[Việt Nam] Bánh Xe Khứ Quốc

Chương 20 : Trong và ngoài nước

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01:14 26-05-2020

Hôm vua Chiêu Thống cùng Thái hậu theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Bắc thì Hoàng tam đệ là Lan quận công Duy Chỉ cũng đưa Hoàng phi[24] là Nguyễn Thị Kim chạy theo. Không may ra đến bờ sông thì cầu đứt, hai người phải theo bờ đê mà đi ngược lên mãi Tuyên Quang, nương náu ở nhà một người thổ tù là Nông Phúc Tấn. Phúc Tấn cùng với một người thổ tù khác là Hoàng Văn Đồng, thay mặt Duy Chỉ triệu tập các dân miền núi như Vạn Tượng, Trịnh Tuyên, Quy Hợp, Trân Ninh, quân thế rất là lừng lẫy. Đứng đầu những đội quân đó, Duy Chỉ tràn xuống cướp thành Nghệ An. Vua Quang Trung sai đốc trấn thành này là Trần Quang Diệu làm Đại tổng quản và Đô đốc là Lê Văn Trung mang quân đón đánh. Quân Tây Sơn vốn là quân thiện chiến. Trái lại, trong tay Duy Chỉ tuy có nhiều người nhưng là quân ô hợp, thành ra chưa đánh đã tan. Quang Diệu thừa thắng phá luôn cả Trấn Ninh, Trịnh Tuyên, Quy Hợp. Vua Vạn Tượng thua trận, phải bỏ thành mà chạy, Diệu đuổi tận đến giáp giới Xiêm La, cướp được khí giới và của cải rất nhiều, lại chém được tướng Vạn Tượng là Tả Phan Dung, Hữu Phan Chiêu. Duy Chỉ, Nông Phúc Tấn và Hoàng Văn Đồng bị bắt giải về Phú Xuân xử tử. Người đương thời phúng Duy Chỉ bằng mấy câu sau: Trời đâu bảo lạc mịt mù, Nước non để chữ phục thù kiếp sau. Giận này biết để vào đâu, Nghìn thu chôn xuống địa cầu Phú Xuân. Sau cuộc thất bại của Duy Chỉ, cái trí phục thù của các cựu thần nhà Lê ở trong nước cũng bạc nhược dần và lâu lâu đến tuyệt hẳn. Nguyễn Đình Giản trốn tại huyện Lập Thạch trấn Sơn Tây. Vua Tây Sơn cho đến dụ, Giản nhất định không ra, Nhà Vua lại bắt con gái Đình Giản cho vào hậu cung, cốt ý để dụ Giản, nhưng Giản thản nhiên nói: - Con bé ấy sao không chết đi. Nó sống làm gì mà làm nhục cả môn hộ nhà ta. Ta có khi nào vì tình cha con mà bỏ nghĩa vua tôi! Vua Tây Sơn biết trí Đình Giản không thể cưỡng nổi, liền lập mưu bắt sống đem về. Nhưng Đình Giản không chịu khuất mà chết. Lê Ban, một võ tướng có sức khỏe gấp mấy chục người, sau mấy lần khởi binh đánh Tây Sơn, bị quân địch bắt sống, nhưng tha cho, sau chết ở Thăng Long. Trần Danh Án thì len lủi tại miền Bắc Giang. Triều thần Tây Sơn là Trần Văn Kỷ và Ngô Thì Nhiệm có viết thư khuyên Án ra hàng, nhưng ông từ chối. Trong thư trả lời có câu: “Thân này dẫu bón mồm hùm cọp, Dạ sắt khốn theo bụng chó dê.” Trần Quang Châu cũng đánh mãi, sau bị bắt không chịu khuất mà chết. Tại Nghệ An một chí sĩ là Trần Phương Bình củ hợp các thổ hào, đánh nhau với Tây Sơn. Nghĩa binh bị thua, Bình chạy lên ngọn núi Hồng Sơn, đề bài thơ dưới đây vào vách đá, rồi đâm cổ mà chết. “Thẹn mình khôn chống nước non, Thân này đao ấy lại còn tiếc sao. Non Hồng ngoảnh lại nơi nao, Chín mươi chín ngọn cao cao kia kìa.” Song hành với cảnh ngộ điêu đứng của các cựu thần nhà Lê, vì không theo kịp vua Chiêu Thống mà phải ẩn núp ở trong nước, bọn bề tôi tòng vong bị đầy ải vào một cuộc đời đau đớn không biết nhường nào. Tuy nhiên giữa chỗ xa lạ nhiều người may mắn đã gặp được những tấm lòng vàng, nên cái nông nỗi xa nước xa nhà cũng đỡ được một vài phần thống khổ. Lê Văn Trương chẳng hạn, khi bị đầy ra Trương Gia Khẩu, được người địa phương trọng vì nghĩa khí cấp cho cơm ăn áo mặc không thiếu một thức gì. Hàng ngày, ông không phải bận rộn về một việc gì khác là ngâm thơ, đọc sách. Lê Hân ở Phụng Thiên, nhân giỏi về nghề thuốc nên được người địa phương ngày ngày mời đi bắt mạch kê đơn, sự sinh hoạt nhờ đó mà được dư dụng[25]. Viên Lưu Thái thú ở hạt này gia tư giàu có. Trọng Hân là người có tài, gả con gái cho, thành ra trong mười mấy năm bị đầy ải, Lê Hân được hưởng hoàn toàn hạnh phúc. Khi Hân về nước, người vợ này cũng theo về và thủ tiết cùng ông suốt đời, lại xuất của riêng ra cho người trong họ để lập tự. Nhưng ngoài Lê Văn Trương và Lê Hân là những người có diễm phúc đặc biệt ra, biết bao bạn đồng chí khác phải sống trong cảnh cơ hàn để trọn một tấm lòng thành với chủ. Khi nghe tin mẹ chết, Đinh Nhạ Hành có làm đôi câu đối rất bi thảm: “Nhật trầm Tây lĩnh Đông lưu, cổ kim thường thái. Mẫu mộng Nam kha, quân Bắc độ, gia quốc câu ưu.” (Thói thường ngán nỗi xưa nay, Vừng đông nước chảy, non tây bóng tà. Buồn trông việc nước, việc nhà, Vua xa đất Bắc, mẹ già cõi Nam.) Biết rõ cái tình cảnh của vua tôi vua Chiêu Thống, con trai vua Càn Long là Lục vương, nhân lui chầu về có đến thăm Hòa Thân bàn về chuyện nước Nam và hỏi: - Vua tôi nhà Lê mắc nạn, chạy sang đây xin cứu mà không được, kể cũng đáng thương. Vả trong bề tôi của họ cũng có nhiều người là trung thần nghĩa sĩ. Họ vô tội mà đem đầy đi nơi xa. Nếu nước ngoài nghe biết thì còn coi Trung Quốc ra gì nữa? Hòa Thân thản nhiên đáp: - Đó là chỉ của Hoàng thượng, Điện hạ biết đâu được nhứng việc ấy. - Hoàng thượng ở ngôi lâu năm, nay đã già yếu. Việt thiên hạ nay đều ở tay Các lão[26], Việt Nam là một việc rất quan trọng, há ta lại chẳng biết hay sao? Hòa Thân cậy được vua Càn Long yêu mến nên nói ra nhiều câu vô lễ, Lục vương tức giận vớ ngay lấy cái bàn cờ để gần đó, đánh luôn cho Hòa Thân mấy cái. Những người đứng gần đó chạy đến can ngăn, Lục vương mới thôi, nhưng vẫn còn tức giận, vừa đi ra, vừa chửi mắng. Hòa Thân mang việc này tâu lên vua Thanh. Nhà Vua nổi giận, cho đòi Lục vương đến, định đánh ngay. Nhưng các thần là A Lâm lậy phục xuống đất, hết sức can ngăn, nhà Vua mới nguôi giận, tuy nhiên vẫn sai nọc Lục vương ra ở sân điện mà đánh mười roi. Lục vương uất ức quá thành bệnh, mỗi ngày một nặng. Vương tự biết không thể qua khỏi, liền cho gọi các em là Bát vương, Thập vương và Thập ngũ vương đến, dặn: - Trong ba em, chưa biết sau này hoàng thượng sẽ cho em nào kế tự. Nhưng dù ai được nối ngôi nữa cũng nên trừ tên gian thần Hòa Thân đi để tránh một mối hại cho xã tắc. Ba người khóc, lậy hai lậy, xin vâng mệnh. __ [24] Vợ vua Chiêu Thống. [25] Thừa thãi. [26] Chỉ Hòa Thân.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang