[Việt Nam] Cô Dung

Chương 0 : Lời tựa

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:25 25-05-2020

Phong trào phụ nữ ở Âu châu đã ảnh hưởng tai hại đến xã hội thế nào mà một nữ sĩ nước ý, bà Gina Lombroso, phải cất giọng lâm ly thống thiết trong cuốn sách "L'âme de la feme" để cảnh tỉnh những người đàn bà đã đi xa cái thiên chức làm vợ, làm mẹ, vì lẽ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa duy tân. Tác giả đã phân tích "tâm hồn người đàn bà" bằng ngay tâm hồn của mình: như vậy công việc của bà hẳn có giá trị về sự thực không thể chối được, vì, như văn sĩ Jules Clarettie đã nói, tiếng kêu của một linh hồn bao giờ cũng đi thẳng vào trái tim người khác. Không những thế, cuốn: "L'âme de la feme" còn là kết quả bao nhiêu năm kinh nghiệm về tình cảm của tác giả, một người đàn bà không những có trí nhận xét tinh vi lại có học vấn uyên bác. Gần đây, phong trào phụ nữ kia đã tràn lan đến xã hội Việt Nam, do một nhóm văn sĩ có thế lực, tự làm hướng đạo cho phụ nữ trên đường duy tân để đi đến cá nhân chủ nghĩa. Cá nhân là gì nếu không có biến thể của vị kỷ? Vậy đề xướng cá nhân chủ nghĩa cho phụ nữ, chẳng là làm một việc trái thiên nhiên, nghĩa là đem tinh thần vị kỷ thay vào cái tâm hồn vị tha thiên cổ của người đàn bà? Thực thế, người đàn bà, theo sự nhận xét của tác giả "L'âme de la feme" bao giờ cũng vị tha. Không biết đến sự dĩ nhiên ấy mà lại muốn làm hướng đạo cho đàn bà; lại muốn chủ trương phong trào phụ nữ thì thực là người ta đã phản cái ý tốt của mình và, vô tình, đã chủ trương công cuộc phá hoại người đàn bà ở người đàn bà, luôn thể phá hoại cả Gia đình, căn bản của xã hội. Không đồng ý với nhóm văn sĩ nói trên, tôi, gần đây định viết nhiều về cuốn "L'âme de la feme" mà bài thứ nhất đã dăng trong số chót của một tờ tuần báo. Làm vậy, tôi chẳng có ý gì khác hơn là phản đối một cách kín đáo những người hiện chủ trương phong trào phụ nữ và đồng thời mượn lời nữ sĩ Lombroso, tôi muốn giác ngộ những bạn gái nông nổi đã bị lôi cuốn trên con đường nguy hiểm. Ý tưởng đó tôi chưa đạt được một phần thì Lan Khai với tiểu thuyết Cô Dung đây, đã vượt lên trước và đã làm hộ tôi hét thảy những việc tôi định làm. Nhưng lập trường của Lan Khai và của tôi có chỗ khác nhau: Tôi dùng văn nghị luận để tranh đấu; Lan Khai, trái lại, đã dùng văn tiểu thuyết để cảm người. Ông sẽ mạnh hơn tôi ở chỗ đó, và nhất là ông đã dùng cái chiến lược của tác giả "L'âme de la feme". Nữ sĩ LOMBROSO đã tả tâm hồn người đàn bà để giúp người đàn bà tự hiểu lấy mình; hiểu được mình là hiểu được cả cái thiên chức của mình. Lan Khai cũng tả tâm hồn người đàn bà nhưng, khác với Lombroso, ông không tả cái tâm lý đại đồng của Phụ Nữ, chỉ chuyên chú riêng về tâm hồn người đàn bà Việt Nam và tâm hồn ấy, ông biểu hiện bằng Cô Dung. Nói tóm lại, tạo nên Cô Dung, Lan Khai muốn đặt trước mặt người đàn bà Việt Nam một tấm gương để họ tự nhìn thấy mình, tự nhìn thấy cái tâm hồn thuần túy của mình. Ông đã đạt được ý muốn. Vì ở Cô Dung người đọc sẽ thấy hình ảnh ngàn xưa của những bậc mẹ hiền, vợ thảo. Vì ở Cô Dung, chúng ta sẽ tìm thấy một ý nghĩa: Cả đời người đàn bà Việt Nam là một hy sinh dài, nó chủ ở lòng thờ cha kính mẹ mà phụ nữ mới ngày nay sẽ bĩu môi chê là áp chế; nó chủ ở sự giúp chồng nuôi con mà phụ nữ mới ngày nay sẽ mỉa mai là Nô lệ. Nhưng chính cái áp chế và nô lệ đó, theo ý bà Lombroso lại là cái thiên chức thiêng liêng của người đàn bà. Thiên chức của người đàn bà chỉ là một. Tâm hồn người đàn bà, dù ở thời đại nào, và bao giờ, và ở đâu, cũng chỉ thế thôi. Thì công việc của người chủ trương phong trào phụ nữ phải đâu là làm lại cái thiên chức của người đàn bà, hoặc thay đổi tâm hồn của họ? Nói tóm lại, người ta chỉ còn có thể tìm cách châm chước, thích nghi chế độ xã hội cho hợp với cái bản sắc tự nhiên của người đàn bà mà thôi. Như vậy, không thể có một gián đoạn tinh thần giữa những thế hệ phụ nữ đã qua, hiện thời và sau này, cũng như không thể có một sự rẽ ngang của Phụ Nữ trên con đường đi của nó. Đây là ý tưởng của Lan Khai, viết Cô Dung, ông hy vọng rằng tâm hồn nhân vật của ông sẽ là tâm hồn chung của những người đàn bà Việt Nam hiện đại và mai sau. Bởi vì người đàn bà bao giờ cũng chỉ nên là người vợ, người mẹ của gia đình. Như thế thì thiên chức của người đàn bà cao thượng biết chừng nào, thiêng liêng biết chừng nào? Thực vậy, hầu hết các bậc vĩ nhân trên thế giới, như tôi đã nói trong bài phê bình "Tâm hồn người đàn bà" trước đây, không mấy ai đã đi đến vinh quang, mục đích mà không có ở bên mình, một bà mẹ hiền từ hay một người vợ đức hạnh. Một ngày kia, nếu người đàn bà không muốn làm đàn bà nữa, mà lại muốn làm "người đàn ông thiếu thốn", muốn làm những công việc của đàn ông, muốn cạnh tranh với đàn ông nghĩa là sung vào đội quân thù của đàn ông, thì chúng ta tưởng tượng cuộc đời sẽ ra thế nào?... Cái viễn tượng ấy khỏi sao không làm cho Lan Khai ngậm ngùi và chính nó đã đem đến cho ông cái ý viết nên cuốn truyện Cô Dung này để làm sống lại một dĩ vãng và để kỷ niệm những người đàn bà ở nước Việt Nam đã xây dựng nền tảng xã hội trên những thủ đoạn hy sinh lặng lẽ của mình. Nước Việt Nam còn đến nay, chúng ta đã đành phải biết ơn những bậc anh hùng dũng sĩ đã tưới "máu" để duy trì lấy đất nước, nhưng chúng ta càng phải biết ơn những người đàn bà vô danh đã giữ vững được giống nòi trên bốn nghìn năm không bằng "máu" mà bằng "tình". Người anh hùng, sau việc làm, còn để lại dược tên tuổi. Người đàn bà, sau một đời hy sinh, sẽ để lại được cái gì, dù chỉ là một chút vang bóng? Để đền bù cho sự khuyết điểm ấy, Lan Khai viết Cô Dung. Tiểu thuyết Cô Dung tức là đài kỷ niệm "CHIẾN SĨ VÔ DANH" của tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam, qua bao nhiêu đời đã hy sinh cho sự tồn tại của Tổ quốc. __ Mai, 1938 Thiều Quang
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang