[Việt Nam] Câu Thơ Yên Ngựa
Chương 3 : 3
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 18:52 16-09-2018
.
Người môn khách chuyên dạy voi mà Thân phò mã gọi là Thiết Nỗ, đang đứng dưới thềm cung tay làm lễ tham kiến.
Trái với dự đoán của Thái Úy, vóc người Thiết Nỗ không cao lớn mà tầm thước, lối ăn mặc xềnh xoàng. Chiếc áo cánh chẽn giấn chàm non hơi bạc màu, gấu áo nằm khuất trong cạp khố bằng vỏ sui, được vận ngược lên rồi bỏ xòa lá tọa ra phía trước. Ngược lại đôi hài sảo đi dưới chân còn mới nguyên, nếp cỏ bện mịn màng chưa bắt bụi. Dường như tất cả sự chú tâm của chàng trai rừng suối này đều dồn vào việc chăm sóc cho làn da, một làn da láng lì bóng nhẫy, có lẽ được xoa nắn hằng ngày, chạm vồng hình những bắp thịt nở nang quá cỡ, cuồn cuộn ánh màu đồng hun.
Khuôn mặt anh trông đến hiền lành như trẻ thơ, nếu không có bộ râu quai tua tủa đen nhấp nhánh màu kim khí, tưởng chừng như chỉ khẽ động ngón tay vào là nó rung lên bần bật phát thành âm thanh.
Với cặp mắt sắc sảo quen xét đoán người, Thái Úy Lý Thường Kiệt đã thấy ngay ở chàng trai trẻ sức mạnh bộc trực của một bản chất lượng nghị bẩm sinh. Thái Úy vui vẻ xua tay:
"- Giữa chúng ta, tráng sĩ chẳng phải quá giữ lễ".
Thiết Nỗ vẫn cung kính đáp:
"Thưa Thái Úy, Nỗ tôi ở chốn đồng rừng có chút nghề mọn không ngờ được Thái Úy và động chúa để mắt tới, Nỗ tôi cảm khích vô cùng".
Thái Úy chậm rãi nói:
- Lâu nay lão phu nghe phò mã ca ngợi tài lạ của tráng sĩ, đến hôm nay mới được gặp mặt, như vậy cũng đủ thỏa lòng khao khát bấy lâu.
- "Thưa Thái Úy, nghe bằng tai không bằng thấy bằng mắt. Biết đâu động chúa vì quá yêu mà vội khen chăng?"
Nãy đến giờ phò mã vẫn đứng im, ngón tay lơ đãng gõ vào đầu cột trụ lan can chạm hình hoa dẻ thô sơ, tâm ý để hết vào ánh mắt đầy thiện cảm pha lẫn niềm tin cậy của Thái Úy đối với người môn khách của mình, nét mặt mỗi lúc mỗi hân hoan rạng rỡ. Đến lúc này, phò mã mới cất lời:
-Thiết tướng quân nói đúng quá. Nhưng tướng quân đã có gì để Thái Úy xem bằng mắt chưa?
- Dạ thưa động chúa, xong cả rồi ạ.
Phò mã hớn hở nhìn Thái Úy:
- Vậy xin mời Thái Úy...
Thái Úy giơ tay ngăn lại:
- Xin phò mã hãy thư thư để lão phu chuyện trò với tráng sĩ đây dăm ba câu. Vậy tráng sĩ theo thuật này đã được bao lâu rồi?
Thấy Thiết Nỗ ấp úng, phò mã đỡ lời.
- Thiết tướng quân đã nô giỡn với bầy voi con bên sàn nhà từ lúc tuổi lên mười.
Thái Úy vẫn hướng vào người nghệ nhân dạy voi trẻ tuổi nói:
- Xin tráng sĩ thứ cho cái tật tò mò, đường đột của lão phu. Tráng sĩ có thể cho lão phu hay một vài thuật nhỏ trong phép dạy voi của tráng sĩ, nếu tráng sĩ thấy không phạm vào điều bí truyền của tổ phụ.
- "Chẳng có gì bí truyền cả Thái Úy ạ, vãn điệt dạy voi chỉ bằng cái này thôi". Vừa nói Thiết Nỗ vừa đập đập vào cái búa đồng nhọn đầu và chiếc thiết lĩnh đen trũi đeo ở bên mình.
- Chỉ có búa đồng và thiết lĩnh thôi ư?
- Dạ, còn phải có những khẩu mía lùi nữa ạ!
- Thế ra tráng sĩ dạy voi cũng cần phải có cả ân lẫn uy nữa! Hà! Hà!
Thích chí vì câu nói đầy ý tứ, Thái Úy cười sảng khoái rồi khoác tay hai người tiến về phía hội sảnh. Ở đó tất cả mọi việc theo lệnh trên đã được xếp đặt sẵn sàng từ trước. Cả hai đoàn tùy tùng của Thái Úy và phò mã cùng lên yên.
Nơi dạy voi của Thiết Nỗ ở về phía tây cách Động Giáp non mươi tầm tên bắn. Trước khi vào thung lũng đoàn người phải giong cương rẽ đám cỏ ống rậm rạp cao gần bụng ngựa, lội qua một con suối nhỏ, men theo một trái đồi lốm đốm trắng những tàn hoa mỡ nở xòe năm cánh.
Mười hai gian lều cỏ bỗng dựng áp lưng vào chân đồi, dưới bóng những gốc trám sum suê đang mùa ra hoa. Ngồi trên bục cao ở giữa, đoàn người có thể phóng tầm mắt nhìn vào khoảng đất rộng bằng phẳng trải ra dưới chân mình. Một bức rèm lá cây lòa xòa treo vào chiếc đòn dài thượt, đặt trên hai trụ gỗ lim, chia đôi sân bãi. Phía bên này sân lô nhô những hình nhân cưỡi ngựa, sắc phục theo lối quân Tống, màu đen giữa cặp nẹp đỏ.
Mới nửa buổi mà nắng vào hạ đã xối xả đổ xuống.
Trong bụi nắng tỏa mờ mờ, những người nộm như muốn nhảy chồm lên phóng nước đại.
Một hồi tù và vang dậy âm u tiếp theo ba tiếng trống khẩu giòn giã. Từ phía sau đồi, một đoàn voi rầm rập nối đuôi nhau lặng lẽ tiến vào giữa khoảng trống, giẫm nát những bụi cỏ xước lá dài lả lướt họa hoằn còn sót lại. Đi đến giữa sân, đàn voi quay đầu về phía khách quị hai chân trước xuống. Từ trên mình con voi đầu đàn, Thiết Nỗ nhẹ nhàng nhảy xuống cùng bọn quản tượng bái vọng về phía Thái Úy, làm lễ ra mắt. Rồi dồn dập tiếng trống trận đổ liên hồi. Đàn voi quay mình nối thành một mũi nhọn chọc thẳng về phía trước, xung tả đột hữu, vươn những chiếc vòi dài loang loáng ra hai bên. Đột nhiên đoàn voi rẽ ra thành từng khối dày đặc tạt ngang tạt dọc, chia cắt đạo quân thù tưởng tượng bằng vô số những đường chữ chi đan chéo.
Tiếng tán thưởng của đám tùy tùng lào xào nổi lên phía sau lưng Thái Úy, lẫn trong tiếng ong về hút mật trên những chùm hoa trám li ti tựa tiếng dào của nồi nước đang sôi.
Một dàn trống đồng không hiểu đặt ở đâu bỗng rung lên âm vàng rền một góc núi. Chiếc đèn dài thượt từ từ được nhấc bổng lên cao kéo theo tấm rèm lá cây. Tiếng trống đồng như một hiệu lệnh quen thuộc, chỉ dẫn cho những thớt voi lúc này đã dàn hàng ngang, đột nhiên trông thấy kẻ thù.
Đàn voi hung hãn lắc đầu, tung vòi ré lên, khí thế xung sát bừng bừng trong nắng lóa. Những khối thịt phục phịch nặng nề ấy di động nhanh nhẹn dị thường, xông xáo giữa đám người nộm, quăng vòi cuộn địch thủ quật xuống đất rồi lấy chân di nát cả thân hình.
Thái Úy nhỏm người nheo mắt nhìn cho rõ hơn. Trong thoáng giây, khoảng đất sa trường biến thành trống trơn, lơ thơ sót lại dăm chục cột tre, la liệt xác người nộm ngổn ngang bẹp gí. Bóng nắng đứng ngọ gay gắt dội thẳng xuống các búi cỏ nâu khô lòi thòi hai bên sườn xác nộm, làm sáng rực đường nẹp vải đỏ còn dính chặt giữa bụng hình nhân trông như từ ngực đang thực sự chảy ra những dòng máu tươi lênh láng...
Trên đường về, bóng người ngựa ngã dài làm thẫm lại trong khoảnh khắc màu trắng lóa của cánh hoa mỡ rừng rụng lác đác trên triền đồi. Thái Úy cho ngựa đi gióng một, đợi Thiết Nỗ lại gần, quay sang hỏi:
- Theo ý tráng sĩ, voi trận thiện dụng trong thế chủ hay thế công?
- Dạ, thế công là tốt nhất! Thiết Nỗ đáp không một chút do dự.
-Thế giả dụ gặp trường hợp giặc dùng một đoàn quân kị thiện chiến, tiến như gió cuốn nước tràn?
- Ta có thể dùng voi chặn đứng lại - Thiết Nỗ dè dặt tiếp - Nhưng... cũng tùy địa thế chiến trường rộng hẹp...
Đến dưới gốc một cây bồ đề, Thái Úy dừng cương lại, nói trong một hơi thở:
- Tướng quân ạ! Ta đã báo cho phò mã biết rồi. Chậm nhất trong tuần trăng sau là đoàn voi mới ở Đà Bắc, Phong Châu sẽ được đưa tới đây. Nếu vì việc quân cấp bách, tướng quân xem có thể rút ngắn được thời hạn luyện voi chăng?
Một con bướm sặc sỡ từ đâu bay vụt đến, cứ chớp cánh tíu tít quanh chòm râu quai của Thiết Nỗ, tựa như có một cánh hoa bồ đề theo gió giạt vương vào đấy. Thiết Nỗ đưa tay gạt con bướm nghịch ngợm rồi thận trọng đáp:
-Thưa Thái Úy, từ lúc voi rừng mang về luyện thành voi chiến, Nỗ tôi đã tính kỹ thời gian. Cho dù có nhanh lắm cũng chỉ sớm hơn thời hạn được dăm bữa nửa tháng là cùng. Thái Úy lại khẽ gia roi, đôi mắt trầm tư chăm chú nhìn xuống đất như đang đếm những chấm hoa bồ đề hằng hà sa số cuống quít rắc trắng trên đường ngựa đi...
Sớm tinh mơ Thái Úy đã vào tàu ngựa thăm con Xích Long. Đó là thói quen của người võ tướng này vốn xem chiến mã như người bạn đường thân thiết mà cả cuộc đời mình gối chặt trên yên. Thấy bóng chủ, con ngựa chiến giẫm vó hí lên một tiếng đón mừng. Thái Úy vỗ nhẹ lưng ngựa vuốt qua bờm rồi quay lại lão giám mã dặn dò đôi câu. Viên giám mã lĩnh ý gật đầu, lí nhí trình chuyện đang tìm mua thóc cẩm cho ngựa ăn. Khi Thái Úy bước ra sân thì làn má ông cũng vừa đón được sự chuyển động đầu tiên của ngọn gió nam và theo hơi gió, tai ông nghe vọng về tiếng chiêng trống khua rộn rã. Đến bây giờ Thái Úy mới sực nhớ tới lời hứa đi dự hội với công chúa Thiên Thành.
Hội tre nước năm nay linh đình hơn lần trước bởi lẽ mục đích không chỉ nhằm cầu trời mưa thuận gió hòa mà còn cầu phúc cho vua Càn Đức mới lên ngôi, cho nước Đại Việt thái hòa thịnh vượng. Vì vậy công chúa Thiên Thành tạm trút bộ áo đại tang, vận bộ y phục trang nhã của người thiếu phụ Động Giáp cùng đi dự lễ với phò mã và Thái Úy.
Những ngày hội nô nức tưng bừng qua nhanh trong đầu Thái Úy như một giấc mơ ngắn. Trong trí nhớ chập chờn của Thái Úy chỉ còn đọng lại những hình ảnh hỗn độn mơ hồ, đứt nối. Dòng sông đình đám trôi thật chậm... thật chậm... Đám rước vòng vèo vô tận, hàng cờ xí giăng giăng, mái lá đùng đình rung tít theo nhịp bước chân, những cánh phượng vây rồng, những đuôi kỳ lân xoắn tít tết bằng trăm thứ lá không tên và vô số những hình thù quái dị do sự cấu thành ngẫu hứng của thiên nhiên để lại trên các loại rễ cây khô, lủng lẳng đong đưa quanh kiệu thờ. Tất cả đều chuyển đông, rập rình, quay cuồng, đảo lộn trong nắng tỏa rân rân, một thứ nắng trắng vãi bụi lòa vào mắt, có lúc lại vàng óng như nắng tháng thu.
Dòng sông đình đám cuối cùng đổ vào một thung lũng ở phía nam Động Giáp và kết thúc tại đấy. Nghi lễ cuối cùng và cũng là chủ chốt của ngày hội diễn ra trên một cái hồ con nằm giữa thung lũng, cây rừng vây quanh. Nước hồ trong vắt, mặt hồ im ả tròn như mặt trăng đầy. Quanh bờ hồ, cỏ xanh mườn mượt.
Trên dải đất ven hồ mọi khi hoang vắng, mùi vị đình đám dậy lên cùng nhịp chân người rậm rịch chiêng trống khua vang, sắc cờ phấp phới. Phò mã Thân Cảnh Phúc đang cùng các vị trưởng lão trò chuyện bên hàng đình liệu. Mọi con mắt của người dân động cùng đổ dồn về phía động chúa với cái nhìn sùng kính tin yêu của người con đối với người cha lớn trong gia đình. Ánh chiều tà vàng ửng rời chùm lá ủ dột trên cây ngái rừng cụp ngọn nhích dần lên đốt cháy chóp ngọn thông cao.
Tiếng pháo bỗng nổ vang. Mọi người nghếch cổ. Phò mã cung các vị trưởng lão vội vã chạy ra đón đoàn quí khách. Công chúa Thiên Thành dắt Thái Úy vào ngồi trước một cái bàn đá lớn. Một vị trưởng lão bưng đến để trước mặt Thái Úy một chậu sành đựng nước hồ sóng sánh. Theo cổ tục, trước khi dự lễ, mọi người phải dùng nước hồ rửa mặt, ý chừng để mắt sáng tai thông, dễ dàng giao cảm với từng hơi gió u hiển của đấng thần linh giáng hạ.
- Thái Úy có thấy nước hồ thoảng vị hương sen không? Vừa nói công chúa Thiên Thành vừa đưa ngón tay trỏ đúng vào trong chậu nước.
Thái Úy cũng cảm thấy một mùi hương ngan ngát dân lên từ vốc nước trong tay.
- Tại sao, Thái Úy có biết không? - Công chúa đưa ngón tay trỏ còn ướt đẫm nước hồ lên không, mắt cười tinh nghịch - Tại gió đấy! Rồi công chúa giảng giải: "-Bẩm Thái Úy, theo lời truyền của dân động, hàng năm vào mùa hạ, vợ chồng công chúa Tiên Dong cưỡi ngọn gió lành bay qua các đầm sen ở bên kia đồi rồi dừng lại trên hồ này để nàng chải tóc soi gương. Chả là mặt hồ phẳng lì trong suốt như gương ấy thôi. Ngọn gió xoáy quanh mang hương sen phả vào mặt hồ, vì vậy nước hồ lúc nào cũng quyện mùi hương sen".
Thái Úy gật gù ngẫm nghĩ về câu chuyện huyền sử vừa đưa mắt tò mò nhìn vô số ống tre trúc đủ loại đặt ngay ngắn trên những chiếc mễ dài thườn thượt, chân mễ bằng gộc tre uốn khum. Các đoạn tre trúc này đều một chiều dài như nhau, nhưng cùng được sắp xếp theo từng loại, và từng cỡ to lớn khác nhau. Có loại thạch trúc màu ngà, loại tử trúc màu đen, những loại tre lồ ô gác bếp lâu ngày đã lên nước sẫm bóng màu cánh gián. Tất cả các ống đều có khoét nhiều lỗ tròn ở trên đầu, xa trông như những ống sáo khổng lồ.
Khi bóng hoàng hôn từ đám mây tối sẫm sà xuống vét nốt những ánh hồi quang mong manh còn sót lại thì hàng đình liệu quanh hồ bỗng phừng phực bật hồng. Vệt khói xám từ lò trầm bốc thẳng lên rồi cuộn tỏa trên mặt bàn hương án. Một đoàn người dân động sắp hàng một tiến ra. Họ chia nhau theo lứa tuổi chọn những ống sáo khổng lồ ấy. Người già chọn cỡ lớn, trung niên chọn cỡ vừa lứa tuổi hoàng nam chọn cỡ bé hơn. Mỗi người cầm một ống trúc lặng lẽ chia nhau đến ngồi xếp bằng quanh bờ hồ mặt hướng vào làn nước ánh lửa hồng đình liệu, ống trúc dựng ngược lên trời chờ đợi. Cả tế trường im phăng phắc như đang lắng chờ một điều gì huyền diệu. Gió sợ sệt thổi khẽ bên rìa cây ven rừng. Nghe rõ tiếng thở hồi hộp của người dự lễ. Trong cái im ắng thiêng liêng ấy, phò mã Thân Cảnh Phúc kính cẩn nâng ché rượu ở trên bàn hương án, bước lại phía hồ, rồi nghiêng tay dốc thẳng miệng ché xuống nước. Tiếng rượu từ ché rót xuống mặt hồ làm cho cái im ắng càng đầy ra và trầm lặng hơn. Khi tiếng giọt rượu cuối cùng vừa dứt, như có một hiệu lệnh nào từ trên cao ban xuống, các ống tre trên tay bô lão vụt đồng một loạt đập xuống mặt hồ và nhịp nhàng hàng loạt tre khúc khác lần lượt vỗ theo.
Những gióng tre đầu tiên đột nhiên cất tiếng hát trên mặt nước và có vô số những gióng trúc đồng thanh nối giọng. Bập bình... bập bình... âm thanh lan vòng chạy quanh mặt hồ, rập ràng nảy sinh cung bậc từ trầm đến bổng, xuống thấp lên cao rồi trở thành thánh thót.
Bập bình... bập bình... mặt nước hồ tròn trặn phẳng lì bỗng rung lên như mặt trống, âm thanh gợn sóng dội đi xa. Và vòng cây rừng vây quanh khép kín dang tay đón lấy, đưa dòng nhạc tre nước bốc lên không trung, âm vang đến tận vòm trời cao nơi các vị thần linh đang ngao du trên những làn mây mỏng bềnh bồng.
Ngay từ đầu, dòng nhạc tre nước đã cuốn hút tâm hồn Thái Úy vào tiếng hát sơ khai của một quá khứ rất xa xôi nhưng rất gần gũi... Dường như trong nắng trưa nồng có con chim nào mắt say lừ đừ đang nâng cần cổ trút ra một tràng tiếng hót trong như tiếng nước thoát ra từ cổ một chiếc bình ngọc. Những giọt âm thanh ấy rơi tõm xuống lòng giếng sâu nơi ấy có tiếng gàu múc va nhau và tiếng nước rơi tung tóe âm vang trong lòng đất. Bỗng chốc tất cả âm thanh đều vụt bay lên như những cánh chim hóa thành tiếng ầm ì trên một vòm trời nặng mây. Liền đó những giọt nước đầu tiên to như hạt ngô rơi xuống gõ trên mái cọ. Rồi ồ ạt những dòng thác trắng sủi sục đổ từ tầng cao và tiếng đất khô vặn mình ừng ực uống dòng nước đục ngọt lừ... Ánh trăng lại sáng hiền lành, gió chạy trong tre trúc, mây bay xào xạc trên tầng không, sóng vỗ ì ọp vào mạn bờ. Đâu đây có tiếng hoa sen mở cánh trong đầm và tiếng nước đồng ỏn ẻn cười trăng...
Uy lực của dòng nhạc bắt tất cả mọi vật chung quanh hòa tan trong khúc tụng ca ấy, cả hàng đình liệu đang lặng lẽ nhả khói, cả con người Thái Úy cho đến giọt máu cuối cùng. Trong tâm hồn Thái Úy, vọng về tinh thần sảng khoái của quê hương, khí phách của dân tộc, một dân tộc mấp mé cái tuổi thành niên đang lần tay mở trang sách ước... Ôi! Đại Việt! Đại Việt thân yêu! Ta là giọt nước trong cái quần thể sông hồ của người. Phải chăng ta đang nghe tiếng bước chân người hăm hở, mang theo sức sống uyển chuyển của những giọt nước, không ngừng tích tụ sinh sôi, âm thầm dấn bước trong lòng đất âm u để vươn mình lên ánh sáng, lần đường ra khơi...
Từ mặt hồ, một âm thanh sáng chói xuyên chếch qua vệt khói xám bốc lên từ lò trầm, bắn thẳng vào mắt Thái Úy để lại một cảm giác lạnh buốt tỉnh người. Mãi đến lúc này ông mới biết rằng có một giọt nước mắt trào ra tự bao giờ còn đọng trên mi.
Qua màng nước mỏng nhập nhòa, Thái Úy trông thấy bừng lên bên cạnh ông, khuôn mặt hơn hớn của công chúa Thiên Thành.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện