[Việt Nam] Cô Tư Hồng
Chương 6 : Túy ông chi ý bất tại tửu
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 18:28 08-01-2019
.
Trời vẫn còn mưa lâm râm, cảnh vẫn u ám, chưa thấy có vẻ gì tạnh ráo hửng nắng lên được. Những bước chân, nghe tiếng láp nháp, càng như cày bùn lên bẩn thỉu lầy lội thêm. Tuy vậy, số người đi chợ cũng đông. Các bà nhiêu, thím lí mua sắm đồ ăn thức dùng rồi, phần nhiều không quên tìm đến mấy gánh bán rượu để mua năm ba tiền một quan về cho bố đĩ nó ở nhà. Nhưng họ tìm mua ở mấy gánh rượu quen biết xưa nay; không ai để ý tới một cô hàng rượu mới nhập tịch mà có lẽ rượu còn ngon hơn không chừng.
Thành ra Thị Lan chỉ ngồi suông; cặp mắt đầy vẻ lo nghĩ, lúc thì trông lên thấy thiên hạ qua lại mua bán tấp nập, lúc thì trông xuống để phòng bị kẻ cắp và thấy hai hũ rượu của mình vẫn còn đầy nguyên. Một quán bán thịt chó cách chỗ nàng ngồi mấy bước, vài cụ lí già với một cậu nho trong huyện đang ngồi khề khà đánh chén và bàn bạc về lá đơn sắp sửa vào hầu quan buổi chiều. Trong lúc gật gù chén chú chén anh, họ đảo nhân trông thấy con bé bán rượu có dáng hay hay bèn gọi mua nếm vài nậm để họ đưa cay cho hết đĩa dồi chó. Ấy, từ sáng sớm đến giờ, nàng mới bán được có thể thôi, trong khi các gánh rượu kia đã sắp lật đít hũ chồng lên quẩy gánh ra về.
Nàng lo quá, không khéo đến phải nguyên gánh trở về, làm sao có tiền để đong gạo và mua mớ rau, mớ tép đem về, theo lời ông bố căndặn lúc ra đi. Nhất là buổi đầu buôn bán chẳng may, nàng nghe như tinh thần không được khoan khoái.
Bỗng, tên gia đinh theo hầu vị trưởng giả ban nãy mà nàng còn phảng phất nhớ mặt, đội nón lá, khoác áo tơi, như có vẻ tất tả vội vàng đến trước mặt nàng, vừa thở vừa nói:
-Cụ. . . cụ Bá bảo. . . bảo tôi ra chợ gọi cô gánh rượu vào trong nhà mà bán. Tôi sợ cô về đâu mất rồi, tôi chạy bán sống bán chết.
-Nhà cụ Bá ở tận đâu kia, bác?
-Ở ngay trong làng này. Đứng đây trông thấy cổng gạch ở đầu làng kia kìa.
-Thế bác dẫn đường giùm tôi nhá.
Nói xong, nàng đứng phắt dậy, đặt gánh lên vai, đi theo tên người nhà ấy. Chưa biết vào đây sẽ bán được bao nhiêu, nhưng nàng nghĩ ngồi suông ngoài chợ vô ích, chẳng thà gánh vào trong làng bán rong may ra được nhẹ bớt gánh mà về sớm cũng tốt.
Nàng đi ra khỏi chợ rồi, không được nghe thấy mấy chị em bạn trong chợ ngồi nói chuyện gẫu và cười khúc khích với nhau:
-Tôi đố chị biết đấy, chị Cong.
-Biết cái gì? Ơ, cái Tý sao hôm nay hí hửng tệ; mày ngồi phải cọc rồi đấy, phải không?
-Cụ Bá gọi cái Lan đem rượu vào tận trong nhà bán chẳng phải là sự vô tâm đâu. Ban nãy tôi thấy lão ta đứng mà mắt nhìn vào mặt cái Lan tròng trọc không chớp. Giờ lại sai chú trương tuần ra gọi. Lại đây xem lại cho gần, phỏng tin được một vài phần hay không? Ý hẳn thế đấy, chị ạ.
-Gớm! Cô lại Kiều lẩy nữa. Rõ thấy người ta gọi cái Lan chứ không gọi mình, thì lồng ngay lên.
-Thôi, chị ơi! Em chả có phúc làm vợ bé Chánh tổng đâu.
-Hai cô cùng cười và trông theo Thị Lan thì nàng đi khuất đã xa rồi.
Phải, người trưởng giả đã can thiệp vào việc con mẹ hủi nói hỗn với cô hàng rượu và bây giờ gọi cô vào tận nhà để mua rượu, chính là ông Chánh tổng bá hộ ở tổng sở tại Kim Sơn. Ông góa vợ vài ba năm nay, con cái đã phương trưởng, nhà giàu có nhất nhì trong vùng, nhưng được cái tính khí hiền lành, khiêm tốn, nguyên là nhà nho mấy khoa đạp phải vỏ chuối rồi phá ngang, thành ra không có cử chỉ hống hách như các bác cường hào chính hiệu.
Thị Lan theo chú trương tuần dẫn vào tới trước cửa nhà ngang; ông chánh đang ngồi trên góc bộ ngựa giải chiếu cạp đỏ, điếu tráp để bên cạnh; một tên người nhà vừa bưng mâm cơm lên đặt vào chính giữa. Thấy cô hàng rượu vừa đặt gánh xuống, ông vui vẻ hỏi ngay:
-Nào, rượu của nhà cô nấu có ngon không? Cam đoan nguyên chất chưa pha tí nào đấy chứ?
Ý chừng ông thầm nghĩ câu hỏi "nguyên chất" của mình có ý vị hóm hỉnh, ranh mãnh và lấy làm thích chí cho nên thấy ông vuốt mấy sợi râu mép rồi nghiêng cặp mắt cá ngão vừa nhìn cô hàng rượu vừa cười một cách có hơi khả ố.
Nàng quê mùa chất phác, vừa mới nhớn lên đâu đã hiểu nổi những tiếng ngân ở ngoài sợi dây đàn là gì; mặc ai bóng gió, nàng cứ thật thà có sao nói thế:
-Bẩm cụ, rượu nhà cháu bao giờ cũng nguyên chất, cụ thử xơi một chén thì biết ngay.
-Thế cô cho tôi "thử" tí xem nào!
Nàng múc rượu đổ đầy trong một chiếc nậm long ám do tên người nhà đem ra; ông chánh rót vào một chén hột mít, cong môi uống cạn một hơi rồi gật gù nói:
-À, rượu cô ngon thật.
-Đấy, cụ xem cháu có dám nói sai đâu. Các cụ ở tổng dưới, hôm nào cũng cho người nhà lên tận nhà cháu để mua.
-Tôi mua cả gánh, cô có bán không?
-Cả gánh là thế nào cơ?
-Nghĩa là rượu trong hai hũ kia còn lại bao nhiêu, tôi mua hết cho
-Vâng, cháu xin để hầu cụ hết.
-Thế bao nhiêu tiền cả thảy?
-Nãy ở ngoài chợ, cháu mới bán có một ít thì cụ sai gọi; đây còn đến tám quan sáu tiền, bẩm cụ lấy hết cho nhà cháu hay thế nào?
-Phải, đến mấy chừng ấy nữa cũng được.
Tức khắc ông báo người nhà đếm đủ tám quan sáu tiền trả cho nàng rồi nói ân cần:
-Rượu ngon thế này tôi thích lắm, lại được người bán rượu là cô, thành ra lưỡng toàn cả người lẫn rượu. Từ nay, mỗi bận ở nhà bắc nồi rượu lên, cô phải nhớ đển phần tôi nhớ. À, mà nhà cô ở đâu ta nhỉ?
-Bẩm cụ, nhà cháu ở xa lắm.
-Tôi dặn cô từ sau trở đi, mỗi lần có gánh rượu đi chợ Kim Sơn thế nào cũng phải rẽ vào nhà tôi cho tôi mua trước đã nghe.
-Vâng ạ.
Thị Lan trở ra vừa tới ngã ba đầu làng thì gặp cái Tý và ba bốn chị em nữa ở chợ ra về. Chị em lại nhập bọn đi về cùng đường với nhau.
Tý vồn vã hỏi Lan:
-Cụ Bá mời mày ở lại ăn cơm hay làm trò trống gì mà lâu quá thế. Tao có ý đợi mãi ngoài chợ không thấy mày ra nên tao đành quảy gánhvề đây.
Lan đáp:
-Người ta mua cả gánh, còn rượu đâu mà trở ra chợ.
-Úi chà! Rồi họ mua cả người nữa kia đấy. Lão Bá này đa tình có tiếng, đã cưới hai ba cô vợ lẽ mà chẳng thấy cô nào ở được lâu. Mỗi cô chỉ ở được dăm ba tháng lại bước. À mà tao hỏi câu này mày nói thật nhá; lão có dò la hỏi thăm nhà cửa mày ở đâu không?
-Điều ấy thì có, nhưng tao chỉ nói tao ở xa.
-Thế thì tao đoán giỏi thật. Lão trông thấy mày xinh xinh, lại định tòm tèm cưới mày về làm nàng hầu cho mà xem.
-Lan nhoẻn miệng cười, toan nói gì đó nhưng chưa kịp nói thì một người trong bọn đã xen vào câu chuyện:
Nhân tiện nói đến nàng hầu vợ lẽ,tao nhớ chị cả con bà cô ruột tao, hồi đó có một ông Lý cựu ở tổng trên, nhà cấy hàng trăm mẫu, chịu dẫn hai trăm quan tiền, một đôi lợn, mười gánh gạo nếp để cưới chị về làm hầu nhưng chị nhất quyết không chịu. Chị ta bảo thà lấy thằng cu, bố đĩ mà chồng một vợ một còn sướng hơn làm nàng hầu vợ lẽ nhà giàu, chỉ như đứa ở không công, mà lũ cô chiêu, cậu ấm bên chồng hành hạ cũng đủ khổ. Thế rồi chị ta nói dối ở nhà gánh vải lên tỉnh bán, đi tuốt ra ngoài Phòng, loay hoay thế nào vớ được chú Khách chủ hiệu, sung sướng đáo để. Độ nọ mới về thăm nhà, tao thấy mặc áo nhiễu đi dép cong, vấn tóc đuôi gà, trẻ đẹp khác hẳn lúc trước. Tao nghĩ hay là ở chốn tỉnh thành dễ làm ăn và dễ kiếm chồng hay sao không biết?
Cái Tý chắt lưỡi:
-Điều đó chắc phải nhờ phúc đức và sự khôn ngoan của từng người. Các cô trẻ ở vùng ta xuôi Nam, ra Phòng thiếu gì, hỏi ra phần nhiều đi ở nhà thổ hay là vú bõ, nhiều ả lúc về chẳng có lấy hai manh áo. Tao tưởng cứ ở đâu quen đấy, buôn bán tần tảo mà sống vô tai, vô tiếng còn hơn.
Mặc kệ chị em bạn cãi vã với nhau hết chuyện này sang chuyện kia, Thị Lan cứ lủi thủi đi từ đấy cho về đến nhà không xen vào nửa lời nào hết. Nhưng biết đâu câu chuyện phất phơ của chị em chẳng là những cái móng sắc đã in vào trong khối óc nàng còn đang non và mềm như miếng sáp ong; biết đâu nó chẳng lưng lay đánh thức một ý nghĩ gì bấy lâu nằm ngủ ở trong đáy lòng mà sau này sẽ có ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nàng?
Phiên chợ mở hàng, bố chúc cho con buôn may bắn đắt, thì ra được buôn may bán đắt thật. Cô ả mừng quá, quên cả việc phải rẽ vào chợ đong gạo mua đồ ăn theo lời bố dặn. Nhưng ông bố cũng mừng, vì thấy con ở chợ về với đôi hũ đựng rượu chổng đít lên trời, thành cũng quên cả việc mình đã dặn mà con không làm theo. Bấy giờ cha con, dì cháu mới tíu tít, kẻ đi kiểm quanh lấy cái ăn, người vào trong xóm đong gạo đề thổi nấu bữa cơm trưa; thế mới biết gia đình này thật là túng bấn, ngày nào chạy ăn ngày ấy. Có lúc vợ quá lo nghĩ thở than, bác Phó khéo tìm cách an ủi:
-Bu nó đừng lo, đất có tuần, nhân có vận, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Giờ nhà ta có cái Lan đã lớn khôn, buôn bán đỡ đần, thế là cái vốn to của nhà ta đấy; đã có vốn tất phải có lãi, việc quái gì mà lo.
Thật thế, giờ Lan bắt đầu đứng làm trụ cột cho sự sống một nhà bác Phó ỷ thác vào một cách trọng yếu.
Qua phiên chợ sau, nàng lại gánh rượu từ nhà đi cùng một bọn chị em quanh xóm, nhưng đến chỗ ngã ba gần chợ thì nàng từ biệt họ:
-Vô phép các chị, để tôi rẽ vào nhà ông chánh một tí nhá.
Cả bọn nháy nhau cười ồ lên:
Thôi, đích thị cô ả ăn phải bùa cùa lão Bá Kim Sơn rồi. Coi chừng bộ râu lão ta nhọn như chổi xể đâm vào cái má phình phình kia chắc dễ chịu lắm đấy nhé!
Tuy nghe rõ nhưng Lan cứ giả điếc đi thẳng. Vào tới nơi, ông chánh vừa mới ngủ dậy, khoác chiếc áo bông, đang ngồi gật gù với ấm nước trà tàu, khói tỏa lên cao trước mặt. Thấy cô hàng rượu đặt gánh ngoài thềm, nét mặt ông tươi tỉnh ngay, nói cười ròn rã:
Cô hàng quí hóa thật, biết nhớ lời ước hẹn đấy. Hôm nay cũng rượu nguyên đấy chứ? Cả gánh bao nhiêu tiền, lại bán hết cho tôi.
-Bẩm cụ, kì này rượu nhà cháu ngon lắm, hai hũ còn nguyên, cụ dùng hết thì xin cụ cho nhà cháu mười quan ạ.
-Ồ! Bao nhiêu thì bao nhiêu cô muốn điều gì dẫu có khó khăn đến đâu chăng nữa, tôi cũng không ngại, nữa là mười quan tiền.
Thế rồi ông gọi ngươi nhà đem chiếc vò ra trút rượu và đếm đủ số tiền trả cho Thị Lan, chẳng kèo nài gì cả. Ông lại gọi trẻ lấy trầu ra mời nàng ăn và ân cần dặn với nàng khi nàng quảy gánh ra gần đến ngoài cổng:
-Cô nhớ lần sau lại rẽ vào đây trước nhá.
Đến phiên chợ sau cũng thế, nàng gánh rượu vào nhà ông chánh, lại được bán trút cả gánh rồi về sớm, khỏi phải ra chợ bán từng gáo từng giuộc, lặt vặt mất công. Vả lại mỗi lần nàng nói bao nhiêu tiền, ông đếm trả ngay bấy nhiêu chẳng hề chê đắt rẻ hay bớt đi một đồng kẽm nào. Nếu như nàng tham lam nói nhiều gấp đôi gấp ba đi nữa chắc ông cũng vui lòng trả tiền không chút ngại ngùng.
Thành ra mấy lần tiếng thì đi chợ, nhưng nàng chỉ gánh rượu đến nhà ông chánh bán hết rồi lại về ngay. Đến nỗi bọn chị em nghe nàng bán được món hời như thế, họ phải đâm ghen, đâm tức, lại càng thì thầm bàn tán thị phi:
-Này, chị thử nghĩ mà xem, ý hẳn là có thế nào, chứ đời thuở nhà ai cứ mấy ngày lại mua một gánh rượu, có họa tắm gội bằng rượu cũng chẳng hết.
-Ối chà! Cô ả thấy người ta có tường hoa sân gạch, lúa đụn trâu đàn, lại làm ông này ông kia mà đang góa vợ nữa thì cô ả thích mê đi chứ gì.
-Tao bảo là nó bán trút cả xác nó nữa chứ không phải gánh rượu mà thôi đâu. Sao không ai thử nhìn kĩ xem bộ tịch nó mấy hôm nay đổi hẳn, có hơi giai vào có khác.
Chỉ là một sự buôn bán gặp may của nàng, mà bọn chị em ghen ghét miếng ăn, nỡ gia cho những tiếng bấc chì gớm ghiếc đến thế. Tuy nàng được nghe lọt vào tai, nhưng chỉ ấm ức riêng trong lòng, không dám nói ra, vì nói ra e rầm rĩ xóm giềng hay chị em đến nỗi chửi nhau đánh nhau, là một việc mà bản tính hiền lành của nàng lấy làm kiêng sợ nhất.
Đến sau, vì trông thấy có gia đình ông Chánh lai vãng nhà bác Phó, lại một hôm thấy đích thân ông Chánh cười ngựa nhong nhong đến, bọn thị phi dài lưỡi kia càng thêm đắc ý, như vớ được chứng cớ hẳn hoi để nói:
-Đấy, chúng mình nói có sai đâu.
Cứ nói cho ngay, những cử chỉ hữu tâm và ích kỉ của ông chánh Kim Sơn, khiến cho Thị Lan trong chỗ vô tình đă làm cái đích cho sự châm chích, bình phẩm của chị em cũng phải.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện