[Việt Nam] Bà Chúa Chè

Chương 3 : Dâng hoa

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 11:02 29-08-2018

Bốn năm sau. Chúa Minh Đô mất. Thế tử lên thay, hiệu là Tĩnh Đô Vương. Theo lệ thì con chúa phải có A bảo để dạy học. Chúa cho Hân Quận công làm A bảo. Ngôi nguyên phi vẫn để khuyết, vì chưa biết dựng ai. Muốn dựng Ngọc Khoan thì nàng lại chưa có con mà Ngọc Hoan thì không muốn dựng. Một năm sau nữa, Ngọc Hoan được dựng là tu dung[24] Dựng Ngọc Hoan làm tu dung, chẳng phải Trịnh Vương có yêu gì nàng mà chỉ là theo lệ có con thì phải dựng mẹ mà thôi, chỉ là theo ý bà Nguyễn Thái Phi. Song Ngọc Hoan được cái danh hờ là tu dung chứ không được Trịnh Vương đoái tới. Lúc chưa được dựng làm tu dung, Ngọc Hoan còn có thể vịn vào sự bất minh ấy mà nằn nì thái phi được, chứ từ khi đã được dựng rồi thì còn cái an ủi cuối cùng là làm nũng thái phi, nàng cũng mất nốt. Ngọc Khoan thì càng ngày càng được sủng ái. Trong cung, nàng không coi ai ra gì cả. Cho cả đến Ngọc Hoan là người dìu dắt nàng vào tới cung, nàng cũng chẳng chút nể vì. Như thế được sáu năm. o0o Trong nội phủ chúa Trịnh, về đời chúa Tĩnh Đô Vương Sâm, những vườn hoa chăm nom rất kỹ lưỡng, vì chúa thích chơi hoa. Mỗi buổi sáng, một người thị nữ phải dâng lên một lẵng hoa. Hoa dâng lên phải theo đúng tiết. Cứ mười lăm ngày, qua một tiết, là phải đổi thức hoa. Chúa muốn theo như 24 tiết hoa của Tàu. Sách Tàu chép rằng mỗi một năm, từ tiết tiểu hàn đến tiết cốc vũ, gồm tám tiết, mỗi tiết chia ra làm ba thì hầu, mỗi thì hầu năm hôm. Mỗi thì hầu có một trận gió riêng, mỗi trận gió ăn vào một thứ hoa. Cứ gió ấy thổi đến thì hoa ấy nở, dường như gió thủ tín cùng hoa tới để mở đài hoa ra. Gió ấy gọi là hoa tín phong. Tám tiết, 24 thì hầu và 24 ngọn hoa tín phong cùng 24 thứ hoa hứng gió mà nở, theo sách kê ra như sau đây: Tiểu Hàn: Nhất hầu: Mai Nhị hầu: Sơn Trà Tam hầu: Thuỷ Tiên. Đại Hàn: Nhất hầu: Thuỵ Hương Nhị hầu: Lan Tam hầu: Sơn Phàn Lập Xuân: Nhất hầu: Nghênh Xuân Nhị hầu: Anh Đào (roi) Tam hầu: Vọng Xuân Vũ Thuỷ: Nhất hầu: Thái Nhị hầu: Hạnh Tam hầu: Lý (mận) Kinh chập: Nhất hầu: Đào Nhị hầu: Đường Lệ Tam hầu: Tường vi (hồng) Xuân phân: Nhất hầu: Hải Đường Nhị hầu: Lê Tam hầu: Mộc Lan Thanh Minh: Nhất hầu: Đồng Nhị hầu: Mạch Tam hầu: Liễu Cốc Vũ: Nhất hầu: Mẫu đơn Nhị hầu: Đồ li Tam hầu: Luyện. Những thứ hoa ấy, một là ở xứ ta không có, hai là dù có cũng không thủ tín được với thì hầu, thành ra mỗi năm, vì cố hết sức uốn hoa nở theo tiết, cố ghép hoa vào cho đủ tiết, bọn cung nhân trồng đủ trăm thức hoa rồi ép mỗi hoa vào một tiết. Hoa nở trong thâm cung, coi vậy cũng bị kiềm chế như người đẹp trong cung. o0o Ngắm người thiếu nữ hái hoa ngoài vườn, bà Tiệp dư Trần Thị Lộc tựa lan can nghĩ ngợi lan man: "Người đẹp nhường kia thì mình đây cùng bạn má hồng cũng phải mê, nói chi đến đàn ông, nói chi đến vì quân trưởng mê sắc đẹp như vương thượng. . . Nhưng làm sao cho cái sắc đẹp khuynh thành này lọt được vào mắt ông chúa đĩ tính kia?" Bà mang người thiếu nữ ấy vào trong vương phủ đã hơn năm nay mà chưa có dịp nào đem cái sắc đẹp khuynh thành ấy để lọt dưới mắt chúa Trịnh. Bà cũng tính cái mưu như Ngọc Hoan: đem sắc đẹp chữa bệnh mê sắc đẹp của nhà chúa. Trong vương phủ bấy giờ, kể ngôi thứ trong nội phủ có ba người: nguyên phi Dương Ngọc Hoan, Tiệp dư Trần Thị Lộc và tân Trương Ngọc Khoan. Ba người ở ba nhà riêng, người nào cũng có cung nữ hầu cả. Cứ sắp đến một tiết dâng hoa thì viên Nội giám rút thăm lấy một thẻ. Rút đúng thẻ người nào thì cung nữ nhà người ấy dâng hoa. Tiết dâng hoa đầu năm Nhâm Thìn thăm gắp đã vào cung nguyên phi họ Dương rồi; tiết dâng hoa năm ngoái năm Quý Tỵ lại về phần cung bà tân Ngọc Khoan. Năm nay, sao thăm gắp lại về Ngọc Khoan năm nữa. Hơn một năm nay, bà đợi dịp mà lại qua mất. Công vun xới vườn hoa trong mấy năm, thế là uổng cả. Chán nản, bà gọi người thị nữ hái hoa vào, bảo một giọng giằn dỗi: - Thôi! Con mang hoa ra vứt ngoài vườn. Người thị nữ nói: - Công vun xới hàng năm để hưởng một buổi sáng, can chi lệnh bà lại truyền bỏ đi. - Ta vun hoa vì chúa thượng. Hoa không được lượng trên thưởng thức thì vứt đi chứ để làm gì! Thị Huệ - tên người thị nữ, hẳn độc giả cũng thừa biết rồi, âu là gọi ngay tên ra - biết thừa cái ý của bà tiệp dư rồi, nhưng cố làm ra vô tình không biết. Không những nàng biết rằng hoa trồng trong vườn là để dâng lên nhà chúa mà nàng lại biết rõ cả rằng chính thân nàng cũng là cái mồi bà tiệp dư dùng để dâng nữa. Bà tiệp dư cũng có ý giấu nàng đoạn dưới đó, vì bà muốn rồi đây nếu Thị Huệ được ơn trên thương đến thì cũng là một sự ngẫu nhiên tình cờ chứ không phải ở như bà dụng tâm. Làm như thế để Thị Huệ không tủi thân rằng vì mình nghèo mà bị người ta đem ra làm cái mồi câu đế bá. Bà nghĩ rằng nỗi tủi ấy có thể biến thành nỗi oán hờn được. Nỗi oán hờn ấy sẽ chẳng hay cho bà, nếu sau đây Đặng Thị Huệ được nhà chúa thương yêu. Tâm cơ ấy giấu ai chứ giấu sao nổi người thông minh như nàng Đặng Thị Huệ. Nàng biết rõ cả, nhưng khéo giấu tâm tích, nàng vẫn giả dạng như ngơ ngẩn thật thà. Nàng thừa rõ rằng hiện bấy giờ ở trong cung chúa: Bà nguyên phi Dương Ngọc Hoan bị bỏ lửng đã ngoại mười năm, tuy rằng đã được dựng làm nguyên phi, tuy rằng con là Tông đã mười hai tuổi; nhưng ngôi nguyên phi cũng chẳng chắc chắn gì mà ngôi thế tử cũng khó lòng về được Tông. Bà tiệp dư Trần Thị Lộc bị bỏ lửng cũng đến mười một năm, và, tuy rằng tuổi đã ngoại tam tuần nhưng vẫn còn hi vọng câu lại tấm lòng luyến ái đấng quân vương. Bà tân Ngọc Khoan hiện giờ tuy được nhà chúa thương yêu, nhưng nghe chừng nỗi thương yêu ấy cũng có phần phai lạt rồi. Sở dĩ Ngọc Khoan chưa bị bỏ lửng, cũng chỉ vì chưa có cái nhan sắc nào hơn thế vào đó mà thôi. Nàng biết rõ thế lắm và cũng hi vọng một ngày kia sẽ dùng cái nhan sắc tuổi mười tám đương dậy thì của nàng để đánh đổ lòng vị chúa háo sắc kia. Bởi vậy việc cung nữ bà tiệp dư không được dâng hoa cũng làm cho nàng buồn như bà tiệp dư, mà nỗi buồn của nàng lại hơn nữa, vì từ ngày trái ý cha mà vào cung, nàng cũng đã rắp tâm đem mình, tài mình, sắc mình, thấu đến người "quyền khuynh thiên hạ"[25]. Cái hi vọng "đảo hành nghịch thị" của nàng nếu cứ thế này mãi thì bao giờ mới thành tựu? o0o Tháng tư năm ấy[26] Nơi hậu đường, chúa Tĩnh Đô Vương đương xem bản khải của quan Trấn thủ Nghệ An là Đoàn Quận công Bùi Thế Đạt, nói về những việc biến loạn trong Nam của chúa Nguyễn và trình bày những lẽ nên thừa cơ đánh úp lấy đất Thuận Hoá. Tĩnh Đô Vương cầm bản khải nhấc lên đặt xuống mấy lần, ý vẫn trù trừ chưa quyết. Đứng hầu cạnh sập bấy giờ chỉ có Khê Trung hầu và một tên tiểu hoàng môn[27]. Khê Trung hầu thấy Tĩnh Đô Vương băn khoăn, liền đánh bạo nói: - Việc trong Thuận, Quảng, trưởng công chúa[28] chắc biết rõ. Xin chúa thượng cho hỏi công chúa xem. Giữa lúc ấy, nhìn xuống hè, thấy có người con gái nhấp nhô dòm lên, Khê Trung hầu lên tiếng: - Ai đứng dưới thềm đó? Người con gái thưa lên: - Con là thị nữ cung bà tiệp dư họ Trần. Tiệp dư sai con đưa thiếp đến trình chúa thượng. Sự đường đột quá ấy khiến trên từ chúa Tĩnh Đô, dưới đến tên tiểu hoàng môn đều trố mắt ra mà kinh ngạc. Chỗ này, giờ này cho dẫu đến phi tần được sùng ái hết sức cũng không dám đến, nói chi đến một đứa thị tỳ mà lại đứa thị tỳ một bà tân bị bỏ xó hơn mười năm! Khê Trung hầu, trong bụng cầm chắc sẽ có một trận lôi đình theo sau, còn đương nhìn trộm chúa Trịnh để dò xem tình ý thì người thị nữ đã tiến lên thềm. Thấy người thị nữ liều lĩnh quá, Khê Trung hầu phải vội ra cầm lấy cái thiếp để trên lẵng hoa đưa vào trình. Chúa Tĩnh Đô cầm lấy thiếp, giở ra xem. Thiếp rằng: Hôm nay ngày lập hạ. Tiết cốc vũ qua đã hơn mười hôm, tín phong hoa hầu đã qua lâu rồi Thần thiếp trồng được thứ huệ ngũ sắc, mạo muội tiến lên ngự lãm Chúa Tĩnh Đô đọc xong thiếp, ngẩng lên nhìn thì rõ ràng trong lẵng hoa có năm giò huệ năm sắc: xanh, vàng, đỏ, tím, trắng. Luôn trong khoảnh khắc, chúa bị kinh ngạc mấy lần liên tiếp: kinh ngạc về sự đường đột của người thị nữ mà cách cử chỉ đã trái hẳn với thói quen trong cung; kinh ngạc về năm sắc hoa của người thị nữ, trái với lẽ thường của tạo vật; và kinh ngạc về sắc đẹp của người mang hoa, một trang thiếu nữ đã làm tăng sự khôn khéo của tạo vật. Nhìn hết năm giỏ hoa lạ trên lẵng, chúa lại nhìn đến đoá hoa sống kia, rồi như dại, như ngây, ngài ngồi im không nói gì cả. Một vị vua chúa đương ngồi xem khải tấu là một ông thần đương ngồi trên bàn thờ, là một đức phật đương ngồi trên toà sen. Giữa lúc ấy mà ai phạm tới thì tức khắc uy sấm sét phải tiếp theo để giữ địa vị cho tôn nghiêm. Dù tự vị thần ấy xét là người bị uy sấm sét có vô tình mà mắc oan đi nữa, thì uy sấm sét cũng vẫn phải cho ra để giữ nghiêm ngôi "bảo tộ"[29]. Lúc đó, vị Đại nguyên suý, Tổng quốc chính, Thượng sư, Thượng phụ, Duệ Đoán Văn Công Võ Đức Tĩnh Vương thì muốn ra uy sấm sét để lập nghiêm, nhưng con người háo sắc là Trịnh Sâm thì lại mải mê nhìn cái sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước kia mà quên mất địa vị ngồi trùm trăm họ của mình. Lúc đó, từ địa vị ngồi trên ngai cao, chúa trông xuống địa vị anh chàng thiếu niên đa tình, thấy mình rùng rợn như muốn ngã. Người trượt ngã, trước khi ngã cũng còn cố giơ tay gượng lái mình một lần trót. Trước khi sa ngã hẳn, chúa Tĩnh Đô chỉ còn đủ sức giơ tay vẫy hắt Khê Trung hầu và tên tiểu hoàng môn một cái. Đã quen sự hắt tay ấy nghĩa là gì, hai người lùi xuống dưới thềm rồi lủi mất. Có sa ngã thì một vị chúa cũng phải sa ngã khuất mắt mọi người. Mọi người vắng cả, Tĩnh Đô Vương mới truyền người thị nữ: - Con trồng hoa này hay mua ở đâu? - Bẩm, lệnh bà thần thiếp khiến trồng. - Con kiếm giống hoa này ở đâu? - Bẩm, cũng là giống huệ trắng thường, nhưng bón một thứ màu riêng. - Được, con cắm vào cái lọ sứ Giang Tây ở góc phòng kia. Giá lúc khác, giá là người khác dâng hoa, thì ít ra chúa Tĩnh Đô cũng hỏi kỹ lưỡng về những màu hoa dị thường đó, nhưng vì chúa để ý đến đoá hoa biết nói kia hơn, nên cũng chẳng buồn hỏi nữa mà truyền cắm hoa ra một xó nhà. - Con cầm cái dùi, đánh vào cái khánh đồng này, gọi một tên tiểu hoàng môn ra ta bảo. Khoan thai, Đặng Thị Huệ đánh một tiếng khánh. Một tên tiểu hoàng môn chạy lên thềm, chắp tay cúi đầu chờ lệnh: - Cầm đôi bạch lạp ra đây rồi gọi Khê Trung hầu ta bảo. Cầm đôi bạch lạp để trên sập xong, tên tiểu hoàng môn lùi xuống thềm. Một lúc, Khê Trung hầu lên. - Thôi hôm nay cho nghỉ, không phải túc trực nữa. Mọi người lui rồi. Tĩnh Đô Vương hỏi Thị Huệ: - Con có biết chữ không? - Bẩm có. - Vậy kéo cái ghế ngồi cạnh sập đây, cầm những bản khải ở chồng này đọc ta nghe. Đọc xong vài bản khải thì trời đã sang canh hai. . . o0o Ở Lộc Phong Điếm[30], bà tiệp dư họ Trần chờ đến canh hai không thấy Đặng Thị Huệ về, biết là nàng đã được ơn trên ban xuống. Bà gọi một người thị nữ ra hỏi: - Hồi cuối canh một, con dò la thấy gì? Trình lệnh bà, thấy Thị Huệ đương ngồi, thị đọc hầu chúa thượng. - À mà con ấy nó mưu mẹo giỏi đấy. Nói đến đấy, bà cười, vui rằng đã kiếm được người hất cẳng Ngọc Khoan. Nhưng cười xong, bà lại hơi rầu rầu mặt lo. Lo rằng rồi đây Thị Huệ xử với bà cũng như Ngọc Khoan đã xử với nguyên phi Dương Ngọc Hoan. Đọc tới đây, có lẽ độc giả muốn biết hoa huệ màu vì đâu mà có. Số là, sau cùng bà tiệp dư phải nói ý định của bà cho Thị Huệ rõ. Nàng cười mà nói: - Lệnh bà quá yêu con mà nghĩ thế, chứ con đâu đã có cái nhan sắc xiêu lòng chúa thượng. Và, con vì túng đói phải tạm náu mình nơi này, chứ dám đâu nghĩ tới những chuyện cao xa quá thế. - Không nữa thì con cũng nên vì ta mà nghĩ cách nào cho hoa vườn ta trồng khỏi uổng công vun xới. - Trình lệnh bà: Nay tiết dâng hoa đã hết. Nếu muốn cứ dâng thì trừ phi kiếm được thứ hoa gì không ai có được. Con có cách khiến cho hoa huệ trắng bắt được đủ các sắc. Rồi lấy cớ là hiến hoa khác thường, lệnh bà cứ cho con đem dâng. Mùa này là mùa huệ, lệnh bà cho con thử ngay. Thế rồi lấy bốn giỏ huệ để cả củ, nàng cắm vào bốn bình nước phẩm. Một vài giờ sau quả nhiên hoa hút nước phẩm lên mà biến sắc. Nàng giục bà tiệp dư viết thiếp dâng hoa. Bà sợ hãi nói: - Tuy vậy, tự nhiên đường đột, ta cũng sợ lắm. Chúa Thượng là người nghiêm khắc, rủi ra phạm đến mà ngài lôi đình thì chết cả lũ chứ chẳng phải chuyện vừa. Thị Huệ cười: - Không lẽ giết người vì tội dâng hoa. Lệnh bà cứ nghe con. Con sẽ tuỳ cơ ứng biến. o0o Sáng hôm sau. Chúa Tĩnh Đô ngự uống nước sớm ở mái tây hậu đường, có Khê Trung hầu và thị nữ Đặng Thị Huệ đứng hầu. Chúa tự pha lấy nước uống. Pha lấy nước uống đó là một cái thú riêng của người sành uống nước chè Tàu, của người thường vẫn tự gọi mình là "trà nô". Những người ấy, dù làm to đến đâu; dù có bao nhiêu kẻ hầu người hạ, cũng không khiến ai pha chè và chuyên chè cho mình uống cả. Bộ đồ chè của những người ấy cũng hơi phiền phức và lôi thôi. Ấm để đun nước sôi, họ không dùng cái to mà chỉ dùng những cái siêu đồng nhỏ, đủ để pha bốn chén chè con con. Siêu này nước sôi đem pha thì siêu khác đã đặt sẵn ở lò. Pha siêu này vừa hết thì nước siêu khác cũng vừa sôi trên cái hoả lò con, đun bằng than tàu. Ấm để chuyên nước làm bằng đất nung màu nâu thắm như gan, gọi là da chu. Có hạng độc ẩm để uống một mình, có hạng đối ẩm để uống hai ba người, có hạng quần ẩm để uống từ bốn người đến năm người là cùng. Hạng to nữa, gọi là ngưu ẩm (trâu uống), dùng khi nào người thưởng nước có từ sáu người trở lên. Một người tự gọi mình là trà nô thì ít khi chịu uống cùng ba người trở lên. Rượu uống ba người, chè uống hai người (tửu tam trà nhị) đó mới là lúc thưởng hết hương vị, nhã vị cùng thi vị của thú thưởng trà. Ấm chuyên chè lại phải là ấm thuộc, nghĩa là ấm chuyên đã lâu mới ngon, ấm thuộc, từng trong cao chè bám vào một lần gồ ghề ram ráp. Chè trong ấm thoạt tiên rót ra một cái chén to, gọi là chén tống, rồi mới đem chuyên ở chén tống sang những cái chén con, gọi là chén quân (đủ bộ bốn chiếc, nhưng lúc độc ẩm hoặc đối ẩm thì chỉ dùng có hai). Bốn chén quân để trên một cái đĩa giầm, ấm chuyên và chén tống cũng để trên một cái đĩa giầm. Chén đĩa làm bằng sứ và có nhiều kiểu khác nhau, tuỳ theo men sứ và nét vẽ. Có bộ "đối tọa" vẽ hai người ngồi nhìn dòng nước chảy; có bộ "vị thuỷ", vẽ ông Tề Thái Công câu ở bến Vị; có bộ "Tô Vũ mục dương", vẽ ông Tô Vũ chăn dê. Đẹp và quí giá hơn hết là bộ "Thiên tử" men trắng toát, không vẽ gì cả; khi rót nước vào thì màu biến hồng nhạt. Chúa Tĩnh Đô dùng bộ chén "Thiên tử", nó vừa đẹp vừa quí lại vừa nịnh cái ý thích của ngài: làm đấng thiên tử thay vua Lê. Bộ ấm chén " thiên tử" ấy để trên một cái khay gỗ sưa[31] chân quì. Chè uống thì dùng thứ chè bạch mao hầu thượng hạng, thửa từ xưởng làm chè ở núi Vũ Di bên Tàu. Mỗi buổi nước, ngài dùng chừng bốn năm ấm. Lúc đó, chè đã chuyên đến ấm thứ tư. Ngài pha bốn chén, cầm đưa ban cho Khê Trung hầu một chén. Tay giơ chén chè ra miệng cười nói: - Việc trong Nam, đáng để ý nhất là anh em Nhạc, Huệ ở Tây Sơn. Ta nghe nói rằng Huệ là tay kiệt hiệt nhất. Ta vừa có triệu được Huệ, nay mai tất y vào tay ta. Khê Trung hầu cúi rạp đỡ chén nước, uống xong rồi nói: - Nhờ hồng phúc tiên vương, chúa thượng chuyến này tất được thêm người thêm đất. Chúa Tĩnh Đô lại cầm chén chè nữa ban cho Thị Huệ: - Thưởng cho giai nhân ở phương Bắc đã mang tới cho ta cái tường triệu ở phương Nam. Nàng rón rén đến nhận chén chè. Giữa lúc đó, một tên Thái giám vào bẩm: - Lão Tướng Việp Quận công và quan Hành Tham tụng Nguyễn Nghiễm vào chầu, hiện túc trực ở Tiểu Bút Điểm, cúi xin chúa thượng tài định. Chúa thung dung nói bằng một giọng dõng dạc và nghiêm trang: - Truyền hai người tới Nghị Sự Đường túc trực. Lấy kiệu, ta ra Nghị Sự Đường. Nếu ai được nhìn nét mặt và nghe giọng nói của ngài từ lúc ban chè đến lúc ban câu dõng dạc nghiêm trang này, thì sẽ có cái cảm giác như trông một ngọn đèn đương lù mù lụt bấc, được ai khêu, ngọn sáng bật hẳn lên. Ở một chỗ, trong khoảng nửa ngày, Khê Trung hầu đã được trông một vị chúa tể ngã từ cái địa vị chúa tể xuống cái địa vị anh si tình cợt nhả rồi vọt một cái lại nhảy phắt lên cái địa vị một người ngồi trùm trăm họ, cầm then máy cho thiên hạ. Kiệu đỗ ở dưới hè. Chúa chỉnh đốn áo khăn, ung dung đường hoàng lên kiệu. o0o Ở Nghị Sự Đường. Trên chiếc sập thành chạm hồi văn, sơn son thếp vàng, chúa uy nghi ngồi giữa. Hai chiếc ghế bành kê trước sập, một chiếc Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc ngồi, một chiếc quan Hành Tham tụng Nguyễn Nghiễm ngồi. Chúa nói: - Trong Nam, ở Phú Xuân thì loạn thần Trương Phúc Loan làm sự phế lập, lòng người chia tan; ở phía Nam thì anh em Tây Sơn quấy rối; cơ nghiệp họ Nguyễn đến hồi mạt vận. Đó là trời cho ta lấy Phú Xuân. Mạnh Tử rằng: "Trời cho mà không lấy, phản lại sau chịu hoạ". Ý ta đã quyết. Hoàng Ngũ Phúc: - Tuy vậy, chúa Nguyễn có sông Gianh làm hào, luỹ Trường Dục làm thành, cũng khó đánh cho nhanh được. Mà thế ta là phải đánh nhanh khiến cho kẻ kia không kịp đỡ. Ngạn ngữ nói rằng: Sét đánh nhanh không kịp che tai, là nghĩa thế. Vì thế, thần hơi ngại. Chúa cười: - Ta mở Thượng Đạo theo lối Qui Hợp, Trần Ma Than cho quân đi đánh về phía Tây, theo lối Thiên Nhận Sơn và dùng thượng lưu Linh Giang thì sợ gì sông Gianh cùng luỹ Trường Dục? - Lão thần rõ lắm. Thượng Đạo là nơi đức Lê Thái Tổ khởi nghĩa rồi được thiên hạ. Thượng Đạo đã lâu không dùng đến, bây giờ nếu dùng cũng hơi phiền. . . - Khanh định nói rằng Thượng Đạo lấp rồi à? Lấp thì mở ra. - Thần biết rõ lắm. Mở Thượng Đạo hoặc bạt luỹ Trường Dục, hai việc ấy cũng dễ. Chỉ e một điều. . . Tới đó, Việp Quận ngập ngừng không muốn nói nốt. Chúa Tĩnh Đô hỏi tiếp: - Chỉ e gì ? Khanh e gì ? Việp quận lúc đó mới nói giằn từng tiếng, giọng nghiêm mà buồn: - Mình mở lối vào, thì tức là mở lối cho người ta ra. Thần chỉ e một ngày kia, họ lại do lối ấy mà ra. . . Việp Quận ngập ngừng một lúc rồi vừa đứng đậy vừa nói tiếp: - Thần thì già rồi, không chắc còn tới ngày ấy mà đền ơn chúa thượng không? Hai người đều đứng dậy, xin cáo lui. Việp quận nói: - Ý chúa thượng đã quyết, đạo làm tôi phải theo. Thần còn ngày nào thì giặc Nam chưa đáng lo ngày ấy. Chúa Trịnh đứng dậy tiễn. Đến bực hè, chúa cầm tay Việp Quận: - Khanh vào chuyến này nên thận trọng. Tới Nghệ An hãy đóng quân tại đó, ta thu xếp xong công việc rồi cũng cử đại quân vào sau. Tới Nghệ, hãy cho người đưa thư và tin vào Nam, nói rõ cái ý cất quân của mình, chờ xem Tây Sơn với chúa Nguyễn ra sao, rồi sẽ liệu sau. Đừng vô cớ gây biên hấn. Chú thích [24]. Chức vị đàn bà trong nội đình: dưới phi, trên tiệp dư. [25]. Câu sấm về nhà Trịnh: "không vương, không bá, mà uy quyền nghiêng thiên hạ". [26]. Năm Cảnh Hưng 35, lịch tây năm 1774. [27]. Lính hầu trong phủ chúa. [28]. Trưởng công chúa là con gái Tĩnh Đô Vương, vợ Bùi Thế Toại (con trai Bùi Thế Đạt). [29]. Ngôi báu, ngôi vua chúa. [30]. Chỗ ỗ của bà Tiệp dư Trần Thị Lộc. [31]. Một thứ gỗ vân rất đẹp
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang