[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 20 : “Madame cô Tư” khoắng được một mẻ hơn mười vạn bạc

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:33 08-01-2019

Địa vị xã hội của cô Tư Hồng giữa đất ngàn năm văn vật lúc bấy giờ, nhờ tờ giấy vàng nâng lên cao hơn một bậc. Sau những cái danh vọng đã chán tai choáng mắt người ta, nào bà trùm me tây, nào tay thầu khoán sành sỏi, nào nhà buôn bán đảm đang, giờ thêm vào "lạc khoản" : một bà mạng phụ ra dáng. Ai lấy khách, người ta gọi là thím, vợ tây gọi là cô, bất luận tuổi trẻ hay già; ấy là thông tục xưng hô ở đương thời. Nhưng với cô Tư hồi này trở đi, họ bàn riêng, nói khẽ vởi nhau thế nào mặc kệ, lúc giáp mặt giao thiệp nhiều người gọi tôn cô Tư Hồng lên là bà. Lắm kẻ khéo nịnh, còn thêm tiếng "lớn" . Tiệc nhà cô Tư, ăn mừng được sắc, có vẻ phồn hoa, đông đảo, sang trọng, linh đình. Câu chuyện cô ta cốt chở gạo đi bán đầu cơ thủ lợi mà lại hóa ra phát chẩn thành danh, một lúc tuyên truyền làm câu giai thoại hầu khắp nam bắc. Nhiều người chắt lưỡi kính phục: -Con mẹ ấy sao mà khéo lâm cơ ứng biến ranh mãnh đến thế? -Lạ quái gì! Phàm con người ta lúc được số thả bổng lên như diều thì trời thánh chiều đãi thêm cho nguy chuyển ra an, họa đổi ra phúc chứ sao! Thật thế, đang lúc vận ấy, tung bổng như diều, cô Tư còn phất được tài lợi, công danh hơn nữa, không phải đến chỗ này đã là mãn hạn rồi đâu. Có điều, sẵn dịp vừa mới kể chuyện phát chẩn thành danh, chúng tôi tưởng nên nói luôn để các ngài biết một vài công việc và thủ đoạn buôn bán cùa bà " Ngũ phẩm nghi nhân" này xem ra thế nào. Từ xưa, đàn bà xứ Bắc mình buôn bán vẫn tài giỏi đảm đang có tiếng. Người thì thắt lưng bó que, gồng gánh đi hết chợ này đến chợ kia thế mà tảo thần chu cấp được cho cả chồng con, cửa nhà. Người thì ngồi cửa hàng cửa hiệu, tiếp rước khách khứa rất thiệp, xem xét giá cả hàng hóa rất sành. Nhiều nhà buôn bán, tiếng thì đàn ông đứng tên, nhưng mọi việc chủ trương tháo vác khôn ngoan, chính là ở bà vợ. Từ đồng xu cho tới bạc vạn, chẳng có món hàng gì, mối lợi gì mà phụ nữ Bắc ta bỏ sót không buôn. Ấy là cái thực trạng ở xứ này, ai cũng phải thấy. Vậy thì cô Tư Hồng khi đã có khá vốn trong tay rồi đứng ra kinh doanh thương mại, chỉ là làm một việc mà cơ man chị em khác đã làm, thường làm, vẫn làm, nào có phải lạ lùng gì đâu mà kể. Nhưng có chỗ đáng kể là ở vào thời đại cô, cái thời đại mới khởi cuộc Tây — Nam cộng tác, tân cựu giao thời, có lẽ cô là người đàn bà Việt Nam thứ nhất đã mạnh dạn giao thiệp buôn bán với các hãng Tây. Mà buôn bán khá to chứ không tầm thường. Chúng tôi đã nói sau lúc phá thành Hà Nội có vốn rồi, cô Tư chuyên nghề buôn bán thóc gạo. Phần nhiều là giao dịch với các hãng Tây, ở bên này và bên Pháp cũng có. Lúc bấy giờ công ti độc quyền nấu rượu gọi là Phông-ten đã ra đời. Luôn mấy năm đầu tiên, người được bao thầu cung cấp gạo thóc nhiều nhất cho những nhà máy nấu rượu ở Hà Nội, ở Hải Dương và ở Nam Định chính là cô Tư. Cô được tiếng buôn bán đứng đắn, vả lại trường lưng vốn cho nên bạn hàng Tây, Tàu họ tín nhiệm lắm. Các hãng Tây ở Hà Nội hay Hải Phòng mỗi khi cần một số gạo bắp để bán về bên Tây hay chở ra thị trường ngoại quốc, thường trong mười lần thì đến bảy tám, họ bảo nhau giao thiệp và ủy thác cho "Madame Cô Tư" . Thành ra cô khéo liệu lượng đầu cơ một cách tinh mắt cả gan, vớ được làm mè bẫm đáo để. Có mẻ lãi mười vạn một lúc như chơi. Các ngài thử nghe câu chuyện dưới này xem me Tây họ Trần có thủ đoạn ghê gớm không? Năm ấy, gạo đang hơn lắm, me tây họ Trần nhờ được ông nhân tình nào đó rỉ tai cho biết, hay là tự cô xem xét tình thế khéo léo cách nào mà dự đoán nay mai bên Tây sắp ăn nhiều gạo xay của xứ Bắc. Thế rồi cô lẳng lặng về thuê nhà ở chợ Sặt thử thời là nơi trung tâm cân gạo ở miền Đông - mua vét rất nhiều thóc lúa, chứa đầy mấy kho. Một mặt gọi thợ đóng sẵn cối xay để phòng khi lâm thời thuê người làm gạo cho chóng. Một mặt khác, đi lùng khắp các tỉnh đặt giá mua gạo của các hiệu khách hiệu ta, vốn là bạn hàng giao dịch quen biết thuở nay. Cô làm hợp đồng mua gạo của họ, giá mỗi tạ tây chỉ có năm đồng. Quanh quẩn trong mươi hôm, tính ra số gạo mua vét ở các hiệu được hơn 10 vạn tạ. Còn thóc mua trừ để tự xay kia chưa nói. Cách đấy chừng hơn một tháng, quả nhiên mấy hãng Tây ở Hải Phòng tiếp được điện tín bên Pháp bảo mua 35 vạn tạ gạo xay gửi về cần kíp. Ai không nghĩ cô Tư mau mau tuôn hết số gạo kia ra, còn đợi gì nữa? Nhưng mà không. "Madame Cô Tư" cứ việc vâng dạ làm thinh để các nhà mễ thương khác ra bỏ giá thầu thiếc gì đó mặc kệ, mình làm như người bặt hơi mất xác đâu rồi, chẳng ai nghe nhúc nhích đả động gì đến món thầu khá to ấy. Bao nhiêu bạn hàng và mấy hãng Tây đều lấy làm lạ không thấy "Madame Cô Tư" ló mặt. Có người nghĩ vơ vẩn hay là con mẹ này khánh tận đã đi biệt xứ mất rồi. Thì ra "Madame Cô Tư" đã tính nước cờ quá cao làm cho bên địch bị nước chiếu bí. Chết cho mấy nhà mễ thương kia đã bỏ thầu chịu giá với hãng rồi nhưng có gạo cóc đâu mà mua cho đủ, theo như kì hạn hợp đồng. Tất có người hỏi: sao họ không lùng mua ở những hiệu gạo Khách, Nam các tỉnh? Khốn nhưng phần nhiều hiệu này từ hai tháng trước đã kí hợp đồng bán tất cả gạo cho cô Tư rồi thì bây giờ họ lo đong trả cô còn đám bán cho ai khác được nữa? Ấy là lẽ rất tự nhiên. Những nhà bỏ thầu đành phải mua vơ mua vét, giá mấy cũng mua tràn đi miễn là có gạo nộp cho hãng Tây trong kì hạn ba tháng, không thì khổ to. Giá gạo vì đó mà vọt cao lên đến 30 phần trăm. Họ mua tranh giành nhau đến thế nhưng cũng vẫn khó khăn và không mua được đủ số. Kết cục đến kì hạn ba tháng, hiệu thì lỗ vốn xiểng liểng, hiệu thì bị phạt mất cả lời lãi; có hiệu lại chẳng mua được hột nào đong cho hãng mới nguy. Bấy giờ người ta mới thấy "Madame Cô Tư" nhảy ra thị trường đánh đùng một cái, như tiếng sét lưng chừng giáng mạnh. Bấy giờ cô mới cho tuôn ra hết những gạo đã xay chứa tại Kẻ Sặt và gom góp ở các nơi. Phần thì hãng Tây đành chịu mua gạo của cô với giá cao để có mà gửi về Pháp phần thì nhiều nhà bỏ thầu "hụt cẳng" họ cũng phải mua gạo của cô, để có mà nộp cho hãng mới khỏi bị phạt. Một chuyện ấy, cô Tư được lãi hơn mười vạn bạc, tính trừ các khoản chi phí đi rồi. Có nhà buôn cùng nghề phải hú vía phen này, nhăn mặt nói với cô: Thôi, con chắp tay vái bà yêu tinh, từ rày đừng có giết người ta bằng cái ngón rào đường chặn cổ như thế nữa nhé. Cô Tư cười và đáp: Nghề buôn bán, bà phải cho phép như thế mới vui chứ. Một việc nữa càng chứng tỏ ra me tây Trần Thị buôn bán có thủ đoạn và khéo liệu lường thời cơ. Lần này cô Tư với cô chủ hiệu Cự Khánh ở hàng Bạc, hai chị em buôn bán quen thân, cùng xuống Hải Phòng giao thiệp với một hãng Tây về việc bán bắp. Mỗi người kí một bản giao kèo với hãng, trong hạn ba tháng giao đủ 5 vạn tạ ngô. Cô Tư nhanh chân sáng trí, lập tức đi về các miền sản xuất ngô ở xứ Bắc ta, đặt giá cho các hiệu cân. Không đầy hai tháng, cô góp lại, chẳng những giao đủ 5 vạn tạ cho hãng mà lại còn thừa. Trái hẳn lạị, hiệu Cự Khánh cho thời hạn ba tháng còn dài nên cứ đủng đỉnh không chịu mua. Có mua thì cò kè bớt một thêm hai, trong ý muốn chờ ngô sụt nữa sẽ mua cho được lợi nhiều. Không dè mùa ngô năm ấy không thu hoạch được mấy mà tỉnh nào cũng có người mua đông. Thành ra càng ngày giá ngô càng cao, so với bình nhật giá đắt gần gấp đôi. Đắt mà lại khan không còn ngô nữa mà mua. Vì thế, kì hẹn với hãng đã quá rồi, hiệu Cự Khánh chưa giao được phần nửa. Hãng kiện bội tín, bà chủ Cự Khánh bị bắt giam vào nhà pha Hỏa Lò hai tháng lại bị tịch cả gia tài không kịp chuyển chạy được tí nào. Nghề buôn thóc gạo bắp ngô mấy năm ấy "lột trần" nhiều hiệu ở Nam Định, Hải Phòng như bà chủ Cự Khánh vậy. Duy có cô Tư năm nào cũng lãi, chẳng nhiều thì ít. Bởi vậy ai cũng chịu cô buôn bán khôn ngoan, tinh quái và có can đảm hơn người. Cô vớ được lắm món bở hơn vì thế. Cùng vì thế mà cô được các hãng Tây tin cẩn, vị nể. Có lúc, đáng lẽ phải è cổ ra đền hãng bạc muôn mà rồi cô cũng tránh khỏi. Còn nhớ hình như vào khoảng 1906 hay 1907, cô kí hợp đồng bán cho một hăng buôn lớn kia ở Hà Nội 8 vạn tạ gạo xay. Kì hạn chỉ còn một tháng nữa là hết mà còn thiếu đến 5 vạn tạ chưa biết mua vào đâu. Giá gạo chợ bỗng nhảy lên cao, tính ra cao hơn giá thầu đến ba bốn hào một tạ. Thế mới là nguy. Cứ nhắm mắt nai lưng mua gạo giá ấy đề nộp cho hãng thì lỗ vốn to. Nếu không thì mình trái lời giao kèo tất phải đền hãng 2 vạn. Đằng nào cũng khổ. Cô khéo cậy mượn thần thế đến năn nỉ ông chủ hãng Denis Frères bãi tờ giao kèo đi cho, mới khỏi bồi thường hai vạn đồng bạc. Rõ thật là có thời gặp may! Nhiều bạn cùng nghề trông thấy thế đâm ra ghen tức. Cùng buôn với nhau, mình lỗ vốn hay sai hẹn thì phải ở tù, tan nát cơ nghiệp, còn nó lãi thì ăn no, lỗ không phải chịu là nghĩa lí quái gì? Có người nói lẩm bẩm: - Tôi biết thừa ra rồi. Chính cô ta thân hành đến nhà riêng của ông chủ hãng "năn nỉ luôn hai, ba đêm" ông mới chịu xé giao kèo đi cho đấy. Mình kém cách năn nỉ khéo ấy, hèn gì chẳng phải è cổ ra mà chịu? Người đời họ hay xoi mói ghê! Dầu sao, người ta cũng phải chịu cô Tư Hồng thật có cái óc doanh thương trục lợi. Cô ham buôn bán làm giàu cũng như các bà me Tây kia ham cờ bạc hay là đi lễ ngồi đồng. Ham buôn đến nỗi thượng vàng hạ cám, hễ thấy việc gì có thể sinh lợi cũng làm không chịu khinh bỏ. Này thầu khoán, này tậu đất làm nhà để bán lấy lời, này buôn bán đồn điền, thóc ngô: một tay kinh doanh mấy món lợi, có khi một lúc làm luôn hai ba việc nữa. Thì giữa hồi buôn bán lúc gạo đang thịnh, lại trưng mấy chiếc tàu thủy của ông Marty cho chạy đường Hà Nội - Nam Định. Tự mình làm chức vụ kiểm soát. Ai cũng biết cái việc này khó nhọc, phải lặn lội đêm hôm mới bắt được kẻ gian. Thế mà cô Tư đêm khuya xuống bến nọ, lên bến kia, không kể gì những sự hiểm trở có thể xảy đến cho thân mình như chơi. Cô trưng tàu được hơn một năm thấy vất vả thì nhiều mà lời lãi không mấy mới chịu trả lại cho ông Marty để bán cho ông Bạch Thái Bưởi, lúc ấy là một nhà kinh doanh tàu bè vừa mới xuất thế. Chúng tôi nghe nhiều người thuở đó hay ngược xuôi Hà Nội, Nam Định bằng tàu thủy, nói chuyện rằng trong lúc tàu Marty thuộc quyền cô Tư cai quản, dưới tàu rất nghiêm, không có xóc đĩa bày ra, cũng không có cái tệ trộm cắp nhũng nhiễu vì cô Tư rình mò nắm chóp các cậu tiểu yêu ấy luôn. Lại thêm sự sạch sẽ, chạy đúng giờ khắc. Cô lại thuê phường chèo hát đêm cho hành khách được tiêu sầu giải muộn. Nhờ thế mà chuyến tàu nào cũng đông người đi, các tàu khách không cạnh tranh được, về sau, tàu Bạch Thái Bưởi cũng bắt chước bày trò đãi khách như thế một độ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang