[Việt Nam] Cô Dung

Chương 3 : Chương III

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:32 25-05-2020

Kính cũng dậy từ tờ mờ đất như Dung. Suốt đêm dài xoay xỏa với muôn nghìn ý nghĩ, Kính thấy đã ê ẩm cả người. Kính lần xuống gian bếp trống thiên trống địa, vừa đun nước uống, vừa để sưởi cho đỡ lạnh. Uể oải vun những cành lau khô, Kính mơ màng nhìn lửa cháy và lắng nghe tiếng hát âm ỉ của chiếc ấm sành. Ánh đỏ chờn vờn chiếu lên khuôn mặt Kính âm thầm tư lự. Kính nghĩ đã rất chín song vẫn chưa hẳn quyết bề nào. Những băn khoăn đêm trước, bởi vậy, cứ giày vò lòng chàng như con sâu ngầm khoét trái cây tươi. Lấy Dung ư? Kính chỉ e mình nghèo tong thì Dung suốt đời sẽ khổ sở. Lánh xa Dung? Kính chắc sẽ đau đớn, sẽ tiếc hận vô cùng, khi chính mắt chàng phải thấy Dung lọt vào tay kẻ khác, như Nhuận chẳng hạn. Thực tình, Kính không hiểu tại sao mình có thể đau đớn, tiếc hận, nếu Dung sẽ lấy Nhuận, nghĩa là Dung sẽ được sung sướng, vẻ vang. Yêu Dung, Kính chẳng vẫn ước mong, cầu khẩn cho Dung một cảnh đời may mắn hơn cảnh đời của bà mẹ Dung đó ư? Kính không ngờ lòng mình luẩn quẩn đến thế, Kính vẫn tự cười mình là nhỏ nhen. Vậy mà hồ nghĩ đến Dung, Kính tự nhiên cứ hằn học với Nhuận, đem Nhuận ra so sánh với mình để tức bực thêm. Là vì, sự so sánh tỉ mỉ ấy chẳng bao giờ lợi cho Kính. Nếu Kính giỏi trai nhất làng, có giọng hát hay khiến nhiều trái tim thiếu nữ rung động, và dễ dãi, và ngay thẳng, và chịu thương chịu khó lại dòng dõi thi thư thì Nhuận cũng chẳng hèn gì. Nhuận là con một ông bá hộ, nhà giàu có hàng trăm mẫu tư điền, cũng bảnh trai, cũng hay chữ, cũng thật thà, tốt bụng và danh giá biết bao. Đã đành Kính hơn Nhuận ở chỗ được Dung yêu. Ngay từ khi còn học ông đồ, Kính đã thấy Dung quyến luyến mình hơn các bạn. Cái cảnh chàng mồ côi cả cha lẫn mẹ đã khiến Dung ngày càng thêm nặng lòng thương Kính. Cảm tình ấy theo thời gian đổi thành một tình yêu bền chặt. Tuy vậy, còn ông đồ. Trong việc này, chỉ duy ý định của ông mới thực là có giá trị. Nghĩ tới ông đồ, Kính định sẽ lại thăm thầy ngay sáng hôm ấy và, nếu tiện, sẽ hỏi ông về việc chàng định bán mấy thửa ruộng. Nói đến cảnh ngộ mình, Kính còn mong dò xét ý tứ ông đồ nữa. Kính uống tàn ấm chè, ra sân rửa mặt rồi lên nhà chít khăn, mặc áo để sửa soạn ra đi. Trời sáng bạch... Cây cỏ bắt đầu tỉnh thức, xì xào trong gió thoảng. Một tiếng gà gáy rồi năm bảy tiếng tiếp theo... Trên cành vông, trước thềm nhà Kính, con chích chòe khe khẽ hót như còn ngái ngủ... Phương đông mỗi lúc một vàng rực, lấp loáng bên kia lũy tre rung... Kính mở cổng ra ngoài, hít mạnh mùi lúa thơm tản mạn trong không khí. Một cảm giác thấm dần... thấm dần vào thớ thịt, vào linh hồn chàng như một nguồn sống mới lạ. Mặt trời lên khỏi núi Dùm. ức vạn tia lửa cầu vồng nhộm lập lòe trên cỏ ướt. Bóng cây in loang lổ mặt đường đi. Kính tự nhiên nao nức tưng bừng trước vẻ đẹp của ngày thu. Chàng muốn hát, muốn cười, muốn nhảy, muốn chạy tung tăng như hồi còn để chỏm. Kính chợt để ý đến một câu hát cất lên sau bờ giậu ruối: Vì mây cho núi lên trời, Vì chưng gió thổi, hoa cười nắng thu... Chàng dừng bước lắng nghe, lòng phơi phới rung động và, sau cùng, hát theo: Lá này gọi lá soan đào; Tương tư gọi nó thế nào hở em?... Lá khoai anh ngỡ lá sen, Bóng trăng, anh ngỡ bóng đèn anh khêu!... Cặp lông mày Kính bỗng nhíu lại; Nhuận vừa hiện ra ở đầu đường... - Anh Kính sung sướng thực! Vừa đi vừa ngâm thơ... Kính lãnh đạm: - Bác lý đâu về sớm thế? - Tôi vừa lại thăm thầy. - A!... - Chắc anh cũng lại đấy? - Không. Tôi lên Trung Môn có chút việc. Nhưng, qua nhà thầy, tôi sẽ vào... - Kính đỏ tai vì đã phải chối cái việc mình đương làm. Chàng tự trách: "- Ồ! Mình như thế chẳng hóa hèn lắm sao!". Kính ngẩng phắt đầu nhìn thẳng vào mặt Nhuận: - Thôi, vô phép bác nhé, tôi vội lắm! Kính rảo bước đi nhanh, cảm thấy ở sau lưng cái nụ cười rất khó chịu của Nhuận... Tới nhà Dung, Kính vừa bước lên thềm hè đã giật mình lo lắng: - Thầy đau nặng thế kia ư, cô Dung? - A kìa, anh Kính!... Anh vào đây; vâng, thầy đau lắm! Thế nào, anh lại để hỏi thầy... - Về việc bán ruộng và thăm thầy một thể. - Anh lý Nhuận cũng vừa ở đây ra... Tinh nghịch, Dung trỏ khay ấm chén. - Em pha nước mời, nhưng anh ấy dỗi không uống. Trong khi Dung nói, Kính bỗng nhìn đến mấy dòng chữ Nôm trên bìa quyển lịch mà Kính nhận ra là chữ Nhuận. Mặt Kính đỏ bừng rồi tái nhợt. Kính hỏi rất nhanh: - Thầy vẫn nằm ở trong buồng?... - Vâng. - Để tôi vào chào thầy đã. Dung âu yếm nhìn theo Kính, vẻ mặt mơ màng... Quyển vở cuối cùng đã chấm xong, Dung ngẩng đầu bảo lũ trẻ: - Thôi, cho các em về. Chiều vẫn phải đi học đấy nhé? - Vâng ạ! - Lạy chị ạ! Bọn trẻ, mừng như đàn chim sổ bầy, vừa xô nhau ra cửa vừa cười nói ồn ào... Dung thừ người suy nghĩ... Một lúc lâu, Dung vẳng nghe tiếng lợn rống đòi ăn, vội đứng đậy đi xuống bếp. Cô hâm được cám, đương vợi vào lon cho hai con vật háu đói thì chợt Kính hỏi ở sau lưng: - Cô chăn lợn trưa thế? - Hôm nào cũng cứ tan buổi học em mới cho chúng nó ăn. Dung trỏ con lợn đầu đàn: - Quái, con này tự nhiên sao lại đủng đỉnh thế chả biết... - Có lẽ nó ốm. Cô thử lấy bồ kết cho nó ngửi xem nào. Tổng ta vừa chớm có dịch lợn đấy!... - Chết chửa! Thế mà em cứ định phiên chợ này bán cả hai để lấy tiền thuốc men cho thầy, gọi là còn nước còn tát... Kính nín lặng nhìn con vật lử khử nằm ở xó chuồng... Dung lẩm bẩm: - Nếu không may nó làm sao thì thực là chó cắn áo rách!... Câu nói như một nhát dao đâm vào lòng Kính, chàng cúi đầu, nhận lấy cái sỉ nhục chỉ là một người thừa đối với cảnh nguy bách của Dung. Và, cũng lúc ấy, hình ảnh Nhuận lại hiện ra trước mắt Kính, với một nụ cười ngạo nghễ... Dung thấy Kính buồn vội lảng sang truyện khác: - Vừa rồi anh nói gì với thầy mà lâu thế? - Tôi hỏi thăm thầy và nghe thầy than thở mãi về sự vất vả của cô... - Anh có nói đến việc ruộng không? - Không. Dung ngạc nhiên nhìn Kính... - Là vì tôi trót đã nhận lời bán tất cả cho ông Chùm.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang