[Việt Nam] Câu Thơ Yên Ngựa
Chương 1 : 1
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 19:32 16-09-2018
.
Gần một năm rưỡi nay, Lý Ngân sống trong một tâm trạng hai mặt. Càng thân cận Thái Úy, chàng càng có dịp thấy rõ đức độ của người mà chàng thầm gọi "Kẻ tử thù đáng kính" của mình. Chàng hồi tưởng lại câu chuyện kể của lão tướng Trần Nậm. Cho đến nay ông ta vẫn còn ngạc nhiên trước cách cư xử của Thái Úy với quan Thái Bảo Nguyễn Châu và tráng sĩ Nguyễn Địa Vân. Mà ngay đến lối xử sự của Thái Úy với chàng lại không đáng kinh ngạc hay sao? Phải là con người tự tin cao độ vào lòng ngay thẳng và sự trong sạch của mình mới có được thái độ ấy. Đứng bên ngoài, người ta dễ qui vào tính khí thất thường của Thái Úy, lúc quá nhân từ đại lượng, lúc lại cứng nhắc gắt gao đến tàn nhẫn. Nhưng ở gần Thái Úy, Lý Ngân nhận thấy đó là một điều ngộ nhận. Chàng biết rõ rằng Thái Úy sẽ dễ dàng bỏ qua những gì làm tổn thương đến bản thân ông nhưng lại kiên quyết không khoan thứ những việc làm có phương hại cho dân cho nước, dù kẻ ấy có chức trọng quyền cao đến mấy. Một con người bản chất liêm khiết như vậy không thể có ý nghĩ hèn hạ đặt bày những mưu mô quỷ quyệt để ám hại kẻ khác...
Toàn thân Lý Ngân run lên khi sắp chạm phải cái kết luận khủng khiếp ấy. Chàng hoảng sợ thực sự vì cứ theo lý lẽ ấy mà suy thì bao gánh nặng tội lỗi trước kia đành trút lên vai chàng. Chàng cố vùng vẫy như con ong sa vào lưới nhện. Chàng gợi lại sức cám dỗ đã nhạt dần của lá thư và những dòng chữ bị đốt. Chàng tìm mọi cách biện bạch cho sự chính đáng của mối thù cha. Ừ, thì cứ cho là một con người cao cả như Thái Úy không bao giờ thèm đem lòng đố kỵ đối với kẻ dưới. Nhưng biết đâu cha chàng lại không phải là một viên tướng lỗi lạc ngang tài với Thái Úy? Và lúc ấy liệu hai con hổ ở chung chuồng có chịu sống yên lành với nhau không?
Chút biện luận mong manh ấy cũng nhanh chóng lu mờ trước tài năng trác tuyệt của Thái Úy trong cuộc hành quân đánh sang đất Tống.
Trước lúc lên yên, Thái Úy có ngỏ lời với chàng về trận tấn công bất đắc dĩ này:
- Phàm là kẻ có trách nhiệm với vận mệnh nước nhà, không ai muốn kéo sinh linh vào vòng đao binh cả. Nhưng nếu ta không chặn trước họ trong lúc họ đã có bụng đánh ta thì với tình thế phòng bị dở dang của ta hiện nay, chỉ trong vòng năm đến mười ngày, nước ta sẽ mất vào tay họ.
Dưới bầu trời âm u, gió rét thổi căm căm của tháng một, Lý Ngân theo Thái Úy bước xuống lâu thuyền cắm cờ soái. Thủy binh được lệnh nhổ neo đưa chàng vào những cảnh tượng mà ngay trong mơ chàng cũng không thấy được...
Chiến thuyền ta ập vào bờ đổ quân lên như vào chỗ không người. Thành Khâm Châu bị hạ trong nháy mắt không tốn một hòn đạn mũi tên. Trước mắt Lý Ngân, những kho khí giới đầy ắp, những đụn lương thảo cao ngất, hàng nghìn thuyền chiến xếp san sát như lá tre - những thứ quân dụng mà nhà Tống đã tốn bao công sức để dự bị cho cuộc chinh nam - bị tan biến đi trong khoảnh khắc. Ba ngày sau, thành Liêm Châu cũng chịu chung một số phận, sau một cuộc chống cự yếu ớt của Lỗ Khánh Tôn. Đạo quân đánh châu Liêm kéo thẳng qua châu Bạch, án ngữ phía Nam thành Ung Châu. Lúc đầu thế đánh chẻ tre của quân ta làm Lý Ngân sửng sốt. Nhưng cuộc hành binh từ châu Khâm lên châu Ung càng làm chàng kinh ngạc hơn. Trên con đường dài hơn hai trăm dặm ấy, đại quân đi giữa hai hàng đèn hương nghi ngút như đi giữa ngày hội. Dân chúng đứng hai bên đường, đem trâu bò đến khao quân, đặt hương án đón mừng cha Lý. Đến thành Ung, chàng thấy quân Thượng Du của ta đổ vào đã vây kín bốn mặt. Lại có tin quan Đô Giám Quế Châu, Trương Thủ Tiết, đem quân xuống giải vây cho thành Ung. Thái Úy xuất kỳ bất ý xộc thẳng lên ải Côn Lôn để diệt viện binh của địch. Mới xáp trận, quân Tống đã nửa bỏ chạy, nửa xin hàng.
Rõ ràng có nhiều sự việc ra ngoài sự hiểu biết và phỏng đoán của chàng. Chàng không hiểu Thái Úy làm cách nào mà tạo ra được những chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Thực ra cuộc tấn công thần tốc này đã được Thái Úy bày bố rất công phu. Ông đã gài thành Ung vào một thế dở cười dở khóc. Với một lối đánh nửa hư nửa thực, quân Man động nhởn nhơ đốt phá các trạm biên thùy buộc lòng Ung Châu phải cho quân đi tiếp ứng. Đợi cho quân Ung đổ xô vào phía Tây và Tây Nam, Thái Úy mới đủng đỉnh rời Vĩnh An kéo đại quân theo đường biển đổ bộ lên Khâm Liêm. Lúc ấy đường từ Khâm đến Ung gần như bỏ ngỏ. Và điều quan trọng là Thái Úy đã giữ kín được sự bất ngờ. Bất ngờ đến mức quan Thừa Chỉ Trần Vĩnh Thái coi Khâm Châu, bỏ ngoài tai mọi tin cấp báo, ngồi nhởn nha uống rượu trong hậu dinh cho đến lúc quân ta kéo vào thành. Lưu Di chưa biết nguy cơ thành Ung bị vây vẫn còn xin vua Tống cấp cho bốn vạn quan tiền để mua lương trữ cho cuộc Nam chinh. Cả quan lớn quan bé của Tống đều đinh ninh Lý Thường Kiệt kéo quân đi đánh Chiêm Thành chưa thể về ngay được.
Cũng không ai nói cho Lý Ngân biết rõ sức thu hút kỳ diệu của tờ lộ bố yết dọc đường hành quân, tờ lộ bố đã khiến Vương An Thạch tức lồng lên nhưng lại được chúng dân Quảng Tây vui mừng chào đón như một vị cứu tinh từ phương trời Nam đến. Và dĩ nhiên Lý Ngân không thể biết Triệu Tú đã làm nội ứng trong quân Trương Thủ Tiết, giờ đây đóng vai hàng binh, đang cùng Thái Úy bàn kế phá thành Ung.
Nhưng làn sóng thần ồ ạt ấy bỗng bị chặn đứng trước thành Ung, một trong những thành nổi tiếng kiên cố nhất của nước Tống. Đây là cứ điểm bàn đạp chính của nhà Tống để tiến quân sang đánh Đại Việt. Nhổ được thành Ung, mọi công cuộc sửa soạn chiến tranh của Tống coi như phải làm lại từ đầu. Và tại đây, Lý Ngân được mục kích cuộc đọ sức thi gan giữa mưu trí của Thái Úy với lòng kiên dũng của Tô Giàm, viên quan trấn giữ Ung Châu.
Dựa vào thế lũy cao tường dày, với non ba nghìn quân còn sót lại, Tô Giàm biết trấn an lòng dân, tổ chức khéo cuộc phòng thủ, chống trả quyết liệt những trận hãm thành dữ dội của đối phương. Dò biết trong thành thiếu đến cả nước ăn, Thái Úy dùng kế hỏa công của Triệu Tú. Từ trên những cao điểm ở phía ngoài, cung thủ của ta bắn vãi vào thành những chất dẫn lửa gây nên những đám cháy lớn. Nhưng ngọn lửa hỏa công ấy chưa nung mềm được chút nào lá gan sắt quyết tử giữ thành của Tô Giàm. Hơn một tháng trời nay thành Ung khói lửa vẫn đứng vững giữa vòng vây.
Bao nhiêu tâm trí dồn vào chiến trận, Lý Ngân như quên bẵng cả ngày tháng. Mãi đến hôm qua, ngày Tết Nguyên Tiêu, Thái Úy ban cho chàng một chén rượu bồ đào, thưởng công chàng chế ra "thang Vân Thê" - một loại thang ghép, bắc nối nhau lên cao để quan sát bên trong thành - chàng mới hay mùa xuân Bính Thìn đã về trên đất nước người.
Sáng nay chàng mới kịp chú ý đến gốc đào hoang trong vườn ai vắng chủ, lơ thơ còn sót lại một vài nhành hoa cuối mùa. Xác hoa đào phơi hồng trên mặt đất gợi lên cái màu bình yên hây hây trên môi, má thiếu nữ măng tơ. Một nỗi nhớ thương day dứt bỗng nhói lên mà lại như êm ái ngoạm vào tim chàng tựa hàm răng ai nõn nà hoa cau ngoạm vào trái đào hồng năm ấy... Xuân Thăng Long năm nay ấm lạnh thế nào? Cây đào cạnh vườn Ngự có nhạt bớt sắc hồng vì cái đông giá vừa qua? Người chàng thương không biết có lần nào ghé lại gốc đào cũ để thăm một dáng hồng đã chìm sâu trong nỗi nhớ... Giữa tiếng ầm ào trận mạc vây quanh, tựa như đứng trên một hòn đảo nhỏ, chàng bỗng bắt gặp ở đây cái vắng lặng mỏng manh của khu vườn cây, của màu đào, của tình duyên ngang trái. Một tảng đá to, từ cái máy bắn đá nào trong thành Ung, vù vù bay lạc ra xa đánh sầm bên bờ giậu khiến cây đào giật mình để rơi những món trang sức cuối cùng.
Tiếng lão Vũ như nói bên tai:
- Công tử lại nhớ Thăng Long rồi.
Lý Ngân mỉm cười:
- Ôi! Chỉ có lão là hiểu thấu lòng ta - Nhớ thì làm thế nào được bây giờ hả lão Vũ?
Lý Ngân và lão Vũ là hai người được Thái Úy mang theo dưới trướng, sống kề cận bên Người. Không hiểu trong trường hợp nào đã đan kết nên mối tình thân gắn bó giữa họ. Có lẽ vì vắng bóng Hạnh Hoa, Lý Ngân coi lão Vũ như một chứng tích thân yêu còn lại trong mối tình đau thương của chàng. Cũng có thể vì không biết trang trải tâm sự cùng ai, chàng đem ký thác nỗi niềm vào lão, một con người lầm lì, kín đáo mà thật tốt bụng. Mỗi tiếng lòng chàng thốt ra đều được lão Vũ đáp lại bằng một sự cảm thông trầm lặng. Đã có lúc chàng không còn cảm thấy vị sống ở trên môi. Trong nỗi tuyệt vọng mịt mùng của chàng, lão Vũ thỉnh thoảng khéo nhóm lên một vài điểm sáng le lói. Dần dà lão hé cho chàng thấy những khoảng xanh của một trời ước mơ. Không ai biết trong thâm tâm lão nghĩ những gì nhưng rõ ràng lão mong muốn chắp nối mối duyên tình dang dở của chàng, vun đắp nó sinh hoa kết trái.
Nghe Lý Ngân hỏi, lão Vũ đưa tay chỉ thành Ung, vui miệng đáp:
- Công tử nhớ thì hãy nghĩ cách hạ thành Ung sớm được ngày nào ta về sớm Thăng Long ngày ấy.
- Vậy thì lão nghĩ cách đi, ta cùng nghĩ với lão đây.
Vừa nói chàng vừa nhìn vào bức tường thành cao vút đứng trơ gan như thách thức. Trong thành những đám cháy không dập tắt vẫn ùn ùn đùn khói lên, trông xa như miệng chiếc lư trầm khổng lồ đang tỏa khói.
Không phải đến bây giờ có lão Vũ nhắc chàng mới nghĩ đến cách phá thành. Điều ấy lâu nay vẫn ám ảnh chàng cả trong giấc ngủ. Tâm linh chàng thầm mách chàng rằng cách phá ấy chàng đã có sẵn và nó đang ẩn nấp ở một ngõ ngách nào đấy trong người chàng. Bao lần chàng đã hoài công gõ vào đầu chàng như gõ vào một chiếc thùng rỗng. Trí óc chàng bịt bùng như một bầu trời vần vụ lúc mờ đục lúc tối sầm. Chàng muốn đưa tay vén bớt lớp mây dày tìm cho ra một khe hở. Có lúc tưởng chừng như nó đã đến gần chàng khiến chàng nín thở, tim đập phập phồng, người chàng run lên vì vui sướng. Nhưng khi chàng đưa tay đón bắt thì nó đã tan biến trong lớp mây mù, không để lại một âm vang. Trò chơi hú tim này đã nhiều đêm làm chàng không chợp mắt được.
Lão Vũ đứng bên chàng bỗng chép miệng:
- Tường cao thế kia, sức người làm sao mà nhảy lên được!
- Lão Vũ! Lão nói gì thế? Chàng vụt sững sờ kêu lên.
Câu nói vô tình của lão như một cơn gió mạnh bất ngờ xé toang lớp mây dày che trí nhớ, để hở một khoảng trống cho ký ức xa xôi ào ạt đổ về... Thời ấy chàng còn nhỏ dại đâu như trước ngày chàng gặp bé Hạnh ở xưởng dệt Thái Hòa và được ăn một ngọn roi trúc đào quắn đít. Không biết nghe lời ai, chàng túm ông quần, đổ cát vào, tập nhảy cao để vượt qua bức tường đất sau nhà. Bố chàng trông thấy bảo: - Con chẳng cần phải nhảy mà vẫn qua được đấy! Rồi ông vào bếp, ném ra cho chàng mấy bó củi - Thấy chàng còn đứng ngơ ngác, bố chàng cười bảo: - Ngốc ơi! Sao không biết chồng củi lại cho cao mà bước qua...
- Cần gì phải nhảy qua, cứ chất củi bó mà trèo lên thành có được không? - Chàng buột miệng nói - Ơ, củi thì tên mang lửa của địch sẽ bắn cháy mất!
Mắt lão Vũ sáng lên: - Củi bó thì cháy nhưng bao đất thì chắc được công tử ạ!
- Ừ nhỉ! - Chàng nói như reo lên.
Không để cho chàng kịp nghĩ thêm, lão Vũ đã kéo tay chàng chạy bay về đại doanh gặp Thái Úy.
Lúc này Thái Úy đang ra lệnh cho Phò Mã Thân Cảnh Phúc và Thiết Nỗ rút thổ binh và đội quân voi về trước, án ngữ hai ải Quyết Lý, Chi Lăng để phòng ngừa mọi bất trắc. Tin thám tử vừa cho ông biết nhà Tống rục rịch động binh. Tể tướng Vương An Thạch lợi dụng lúc ta đang bận vây Ung Châu, định thừa hư kéo quân sang đánh úp Giao Chỉ. Vua Tống đã chọn Triệu Tiết làm đô tổng quản đạo quân đi chinh Nam.
Hai người vừa về đến nơi, Thái Úy chưa hỏi, lão Vũ đã bẩm trước:
- Thưa Thái Úy, công tử Lý Ngân dâng kế phá thành Ung!
Lý Ngân buộc lòng phải trình lên Thái Úy những điều chàng vừa nghĩ được. Thái Úy lắng nghe, vẻ trầm tư tan biến. Nét tươi tắn phảng phất như làn gió đầu xuân, lướt qua gương mặt ông mà nụ cười còn ghim lại nơi khóe miệng. Xong câu chuyện, ông hoan hỉ đứng lên: - Kế hay, hay lắm! Ta mừng cho cháu. Kế này là một loại thuộc về phép thổ công trong binh pháp. Trước ta đã thử đào hầm dưới chân thành nhưng bị địch phá. Nay cháu lại bồi đất bắc cầu lên thành, thử xem Tô Giàm lần này có phá nổi không?
Bảy ngày sau, buổi sáng vừa ửng lên qua làn sương mù dày đặc, lính trong thành Ung Châu trố mắt đứng ngây nhìn một dòng sông chuyển động nhấp nhô những hòn những tảng cứ lừng lững trôi vào sát đến chân thành. Hàng vạn bao đất chồng chất lên nhau cao dần như núi. Thành Ung Châu bị hạ theo kiểu ấy.
Đạt được mục đích của mình, Thái Úy hạ lệnh cho toàn quân rút ngay về nước.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện