[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 7 : Mưu sâu của cụ Bá

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 18:28 08-01-2019

.
Một hôm, vào khoảng 23 hay 24 tháng chạp, bác phó ta đang loay hoay trong bếp, bắc lên chiếc nồi to trét lại ống rấm để nấu thêm một nồi rượu bán Tết bỗng có tiếng người gọi cửa. Bác vội vàng chạy ra thấy một người ra dáng gia bộc nhà ai đầu đội thùng gạo, tay xách cặp gà, nhanh nhảu nói rằng cụ Bá Kim Sơn sai lại biếu. Bác phó kinh hoảng, ngơ ngẩn hồi tưởng những lúc mình còn làm phó lí ở làng mình cũng chưa hề có cái hân hạnh được ai lễ tét phong hậu như thế, huống chi bây giờ mang thân nghèo khổ, kí ngụ tha hương. Hay là người ta đi lầm nhà chăng? Nhất là đôi bên không có bà con, không hề quen biết, cũng không có ân tình gì với nhau, mà chánh tổng đương thứ một tổng tự nhiên biếu tết một lão hàng rượu như bác càng khiến bác hoảng hốt và một hai lần cầm chắc là tên gia bộc đã đi sai đường lầm ngõ. Nhưng tên gia bộc cứ bình tĩnh đặt thúng gạo lồng gà xuống tử tế rồi móc túi lấy ra một tờ giấy hồng điều có viết sẵn ba chữ tên trao tay cho bác phó và thưa bẩm lễ phép: Cụ Bá tôi dạy nhân dịp Tết sắp đến nơi, gọi là có cặp gà thúng gạo làm quà, sai tôi đem đến biếu hai ông bà xin ông bà nhận cho. Trong khi bác phó còn đang ngơ ngẩn, tần ngần thì tên gia bộc đã vái chào và rảo bước đi ra thật mau rồi hút bóng đằng nào mất rồi, bác phó không kịp nói gì cũng không kịp gọi lại để phân trần hắc bạch gì cả. Nhà sẵn túng nghèo, năm hết Tốt đến, được cặp gà thúng gạo tự nhiên cho gia đình mình ăn Tết phong vận kể ra như một sự may mắn trời cho, ngoài hẳn sự tưởng tượng của bác. Nhưng bác lo ngay ngáy, vì không duyên cớ, có thể tưởng là người ta đánh bẫy gì mình đây thì khốn. Chiều lại, trước mặt vợ con đông đủ, bác đem việc lạ ấy ra bàn tính mãi, rồi lấy hột cơm dán tờ danh thiếp lên trên vách, còn gà với gạo vẫn để y nguyên, tuy trông nhà thèm cũng đành, không dám động đến. Trong ý bác tính để đấy sáng mai, chiều hôm gì chính bác thân hành đem giả lại người ta. Việc này chẳng lẽ nào sai vợ sai con đi, bất tiện. Nhưng bác còn bận hàng Tết, không thể đi ngay được. Thị Lan chắc hiểu sự tình ẩn khúc đó ra sao, song phải làm lơ như không biết, mà kể sự thực cũng khó nói ra. Nàng chỉ bảo cha: Người ta đã biếu nhà mình thì nhà mình ăn, việc quái gì phải đem giả lại, hở thầy. Có đi có lại mới toại lòng nhau, thì mình đem biếu họ một hũ rượu cho ngon cũng thế. Bác Phó lắc đầu: -Mày còn trẻ con biết gì mà nói. Thế ngộ người ta lập tâm đánh bẫy gì đấy với cặp gà thúng gạo này thì có khổ không. Lan không nói gì nữa, lủi thủi vào bắc nồi cám ra quấy cho lợn ăn. Nàng thầm biết lão chánh Kim Sơn quỷ quái dụng tâm, chắc hẳn một lần nàng vào nhà ông bán rượu ra về, ông đã cho người đi theo hút đàng sau đến tận nhà nàng mà nàng không ngờ. Vì đó gà, gạo mới biết nơi mà đến. Tuy ban đầu bác Phó định bụng đem gà gạo ấy trả về nguyên chủ, nhưng sau có lẽ bác nghĩ thầm rằng con gái mình nói cũng phải, họ giàu mình nghèo, họ cho thì cứ việc ăn, cũng đỡ tốn được một món tiền Tết cho nhà mình, việc quái gì phải khách khí chối từ. Thành ra luôn mấy hôm sau, thúng gạo để trong góc nhà mỗi bữa khuyết đi một vài đấu, bác Phó chẳng nói gì. Đến cặp gà, tối hôm ba mươi, hai dì cháu Lan cắt tiết vặt lông một con để cúng giao thừa, còn lại một con, qua ngày mùng một xử tử nốt. Thêm với mấy quan tiền thịt lợn và dăm bảy chiếc bánh chưng, thế là cái Tết của gia đình bác Phó cũng tùng tiệm phong lưu mà lại đỡ tốn tiền nhà được đến quá nửa. Hôm mùng một, cúng ông bà ông vải rồi, bác lấy cặp chân giò gà ngồi xem tẩn mẩn - vì bác cũng thạo về môn dị đoan này ít nhiều - thấy móng giò co quắp không đều, vả lại những tia đen lộ ra nhiều quá, bác chắt lưỡi và nói nhỏ một mình: Quái! Điềm gì thế này? Rồi lát nữa, bác ngồi gật gù nhắm rượu của nhà với cặp chân giò ấy luôn cả đầu gà cánh gà, nhai nghe rau ráu, dòn tan; con cún ngồi hếch mõm trông lên chẳng thấy ông chủ năm mới mừng tuổi cho nó cái xương nào. Sang ngày mùng ba, xương cặp chân giò đã tiêu hóa tám đời rồi nhưng mà những tia đen của nó thì vẫn còn băn khoăn ghi chép ở trong tư tưởng bác Phó chưa phai. Ngồi khoanh tay bó gối, suy nghĩ vẩn vơ, rồi sự thực tế đánh thức bác phải nhớ lại hôm nay còn có mấy giờ nữa là xong tết nhất, ai nấy đều trở lại cuộc lo sinh sống hằng ngày. Bác vội vàng xuống bếp, cặm cụi sửa soạn cái nồi, cái hũ để cất một nồi rượu năm mới cho cái Lan ngày mai đi chợ mở hàng. Giữa lúc ấy có tiếngnhạc ngựa nhong nhong dừng lại trước cửa nhà bác Phó. Bác từ trong bếp hấp tấp chạy ra xem ai không ngờ là khách vào nhà mình. Khách ra vẻ hào hoa chững chạc, đầu đội nón lông dải lụa buông thò dưới ngực, mình mặc áo bông nhiễu, khuy hổ phách, chân đi giày Tàu, bi tất trắng. Sau lưng có người đội nón dứa, ôm điếu tráp theo hầu. Hai thầy trò ung dung bước vào trong nhà. Trước khi chủ nhân chưa kịp chào mời câu nào, khách đã tươi cười nhanh nhẩu nói: Nhân dịp tân xuân tôi xin đến mừng tuổi ông và chúc ông năm nay đắc tài sai lộc, vạn sự như ý. Thuở nay chỉ quen tiếp những khách khứa bình thường với lối xã giao giản dị, giờ đột nhiên có một quí khách như thế đến nhà, nhất là một vị khách lạ chưa từng biết tên gặp mặt bao giờ, khiến cho bác phó ngờ ngàng, lính quýnh. Đến nỗi bác chạy vào trong buồng, tí nữa vấp ngã, vớ lấy khăn đen áo dài vừa mặc vừa run ra chiều lúng túng. Bác cung kính mời khách tạm ngồi trên bộ phản thấp, giải chiếc chiếu đã cũ sờn cả bốn góc. Sa-lông tiếp khách của nhà bác đấy. Nhà lại chẳng có tôi tớ con trai nào mà sai bảo, chính bác phải rửa qua bộ chén sứt mẻ và cáu ghét chè tươi lâu đời để pha một ấm trà ô long thết khách. Khách uống một hớp rồi đứng dậy sửa khăn áo như người sắp từ biệt ra về; bác phó ân cần nói: -Mời ngài hãy ngồi chơi thư thả xơi cạn chén nước đã. Mấy khi nhà chúng tôi có phúc may được thừa tiếp quí nhân. Bác lầm. Khách chưa từ biệt. Khách sửa lại chữ nhân ở nếp khăn cho ngay ngắn, vừa đi ra trước bàn thờ vừa nói: -Xin ông cho phép tôi làm lễ gia tiên. -Sự ấy thực chúng tôi không dám nhận, xin ngài thứ đi cho. -Theo lễ phép tiền nhân phải thế, ông cứ để tôi tự tiện. Thế rồi khách lễ bốn lễ rất kính cẩn. Bác phó đứng bên vái ba vái để tạ ân. Cử chỉ tử tế của khách càng làm cho bác lúng túng thêm. -Thế này thì không phải, xin lỗi ngài cho chúng tôi được biết quí tính cao danh và tôn phủ ở đâu để chúng tôi đến đáp lễ mới được. Khách cười: -Xin ông miễn thứ cho tôi thật quá đường đột. Tên tôi đã viết trên vách kia kìa. Khách chỉ vào tờ danh thiếp bằng giấy hồng điều mà bác phó đã trân trọng dán trên vách hôm nọ. Bác phó giật mình: -Chết nỗi! Thế ra ngài chính là cụ Bá Kim Sơn mà không chịu nói ngay cho biết, để chúng tôi sơ suất trong việc nghinh tiếp, thật là đắc tội với ngài nhiều lắm. Bấy lâu vẫn nghe danh ngài, nào ngờ hôm nay được ngài hạ cố rồng đến nhà tôm. . . Quả thế, khách chính là ông chánh tổng đương thứ Kim Sơn mà chúng ta đã biết. Ông cười và ngắt lời bác phó: Xin ông chớ dạy quá lời. Quân tử kết giao với nhau có phân biệt gì giàu nghèo, quí tiện. Giờ ông mới biết tôi nhưng tôi đã từng hỏi thăm người ta mà biết ông cũng là con nhà hàn nho, danh giáo, trong lòng chứa chan ngưỡng mộ, vẫn muốn làm quen đã lâu. -Đa tạ ân ngài chiếu cố. -Vả lại tôi là một khách hàng rất chuộng mùi rượu của ông mà ông chưa biết đấy thôi. -Chẳng qua nghề nghiệp quen tay có gì mà được ngài quá khen đến thế. Hôm nay tôi cốt đến làm quen với ông, thể cũng là chúng ta nhất kiến như cựu rồi. Để mấy hôm nữa tết nhất cho qua, tôi sẽ đến xin ông một người sang bên nhà tôi truyền nghề nấu rượu thì quí hóa biết mấy. Bác phó ta thật thà, vô tình không hiểu câu nói có nghĩa bóng bẩy chỉ liên thanh đáp: -Xin vâng! Xin vâng! Sau khi quí khách lên ngựa đi rồi, Thị Lan mới thò mặt lên nhàtrên: -Chính ông ta mấy phiên chợ Kim Sơn gọi con vào trong nhà mua trút cả gánh rượu đấy, thầy ạ! Bà kế mẫu nàng cười ha hả: -Thôi thế thì phải rồi, ông ấy muốn cưới cô đấy! Hèn nào trong năm tết gà với gạo, hôm nay đến lễ giường thờ và mừng tuổi. . . ông bố vợ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang