[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 13 : Anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi.

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:27 08-01-2019

.
Chú Hồng thương yêu chiều chuộng vợ một cách gần như có ý nghĩa tôn giáo. Không phải vì nhan sắc hay mĩ đức gì - sự thật, vợ chú đâu có hai của quí ấy! Chỉ vì thấy từ khi lấy vợ về, việc buôn bán được thêm phấn chấn và càng ngày phát tài hơn trước. Chú Hồng tin chắc tuổi vợ có quan hệ mật thiết với cuộc làm giàu của mình nếu rời bỏ nhau ra thì sự nghiệp mình đến phải nghiêng đổ, nguy khốn. Người Tàu có lòng tin tưởng ấy nhiều lắm. Chúng tôi được thấy một nhà thầu khoán Hoa kiều lấy một cô giang hồ một trăm phần trăm về làm vợ. Cô này vừa già vừa ốm, nghiện thuốc phiện mỗi ngày nửa lạng là ít lại ham mê đồng cô bóng cậu đến nỗi lúc nào không đi lễ bái, nhảy nhót ở đền kia phủ nọ thì ở nhà nằm li bì cạnh bên bàn đèn. Cái lạc thú giữa vợ chồng hầu như không có nữa. Thế mà ông chồng hết sức chiều chuộng, kính sợ, nào là cho cô thờ tự, đồng bóng ngay ở trong nhà, nào là mua thuốc phiện thượng hạng cho hút và sâm Cao li chính hiệu cho cô bổ dưỡng. Người ta có thể bảo là chú thờ bà vợ. Chỉ vì chú tin rằng tuổi vợ rất hợp với cuộc làm ăn của chú, từ khi lấy cô về, chú thầu khoán được toàn việc to, kiếm ra bạc vạn luôn luôn. Thành ra vợ muốn gì được nấy, tới nước đòi làm phép cưới (vì chú Hoa kiều này vào làng Tây) và cho của để riêng, chồng cũng chịu ngay. Chú Hồng thương yêu chiều chuộng bà vợ đại khái cũng do một tâm lí ấy; hay nói cho đúng, cũng thờ một tin tưởng ấy. Thấy vợ thương cha nhớ nhà muốn về thăm viếng, chú Hồng vội vàng chiều theo sở thích vợ kẻo sợ vợ buồn. Giá như người khác, bất quá viết thơ cậy người thăm hỏi hay là cho vợ muốn đi thì đi một mình thế đã là tử tế. Đằng này chú Hồng chiều vợ, phú thác công việc cửa hiệu cho mấy người khách làm công rồi chú thím và một con ở bưng tráp trầu, xách va li theo hầu cùng nhau đề huề đi Kim Sơn. Chắc các bạn còn nhớ, hồi mấy năm trước thím Hồng ở đây ra đi, tay trắng, chân không với một bọc áo vải nâu cũ mèm, một chiếc nón lá rách. Bây giờ thím trở về đây, đi đép cong sơn bóng quai nhung, đội nón ba tầm xuyên thẻ bạc, tai có hoa, cổ có hột, quần áo lượt là, theo sau là một con nữ bộc với một ông chồng thả bím xuống quá ngang lưng, mặc áo dài gần chấm gót, chân đi bít tất trắng, giày Tàu, ống quần thắt sà cạp, đúng mốt của các ông Thiên triều cuối thế kỉ XIX bước sang đầu thế ki XX này. Trong bấy nhiêu năm xa cách đi về, mấy độ sao rời vật đổi, nhân sự biến thiến. Trước khi sắp đến đầu làng, thím Hồng chứa chan những nỗi vui mừng khấp khởi vì tưởng sẽ được thấy cha già, gặp dì ghẻ và mấy đứa em đã lớn, thấy những gốc cau thời cũ, khóm chuối ngày xưa. Nhất là mừng thầm ta đi một về mười, được hởi lòng rửa mặt cho cha sạch hẳn cái tai tiếng đối với hàng xóm từ ngày nào. Một người học trò nghèo được về vinh qui bái tổ, cái trình độ vui mừng trong dạ, hẳn cũng đến mực cao chừng ấy thôi. Khốn thay! Nỗi mừng cùa thím Hồng chẳng khác gì nỗi mừng của cô bán sữa hay là anh chàng đã tỉnh giấc kê vàng! Lúc về đến nơi, thím nhận rõ từ khóm tre, từ bụi dâm bụt đi về này những lối này năm xưa, duy có nhà xưa cảnh cũ của mình bây giờ chỉ còn lại một đám vườn hoang cỏ moc. Thím giật nẩy mình khôn xiết ngao ngán bâng khuâng, chưa đến nỗi đứng đấy mà khóc òa vì còn có chút hi vọng hay là nhà đã dời vào phía trong xóm. Thím trông thấy một người đàn bà ẵm con đang đứng ở đầu xóm dòm sững về phía mình liền đi đến chỗ người ấy để hỏi thăm. Người ấy là thị Tý bạn gồng gánh đi chợ Kim Sơn với nhau ngày trước. Thị Tý giờ đã có chồng, có con, bộ tịch sồ sề như con lợn nái đã đẻ nhiều lứa. Lúc nãy có tiếng trẻ con trong xóm khảo nhau có vợ chồng chú Khách đi vào làng, thị Tý ẵm con ra đứng ngoài ngõ nhà mình ở đầu xóm để dòm xem cho thỏa tính hiếu kì. Khi thấy thím khách đi lại gần chỗ mình đứng, thị Tý nhanh nhảu hỏi trước: Thưa bà, bà muốn tìm nhà ai cơ? Bỗng nàng cau mày nhăn trán như lúc trí nhớ của con người ta vụt tỉnh dậy; thím khách chưa kịp trả lời câu hỏi thì nàng đã reo lên: Rõ nỡm chưa! Chị Lan đây mà? Bây giờ bệ vệ sang trọng như bà lớn, còn nhớ cái Tý bạn cũ ngày nào không? Ồ! Thế ra chị Tý ư? Trông người bây giờ khác hẳn, giá chị không nói chắc tôi không nhận ra. Ngoánh lại mới ngày nào, thật là chóng quá nhỉ! Quả thật, thím Hồng nhận ra bạn cũ. Trong lúc ấy, lũ trẻ trong xóm vây chung quanh chú thím, nghếch mắt lên mà nhìn, ngơ ngơ ngác ngác, chúng nó dòm sững từ đồ vàng đỏ ối ở cổ thím sang đến cái đuôi sam dài thượt của chú; thị Tý xua tay bảo chúng nó giãn ra và nói: Mời chú thím vào ngồi tạm trong nhà tôi uống nươc nghỉ chân đã. Nhà thị Tý thanh bạch nhưng anh chồng vốn con nhà học trò nên khéo giữ cửa nhà sạch sẽ và biết cách trang hoàng theo lối quê. Hôm ấy chồng nàng đi vắng, không ai tiếp chuyện chú Hồng. Chú cầm quạt phe phẩy đi lại trước sân, xem hết mấy chậu cây si của chủ nhân dụng công uốn thành chữ phúc chữ thọ, tới xem non bộ và mấy con cá vàng bơi lội tung tăng trong bể nước. Trong khi ấy thím ngồi ăn trầu nói chuyện với thị Tý ở chiếc chiếu hoa giải trên đầu hè. Chị về đây hôm nay là có lòng tốt tìm thăm chị em bạn nghèo với nhau thuở trước, hay là có việc gì? Phải tôi về trước là thăm nhà tôi, sau là thăm bạn cũ. Nhà nào? Nhà thầy tôi chớ nhà nào, chị này khéo hỏi ỡm ờ không. -Giời ơi! Thế ra chị bấy lâu ở đâu chẳng được tin nhà và không biết chuyện thay đổi gì cá thì phải. Chắc thầy tôi đã dọn nhà vào xóm trong có phải không chị? Xóm trong nào? Hồi ấy, chị bỏ nhà đi được vài tháng thì ông cụ dọn hết nhà cửa di trú đi đâu không biết, chúng tôi có hỏi nhưng ông cụ không chịu nói. Thế từ bấy đến giờ chị không được tin tức gì về ông cụ cả hay sao? Nào tôi có ngờ; vẫn đinh ninh trong bụng rằng cả gia quyến tôi còn ở vùng này. Thím Hồng nói câu ấy với giọng não nùng và cố cầm nước mắt cho đừng tuôn xuống. Thị Tý cốt nói nho nhỏ cho bạn vừa đủ nghe: Chị này bỏ nhà đi vắng một mạch năm sáu năm giời không biết gì tin tức của nhà thật nhỉ. Để tôi kể qua cho chị nghe nhớ. Này, lúc ấy chị bỏ nhà ra đi hôm trước, hôm sau đầu làng cuối xóm, thiên hạ đồn rầm lên rằng chị phải lòng thằng con ông lí Hướng, chửa hoang với nó mà nó không thèm lấy thành ra chị phải đi xa để ở cữ xong rồi mới về. Ông cụ nhà chị buồn rầu, xấu hổ đến nỗi gầy hẳn người đi. Thêm mấy người độc ác, gặp ông cụ ở đâu cũng hỏi bóng gió, xỏ xiên: Nghe nói ở nhà ông có chiếc trống cái muốn bán rẻ, phải không? . . . làm ông cụ tức lộn ruột, có lần chửi nhau với họ. Còn một đằng, lão Bá Kim Sơn không lấy được chị về đấm bóp cho lão thì lão cũng tức, thường đe dọa kiện thưa ông cụ và tìm cách làm hại hết sức cho biết tay, cho ông cụ không thể nào làm ăn mở mặt ở vùng này được thì lão ta mới chịu. Hình như có lần ông cụ ra ngoài Nam tìm chị không được rồi về ít lâu, tôi thấy ông dọn dẹp nhà cửa, cái gì bán được thì bán, còn thì nhét đầy hai cái bồ, sáng sớm dắt díu cả nhà ra đi. Ai hỏi đi đâu, ông cụ chỉ trả lời là dọn lên chợ huyện. Kì thật là nói dối vì ông không dọn lên chợ huyện bao giờ; chắc hẳn di trú đi đâu xa biệt, không ở trong vùng này nữa. - Thế thì mênh mông giời đất, biết đâu mà tìm cho ra được, hử giời! Thím Hồng vừa nói vừa dơm dớm nước mắt rồi đứng dậy từ giã bạn. Vợ chồng thầy tớ vội vàng đi ra cho kịp chuyến tàu Kim Sơn về Nam để xuôi Phòng ngay tối hôm ấy. Vì cái mục đích "vạn lí tầm thân" không đạt khiến nàng hết sức buồn bã, không muốn ở lại để ngó thấy cái cánh tượng dấu cũ rêu phong, đất còn người vắng kia một giây phút nào nữa. Thế thì trong lúc cô con gái làm ăn đã khá, cốt về thăm cha, giúp cha, với ông rể Thiên triều chịu khó theo vợ đi tìm để chào nhạc phụ, hỏi bác phó cựu Thành Thị đã di trú phương nào, lưu lạc đâu ta? Quá đúng như lời thị Tý đã nói cho bạn nghe sau lúc con gái trốn đi, bác phó như người mắc chẹt ở giữa cái tình thế hai đầu có lửa. Một đầu là miệng tiếng thị phi của thiên hạ thiêu đốt. Một đầu kia là lời hăm dọa của lão cường hào Kim Sơn làm cho bác nóng lòng sốt ruột. Bác liệu bề không ở làm ăn xứ này được nữa thế tất phải đi. Rồi bác lẳng lặng dắt díu vợ con sang ở Bồng Hải; từ nay bác với thím Hồng, cha con chẳng những tuyệt hẳn âm hao lại biệt cá tung tích. Vì tuy ở trong một xứ nhưng hồi đó việc giao thông khó khăn nên khó lòng mà tìm nhau được. . . Ở Kim Sơn về Hải Phòng được độ mươi ngày, thím Hồng bồng phát bệnh nặng vì lẽ ưu sầu thái quá. Mỗi ngày một cơn sốt rét li bì hễ động nhắm mắt là nói mê, nói sảng; ăn uống thứ gì cũng phải thổ ra. Ông chồng lo sợ xanh mặt, đã tưởng phải làm đám ma. Hao tồn bạc trăm, đổi thầy chạy thuốc mấy bận, gần hai tháng mới được thoát hiểm. Nhưng từ đấy trở đi thím Hồng hóa ra người ốm yếu hom hem, thường biếng ăn mất ngủ và năm ngày ba tật luôn luôn. Trong nhà chẳng mấy ngày không có y sinh ra vào, bên mình cũng chẳng mấy hôm vắng siêu thuốc bổ. Có người nói thím Hồng có ngoại tình, ốm thế là ốm tương tư, chẳng biết có phải không? Lắm bà lắm cô nhà giàu, giời cho khỏe khoắn sung sướng quá độ mà ái tình không được no đủ, thường sinh ra dâm đãng, không phải lạ gì. Chỉ biết thím Hồng từ ngày đau yếu liên miên trong mình sớm tối nằm ngồi thờ thần, lừ đừ chẳng còn có thể săn sóc âu yếm chồng như mọi khi và cũng chẳng lí hội gì đến việc buôn bán giúp chồng được nữa. Trong khi thím Hồng ốm yếu như thế, thì chú Hồng đâm ra chơi bời. Có lẽ tòa nhà đến lúc ọp ẹp, suy đồi, mấy cây cột cái bị mọt đục khoét tứ tung. Bà vợ như con mèo ướt, nằm rên trên giường bệnh, ông chồng nhảy tung như con ngựa bất kham ở trên con đường tửu sắc, yên hoa. Đêm nào chú cũng kiếm cớ trốn nhà đi ngủ lang, không ngồi bốc rời ở những sòng mạt chược, ngầu hầm thì cũng xuống nằm khàn dưới xóm cô đầu hay là cập kè một con đĩ "phì phà chảy" ở trong khách sạn nào đó. Lúc trước chú hiền lành như ông bụt đất, bây giờ đổ đốn, phũ phàng hung dữ như một tên côn đồ. Có lúc thím chưa kịp hết lời can gián, ghen tuông, chú đã quắc mắt lên thím lại phải im ngay. Cửa hiệu mặc kệ mấy người làm công, chú không dòm ngó gì đến sổ sách và hàng hóa thứ nào mất còn thiếu đủ. Chú chỉ cần một việc là mỗi chiều tối mở ngăn kéo ra, nội ngày bán chác được mấy chục, mấy trăm thì vơ vét bỏ túi rồi đi. Ngày hôm sau cũng thế. Ai lạ gì cờ bạc, trai gái là một hang sâu vô cùng tận, bao nhiêu kho vàng đụn lúa đem đồ vào đó cũng không vừa. Chơi bời phung phá như cách chú Hồng thì đến sản nghiệp của Vương Khái, Thạch Sùng rồi cũng phải đổ nát tiêu tán, cái lưng vốn dăm ba vạn của hiệu Bình An có thấm tháp vào đâu. Ban đầu chú Hồng chơi bằng vốn nhà; bao nhiêu tiền bạc buôn bán hay lĩnh trưng kiếm ra, cứ hết trăm nọ đến nghìn kia, chú đem quăng vào cửa hang "tứ đồ tường" cho kì hết. Rồi thì chơi bằng hàng hóa bán đắt bán rẻ và nợ lãi vay cấu vay cào. Tiền hàng còn thiếu chịu các hãng Tây hiệu Khách rất nhiều, nơi thì thúc đòi ngày một, nơi thì thưa kiện thẳng tay. Thể là cái sự nghiệp của ông bố đề lại làm gốc và năm năm dư vợ chồng bù đắp thêm vào đến đây tan hoang vỡ lở sạch bong. Tới khi chú Hồng tỉnh ngộ, muốn cố duy trì gượng lại thì như người đã ngã, đuối sức quá rồi không vùng dậy nổi. Cho nên trước mấy hôm nguy cấp chú đã bí mật tìm kế thoát thân không thì ở tù mang nhục, chẳng phải khánh tận cửa hiệu mà thôi. Vơ vét tứ phía được dăm trăm đồng, chú lẻn ra Móng Cái xuống thuyền chài trốn về Đông Hưng mất, không hề dỉ răng một tiếng nào cho vợ biết trước để tự liệu lấy thân. Đàn bà Việt Nam thường nói "Lấy khách, khách về Tàu" là sự đó. Có, chủ Hồng có để lại cho vợ mấy chữ viết trên miếng giấy nhỏ vàng in trên chiếc gối bông mãi chiều tối hôm sau thím mới thấy vội vàng đưa cho chú tài phú xem và cắt nghĩa giùm. Mấy chữ thế này: "Ngã cấp hồi Mãn, bất năng thoại biệt. Điếm vụ thính nhỉ liệu lí nhất thiết. Tha nhật hoặc hữu cơ huyên trùng phùng, vị khả tri dã. Lan khanh trân trọng" . Nghĩa là: "Ta gấp về Phúc Kiến, không kịp từ biệt. Công việc cửa hiệu tùy mình lo liệu tất cả. Ngày sau may có cơ duyên ta lại gặp nhau, cũng chưa biết đâu. Xin chúc Lan khanh, trân trọng" . Thôi thế là xong: chú mặc mẹ con vợ Ố Nàm mà tếch về Tàu một mình rồi. Chú bảo thím lo liệu cách gì bây giờ? Người ta đă xin tịch kí mà trong hiệu trống trơn hàng hóa, đồng xu không còn. Ngay sáng hôm sau, mõ tòa đến niêm phong cửa hiệu Bình An và sai người canh gác. Thím Hồng chỉ vừa kịp thời giờ gói ghém quần áo, xách nón ra đi; lại mình trần tay không, như hồi mới đến năm năm về trước.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang