ niệm êm đềm, những mộng thắm tươi về tương lai, những công cuộc dự bị tranh bá đồ vương phần nhiều đã như ý muốn.
Yến Xuân nhìn chồng, khe khẽ sát mình vào ngực chồng một cách nũng nịu.
Vạn Thắng đẩy nàng ra, lùi lại phía sau một bước. Mối tình mà Yến Xuân cố nhóm lại đã chỉ còn như một mớ than gần vạc. Vả lại, chính mối tình ấy đã phát nguyên ra trong lòng Vạn Thắng biết bao đau khổ, biết bao hối hận ngấm ngầm. Chính nó đã làm cho Vạn Thắng chóng già hẳn đi. Hai vai Vạn Thắng đã dần dần trĩu xuống, mái tóc đã điểm hoa râm, vòm trán đã hiện nhiều vệt nhăn như sóng gợn. Trán Yến Xuân cũng thế, cũng nhăn rồi. Hai người đối diện nhau, nhìn nhau một cách hằn thù dữ dội.
Con đường núi vào thành bắt đầu trở nên đông đảo. Từng đàn trâu bò đi nối nhau, làm vẩn bụi đường. Từng lũ dân Thổ, Mán bước nhanh vai kĩu kịt, mỗi người một gánh thóc. Đó là những dân khắp vùng châu Đại Man nhớ ngày đem lương thảo về nộp. Sự cung ứng gạo thịt ấy đối với họ - những tâm hồn chất phác và phục tùng, được coi là những bổn phận thiêng liêng. Bởi thế nên họ không phàn nàn, oán hận mà trái lại, họ còn vui vẻ, hãnh diện được mang nộp cho chủ tướng nữa. Họ vừa đi vừa hát vang lên để quên gánh nặng và dặm trường.
Tiếng hát cất lanh lảnh, xuống dần, xuống dần, ngắc ngoải, mất tăm trong tĩnh mịch lớn lao của rừng núi để rồi lại vút lên như con chim bị đạn còn gượng bay... Thực là buồn, buồn vô cùng, buồn đến tiêu mòn hết nghị lực và tấm lòng hăng hái của người ta, một cái buồn cũng khó hiểu, cũng đen tối thăm thẳm như tâm hồn bọn man dân nọ.
Giống hệt dòng thác lũ, đám người đổ dồn vào cổng thành rồi đứng lại trên mặt sân, trước thềm điện chính.
Một lão già leo lên vọng lâu mình gầy đét trong tấm vải chàm rách bướp, tay chống cái gậy trúc màu vàng.
Mùn Sẩu tuốt gươm nhảy lại. Yến Xuân hét:
- Chém!
Vạn Thắng vội quát theo:
- Không được giết!
Lão già đứng im như tượng gỗ.
Vạn Thắng vẫy tay ra hiệu. Lão già mủm mỉm cười lùi xuống chân thang.
Yến Xuân hỏi chồng:
- Sao lại không giết? Tôi biết lão thầy mo ấy, tên nó là Ké So, nó đi lại thì thọt với mấy tên gian tế của Hoàng Sùng Anh, có lẽ chực làm nội phản.
Vạn Thắng nhận cũng có biết và nghi như thế, song hãy để dùng lão thầy cúng ấy đã. Theo ý Vạn Thắng thì chưa vội gì phải giết lão. Còn như bảo lão có thể nguy hiểm được, Vạn Thắng không những không tin mà còn buồn cười là khác.
- Thôi im đi!
Yến Xuân quát lên đoạn kể lại những sự nhục nhã của nàng một hôm đi xem hội. Hôm ấy, Yến Xuân vừa cưỡi ngựa tới đám thì Ké So trông ngay thấy. Lão đứng lên một mô cao giảng to về lẽ thiện ác cho mọi người nghe, lại cố ý nói mỉa mai những kẻ phản bội như lừa thầy, phản bạn, rẫy vợ, giết chồng. Yến Xuân hổ thẹn phải quất ngựa chạy. Đằng sau, công chúng phá lên cười.
Ké So mà sống ngày nào thì mối thù của Yến Xuân còn chưa báo được. Nàng chỉ muốn sai Mùn Sẩu bắt lão trói gô lại rồi thân tự cầm dao mà xẻo từng miếng thịt lão cho hả giận.
Vậy, cớ sao Vạn Thắng nhất định không giết lão? Cớ sao Vạn Thắng cứ để cho lão sống hoài để nói xấu nói hổ nàng như một loài rắn phun nọc độc?
Yến Xuân lo sợ, chỉ e một ngày kia những lời thị phi độc ác sẽ làm chuyển lòng Vạn Thắng, rồi Vạn Thắng sẽ bỏ nàng. Đến nông nỗi ấy, nàng phỏng còn mong gì? Từ khi còn con gái, Yến Xuân đã nuôi trong lòng cái hy vọng làm bà chủ một giang sơn. Chính vì để đạt cái mục đích ấy nên Yến Xuân đã xúi Vạn Thắng giết chồng cũ nàng là Bàn Văn Nhị, và bỏ một đứa con trai mới đẻ, theo Vạn Thắng về châu Đại Man. Nhờ sự bội phản của Yến Xuân nên Trung quân Tổng thống Đoàn Thọ của Nguyễn triều mới dẹp yên được vùng Tuyên Quang và Vạn Thắng mới được nhà vua tin cậy.
Yến Xuân rít lên:
- Tôi theo chàng là cốt tìm lấy một bậc anh dũng để nương nhờ...
Vạn Thắng điềm nhiên nói ngắt:
- Thì nơi nương tựa này đáng tin chớ sao?
Yến Xuân run người, cảm thấy máu của dòng vũ tướng Lương Văn Lợi (đồng đẳng của Bàn Văn Nhị trước) sôi nổi lên trong huyết quản.
- Nhưng chàng hèn nhát lắm, chàng nhu nhược lắm! Ké So nó nhục tôi, chàng không cho giết. Bọn dân hỗn xược dám nhạo báng tôi, chàng cũng để yên, tôi còn nhờ cậy chàng được việc gì?
Vạn Thắng làm thinh giả điếc. Y vịn vào bao lan, nhìn đám đông lòe loẹt ở dưới sâu, giữa những cuôi gạo lót lá dong và những con trâu, con bò thản nhiên, trầm mặc.
Ánh sáng mỗi lúc một nhạt...
Trong công đường, bọn lính đã bắt đầu nổi trống mõ thu không...
Bỗng, con thị tỳ hớt hơ hớt hải chạy lên.
Vạn Thắng và Yến Xuân cùng hỏi:
- Cái gì mà bay như kẻ mất vía vậy?
- Bẩm, nàng Nhạn đi săn chẳng biết sao mãi bây giờ chưa về.
Vạn Thắng hoảng sợ vội hỏi:
- Đi tự lúc nào?
- Bẩm, đi từ lúc đứng bóng.
- Đi ngựa hay đi chân?
- Đi ngựa.
- Có đứa nào theo?
- Bẩm có hai tên Nọong Phù và Dưỡng theo hầu, cũng như mọi khi.
- Nàng ra cửa tiền hay cửa hậu?
- Bẩm, ra cửa tiền.
- Mùn Sẩu!
Tên hộ pháp lại hiện ra.
- Mày có trông thấy nàng đi về phía nào không?
- Bẩm có. Con có thấy nàng đi về phía đền Âm Hồn.
Vạn Thắng quay ra phía trước dịch lâu, nhìn con đường khuất khúc.
Ánh sáng đã tắt dần. Nhiều ánh đèn của nhà dân đã bắt đầu le lói sáng.
Vạn Thắng giương to hai mắt sắc như mắt vọ nhìn bới móc đằng phía trước. Con đường vẫn vắng tanh. Những con dơi bay thấp thoáng quanh đầu Vạn Thắng trăm nghìn ý nghĩ tối tăm, rối loạn...
Yến Xuân hậm hực vớ ngay lấy dịp để nghiến ngẩm chồng:
- Hừ! Đã bảo có nghe đâu! Chả cứ chiều con gái mãi vào! Trường xác mười chín hai mươi tuổi đầu còn giong giả hết săn lại bắn... Thời buổi thì nào có bình yên gì cho cam: giặc cướp như ong, mà cứ ra khỏi nhà luôn thế lo ngại chẳng bị nó bắt đi rồi ấy à!
Vạn Thắng càng lo sợ và càng gắt bẳn:
- Mùn Sẩu! Sai đóng mười con ngựa và xuất mười tên giáp sĩ đi về phía đền Âm Hồn tìm xem. Nếu không thấy, cho phép mày cứ sục khắp nhà dân, bất kỳ đứa nào có dáng tình nghi đều bắt cổ nó về đây cho ta!
Yến Xuân không thấy Vạn Thắng để ý đến lời mình nói, lấy làm căm lắm. Nàng vùng vằng xuống khỏi dịch lâu.
Mùn Sẩu vâng lệnh chủ tướng, lập tức xuống trại điểm quân và sai đóng ngựa. Chỉ loáng cái, cửa thành đã mở rộng, đoàn dũng sĩ đã kéo nhau ra...
Nhưng, cùng lúc ấy, Vạn Thắng vụt hét to:
- Hãy thong thả xem cái gì kia đã!
Quả nhiên, từ đầu đường xa, một bóng người đương cúi rạp xuống lưng con ngựa bạch, phóng như bay lại...
Bóng người mỗi lúc một gần.
Trong cái yên lặng của hoàng hôn, tiếng vó ngựa phi nghe đã rõ...
Nhưng, đó chỉ là một người đàn ông!
- Quái! Không phải! Người nào trông lạ lắm!
Vạn Thắng hồi hộp, bứt rứt, không thể đứng yên được nữa liền chạy tốc xuống cổng thành!
Người lạ cũng vừa tới nơi. Chàng gò cương nhảy phắt xuống đất, tay bế một người con gái.
Vạn Thắng lạnh toát người như bị nước dội, trái tim tựa hồ đứng sững lại.
Chàng trai trẻ cúi chào và hỏi:
- Tôi muốn gặp Ma đại nhân.
- Chính tôi! Trời ơi, con gái tôi làm sao thế này?
- Bẩm đại nhân, tiểu thư bị thương, máu chảy nhiều quá nên ngất đi...
Vạn Thắng nhìn cái áo lụa bạch của con gái và áo gấm ngắn màu lam của khách lạ thì quả nhiên ướt đẫm máu hồng.
- Sự thể làm sao lại như thế được?
- Xin đại nhân hãy cho vào trong nhà để buộc lại vết thương cho tiểu thư đã.
Vạn Thắng khen phải liền đi trước dẫn đường.
Khỏi cổng... Qua sân rộng... lên thềm.
Cánh cửa mở toang ra như bị gió thốc. Tiếng xôn xao, tiếng bàn ghế bị xô dịch làm cho tòa lâu đài nhất đán trở nên ồn ào rối loạn...
Chàng trai trẻ êm ái đặt thiếu nữ lên cái mặt sập giữa nhà, Vạn Thắng lập tức cho gọi lương y đến và chỉ một lát sau, vết thương của thiếu nữ đã được rửa ráy, buộc lại thuốc cẩn thận.
Vạn Thắng mời chàng trai trẻ ngồi và bấy giờ mới kịp để ý nhìn chàng.
Trạc độ ngoài hai chục tuổi, khách có một khuôn mặt rất khôi ngô. Màu da chàng hồng hào; cặp mắt chàng đen láy; mũi chàng thẳng; môi chàng dày, đỏ thắm; hàm răng đều và trắng bóng như ngọc trai.
Chàng trai trẻ cuốn trên đầu một vuông khăn chéo màu nhiễu lam càng tôn sắc mặt. Mình mặc cái áo gấm lam ngắn rộng tay, chân đi giày cỏ. Dưới vạt áo, thấp thoáng một thanh gươm cổ.
- Tráng sĩ từ đâu lại và vì sao tiện nữ lại bị thương như thế?
- Bẩm đại nhân, tôi xin người cho phép tôi được miễn xưng tên họ. Tôi chỉ là một kẻ vô danh nay đây mai đó mà thôi. Vừa rồi, lúc tôi qua Rừng Cấm có chút việc, tôi bỗng thấy tiểu thư nhà đương đánh nhau với bọn giặc ở ngay cạnh hai cái xác chết!...
- Ồ! Giặc nào dám cả gan như vậy nhỉ?
- Bẩm đại nhân, chúng nó đều là người Khách, có lẽ quân Cờ Vàng.
Vạn Thắng giật mình:
- Quân Cờ Vàng?
- Chắc thế. Chúng vây quanh lấy lệnh tiểu thư và toan bắt sống. Tiểu thư chống cự cũng giỏi lắm, song cánh tay bị thương nên có nguy cơ. Tôi chợt đến nơi, liền xông vào đánh giúp thì may sao giết được cả bốn đứa, duy chỉ một mình tên Mán già chạy thoát mà thôi.
- Hoài của! Chẳng hay nó chạy về phía nào?
- Lão lê gậy trúc lẩn vào rừng mất...
- Nó cầm gậy trúc?
- Bẩm vâng!
Cặp lông mày chổi xể của Vạn Thắng cau lại, hai mắt hắn quắc lên. Hắn quay đầu gọi:
- Mùn Sẩu!
- Dạ.
- Gọi Ké So vào đây, mau!
Mùn Sẩu đâm xổ ra ngoài một lúc lâu mới trở lại, mặt cắt không còn giọt máu.
- Bẩm đại nhân Ké So biến đâu mất rồi, con tìm mãi không thấy!
Vạn Thắng đấm mạnh xuống bàn làm cho đọi đèn ụp đổ, ngọn lửa tắt, trong nhà tối om.
- À, quân phản tặc! Tao thề nhai xương quân phản tặc phen này!
__
Chú thích:
1. Ngoảnh mặt về phía Nam mà xưng làm chúa.
2. Xem Bóng cờ trắng trong sương mù đã đăng trong Phụ bán nguyệt san.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện