[Việt Nam] Bà Chúa Chè

Chương 4 : Mưa móc tẩm nhuần

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 11:11 29-08-2018

.
Á Đông có hai chữ để chỉ những ơn huệ của vua chúa ban xuống cho thần dân hay và đúng hơn bên phương Tây. Chữ ấy là chữ vũ lộ, nghĩa là mưa móc. Thật vậy, ơn trên quốc gia ban xuống, nhất là khi cái quốc gia ấy lại dồn vào một người gọi là hoàng đế, vương hầu có giống như trận mưa hạt móc đối với cây cỏ là bọn thần dân. Chữ ấy, dùng vào trường hợp cuộc ân ái giữa chúa Trịnh Sâm với nàng Đặng Thị Huệ, lại càng đúng lắm. Cây huệ mọc lẫn với cỏ gà làng Dóng (tên nôm làng Phù Đổng) đương hồi nẩy giò thêm rễ thì bị nhổ bật lên trồng ở đồi chè tổng Ném, cằn cỗi giữa đám cỏ lau. Cây huệ ấy nay được trồng giữa vườn vương Phủ, giữa đất kinh kỳ, được mưa móc tẩm nhuần tới, mới đến hồi nẩy lộc trồi hoa. Vì bông hoa huệ sống ấy, nhà chúa cho dựng một nếp nhà mới trong phủ, gọi là Bội Lan Thất (hoa huệ có một tên nữa là bội lan). Xung quanh Bội Lan Thất, bốn mặt là vườn trồng toàn huệ. Đến mùa hoa nở, đứng trên Tả Xuyên Đường cùng hậu đường trông sang toàn cảnh như một cái cung xây trên đám mây trắng. Chiều chiều mùa hạ, vào khoảng giờ Thân giở đi, hương hoa huệ thơm ngát cả một vùng. Nhà chúa mỗi buổi chiều lui vào hậu đường làm việc; hương hoa xông đến lại nhắc ngài cái người trùng tên với hoa. Cái hoa trùng tên với người cũng phải vì người mà đổi tên. Những cung nữ trong cung, những bọn gia thần trong phủ, người nào muốn nịnh đấng quân vương, đều gọi tránh là hoa tuệ. Một hôm, chúa sắp cùng Đặng Thị đi hành hương ở chùa Báo Thiên. Hôm ấy chúa đầu đội cái mũ ni trên đính hòn ngọc dạ quang. Hòn ngọc ấy là hòn ngọc lấy ở Quảng Nam về, chúa quí lắm. Dưới hè, hai cái kiệu để sẵn chờ. Đặng Thị trông thấy hòn ngọc ở trên mũ, hỏi: - Chúa Thượng đeo hòn ngọc gì thế? - Hòn ngọc này quí lắm. Đêm đến ánh sáng toả ra sáng được một khu nhỏ để xem sách. Đeo vào trừ gió độc. Đặng Thị thò tay rút hòn ngọc ra ngắm nghía mãi rồi lại tung lên rồi lấy tay đỡ lấy để đùa. Chúa nói: - Đừng đùa thế, lỡ ra rơi vỡ đó. Đặng Thị sầm mặt lại: - Lỡ vỡ thì sao? - Đừng đùa nhảm! Có thế mà nàng tru tréo lên: - Chúa Thượng quí vật hơn người! Lỡ ra vỡ thì chúa thượng giết thần thiếp chứ gì! Thôi thì tấm thân đã không được chuộng bằng hòn đá Quảng Nam thì thà chết cho xong, sống làm gì. Đầu thần thiếp cùng ngọc này cùng vỡ! Nói đoạn, nàng cầm hòn ngọc quật xuống thềm vỡ tan rồi ngồi phục xuống: - Tấm thân vứt bỏ xin chịu tội trước mặt chúa thượng. Chúa Tĩnh Đô phải lấy tay đỡ nàng dậy rồi dỗ dành: - Thôi đi! Cô Lạn Tương Như! Đây không phải triều đường nước Tần mà cô cũng không phải sứ nước Triệu mà đe "thần đầu dữ bích câu toái" (đầu tôi cùng ngọc này cùng vỡ). Nàng đứng dậy nói: - Chúa thượng tiếc hòn ngọc là phải. Hòn ngọc ấy cũng có giá liên thành. - Không phải là ta quý hòn ngọc hơn ái khanh, nhưng hòn ngọc ấy quân sĩ đã vượt ngàn dặm mang về, ta quí là quí tướng sĩ đã xông pha tên đạn, dãi gió, dầm sương. . . mới mang được hai trấn Thuận Quảng với hòn ngọc ấy về. Nay khanh đập vỡ thì thôi. Những câu nói của nàng đều khéo dùng điển cố văn chương khiến chúa Trịnh đã yêu lại càng thêm yêu, đã nể lại tăng bội phần nể. Vì nàng mà Trịnh Tông không được dựng làm thế tử. Độc giả đã rõ rằng Trịnh Tông khi đẻ ra đã không được chúa để ý lắm rồi. Nhưng dù sao thì Tông cũng là trưởng tử. Theo cố sự, vương tử khi lên bảy tuổi thì xuất các đọc thư, nếu là trưởng tử thì năm mười ba được mở phủ riêng và phong làm thế tử. Năm lên bảy, tuy chúa không cho xuất các, nhưng cũng cho Nguyễn Phương Đình làm A bảo. Đến năm lên chín, chúa đã khiến Nguyễn Ly, Lý Trần Thản làm quan Tả tư giảng và Hữu tư giảng cho Tông. Đến đầu năm nay - năm Cảnh Hưng 36, chín tháng sau việc dâng hoa - các quan theo cố sự, làm khải xin chúa cho Vương trưởng tử Tông xuất các. Chúa trù trừ chưa nói quyết ra sao. Đêm hôm ấy, vào nội đình, chúa mang việc ấy nói với Đặng Thị, Đặng Thị nói: - Đó là quốc gia trọng sự, thần thiếp đâu dám dự nghe, dự bàn. - Nhưng khanh có ý gì không? - Không, thiếp đã nói rằng thiếp không dám biết tới việc ấy. Xin chúa thượng nói sang chuyện khác. Bằng chúa thượng còn bận nghĩ về việc ấy thì thần thiếp xin cáo lui. - Thôi, ta không nói tới việc ấy nữa. Đặng Thị miệng nói thế, nhưng trong bụng thì băn khoăn vô cùng. "Nếu Tông dựng làm thế tử thì sau đây ta còn địa vị gì? Vương thượng năm nay đã ba mươi tư tuổi mà ta mới mười chín, thế nào ta cũng chết sau. Nay được chúa yêu đương, nhưng một người yêu trăm người ghét. Người ghét ta nhất sau đây tất là Dương Nguyên Phi và Tông. Sau đây, vương thượng chết đi, ta sẽ là cái bia chịu trăm mũi tên ghen ghét. Nếu ta lại có con thì mẹ con ta biết sống vào đâu? Là vợ con thường dân thì dễ, chứ là vợ con vua thì chỉ có: một là mẹ là thái phi, con là vua; hai là mẹ con đều chết oan chết uổng. . .". Bụng nàng nghĩ thế, nhưng miệng nàng lại gạt đi. Gạt đi để tìm cách đưa lời gièm pha cho khéo. Nói len ngay vào, có khi lời nói không đắt cũng nên. Là người tinh ranh sâu sắc, khi nào nàng lại vụng dại thế. Dịp đến thì phải bắt lấy, nhưng nàng tính cái kế bắt thế nào cho chúa Trịnh không chút ngờ là nàng chờ dịp. Câu chuyện rồi chuyển sang chỗ khác. Đến quá nửa đêm, nhân một câu chuyện về tính nết người ta - câu chuyện ấy cũng do nàng lôi kéo đến - nhân câu chuyện ấy, nàng mới nói: - Con hay giống tính mẹ hơn cha. Nhất là những tính xấu. - Khanh lấy gì làm bằng? - Lấy việc Thuỵ quận công năm Đinh Hợi làm bằng[32]. Cái máu phản nghịch ấy ở họ Dương làng Long Phúc đưa lại. Chúa Trịnh nghe nhắc đến việc em mình định giết mình bỗng động tâm. Rồi như nói một mình: - Hay là Long Phúc có đất phản nghịch ? Xưa kia, bà thái phu nhân sinh ra Cối[33] cũng người Long Phúc. Nàng biết thừa là Dương Ngọc Hoan, mẹ đẻ ra Tông cũng người Long Phúc, Trương Ngọc Khoan cũng người Long Phúc, nhưng cố ý làm như không biết mà thỏ thẻ: - Cũng may mà trong phủ hiện nay không có ai người Long Phúc. Chúa Trịnh đáp một tiếng dài: - Cũng ma. . . . a. . . ay. . . . Tiếng ấy, trong bụng chúa Trịnh nghĩa là: Cũng may mà ta sớm biết ý nghĩa ấy. Còn nàng, nàng cũng biết, biết rõ lắm. Sáng hôm sau, ở Nghị Sự Đường, chúa Tĩnh Đô nói với các quan: - Tông tính hung hãn, hãy tạm cho ra ở nhà A bảo là Hân quận công Nguyễn Phương Đình, sau đây tính thuần thục lại hãy dựng cũng vừa. Ba hôm sau, ở Trạch Các, quan Tham tụng Nguyễn Hoãn cung lục lệnh chỉ rằng: Ta nghe rằng: Nhà có đích tử, nước có trừ quân. Cha có con hiền là phúc cho nhà, nước có trừ quân hiền là phúc cho nước. Nay trưởng tử Tông ta xét tính khí hung hãn, vậy hãy tạm để hư vị thế tử mà khiến Tông ra ở nhà A bảo Hân quận công Nguyễn Phương Đình. Đợi sau đây y sửa lại tính nết, khi đó dựng cũng còn vừa. Chỉ ấy truyền ra, các quan đều im thin thít, không ai dám nói gì. Ngự sử đài Đô ngự sử là Nguyễn Thưởng nói: - Không được! Ý chúa muốn hư vị thế tử để đợi cho Đặng Thị có con. Tôi là Đài quan phải nói. Thế rồi Nguyễn Thưởng dâng khải lên. Kết quả: Nguyễn Thường bị giáng ra làm Nghệ An Hiệp thống. Từ đó không ai đám nói nữa. o0o Hoãn được việc dựng Tông làm thế tử, nàng ngày đêm mong mình có thai. Thôi thì chùa nào nàng cũng đi lễ, bọn sư thày chùa ra vào vương phủ như chợ. Quan Bồi tụng Quốc sư là Nguyễn Hoãn cố hết sức tìm thày chạy thuốc cho nàng chóng có thai. Nguyễn Hoãn tuy là người khoa bảng xuất thân, văn hay chữ tốt, nhưng tính nết tròn trặn quá. Ông chỉ đáng chê ở cái chỗ tính tròn trặn quá ấy mà thôi. Vì tròn trặn, nên ông chỉ cầu "duyệt lòng người", mặc lòng cái cách "duyệt lòng người" nhiều khi có thương tổn đến cái phẩm giá nhà nho của ông. Cái tính thích "duyệt lòng người" khiến ông thờ nhà Trịnh rồi lại ra đón chúa Tây Sơn, rồi lại theo Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi lại theo Võ Văn Nhậm, rồi kết cục theo nhà Tây Sơn. Ông thọ hơn tám mươi tuổi, theo đủ hạng người, qua bao nhiêu biến cố mà không hề gì. Nhiều khi cần nghỉ để giữ sạch tâm thuật, ông không nghỉ. Nhiều khi cần dại để giữ thanh giá cho địa vị ông, ông vẫn cứ khôn. Nhiều khi cần tìm chỗ nguy, để không phụ những người đã yêu trọng, ông vẫn tìm chỗ an. Thế mà ông vẫn tự dối mình mà tự phụ rằng theo đúng thánh học ở chỗ "nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư" (nước nguy không tới, nước loạn không ở) và ở chỗ: "bang vô đạo, miễn ư hình lục" (lúc nước nhà vô đạo thì phải thoát việc bị giết bị tội). Nhưng ông chỉ dối được ông chứ không dối nổi người đồng thời với ông. Người ta đã tặng ông cái huý hiệu nó chỉ rõ rệt cái hành trạng sớm Sở tối Tần quí hoá của ông: Trường Lạc Lão. Trường Lạc Lão là "Ông già vui dài đến chết". Người ta lo lắng, sầu khổ, bi thương, riêng ông vẫn vui. Nước nhà biến cố loạn ly, ông vẫn an tĩnh vui vầy. Thiên hạ cho ông cái hiệu Trường Lạc Lão là muốn vạch vào mặt ông một vết vô sỉ như anh chàng Phùng Đạo hồi Ngũ Đại, thờ bốn họ mười ba vua. Bốn lần đổi chủ, làm tôi mọi đến mười ba ông vua, chàng họ Phùng còn tưởng mình là hay, tự ban cho mình cái hiệu Trường Lạc. Khi chúa Tĩnh Đô làm thế tử, chúa Minh Đô cho ông làm A bảo. Kịp khi chúa Tĩnh Đô lên ngôi chúa, ông được phong là Quốc sư. Trung Thành với chúa Tĩnh Đô, đó là nhiệm vụ của ông, không ai dám hé răng nói gì. Nhưng trung thành đến nịnh hót cả các ái phi của chúa, ông thật đã ra ngoài cái địa vị sư phó đại thần. Kể tuổi, ông có thể đẻ ra chúa; kể địa vị, ông là Quốc sư thì cứ ngồi yên ở địa vị cùng niên xỉ ấy, chúa cũng không dám bạc đãi nào. Nhưng muốn "'duyệt lòng" hết sức, ông đi lấn cả vào địa vị bọn nội thần là lũ hoạn quan. Ở Bội Lan Thất - chỗ ở riêng của nàng Đặng Thị Huệ - người ta thường thấy ông mang bộ râu bạc luồn cúi vào ra. o0o - Thế nào, tiên sinh? Tôi uống thuốc của Hải Thượng Lãn Ông cũng chưa thấy gì cả? Cúi đầu, Quốc sư nói: - Thần có một người bạn, thuốc cũng khá. Ông ta lại chuyên khoa phụ nữ. Lệnh bà cho phép, tôi xin gọi vào hầu mạch. - Ai thế? sao tiên sinh không nói trước. - Gởi[34] là một viên Huấn đạo hiện làm ở huyện Nam Trân. Ông ta có một phương thuốc, gọi là Tuỵ tiên cao, uống vào thì hoài thai ngay. - Ừ thế mai ta sẽ cho triệu về xem sao. Thôi! tiên sinh về nghỉ. Rạp đầu, ông lui gót. Ra cửa, bọn đồng liêu[35] trông thấy nói bỡn: - Quốc sư thật trung trinh với chúa thượng. Dạy dỗ cho biết chữ lại chăm nom cả đến việc kín trong phòng khuê! Ông cười xoà rồi lên kiệu. Kiệu đi khỏi, họ tủm tỉm bảo nhau: - Ngũ Kinh tảo địa rồi[36]. Thế rồi, nửa tháng sau, bạn Quốc sư là Lê Bá Thực cũng được vào Bội Lan Thất làm cái trò "tảo địa" ấy. Rồi, một hai tháng sau, vương phi Đặng Thị Huệ hoài thai, Lê Bá Thực được thăng Tiến Triều, Quốc sư được thưởng ba chục nén bạc. Người khách Chu Nghĩa Long, buôn thuốc bắc ngoài phố, chỉ vì cắt thuốc dưỡng thai, cũng được phong hầu. Chú thích [32]. Năm ấy, chúa Tĩnh Đô mới lên ngôi, bị em là Trịnh Lệ (Thụy quận công) mưu giết. [33]. Trịnh Cối, anh Trịnh Tùng. Các chúa Trịnh sau này đều là con cháu Trịnh Tùng. [34]. Tức là tiếng "bẩm" hoặc tiếng "thưa". [35]. Cùng làm việc tại triều. [36]. Đời thường, Khâm Minh học Ngũ Kinh thông lắm, làm quan đến Thượng thư. Một hôm, vua cùng quần thần uống rượu, Khâm Minh muốn hiến nịnh và mua vui, nói rằng biết múa bộ "Bát phong vũ". Rồi y đứng dậy múa. Vì y béo, nên bụng lê quệt đất. Thức giả cười nói rằng "Cái bụng chứa Ngũ Kinh ấy bây giờ quét đất".
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang