[Việt Nam] Cô Dung

Chương 2 : Chương II

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:32 25-05-2020

Nông nỗi ấy càng khiến cho bà đồ ngao ngán và tuyệt vọng không biết chừng nào! Con nhà nho thanh bạch, từ năm mười chín tuổi lấy chồng cũng học trò nghèo, bà đồ Khoan suốt đời tỏ ra biết quên mình và kiên nhẫn. Bà chưa từng được sung sướng cũng như từng dám ngần ngại trước cuộc đời nặng nhọc. Bao giờ bà cũng đi nằm sau hết để dậy trước hết cả nhà. Trời đang mưa phùn gió bấc, bà cũng lội xuống ao vớt từng nắm bèo mang về cho lợn. Vừa bảnh mắt, bà đã quang gánh vắt vai, le te trên đường thiên lý. Cổng làng đóng một lúc lâu, nhà nào nhà nấy đã bắt đầu cơm nước, bà đồ mới ở tỉnh về, một tay thỉnh thoảng nhắc vạt áo lau mồ hôi trán. Suốt đời bà chỉ có một mong ước: tên chồng chói lọi bảng vàng; một thú vui: chồng siêng năng đèn sách. Ngoài mong ước và thú vui ấy, bà không so sánh, không thèm thuồng gì cả. Bà chỉ biết cắm đầu, cắm cổ làm và làm, đến nỗi tuổi xuân qua đi lúc nào cũng không hay. Nhờ sự tận tâm của vợ, ông đồ Khoan được thảnh thơi, chăm về học vấn nên chẳng bao lâu nổi tiếng hay chữ nhất vùng. Tiếng thơm ấy mang lại cho bà đồ sự mừng vui khôn tả, Bà chỉ còn lo sẵn tiền lưng gạo bị, chờ lúc tiễn chồng đi thi nữa là vẹn tròn bổn phận. Thì, đùng một cái tin bãi khoa cử bỗng như tiếng sét giáng xuống đầu bà đồ Khoan. Bà không gượng dậy được nữa. Sự thất vọng, sự thiếu thốn cực khổ và mưa nắng yểm nhiễm lâu ngày làm cho bà đồ ốm nặng. Liên miên trong bốn tháng trời, bà nằm bẹp dí một chỗ; mặt và chân tay phù to lên; màu da xanh bủng; tinh thần phảng phất như ngọn đèn dầu cạn... Thế rồi, một đêm mưa gió, bà lặng lẽ qua đời; linh hồn chừng sang thế giới bên kia để thực hiện cái mộng võng điều, yếm thắm... Ông đồ tê dại cả tấm lòng. Ông không giữ nổi sự điềm tĩnh của nhà nho, hỉ nộ ai lạc bất hình ư ngoại nữa. Ông khóc người bạn tao khang quý báu, khóc ngày, khóc đêm, khóc ngồi, khóc đứng, khóc như một phu nhân nông nổi và, sau cùng, thành đau mắt không khéo đến mù lòa... - Thôi, con ra bảo chúng nó học viết đi. Dung im lặng theo lời cha. Và, một lát sau, bọn quỷ sứ đã anh nào ngồi chỗ anh nấy, làm việc rất ngoan ngoãn. Dung đi lại quanh trong lớp, khuyên người này một câu, bảo người kia một chữ, nghiễm nhiên như một cô giáo quen nghề. Sự chuyên chú ấy cốt để nén những sôi nổi trong tim. Những cái chỗ ngồi hiện bỏ không trên ghế ngựa, cùng những điếu, tráp, đĩa mực, nghiên son trơ trỏng vẫn khiến Dung bùi ngùi cảm thấy một nỗi buồn xa vắng. ... Một cậu học trò nhỏ bỗng gọi Dung: - Chị kìa, nhà có khách! Dung ngẩng đầu, hai má bừng đỏ... Khách - một chàng trai trẻ nhã nhặn, khăn lượt, áo sa, giày bóng - ung dung bước lên hè. Dung luống cuống: - Chào bác Lý. Bọn trẻ cũng nhao nhao: - Lạy ông ạ!... - Không dám! Chào cô, chào các em. Thầy đâu mà cô lại phải dạy các em học? - Thưa bác, thầy tôi đau mắt nặng... - Chết nỗi! Thế ra thầy vẫn chưa bớt à? - Cảm ơn bác hỏi thăm... Khách sa sầm vẻ mặt. - Cô cứ khách tính quá! Thầy đau, tôi là học trò, nghĩa phải chạy đi chạy lại thăm hỏi, chứ nào có gì mà cô nói ân với huệ... Dung cúi mặt, giấu một nụ cười. Chàng trai trẻ tiếp theo, chua chát: - Hay cô cho rằng chỉ anh Kính mới đáng là học trò của thầy? - Chết nỗi! Bác nghĩ thế oan cho em quá... Vả lại... - À! Nếu oan cô thì thực... may cho tôi! Dung đánh trống lảng: - Mời bác ngồi chơi để em pha nước uống... - Thôi, cô ạ! Tôi vào hỏi thầy có chút việc dân xong lại phải lên tỉnh ngay. Làm như không nghe tiếng, Dung cứ xách ấm xuống bếp... Khi cô trở lên định sửa soạn ấm chén thì Nhuận - tên thầy lý trẻ tuổi - cũng vừa ở trong buồng ông đồ bước ra. - Cô nghỉ nhé? - Ấy kìa, bác ở chơi xơi nước đã... - Nước!... Ruột gan tôi đầy cả rồi, cô ạ!... Dung bật cười: - Bác lý độ này rõ đến hay thưa rây! - Cô bảo thế nào là thưa rây? - Thưa rây là thưa rây chứ còn là thế nào nữa! - Phải, cô giễu tôi, tôi biết! Giá người khác hỏi tôi, chắc cô đã trả lời một cách... - Một cách làm sao nhỉ! Nhuận không đáp, ngoay ngoảy xuống sân. Vẻ cười cợt trên mặt Dung biến hẳn. Cô tần ngần lắng nghe tiếng giày Nhuận mỗi lúc một xa... Cô hiểu lắm, hiểu rõ lòng Nhuận tha thiết yêu mình. Cô còn biết nội làng Ỷ La chẳng ai bằng Nhuận. Khốn nhưng, đã yêu Kính, Dung còn yêu Nhuận sao được! Vả lại, Dung cảm thấy mình cần thiết cho Kính hơn là cho Nhuận. Thiếu Dung, Nhuận chẳng thiệt thòi là bao. Trái lại, Kính mà thiếu Dung thì Kính sẽ thiếu tất cả. ... Bọn học trò nhỏ viết xong; chúng thu vở chờ Dung chấm. Cô ngồi ghé vào chỗ ông đồ; tay vừa nhấc quản bút son thì mắt cô bỗng nhìn thấy mấy dòng chữ Nôm viết vội trên bìa quyển lịch cũ: Chê đây lấy đấy sao đành? Em chê cam sành, vớ phải quýt hôi! Quýt hôi bán một đồng mười; Cam ba đồng một, quýt ngồi trơ trơ!... Sờ nét mực vẫn còn ướt, Dung mỉm cười lẩm bẩm: Những nơi mà chát như sung Mà cay như ớt, em tung mình vào. Những nơi chiếu miến, võng đào, Điếu ngà bít bạc, em nào có say! Những nơi chiếu cói, võng đay, Điếu sành, se sậy, em say lừ đừ!...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang