[Việt Nam] Câu Thơ Yên Ngựa

Chương 11 : 11

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:31 16-09-2018

.
Trong ngôi biệt thất dành riêng để thờ Tiên Đế tại trấn sở châu Hoan, chậu cúc xuân của quan Tể Chấp Lý Đạo Thành năm nay nở muộn. Có phải vì thời tiết giá lạnh kéo dài điềm hoa muốn báo cho ông biết trước điều ông mong ước cũng phải chậm chạp xòe dần từng cánh. Ông vào đất Hoan đã được hai lần cúc nở. Và hai lần ông nhìn cúc với tâm trạng khác nhau. căn biệt thất này bốn bể kín bưng không để một khe hở cho ánh mặt trời lọt vào. Trong nhà đèn nến thắp sáng ngày đêm. Chậu cúc để trước bàn thờ trên đặt bài vị của Tiên Đế. trước bài vị, tỏa sáng chén ngọc dạ quang, của báu vua ban, cống vật của một nước nhỏ lân bang hay tặng phẩm của một thương nhân Qua - Oa nào, ông không còn nhớ rõ. Tiếng sóng rầm rì của biển đời, trần tục dừng lại trước căn phòng này. Bên trong là thế giới tinh thần riêng biệt của ông. Đó là thaàh trì cố thủ giữ gìn cho sự yên tĩnh yếm thế đượm đầy nỗi tiếc thương ngậm ngùi của vị lão thần thất thế. Chiều chiều, vào lúc hoàng hôn, ông thơ thẩn đến đây, đốt trầm thắp nhang, chuyện trò với Tiên Đế. Ông sờ vào cái chén ngọc dạ quang, di vật thiêng liêng ấy như chạm phải một cơ thể sống để làm dịu đi bao điều u uất trong lòng mình hay đúng hơn là làm khuây khỏa niềm nhớ tiếc mơ hồ, nhớ tiếc một thời vàng son trong ấy có pha lẫn nỗi nhớ tiếc quyền hành ... Qua tâm trạng buổn nản của mình, ông như nghe thấy tiếng nói Tiên Vương theo làn khói hương từ bàn thờ tỏa xuống cuộn vòng quanh chậu hoa cúc, vọng về: -" Ta biết, ta vừa nằm xuống là triều chính đảo lộn, công sức mười tám năm làm Tể Tướng của Khanh cũng chẳng ai kẻ đoái hoài. Người ta để Khanh sống vất vưởng cảnh xế chiều mây đông khói hạ ... " Một giọt nước mắt nóng hổi vô tình rơi đúng vào trong chén ngọc dạ quang. Nhưng năm nay, giữa đêm trừ tịch, Lý Ngân, đứa cháu trai cuối cùng trong chi tộc ông cùng lão Triệu từ Như Nguyệt trốn về mang đến cho ông một tin nóng hổi: Nhà Tống sắp động binh. Tin dữ ấy như sét đánh, kéo ông ra khỏi cơn mơ yếm thế. Ông như muốn quát to lên với quân giặc vô hình: - "Hay cho nhà Tống! Các người ỷ đất rộng, cậy người đông. vạt áo các người nối lại đã thành mây, mồ hôi các ngưòi vẩy ra đủ làm mưa bốn cõi. Nhưng sao vua tôi các người chóng quên hai phen thất bại ở Bạch Đằng. Chuyện Hoằng tháo của nhà Hán đành là chuyện cũ. Nhưng trận Hầu Nhân Bảo mất đầu ở ải Chi Lăng, Thẳm Khâm Tộtan quân ở Tây Kết, xác quân Tống làm nghẽn khúc sông Bạch Đằng còn sờ sờ ra đó kia mà! Ông tức tối nhìn những nụ hoa cúc lì lợm rắn lại trong chậu đá. Ông giận dữ quát mắng một cách vô lý đứa cháu của ông sao thời buổi này làm tài trai mà chịu ì ra như nụ cúc cụp cánh kia. Lý Ngân vòng tay đáp: - Thưa bá phụ, cháu đâu học thói phong lưu rởm của lủ công tử mượn áo hào hoa suốt này chỉ chọi gà, đua ngựa! Chí cháu cũng muốn đem thân giúp nước, ra chốn ba quân đoạt ải cướp thành. Nhưng hiềm vướng phải tội tình nên cháu đành cam trói tay chịu cảnh thuyền nằm trốn sóng. Ngay đến bá phụ kia cũng đang bất lực đấy thôi. Câu nói của Lý Ngân nhắc ông quay về với sự thực. Đúng thế, thân ông hiện giờ có khác gì con ngựa già gặp khúc đường hẹp lầy lội mưa sa, khó lòng rong ruổi. Nhưng rồi có sứ triều đột ngột mang sắc thư triệu ông về kinh. Lúc đầu, một cơn dỗi không đâu kéo đến khiến ông lắc đầu từ chối phắt. Ông như muốn ghẹo tức thêm số phận mình. Thái tử Chiêu Văn phải năm lần bảy lượt lựa lời mới thuyết phục được ông già tưởng như khó tính này. Nhưng ông vẫn phân vân. Về triều đình lúc này dữ lành thế nào, ông chưa rõ. Lúc sứ triều đến, để tránh mọi phiền phức, Lý Ngâu đã lên ngựa bỏ đi. Giờ ông đang đợi cháu về để bàn tính thêm mọi việc. Và ông vào biệt thất để hỏi han thêm Tiên Đế. Chậu cúc vàng muộn màng trong biệt thất đang độ nở mãn khai. Nhìn cúc bất giác những ý nghĩ sớm nở tối tàn, buồn bã của năm trước lại trở về trong đầu ông. Nó làm ông cảm thấy thấm thía sự thăng trầm trong biến hoạn và tính chát phù du của công danh. Nhưng lần này, qua khói hương, tiếng nói của Tiên Đế vọng về nghiêm nghị: - Hỡi Đạo Thành lão khanh! Khanh đã quên lời dặn của ta chăng? Một nước không có văn hiến thì sao gọi là nước, cũng như con người không có bộ mặt thì sao gọi là người. Công việc ngươi làm dở dang sao đã vội nản chí; - Tiên Đế ơi! Người ta đã buộc tay thần lại. - Sông có khúc, người có lúc, khanh giận ngưòi này người nọ sao lại đem lòng giận cả nước non? - Nhưng liệu người ta có thật bụng dung nạp thần chăng? - Khanh đừng quá chấp nên chuyện cũ. Khanh cứ tin vào việc mình làm là có ích cho dân cho nước, còn thiên hạ tin trước hay tin sau điều ấy không can hệ gì ... Trong lúc cuộc hội thoại này chạy nhanh trong đầu Đạo Thành thì Lý Ngân, trên đường về từ bìa rừng quặt ra bất ngờ gặp Hạnh Hoa. Cuộc gặp gỡ này không nằm trong dự tính của Lý Ngân. Chàng vội ghìm cương, quay ngoắt về phía bìa rừng. Nhưng Hạnh Hoa chợt trông thấy chàng rượt ngựa theo sau, gọi giật lại. Chàng miễn cưỡng xuống ngựa, ngượng nghịu, đứng yên cúi mắt ủ rũ nhìn sợi dây cương nằm trong tay chàng. Cuộc chạm mặt đột ngột này cũng làm Hạnh Hoa đứng ngẩn người ra. Trong đầu óc hai người chất chứa lâu nay bao nhiêu điều muốn nói. Nhưng họ vẫn đứng im, lặng nghe biển sóng vỗ dào dạt trong lòng. Hồi Lâu, Hạnh Hoa mới lên tiếng: - Bây giờ chắc hẳn công tử chẳng có chuyện gì để nói với ta nữa đâu. - Ta chỉ muốn nói, ta là kẻ có lỗi với nàng. Bao hờn dỗi theo câu nói Lý NGân như đưọc dịp trào lên, nàng to giọng: - Công tử làm một việc tày trời đến thế, công tử tưởng chỉ cần một tiếng lỗi là xong chuyện ư? Lý Ngân vẫn rũ rượi cúi gầm mặt xuống: - Ta đã làm một việc mà lòng ta không hề muốn. Hạnh Hoa vốn biết Lý Ngân là con người chính trực, không làm việc gì khuất tất bao giờ. Điều nàng muốn biết là nguyên do bí ẩn nào dẫn chàng vào đường lầm lạc ấy. Nàng mơ hồ cảm giác thấy có bàn tay Thượng Dương nhúng vào nên cố gặng hỏi: - Công tử không muốn thì ai muốn ở đây mới được chứ? - Chẳng ai muốn cả. Nhân nào thì dẫn đến quả ấy. Nàng không thể hiểu được nỗi khổ tâm của một người con bị kẻ khác giết cha mình. - Ai giết cha công tử? - Thái Úy Lý Thường Kiệt! Hạnh Hoa sửng sốt kêu lên: - Không! Không thể có được! Ngay đến công tử là người đi ám hại cha ta mà cha ta vẫn không muốn bắt tội kia mà. Hay trong việc này công tử có điều gì lầm lẫn chăng? - Tình thương cha đã làm nàng mờ mắt. Ta biết ta không thể nào làm nàng tin được lời ta. - Vậy công tử có bằng chứng gì để ta tin được? Nhắc đến chứng cớ, chàng chợt nhớ lại lời thề với di mẫu Thượng Dương, chàng ấp úng không nói được. - Vậy công từ đã nhận rõ sự lầm lẫn của mình rồi chứ? Lý Ngân ngẩng phắt đầu lên, mặt đanh lại: - Không! Ta không lầm. Ta còn sống thì sau này ta sẽ trả thù! Cơn giận bốc lên trong mắt Hạnh Hoa, tay nàng để vào đốc kiếm từ bao giờ không rõ, bỗng run lên bần bật. Lý Ngân vươn cổ ngẩng mặt lên: - Tốt nhất nàng xuống kiếm đi để sau này khỏi ân hận. Nhìn rõ khuôn mặt Lý Ngân bị cào xé biến dạng hẳn đi trong một nỗi đau tuyệt vọng. Hạnh Hoa thấy tan nát cả lòng. Nàng cố gắng gượng lấy giọng khinh bỉ: - Thời loạn này, công tử có thể đi tìm một cái chết xứng đáng hơn nhiều. Lúc này Hạnh Hoa mới sực nhớ đến công việc Thái Úy giao phó cho mình. Nàng rút bức thư đưa đến tận tay Lý Ngân : - Đây, có phong thư riêng của cha ta gửi cho Tể Chấp. Nhờ công tử chuyển lại cho Người và gíup ta khuyên Người nên quên hận nhỏ để làm việc lớn. Lý Ngân chưa hết kinh ngạc, thì Hạnh Hoa đã nhảy lên mình ngựa, ra roi như trốn chạy. Lý Ngân về đến nhà bước vào biệt thất trao bức thư cho Đạo Thành. Ông sững lại một giây tồi từ từ mở phong thư ra đọc. Lý Ngân chăm chú cố theo dõi từng nét thay đổi trên gương mặt ông qua làn khói hương mờ ảo. Xem xong thư, ông trầm ngâm nhìn lên bàn thờ Tiên Đế: - Thái Úy mời ta về làm Thái phó, bình chương quân quốc trọng sự để cùng ông ta lo toan việc triều đình (chức Thái phó đứng thứ nhì trong hàng Tể Chấp) - nhưng ta đang lưỡng lự chưa biết hay, dở thế nào. - Ôi, việc tốt lành đến thế nào bá phụ còn lưỡng lự? - Cháu ơi! Một chiếc bình vỡ khéo gắn cũng còn đường rạn nứt, một vết thương đã liền da, vết sẹo vẫn còn ghi, những hiềm khích cũ giữa ta với Thái Úy tuy bức thư này đã giải xong nhưng ta ngại mối hiềm nghi còn lớn vởn như bóng theo người ... Lý Ngân dường như sốt ruột: - Ôi, giặc đang ngấp nghé ngoài cửa ải mà bác còn ngồi tính đến chuyện hơn thiệt. - Không, ta đang tính làm cách nào để ta tin được ở bụng người mà người cũng tin được ở bụng ta. Nếu được vậy thì việc cộng sự của ta với Thái Úy mới có cơ đắc dụng. Một ý định bất ngờ chợt nở ra trong đầu chàng như bông cúc kia tới kỳ đại đóa: - Bác ơi ! Cháu vừa nghĩ ra được một cách này! - Cách gì, cháu thử nói xem. Mắt chàng long lanh cố nhìn xuyên qua làn khói hương như để tìm ra một lối thoát: - Bác cứ đưa cháu ra nộp cho Thái Úy thì Thái úy sẽ hiểu được lòng bác và tin bác ngay. Giữa cái lặng thinh của căn phòng, Đạo Thành như nghe rõ tiếng rì rào của từng đợt khói hương đang cuộn vòng tỏa rộng. Lời Lý Ngân như còn vọng lại bên tai ông. Nhưng ông vội lắc đầu, xua tay: - Không được, không thể được! Cháu quên cháu là giọt máu cuối cùng trong chi tộc nhà ta đấy ư! - Bác ơi! Cháu đang là kẻ tội đồ. Có sống cũng bằng thừa - Chàng chợt nhớ đến lời của Hạnh Hoa - Biết đâu kẻ kia thực lòng muốn quên hận nhỏ để mưu việc lớn thì mạng cháu ... - Thôi, thôi! Đạo Thành gạt phắt lời Lý Ngân. Cháu đừng giục giã thúc bách ta. Hãy để ta có thời gian cân nhắc! Ông đứng lên gọi lão Triệu, bảo lão lo thu xếp nhanh để kịp sáng mai lên đường về kinh.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang