[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 24 : Má hồng đến lúc phôi pha

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:44 08-01-2019

Giữa buổi sáng hôm rằm tháng tám ta, cô Tư đang ngồi trong phòng giấy, tính toán sổ sách và bảo cậu Ngữ viết thơ cho các hiệu khách cân gạo ở Kẻ Sặt, Cấm Giàng, Bến Hiệp v. v. . . thúc họ phải cân mau cho đủ số giao ước. Vì mấy hãng xuất cảng ở Hải Phòng thúc cô thượng khẩn. Tình hình bên Âu châu đầu năm 1914 có vẻ rất găng. Nhiều cái dấu vết tỏ ra chiến tranh có thể bạo phát chẳng sớm thì muộn. Bởi vậy số gạo đặt mua, mấy hãng muốn có sớm để xuất cảng sớm hơn được ngày nào hay ngày ấy. Một khi chiến tranh đã phát ra tất là tuyệt đường vận tải giao thông. Bỗng cô ngó ra ngoài cổng thấy một ông Tây vừa bước xuống xe kéo, người phu xe xách một chiếc va li to tướng vào theo. Ông Tây mặc y phục sang trọng, đúng mốt tay cầm ba toong bịt bạc, gương mặt tuy gần đứng tuổi nhưng trên mép và cằm nhẵn thín không có sợi râu nào, mắt đeo kính đen che kín. Cô Tư vội vàng ra tiếp, thấy khách vào thẳng sa-lông ngồi xuống tự nhiên không cần phải mời, cử chỉ roa là một người quen biết thân mật; ông ta nói tiếng An Nam: -Chào bà lớn mạnh giỏi. Chủ nhân có vẻ ngơ ngác không nhớ ra khách là ai. Trong trí đồ chừng đó là một người ở hãng dưới Phòng lên thôi thúc việc gạo cho nên cô nói: -Chắc hẳn ông ở hãng Denis Frères dưới Hải Phòng mới lên. Ấy tôi cũng vừa mới viết thư đi. . . Không đề chủ nhân nói hết lời, khách vội gạt ngay bằng một nụ cười và nói: -Bà lớn quên tôi thật sao? Trong khi khách cười, cô Tư nhìn thấy hàm răng xinh đẹp, miệng cười như hoa, liền nhận ngay ra khách là ai vì cô đã từng yêu mê hôn hít cái miệng tươi, cái hàm răng đẹp ấy mãi. Cô vùng cười rũ lên như nắc nẻ; chạy ngay lại bên khách, lật kính đen xuống rồi hôn vào má vỗ vào vai: -Rõ nỡm chửa? Mông sê ri (mon chéri) mà tôi ngơ ngẩn, tưởng là ông khách lạ nào! -Giờ cô đã nhận ra người quen rồi đấy. -Chứ sao! Cái miệng với hàm răng con trườu này (cô vừa nói vừa tát yêu) có trộn đi đâu cũng không lẫn. Sao hôm nay lại vẽ trò đổi lốt ăn mặc khác hẳn thế này? Bộ râu xồm đâu mất rồi? -Cạo tuột nó đi rồi. -Còn áo thâm? -Cũng bỏ xó, từ nay không dùng nó nữa. . . . ? -Nghĩa là tôi bỏ chức đạo sĩ trở về thường nhân để chúng ta được tự do yêu nhau. -Thế thì còn nói gì nữa, tôi sung sướng quá. Cô vui mừng líu tíu, cất tiếng gọi cậu em nheo nhéo: -Ngữ ơi, Ngữ! Mau ra chào ông thầy tu anh rể mới của cậu đây này. Rồi cô cười ngắt nghẻo dặn tiếp: Chốc nữa cậu nhớ nhắc chị đi mua cái áo the La Khê thật tốt để cho lão thầy bói ở cây đa Cửa Quyền nhá. * Các ngài đoán ngay là cố Hồng. Ai cũng biết tôn giáo Thiên Chúa rất trang nghiêm đứng đắn, không khi nào dung túng một việc làm bất chính, không khi nào tha thứ một con chiên ghẻ. Việc cố Hồng tầm ngầm phá giới là một việc lỗi đạo rất nặng, bề trên không thể dung thứ. Trước còn khôn ngoan bưng bít miệng bình, nhưng tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, các đấng bề trên nghe lọt vào tai và xét rõ sự thực lập tức gọi cố Hồng lên quở trách, buộc phải ăn năn chữa lỗi. Nhưng ông ta bị quỷ Sa tăng cám dỗ, dìm xuống bể tình lút mất cả chỏm rồi không sao ngóc lên được nữa. Cần giữ thể thống và trật tự nghiêm chỉnh, đấng bề trên công giáo bắt buộc phải lột chức của ông và truất ra ngoại đạo. Thế là ông cạo phăng chòm râu và cởi áo hoàn lương, tự đo đi theo tiếng gọi của trái tim không còn phải lén lút như trước. Từ đấy, ông đóng đô ở nhà ngõ Hội Vũ. Hai Hồng nghiễm nhiên là vợ chồng. Cô Tư được như nguyện. Muốn phân bua giới thiệu tân lang với các thân bằng cố hữu, cô đặt một đám tiệc rất to, không ngại tốn kém. Lạ thay! Thiếp mới gửi đi, kê tên vừa đúng 120 quan khách nhưng đến buổi tiệc vèn vẹn chỉ có 26 người đến dự, không kém không hơn. Trong số ấy, phần đông là mấy bà cụ già nửa tỉnh nửa quê và mấy anh giàu lỏi, tuyệt nhiên không có tay nào là đại biểu Hà thành hoa lệ hay phiệt duyệt như đám tiệc nhà cô những lần trước. Một chỗ trống trải cho người ta dễ thấy nhất là bữa tiệc hôm nay chẳng có lấy một ông Tây bà Đầm nào đến, người ta nhớ về trước, mỗi khi "Madame cô Tư" thết tiệc thì quan khách Âu Tây chiếu cố rất đông. Có những ông bà chủ hãng ở tận Hải Phòng cũng vui lòng bạt thiệp lên Hà Nội dự tiệc nhà cô rồi một hai giờ khuya mới lên đường về. Không hiểu sao lần này chẳng ai giao hẹn với ai mà chẳng ai thèm đến. Hình như có một lẽ gì thiêng liêng, chắc nó là nhân tâm, thiên lí - tự nhiên mỗi người đều nghĩ đến mà tránh mặt bữa tiệc ấy chứ không cần ước hẹn với nhau. Cô Tư buồn ngấm buồn ngầm, cay đắng trong ruột nhưng bề ngoài vẫn gượng nói gượng cười. Cô Tư biết thế là xã hội kết án mình rồi. Chỉ sướng cho lũ gia nhân bộc dịch và tất cả bè bạn con sen, cậu nhỏ của họ được hưởng một bữa cỗ nguyên lành, thật là say sưa bừa mứa mà vẫn không hết. Vì thừa ngót một trăm phần ăn kia mà. Dù sao mặc lòng, bà me tây già với ông đạo sĩ phá giới ấy cũng đã đường hoàng trở nên một cặp vợ chồng, bất chấp cả dư luận thị phi. Nhưng xã hội đã kết án họ thật. Cứ nói theo lẽ thuận thì hai người ấy xây ổ tình ái nhân duyên với nhau kể thật phải đôi và cùng có ích lợi. Cô được người giúp đỡ công việc, được người làm bạn cảnh già, được hưởng cái lạc thú chồng một, vợ một cùng nhau chia vui sẻ buồn. Thiên hạ chắc hết chê cô không có chồng, hết nói vụng rằng cô quá lãng mạn hoang đàng nên không ai thèm lấy. Cảnh già sẽ thêm đầm ấm vui vẻ, nếu như trời Phật ban phước cho một vài mụn con, biết đâu. Còn ông, sự độc chiếm một quả tim bọc vàng ở Hà thành và được chỗ chắc chắn dung thân sung sướng, chẳng phải nói gì, ông muốn lợi dụng lưng vốn dồi dào của vợ để vùng vẫy kinh doanh và làm nên giàu có gấp năm gấp mười. Của vợ công chồng, bề nào mai sau mình hẳn được hưởng trong ấy một phần. Hai cảnh ngộ ngược dòng đã ráp liền họ lại cho họ yêu nhau vì tình ái đã đành mà lấy nhau vì lợi lộc cũng có. Bởi vậy ngay từ hôm ông "vu qui" về nhà vợ, cô liền đem lòng tin cậy, nể nang và chiều đãi rất tử tế, giao phó nhất thiết công việc. Ông đóng đủ vai tuồng: bạn năm canh, chức thư kí, nhà ngoại giao, có lẽ rồi là một người thừa hưởng sản nghiệp lớn lao của bà họ Trần nữa. Cứ thế mà cứng cánh gió xuôi mấy chốc họ chẳng bay lên nóc đài triệu phú. Song đạo trời công bằng lắm, chẳng hề cho ai được thừa ra đằng này mà không trừ bớt đàng kia. Không thế thì bao nhiêu hạnh phúc trên đời bọn giàu sang đều vớ hết. Lẽ thừa trừ ấy, người ta thấy ứng hiện ở khoảng đời áp chót của cô Tư Hồng. Cũng có lẽ - Số mệnh mượn lấy một cớ để xô lần má hồng vào góc tường phôi pha mạt vận. Từ ngày cô lấy chồng mà chồng ấy lại là một nhà tu hành phá giới, cô thấy người đời đối với mình có vẻ lạt lẽo. Chẳng những họ đã không niềm nở vui mừng giùm cô lấy chồng lại còn tỏ vẻ chê bai khinh rẻ cô ngay ở chỗ đó. Cứ xem họ két án cô bằng sự lẳng lặng trốn tránh bữa tiệc tân hôn của cô cũng đủ biết. Hồi nào cửa ngõ sớm tối tấp nập ngựa xe, đông đúc quan khách đến nỗi chủ nhân phải mệt nhoài về sự thù tiếp thế mà bây giờ mỗi ngày thấy thưa dần, vắng dần. Hình như cửa nhà cô có vi trùng ôn dịch khiến họ phải ghê sợ, kiêng cử không đến. Nhất là hạng Âu Tây thì vắng biệt tăm bóng. Có thể nói theo tiếng thông tục là người ta từ cửa cô, không chơi với cô nữa. Thì ngay đến cuộc buôn bán làm ăn lúc nào tài lợi như chạy sấn sổ vào nhà, giờ cũng lần hồi kém sút trông thấy. Lạ gì một khi tòa nhà đã núng thì gió thổi tất cả cột kèo rui mè đều nghe kêu lắc rắc. Chỉ cách đâu độ một tuần sau khi ổ tình vừa mới ấm chỗ, cô Tư tiếp được bức thư đảm bảo của một hãng đại xuất cảng ở Hà thành gửi lại. Cô báo ông chồng xem hộ rồi giảng dịch ra tiếng An Nam rành mạch như vầy: "- Thưa bà, Bản hãng rất lấy làm tiếc xin thưa để bà biết cho rằng: vì một lẽ riêng, công việc hôm nọ bản hãng chủ nhân bắt đầu thương lượng phú thác cho bà nay không thể tiếp tục được nữa. Vậy xin bà vui lòng coi câu chuyện ấy như là không có gì cả. Vân. . . vân" . . ." Công việc thương lượng là công việc gì? Thì ra cách vài tuần lễ trước, hãng xuất cảng ấy đã mời "Madame cô Tư" đến thương lượng và ăn giá vói cô năm vạn tạ bắp ngô trắng và bốn vạn tạ sơn Phú Thọ để họ chở về bên Tây. Chỉ còn đợi họ đánh máy tờ hợp đồng cho cô kí tên vào là xong. Bỗng dưng hôm nay hãng viết thư giãn ra, không để cho cô gánh vác mối hàng khá bở ấy nữa. Cô tính xoàng trong trí, mất mối hàng béo bở này cô hụt ăn ngon lành hai vạn rưỡi đồng bạc lãi là ít. Một việc xui xẻo. Các ngài hẳn nhớ mọi khi "Madame Cô Tư" thường được đắt lời, cả nể với các hãng lớn thế nào. Ví dụ đến ngày kì hạn mà số gạo bắp giao nạp không đủ - có lần thiếu hẳn một vạn tạ trong số ba vạn tạ kí trong hợp đồng — hay là chậm trễ hàng tháng chưa cân đủ gạo cho hãng thì cứ chiếu giao kèo, với trường họp trên đáng lẽ mất không số gạo đã giao nạp chẳng được tính tiền, còn trường hợp dưới thì cứ tính mỗi một ngày chậm trễ là phải phạt một vài trăm hay dăm ba trăm, một nghìn tùy theo hai bên kí ước gắt gao ràng buộc nhau. Nhưng cô Tư chỉ thân hành đến tận ông chủ hãng bắt tay một cái, cười cười, nói nói vài câu thế là xong việc ngay chớp mắt. Cô chẳng phải đền, phải phạt một trinh nào hết. Cái ngày "miệng nói có duyên" ấy đã qua đã biến mất rồi. Bây giờ với vụ 30 vạn tạ gạo của hãng Denis Frères dưới Hải Phòng, cô Tư giao trễ hết 24 ngày hãng cứ tính chẻ hoe mỗi ngày chậm trễ là phạt 500 đồng mà trừ phăng vào tiền gạo của cô. Chính hãng ấy đã từng nể nang tha phạt cho cô mấy lần nay họ thẳng tay không chịu nhân nhượng. Cô thân xuống Phòng năn nỉ ông chủ hãng cũng vô công hiệu. Cái đầu ông chú hãng ấy hồi nào gật lia gật lịa ở trước nụ cười, tiếng nói của cô Tư thế mà hôm nay nó chỉ ngoảnh đi và lắc mãi. Vụ này cô thiệt mất đứt một vạn hai nghìn đồng cay đắng. Hai việc xui xẻo. Thuở giờ có buôn bán chỉ trông nhờ giao dịch với các hãng Tây mà làm nên cơ nghiệp giàu có, ngày nay họ từ chối cô, xô đẩy cô, hoặc vì cách nọ hoặc kiếm cớ kia. Như một cái mỏ vàng, cô thấy cửa miệng nó dần dần thu nhỏ lại rồi lấp kín mất. Cho đến những hiệu cân gạo cho cô ở các tỉnh lâu nay cũng thấy bơ thờ trễ nải, sở dĩ cô bị hãng phạt một vạn hai nghìn đồng chỉ vì các hiệu kia đong chậm gạo cho cô nên cô nộp chậm cho hãng. Những tư nhân hay cửa hiệu còn mắc nợ cô, kẻ ít người nhiều không hiểu sao bây giờ họ cũng lần khần, chẳng trả. Bao nhiêu việc không may dồn dập và xúm lại giày vò cô, hất hủi cô. Cô bảo xã hội kết án mình là thế. Vì sao? Nhân tâm tức là nơi phát biểu của thiên lí. Người ta trở lại chê cười cô, ghẻ lạnh với cô đến nỗi kết án cô bằng cách đoạn tuyệt giao du thương mại chắc hẳn chỉ vì thấy cô đã cám dỗ một nhà tu hành phá giới về làm chồng mình. Thật ra có lẽ nhà tu hành ấy cũng cám dỗ cô nhưng người ta không biết. Người ta kết án cả đôi nhưng trách móc cô nhiều hơn. Ta nên biết phần đông người Âu Tây rất là mộ đạo; trong ấy thiếu gì bực quyền hành hay chủ hãng buôn lớn. Hèn nào họ không lạnh lẽo giao thiệp với cô, bày tỏ ra bằng sự không thèm dự tiệc tân hôn và biệt cửa lui tới. Các chủ hãng cũng không điên khùng gì cho cô những mối hàng kiếm lãi bạc nghìn bạc vạn để cô cung phụng một người phá giới! Những việc rủi ro thiệt hại kia khác mà cô đang chịu đều là cách hành phạt của thiên lí đã mượn nhân tâm làm ngôi mà phát lộ ra. Cô thấy rùng rợn đau đớn. Mà những két sắt, nhà lầu, kim cương, cổ vật bao bọc quanh mình đều không có sức che đỡ hay làm cho cô lãng quên. Té ra trước khi chưa lấy chồng, cô cảm thấy mình cô độc bây giờ lại càng cô độc hơn. Con người có nghị lực sắt đá ấy, bị cảnh ngộ éo le nung đốt phải mềm nhũn, một hôm đang ngồi bên ông chồng, suy nghĩ thấm thía thế nào rồi bưng mặt khóc rưng rức: Sao đời họ độc ác quá, họ xúm nhau lại mà dằn vặt mình. Nông nỗi thế này thì ở Hà Nội mình hết cách làm ăn buôn bán gì được. Lại ngồi mà nghe họ mỉa mai và nhìn bộ mặt họ khinh khỉnh mãi, thì cho đến tim gan bằng sắt cũng không chịu nổi. Phải tính làm sao chứ? Không muốn ở Hà Nội thì ta đem nhau đi xứ khác kinh doanh vùng vẫy cứ vật lộn với số phận đến keo cuối cùng tất mình phải thắng, đừng lo. Ông chồng trả lời một cách bình tĩnh tự nhiên.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang