[Việt Nam] Câu Thơ Yên Ngựa
Chương 9 : 9
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 19:30 16-09-2018
.
Đối với tướng quân Trần Nậm, những ngày Như Nguyệt là những ngày lạ lùng nhất trong đời ông, dẫn ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đê đắp càng cao, lũy đất càng dài, ông càng thấy sáng kiến phòng thủ này quả có một không hai. Bên trái ông là thượng lưu sông Nam Định với dãy núi Tản Viên đứng đằng sau, cao ngất, mây sừng sững như bức trường thành. Bên phải ông, có con sông Lục Đầu nằm ngang rồi đến dải Bạch Đằng giang mênh mông sông nước vỗ trời. Muốn đến được quả tim nước Việt về đường bộ, mọi cuộc tiến quân từ phương Bắc xuống, nhất thiết đều phải qua khúc sông giữa này, khúc sông Như Nguyệt. Ở đoạn này có nhiều bến đò và nhiều đường lớn qua sông. Đây là con đường cửa ngõ, thuận tiện và gần nhất để tiến xuống phía Nam. Nhưng công trình phòng ngự này đã đổi thế sông Nam Định, biến khúc nước Như Nguyệt thành một dải hào sâu và bờ nam ngạn một dãy lũy thành kiên cố. Nó che chở cho đồng bằng phì nhiêu của nước Việt, kinh thành Thăng Long và cũng ngang tầm quan trọng với kinh thành, vùng Thiên Đức, nơi để lăng tẩm các vị Tiên Đế vì ở thời ấy, mất lăng tẩm Tiên Vương cũng coi như mất nước.
Càng suy gẫm, ông càng không ngớt trầm trồ thán phục tài ba của Thái Úy. Ông không hiểu làm sao một bộ óc người lại có thể bỗng chốc nghĩ ra được một ý đồ quân sự tuyệt diệu đến thế. Thực ra ý đồ quân sự thiên tài này không phải nảy sinh trong chốc lát. Từ ngày vua Lý Thánh Tông mới lên ngôi, Thái Úy đã dè chừng cái họa xâm lăng của nhà Tống. Hễ Tống yên được ở phương Bắc là không để cho phương Nam yên. Tuy Tống đang hai tay bận đỡ Liêu, Hạ, một chân lún sâu vào đất Thổ Phồn nhưng không vì thế mà Thái Úy dám lơ là coi khinh cái chân còn rỗi rãi. Thái Úy hiểu rằng cái chân của một ông khổng lò một khi gác qua người cũng nặng như núi đá.
Không biết ý nghĩ đắp lũy Như Nguyệt mơ hồ lóe lên trong đầu óc ông trong một chuyến đi kinh lý nào đấy hay dưới một ngọn đèn khuya, nhưng rồi nó tắt đi như cái mầm non mọc giữa lòng cát. Hễ nhích lên được một đốt là cát lại khỏa đi. Mãi đến lúc vua Lý Thánh Tông đột ngột trút hơi thở cuối cùng, ý đồ ấy đột nhiên bừng dậy trong đầu óc ông. Dường như cái chết của vị minh quân hóa thành trận gió lớn thổi bay mọi lớp cát dày để cho cái mầm non ý đồ ấy vươn dậy mọc thành cây.
Chưa hết ngạc nhiên về tài năng của Thái Úy, tướng quân Trần Nậm lại sửng sốt về lối xử thế của Người. Ông đem so sánh thái độ đối xử của Thái Úy với quan Thái Bảo và anh lính Địa Vân. Một đằng có sai phạm theo ông là nhỏ mà lại là vị quan to thì Thái Úy đùng đùng nổi giận và dâng sớ về triều đòi giáng chức. Một đằng, anh lính trơn mà dám hỗn hào phạm thượng thì Thái Úy lại bình thản như không, lại còn cất nhắc anh ta lên làm Đô giám. Suy đi xét lại, ông chỉ biết rút ra một điều là Thái Úy biết trọng những kẻ có thực tài.
Lại đến viên chiêu thảo sứ Kiều Văn Ung, người điền chân Thái Bảo, cũng đem đến cho ông nhiều sự bất ngờ. Viên quan ấy trông tuổi còn trẻ mà làm việc già dặn đâu ra đấy. Hễ y đã nói là dân tình nghe răm rắp. Có phải vì y có bộ râu thưa nho nhã dễ ưa hay do khoa ăn nói rành mạch thấu tình đạt lý của y mà thuyết phục được lòng người.
Tuy nhiên, điều làm ông không hết ngạc nhiên là tài chế tạo mộc xa của gã trai tráng bạch đinh đâu như quê ở vùng biển. Gã đang độ tuổi xuân mà tính khí lầm lì, ít nói nhưng công việc thì say sưa miệt mài thâu đêm suốt sáng. Không biết gã moi đâu trong đầu óc ra lắm loại xe gỗ thế. To có, nhỏ có, cái cầm tay, cái đẩy, cái kéo. Có cỗ xe lăn trên đất rắn, lại có cỗ trượt trên ruộng lầy. Công việc đắp đê nhờ xe chuyên chở nhanh gấp đôi. Một tay gã đã dựng lên xưởng mộc, lò rèn và đào luyện nên mấy chục người thợ giỏi giang. Vì yêu tài, ông đã mấy lần muốn tiến cử gã với triều đình nhưng lạ quá, gã cứ tìm mọi cách thoái thác. Lạ hơn nữa là bố gã cũng lắc đầu quầy quậy.
Nhiều lần ông cố mời Thái Úy lên lũy để khoe gã trai có tài lạ này với Thái Úy. Nhưng Thái Úy đang bận việc quân. Bắc thùy đang sắp sinh biến. Nhiều đoàn quân hạ du rầm rập kéo qua sông tiến lên biên giới. Ông đành đợi một dịp khác. Dịp may ấy đã đến. Sớm nay, Thái Úy từ Vạn Xuân tạt qua Nham Biền lên thăm lũy Như Nguyệt. Thái Úy vừa về đến, việc đầu tiên của ông là dắt tay Thái Úy đi xem quang cảnh rộn rịp ở trên đê. Hàng đoàn xe tải đất thong dong nối đuôi đi qua, tiếng gỗ nghiến ken két như rít vào tai. Nhìn cảnh tượng lạ mắt ấy, Thái Úy như sững lại một giây: - Kẻ chế loại mộc xa này quả có biệt tài!
- Nhưng hắn ta làm phách lắm. Mấy lần Nậm tôi định tiến cử nhưng hắn chối đây đẩy.
- Ôi! Kẻ tài thường có tật như ngựa hay thường có chứng. Ta nên bỏ qua tật mà dùng tài. Tướng quân đừng quá cố chấp. Ta sẽ cho người đi mời hắn lên trú sở gặp ta.
- Khỏi cần! Khỏi cần! Để đích thân Trần Nậm này đi gọi hắn thì mới được. Nếu lần này hắn lại giở chứng thì Nậm tôi sẽ thộp ngực lôi hắn tới đây cho Thái Úy.
- Khoan đã! Tướng quân nên từ tốn, lấy lễ mà đãi kẻ sĩ. Đừng quá nôn nóng mà đôi khi hỏng việc đấy.
- Vâng, vâng! Trần Nậm vừa cười vừa đáp rồi quày quả bước về phía ven đê. Tuy ngoài miệng nói vậy mà trong lòng ông khấp khởi mừng thầm. Không hiểu vì sao, ông vẫn dành cho chàng trai tính khí kỳ quặc này một sự ưu ái đặc biệt và những muốn giúp gã kiếm chút công danh. Gần đến xưởng mộc, ông đã nói to từ cửa vào: - Ta đem tin mừng đến cho bố con nhà ngươi đây. Mau mau soạn sửa lên gặp Thái Úy. Lần này là cơ hội tốt để cá hóa rồng đây!
Gã thợ đóng mộc xa vụt đứng dậy, lúng túng hồi lâu: - Xin nhờ tướng quân về bẩm với Thái Úy, bố con tôi lâu nay sống nơi thôn dã hủ lậu, chưa quen lễ nghi cung đình nên không dám gặp Thái Úy sợ xảy ra điều gì thất thố...
- Đừng sợ! Đừng sợ! Thái Úy không phải như người khác đâu. Gặp một cái là ngươi sẽ biết ngay.
Để cho gã thêm yên tâm, Trần Nậm đem chuyện Thái Úy gặp Địa Vân ra kể một thôi một hồi. Gã đứng nghe, chớp chớp đôi mắt rồi nhỏ nhẻ nói: - Vâng ạ! Xin để cho bố con tôi rửa ráy qua, vuốt lại nếp áo rồi sẽ lên sau.
- Nhớ đừng để cho Thái Úy phải chờ lâu nhé!
Trần Nậm vừa bước ra, người bố vội bảo nhỏ con: - Công tử ơi! Thái Úy đã có mặt ở đây rồi. Ta phải bỏ trốn đi thôi.
Người con chính là Lý Ngân và ông bố là lão Triệu. Chàng đã lên đây một thời gian khá lâu. Chàng cũng đã đem thi thố chút ít học hiểu của mình đáp lại tiếng gọi của đất nước. Bây giờ chàng đưa mắt nhìn quanh gian nhà một lượt rồi khẽ gật đầu: - Đúng đấy! Đã đến lúc ta có thể bỏ đi được rồi.
Hai người lẳng lặng lần đường ra bến sông để đáp thuyền về Kinh. Vừa ra đến đường cái lớn, Lý Ngân nghe có tiếng ngựa phi dồn dập. Chàng vội nép mình vào đám cây lá rậm rạp, ló mắt nhìn ra. Vừa trông thấy người kỵ mã đi đầu lướt qua, chàng giật thót mình, tim chàng đập rộn. Hình dáng quen thuộc của Hạnh Hoa, mắt chàng không nhầm lẫn được. Hạnh Hoa! Hạnh Hoa! Chàng thầm gọi tên nàng. Mối thù Thái Úy giết cha lâu nay bắt chàng phải cố ghìm nén mọi tình cảm, xua đuổi bóng hình nàng đôi khi còn lởn vởn đến thăm chàng trong giấc chiêm bao. Nhưng cuộc chạm mặt thoáng giây vừa rồi như trận gió bất ngờ thổi bay lớp tro vùi mong manh và ngọn lửa yêu thương cũ trong lòng chàng lại bốc cao hơn trước.
Một ý định táo tợn gần như tuyệt vọng đột nhiên đến với chàng khiến chàng đứng ngẩn người ra. Lão Triệu ở đằng sau giật giật gấu áo chàng: - Ta đi nhanh thôi công tử!
Lý Ngân quay lại, nét mặt ảm đạm: - Không, ta đi gặp Thái Úy.
- Ô hay! Công tử điên rồi sao? - Lão Triệu mở to đôi mắt tròn xoe - Tự dưng lại đem thân đến nộp miệng hùm.
Giọng Lý Ngân rầu rầu: - Từ lâu, thân này ta đâu còn thiết nữa. Chuỗi ngày xanh của ta đã bị tiện đứt khi ta giương cung buông mũi tên thù. Dù sao ta cũng phải nhìn lại nàng một lần cuối.
- Công tử quên mình đang là kẻ tội đồ ư?
- Ta chả quên gì cả. Ta chỉ nhớ là ta phải gặp lại nàng.
Nói xong, Lý Ngân quả quyết ra đi. Lão Triệu lắc đầu, lẽo đẽo theo sau...
Trong lúc ấy, Thái Úy mỉm cười bảo con gái: - Lần này con lại vất vả đi thăm sức khỏe của cha đấy ư?
Hạnh Hoa cũng cười đáp: - Thế lâu ngày nhớ cha, con không lên thăm cha được sao?
- Cha biết! - Ông đưa một ngón tay lên - Cha biết Thái Hậu Linh Nhân muốn vời cha về bàn chuyện quan Thái Bảo Nguyễn Châu.
- Không chỉ vì việc ấy đâu cha ạ!
- Lại còn việc gì nữa?
- Nhiều lắm. Hôm qua chú Hiển ở trong ra, co nói nước Chiêm Thành đang loạn to.
- Thế à!
Tướng quân Trần Nậm bước vào nói với Thái Úy: - Lạ quá! Đến giờ, vẫn chưa thấy gã đến. Rồi ông quay sang Hạnh Hoa giơ nắm đấm lên: - Chà, chà! Con bé này cũng lên đấy đắp lũy với chú Nậm à?
Dáng điệu Trần Nậm nhắc Hạnh Hoa nhớ lại lúc còn bé khi nàng theo cha vào đất châu Ái. Hễ mỗi lần gặp chú Nậm đâu, Hạnh Hoa lại bắt chước lũ trẻ quanh nhà, vừa nhảy lò cò vừa đưa tay chỉ vào bộ râu, hét toáng lên: - Tướng Nậm rậm râu! Tướng Nậm rậm râu! - Kỳ cho đến lúc ông giơ nắm tay to tướng ra mới cười ré lên bỏ chạy. Vì vậy, giờ đây thay cho câu đáp lại, nàng chỉ vào chòm râu của ông gọi lớn: - Chú Nậm! Chú Nậm! rồi cười ngặt nghẽo. Nậm vờ xòe bàn tay lên che chòm râu rậm, cố lấy giọng giận dữ: - Con gái lớn tướng rồi mà cứ tưởng mình còn nhỏ nhoi lắm hả? - Hạnh Hoa càng ôm bụng cười khanh khách.
Nhưng có người vào báo cha con người thợ mộc đóng xa đã đến. Trần Nậm thôi đùa, đưa tay mời Thái Úy. Trước khi đi, Thái Úy dặn con gái ở đấy chờ ông chốc lát.
Trong nhà khách, lão Triệu đứng thu lu ở một góc, còn Lý Ngân thì đứng khuất sau lão. Thái Úy bước vào hướng về phía lão Triệu, ân cần vồn vã: - Ta được nghe tướng quân Trần Nậm nói về con trai lão. Mắt ta lại được thấy mộc xa. Ta rất mừng cho lão sinh hạ được một người con tài chí hơn người.
Lão Triệu cúi sát xuống, lí nhí trong cổ họng: - Dạ, bẩm quan lớn quá khen, bố con tôi đâu dám ạ!
Thái Úy quay sang hỏi Lý Ngân: - Này, chàng trai trẻ kia ơi! Chàng học ở đâu cách đóng mộc xa hay tự mình suy nghĩ tìm tòi mà chế tạo ra được vậy?
Lão Triệu đỡ lời: - Bẩm quan lớn, bố con tôi theo nghề đóng thuyền từ lúc bé nên mọi thứ đều có biết qua chút ít, dạ chỉ quen tay thôi, chứ chẳng có gì tài cán cả.
Trần Nậm ngứa tai nói chõ vào: - Thái Úy hỏi thì cứ để con lão trả lời, sao lão cứ tranh lời của nó.
Tuy Lý Ngân đã cải trang nhưng lão Triệu vẫn lo ngay ngáy. Bây giờ nghe Trần Nậm nói, buộc lòng lão phải bảo Lý Ngân:
- Con biết gì cứ nói ra cho quan lớn nghe.
Lý Ngân vẫn cúi gầm mặt ậm ừ: - Con chỉ biết làm thôi chứ con không biết nói như bố.
Thái Úy mỉm cười: - Ôi! Một người có biệt tài như chàng mà không biết mình tài, kể cũng hiếm thấy. Hay chàng chưa tin ta mà giấu tài chăng?
Từ nãy đến giờ, Lý Ngân vẫn cố ghìm mình xuống. Mặc dù vì việc nước, mối thù kia chàng vẫn phải tự nhủ mình hãy tạm gác sang một bên, nhưng cơn giận sôi sục từ nơi sâu thẳm nào kéo lên phừng phừng đốt lửa trên mặt chàng. Mọi ý định đến đây gặp Hạnh Hoa đều tan biến. Chàng ngẩng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào kẻ thù giết cha, dõng dạc nói: - Nếu tiểu sinh có giấu tài cũng vì ở đời còn lắm kẻ vì ghen tài mà ám hại người khác.
Câu nói đầy hàm ý này hình như không động chạm gì đến Thái Úy. Ông chỉ hơi sửng sốt. Cặp mắt sắc của ông như vừa tìm thấy một điều gì. Nhưng Thái Úy vẫn thản nhiên đáp: - Về nghề mộc xa, ta tin chắc ngoài chàng ra không có được người thứ hai nên chẳng có ai ghen tài chàng đâu... Ta còn mong chàng có nhiều tài khác.
Lý Ngân bắt ngay câu nói dường như có ý thăm dò của Thái Úy: - Tiểu sinh còn một tài nữa.
- Tài gì, chàng hãy nói đi.
- Tài bắn chim trời! Lý Ngân buông lời như một thách thức.
Thái Úy vui vẻ cười to: - Tướng quân Trần Nậm! Cung tên đâu hãy mang ra đây để ta thưởng thức tài thiện xạ của chàng trai trẻ này.
Lão Triệu run sợ khúm núm vái dài Thái Úy: - Đứa con lão non dại. Hắn biết gì nghề cung kiếm đâu. Xin Thái Úy mở lòng tha cho hắn cái tội ngông cuồng khoác lác.
Từ nhà trong, Hạnh Hoa cũng vội chạy ra: - Cha ơi! Con xin cha hãy thôi cái chuyện cung tên đi. Cũng vì nó mà cha suýt một lần mang họa.
Nàng quay lại bắt gặp cặp mắt Lý Ngân đang nhìn mình đăm đắm. Ánh mắt ấy như rọi thẳng vào tim nàng làm nàng bàng hoàng. Nàng thảng thốt ngập ngừng như muốn hỏi: - Hắn là ai thế hở cha? - Nhưng rồi như có chủ định, nàng tiến lại gần chàng trai. Lão Triệu vội bước ra cản đường: - Thưa tiểu thư, hắn là con trai lão. Lão là bố hắn.
Thái Úy nhìn hai cha con lão nói như ra lệnh: - Thôi được. Ta thấy cha con lão có nhiều biệt tài nên muốn mời về làm môn khách. Hai người hãy về trại thu xếp rồi đến đây theo ta về kinh.
Lão Triệu cảm tạ Thái Úy rồi kéo Lý Ngân ra về. Thái Úy nhìn theo họ quay sang bảo Trần Nậm: - Tướng quân hãy cho người kín đáo theo dõi họ. Nếu thấy họ bỏ trốn thì cứ để họ đi, không ai được ngăn cản phiền hà họ.
Còn lại hai người, Hạnh Hoa hỏi nhỏ: - Hắn là ai thế hở cha?
- Hắn là một chàng trai có nhiều tài lạ. Con nghi ngờ gì hắn chăng? Cứ đợi rồi sẽ biết.
Khi được tin báo cha con gã thợ mộc xa đã bỏ trốn rồi, ông mới nói: - Hạnh Hoa! Điều con nghi là đúng đấy. Hắn chính là Lý Ngân.
- Trời ơi! Lý Ngân! Thế mà cha không bắt lại.
- Lý Ngân thì càng phải tha. Vì cha đang lo xây đắp lũy thành.
- Chàng ta chả bỏ Như Nguyệt ra đi rồi đấy sao?
- Không phải lũy thành này mà là lũy thành kia con ạ - Ông nhìn ra ngoài xa, nơi những người dân đất thổ mộc đứng thủ mai xắn những miếng đất to bằng cối đá lỗ. Giọng ông tha thiết xa xôi như đang bộc lộ một ý đồ đã được nung nấu từ lâu - Một thành lũy vô hình mà hóa hữu hình, còn vững chắc hơn gấp nghìn lần thành lũy Như Nguyệt. Một thành lũy kết chặt lại được mọi lòng người, chịu đựng được mọi thử thách gian lao. Đó cũng chính là điều ta sắp đem tâu trình với Linh Nhân Thái Hậu...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện