[Việt Nam] Bánh Xe Khứ Quốc
Chương 9 : Cờ đến tay
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 00:33 26-05-2020
.
- Tôi nghĩ trong nước mới yên, cần phải lưu lại để giúp nhà Vua sửa sang lại chính trị.
Câu trên này thốt ra ở miệng Vua Tây Sơn, trong cuộc tiếp kiến mà Nguyễn Huệ đặt cho cái tên rất bình đẳng là “cuộc hội kiến của hai vua”.
Nếu nó được thực hiện thì hạnh phúc cho nước Việt Nam không biết nhường nào. Nói thế không phải chê Vua Chiêu Thống10 là ấu trĩ quá, không đủ uy quyền để trị nước, vì nhà Vua nay đã trưởng thành rồi. Cũng không thể trách được là nhà Vua thiếu tài, vì cậu thanh niên Duy Khiêm rất tuấn tú và thông minh không thể chỉ trong khoảng thời gian vài năm, trở nên Vua Chiêu Thống tối tăm và ngu dốt.
Muốn phán đoán cho công bằng, thiết tưởng các bạn chỉ nên xét qua về bộ máy chính trị của nước Việt Nam vào thời Lê mạt.
Nhà Lê từ hồi trung hưng trở về sau, thật ra chỉ có hư vị. Tuy nhiên sáu Chúa Trịnh đầu (Kiểm, Tùng, Tráng, Tạc, Căn, Cương) còn tỏ ra tôn trọng quân quyền, nghĩa là mỗi việc trước khi thi hành còn bẩm mệnh vua Lê. Và khi Nguyễn Công Hãng khuyên Trịnh Cương dùng mũ áo sắc vàng để phân biệt với các quan, thì Cương còn từ chối, nói đó là sắc để dành riêng cho nhà Vua. Như từ đời Trịnh Giang trở đi thì thiên hạ không biết cái uy quyền của họ Lê nữa, tuy người ta vẫn vì quen miệng mà dùng tiếng “vua Lê Chúa Trịnh”.
Họ Trịnh tuyển bổ các quan văn võ.
Họ Trịnh chủ trương việc thi cử.
Họ Trịnh giữ cả tài chính trong nước.
Họ Trịnh quyết định thưởng phạt và chiến hòa.
Tóm lại họ Trịnh chiếm cả chính quyền lẫn binh quyền và tất cả tất cả các cơ quan chính trị trong nước. Không luận là lớn nhỏ đều ở trong tay họ Trịnh. Họ Trịnh lại còn đặc biệt hơn các quyền thần.
Từ cổ đến giờ đã thu phục được cả lòng tin cậy của dân, vì trải mười thế hệ kế tiếp nhau cầm quyền, Trịnh phủ đã cố kết được lòng người như một cây cổ thụ mà gốc rễ đã ăn sâu xuống đất.
Họ Trịnh đổ, lẽ tự nhiên là cái chế độ do họ Trịnh lập ra cũng đổ theo. Và, một điều rất trái ngược là trong cuộc loạn ly ở Bắc Hà không thể không có họ Trịnh tham dự một phần; đó tức là những kẻ chịu ơn của Trịnh phủ lâu đời muốn nổi lên để khôi phục lại chính quyền cho dòng dõi chủ cũ của họ. Khi Vua Chiêu Thống tiếp lấy chính quyền thì Kinh thành Thăng Long – vì họ bị đè áp dưới sức mạnh của quân Tây Sơn – hiện ra một bộ mặt rất bình tĩnh. Nhưng tại Hải Dương, Đinh Tích Nhưỡng – viên tướng thua trận ở Vị Hoàng – hết sức cậy cục để gây lại thế lực của mình. Hoàng Phùng Cơ người đã chống đỡ cho họ Trịnh đến phút cuối cũng cũng hoạt động ở Sơn Tây. Rồi Trịnh Lệ, em ruột Tĩnh vương Trịnh Sâm, Trịnh Bồng,con trưởng Uy vương Trịnh Giang, mấy ông chúa “hậu bổ” này sao khỏi cố công vận động để giật lấy cái di sản của cha ông để lại.
Nếu anh em Vua Tây Sơn quả muốn giúp sức Vua Chiêu Thống gây lại kỷ cương trong nước thì việc không lấy gì làm khó, nhưng phải lưu lại Bắc Hà đến hàng năm. Thoạt đầu là chia quân đi đánh dẹp khắp nơi, bắt ép bọn Cơ, Nhưỡng, Bồng, Lệ phải chọn lấy một trong hai điều: bị tiêu diệt hay thừa nhận chủ quyền của vua Lê. Tiếp đến khước bỏ bọn quan lại cũ là chân tay của họ Trịnh khi xưa mà tuyển lấy một lớp quan lại mới, có đủ đảm bảo là sẽ trung thành với chính phủ mới. Ngoài ra, Nhạc lại phải giúp Vua Chiêu Thống tổ chức một đội quân chỉnh bị để giữ việc trị an trong nước và bảo vệ Hoàng thành.
Nói tóm lại, nếu anh em Nguyễn Nhạc thành thực giúp đỡ thì Vua Chiêu Thống không phải mệt mỏi gì cả mà được trị một nước gần như hòa bình. Còn dân Bắc Hà thì ngoài tấm lòng hoài cựu của họ phai nhạt dần mà vui vẻ phục tùng cái chính lệnh của nhà Lê, một chính lệnh xưa nay họ chưa từng biết đến, vì giữa Lê Hoàng và dân chúng, vẫn có một bức tường ngăn cách là họ Trịnh.
Tiếc rằng cái ý tốt của Nguyễn Nhạc chỉ có nói mà không có làm. Vì, ngoài mặt tuy làm ra thong thả để đánh lừa Nguyễn Hữu Chỉnh và nhất là tránh cho dân Bắc Hà khỏi nhân lúc về mà tập công nhưng trong bụng Nhạc lúc nào cũng lo lắng việc vô Nam.
Nhạc ở Thăng Long không đầy một tháng.
Trong thời gian ấy thực ra cũng không giúp cho Vua Chiêu Thống được việc gì. Chợt đêm hôm 17 tháng Tám năm Bính Ngọ, Nhạc cùng với Huệ và vài viên bộ tướng là đập cửa điện, cáo biệt vua Lê, rồi lên đường.
Thế là quân Tây Sơn ra khỏi Bắc Hà.
Việc này đành là thế tất cả phải có và có lẽ cũng là diều mong thầm của Vua tôi nhà Lê. Nhưng quân Tây Sơn kéo về một cách quá ư đột ngột, không khỏi làm cho Vua Chiêu Thống choáng váng như người vừa tỉnh một giấc chiêm bao, nhất là xung quanh nhà Vua không thấy có lấy một vài nhà chính trị có tài để phòng đối phó với thời cục trước những sự việc bất ngờ huống hồ nói đến sự trị an chung của toàn quốc, đến ngay Hoàng thành cũng không có nổi một đội quân cho ra hồn để phòng vệ.
Ngồi cô độc giữa một cái thành không, nhà Vua lúng túng không biết xử trí thế nào, phải cho triệu các quan và thượng nghị. Sau một hồi bàn cãi rất lộn bậy, người ta đi tới ý định:
“Xuống chiếu hiệu triệu các thế gia và cố thần mộ quân về bảo vệ Thăng Long.”
Kế ấy quả nhiên có hiệu quả ngay, nghĩa là chỉ trong khoảng mười hôm, Thăng Long liền chật ních những đội quân rất ngô nghê và ô hợp chạm nhau ở các phố phường. Lính Mường ở Hòa Bình do họ Đinh đưa về xen lẫn với lính Thổ ở Lạng Sơn, ấy là chưa kể bao nhiêu đội quân khác ở các trấn Trung Châu, tuy cùng nói một thứ tiếng, nhưng chẳng biết kỷ luật là gì, vì toàn là những tên dân cày ngu ngốc mà người ta vừa phát cho bộ áo lính.
Thổ hào cũng như các vọng tộc, người nhiều là một nghìn quân, kẻ ít là đôi ba trăm, lũ lượt kéo về Thăng Long, lấy danh là để bảo vệ Hoàng thành, nhưng thực chất là để thỏa mãn tấm lòng hám danh của họ.
Bọn vô lại ở các nơi cũng thừa cơ tụ tập nhau lại, tự xưng là lính đi cướp bóc các phố phường. Kinh thành Thăng Long với những đội quân trên, đã hiện ra một quang cảnh rất buồn cười và vô cùng rối loạn.
Giữa lúc ai cũng hô lớn cái mục đích tôn quân để cầu một chút danh vị thì Trịnh Lệ dắt bọn Dương Trọng Tế và Trương Tuân rầm rộ mang quân vào thành, để đòi lại cái ngôi báu của chú khi xưa.
Lệ nguyên là con thứ của Minh vương Trịnh Doanh (em ruột Trịnh Sâm). Chàng rất nhiệt tâm phú quý, nên đã nhiều lần âm mưu tranh cướp ngôi Chúa Bắc Hà, nhưng đều không thành. Khi Sâm còn, Lệ đã vì thất bại mà bị lột chức và tống giam, mãi đến lúc Khải lên cầm quyền, Lệ mới được tha. Chợt quân Tây Sơn vào thành, Lệ không lo chống cự gì cả mà chạy tuốt sang Văn Giang nương nhờ một người cháu ngoại. Nay nghe Tây Sơn đã đi khỏi, liền vội vã quay về, đến bờ sông Phú Lương (Nhị Hà) thì vừa lúc gặp Trung hầu Trương Tuân (nguyên Đốc trấn Kinh Bắc) và Dương Trọng Tế một nhà nho cũng thiếu liêm sỉ như tài cầm quân. Lệ liền cho nhập bọn mà cùng sang sông. Trọng Tế xưa kia đã từng tố cáo Lệ để cầu công danh, nhưng nay thấy Lệ gần đi đến chỗ thành công thì quay cổ lại mà xin hàng.
Lệ, Tuân và Tế hợp thành một đội quân rất lớn cứ ngang nhiên kéo thẳng đến Vương phủ, cho quét dọn lại, rồi khua chiêng đánh trống mà kéo vào.
Vua Chiêu Thống nghe biết liền cho triệu thì Trung hầu đến dụ:
- Nhà ngươi đời đời làm tướng, nay Kinh thành đơn yếu, ngươi đem quân vào giúp, sao không vào thẳng trong triều để ta ban tước lộc cho?
Tuân tâu:
- Bốn phương ai cũng là bề tôi nhà Vua. Vua cứ rủ áo chắp tay ngồi đấy là yên rồi, hà tất phải lo đến việc binh vệ. Duy có nhà Chúa bất hạnh bị giặc xâm phạm, chủ súy bị giết. Vậy xin lập Chúa Lệ lên làm Chúa để tôn phù nhà Vua. Tôi nghĩ bảo vệ kinh thành không chước gì hay hơn chước ấy.
Nói xong Tuân lạy, rồi lui ra.
Vua Chiêu Thống tức giận vô cùng, định cho người đuổi theo bắt Tuân đem chém. Nhưng các cận thần can ngăn:
- Quân về hộ vệ nhà Vua không được mấy, mà quân của nó có hàng vạn. Sợ giết hắn, sẽ sinh biến, xin hãy thong thả.
Nhà Vua đành nuốt giận mà quay vào.
Cũng như Thái tử Duy Vĩ, Vua Chiêu Thống vẫn oán giận họ Trịnh. Nhưng vì biết thế yếu nên phải nín tiếng để đợi thời. Chợt Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc, họ Trịnh không chống được, mà phải tan. Nhà Vua hồi đó đương ở ngôi Hoàng thái tôn liền cùng với các anh em đến mừng Huệ nói:
- Tôi với họ Trịnh có thù lớn, ông báo giúp cho, kiếp này thật không mong gì hơn nữa. Nếu thân tôi có mất về quý quốc tôi cũng không tiếc gì. Huống hồ ông lại tôn phù và có chí giúp nhà Lê tôi thống nhất thì công đức bằng trời bể. Tôi dù muốn báo ơn cũng không thể được.
Huệ ngỏ lời úy dụ:
- Đạo trời thường báo ứng. Xưa kia Tiên Thái tử bị oan nên nay hoàng tôn được hưởng phúc. Đó là đạo thường của trời đất.
Khi lên ngôi rồi. Vua Chiêu Thống tuy bận về nhiều việc, nhưng việc chính vẫn là gác bỏ họ Trịnh ra ngoài những cơ quan chính trị của nước Việt Nam. Song nhà Vua chưa kịp trở tay thì Trịnh Lệ từ trong bóng tối nhô ra. Không những Lệ the nếp cũ của nhà ông mà còn tỏ ra ngạo mạn hơn hẳn các Chúa Trịnh khác.
Lệ tự lập lên làm Chúa mà không hỏi han gì đến vua Lê. Chàng lại hẹn ngày cho các quan phải đến lạy mừng. Nhưng vì trong số các quan có nhiều người không phục lấy cớ rằng lập Chúa mà không có lệnh Vua thì chưa phải là hợp thức nên bất đắc dĩ Lệ phải cho người vào điện xin sắc mệnh của nhà Vua với tờ tâu rất kiêu ngạo:
“Tôi là Trịnh Lệ xin tâu: nhà tôi nối ngôi làm Chúa tôn giúp nhà Vua . Mới rồi bọn giặc đến xâm lấn phá hoại miếu xã. May nhờ có người trung nghĩa giúp tôi đánh đuổi nên giặc phải trốn về đêm. Mồng sáu tháng này, tôi đã trở về phủ chính, xin Vua ban sắc cho tôi được lập tước vương. Tôi sẽ giúp việc tôn phù đế thất như ông cha tôi khi trước.”
Bài biểu trên như khêu gợi mãi sự tức giận của nhà Vua . Nhất là Trọng Tế lại mắng sứ giả và xé chỉ dụ, khiến cho giữa Vua với Lệ, không còn một miếng đất nào để điều đình được nữa.
__
[10] Duy Kỳ lên làm Vua lấy niên hiêu là Chiêu Thống.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện