[Việt Nam] Bà Chúa Chè

Chương 2 : Những cơn giông tố trong nội cung

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 11:02 29-08-2018

Theo cố sự [11], con trai trưởng Trịnh Vương khi tới mười hai tuổi thì dựng làm Đông Cung và cho xuất các [12]. Tới năm mười tám tuổi thì cho ra ở riêng phủ và dự coi vào việc triều chính. Năm Cảnh Hưng thứ mười bốn, Trịnh Minh Đô Vương phong cho con trưởng là Trịnh Sâm làm thế tử và khiến quan Tham tụng Nguyễn Công Thể làm A Bảo. Tới tháng mười, năm Cảnh Hưng mười chín, Minh Đô Vương lại cho thế tử làm Tiết Chế thuỷ bộ chư quân, hàm Thái Uý, tước Tĩnh Quốc Công và cho Nguyễn Hoãn làm A Bảo. Thế tử được phong rồi bèn ở riêng phủ, dự coi vào việc triều chính. Phủ thế tử, gọi là Lượng Quốc phủ. Tĩnh Quốc Công năm ấy mới mười bảy tuổi. Cho tới năm hai mươi tuổi, ngài vẫn chưa định ngôi phu nhân, nghĩa là, theo lễ nghi, ngài vẫn chưa có vợ, tuy rằng trong nội phủ đã có đến ba người đàn bà đã từng được luôn luôn chăn gối và cũng đã từng bị bỏ gối lạnh chăn đơn. Ngoài ba người đàn bà nối nhau mà được thắm bị phai ấy, còn một đoàn thị nữ để dâng hoa rót nước, cầm đèn và. . . một đôi khi tạm cùng ngài chung bóng chung hơi. Ba người đàn bà, theo thứ tự vào cung là nàng Dương Ngọc Hoan, nàng Trương Ngọc Khoan và nàng Trần Thị Lộc. Ngọc Hoan tiến vào Lượng Quốc phủ năm Cảnh Hưng thứ hai mươi, nghĩa là một năm sau khi thế tử được mở phủ đệ riêng. Năm ấy nàng mười sáu và thế tử mười tám. Cuộc ái ân nồng nàn được hơn ba năm. Rồi đến năm thứ tư, lại một người khác chiếm mất nỗi sủng ái của thế tử đối với nàng. Người thứ hai này là Trần Thị Lộc. Hôm mười ba tháng giêng năm Nhâm Ngọ, nàng còn nhớ rõ lắm. o0o Đêm hôm ấy nàng trằn trọc mãi không ngủ được. Một mình trong phòng, nàng hết đứng lại ngồi. Quái lạ, đêm hôm nay sao nàng thấy ruột nóng như lửa. Không phải vì nàng không được gọi lên hầu đấng quân vương mà nàng bối rối. Nhiều lần, nhiều lần lắm, nàng đã giữ phòng không, nhưng nàng cũng vẫn như thường. Nàng còn muốn giữ vị phu nhân thì có lẽ nào lại quá nặng tình chăn gối mà làm vướng vít thế tử là người nhất nhật vạn cơ[13]? Phu nhân một vị thế tử bây giờ, vương phi một vị chúa tể thần dân, có đâu lại phải vì những nỗi nay chờ mai đợi mà động tâm? Mọi lần thì nàng coi sự không được gọi là thường, vì nàng cầm chắc thế tử đêm ấy bận việc gì trong cái then máy quốc gia mà quên tình nhi nữ. Lần này, dường như có một cái gì thần linh báo cho nàng rằng sắp có việc chẳng lành xảy ra. Hình như có tiếng gì bảo nàng rằng: cuộc đi quan phong[14] chuyến này của thế tử thế nào cũng khơi mào một chuyện gì không hay cho nàng. Rồi tự nhiên nàng băn khoăn bực dọc, nóng lòng sốt ruột. Lắm lúc nàng cũng tự lấy mình làm buồn cười, bỗng chốc không dưng mua lấy lo sợ hão. Có khi nàng muốn gạt bỏ ý ấy đi mình lại hỏi mình: lấy gì làm trưng triệu, lấy gì làm cớ cho nỗi lo sợ không đâu ấy? Nàng tự hỏi thế rồi nàng cũng không trả lời được, vì thật ra cũng không có cớ gì. Thật là chuyện vu vơ. Tự an ủi rằng chuyện không đâu, nàng tắt cây bạch lạp rồi vào giường nằm. Hồ nằm xuống, lại hình như có tiếng từ đâu đưa lại: Đêm nay, bắt đầu từ đêm nay, mày sẽ khổ, mày sẽ bị vứt bỏ. Ngồi nhổm dậy, nàng gọi con nữ tỳ bật bùi nhùi châm lại cây bạch lạp. Rồi nàng hỏi nó: - Con có nghe nói thượng công đi đâu không? Đứa nữ tỳ ngơ ngác: - Lệnh bà sảng hay sao thế? Sáng nay lệnh bà vừa nói rằng thượng công sang bên Kinh Bắc đi quan phong mà! Nàng chợt tỉnh ra. Thì ra trằn trọc với chuyện không đâu mãi, nàng đâm sảng thật. Vắt tay lên trán, nàng nghĩ lại những điều nàng đã qua từ sáng hôm nay. Nàng chợt tỉnh ra rằng sáng nay khi quân lính vào trình với thế tử rằng ngựa xe đã chỉnh tề, nàng hỏi thế tử: - Thượng công đi đâu mà đi sớm thế? - Ta sang bên Tiên Du xem hội làng Lim. Nũng nịu, nàng hỏi: - Thượng công có cho em đi cùng không? - Không được. Ta đi quan phong, dân gian trông vào, không thể mang ái khanh đi theo được. Ái khanh cứ ở nhà, chiều nay ta về. Thấy chủ trầm ngâm mãi, đứa nữ tỳ hỏi: - Lệnh bà đã nhớ chưa? Lệnh bà đã tỉnh ngủ chưa? Muốn giấu nỗi rối loạn vô lý trong lòng, nàng đáp: - Không. Ta đã ngủ đâu mà tỉnh với say. Thượng công đi sang Kinh Bắc sáng qua, sao ta lại không nhớ. Thượng công hẹn với ta rằng chiều tối thì về mà không thấy. Ta hỏi con là hỏi xem con có rõ rằng thượng công đã về chưa và nếu chưa về thì đi đâu, nếu đã về thì đi đâu? Đứa nữ tỳ nghe câu nói lúng túng của chủ, đoán là giữa thế tử với chủ nàng, hoặc có chuyện gì xích mích chi đây. - Lệnh bà hôm nay coi như có điều gì bận lòng thì phải. Bây giờ đã sang giờ Sửu, xin lệnh bà đi nghỉ kẻo nhọc. Có chuyện gì nữa thì cũng để đến mai. - Không, không có chuyện gì cả. Không biết tại sao đêm nay ta thấy buồn buồn và ta tưởng như sắp có tai vạ gì sắp tới. Đứa nữ tỳ cười: - Xin rước lệnh bà đi nghỉ. Nghĩ vẩn vơ chỉ hại thân thể mà thôi, vô ích. Sáng hôm sau, nàng vẫn chưa thấy tin thế tử về. Chiều hôm ấy, nàng không thấy Khê Trung hầu, người Thái giám coi việc nội cung, đến gọi nàng lên hậu đường hầu ngự. Trong ba bốn hôm liền, nàng không thấy ai hỏi han gì đến. Hôm thứ năm, sốt ruột, nàng chạy ra mé sau chiếc thảo đường tìm Khê Trung hầu thì cũng vừa gặp anh chàng ở hậu đường vừa xuống. Anh ta bảo nàng: - Lệnh bà đợi tôi ở nhà. Chiều nay, chừng cuối Thân đầu Dậu, tôi đến mách lệnh bà một câu chuyện sắp xảy ra trong phủ. Y hẹn, nàng ngồi đợi. Đúng hẹn, lúc nhá nhem tối, Khê Trung hầu đến. Nàng vội hỏi: - Việc gì thế, ông? - Việc có quan hệ đến lệnh bà. Nàng thất sắc. Khê Trung hầu nói: - Nhưng lệnh bà phải bình tĩnh. . . Hôm 13 mới đây, thượng công sang Kinh Bắc nghe hát xem hội. Tới đấy, thượng công để ý đến một người con gái vùng đó. Thượng công để ý vì một câu hát. Lúc đó thượng công đương đứng cửa chùa Giáng Vân. Bỗng lanh lảnh ở chân núi có tiếng hát đưa lên: Dao vàng bỏ đẫy kim nhung Biết rằng quân tử có dùng cùng chăng Rủ nhau lên núi Nguyệt Hằng Phù Dao chín vạn, chim bằng bay cao Nghe thấy tiếng hát, thượng công ban khen: "Giọng hát này hay, tiếng người con gái này trong trẻo". Thật ra tiếng hát ấy cũng trong và hay hơn tiếng hát khác thật. Sốt ruột, nàng hỏi: - Mặc cái tiếng trong trẻo ấy đấy. Ông nói nốt chuyện tôi nghe đã. Thế rồi làm sao? - Thế rồi làm sao? Lại còn làm sao nữa! Thượng công cho đòi người con gái hát ấy lên, rồi ngài truyền cho viên Tri huyện Tiên Du đem về tiến vào phủ. Hiện nay nàng ta còn trú tạm ngoài thành. Ngày mai thì nàng vào phủ. Kể ra cũng sắc nước hương trời lắm. - Nó tên là gì? người ở đâu? ông có biết không? Sao tôi lại không biết. Hắn tên là Trần Thị Lộc, người làng Khắc Niệm Đông, tên nôm là làng Ném Đông. Hắn năm nay kể ra còn hơn lệnh bà một tuổi, nghĩa là, nếu tôi mạn phép nhớ tuổi lệnh bà, thì hắn năm nay hai mươi tuổi. Ngọc Hoan nghe đến đó, thở dài: - Mấy hôm nay, bắt đầu từ hôm 13, tôi cứ nóng lòng sốt ruột như có tai vạ gì xảy đến. Nay quả nhiên thế thật. - Lệnh bà đừng vội buồn. Nếu thượng công say đắm Thị Lộc thì tôi đã có cách. - Cách gì? - Rồi hẵng hay. - Thì ông cứ nói đi đã sao? - Để xem xem đã. Nếu thượng công chỉ đậm đà chốc lát thì cũng bất tất phải thi thố gì. Nếu thật là say đắm thì chữa bệnh háo sắc, còn gì mạnh bằng sắc đẹp. - Nghĩa là làm sao? - Nghĩa là lại tìm một người khác đẹp hơn đem vào phủ làm thị nữ riêng của lệnh bà. Rồi làm sao cho thượng công đoái tới. Việc ấy đã có tôi. - Cho rằng kế ấy hay nữa thì có ích gì cho tôi. Trừ được một, lại sinh ra một, đâu cũng vào đấy cả. - Thế nhưng kế cuối cùng phải thế. Thượng công say đắm người do lệnh bà cất nhắc, làm sao lại chẳng hơn say đắm người khác. Không được ăn thì đạp đổ chứ gì. Như thế rồi, ba tháng sau, nàng Trương Ngọc Khoan vào làm thị nữ cho nàng Ngọc Hoan. Rồi thì Ngọc Khoan lọt mắt thế tử. Rồi thì thế tử mê Ngọc Khoan, bỏ quên hết cả mọi người. Thành ra trước kia có một người bị quên, nay thành hai người. Như thế được bảy tám tháng. o0o Khê Trung hầu đương ngồi ở Nội tẩm đường lẩm bẩm nghĩ một mình: "Mình cũng chịu cái tài ông thế tử này! Một đêm không có đàn bà là không chịu được; thế mà mê man đến đâu, ông cũng không bỏ công việc hằng ngày. Người ta cứ nói gái đẹp làm nghiêng thành đổ nước, nhưng có lẽ nghiêng hay đổ cũng là vì người đàn ông. Mê gái mà vẫn không quên việc, ông thế tử này là một. Tối nào cũngchừng cuối giờ Dậu mới cho thư đồng[15] mang thẻ xuống gọi các bà lên. Hôm nay sao chậm thế này?". Một đứa thư đồng lúc đó cũng vừa tới. Khê Trung hầu hỏi: - Thẻ đâu? - Thượng công không đưa thẻ. Chỉ bảo xuống truyền ông cho gọi Ngọc Khoan. - Được! Cứ lên trước đi. Một tia sáng vừa bật trong óc Khê Trung hầu. Đã một năm nay, Ngọc Hoan bị bỏ quên. Đã một năm nay, ông phải trông những dáng điệu chán nản buồn rầu, phải nghe những kể lể than thân trách phận, những lời trách móc thở than của nàng. Đã bao lần ông bị nàng trách: "Chỉ vì ông xui tôi đưa con Ngọc Khoan vào. Thượng công mê Ngọc Khoan hơn mê Trần Thị Lộc. Thật là ông xui tôi đổ dầu chữa cháy." Thật ra chỉ vì yêu thương Ngọc Hoan mà ông bày cái kế lấy sắc chữa bệnh háo sắc đó. Hôm qua, nàng lại vừa trách ông một cách đau đớn chua xót hơn nữa. Sáng hôm kia, khi ông đến thăm, nàng rầu rầu bảo ông: - Ông Thái giám ơi. Hôm nay là ngày gì, ông có biết không? Ông không trả lời, vì biết rằng nàng nhắc lại cái ngày mười ba tháng giêng, ngày nàng bắt đầu bị quên, bị bỏ và hồ như bị ghét. Thấy ông ngần ngừ không nói, nàng thổn thức: - Hôm nay là mười ba tháng giêng. . . Một năm rồi. . . Ngày kia là tiết Thượng Nguyên, là ngày Nguyên Tiêu. . . Trong phủ thể nào cũng có cuộc vui, nhưng vui là vui cho ai chứ tôi thì có gì là vui. - Xin lệnh bà cứ an tĩnh. Ông cũng biết khuyên người lòng đương như bão táp mưa sa phải an tĩnh là vô lý, nhưng không biết lấy lời gì mà an ủi nữa, ông đành nói đỡ đòn trôi chuyện cho qua. Ông thương nàng như thương con, tuy rằng theo lễ phép nhà nước ông phải gọi là lệnh bà. Thương mà không giúp ích gì được, nên không muốn ngồi nói vã vô ích, ông đứng dậy: - Thôi, xin lệnh bà an nghỉ. Nàng chua chát: - Vâng, ông xếp cho tôi được an nghỉ thì tôi phải an nghỉ chứ sao! - Lệnh bà rõ cho và đừng trách móc tôi nữa. Lời trách móc cũng không làm vui lòng thêm cho lệnh bà mà chỉ làm cho lòng tôi khốn đốn thêm mà thôi. Tôi xin về. Nàng níu lại: - Tôi quên chưa nói với ông một điều. - Vâng, xin nghe. - Hôm qua, tôi nằm một giấc mộng, không rõ lành dữ ra sao. - Mộng thế nào? - Mộng thấy hình như tôi vào một nơi quân lính tụ họp thật đông, họ đội một cái mâm đồng đem đến và nói rằng biếu tôi. Tôi nhìn thì trên mâm có một tấm đoạn. Giở ra xem, tôi thấy giữa tấm đoạn vẽ một cái đầu rồng. Ông thử đoán xem lành hay dữ. - Đó là một điềm hay. Đoạn sắc gì, lệnh bà có nhớ kỹ không? - Đoạn sắc huyền, đầu rồng sắc vàng. - Hay, hay lắm. Rồng là tượng vua. Lệnh bà thế nào cũng sinh con trai. Rồi lệnh bà tất được dựng làm phu nhân, và làm vương phi, và vương thái phi. - Ông diễu tôi làm chi thế. Tấm thân vứt bỏ này còn dám mong gì nữa. - Biết đâu đấy. Một ngày kia thượng công nghĩ lại. . . Nghĩ tới đó, ông tủm tỉm cười, cái cười chứng rằng trong óc ông mới nghĩ được một việc gì tinh quái đắc ý: "Không cho thẻ gọi mà lại truyền miệng. Được rồi! Ngọc Hoan, Ngọc Khoan hai chữ có thể nghe lầm được. Đã thế, ta cho gọi Ngọc Hoan lên. Thế tử tuy sơ Ngọc Hoan, nhưng cũng không có lẽ gì mà ghét bỏ. Giấc mộng đầu rồng vàng vẽ trên tấm đoạn sắc huyền, cứ mình đoán thì vừa hay lại vừa dở. Long vi quân tượng. . . , rồng là tượng vua, Ngọc Hoan sau tất có con làm vua đây. Nhưng sắc đoạn huyền thì muốn như ứng vào hào từ hào thượng lục quẻ Khôn: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng)[16]. Con nàng chắc sau làm vua, nhưng làm vua lúc loạn, có nạn chinh chiến. Hào từ này lại ứng vào điềm có cái hoạ âm thịnh. Lôi thôi lắm đây. Trời cho ta sống vài chục năm nữa, thử nghiệm xem ra sao thì hay quá." Nghĩ tới đó, ông quả quyết đứng dậy: Nào, ta thử xem cái triệu đầu rồng có ứng không nào. Rồi ông đến chỗ Ngọc Hoan ở, tươi cười hỏi: - Lệnh bà có biết tôi có việc gì vui không? Nàng lạnh lùng: - Ông thì thiếu gì cái vui! - Không, việc vui cho lệnh bà nữa kia. Nàng vẫn lạnh lùng: - Tôi thì có gì là vui! - Tôi nói lệnh bà rõ: thượng công có lệnh triệu lệnh bà lên hậu đường. - Ông nói thật đó? - Ai dám đùa chuyện ấy. Lệnh bà sắp sửa lên ngay. Hôm nay, thượng công xem giấy má sách vở hơi lâu hơn mọi hôm. Ngọc Hoan vội vàng sắm sửa áo khăn. Thấy nàng sung sướng, Khê Trung hầu nửa thương, nửa ái ngại, nửa buồn cười. Thương cho tấm lòng còn trẻ con măng sữa, ái ngại cho nỗi thất vọng sắp xẩy ra, nếu thế tử lãnh đạm hoặc đuổi về cũng nên, buồn cười cho cái mưu đổi mận thay đào của mình. Ông lầm nhầm đọc hai câu lục bát ông vừa nghĩ xong: Nọ Ngọc Khoan với Ngọc Hoan Khác nhau một chữ, mê man họa lầm? Đó lệnh bà coi: tôi nói có sai đâu. Giấc mộng đầu rồng thấy đêm mười hai thì đêm rằm nay ứng ngay. Tôi vẫn bảo là thượng công thế nào cũng có hồi tỉnh lại mà đoái thương đến người thuỳ mị như lệnh bà. o0o Trên hậu đường, ngồi chờ mãi không thấy Ngọc Khoan lên, thế tử lại ngồi xuống ghế giở những bản khải[17]ở các trấn và ở các phiên[18] ra xem lại. Lúc Ngọc Hoan lên đến hè, thế tử còn đương xem dở một bản khải của quan Tri Hộ phiên[19] về việc xá thuế mấy huyện Gia Viễn, An Mô, An Khang, Tống Sơn, và một bản khải của Sắc mục Nghệ An hạch tội viên Đốc xuất Nghệ An Văn Đình Ý. Trông thoáng thấy bóng người đàn bà lên thềm, thế tử cứ cúi đầu xem, miệng nói: - Cứ vào nội tẩm trước. Xem nốt bản khải, rồi ta vào sau. Một lúc sau, thế tử vào. Trông thấy Ngọc Hoan, ngài hơi cau đôi lông mày và nét mặt hơi ngượng nghịu, vừa tức rằng Khê Trung hầu lầm, vừa ngượng với Ngọc Hoan là người tuy ngài bỏ quên nhưng ngài cũng không nỡ ghét, và, hơn nữa, ngài cũng có ý vì nể đôi chút. - Ái Khanh đấy ư? Ta lâu nay bận việc quốc gia trọng sự, thành ra có ý sơ ái khanh. Ngọc Hoan sung sướng quá, không biết nói lại thế nào, chỉ đến ngồi cạnh thế tử, vuốt ve đôi vai. Rồi nàng ngả đầu vào vai thế tử, nói: - Thượng công bây giờ là vị trừ quân[20] của thần dân. Thần dân trông thượng công là chúa thượng sau này, nhưng hiện nay em đã trông thượng công như vua rồi. Ông vua của em, ông vua của em mấy năm nay. Ông vua riêng của em. . . Nói đến đó, nàng ngập ngừng, thổn thức rồi tiếp: . . . . Chẳng của riêng em được. Thế tử bỗng bật cười: - Thì của riêng ái khanh lúc này, bây giờ, đêm nay. . . Nàng tiếp: - Và đêm mai, đêm kia nữa. Sáng sau, thế tử cho gọi Khê Trung hầu và trách mắng: - Sao mà người lơ đễnh thế? Có một việc thế mà cũng lầm lẫn được! Ai bảo ngươi gọi Ngọc Hoan? - Đó là tội của tiểu thần nghe lầm. Sở dĩ thế là vì thượng công không ban thẻ mà chỉ diện truyền. Tiểu thần trộm tưởng là thượng công đoái thương đến Ngọc Hoan. . . vì sau không thấy thượng công đuổi Ngọc Hoan về. - Đuổi về thì. . . quá. Ta không nỡ. Khê Trung hầu bắt ngay lấy tiếng "không nỡ" mà nói tiếp: - Thượng công đã không nỡ đuổi về thì cũng chẳng nên nỡ để Ngọc Hoan buồn tủi suốt một năm ròng. Câu nói của Khê Trung hầu tuy đanh thép và khôn khéo, nhưng cái khôn khéo và đanh thép ấy không đủ để phá tấm lòng luyến ái của thế tử cùng Ngọc Khoan. Tối hôm qua, thấy Ngọc Hoan đến mà thế tử không đuổi, chẳng phải là chẳng nỡ mà chỉ là không muốn lộ cái tình thiên ái của mình một cách sỗ sàng. Bụng thì thiên lệch hẳn rồi mà ngoài mặt thế tử vẫn muốn tỏ mình là người vô tư hết sức. Thôi thì trót lầm thì ta cứ để lầm một hôm. Tóm lại, Ngọc Khoan hay Ngọc Hoan thì cũng đều là đàn bà cả. Thế tử cúi xuống nghĩ lan man một lúc. Khi ngẩng lên trông thấy Khê Trung hầu còn đứng đấy như ngạo nghễ cái tính háo sắc xấu xa của mình, thế tử muốn cắt câu chuyện, bảo: - Thôi, cho ngươi lui. Như cái máy, Khê Trung hầu cúi đầu thi lễ rồi xuống thềm. Đến tối hôm sau. Đã cầm bút viết hai chữ Ngọc Khoan vào thẻ, thế tử lại xoá đi vì cũng hơi ngượng với Khê Trung hầu. Lần thứ hai, hai chữ Ngọc Hoan cũng lại bị xoá. Tên thư đồng quen lệ thấy thế tử viết thẻ thì chắp tay đứng sẵn bên cạnh, đợi sai khiến. Thế tử cầm cái thẻ trắng gõ xuống cạnh bàn những tiếng nho nhỏ, lòng đương trù trừ. Liếc trông thấy tên thư đồng, ngài liền sai ngay: - Bảo Khê Trung hầu gọi Ngọc Khoan. Tên thư đồng đã bước xuống thềm, thế tử còn gọi vớt mà dặn lại: - Ngọc Hoan? Đêm ấy, Ngọc Hoan lại ở hậu đường hầu chăn gối Đêm thứ ba. Ngọc Hoan lại ở hậu đường. Một vì lầm lẫn, hai vì ngượng ngùng, ba vì tấm lòng giả trá của thế tử, nên Ngọc Hoan được thoả tình trong ba bận. Nhưng chỉ có thể được đến ba hôm là cùng thôi. Từ hôm thứ tư trở đi, người được chăn ấm gối êm cùng người bị chăn lạnh gối đơn lại như cũ, lại như trước ngày Nguyên Tiêu. Trong phủ còn một người nữa bị bỏ quên. Người ấy bị bỏ quên sau Ngọc Hoan, từ ngày Ngọc Khoan vào phủ. Ông quan bị thải hồi sau nếu còn hăng hái muốn xuất chinh hơn ông quan bị thải hồi trước thì người ấy còn hăng hái muốn chuộc lại tình luyến ái hơn Ngọc Hoan. Ngọc Hoan bản tính mềm mại thuỳ mị, nên bị bỏ quên, nàng chỉ biết thở than với bóng, buồn tủi cho thân mà thôi. Người kia tính khí sắc mắc hơn, khi nào lại chịu buồn suông tủi hão. Người ấy, độc giả còn nhớ là Trần Thị Lộc. Song, cho hay là thói hồng nhan, càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều. Nàng bị bỏ quên cho đến lúc thế tử nối nghiệp làm chúa rồi lại cho mãi đến lúc chúa qua đời. o0o Đã hai năm nay, bây giờ Ngọc Hoan ăn tết mới vui. Chút tình luyến ái lầm lỡ cuối cùng của thế tử với nàng, may làm sao, lại có kết quả được tốt đẹp như thế này. Nàng hồi tưởng lại hồi tháng hai năm ngoái lúc uẩn bà[21] đến xem cho nàng và nói rằng nàng thụ thai. Nàng tươi tỉnh khi nhớ đến câu uẩn bà nói: - Lệnh bà có thai được hơn một tháng. Lúc đó, nàng còn cho là uẩn bà nói dối để vuốt ve nỗi buồn cô độc của nàng. Hai tháng sau, sau một lượt khám nghiệm nữa, uẩn bà nói một cách chắc chắn: - Lần này, lão tỳ quả quyết là lệnh bà hoài thai. Nếu thai thuận và đúng kỳ thì vào cuối tháng mười lệnh bà lâm bồn. Khi đó, không cần cái giọng nói chắc chắn, không cần những câu nói dài của uẩn bà, nàng cũng biết chắc là nàng hoài thai. Nghĩ tới đó, mặt nàng cau lại như vừa nghĩ tới chuyện gì tức mình. Tức mình thật và giận thân thật, nếu nàng nghĩ đến cái thái độ của ông thế tử chồng nàng đối với cái tin mừng đáng lẽ phải là tin mừng chung. Theo lệ trong cung, hễ phi tần hoặc cung nữ nào hoài thai thì ra ngoài ba tháng, Thái giám phải trình một cái thiếp báo hỉ. Thiếp ấy, khi Khê Trung hầu dâng lên thế tử thì thế tử không thèm nhìn nữa mà cầm vứt ngay vào sọt giấy lộn. Cái thái độ vô nghĩa và vô tình ấy, nghĩ đến, nàng như héo từng khúc ruột. Lắm lúc, nàng uất lên, tưởng như cái bào thai trong bụng đến phải thoát ra ngoài. Thế rồi đến hết tháng mười, cũng chưa thấy gì. Rồi đến giữa hôm rằm tháng chạp thì nàng lâm bồn. Nghĩ đến lúc này, lại càng giận con người vô tình. Đầy cữ, trên từ bố chồng là Ân Vương, dưới đến các cung nữ đều đến thăm đến mừng, chỉ duy có thế tử thoái thác không đến. Các quan thấy thế tử mới có con trai xin vào mừng thì thế tử gạt đi mà nói: - Đợi khi nào đứa hài nhi ấy thành người, mừng cũng chưa muộn. Làm như thế là ý thế tử chưa muốn nhận đứa con ấy là trưởng tử. Nhưng dù làm sao thì nàng cũng có con đầu tiên, dù làm sao thì con nàng cũng là trưởng tử, nàng cũng có thể vì con mà nguôi nỗi buồn được. Nàng lại càng chắc chắn hơn nữa, là vì chúa Minh Đô và Nguyễn Phi (bố mẹ chồng nàng) có ý yêu đứa cháu đầu lòng lắm. Năm nay, vì thế, nàng ăn tết vui vẻ hơn mọi năm. Đến rằm này, con nàng vừa được một năm, một tháng, tết Nguyên Tiêu năm nay nàng sẽ vui vẻ ấm áp làm sao! o0o Nhà hậu đường bên Lượng Quốc phủ hôm nay trang hoàng thật rực rỡ để làm lễ "già năm" con trai đầu lòng ngài Thái úy Tĩnh Quốc Công và cháu đích tôn ngài đương kim chúa thượng Minh Đô Vương. Lễ ấy chính ra thế tử chẳng muốn làm, vì ngài không ưa đứa con vô tình ngài có. Nhưng vì chúa Minh Đô ép, nên bất đắc dĩ lễ phải cử hành. Vì thế, nên hôm rằm tháng chạp năm trước, là ngày đầy năm, thế tử không muốn làm lễ, thoái thác là cuối năm bận việc, để đến sang giêng làm vào lễ Nguyên Tiêu. Thế tử để lùi lại là mong rằng chúa Minh Đô nếu quên đi thì thôi, phế hẳn lễ "chu tuế" (đầy năm). Nhưng sang giêng, chúa Minh Đô lại nhắc đến ngay. Vì thế nên bất đắc dĩ, lễ phải cử hành. Từ hôm mồng mười, đoàn vũ nữ trong cung đã phải tập múa lục dật, tập hát khúc trình tường. Sáng hôm ấy, vào khoảng đầu giờ Thìn, ở hậu đường, ai nấy túc trực sẵn sàng cả để đợi chúa và nguyên phi. Cuối Thìn, Khê Trung hầu vào loan báo: - Chúa Thượng và nguyên phi đã ở vương phủ sang, xin thượng công và phu nhân lên kiệu. Thế tử cùng Ngọc Hoan đứng dậy. Hai người đều im lặng, mỗi người có một nỗi khó chịu riêng. Thế tử vì không thích, miễn cưỡng, Ngọc Hoan vì trông thấy vẻ miễn cưỡng của thế tử lộ quá. Một hồi sau, chúa, nguyên phi, thế tử, Ngọc Hoan cùng đến. Chúa và nguyên phi ngồi ở sập sơn then thếp vàng giữa nhà. Cạnh sập ấy, bên tả một chiếc đoản kỷ, thế tử ngồi; bên hữu một chiếc đoản kỷ nữa, Ngọc Hoan ngồi. Cạnh chiếc đoản kỷ ấy, một người cung nhân đứng bồng một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy đầu đội mũ màu vàng nhợt thêu một con rồng bằng kim tuyến, mình mặc áo kim ngân đoạn màu huyền. Đôi mắt sáng mà hiền, mũi thẳng dọc dừa, miệng to, môi đỏ. Đứa trẻ ấy là con đầu lòng của thế tử Trịnh Sâm, mới được chúa đặt tên cho hôm mồng một tết là Trịnh Tông. Trước sập chúa và nguyên phi ngồi, kê một chiếc án thư, trên để một thanh gươm, một cái cung và một quyển sách. Đâu đấy ngồi yên, viên Nội giám Khê Trung hầu xướng to:[22] - Bẩm, xin thế tử cùng phu nhân ra chiếu. Thế tử cau mặt nhìn Khê Trung hầu rồi cùng Ngọc Hoan ra đứng ở chiếc chiếu cạp điều giải trước án - Bẩm . . . . quị. . . . ị. . . ị. . . . Hai người cùng quì. - Cúc . . . . cung . . . bái ái. . . Hai người cùng lễ. Dưới chiếu, người cung nhân cũng bồng Trịnh Tông và bảo vái. Sau cuộc lễ tạ ơn, chúa Minh Đô cùng nguyên phi ra đưa cho cháu thanh gươm, cái cung và quyển sách để ở bàn. Sau lễ ấy đến lễ thí nhi[23]. Trên một chiếc sập to kê gian bên, bày đủ các thứ đồ chơi chế theo hình đủ các vật dùng của tứ dân: bút, mực, giấy, nghiên, cày, bừa, búa, đục, bay, kéo, v. v. . . Người cung nhân đặt Trịnh Tông lên sập. Trịnh Tông bò quanh sập mãi không cầm cái gì cả. Quanh sập, chúa, nguyên phi, thế tử, Ngọc Hoan, và quan A bảo Nguyễn Hoãn đã sốt ruột. Thế tử thì đứng lảng ra ngoài không thèm trông nữa. Ngọc Hoan chăm chú nhìn con không chớp mắt. Một lúc, Tông sờ vào thoi mực rồi lại quăng xuống, rồi sờ sang bên cạnh, nhìn năm cục tròn tròn bằng đất, vàng, gỗ, gạch đỏ, và thủy tinh biểu hiện cho năm hành: thổ, kim, mộc, hoả, thuỷ. Ngọc Hoan đứng trông trong dạ bồi hồi, chỉ sợ con cầm cục đất. Quả nhiên Tông cầm cục đất đập lên bốn cục kia. Thoạt tiên đập lên cục thuỷ tinh, rồi đập lên cục gạch đỏ, rồi cuối cùng đập lên cục vàng thì hòn đất vỡ tan. Rồi y oà lên khóc, đòi bế. Xung quanh ai cũng im lặng không nói gì và đều thầm cho là điềm gở. Lúc đó thế tử mới quay lại thì mọi người đã dời xa sập cả rồi. Hỏi biết đầu đuôi, thế tử nắm tay con, nói: - Làm mất đất nước của cha ông là mày à? Nguyễn Hoãn can: - Cái trò này là theo tục đặt ra, có thể tin sao được. Xin thế tử đừng làm mất vui trước mặt chúa thượng. Tiếp lễ ấy đến lượt các quan xin vào mừng. Thế tử nói: - Lễ này là gia lễ, các ông không được dự. Thật ra thế tử không muốn cho các quan vào, sợ lễ ấy thành lễ chính thức nhận Tông là trưởng tử đối với triều thần. Rồi đến lượt vũ nữ múa lục dật và nhạc công tấu nhạc mừng. Chú thích [11]. Cố sự: nghĩa là theo phép cũ, việc đã thành lệ cũ. [12]. Ra ở "Trạch các": Thế tử nhà chúa ra ở Trạch các cũng như Thái tử nhà vua ra ở Đông cung. [13]. Một ngày ngàn công vạn việc. [14]. Đi xét phong tục trong dân gian. [15]. Đứa trẻ dùng để sai khiến trong thư phòng. [16]. Nghĩa đen chữ một là: Rồng đánh ở đồng máu tụ đen vàng. [17]. Tờ các quan trình chúa Trịnh gọi là "khải". [18]. Các "phiên" trong phủ chúa cũng như các "bộ" bên triều đình. [19]. Quan đứng đầu Hộ phiên. [20]. Ông vua được định sẵn. [21]. Người đàn bà làm nghề bà đỡ trong cung. [22]. Khi đó, xướng dùng chữ nôm. Vua thì xướng tấu chúa xướng bẩm. [23]. Thử trẻ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang