[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 10 : Lưu lạc ra tận Hải Phòng

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 18:28 08-01-2019

.
Sáng sớm hôm sau, Thị Lan - các ngài đã biết con bé cháu nhà quê của bác Khán chính là nàng - xách cái thúng đi lững thừng từ phố Năng Tĩnh lên chợ Rồng, như thường lệ mỗi ngày. Nàng vừa đi vừa suy nghĩ thấm thìa. Càng thấm thìa càng ấm ức. Bao nhiêu chuyện đụng chạm quay cuồng ở trong đầu óc nàng nhưng rút lại chỉ qui tụ vào hai việc cốt yếu: ở và đi. Hai việc, hai đấu hỏi rất lớn. Tình cảnh nàng thế mà khó khăn. Đã bỏ nhà đến đây nương nhờ chú thím, tuy là họ xa nhưng cũng còn dính dấp rễ má dây mơ hơn là hàng xứ, trong ý nàng chỉ cầu được ở yên thân. Cứ ở yên đây ít lâu, gặp được anh chàng nào xứng lứa bằng đôi, phải duyên phải sổ thì ta lấy rồi cùng nhau chịu khó làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, thế là có thể tạ tội với cha mẹ. Sở nguyện của một cô ả nhà quê mới ra tỉnh lần đầu, chưa có gì là cao kì, xa xôi; đũa mốc đâu dám chòi mâm son, váy đụp trông gì ngồi võng tía, nàng chi ước mong ngày kia vớ được anh chồng trẻ trung, hiền lành có nghề nghiệp tử tế để có thể đưa nhau về Kim Sơn nói với bác Phó: "Thưa thầy nhà con đây", thế cũng đủrửa tiếng bỏ nhà ra đi. Nhưng nào phải con người ta muốn gì cũng được. Thế ra quên đứt ông Tạo hóa và bảo người ta không có vận mạng. Thì xem cảnh Thị Lan đấy. Những ước mong yên ổn, mơ màng tương lai mà vớ ngay được một mụ thím cay nghiệt và xấu bụng hết chỗ nói. Cho con bé cháu nhà quê mới ra được một chỗ ở đậu, hai bữa cơm dư mà ra điều tiếc rẻ suốt ngày nỏ miệng chửi mắng trừ chứ không chịu bắc đồng cân, đồng lạng mà cân giùm công việc vất vả nó làm cho nhà mình còn nặng bằng ba cái mình nuôi nó. Thím gì mà xử với cháu tệ hơn là đầy tớ. Mới ở chừng nửa tháng hai mươi ngày nàng đã thấy rõ mụ thím là một con yêu tinh, nghiệt phụ. Đang lúc đông khách ở trọ ăn cơm, mình làm tối mắt suốt ngày, mụ còn nỡ lòng xử tệ như vậy, nay mai hết mùa khoa thi, tự nhiên vắng khách ế hàng không biết mụ sẽ tiếc mấy hột cơm bố thí mà dằn vặt mình đến đâu. Thế tất phải đi. Nhưng mà đi đâu bây giờ? Nàng đến tuổi đã biết nghĩ, biết lo. Đi có lẽ là bước chân vào con đường hạnh phúc, mà cũng có lẽ nhảy xuống vực sâu. Sẽ bơ vơ khổ sở, sẽ làm tôi tớ người ta để mà sống, sẽ bán rẻ cả xác thịt không chừng để cho con tì con vị khỏi liệt máy, hay sẽ chết đói chết rét một xó xỉnh nào, như thân con chuột thối nằm trên vỉa đường, người ta hất cẳng đá một cái xuống lỗ cống là xong chuyện. Nhưng cứ phải đi, đi liều vì tình thế không ở được. Cứ đi, nhất nên nhị hư, một sống hai chết, chỉ có thế thôi. Tới đây, nàng nghĩ nhớ lại câu chuyện chị em hàng gánh nói với nhau hôm cùng đi chợ Kim Sơn về. Nhiều cô con gái quê phẫn chí, bỏ nhà ra đi xuôi Nam ra Phòng ít lâu trở về thấy nghênh ngang áo the quần lĩnh, nón thao dép cong, thì ra họ đã vớ được chồng là thầy kí thầy thông hay chú khách chủ hiệu. Truyện ấy như có móng nhọn in vào óc nàng, giờ gặp được lúc nổi bật lên. Nàng ngẫm nghĩ những cái may mắn người ta chẳng có nước da cặp mắt như mình còn có thể gặp được huống chi mình đây chẳng thua kém ai. Ông trời đã ban cho họ lắm sự may mắn, không lẽ nào lại hẹp lượng với mình. Thôi mình đã xuôi Nam gặp bước không tốt rồi, cũng chưa phải là cùng đường bí lối, vẫn còn một cửa mở nữa: ra Phòng. Nàng vừa đánh xong cái dấu nhất định ấy trong trí thì chân cũng vừa bước đến chợ Rồng. Tội nghiệp nàng mua chác mớ rau mớ tép cũng phải mặc cả từ đồng kẽm chỉ sợ về nhà bị mụ thím ác nghiệt nghi là ăn bớt. Tay xách một xâu cá mè, đầu đội cái thúng nặng trĩu, nàng ở trong chợ đi ra được một quãng thì gặp cậu ấm trọ ở chái đông nhà mình đang từ đằng kia thất tha thất thều đi lại, chắc cậu ở phố hàng Thao về. Xem bộ tịch mỏi mệt không muốn bước và cặp mắt thức suốt đêm nó đờ ra thì biết. Nhưng khi trông thấy cô bé cháu nhà trọ thì cậu lại tỉnh táo ngay. Sự gặp không ngờ, làm cậu mừng quá, tươi hẳn nét mặt. Cậu kiếm cớ xin một miếng trầu để nàng phải đặt thúng xuống đất và mở gói lấy trầu cho cậu được dịp tán chuyện. Cậu nhoẻn miệng cười, cái thứ cười chót nhả, ranh mãnh của kẻ tán gái, cười cả mắt lẫn răng: -Cô mời miếng trầu này để mừng tôi được vào "kì phú" đây. -Kì phú là thế nào cơ? -Con gái quê mùa có hiểu chuyện thi cử, chữ nghĩa là gì đâu. -Vào kì phú nghĩa là vào nhị trường, thì làm thơ phú. -Thế là cậu đỗ ông cử hay ông tú rồi? -Chưa, còn phải thi hai kì nữa kia, nếu như được lọt nhị trường. May ra tôi còn được trọ nhà ông Khán cả tháng nữa để hàng ngày được giáp mặt hoa đào. . . -Không, nhà chú thím em có cây đào nào đâu mà có hoa? Nàng cãi ra vẻ thật thà, ngơ ngẩn. -Tôi nói hoa đào tức là định nói cô đó. Giữa lúc ấy có tiếng còi tàu tu tu ở ngoài bển đưa vào, nàng làm bộ hỏi như không biết: -Có cướp đánh ở đâu gần đây, cậu nhỉ mà lại có tiếng tù và họ thổi đó? -Tiếng còi tàu Phòng lên đấy. -Thế nó đi bao giờ mà bây giờ đã lên. -Cô sao thật thà quá. Bao giờ ở bên Nam này cũng có mấy chiếc xuôi, mấy chiếc đến. Ví dụ chiếc Trường Châu xuôi Phòng chiều hôm qua, nay có chiếc Trấn An về. -Bến tàu chắc vui lắm, cậu nhỉ. Mình đi xem, lính họ có bắt không? -Việc gì mà bắt. -Em vẫn ao ước xem tàu chạy một hôm. Tàu Phòng chạy vào giờ nào hở cậu? -Vào khoảng một giờ chiều. -Thế thì giờ ấy em đi xem được. Hôm nào cậu đưa em đi xemnhớ. Cậu ấm thích mê: -Được. Mai tôi bận vào trường thi, ngày kia tôi dẫn cô đi xem cho biết. Hôm ấy, ta cứ hẹn nhau ra đây rồi cùng đi, nhớ. -Vâng, chào cậu, bây giờ em vội về nấu cơm kẻo trưa mất rồi. Cậu ấm tấp tểnh mừng thầm tưởng mình lợi dụng được chị gái quê chẳng dè chị gái quê đã lợi dụng cậu để dò thăm một tin tức cần biết là giờ tàu Phòng chạy. Nàng định cao bay xa chạy ngay vì sợ để lâu bại lộ cơ mưu, hay là bác Phó ở Kim Sơn lần mò đến nơi bắt về thì hỏng. Quả nhiên, ngay sáng sớm hôm sau, nàng thu sẵn gói xống áo để trong chiếc thúng đậy vi buồm lên trên, một lát mụ Khán đưa cho đồng bạc hoa xòe sai đi chợ như mọi ngày nàng vội vã cắp thúng ra đi. Lần này đến đầu phố Khách, nàng không rẽ vào chợ Rồng đi thẳng tuột xuống bến tàu. Lẩn lút trong xóm Vị Hoàng đến trưa, nàng vào quán ăn cơm với mấy con tép rang lại mua một nắm cơm gói theo rồi mới xuống tàu Trường Châu để xuôi Hải Phòng. Từ lúc này mãi cho đến khi có Bạch Thái Bưởi nổi lên, tàu thủy chạy trên các ngã sông xứ Bắc, trừ ra mấy chiếc tàu của Tây còn thì người Khách chuyên lợi. Tàu còn chạy bằng guồng bánh xe ở sau đít. Từng trên từng dưới giải những hàng chiếu dài cho hành khách nằm chen chúc nhau như cá mòi sắp lớp. Lúc nào chiếc tàu cũng nghiêng, cũng trành, người đi không quen tất phải xanh mặt, chỉ sợ lật đổ. Thế mà tối đến, một chú tài công hay chú mại bản còn dồn khách lấy một chỗ rộng độ vài chiếc chiếu để bày xóc đĩa hay phán thán bóc lột bà con mình. Đàn bà con gái thường bị nạn chòng ghẹo, lần mò, nghịch ngợm. Họ thừa đêm tối, rờ rẫm, cấu véo các cô phải kêu lên oai oái. Bọn vô lại ấy xảo quyệt, làm bộ chọc ghẹo mấy bà già, đế mấy bà phát giận, phải nói: -Mấy bác đùa nghịch các cô còn xuân kia kìa, chứ đùa nghịch bà già là nghĩa lí gì? Thể rồi chúng xoay lại nghịch ngợm các cô, các cô nào chua ngoa cự lại thì chúng được điều nói: Các cụ vừa mới truyền lệnh, cô không nghe thấy sao? Trong khi mũi tàu và sau lái có những tấn kịch khả ố như thế thì ở giữa tàu rền những tiếng kêu của bốn đồng tiền và bán chẵn bán lẻ làm cho nhiều bà con ta máu mê cờ bạc, phải trút túi cạn lưng rồi bán mẹ cả ô và khăn gói, tay nải đi. Tàu thủy bốn chục năm trước thật không có trật tự chút nào, nhũng nhiễu đủ thứ, kẻ cắp cũng nhanh như chớp. Thị Lan một thân, một mình, vừa nhát sợ, vừa lo ngại, đâu có đám nằm, cả đêm nàng phải ngồi xổm, khoác chiếc nón sau lưng, đựng đứng chiếc thúng bên mình để giữ lấy gói áo, rồi khoanh tay gục đầu trên vành thúng, khi chợp khi tỉnh. Chốc chốc nghe có bàn tay nào mò vào trước ngực, nàng lại giật mình ngẩng mặt lên: -Cái tay bác khỉ gió này làm cái gì thế? Không biết bàn tay ấy chỉ tinh nghịch, hay định móc lấy đồng bạc hoa xòe của cô gái quê. Có khi cả hai mục đích cũng nên. Tự đấy, Thị Lan không dám chợp mắt nữa. Nàng mở cơm nắm ra bẻ ăn và tán chuyện mưa nắng với mấy bà cụ ngồi gần để thức đến sáng. Phần tủi thân phận, phần lo sợ tương lai mịt mù, nàng ngồi khóc âm thầm, rấm rứt. Ai bảo bỏ nhà trốn đi? Thế mà chánh tổng muốn rưởc về ở ngôi bà kế, tha hồ sung sướng lại còn làm bộ làm cao không lấy? Có lẽ trời bắt đắng cay vất vả như thế đề phạt cái thói lên mặt đỏng đành kia chăng? Hay là con người có số nay mai giàu có tiếng tăm tất phải trước hết đi qua cái cầu phong trần luân lạc như thế mới được chăng? Lúc bước chân từ dưới tàu lên bến Hải Phòng, cô ả càng ngơ ngẩn lo âu, tự hỏi không biết mình đến đây làm gì và tìm con đường sống ở đâu bây giờ? Chúng ta nên biết nguyên xưa Hải Phòng tiếng là một trấn vua ta đặt ra để trông coi việc phòng bị giao thông ngoài bể, nhưng chỉ có danh nghĩa thế thôi. Toàn cảnh chẳng qua chỉ gồm có một dinh thự cỏn con cho viên trấn hải sứ, một vài xóm nhà lá, một vài vạn chài, đại khái cũng như cửa Hàn trong kia trước lúc có thúy sư đề đốc Rigault de Genouiỉly tới, chứ không phải đã có châu thành và thương cảng gì hết. Sau việc Hà Nội thất thù lần đầu năm 1873, triều đình cắt nhường khu đất Hải Phòng cho nước Pháp làm thương phụ. Người Pháp ra tay mở mang ngay: mở đường sá, cất phố buôn bán, đặt tòa lãnh sự để giao thiệp với quan ta, dọn đến cho tàu thuyền ra vào. Ấy là viên đá thứ nhất của thương cảng Hải Phòng. Đến khi cả xứ Bắc hoàn toàn thuộc quyền bảo hộ thì Hải Phòng đã có cái cơ sở, cái quang cảnh một thành phố tân thời sớm hơn được mươi năm rồi. Công cuộc kinh doanh tạo lập cho nên một thương cảng to và mới, những cánh tay khoa học mỗi ngày làm mãi, mở mãi không lúc nào ngừng. Hôm cô gái quê họ Trần ở dưới tàu Nam bước ngớ ngẩn lên bờ. Hải Phòng đà bày ra quang cảnh một thành phố mới mẻ, đông đúc, thịnh vượng. Phố tây, phố khách đã có, đường cầu Đất đã vui, bén tàu Sáu Kho đã mở; châu thành giống như con tằm ăn lá dâu, đang vùng to lan rộng ra tứ phía. Dân các tỉnh dồn nhau và kéo xuống buôn bán tìm việc hồ khẩu, tụ tập rất đông. Trước những cảnh tượng to tát mới mẻ ấy, Thị Lan ta bỡ ngở lo âu cũng phải. Vì Hải Phòng hoàn toàn mới, đẹp, nàng thấy lạ hẳn mắt mình, không như tỉnh Nam còn pha vẻ mới vào những nếp cũ vết xưa dính lại. Nhưng gái quê mặc kệ, đã bị số phận ném lên trên đường bơ vơ lưu lạc, tấm lòng muốn sống của họ bắt họ phải trở nên khôn ngoan, bạo dạn, có khi đâm liều. Bởi vậy, Thị Lan chỉ bàng hoàng lúc vừa đặt chân lên đất mới thôi, một lát nàng định thần lại, tắc lưỡi một cái rồi mạnh bạo cất bước đi rất tự nhiên. Cái tắc lưỡi ấy có thể diễn nghĩa ra thế này: - Trăm sự phó mặc ông giời! Mình đã liều đem thân xô đẩy đến chốn này thì cứ nhắm mắt đưa chân tìm lấy đường sống. Giời sinh giời dường, việc quái gì mà sợ. Ta cứ việc đi, đi tìm lấy việc làm mà sống; nhất là được chỗ may thuê vá mướn, không thì đi ở gánh nước nấu ăn cho người ta; hay có số kiếp vất vả lắm thì đến vào nhà thổ chứa là cùng chứ gì? Đồng bạc đổi ra lấy vé và tiêu pha, giầu cau lặt vặt dưới tàu, còn lại mấy hào, nàng vào một quán cơm che liếp ở ngay đầu bến, cốt mượn cớ ăn cơm để hỏi thăm mụ chủ quán ít nhiều đường đi nước bước cần dùng cho mình. Sau khi đã ních một bụng cơm cho cứng hai bắp vế rồi, cô gái quê ta đội nón cắp thúng, mạnh mẽ, ung dung đi lên trên phố. Nàng đi tìm việc làm. Hình như nàng muốn việc làm ở nhà nào giàu có thì hơn, cho nên đi qua cửa hàng cửa hiệu nào trông vẻ hơi khá nàng cũng đứng tần ngần một lát rồi vào hỏi: Thưa ông bà có công việc gì cho cháu làm. Nhà nào cũng lắc đầu. Có bà chủ hiệu thấy cô ả quê kệch ra ý khinh khi, hất hủi đến nỗi nàng chưa nói hết câu xin bà đã gạt ngay: Ai thừa cơm mà nuôi thứ mày. Suốt cả buổi sáng đi mất công mỏi cẳng, nàng đã hơi nán, tìm một bóng cây ngồi phệt xuống nghi ngơi. Một con mẹ lân la đến hỏi chuyện, nàng nghi là quân mẹ mìn dỗ người đem bán, nên chỉ ậm à vài câu rồi xách nón đứng dậy đi nữa. Lang thang mãi đến chiều, sang mạn cầu Đất, thấy một cửa hàng bán rượu khá to, nàng đứng lại dòm xem lâu lắm. Trạnh nhớ cái nghề nấu rượu, bán rượu vốn là nghề quen của mình, có lẽ vào xin việc ở nhà này may được, nàng đánh bạo bước vào. Bà chủ hiệu đã già, nét mặt rắn rỏi, đanh đá, nghe nàng hỏi xin việc, bà nhìn kĩ từ đầu xuống chân rồi hỏi một cách nhẹ nhõm: -Quê quán chị ở đâu? -Thưa cụ, cháu người tỉnh Nam ạ. -Mới ra Phòng lần này là một? -Vâng. -Thế là chị ở nhà quê mới ra biết quái gì công việc tỉnh thành mà đòi làm. -Thưa cụ, thầy cháu ở nhà quê chuyên nghề nấu rượu cho nên cháu quen nghề này lắm. -Thế à? Bà cụ tươi cười ngay vì đang cần một người biết xem rượu tốt xấu và bán hàng phụ mình, kẻo nhiều lúc đông khách quá bà bận tíu tít. -Mà chị định xin tiền công mỗi tháng bao nhiêu? -Tùy lòng tốt của cụ, cháu không dám nề hà, để cháu vào làm ít ngày, cụ xét việc định công, sao cho khỏi thiệt thòi cháu thì thôi. -Quí hóa nhỉ! Thôi, vào trong nhà cất thúng mủng đi. Thế là nàng đã có việc làm. Cũng trong một giờ nàng xin được việc làm ở Phòng thì bác phó ở Kim Sơn ra Nam đến nhà Khán Tèo ở Năng Tĩnh hớt hơ hớt hãi: -Cái Lan nhà tôi có ra đây ở với chú thím không? Vợ Khán Tèo như có chuyện tức giận sẵn, giờ nghe hỏi càng sưng mặt lên: -Có! Nó ra đây ở mười mấy ngày, sáng hôm qua nó lấy đồng bạc tiền chợ của tôi trốn đi theo thằng cu li, cu leo nào mất rồi không biết. Đồ con gái hư. Bác Phó bận lo thu xếp việc nhà mãi, ra Nam chậm trễ vài ngày, thành ra con đã đi đàng con, không được gặp mặt.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang