[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 2 : Dòng dõi nhà vua

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 18:25 08-01-2019

Có đời phi thường mới sinh ra người phi thường. Có người phi thường mới làm được việc phi thường. Các ngài cứ xem những câu chuyện lần lượt kể ra sau đây, sẽ nghiệm thấy hai câu của Trần Lâm mở đầu bài hịch đánh Tào là đúng. Thiết tưởng không phải nói quá đáng: Con người đóng vai chính ở trong những trang giấy này tức là một kẻ phi thường, sinh ra đời phi thường, đã làm được việc phi thường. Truy tầm gốc tích tổ tiên 800 năm trước, đã thấy có sự phi thườngrồi. Hồi đó, chắc là vận sổ nhà Lý đến lúc suy vi, thiên mạng đến lúc cần phải dời đổi, cho nên xui khiến ngôi báu không truyền cho một người Tôn thất nào lớn khôn, lại đặt vào trong tay Chiêu Hoàng, một cô bé mới có tám tuổi. Cô bé hỉ mũi chưa sạch, không chừng đêm nằm còn đái dầm mê mê, biết quái gì là ngôi vua việc nước mà người ta vội đặt lên ghế chí tôn và trao cho cái gánh trách nhiệm quá lớn. Nhất là bên mình không có những bực lão thần, tận trung phò tá. Một đời phi thường. Trần Thủ Độ, người làng Tức Mặc tỉnh Nam Định, lúc bấy giờ làm Thái sư trong triều, tức là một vị trọng thần phụ chánh của Lý Chiêu Hoàng. Vốn người cơ mưu, giáo quyệt, lại đang ở địa vị trọng yếu nhất nước, oai quyền hiển hách giữa chốn miếu đường, nếu Thủ Độ muốn thừa thời cướp ngôi nhà Lý cho mình, chắc là được ngay. Nhưng có lẽ còn sợ nhân tâm bất phục hay hậu thế chê cười sao đó, Thủ Độ khôn ngoan, tính đi nước cờ cao tay hơn: bắt chước cái cố chí của Tào Tháo để ngôi nhà Hán lại cho con là Tào Phi, vừa không mất cái danh vị tôn vinh mà bản thân lại tránh được miệng tiếng thoán đoạt đối với thiên hạ hậu thế. Song, lúc ấy hoặc giả Thủ Độ chưa có con trai, hay là có rồi, mà cậu ấm ta xấu xí ngu đần, không đủ tư cách đóng nổi vai tuồng mình sẽ đặt cho. Không con thì cháu, cũng là lọt sàng xuống nia, có mất mát đi đâu mà sợ. Sẵn có cậu cháu Trần Cảnh, mới chín mười tuổi, tính nết lanh lẹ, khôn khéo, lại được cái bộ mặt khôi ngô, Thủ Độ lợi dụng oai quyền của mình, tiến dẫn ngay cậu cháu Cảnh vào ở trong cung cấm, phục dịch chung quanh ngài ngự; tiếng phổ thông ta gọi là thằng nhỏ hầu cận, nhưng vua chúa đặt cho cái tên sang trọng là nội thị. Nước ta thuở ấy, hẳn chưa có lệ bắt buộc mấy chú đàn ông con trai vào hầu nội cung tất phải là hoạn quan, cho nên Thủ Độ mới đem cậu cháu Trần Cảnh nguyên lánh vào ở bên Chiêu Hoàng được như thế. Hay người ta nghĩ hai đàng còn là tí nhau cả, chưa có gì phải lo. Trần Cảnh tinh ranh, khéo hầu hạ vừa lòng nhà vua ra sao không biết; một sáng kia, theo như lệ thường, cậu bưng thau nước dâng lên ngài ngự rửa mặt, lần này Chiêu Hoàng lại nô đùa trẻ con - vì còn đang tuổi bé bỏng chơi nghịch, mặc dầu làm vua - lấy tay múc nước, tạt vào mình cậu. Trò chơi vô tình của Chiêu Hoàng trúng ngay vào chỗ đợi chờ hữu ý cua Thủ Độ. Chỉ có thế thôi, mà Thủ Độ được dịp trịnh trọng tuyên bố giữa triều đình rằng hoàng thượng đã kén chồng, và cái cử chỉ tạt nước tức là có ỷ giao cả nước non lại cho Trần Cảnh. Thế là ngôi vua trải qua một cuộc đổi triều, thay họ rất êm thấm, dễ dàng, nhờ một đám cưới. Từ đó cận thị Trần Cảnh trở nên Thái tôn hoàng đế, vua sáng tạo nhà Trần. Đoạn lịch sử dị thường và thú vị ấy hẳn các ngài đều nhớ. Tự nhiên Thủ Độ có công gây dựng đế nghiệp, trong lúc vua cháu còn nhỏ, quốc gia quyền bính, thao túng trong tay. Sau, Thủ Độ già yếu về hưu, nhà vua ghi nhớ công ơn to tát ấy, phong cho ông làng ở gần bên Tức Mặc quí hương để làm thực ấp. Tương truyền làng này là nơi văn vật tối cổ, nhà địa lí nói có nhiều kiểu đất tuyệt đẹp. Thủ Độ về dựng hưu đình ở trên một khu vũ rộng rãi, ngó ra trước mặt có những hình đất giống như võng lọng, cờ quạt, voi ngựa trống chiêng, như nghi vệ thiên nhiên của một vị tể tướng vậy. Thực ấp ngày xưa của Thủ Độ chính là làng Thành Thị thuộc về tỉnh Hà Nam ngày nay. Tại đây, hiện còn dấu tích và lăng mộ Thủ Độ; con cháu trải mấy chục đời sinh tụ, biệt lập một chi họ Trần. Đến lúc cha con Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần con cháu ở làng Tức Mặc sợ họa, nhiều người chạy sang thực ấp Thủ Độ nương náu rồi cũng sinh cơ lập nghiệp luôn ở đó, truyền dõi hết đời nọ sang đời kia. Thành ra làng Thành Thị ở Hà Nam bây giờ tuy có hai chi họ Trần, nhưng kì thật là cùng một gốc ở làng Tức Mặc bên Nam Định. Cô Tư Hồng - nhiều người gọi là bà Án Hồng — chính danh Trần Thị Lan, người làng Thành Thị, tỉnh Hà Nam, dòng dõi của chi họ Trần ở Tức Mặc, cô là dòng dõi vua chúa nhà Trần nước ta vậy. Đứng về gia tộc mà nói, từ Thủ Độ đến cô, ra cô cũng là một người phi thường, gặp đời phi thường, làm việc phi thường nữa; cố nhiên, mỗi người có một phương diện khác nhau.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang