[Việt Nam] Chúa Tàu Kim Quy

Chương 5 : V

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 15:37 07-09-2018

.
Quan Án sát An Giang tuy tuổi đã gần sáu mươi, nhưng mà sức hãy còn mạnh mẽ lắm. Người làm quan lòng thì thanh liêm chánh trực, mà tánh thì nóng nảy siêng năng, bởi vậy cho nên người ngồi án sát tại đây hơn mười năm, kẻ quấy đều khiếp oai mà người ngay đều mến đức. Quan Án chấp đơn của Trần Mừng rồi, chiều lại viết tờ sai lính một người thì đi bắt Trần Tấn Thân, một người thì đi đòi đội Sum, còn một người thì xuống Long Hồ đem thơ cho quan Tổng đốc tỉnh ấy cậy đòi giùm Tri phủ Tân Thành. Bá hộ Trần Tấn Thân ở nhà đương nằm mà hút á phiện, thình lình thấy tên lính bước vô nói quan Án sát sai qua bắt đem về mà nạp thì hồn phi phách tán, sợ run lập cập, không biết việc lành dữ thể nào, Trần Tấn Thân hối vợ con lấy ra ba quan tiền mà cho tên lính đặng hỏi thăm coi quan dạy bắt về tội chi. Tên lính thấy cho tiền thì lấy mà không nói chi hết. Trần Tấn Thân bấy lâu nay khắc bạc thành gia, làm nhiều điều bất nhơn thất đức lắm, song hại đâu thì được đó, nên tưởng đâu những việc mình làm là việc thường trong thế gian, chẳng tội lỗi gì mà sợ. Nay thình lình nghe nói quan dạy bắt nạp thì giựt mình, suy đi nghĩ lại mình làm nhiều việc tội lỗi vô cùng, không biết nay quan buộc vào tội nào mà tính trước đặng lo mà gỡ. Trần Tấn Thân chạy ra chạy vô lộn xộn, dặn vợ con việc nầy, dạy tới việc nọ, coi ra ý bịn rịn không muốn đi. Tên lính có thọ ba quan tiền rồi nên không hối thúc cho lắm, song hễ Trần Tấn Thân vô buồng thì nó dòm chừng lom lom, bởi vì nó sợ hễ tên Thân bỏ nhà mà trốn thì nó có tội. Vợ con Trần Tấn Thân khóc mùi, Trần Tấn Thân thấy vậy lại càng đứt ruột nát gan hơn nữa, ăn cơm rồi tên lính thúc phải đi cho mau, chớ không được dần dà nữa. Trần Tấn Thân hẹn cầm chừng hoài, đến xế lính thúc riết, cực chẳng đã phải vào buồng lấy hai chục nén bạc lận vào lưng rồi từ giã vợ con mà đi theo tên lính. Tên lính dắt Trần Tấn Thân về tới An Giang thì trời đã tối rồi, phải giam đỡ trong trại đợi sáng mới giải đến nhà quan Án. Đêm ấy Trần Tấn Thân nằm gác tay qua trán mà suy nghĩ coi mình có tội chi, nhớ hồi nhỏ mình hãm hiếp con gái của người ta nhiều phen, mà mấy việc ấy là việc xưa, dầu nay có bươi móc ra đi nữa, thì có bằng cớ chi mà lo sợ. Nhớ bình sanh mình hay cậy quyền thế mà làm hại nhiều người, song mình có hại ai thì mình cậy tay người khác chớ phải bổn thân mình làm hay sao mà sợ họ kiện; nhớ mình ở với tá điền tá thổ thiệt là gắt gao, nhưng mà họ thiếu lúa thiếu tiền, nếu không làm như vậy thì có ai chịu trả. Tấn Thân đêm nằm suy tới nghĩ lui, nhắm việc nào mình cũng không có tội hết, song còn quên một việc là việc gạt Trần Mừng mà giựt một trăm bốn mươi nén bạc, bởi vậy cho nên sáng ngày tên lính dẫn lên hầu quan Án, quan Án đọc lá đơn của Trần Mừng thì Tấn Thân cặp con mắt chớp lạch, da mặt xanh như chàm. Quan Án đọc đơn rồi hỏi có quả như vậy hay không, thì Tấn Thân ú ớ trả lời không được. Quan Án nổi giận nạt rằng: “Mi là đồ ăn cướp! Có giựt bạc của người ta không thì khai thiệt đi cho mau, nếu mi chối ta biểu lính nó khảo chết bây giờ đa”. Tấn Thân không dè Trần Mừng thưa kiện, nghe đọc lá đơn thì kinh tâm không biết sao mà trả lời, chừng nghe quan Án quở thì lại càng lính quýnh hơn nữa, liền thò tay vào lưng lấy gói bạc ra để trên án, rồi lạy quan Án mà thưa rằng: “Bẩm quan lớn, oan ức con dân lắm. Con có quen biết với Trần Mừng nào đâu mà giựt bạc của nó”. Quan Án thấy để một gói trên án không biết là gói chi, giở ra xem thấy mấy chục nén bạc, lại càng nổi giận, liền lấy tay hất bạc văng cùng dưới đất rồi mắng rằng: “Đồ khốn! Mi quen thói lo lót thuở nay, nên mi tưởng hễ mi có bạc ông quan nào mi mua cũng được hết hả? Để rồi mi coi!” Quan Án dạy dẫn Tấn Thân ra để ngồi ngoài xó cửa rồi sai xuống tàu đòi Trần Mừng với tên Cam, tên Quít lên đặng đối diện. Chúa tàu thấy lính đòi liền dắt Trần Mừng với tên Cam, Quít lên dinh quan Án. Vừa bước tới cửa lại gặp lính đòi ông đội Sum cũng vừa tới đó. Cam với Quít lột khăn xá ông đội rồi dắt nhau vô hầu. Chúa tàu bước vô liếc thấy Trần Tấn Thân ngồi dựa cửa, tay run lập cập, mặt mày tái lét, thì lòng cười thầm. Quan Án thấy Chúa tàu với Trần Mừng lật đật mời ngồi rồi dạy lính kêu Tấn Thân, đội Sum và Cam, Quít vô một lượt. Trần Tấn Thân thấy mặt Trần Mừng thì hồn vía đã mất hết, mà thấy tên Cam, tên Quít lại sợ hơn nữa, bởi vậy cho nên đứng trước mặt quan Án run en như kẻ đau rét, gục mặt xuống đất không dám ngó lên. Quan Án chỉ Trần Mừng mà hỏi Tấn Thân rằng: “Hồi nãy mi khai mi không biết Trần Mừng, vậy chớ mi có biết người nầy là ai hay không?”. Tấn Thân sợ quá liền cúi lạy quan Án mà khai rằng: “Bẩm quan lớn, những lời trong đơn của chú Mừng thiệt quả như vậy. Chú Mừng thiệt có gởi cho con 140 nén bạc rồi đi Biển Hồ, song bạc ấy không phải con lấy, xin quan lớn xét lại cho nhờ”. Quan Án thấy Tấn Thân muốn khai thiệt nên bỏ giận làm vui mà hỏi rằng: “Vậy chớ ai lấy? Việc thiệt làm sao, đâu mi khai đi; nếu mi khai thiệt ta dung chế cho, không sao đâu mà sợ”. Trần Tấn Thân thưa rằng: “Bẩm quan lớn, năm ấy chú Mừng gởi bạc cho con rồi chú lên Biển Hồ. Sáng ngày quan Huyện gặp con hỏi con vậy chớ hồi hôm có tên khách nào ghé nhà con đó. Việc thiệt con tỏ thiệt đầu đuôi lại cho quan Huyện nghe. Tối lại quan Huyện cho lính đòi con lên dinh rồi dạy con phải đem hết 140 nén bạc lên cho ngài. Ngài dặn rằng hễ chú Mừng có trở về đòi bạc thì bày chuyện nói quan nghi cho chú thông đồng với Xiêm nên xét nhà lấy bạc hết, lại kiếm chú bắt nữa, rồi cho bạn trong nhà đưa chú đi cho rồi. Con là phận con dân nên không dám cãi. Con làm y như lời quan Huyện dạy. Sự cáo hai tên bạn là Cam với Quít ăn trộm đồ mà trốn cũng là mưu của quan Huyện bày, chớ con không dám”. Quan Án lại hỏi: “Quan Huyện có chia bạc ấy cho mi hay không?” Tấn Thân thưa: “Quan Huyện lấy hết, chớ không có chia cho con nén nào”. Quan Án cười gằn mà nói rằng: “Lẽ nào mà lại không chia cho mi! Mi đừng nói dối, có sao nói vậy, ta đã cho lính đòi Tri phủ Tân Thành rồi, mai chiều gì đây sẽ lên tới. Nếu mi nói dối, sau ta tra ra thì có tội đa”. Trần Tấn Thân nghe nói như vậy liền thưa rằng: “Bẩm quan lớn, thiệt hồi đó quan Huyện có kêu con mà cho con ít chục nén”. Chúa tàu với quan Án ngó nhau mà cười, Quan Án hỏi: “Ít chục đó là mấy chục?”. Tấn Thân thưa: “Dạ, lâu quá việc đó con không nhớ”. Quan Án nạt một tiếng, Tấn Thân giựt mình ú ớ mà thưa rằng: “Dạ bẩm … hai …dạ, thưa ba chục nén”. Quan Án nạt: “Hai chục hay là ba chục?” Tấn Thân nói: “dạ, con nhớ ba chục nén”. Quan Án ngó Chúa tàu với Trần Mừng rồi day lại nói với Tấn Thân rằng: “Ta biết rồi, mi với Tri huyện Đông Xuyên hồi trước a ý nhau đặng đoạt của người ta. Để Tri phủ Tân Thành lên tới rồi sẽ hay”. Nói rồi bèn dạy lính dắt Tấn Thân đem giam và dặn phải canh giữ cho nghiêm nhặt. Chúa tàu ngồi nhắm Tấn Thân, thấy vóc thì cao hơn, cằm mọc râu lém đém, coi khác hơn xưa, nhưng mà cặp mắt nháy lia nháy lịa, mặt thỏn mà dài thiệt là tướng mạo người gian giảo tham lam, chẳng đổi chút nào hết. Tấn Thân đi xuống trại rồi, tên lính hầu lượm hai chục nén bạc Quan Án hất hồi nãy đó mà để dựa khay trầu. Quan Án day lại ngó thấy vùng cười ngất rồi nói với Chúa tàu rằng: “Bạc của tên Thân nó đem lo với tôi đó đa. Để chừng tra xét vụ nầy xong rồi tôi thượng tờ cho quan Thượng, tôi sẽ tỏ luôn việc ấy đặng cho ngài làm tội nó”. Quan Án dạy Chúa tàu với Trần Mừng dắt tên Cam, Quít xuống tàu mà nghỉ, đợi chừng Tri phủ Tân Thành đến rồi ngài sẽ cho lính đòi mà hầu. Tri phủ Tân Thành tiếp được tờ của quan Tổng đốc Long Hồ dạy phải đến hầu quan Án An Giang thì trong bụng tưởng là đòi đến dạy việc chi đó, chớ không dè có người thưa kiện, bởi vậy cho nên trì huỡn không lật đật gì đi. Cách bốn ngày Tri phủ mới tới An Giang, Quan Án thấy Tri phủ vào hầu thì chào sơ rồi để đứng mà chờ, chớ không mời ngồi. Ngài dạy lính xuống tàu đòi Chúa tàu với Trần Mừng, và dặn hễ hai người ấy đến thì phải dắt Trần Tấn Thân và dắt chúng vào hầu một lượt. Tiên cáo, bị cáo và chứng đến đủ rồi, quan Án mới kêu Tri phủ lại đứng chính giữa mà tỏ rằng: “Tên khách Trần Mừng đây có vào đơn mà kiện và nói rằng cách sáu năm trước nó đi Biển Hồ, sợ đi dọc đường đem bạc tiền theo nhiều bất tiện, nên ghé nhà tên Trần Tấn Thân ở Tân Châu mà gởi 140 nén bạc. Khi nó trở về tên Thân nói với nó rằng quan nghi cho nó lên Cao Miên đặng xúi dân dấy loạn, nên đã lấy hết 140 nén bạc nó gởi đó và lại đón bắt nó mà bỏ tù nữa. Nó sợ nên lật đật mượn tên Thân cho bạn trong nhà đưa giùm nó xuống Rạch Giá, không dám ở mà đòi bạc. Nay nó nghe rõ lại thì tên Thân âm mưu mà giựt bạc của nó, chớ không phải quan xét nhà lấy bạc ấy. Nó dắt chứng cớ vào mà thưa với quan Thượng. Quan Thượng dạy thẩm xét, tôi đòi tên Thân tôi tra thì nó khai rằng lúc ấy ngài ngồi Tri huyện Đông Xuyên, ngài dạy nó đem bạc ấy đưa cho ngài rồi ngài dặn nó nói lập mưu mà sang đoạt. Vụ ấy duyên cớ làm sao đâu ngài khai cho tôi nghe thử coi”. Tri phủ nghe nói mấy lời mồ hôi nhỏ giọt, ngực nhảy thình thịch, song gắng gượng làm tỉnh, day qua ngó Trần Tấn Thân rồi day lại thưa rằng: “Bẩm quan lớn, tôi ngồi Tri huyện Đông Xuyên mười mấy năm trường, tôi biết tên Thân này nhiều lắm. Nó là một đứa lòng dạ gian giảo, thuở nay khắc bạc thành gia. Khi tôi ngồi ở Đông Xuyên tôi ghét nó lắm. Chuyện bạc tiền của tên Trần Mừng gởi cho nó, tôi có hay biết chi đâu. Thế khi nó oán tôi nên nó đặt điều mà cáo gian cho tôi đặng gỡ tội cho nó chớ gì”. Quan Án cười rồi hỏi: “Ngài nói ngài ghét nó sao hồi trước ngài chạy tờ xin chức bá hộ cho nó?”. Tri phủ nghẹn ngào ú ớ một hồi rồi thưa rằng: “Dạ, thưa hồi đó nó dưng tiền cho nhà nước nhiều, nên tôi phải xin giùm, chớ phải tôi thương yêu gì nó sao?”. Quan Án hỏi Trần Tấn Thân thì nó thưa quyết rằng bạc ấy Tri huyện Đông Xuyên hồi đó lấy hết, sau có cho nó ba chục nén mà thôi. Tri phủ cũng cứ chối hoài, nói không biết bạc nào hết. Quan Án dạy Trần Mừng khai hết đầu đuôi lại cho mình nghe, dạy tên Cam, tên Quít thấy sao cũng khai y như vậy, rồi lại dạy đội Sum cũng phải khai coi Tri huyện Đông Xuyên tống trát dạy đón bắt Cam Quít làm sao và tại sao đã bắt rồi lại thả, mỗi người khai rõ ràng rồi ngài mới nói rằng: “Vụ nầy tôi biết hết rồi. Quan Phủ với tên Thân a ý với nhau mà đoạt một trăm bốn mươi nén bạc của Trần Mừng, nay sợ tội nên thầy đổ cho bóng, bóng đổ cho thầy, chớ tôi chắc hai đàng chia với nhau mỗi người đều có lấy một mớ. Phận Trần Tấn Thân chẳng nói làm chi, hễ nó làm quấy thì nó có tội. Tôi rất buồn cho quan Phủ, mình là dân chi phụ mẫu, lẽ thì phải giữ lòng công bình chánh trực mà trị dân, đặng cho dân nó nhờ, chớ sao lại tham lam của dân như vậy? Tội quan Phủ tôi coi khó nổi dung thứ lắm; quan Phủ cũng rõ tội tham nhũng của quan trường luật định phạt thể nào. Lẽ thì tôi phải giam quan Phủ với tên Thân đặng đợi lịnh quan Thượng, song tôi thấy ngài làm quan thâm niên xỉ cũng trộng rồi, nên tôi không nỡ bó buộc cho lắm. Vậy ngài xuống ghe ở đó mà đợi lịnh. Mà tôi nói cho ngài biết trước rằng tội ngài tôi e chẳng khỏi bị đày lưu đâu”. Quan Án nói rồi day mặt chỗ khác không thèm ngó Tri phủ, ngài dạy lính dắt Trần Tấn Thân đem giam và dạy chứng là đội Sum với Cam, Quít đâu về đó. Tri phủ Tân Thành xá ba cái rồi bước ra, tay chơn run bây bẩy như người phát lãnh, nước mắt chảy dầm dề, bộ thấy thảm thương. Chúa tàu ngó theo, tuy hờn giận không nguôi, song thấy cũng cảm động. Quan Án tỏ rằng để vài bữa mình kết án xong rồi sẽ dưng lên cho quan Thượng định tội.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang