[Việt Nam] Bên Bờ Thiên Mạc
Chương 2 : 2
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 14:33 23-09-2018
.
Mặc dù Trần Bình Trọng nhận thấy cậu bé chăn ngựa nói có lý nhưng ông vẫn chưa tin hẳn lời cậu. Không phải vì chú bé còn ít tuổi, mà đó là do thói quen của ông, một người trong họ nhà vua, đời đời nối dòng làm tướng. Trong mọi việc quân, việc nước, những người thuộc dòng tôn thất nhà Trần chia nhau, thay nhau nắm giữ tất cả những chức vị quan trọng. Mỗi mệnh lệnh của họ phát ra là hàng vạn người tuân theo răm rắp... Trần Bình Trọng cũng như những người cùng họ thường chỉ tin ở sự hiểu biết của mình. Từ khi giặc Nguyên xâm phạm đất nước đến nay, thói quen ấy tuy nhạt dần đi nhưng cũng vẫn còn rất mạnh. Vì vậy, Trần Bình Trọng nửa tin nửa ngờ lời nói của cậu bé chăn ngựa, một thằng bé gia nô mặc áo lính trong đội quân của ông. Nhưng khoảng đầu giờ mão, vọng canh cuối làng gõ một tiếng mõ báo hiệu có người lạ mặt. Trần Bình Trọng ra lệnh cho dẫn vào. Lát sau quân canh cuối làng đưa vào một ông già. Ông ta cao lớn gầy guộc, có đôi tay bắp thịt đã teo lại nhưng nước da vẫn đỏ đẹp lạ thường.
- Lão xin chào tướng quân!
ông già lạ mặt khom lưng vái Trần Bình Trọng. Vốn là người xưa nay vẫn kính nể những bậc cao tuổi, Trần Bình Trọng vội gạt đi:
- Ông lão cứ đứng thẳng. Làm sao cụ biết ta ở đây mà đến tìm thế?
- Lão biết có quân về từ lúc tảng sáng nhưng lão vẫn phải dò lại xem có đích xác không. Bây giờ lão đã nhận đúng là quân triều đình rồi nên lão xin vào hầu. Dân Xuân Đình cử lão đi trước để xem có giúp đỡ được tí gì cho quân ta chăng?
- Lão là người Xuân Đình à? Thế dân làng chạy đâu hết rồi?
Đân Xuân Đình ở cả trong Màn Trò thôi!
Trần Bình Trọng nhìn quanh, vẻ muốn tìm cậu bé chăn ngựa nhưng chưa thấy cậu về. Ông mỉm cười hỏi:
- Thế làm sao ông lão biết quân ta là quân triều đình?
- Lão biết chứ! Lão nhìn hiệu cờ, hiệu phướn. Đạo quân này là đô nhất trong quân Thánh dực. Lão còn biết tướng quân chính là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng nữa kia.
Trần Bình Trọng kinh ngạc nhìn ông già. Lòng ông phân vân. Ông già nói tiếp, và lần này đôi mắt của ông ta thoáng ánh lên hóm hỉnh:
- Hồi cuối năm ngoái, Quan gia bày yến ở điện Diên Hồng. Quan gia cho gọi bô lão cả nước lên kinh dự. Lão cao tuổi nhất làng Xuân Đình nên cũng được vời vào. Hôm ấy lão thấy tướng quân cắp kiếm đứng hầu sau lưng Quan gia...
Nói đến đây, ông già lạ mặt chợt cười để lộ hàm răng chỉ còn lởm chởm vài chiếc, và chòm râu bù rối của ông ta rung vểnh ngược lên, nom rất lạ:
- Lúc Quan gia hỏi bô lão xem giặc Nguyên thế mạnh hùng hổ như vậy thì ta nên đánh hay nên hòa, lão còn nhớ tướng quân gầm lên trước tiên: “Đánh! Đánh! Đánh! Xin Quan gia cho đánh!”
Trần Bình Trọng ngượng ngùng ngắt lời:
- Tại ta nơm nớp sợ bô lão dàn hòa, nhưng hòa mà phải cắt đất, nộp cống, xưng thần thì có khác chi đầu hàng.
Ông già lạ mặt im lặng mến phục vẻ thành thật của Trần Bình Trọng. Ông tướng Thánh dực hồ hởi nói:
- Ông lão thấy thế nào?
- Đó là vì tướng quân chưa hiểu hết bụng dân đó thôi. Những bô lão được Quan gia vời vào điện Diên Hồng ăn yến đều là những người đã từng cầm giáo đuổi giặc trước đây hai mươi bảy năm. Lão nói thật xin tướng quân đừng giận, chắc vào cái năm Đinh Tị ấy, tướng quân mới được ba, bốn tuổi chi đó chứ gì?
Kỳ lạ thay, nhận xét thẳng thắn của ông già không làm cho Trần Bình Trọng giận. Ông nói:
- Ông lão cứ nói hết đi!
Được lời, ông già tiếp:
- Năm ấy bô lão cả nước bàn đánh cũng như tướng quân vậy. Chắc rằng điều ấy hợp với lòng mong muốn của tướng quân.
Ông già vén tay áo để lộ hai chữ “Sát Thát” thích chàm trên lần da rám đỏ.
- Lòng lão giá có phanh phui được thì lão cũng xin trình để tướng quân hiểu thấu cho.
Trần Bình Trọng cảm động:
- Ta hiểu lắm.- Ông cũng vén lá giáp che cánh tay phải và mở to đôi mắt kiêu hãnh.
- Ông lão xem đây! Hai chữ “Sát Thát” này đã ăn sâu vào xương thịt ta rồi.
Ông già nói, vẻ chân thành:
- Lão có một đứa con trai. Trước đây nó đã nói cho lão nghe nhiều về tướng quân. Lão biết rằng tướng quân ưa lời nói thẳng và rộng lượng với kẻ dưới. Lão đã già, lại sinh sống ở nơi vắng vẻ. Lão nói năng nhỡ có điều gì không phải thì xin tướng quân đừng chấp. Vả chăng, lão nghĩ rằng mua được những lời nói thẳng thật là khó đấy tướng quân ạ. Thôi hãy gạt chuyện đó ra. Tướng quân cho phép lão được hỏi điều này: “Có phải Tiết chế đã ra lệnh rút quân khỏi Vạn Kiếp rồi không?”
Trần Bình Trọng không đáp. Ông cúi đầu xuống tỏ ý chuyện rút quân là điều có thật. Ông già lạ mặt chăm chú ngắm Trần Bình Trọng một lát rồi hỏi, giọng nhỏ nhẹ, nghe xa vời như từ đâu vẳng đến:
- Chắc rằng thế giặc mạnh lắm phải không tướng quân? Mà Thăng Long cũng mất rồi chăng?
Trần Bình Trọng ngửng vội đầu nhìn qua khuôn cửa lớn. Mặt ông bỗng biến sắc:
- Khói! Khói! Cháy rồi à?
- Đúng! Cháy rồi đấy. Thăng Long bốc lửa lúc canh ba đêm quạ Thượng tướng quân Trần Quang Khải đã đem binh qua đây để rút về phủ Thiên Trường.
- Thế là mất kinh thành rồi! Mất Thăng Long rồi!
Trần Bình Trọng kêu thầm trong lòng: “Mất Thăng Long rồi! Thăng Long của ta!” ông giận dữ đau đớn nhớ lại kinh thành yêu quý nơi ghi bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc đời của ông. Ông tưởng chừng như nghe thấy bên tai có tiếng chày đập vải chểnh choảng trong sương sớm, tiếng chày của những người con gái dệt vải ở một phường phía bắc kinh thành. Ông nhớ những buổi dẫn quân Thánh dực ra trường bắn luyện tập; ánh giáp đồng, màu cờ đỏ, khói pháo lệnh cùng hòa lẫn thành một không khí say sưa. Ông nhớ đến những đêm cùng các tướng ngồi nghiêm trang trong Giảng vũ đường nghe Quốc công Tiết chế dạy binh thự Ông nhớ những buổi chiều theo hầu Quan gia dạo thuyền trên sông Cơ Xá. Ông nhớ những đêm đem quân tuần phòng ngoài cửa Dương Minh trang bóng trăng xanh dịu. Ông nhớ cả những phố phường đông đúc bên ngoài Hoàng thành, nhớ những cô hàng bán rượu, nhớ những làng trồng hoa rực rỡ trong tiết xuân...
- Mất Thăng Long rồi! Thăng Long của ta!...
Trần Bình Trọng nghẹn ngào. Từ trong khóe mắt của ông, hai giọt lệ chảy ra, lăn trên má, rớt xuống vạt áo giáp dát vảy đồng. Ông già lạ mặt im lặng. Ông già nghĩ thầm trong dạ: “Khóc được như vậy cũng nhẹ lòng được phần nào!” ông già lựa lời nhủ nhẹ nhàng:
- Giặc chiếm Thăng Long nhưng giặc chiếm thế nào được lòng người dân Thăng Long. Tướng quân thử nghĩ lại coi. Trước đây hai mươi bảy năm, Ngột Lương Hợp Thai cũng đã chiếm được Thăng Long...
- ... Nhưng quân dân ta đã đuổi cổ tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai khỏi Thăng Long... - Trần Bình Trọng bỗng thốt lên, tình cảm ông như đang bị kích thích mạnh mẽ.
- Rồi còn đuổi cổ nó ra khỏi bờ cõi nước ta nữa chứ! Bởi vì cả nước ta đã đấu sức lại mà đánh! Đấy chính là điều quân ta, dân ta phải ghi lòng tạc dạ. Rút quân khỏi Vạn Kiếp thật là một kế rất sâu.
Trần Bình Trọng lắng dần nỗi đau đớn và cơn giận dữ. Ông trầm lặng suy nghĩ. Đánh giặc là một việc lớn của đất nước. Người làm tướng phải biết nhìn xa thấy rộng. Người làm tướng phải biết dẹp cái nóng của chính mình. Phải biết tính cho đầy đủ mọi bề hơn thiệt trước khi ra một mệnh lệnh. Nếu như trước đây ông chưa được đánh trận Bình Than thì sau này ông sẽ được đánh một trận lớn hơn, thắng to hơn, nằm trong toàn bộ một kế hoạch đã được suy tính kỹ càng. Thế đấy, đánh giặc không chỉ bằng sức mà phải bằng trí nữa. Ông từ từ ngẩng nhìn ông già lạ mặt. Ông khẽ hỏi:
- Ông lão đến tìm ta có điều gì muốn dạy?
- Chết nỗi, lão chẳng dám dạy ai. Lão đến xem quân ta cần gì, dân Xuân Đình giúp được đến đâu xin cố sức làm đến đấy. Lòng trăm họ bây giờ như thế cả đó.
- Vậy thì ta cũng nói thật: Quân ta đang đói, và ta cần người dẫn đường qua bãi lầy Màn Trò.
- Chết thật, lão mải chuyện quá. Lúc lão về làng, dân Xuân Đình đã xếp sẵn lương ăn xuống thuyền rồi. Bây giờ tướng quân cho lão ra ới họ một tiếng là họ đem tới ngay.
Nhưng ông già chưa phải gọi tiếng nào, dân Xuân Đình đã chống thuyền vào bến đầu làng. Họ khiêng lên bãi những thúng khoai sọ rất tọ Trần Bình Trọng sung sướng đi giữa những người lính của ông ra đón dân làng Xuân Đình. Ông kín đáo mỉm cười trước sự ngượng nghịu của những người lính trẻ khi nhận thúng khoai do mấy cô gái quê trao chọ Mấy chục thúng khoai tuy nhiều nhưng đối với đạo quân hàng ngàn người thì cũng chỉ đủ bữa cháo. Dân Xuân Đình nói với những người lính con em của mình rằng họ đã cho đi lấy lương ở trong Màn Trò. Chỉ ngày mai, lương sẽ về đến nơi. Xuân Đình quyết không để quân bị đói. Dân và lính cùng vui vẻ nhóm lửa bắc bếp. Khói bốc lên đó đây. Tiếng chuyện trò, tiếng cười cũng ồn lên đó đây. Trần Bình Trọng và ông già lạ mặt vui vẻ về căn nhà cũ. Trong mảnh vườn trước ngõ cũng đã có mấy người dân Xuân Đình đang giúp các chiến sĩ nấu cháo. Trần Bình Trọng đứng lặng trong căn nhà, lắng nghe những tiếng động bên ngoài. Dân và lính đang vui đùa trong khi làm việc. Ông chợt mỉm cười khi một người lính nào đó cất cao lên tiếng hát dân ca đầy kiêu hãnh của vùng Thiên Mạc: Đất nghịch! Đất nghịch (dô hò) bãi Màn Trò Trống đồng Thiên Mạc (dô hò) tiếng thúc to Cầm giáo trong hàng (dô hò) những gia nô Đừng để ai khinh (dô hò) Quan trung khách Thù nhà nợ nước (dô hò) máu không sôi. Thù biết trả (dô hò) nợ biết đòi Biển, trời, đất, nước đời đời của chung. Ông già kỳ dị làng Xuân Đình đột nhiên biến sắc mặt. Ông già đã nghe rõ những câu hát về lòng yêu nước và niềm khao khát tự do của những người nô tì vùng Thiên Mạc.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện