[Việt Nam] Cô Tư Hồng
Chương 5 : Cô hàng rượu
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 18:25 08-01-2019
.
Hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải do tay một nhà nho kinh tế là cụ Nguyễn Công Trứ đã khai thác dưới triều Minh Mạng, như đá nam châm, đã hút bao nhiêu gia đình ở những miền dân cư đông đặc kéo nhau cả bầu đoàn thê tử đến đất mới ấy để sinh cơ lập nghiệp.
Cuộc di dân tự động ấy, lần hồi nhưng liên tiếp, bồi đắp cho hai huyện mới lập không đầy ba bốn chục năm đã trở nên một địa phương phồn thịnh, số người càng ngày càng đông đảo, ruộng mở càng ngày càng nhiều thêm.
Đến sau quốc gia đa sự, khắp xứ loạn ly đói kém, người ở giữa chỗ chiến trường cơ cẩn, còn đâu dung thân cho họ tốt hơn là Kim Sơn, Tiền Hải; một là có mưu sống yên thân, hai là xa tránh được cái họa Cờ đen và bọn thổ phỉ, cường hào thừa cơ quấy nhiễu.
Trong đám lưu dân lúc ấy, gia đình bác Phó cựu Thành Thị làmột.
Sau mười mấy năm kiếm chác đủ nghề, lưu lạc nhiều xứ, mà nghèo khổ vẫn hoàn nghèo khổ, bác Phó nghe người ta mách bảo, dắt vợ gánh con đến ở Kim Sơn.
Lúc này đứa con gái lớn bị giặc bắt đi mất rồi, nhưng có Thị Lan đã khôn lớn. Bà kế thất lại cho ra đời một cái đĩ, một thằng cu nữa. Gia đình lớn bé cả thảy năm miệng ăn.
Bác Phó khéo xoay xở, thuê được vài miếng đất, dựng lên ngôi nhà cột tre lợp rạ, một gian hai chái, bên này làm buồng, bên kia nấu bếp. Đằng trước không có cổng ngõ; phía sau ba bước sân, đến chuồng lợn nho nhỏ, vài khóm chuối lơ thơ bên cạnh, thế là hết đất. Giang sơn, sự nghiệp chỉ có thế thôi. Đồ vật trong nhà chỉ có nồi, chõ, ống rấm là khí cụ nấu rượu, thêm một vài cái hũ, một đôi quang gánh là quí hóa nhất. Những món ấy đối với bác, như mấy bộ máy của nhà đại công nghệ, chứ không phải vừa. Bởi nhờ nó mà cả nhà bác sống.
Thị Lan mỗi ngày một lớn, tuy có duyên, có sắc ít nhiều, mặc dầu áo xồng váy đụp, nhưng cũng bị bao nhiêu phong trần của cái nghèo nó che lấp mà làm cho tối đi. Nếu phải là con nhà giàu ăn trắng, mặc trơn, thì đã thiếu gì kẻ muốn đào cả người lẫn của. Khốn nhưng nàng là con nhà có địa vị dở dang - chẳng gì cũng là một ông phó lí cựu, còn thêm dòng dõi tiền triều — lại không có lấy tấc đất cắm dùi, thành ra cao không tới, thấp không thông.
Vợ chồng bác phó mong mỏi băn khoăn mãi về việc nhân duyên của Thị Lan. Ước gì có ai rước nó đi cho để kiếm dăm ba chục quan tiền làm vốn cũng phúc. Chẳng những bớt được một miệng ăn cho gia đình bác lại còn lấy được một số tiền về.
Nhưng cô ả có tính hợm đời và đỏng đành làm kiêu đáo để. Nghèo khổ mặc kệ, trong túi cũng có chiếc gương Tư mã, ngày đôi ba dạo mở ra soi hình ngắm dáng, hình như có ý tự phụ:
Ta thế này lại đi lấy chồng quê mùa cục mịch sao?
Quả thật, có mấy đám trong làng, trong xóm mối manh giạm hỏi, bác Phó khấp khởi mừng thầm nhưng cô ả cứ khăng khăng từ chối.
Một đám, con một bác nông phu trong làng, bị nàng chê là bé bỏng (kém nàng tới năm tuổi) lại còn vểu răng, lấy về đề đêm hôm nó khóc, mình dỗ không được, nó còn cắn mình đau chết. Một đám khác là anh khóa con một ông nhị trường, đang tập văn ở trường Huấn bản huyện, nàng cũng chê "học trò dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" không chịu.
Bác phó ta cáu:
-Con gái đã lớn, bổn phận cha mẹ phải kén nơi định chỗ cho mà nhờ tấm thân. Ai mày cũng chê bủng chê hôi cả, dễ thường mày định ở vậy già đời chăng?
-Thưa thầy, con muốn lấy chồng để nhẹ bớt gánh lo cho thầy và có thể giúp đỡ cho nhà ta; nhưng. . .
Bác phó nói mát:
-Thế bực người thế nào thì cô mới chịu lấy cơ? Cô muốn làm thứ phi hay mệnh phụ chắc?
-Chẳng gì thì hãy thong thả, nào đã vội gì. Thầy cứ để con theo đòi chị em đi buôn thúng bán mủng, để kiếm thêm đồng cà, đồng muối đỡ đần cho thầy với dì con, xin thầy đừng lo.
-Mày tưởng thời buổi này buôn bán dễ lắm hay sao? Nhất là con gái mới chừng ấy tuổi. . .
-Thưa thầy, con vẫn biết không dễ đâu. Nhưng công việc nhà ta chẳng có bao lăm, bây giờ chẳng lẽ con cứ ăn không ngồi rồi mãi. Việc đời trước lạ sau quen, người ta cứ chịu khó để ý, rồi cũng buôn bán được, thầy ạ.
Dầu sao, trong gia đình bác phó, Thị Lan vẫn đứng một địa vị quan hệ. Trước, nàng đã đóng những mấy vai: con trưởng trong nhà, chị vú giữ em, đứa ở không công; giờ nàng lại sắp đóng thêm một vai nữa: cô hàng bán rượu.
Hôm sau, gà mới gáy một dạo, Thị Lan vội vàng thức dậy, sửa soạn quang gánh; mỗi bên thúng để một hũ rượu, đút nút bằng lá chuối khô, chung quanh chèn rơm cho chắc, phễu thiếc, giuộc tre thì treo lủng lẳng trên đầu gióng. Hàng hóa nàng sắp đi chợ bán chỉ có thế. Lần này, nàng mới xuất thân đi bán rượu là lần thứ nhất. Bác phó thương con, cũng thức dậy xem lại gồng gánh tửtế, rồi nói một cách nửa đùa nửa bỡn, nửa âu yếm:
-Tôi chúc cô đi buôn may bán đắt nhá!
Bà dì nghe tiếng tỉnh giấc, nói giọng the thé:
-Trong chạn còn bát cơm nguội với ít tép rang lấy mà ăn rồi hãy đi, con ạ.
Tưởng là việc gì chứ việc ấy thì Lan nhớ từ lúc nãy kia rồi. Lại còn nhờ thổi một nồi cơm, nắm một nắm tương, gói vào mo nang đem theo nữa.
Chưa tờ mờ đất, Lan đã cất gánh khởi hành nhập bọn với năm sáu chị em quen biết trong xóm, cùng nhau đi chợ, chỉ độ ba bốn cây số, nào có phải xa; nhưng ai còn lạ gì thủa xưa đường sá nhà quê còn quá hẹp hòi, khuất khúc, phần nhiều đường đi chỉ là bờ ruộng. Lại gặp tiết trời vào hồi một chạp, gió rét mưa dầm, các cô thiếu nữ gánh nặng đường trơn, hết sức vất vả. Mỗi bước chân, phải bám ghì năm đầu ngón xuống đất thật chặt, sợ ngã thì đổ vỡ hết cả sự nghiệp giang sơn. Thành ra đường gần hóa xa, trời sáng rõ một lúc, các cô mới dẫn xác đến chợ.
Các ngài chớ tưởng tượng chợ búa thôn quê hồi cuối thế kỉ 19, cũng chỉnh đốn sạch sẽ được như bây giờ. Chợ búa thuở ấy chỉ là nơi tụ họp tự nhiên của những người cần dùng mua bán, hoặc trên miếng ruộng, hoặc trước sân đình mà không có ai ước thúc, cũng chẳng ai sắp đặt trông nom. Quán lều chẳng thành hàng ngũ và cái nào cái nấy lụp xụp, dơ dáy, chỉ một cơn gió to đủ bay hết cả chợ. Vì nó là một tấm phên đặt trên bốn cái cọc bằng nứa bé nhỏ, phần nhiều đến ngày phiên chợ người ta mới dựng lên, gặp đâu cắm đó, rồi tan chợ lại dỡ đi. Những người không có lều quán thì ngồi lộ thiên. Phiên chợ nào cũng thấy bùn lầy ướt át, trừ ra mùa thật nắng ráo. Ngay đến sở tại phủ huyện, ví dụ như Kim Sơn, tình cảnh chợ búa cũng lôi thôi như thế, họa chăng có khác là khu vực họp rộng và người mua kẻ bán có phần đông hơn.
Nhưng có một mối tệ chung cả, là chợ nào cũng có bọn hủi quấy nhiễu. Đời ấy, hủi chưa bị nhốt riêng một nơi, còn được tự do thông hành khắp cả thành thị hương thôn. Đời ấy, chợ chưa có thuế quan, nhưng phải có thuế hủi. Người ta mới dọn hàng quán xong hay là vừa đặt quang gánh xuống đất, khách mua chưa thấy đâu, đã thấy một tên hủi lù lù tiến đến, đưa cái bàn tay năm ngón quặp vào, ghẻ lở nhầy nhụa, miệng tuy nói là xin tiền, nhưng kì thực là nó đánh thuế. Cái bàn tay ghẻ lở ấy là khí giới đe dọa dữ tợn. Người bán hàng biết điều, mau mau thí bỏ một vài đồng kẽm, như cách tống ôn, để nó xéo đi nơi khác. Không thế thì nó cứ đứng ngoẹo đầu, ngửa tay mà nói lải nhải mãi, hoặc không kiêng nể, thò tay rờ rẫm vào hàng hóa của mình, thử hỏi khách nào trông thấy mà còn dám mua?
Có đứa ghẻ chốc qua loa, dám cào sát thân thể cho ghẻ chốc nhiều và bôi dơ trát bẩn, càng lắm ruồi nhặng đậu vào chừng nào càng tốt. Làm thể để thêm phần hôi tanh bẩn thỉu mà đọa người ta. Nào phải có ít, cả chợ đến năm mười đứa không chừng, vừa hủi thật, vừa hùi giả. Người bán hàng thường phải bố thí khắp lượt mới được yên thân. Có người không cho, chúng dám nói hỗn, đến nước kéo bè quấy nhiễu tan hoang cả chợ. Theo lời các bậc phụ lão, thì "hủi phá chợ" là một tấn hoạt kịch thường diễn ra luôn.
Thị Lan, buổi đầu làm cô hàng bán rượu ở chợ Kim Sơn, gặp ngay một sự bực tức vì hủi.
Nàng mới đến chợ, đặt quang gánh xuống, ngồi né mình dựa sau lều gianh một hàng xén cho đỡ gió, rồi mở gói trầu cau ra lấy một miếng ăn để bồi lại sức nóng trong mình, chống với giá rét. Trong óc đang vẩn vơ lo ngại chiều trời thế này, chẳng biết buổi chợ có bán chác gì được không; nhất là buổi chợ ban đầu của mình cần phải lấy may. Chưa nhai dập bã trầu, đã thấy cái bàn tay cụt ghẻ lở hôi tanh của một mụ hủi, đang như giúi vào gần sát mặt nàng để thúc thuể:
-Làm phúc làm đức, cô!
Tởm quá, nàng tránh mặt sang một bên và nói một cách gắt gỏng:
-Cái bác này mới hay chứ, bàn tay hôi tanh bỏ mẹ thế mà xỉa xói vào tận mũi người ta. Muốn xin thì để chốc nữa, cho người ta bán mở hàng đã, bây giờ nửa đồng kẽm cũng không có. Thôi đi đi, gớm chết!
Mắt chọi mắt, răng chọi răng, con mẹ hủi không chịu nhịn:
-Chưa cho thì thôi, làm gì mà quai cái mỏ ra, sỉ mắng ai đấy?
-Sỉ mắng bác không biết điều chứ còn sỉ mắng ai!
-Ừ, có giỏi sỉ mắng nữa đi xem, đây cho biết tay. Con hé mới nứt mắt ra đã lên mặt gớm chưa kìa. . .
Lũ hủi kia ăn chợ búa ngày xưa, ỷ mình không ai dám động đến - vì động đến thì chúng nằm ăn vạ hay tìm cách phá thối — cho nên hay có những ngôn ngữ hỗn láo với người ta như thế.
Tấn kịch nãy giờ có một người chứng kiến rồi can thiệp.
Người ấy, trạc ngoài bốn mươi tuổi, đội nón lông quai lụa bạch, mặc áo bông nhiễu tam giang, móng tay để đài, sau lưng lại có một tên gia đinh theo hầu, ngó ra phết một bực trưởng giả hay thầy đề, thầy thông gì đó. Câu chuyện cãi vã xảy raở giữa cô hàng rượu và con mẹ hủi ra sao, người ấy vừa đi đến nơi, đứng chăm chỉ nghe rõ, thấy hết đầu đuôi. Có lẽ phải nói chăm chỉ nhìn vào mặt Thị Lan thì đúng hơn. Tới khi con mẹ hủi nói câu hỗn láo sau chót, khiến cho Thị Lan nóng tiết, vừa sừng sộ đứng dậy, chưa kịp trả lời, thì ông trưởng giả kia cất tiếng khuyên can:
-Thôi, cô ơi! Đừng thèm cãi nhau với thứ người phế khí ấy làm gì cho uổng nhời.
Rồi trừng mắt lên, chỉ tay vào người hủi ra nói cách oai nghiêm, dõng dạc:
-Con mẹ kia xéo đi lập tức, nghe không?
Như đã nhận biết là ai, mụ mày có vẻ sợ hãi, nói một câu rất lễ phép, phục tòng, rồi lủi thùi đi mất:
-Bấm cụ, con không dám ạ.
Hai thầy trò vị trưởng giả cũng bỏ đi ngay.
Thị Lan tươi cười hí hửng với mấy chị em ngồi cạnh mình:
-Ông nào tử tế đấy nhỉ?
Một cô trong bọn nói:
-Chị không biết à? Ẩy là cụ Bá tổng ta, hôm qua xuống làng dưới ăn mừng đám lên lão, rồi chắc cụ ở lại nghe hát nhà tơ cả đêm, bây giờ về sớm đấy.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện