[Việt Nam] Bánh Xe Khứ Quốc

Chương 7 : Đoan Nam vương moi ruột tự sát

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 00:33 26-05-2020

Kiêu binh, vì là ân nhân của cả nhà Vua lẫn nhà Chúa, nên tự cho là có quyền hạn vô đối ở Bắc Hà. Chúng lại thấy các nhân viên trong chính phủ mới như quốc cữu Dương Khuông[7] – đứa con đầu lòng của thời thế - và Tham tụng Nguyễn Khản – một người sống sót trong vụ án năm Canh Tý – đều là những nhà chính trị vô tài, nên tỏ ý khinh thường mà giày xéo cả lên pháp luật. Khuông và Khản vẫn có thâm ý muốn đàn áp bọn kiêu binh, nhưng chưa có dịp nào. Một hôm, nhân có bốn tên kiêu binh ức hiếp một nhà buôn ở phố Đông Hà mà vay tiền, bị bản đội phát giác ra, Khuông và Khản lập tức làm án xử trảm bốn tên này. Bọn kiêu binh cho thế là quá nặng, nhưng chỉ ôm sự hờn oán trong lòng, vì chúng đã tự tố giác nhau, không thế trách vào ai được. Vì tức giận Dương Khuông và Nguyễn Khản, bọn kiêu binh oán cả Đoan Nam vương là người đã tin dùng hai vị đại thần này. Chúng muốn nhân cơ hội mưu cuộc thống nhất cho nhà Lê, nghĩa là thu cả chính quyền về phía triều đường, mà tước hết thế lực của họ Trịnh. Việc đó tại Trịnh Khải. Tuy không lấy gì làm bằng cớ, nhưng giữa kiêu binh và Trịnh phủ đã hiện ra một mối thâm thù. Hôm rằm tháng Năm năm Giáp Thìn, kiêu binh xin vào nội điện, cung đón hoàng tôn để xin phong tặng cho cha mẹ. vua Lê muốn lấy lòng chung, truyền đánh cá hồ xen lên làm gỏi cho quân ăn uống ở sân điện, rồi bàn cách thưởng sau. Chúng đương ăn uống thì Dương Khuông sai gia tướng là Nguyễn Chiêm tức Chiêm Vũ, một dũng sĩ đương thời mang quân đến vây bắt. Đứng ở cửa điện, Chiêm Vũ tuốt gươm quát: - Gươm này sắc lắm, chỉ để chém đầu kiêu binh! Chúng sợ chạy toán loạn. Chiêm Vũ chỉ bắt được có bảy người, giải cả về Vương phủ. Bọn này thật ra chưa hành động gì trái phép cả, nên các quan không biết phân xử thế nào. Duy có Dương Khuông quả quyết nói: - Bất tất hỏi chúng làm gì. Chúng chỉ quen thói tụ họp lại mà làm càn. Chúng đông quá không thể giết hết cả một lúc được. Vậy cứ bắt được đứa nào phạm tội là chém. Ví như nắm đũa, bẻ dần chiếc một rồi cũng phải hết. Nguyễn Khản cũng tán thành ý đó, lập tức khép bảy tên kiêu binh vào tội “Thân nhập hoành hành” rồi mang ra chém. Việc này làm cho kiêu binh tức giận đến cực điểm. Chúng không e sợ gì nữa, lập tức kéo nhau đến phá nhà Dương Khuông, Nguyễn Khản, Chiêm Vũ và có ý lùng giết ba người. Dương Khuông và Chiêm Vũ trốn vào Vương phủ. Khuông nhờ có Dương Thái phi và Đoan Nam vương hết sức xin với bọn kiêu binh nên chúng mới tha. Chiêm Vũ thế không đừng được, phải ra cho chúng đánh chết. Nguyễn Khản may trốn thoát lên Sơn Tây cùng với em là Nguyễn Điền hiệu triệu các trấn, mang quân về thành đánh giết kiêu binh. Nhưng việc không có kết quả, vì Đoan Nam vương đã bị chúng giữ ở Thăng Long rồi, bọn Nguyễn Khản không dám tiến quân vào, sợ ném chuột lỡ chạm phải đồ quý. Găng nhau một hồi lâu, kiêu binh tự kiệu là không chống được với quân Bắc Hà đông và chỉnh bị hơn, định giết Trịnh Khải, rồi rước vua Lê về Thanh mà mưu kế lâu dài. Khải biết mưu ấy, phải đứng ra giảng hòa mới được an toàn va kinh thành cũng tạm yên, nhưng từ đó chính phủ nát bét và chính lệnh của triều đình không còn được ai tôn trọng nữa. Trong lúc cái uy quyền của hai nhà họ Lê và Trịnh cùng theo đó mà đổ nát thì từ phía nam, đảng Tây Sơn bồng bột nổi lên. Theo mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn H uệ chiếm lấy thành Thuận Hóa, rồi tiến thẳng ra Thăng Long. Các danh tướng của Bắc Hà như Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Hồ, Trịnh Tự Quyền, Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ theo nhau mà chết bởi thua trận nên Đoan Nam vương phải tự ra cầm quân. Vương chống nhau với quân Nguyễn H uệ ở trước lầu Ngũ Long, nhưng chẳng được bao lâu thì thế lực cũng điêu tàn. Vương bỏ chạy sang Kinh Bắc định mưu đồ khôi phục thì bị một tên bạn thân là Nguyễn Trang bắt, nộp Tây Sơn. Không chịu được nhục, nửa đường, Đoan Nam vương khoét rốn, tự tử. Trước những biến cố lớn nó liên tiếp xảy ra như trên một màn ảnh, Lê Duy Khiêm tuy đã trưởng thành và ở ngôi trừ bị, nhưng cũng cam tâm làm người chứng bất lực ngồi nhìn quốc gia bước sâu mãi vào chỗ bại vong. Vì, đã trên hai năm nay, họ Trịnh thu lấy cả chính quyền và binh quyền. Chàng dù có tài năng cũng không thể thi thố gì được, bởi trong tay không có lấy một tên quân và một miếng sắt. Chàng và cả đến vua Lê cũng vậy, lại càng đành lòng hơn nữa, vì trong cuộc Bắc phạt, Nguyễn Huệ thủy chung vẫn lấy danh nghĩa là diệt Trịnh phù Lê và khi tới Vị Hoàng, Huệ có gửi trước ra cho vua Lê một tờ biểu xưng thần, lời lẽ rất ôn hòa và thành kính. Vua tôi nhà Lê có tin rằng tính mạng của họ sẽ gửi gắm được vào tay tướng Tây Sơn không? Chắc không, nhất là ở phía ngoài thành, các quan lại cũng như dân chúng đã tìm chỗ chôn giấu của cải và bồng con bế cái đi lánh nạn ở các nơi xa. Bọn vô lại nhân cơ hội đón cướp ở các đầu đường. kiêu binh lúc ấy cũng chạy tản mát mỗi tên một nơi. Dân gian tóm được tên nào, lập tức giết chết để trả cái thù chúng đã hành hạ và khinh bỉ mình khi trước. Đương lúc rối loạn, có một người béo tròn trùng trục, cởi trần chạy ra cửa ô. Trong đám dân chúng có người gọi to hỏi: - Thằng to bụng kia có phải là kiêu binh không ? Nên bắt lấy nó mà đánh chết đi! Người bị đe dọa phải vội vàng lên tiếng: - Không phải! không phải. Tôi là quan huyện Thọ Xương đây. Dân chúng cời rộ lên: - Rõ thực là quan huyện to bụng! Rồi tha cho đi. Trong cuộc loạn ly này số kiêu binh bị dân chúng giết chết có tới hàng ngàn. Tiếng kêu khóc với những vũng máu lênh láng ở vệ đường góp thành một cảnh tượng làm cho kẻ bàng quan phải rùng mình sởn gán. Cảnh tượng ấy sao khỏi có ảnh hưởng đến vua Lê và những người hoàng phái, hiện vẫn tĩnh túc ở trong thành. Tuy nhiên, người ta vẫn không rước nhà Vua đi trốn là vì hồi đó, Vua Cảnh Hưng đã già yếu quá và đương có bệnh, sợ làm kinh động thì tính mệnh của nhà Vua khó mà toàn được. Họ tôn thất và các thân thần đành cứ liều mà ở lỳ trong nội điện. Quả nhiên, Nguyễn Huệ đã lo xa mà phái trước một đội quân đến giữ chỗ cung khuyết được an toàn. Nhưng khi các hoàng thân thấy quân Tây Sơn – tự phân biệt với quân Bắc Hà ở cái mũ đỏ - đứng nhốn nháo ở phía ngoài tường thì lại ngời là họ chực phạm đến thánh thể nên vội vàng đỡ nhà Vua ra ẩn ở vườn sau. Họ lầm. Chỉ trong một khoảnh khắc thì có một tỳ tướng vào dâng một tờ tâu của chủ tướng Tây Sơn, trong Nguyễn Huệ chúc cho nhà vưa được khang kiện và hẹn ngày hôm sau sẽ xin vào bệ kiến. Duy khiêm lúc này có lẽ tự nhiên là cũng ở trong những tả hữu của nhà Vua . Chàng đã được hưởng sự an ổn rất đầy đủ, giữa một các hoàn cảnh cực kỳ rối loạn. __ [7] Dương Khuông là em ruột Dương Thái phi, mẹ Trịnh Khải.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang