[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 26 : Đánh ván bài cuối cùng lại bị thua

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:46 08-01-2019

Lỗ vốn hết mấy vạn bạc, cô Tư vừa buồn vừa tức. Từ lúc ra đời, một tay tháo vát gây dựng nên cơ đồ sự nghiệp giữa đất Hà Nội mấy chục vạn cô chưa hề biết một sự thất bại nào. Cái tay ấy chi thu bạc nghìn, bạc vạn của thiên hạ thì có chứ chưa hề để hồ bao rơi lọt đi mất một xu nào gọi là lỗ vốn. Lần này thất bại là lần thứ nhất. Mà lại bị một vố nặng. Lại thêm một nỗi ưu phiền nữa là cô để ý xem xét tâm tình cử chỉ của đức ông chồng, thấy ăn ở với mình nhiều chỗ không tốt. Mấy năm làm rượu ở Cao Miên, ông ta được giữ quyền hành tiền bạc trong tay đã lạm đụng lòng tin của vợ để ăn tiêu xài phá, trai gái mèo mỡ ra phết. Có kẻ mách cô Tư rằng ông có nuôi một hai ả gái non ở riêng nhưng cô làm thinh không muốn sinh sự. Mỗi khi có dịp nói chuyện về vấn đề chung thân, ông khéo đem những lý luận lợi hại, với giọng nói như thật thà, rủ rỉ, tán tỉnh bà vợ nên sang tên tất cả cơ nghiệp cho ông trông nom sinh lợi. Việc ấy ở giữa vợ chồng, đề cập một đôi lần có thể là câu chuyện tự nhiên nhưng mà nhắc đi nhắc lại mãi nghe như nóng nảy, thiết tha thì một người khôn lỏi như cô Tư sao khỏi nghi ngại, suy nghĩ. Lần lần, cô thấy rõ tâm lí ông chồng đối vởi cô chỉ vì của cải, không vì ái tình. Hay là cốt mượn bàn tay ái tình để chụp lấy của cải cho dễ. Bởi vậy từ đấy vợ chồng bề ngoài vẫn niềm nở như bát nước đầy nhưng bề trong cô để tâm phòng bị từng li, từng chút. Con người đã bao phen chứng tỏ ra có một tâm hồn cứng cáp, không mấy khi yếu ớt phải nhỏ nước mắt vì sự đời thế mà bây giờ có lúc ngồi nói chuyện tâm sự vói bạn cũ là cô ba La Vích - hiện giờ là vợ ông chủ một hiệu đèn điện — cô Tư nghĩ thấm thìa thế nào đến nỗi phát khóc. Khóc rồi Kiều lẩy: Trót vì tay đã nhúng chàm, Dại rồi còn biết khôn làm sao đây? * Sau khi thanh toán lò rượu ở Nam Vang xong, vấn đề đi hay về đã gây nên một trận phong ba nho nhỏ giữa hai vợ chồng. Vì ông muốn về gần chỗ mục đích gia sản của vợ mà ông đang dòm nom để mưu mô vận động cho được phần dễ hơn. Còn bà thì chưa muốn trở về nơi mình đã bị mai mỉa. Vả lại tự mình đánh thấp, thua đau một canh bạc mấy vạn ở xứ người thì phải đánh một hội khác nữa để gỡ lại chứ. -Giờ chúng ta trở về Hà Nội. . . lời ông nói. -Trở về Hà Nội làm gì? . . . bà hỏi. Âu châu chiến tranh thế là xong rồi (hồi này, nhằm tháng Décembre 1918), mọi việc kinh tế công thương lại khôi phục như cũ, trường hoạt động ở Hà Nội rộng rãi đã quen cho mình, về đấy mà hoạt động chẳng hơn sao? -Tôi chịu thôi. Ông muốn về Hà Nội thì về một mình, để tôi ở lại đây buôn bán ít lâu nữa sẽ hay. Ông chồng lẳng lặng, cô Tư nói tiếp: -Phen này tôi xuống Sài Gòn mở một hiệu bán hàng Bắc. . . -Định dọn ở phố nào? -Ở đại lộ Catinat, tôi đã nhờ người ta thuê nhà hộ rồi. -Thế à! -Tôi sẽ thuê một ngôi nhà riêng ở đường Espagne hay Mac Mahon để vợ chồng mình ở. -Chúng ta ở ngay cửa hiệu chẳng tiện việc và đỡ tốn hơn sao? Tốn cũng phải chịu vì căn nhà ở đường Catinat, trên gác sẽ để chứa hàng không thể ở được. Vả lại tôi cốt thuê nhà riêng để ông nghỉ ngơi biệt tịch vì ông đã làm công việc vất vả hai năm rồi, giờ ông có quyền tĩnh đường ít lâu. Chuyến này việc buôn bán để mình tôi trông nom, ông không phải bận lòng đến. Một mình cô trông nom sao xuể? Nhất là sự giao thiệp và sổ sách tiền bạc. Điều ấy ông không lo. Tôi đã từng giao thiệp với các hãng lớn và đếm tiền vạn quen rồi! cần người coi hàng giúp việc, tôi đã viết thư gọi mấy người bà con ngoài Bắc vào. Tất nhiên cố Hồng thừa hiểu chỗ mình dụng tâm đã hơi bị mụ vợ tinh ranh soi thấu ít nhiều rồi. Nhưng ông không hề để lộ ra nét mặt một lằn, một nếp gì thất vọng hay bất như ý. Trái lại ông tươi cười vui vẻ khác thường, khen mãi bà vợ xếp đặt công việc như thế là phải, ôm chầm lấy vợ và tỏ vẻ yêu đương vô hạn, hôn lấy hôn để hai bên gò má nhăn nheo rồi vừa cười vừa nói: Bà đầm nhà tôi thông minh và tử tế hết sức có lòng lo nghĩ đén sức khỏe của tôi, ép tôi nhàn dưỡng một độ thế là phải lắm. Cám ơn! Cám ơn! Nếu cô Tư quả người thông minh, chắc phải biết trong cái cười, cái hôn âu yếm đó đầy những gai góc. Thế rồi ông bà thu xếp, cách mươi ngày sau, dọn xuống Sài Gòn. * Quả nhiên cô Tư thực hành đúng theo chương trình đã định từ trước. Thuê một căn nhà vừa phải ở cuối đường Espagne gần sở Bách thú, mát mẻ, thanh vắng làm chỗ ở riêng. Tuy chẳng nghe nói ra, nhưng người ta xem ý tứ cũng biết bây giờ cô cung phụng lang quân để làm một cảnh dưỡng lão. Bề ngoài vẫn kính yêu mà bề trong thường phòng bị. Già rồi, thay chồng đổi vợ chẳng hay hớm gì. Thà chịu người ta trách mình cám dỗ một thầy tu còn hơn bây giờ bỏ đi, hẳn người ta sẽ chê cười nhiều hơn. Cảnh dưỡng lão này mỗi tháng phải tốn kém mấy trăm đồng bạc cũng cam. Ngày ngày ông chỉ có ăn chơi, xem sách, việc buôn bán của vợ, ông không được nhúng tay vào. Cô Tư đã trù liệu từ trước, không sót việc gì; nào cậy người thuê nhà đóng tủ, nào đặt mua hàng hóa ở Hà Nội, nào nhắn vợ chồng cậu em với một bà thím họ vào giúp việc. Thành ra ở Nam Vang xuống Sài Gòn chưa đầy một tháng đã có đủ mọi sự cần dùng để khai trương một cửa hiệu mới ở giữa đại lộ Catinat là con đường buôn bán vui nhất, đẹp nhất của kinh đô miền Nam. Ngày nay các ngài vào chơi đất Sài Gòn mới được trông thấy nhan nhản những cửa hàng Bắc. Cơ hồ chẳng thấy một đường phố nào không có vài ba cửa hàng cừa hiệu cùa người đồng châu ta. Rất đỗi một quận nhỏ, một chợ nhà quê cũng có người Bắc mở hàng quán. Nói gì các bà đeo những bọc hàng tơ lụa nặng mấy chục kí lô ở sau lưng đi bán rong khắp miền thôn giã sơn lâm, ta tới một chỗ hẻo lánh thế nào cũng có thể nghe những tiếng người Bắc rao: "Mua hàng không? " Nhưng ngoài hai chục năm trước, nghĩa là hồi cô Tư Hồng mở hiệu buôn bán, đang nói trong câu chuyện này, người Bắc mình vào Nam thương công kế lợi còn ít lắm. Số cửa hiệu Bắc lúc bấy giờ chi lác đác như cảnh sao mai. Nếu trí nhớ của chúng tôi không lầm thì suốt đường Catinat chỉ có một cửa hàng Bắc to nhất là nhà Đào Huống Mai chuyên bán đồ khảm, và đồ thêu về sau con rể là ông Nguyễn Đắc kinh doanh chiếm luôn hai căn nhà, mỗi tháng tiền thuê hơn ba trăm bạc. Ngoài ra còn có mấy hiệu nhỏ nữa của ông Nguyễn Chí Hòa và anh em nhà họ Tăng rất phát tài về đóng giày làm mũ trắng và khắc con dấu đồng. Chỉ có thế thôi. Phong trào cạnh tranh buôn bán với khách trú đã khởi lên trong nước ta hồi năm 1917, chắc nhiều người còn nhớ. Ấy chính từ hồi đó nội hóa được đồng bào ta cổ võ hoan nghênh. Các thứ hàng hóa của xứ Bắc sản xuất, nhất là the, lượt xuyến, lụa v. v. . . tiêu thụ vào Nam đến nỗi các cô chức nữ ở mấy làng La Cả, La Khê, phải "Con cò mấy máy suốt canh thâu" mà dệt cũng không đù bán. Cô Tư Hồng mở hiệu buôn hàng Bắc giữa lúc ấy thật là hợp thời đúng dịp. Làm gì chẳng kiếm được bạc vạn để gỡ lại cái lỗ ở Cao Miên. Không ngờ người đến lúc vận đen, trước khi trốn chiếu, đánh một hồi bài sau chót cũng thua. Chẳng những không gỡ được canh bạc hôm qua lại còn thua thêm tiền túi một mẻ nữa. Sự thật, cửa hiệu của cô buôn may bán đắt tính ra vẫn được lãi lời nhưng vì mọi sự ăn tiêu chi phí nặng quá thành ra chung qui vẫn là lỗ vốn. Phần vì hồi này cô đã bắt đầu thụ bệnh, rồi khi ra Bắc thuốc men, khi nằm lì ở nhà cả tháng mặc kệ người nhà trông nom, sao khỏi mất mát thẩm lậu. Thế là buôn bán ở Sài Gòn vài năm cũng lại lỗ vốn. Cô dẹp cửa hàng, dắt díu bầu đoàn về cố hương.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang