[Việt Nam] Cô Tư Hồng
Chương 19 : Nhà buôn gạo được vua Thành Thái ban khen phong sắc
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 22:33 08-01-2019
.
Thế kỉ thứ 20 đã mở đầu ở nước ta với nạn cơ hoang kịch liệt dọc theo dãy núi Hoành Sơn.
Luôn hai năm 1902 và 1903, hầu hết mười ba tỉnh Trung kì mất mùa. Có tỉnh còn vơ vét được lúa bắp ít nhiều. Có tỉnh thì mất sạch sành sanh. Dân tình đói kém hết sức.
Nhất là hạt Thừa Thiên.
Các ngài hẳn không lạ gì địa thế Trung kì ta đóng vai làm hình chiếc đòn gánh cho hai đầu thúng Nam Bắc. Mình dài và mỏng, ngoảnh mặt ra thấy bể rộng, day lưng vào đụng với rừng núi liên miên, còn lại đất cát khả dĩ cày cấy trọng trọt không được bao nhiêu.
Ngay những năm được mùa, xứ Trung còn thiếu thóc để nuôi cư dân huống chi mất mùa, nạn đói kém bày ra nguy ngập tức khắc.
Thừa Thiên, núi non ở chen với đồng điền vốn là một tỉnh vào hạng những tỉnh nghèo nhất trong xứ Trung. Thế mà dân cư lại có phần trù mật, chắc vì lẽ sở tại kinh kì. Địa lợi cũng kén lên và không có công nghệ gì bổ sung vào canh nông. Ấy là chúng tôi nói chuyện bốn chục năm trước.
Bởi vậy, trong cái thời kì hai năm vừa mới kể trên, dân tình Thừa Thiên gặp nạn đói kém lạ lùng. Còn nhớ các bậc phụ lão ở đế kinh nhắc lại chuyện xưa với nhừng hơi thở dài và cho là một cảnh cơ hoang không tiền khoáng hậu.
Mấy huyện mé ngoài còn khá, khổ nhất phía trong vào tới Thừa Lưu, Truổi, Liên Chiểu, người ta đói tới nước chỉ còn bộ xương bọc da, đói nằm lả trên đường mà chết ngổn ngang.
Nghe cũng đủ cho mình thương tâm, nói gì những người được mắt thấy.
Nhà nào nhà nấy đều tuyệt khói bếp lâu ngày. Vì trời đại hạn đã đốt cháy khô nhất thiết, không còn để lưu một trái bắp, một củ khoai, một hột lúa nào cho người ta có thể đun nấu mà bảo phải cần đến lửa?
Đói quá, thôi thì người ta vớ được cái gì cũng nhai tuốt để cho đàn kiến trong bụng khỏi chạy và sợi dây thở mỏng manh khỏi đứt.
Ban đầu, người ta hái lá sung, rau má mà ăn, coi như cao lương mĩ vị. Đến sau phải ăn cả rơm cỏ đỡ lòng. Rồi đem nhau vào rừng bới đào các thứ rễ cỏ, củ cây và bóc lột tới vỏ cây nhai ngấu chẳng kể gì đến sự độc lành. Già trẻ lớn bé đều thế. Tội nghiệp, lắm người giữa đường kiệt sức, nằm lăn ra đó tắt thở luôn. Có người truy tặng những kẻ bất hạnh ấy là tử thương binh sĩ của trận giặc đói.
Phải biết Chính phú Bảo hộ và triều đình sốt sắng ra tay cứu cơ phát chẩn nhiều lắm nếu không thì dân tình Thừa Thiên mấy năm ấy còn đói kém khổ sở hơn nữa.
Tai nạn đói tràn lan như đám lửa cháy quá to, cố nhiên một hai gáo nưóc cứu cơ không thể nào tưới tắt cho được.
Lúc đó ở ngay kinh sư và các thị trấn phủ huyện, những nhà có tiền đổi gạo, phải mua với một giá đắt đỏ ghê sợ. Hạt gạo quí như hạt vàng. Bọn đầu cơ các nơi chở gạo thóc vào Thừa Thiên bán một giá nhất bản vạn lợi, thật là cơ hội phát tài cho họ, nhưng họ cắt cổ người mà ăn.
Cô Tư Hồng thấy thế cũng tính cầu lợi mà lại hóa ra lập được công danh, nổi tiếng nhân nghĩa mới kì.
Nguyên là sau việc thầu khoán phá thành được phát tài đâu hai ba vạn, cô xoay ra buôn bán lớn về thóc gạo, bắp ngô. Hồi này cô đã bắt đầu bước vào địa vị một nhà doanh nghiệp có số ở Hà thành. Xã giao cũng rộng. Khách hàng Tây có, Tàu có, An Nam có. Trong bọn chơi bời giao thiệp, không thiếu gì quan thương, phú hộ Tây Nam.
Trước cửa tòa nhà ở phố cửa Đông, sáng chiều thiếu gì ngựa xe dừng bước, quan khách ra vào. Nếu không phải khách hàng đến mua bán thóc gạo thì cũng là bạn bè Tây Nam đến thăm chơi.
Cụ Trần Nhật Tinh, tri huyện Đông Sơn, cụ Trần Tán Bình, đốc học Hà Nam, ông Vũ Huy Quang, thông phán trạng sư, các nhà công thương doanh nghiệp như Trần Viết Soạn, Bạch Thái Bưởi, Cự Khánh hàng Bạc, Hòa Kí hàng Khay, đều là những khách năng đi lại nhà cô Tư, hoặc tới giao du, hoặc vì việc buôn bán.
... (mất 2 trang)
Đã nói cô Tư đang độ xuân sắc hơ hớ, ở độc thân mà lại giàu có như thế, ai chẳng thích tìm đến kết giao.
Nghề đời, có năm lại muốn giàu mười. Hễ có một cơ hội hốt của thêm họ không khi nào chịu bỏ.
Nghe nói hạt Thừa Thiên đói kém luôn hai năm, thóc gạo rất khan và bán được giá lắm, cô Tư chở đầy một chuyến tàu gạo vào Huế để bán thủ lợi. Hồi ấy vào khoảng đầu năm 1904.
Nhưng khi tàu gạo mới ở ngoài này nhổ neo thì ở trong Huế, nhà đương cuộc Bảo hộ muốn trừ cái nạn thóc cao, gạo kém cho dân, vừa mới ra nghị định cấm buôn bán đầu cơ. Thành ra lúc tàu gạo vào đến nơi, đáng lí bị tịch biên và người chở gạo lại còn bị phạt nữa là khác.
Phúc đáo tâm linh, cô Tư nói dối ngay một cách rất khôn ngoan, mẫn tiệp:
- Không! Tôi chở tàu gạo này vào, cốt để phát chẩn cho dân đói, chớ có phải bán chác gì đâu.
Câu nói xoay hẳn tình thế, lật ngay mặt trái ra mặt phải.
Từ nhà buôn gạo đầu cơ đổi ra nhà giàu lòng từ thiện.
Một việc thừa nguy cầu lợi đáng khinh trở nên một việc cứu khốn phò nguy đáng trọng.
Quan Khâm sứ ngợi khen lòng thiện hiếm có, nhất là từ nghìn dặm chở gạo lại đây cứu người. Thừa Thiên Phù doãn thông sức cho các địa phương. Hôm trước hôm sau, nạn dân tứ phía kéo về Phủ doãn lĩnh chẩn đông như kiến cỏ.
Mỗi người được vài đấu, dăm lon, so với đại nạn tuy không thấm gì, nhưng kể cũng níu lại hơi thở của họ được dài thêm mấy bữa.
Khắp kinh sư vang đồn tiếng tăm bà Tư Hồng, nhà từ thiện xứ Bắc. Nạn dân được bố thí thi cảm ơn nhớ người, còn cái ẩn khúc bên trong, họ nào biết được.
Thử thời nếu có báo chí quốc văn to rộng như bây giờ, chắc người ta đã thấy dung nhan cô Tư in bằng cái mẹt trên báo vào những bài tán dương leo từ trang nhất qua trang ba, trang bốn.
Tiếng vang thấu đến cửu trùng.
Trong lúc cô Tư đang vui thú phong cảnh sông Hương núi Ngự với những bạn mới ở thần kinh, bỗng tiếp được thánh chi triệu vào bệ kiến.
Đoạn này xin để cô Tư - người trong cuộc tự thuật ra thì hơn:
- Hôm tiếp được lệnh đòi, tôi lo sợ "xanh mặt", không hiểu chuyện gì.
Một bà chị em bạn nói:
- Chắc vì việc cô phát chần, "ngài ngự" muốn triệu vào tận nơi để xem mặt ban khen chớ gì. Mấy ai được cái vinh hạnh ấy, nhất là đàn bà. Thế là đáng mừng, có chi mà lo.
Bây giờ tôi mới yên tâm.
Nhưng thuở nay mình chẳng biết lễ nghi trong chốn triều đình cung cấm là thế nào, biết quì lạy tâu gửi cách sao cho khỏi phạm phép?
Biết tiếng cụ thương Cao Xuân Dục xưa kia từng làm quan xứ Bắc, tôi vội vàng đến hầu thăm cụ để hỏi cách thức.
Cụ tiếp đãi ân cần và bảo cho biết việc chầu hầu đã có quan Lễ bộ chỉ vẽ hướng dẫn, đừng lo. Vả lại, cụ sẵn lòng để cụ lớn bà đưa tôi vào nội.
Sáng mai, cụ bà sửa soạn giùm tôi bịt khăn vành dây, mặc áo rộng, do quan Lễ bộ tập qua nghi lễ rồi cùng đi vào cấm thành.
Chỗ cung điện tôi vào chầu gọi là điện gì tôi cũng chẳng biết. Cảnh lộng lẫy uy nghiêm làm tôi choáng cả mắt, run cả người. Một lát, nghe quan Lễ bộ nói nhỏ: Ngài ngự và bảo tôi làm lễ. Tôi lễ năm lễ, khấu đầu chín lần. Ngài ngự ban cho ngồi và phán hỏi tên họ, quê quán tổ tích và công việc buôn bán thóc gạo. Kế ngài ban khen việc tôi đem gạo từ Bắc vào phát chẩn rồi truyền thái giám đưa tôi vô hậu cung bái kiến các bà phi tần và hầu chuyện khá lâu mới ra.
Tôi không ngờ đời tôi có cái vinh hạnh ấy, có chỗ sung sướng không thể tá ra được nữa kia v. v. .
Chuyến này mất mấy nghìn đồng bạc gạo nhưng được tiếng nhân nghĩa, được gần thiên nhan và chắc sắp được phẩm hàm nữa, cô Tư hán hở ra mặt, khi xuống tàu từ giã đế kinh."
Quá nhiên cô về Hà Nội mới hơn một tháng thì có tin trong Bộ tư ra, cô được triều đình ân thưởng bốn chưz sơn son thếp vàng: "樂捐義婦, Lạc quyên nghĩa phụ" và sắc phong cho làm "Chánh ngũ phẩm Nghi nhân 正五品宜人"
Trong lòng sắc có hai câu:
女中風雅之, 紅裙拔俗
世上雲雷之會, 白手成家
"Nữ trung phong nhã chi hào, hồng quần bạt tục
Thế thượng vân lôi chi hội, bạch thủ thành gia"
(Nghĩa là: Hào hoa bực nhất chị em, má hồng khác tục; Bay nhảy gặp hồi mây sấm, tay trắng nên nhà).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện