[Việt Nam] An Tư

Chương 1 : I

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 10:10 06-09-2018

.
"Khiển nhân tống An Tư công chúa Vu Thoát Hoan, dục thư quốc nan dã" (Đại Việt sử ký toàn thư) Kính tặng Hương hồn mẫu thân __ An Tư dừng mũi kim thêu, tay búp măng vuốt mai tóc đen mới xô xuống má. Công chúa không đeo một mảy trang sức, son phấn cũng không dùng. Không phải như bà phu nhân nước Hoắc, nàng sợ điểm tô làm giảm giá khuynh thành. Đương độ đào tơ, nàng không khinh trang điểm. Nhưng vì quốc gia gặp nạn, rợ Mông uy hiếp; các chiến sĩ gian lao cơ khổ ngoài biên, tang tóc gieo hàng ngày trên các gia đình Đại Việt. Nàng tự xét không có quyền nhởn nhơ trong cảnh ấm no, ích kỷ. Không những nàng bỏ được thói xa hoa lười biếng cố hữu của những người trong cung cấm, nàng còn theo gương quốc mẫu và hoàng hậu bán hết những tư trang quý báu, lấy tiền mua vải, thân hành may áo cho những khách sa trường. Nhưng không phải vì thế mà sắc nàng kém tươi. Trái lại dung nhan nàng có mấy phần xinh đẹp hơn như vầng trăng không bị vẩn mây mờ. Đôi mắt đen, to như một trời huyền ảo, và đôi môi khao khát là một bến đợi chờ. Cổ nàng tròn trắng, thân nàng yểu điệu, lẳn mà không thô. Toàn thể là một sắc đẹp say sưa quyến rũ, âm ỉ nguồn nhựa sống dồi dào và mãnh liệt của những vua tướng anh hùng, đầy bão phụ và dục vọng, đã dựng nên cơ nghiệp họ Đông A. Nàng đứng lên, sẽ xốc lại chiếc áo vóc mền cũ; vẻ đẹp không kiểu sức mà đầy duyên thầm kín, hiện ra trong từng cử chỉ. Nàng đặt chiếc kim và bức thêu xuống kỷ, ngáp dài, nước mắt cũng vô tình theo ra, mắt nàng càng thêm xa xăm huyền bí. Canh chưa sâu, nhưng bốn bề tĩnh mịch, tưởng như đã khuya lắm rồi. Và ngọn sáp hồng đã sắp hết trên cây nến đồng sáng loáng. Rét đến cả thâm cung. Nàng rùng mình nghĩ đến những chiến sĩ trên Nam Quan, biết đâu giữa lúc êm ấm này, họ không đương giao phong cùng giặc dữ. Núi xương biển máu, bày nên một cảnh âm ty. Đồng thời gió thổi ào ào, như muôn vàn người xõa tóc reo hò, lắng nghe như có tiếng hô "Sát Thát" quen quen, khi ồn ào, khi rầm rộ, ngân ngư cao thấp tạo nên một khúc nhạc lâm ly hùng tráng. Nàng liếc nhìn đường thêu trên vuông lụa trắng: đã hiện rõ hình một chàng chiến sĩ uy phong, tay cầm lá cờ đề hai chữ "Sát Thát". Hai chữ này nàng đã xin của anh nàng, vua Thánh Tông: nét bút gầy nhưng mạnh. Nàng tự hào đã lột được hết tinh thần. Mấy tháng nay từ độ quân Nguyên sang, An Tư thường hay thức khuya, không đánh bài như trước. Hôm qua, nàng đã dệt xong, tính ra từ khi bắt đầu, hơn một trăm thước vải, không kể nàng còn khâu được bao nhiêu quần áo cho quan quân… Cung tần phi chúa đều biến thành Chức nữ tạm thời. Vua Thánh Tông ban lệnh ấy để khuyến khích tướng sĩ. Vốn người nhanh nhẹn, An Tư trong nghề dệt cũng như trên đường kim mũi chỉ, đều xuất sắc hơn chị em. Nhưng nhìn ngón tay, nàng không khỏi ngậm ngùi. Bàn tay nàng mà dân gian thường ca ngợi, mềm mại và đài các, nay đã giảm sắc hồng và ngón tay đã thành chai xấu xí. Sự biến đổi thiệt thòi ấy duy có nàng nhận thấy; người khác ai có hay, vì người ta vẫn thường khen vẻ đẹp cao kỳ của bàn tay An Tư, nhất là khi nàng đưa thoi hay khiến mũi kim khâu. Bận rộn bấy lâu, nay nàng mới được rỗi mà nghĩ đến một công việc mà nàng vẫn thường ấp ủ, là thêu một tráng sĩ để tặng tình lang. Kể đã muộn nhưng cũng may, chàng chưa ra mặt trận. Nàng lại ngáp vì đói ngủ đã lâu, rồi đến chiếc kỷ với lấy mảnh lụa định thêu nữa. Đêm đông rét quá, nàng rùng mình. Chợt có ai gõ cửa. Tiếng nàng hỏi ra: - Ai? Tiếng gọi dồn dập: - Chị Liễu! Chị Liễu! Quả tim nàng đập mạnh. Nàng nghẹn ngào sung sướng, vì đã nhận rõ tiếng người yêu. Cánh cửa son vừa mở, gió lùa vào cùng với một tráng sĩ, mắt lửa, mày rậm, nước da ngăm ngăm, mình cao, vai rộng, nhưng hơi gầy, trạc hai mươi hai, hai mươi ba tuổi. Nàng chỉ kịp gài then, tráng sĩ đã ôm lấy nàng; người nàng run rẩy vì say sưa thỏa mãn. Trong phút đê mê, nàng chợt nắm được đốc kiếm của thanh niên; lòng yêu tràn qua bờ kính phục. Chàng luôn luôn nói: - Chị Liễu! Chị Liễu! Liễu là tên húy nàng. Miệng hoa thốt hỏi, sẽ sàng và êm dịu: - Vương lai kinh từ bao giờ, tôi không biết. Lâu lâu An Tư gỡ ra khỏi cánh tay sắt, mắt sâu đen ủ ấp mặt thanh niên, muôn phần âu yếm. Lửa tình nhuộm gò má nàng một màu đào sáng. Chàng cầm tay nàng, kéo lại gần kỷ. Chàng cởi kiếm đặt lên kỷ, rồi ngồi đối diện nàng, mỉm cười tình tứ, mắt nhìn An Tư không chớp. Nàng cúi gằm mặt xuống, thỉnh thoảng ngước lên thì lại gặp mắt chàng. Nàng lại hỏi: - Vương lai kinh từ bao giờ? - Tôi mới đến ban chiều. Sáng mai ra trận nên vào đây vĩnh biệt cùng công chúa. Nàng sửng sốt hỏi: - Sao lại vĩnh biệt? - Tôi không ngờ công chúa còn thức. Tôi đi phen này báo ơn vua, đền nợ nước, rửa hận cho giang sơn, tráng sĩ một đi không giở về. Không biết rồi ra có bao giờ còn có dịp hội ngộ cùng công chúa như đêm nay nữa không. Vậy nên nói vĩnh biệt. Nàng nhìn lên, lòng choán một nỗi buồn vô biên. Nhưng thấy chàng hùng kiện và vui vẻ, lại yên tâm. Bất giác nàng thở dài: - Không biết bao giờ cho hết loạn. Tôi chúc vương ngựa đến, công thành. Có lẽ nào lại vĩnh biệt. Vì lòng trung quân ái quốc nên thốt những lời quyết biệt, nhưng tôi chắc duyên ta còn dài, xin vương cứ vững tâm đi dẹp giặc. - Thế giặc còn mạnh lắm, tràn qua Nam Quan, phá vỡ Chi Lăng, quân ta nay đương khốn đốn. Muốn đánh đuổi chúng chỉ có cách muôn người như một chống cự đến cùng, coi chết thoảng như về, tận lực thần tử. Vẫn hay không phải ai ra trận cũng là chết cả, nhưng tôi cũng phải nói trước, lỡ không còn dịp tái hội nữa, thì đây là buổi cuối cùng. Tuy nói thế, nhưng lòng kiên quyết của chàng cũng đã hơi chuyển. Càng nhìn nàng, càng thấy đẹp, chàng lưu luyến; vừa không nỡ dứt tình, vừa oán thời thế trêu ngươi: Tay chàng vẫn còn ghi ấn tượng hơi nóng êm dịu của da thịt tình nương, mịn như lá non, mềm chắc như múi đào ửng chín. Vương lại tiếp như một lời an ủi: - Dẫu sao, tôi gặp được công chúa đêm nay, thế là mãn nguyện. Nay mai xông pha tên đạn, chém tướng đoạt cờ, dù phải da ngựa bọc thây tôi cũng cam lòng. Nàng nói và cố giấu tiếng thở dài: - Chỉ có bọn con gái chúng tôi là vô dụng! - Chuyện! Trai thời loạn, gái thời bình. Đây là phận sự của bọn mày râu, sao công chúa lại so sánh đàn bà vóc yếu với chúng tôi được? Chúng tôi vai to, cánh khỏe thì phải gánh vác những việc khó khăn, đó là lẽ thường. Huống chi người đàn bà ở nhà, hầu hạ hai thân, trông nom trẻ nhỏ, chúng tôi được yên lòng ngoài mặt trận, công ấy có nhỏ đâu? Ngay như công chúa đây, công chúa dệt may quần áo gửi cho chiến sĩ, làm khích lệ ba quân, sao công chúa lại nhún mình mà tự cho là vô dụng? - Tôi chỉ tiếc không được như nàng Mộc Lan khi xưa. Lúc quốc gia gặp nạn có kể gì đàn bà, đàn ông, phận sự chung cả. - Đã đành là thế, nhưng mỗi người một việc. Công chúa thực là người ưu thời mẫn thế, tôi tưởng khó có người đàn ông nào bằng. Thực là hồng phúc cho triều đình, hoàng tộc. - Vương lúc nãy nói, tôi mới nhớ ra. Mẫu thân ở nhà có được mạnh khỏe không? Nghe nàng gọi mẹ mình là mẫu thân, vương có cảm giác vô cùng êm ái. Tiếng nàng nghe như ru. Chàng liên tưởng đến lời nói nhỏ nhẹ, rụt rè của cô dâu mới cưới. Nàng nhận thấy trong mắt chàng một vẻ buồn, và nàng hiểu ý. Chàng sắp sửa vâng lệnh mẹ già làm lễ thành hôn cùng An Tư thì chiến tranh bùng nổ, việc kia đành tạm gác. Rồi đợi đến bao giờ? Đương buổi phong trần, nam nhi không dám tính đường gia thất, vùi đầu trong chăn gối, mà phải mặc giáp, cầm đồ binh ra trận. Thanh danh của ông cha, lòng tự ái của mình, khiến vương tự ý xin hoãn việc hôn nhân. Thời thế éo le, biết đâu sự gàn quải này không báo hiệu một tan vỡ? Mà không được làm chủ bông hoa kiều diễm kia, An Tư, đẹp nhất trời Nam!... Óc chàng lộn xộn, chàng nghĩ đến ngày cưới tưng bừng. Nàng đẹp như một tiên nga giáng thế trên kiệu hoa bước xuống, trông như một vừng hào quang đỏ rực giữa những tiếng ti trúc dập dìu… Chợt chàng lại thẹn với mình: đã đến nước này thì phải để nàng cho người khác, với toàn thân trong trắng. Chiến sĩ đã gánh nặng hai chữ "quân ân", rong ruổi với thanh gươm yên ngựa, há lại làm lỡ đi một đời người, nhất là một người yêu quý? Chàng xấu hổ vì thái độ sàm sỡ ban đầu, và chàng đứng dậy, tra kiếm bên mình, có ý ra đi. Nàng cũng đứng dậy gần sát chàng, có chiều trách móc. Vương nhớ ra, hối hận vì chưa đáp lại lời nói. Hương thơm của hơi thở An Tư lại hoàn toàn chinh phục chàng thanh niên. Vương nói: - Đa tạ công chúa, mẫu thân vẫn được khỏe mạnh, và vẫn thường nhắc tới công chúa luôn. Chàng rầu rầu và nàng rưng rưng muốn khóc. Trống thành vừa điểm canh ba. Nàng nói: - Vương hãy ngồi chơi. Đã đi đâu vội? Lời nói thân tình. Vương phục tùng ngồi xuống, liếc trông thấy nàng hơi tái đi và vương ái ngại. Nàng giương đôi mắt phượng đen như huyền, sáng như gương nhìn chàng run run và nói: - Nay vương đi, mẫu thân thì già, các em còn trẻ, hay vương cho phép tôi về hầu hạ mẫu thân. Cảm động quá, nàng không không nói hết, mím miệng hoa để cầm giọt lệ. Như cái máy, chàng cầm lấy bàn tay óng muốt, trắng tinh dưới anh nến và nói: - Đa tạ công chúa. Đa tạ công chúa. Mẫu thân chắc không nhận đâu, vả ai lại thế. Nàng để yên cho chàng cầm tay, nghĩ rằng thái độ quy thuận của mình có thể đền bù trong muôn một nỗi thiệt thòi của đời chiến sĩ. Vương sợ nàng phật ý, nói lãng: - Mẫu thân gan như sắt đá. Khi ra đi tôi có ý ngần ngại sợ trong buổi loạn ly này không biết có được yên tuyền không thì mẫu thân nói: "Con cứ đi, mẹ đã có khu xử". Người không sợ gì, thế giặc mạnh mà người bảo không đáng sợ, rút cuộc thế nào cũng đuổi được chúng ta ngoài bờ cõi. Nàng cười đầy tin tưởng: - Sao mẫu thân biết? - Người nói có ba điều khiến ta vững tâm. Thứ nhất, nước ta ngày nay muôn người như một, từ vua đến dân, ai ai cũng một lòng đánh đuổi kẻ thù, cho rằng sống nhục không bằng chết vinh. Hội nghị Diên Hồng càng củng cố tinh thần trung quân ái quốc. Một câu "xin đánh" của các bô lão cũng đủ tan hơn 50 vạn hùng binh của Thoát Hoan. Điều thứ hai là quân đội ta rất mạnh, kỷ luật rất nghiêm, tướng tá kết thành một khối, răm rắp theo lệnh Quốc công, như đàn con theo cha, thân mật hơn trong gia đình, thiếu đâu có đấy, một tiếng mõ rao muôn người ra trận, không khác chi con đê lở vít được ngay, làm làn sóng to nào tràn qua được nữa. Điều thứ ba, ấy là Quốc công tiết chế. Quốc công cầm quân biết tùy lúc tiến lui, trông rõ đại cục, gan bền như sắt đá, lượng rộng như biển trời, được lòng cả ba quân lẫn dân chúng, thực là người cứu dân độ thế, chế phục được tất cả những khó khăn. Khi xưa Quốc công còn trẻ, mới ngoài 20, đương lúc giặc Ngột Lương Hợp Thai sang xâm, vâng lệnh vua Thái Tông lên giữ mạn Hưng Hóa. Khi ra đi không vội vã, điềm nhiên như khi ta đi chơi, phụ thân đã khen là "dũng", tất làm nổi đại sự. - Tôi thấy quân ta thất lợi, vẫn thường lo ngại. Nay vương thuật lại lời mẫu thân cho, như vén đám mây mờ; mẫu thân thực là người cao kiến. - Huống chi ngoài Quốc công ra, còn bao nhiêu người tài trí giúp giập: Mưu lược như Chiêu Minh Vương, Chiêu Văn Vương, Hưng Đức Hầu, Hoài Văn Hầu, Nhân Đức Hầu, tướng quân Lê Phụ Trần, đấy là những bậc của tôn thất triều đình, ngoài ra còn những anh hùng như Nguyễn Khoái, Nguyễn Thức, Phạm Ngũ Lão cùng mấy nghìn môn khách của Quốc công, đủ cả văn nhân, dũng sĩ, người nào cũng dốc lòng vì nước, kể ra thì nhân tài như rừng nói không hết được. Quân ấy, tướng ấy có lẽ nào lại chịu khuất phục quân thù? - Còn vương nữa chứ? - Công chúa nói tôi thêm thẹn, Giặc sang từ tháng một, nay đã gần hết năm mà tôi còn ở đây, thực là đắc tội với triều đình, thẹn cùng chúng bạn. Sau ngày Quốc công duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu, tôi trở về mộ thêm binh, luyện bộ tốt, ai hay giữa lúc giặc sang thì tôi thụ bệnh! - Đó có phải đâu là mình muốn thế? - Dẫu sao cũng là cái nhục cho tôi. Nằm trên giường bệnh ròng rã ngót một tháng trời, tôi tưởng lâu bằng ngàn năm. Nghe kể những chiến công oanh liệt ngoài biên, những chuyện tử tiết, tử chiến, tôi chỉ biết thở dài, sau lại rõ việc quan quân thất lợi ở Khả Li, Lộc Châu, tôi có lúc thét lên như mình mang tội ấy. Lại sốt ruột vì tiếng mõ reo gọi người ra lính, dân gian kéo ra tòng quân rầm rập ngoài đường, Những thủ đoạn hiển hách của Hoài Văn Hầu khiến tôi càng ghen tức. Kể vai vế tôi là chú hầu, kể niên kỷ, tôi còn hơn hầu năm tuổi, vậy mà uy danh hầu đã chấn động bốn phương, lá cờ sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" đã vẫy bay trên bao nhiêu trận, giống nòi vẻ vang, quân thù thất đảm, cứ nghe nói đến hầu là tôi lồng lộn, không sao trấn tĩnh được. Có đêm khó chịu và sốt ruột quá, tôi vùng dậy, cố gượng với chiếc bảo kiếm gia truyền treo trên tường nhưng tôi ngã lăn xuống đất, kiếm đè lên mình tưởng là chết. Mẫu thân cầm nến đi vào vực tôi lên giường, nghiêm sắc mặt, nhưng ôn tồn bảo tôi không nên nóng nảy, yên lòng thuốc thang thì mới chóng khỏi. Tôi vâng lời và sau mấy hôm kịch liệt, li bì, dần dần bình phục. Một hôm, tôi lại với thanh kiếm thấy nhẹ, tôi sung sướng, tuy còn lảo đảo nhưng cũng vác kiếm ra khỏi buồng, trông thấy cỏ cây ánh sáng thực là muôn phần vui vẻ. Quân bản bộ thấy tôi ra reo hò mừng rỡ, tôi nhảy lên ngựa, diễu mấy vòng quanh vườn vung kiếm múa, nhưng tôi hoa cả mắt, ngã ngựa, may Trần Quỹ đỡ được, chứ không thì khốn. Mười hôm sau, tôi bình phục hẳn. Thì ra trong lúc tôi nằm bệnh mẫu thân đã lo hết cả quân nhu khí giới thảy đều sung túc, lại tuyển thêm quân, lòng mẹ lo cho con thật là chu đáo… - Mẫu thân thật là hiếm có. Hiện nay vương có bao nhiêu quân bản bộ? - Hai nghìn. Tôi sốt sắng là thế mà khi mẫu thân đặc biệt tiễn hành, tôi không sao cầm được giọt lệ. Mẹ thì già, em trẻ dại. Tôi lạy mẫu thân rồi, thấy các em đến chào lạy, tôi quyến luyến không nỡ rời tay,. Có người gia nhân trung nghĩa là Trần Quỹ, trước đã từng theo hầu phụ vương đi trận mạc, nay mẫu thân cũng cho đi theo tôi, tôi từ chối thế nào cũng không được. Mẫu thân trao thanh bảo kiếm của phụ vương cho tôi và nói: "Con ở cửa tướng, nên nghĩ sao cho không hổ tiếng cha con". Tôi tiếp nhận chưa kịp nói thì mẫu thân tiếp ngay: "Mẹ thanh bạch chẳng có gì cho con, chỉ có vật mọn này con cầm lấy". Người ban cho tôi chiếc túi này. Chàng lấy trong bọc ra một túi gấm, mở túi rút ra một vuông lụa bạch, trên chỉ có độc một chữ "Thắng" bằng chỉ vàng. An Tư lóa mắt vì ngạc nhiê. Nàng đồ là một bức thêu đẹp, vì mẹ vương có tiếng là giỏi về nghề này. Nàng không ngờ bà lại có ý tưởng làm một bức thêu xuất ư ý ngoại ấy, kết tinh chí quyết thắng và hy sinh mênh mang. Nàng nói: - Tôi không ngờ! Mẫu thân là một bậc đại trí, đại hiền. - Khi trao tôi chiếc túi, người dạy: "Con đi nhé, mau diệt tan quân cường khấu, tấu khúc khải hoàn. Cố sao lập nên sự nghiệp, mẹ được thơm lây, ấy là là báo hiếu. Con đi đi!". Tôi dùng dằng mãi mới lên đường, nhờ được mẫu thân dạy dỗ, nên lúc nào tôi cũng tin chiến thắng. Đoàn quân Tinh Cương của tôi cũng thế, và suốt vùng ai ai cũng cùng chung một ý nghĩ. Vì suốt từ ngày quân giặc sang xâm, thấy ai chán nản là mẫu thân khích lệ, ai nghi ngờ Quốc công thì người giải hết nỗi nghi ngờ. Đi đâu người cũng nêu một gương nhiệt thành, sáng suốt, hy sinh và tin tưởng. - Vương thực là có phúc được mẹ hiền. Tôi mồ côi mẹ thực thiệt thòi nhiều. - Tôi lúc nào cũng phảng phất hình dung mẫu thân và đinh ninh lời dặn, lúc nào cũng nghĩ đến việc tận tâm báo quốc, khinh tính mệnh như lông hồng mong không hổ tiếng mẹ, không giảm thanh danh cha. Huống chi tôi mang cờ "Tinh Cương", đeo chiếc bảo kiếm này, thực không lúc nào dám chểnh mảng và ngã chí. Chàng trỏ thanh kiếm trên ỷ. An Tư hỏi: - Phải chăng đó là thanh kiếm của Hoàng thúc? - Vâng, đấy là kiếm của phụ vương, lưỡi sắc như nước, kiếm này đã giúp phụ vương phá quân Mông Cổ ở bến Đông Bộ Đầu khi xưa. Chàng tuốt kiếm ra, lưỡi thép loáng như gương, lạnh buốt như băng giá. An Tư và chàng tưởng tượng như trong bóng hào quang rầm rộ trẩy đạo quân chiến thắng của vua Thái Tông thần hùng. Chàng tra kiếm vào vỏ. Gió ngoài ào ào thổi như có thiên binh vạn mã. Chàng chợt nhìn công chúa và nói: - Có lẽ tôi phải đi. Gần sáng rồi. Công chúa thức khuya có hại cho ngọc thể. - Không ngại gì. Xin vương hãy ở lại, mới vừa điểm trống canh ba. Tôi muốn tặng vương một vật mọn. Nàng định lấy bức thêu chàng tráng sĩ, thì có tiếng giày dép bên ngoài, và thấy tiếng gọi nàng léo xéo. Nàng tái mặt nhìn vương rồi dắt vương sang buồn bên và nói: - Vương hãy tạm ở đây. Các chị em đến chơi… Vương chưa kịp nói gì, thì nàng đã mở cửa. Những phi tần, công chúa, già có trẻ có, vào buồng nàng hỏi thăm tin tức về tình hình quân sự. Trong suốt tam cung lục viện nàng là người biết nhiều tin quan trọng nhất, lại là người thông minh và hiểu rõ thời cục nhất. Vả lại nàng là người nhiệt thành, không lúc nào ngã chí, nên thường thường phái cung cấm hay hỏi ý kiến nàng. Nhất là để tìm chút an ủi, có khi khuya nữa, thấy cửa buồng An Tư còn có ánh đèn là họ kéo vào nói chuyện. An Tư hơi khó chịu, vì họ đến rút ngắn thì giờ đã ngắn mà nàng được hưởng bên cạnh vị hôn phu. Giây phút quá thiêng liêng mà họ phạm một cách phũ phàng. Tuy vậy, nàng cũng phải giữ một thái độ bình tĩnh, đối đáp mọi người và truyền cho mọi người một tin tưởng mãnh liệt về tương lai. Trống canh tư đã điểm, nàng sốt ruột và oán giận chị em, khi họ trở ra về thì đâu đây đã có tiếng gà sáng. Khi tiễn họ về, trở vào buồng trong, không thấy chàng, lấy làm lạ. Chợt nghe tiếng ngáy trong giường, nàng rón rén lại vén màn. Trong ánh đèn mập mờ, chàng đang ngủ say, chăn gấm kéo lên đến cổ. Giấc ngủ càng làm nổi bật khuôn mặt dũng kiện của người thanh niên. Nàng đứng nhìn không chớp mắt. Lâu lâu nàng rón rén bước sang buồng bên, quạt lò đun nước để lát nữa pha trà thết chàng. Thấy cái đẫy của chàng dưới chân kỷ, nàng tò mò mở ra xem: Trong đẫy xếp hỗn độn những đồ lặt vặt, quần áo, khăn tay, gương lược, nghiên bút, một quyển sổ, một chiếc ấm độc ẩm và hai chén da lươn, mấy con dao, một cuốn Binh thư yếu lược của Quốc công. Nàng ngắm nghía từng chiếc một, mỗi vật đều có một linh hồn và đối với nàng đều có chút tình quyến luyến. Nàng nghĩ: - Rồi những đồ vật này sẽ theo vương ra trận. Duy ta không. Nàng thầm ước ao được đi theo chàng để lo việc cơm nước và cùng chàng chung những nỗi gian lao tận khổ. Dần dần nàng giở ra cả một bộ đồ ăn, một đôi đũa ngà, một bát và hai đĩa gỗ, áng chừng mẹ chàng mới sắm cho, vì còn mới, và đều có khắc mấy chữ "Đãng binh cường khấu". Chắc phu nhân sợ con quên làm bổn phận, nên khắc chữ vào những đồ nhật dụng này để nhắc nhở con, vì ngày nào chàng chẳng phải ăn hai bữa? An Tư lẩm bẩm: "Mẫu thân hơn mẹ Nhạc Phi nhiều". Nàng lấy hộp khăn của nàng có sẵn kim chỉ và mịn vá, để chung vào đẫy, hòng khi chàng muốn vá hay muốn đính chiếc khuy. Nàng chắc trên sa trường tung hoành xung đột, áo quần của chàng sẽ rất dễ hư hỏng. Nàng lại cẩn thận để vào đẫy một thanh quế tốt, và mươi liều thuốc cảm, phòng khi chàng trái gió trở giời… Chợt nàng lẩm bẩm: - Chết chửa ta quên rồi. Không biết có kịp không. Nàng nhớ đến bức thêu còn dở, nàng vùng đứng dậy, tóc xõa trôi theo lưng nàng xuống đất như làn sóng đen biếc, nàng giật mình quay lại thì trong khung cửa thông hai buồng với nhau, chàng một tay nắm đốc kiếm, một tay vịn cửa, chân bắt tréo đứng nhìn nàng bằng đôi mắt lửa âm thầm không chớp. Nàng nhoẻn miệng hoa, má trái lúm đồng tiền xinh dáng, má đỏ ửng vì thẹn thò. Chàng nhớ lại ở trong buồng thêu thân mật nhất của An Tư, chàng cảm thấy một hương vị mê ly, sảng khoái trong góc thế giới vô cùng huyền ảo ấy. Đây là nơi mà nàng đã để hết tinh thần bày biện, vừa ấm cúng vừa trang nhã, vừa mơ màng, toàn thể đượm một thi vị kín đáo xinh xinh. Dần dần chàng bước lại gần nơi thiêng liêng nhất, im lìm và chào đón như một xóm đào nguyên: Chiếc giường phảng phất một mùi hương nhè nhẹ mê người với đệm hoa, chăn gấm, gối thêu, trong đêm giá lạnh này, chiếc giường như hữu ý, chăn đệm còn ghi dấu thân hình ngà ngọc, và đâu đây như thoảng hơi nóng của giai nhân. Rồi không để ý đến câu chuyện bên ngoài, chàng nằm xuống giường. Vì mấy hôm đường trường vất vả, chàng ngủ lúc nào không biết. Khi choàng dậy, bước ra phòng thấy nàng đang ngồi xếp gọn lại đồ đạc cho mình, ân cần hơn người vợ chính thức, chàng ngây người đứng ngắm… Chàng bước lại, tươi cười nói: - Đa tạ công chúa. Lòng ân cần này, xin hẹn đến kiếp sau báo đáp. Sợ nàng vấn lại tóc, chàng tiếp: - Thế gian đồn tóc công chúa đẹp, dài và đài các không có thứ mây khói nào sánh kịp. Hôm nay vĩnh biệt, tôi không ngờ lại được ngắm làn tóc tiên. Công chúa ăn mặc sơ sài, không son phấn, trang sức, lại càng đẹp lắm. Nàng quấn vội tóc và nói: - Tôi thấy vương xếp luộm thuộm nên xếp lại cho đấy. Lúc nãy tôi muốn tặng vương một vật mọn này… - Công chúa có lòng cho thực là quý hóa, biết lấy gì báo đáp? Nàng lấy ra bức thêu, chàng cầm xem, thán phục: - Đường thêu của công chúa, nồng đậm có phép, tiếng đồn không ngoa. Tôi thực có diễm phúc mà được bức thêu này, hơn anh em chúng bạn nhiều lắm. - Hiềm vì thêu còn dở! - Càng đẹp, hai chữ "Sát Thát" này tôi xin ghi dạ. Tôi đi phen này, trong mình có mang ba vật báu: Bảo kiếm của phụ vương, bức thêu của mẫu thân, bức thêu của công chúa, mà không nên công trạng gì, thì nhục bao nhiêu. Xin đa tạ công chúa. Chỉ nghĩ ân tình thâm trọng không biết báo đáp cách nào. Nguyện xin vì non sông xuất lực, muôn lao nghìn chết cũng không từ. - Xin vương để cho tôi thêu nốt đã. - Công chúa cho thế này là đủ rồi. Thì giờ đã ít, biệt nhau trong gang tấc, xin để thì giờ nói chuyện. Nàng tan ra trong nước mắt, cố trấn tĩnh không cầm được. Vương khuyên giải hồi lâu, nàng nghẹn ngào nói: - Nay vương ra trận, tôi thân liễu bồ, không theo được gót ngựa sớm trưa hầu hạ, thực là hèn. - Công chúa đừng nên nghĩ thế. - Vậy trước khi vương đi xông pha chiến trận xin có lời này. Phận gái chữ tòng, một lời đã ước, xin thủy chung đợi vương cho đến ngày tái hội. Mà dù nghề gươm đao bất trắc, vương có vì non sông mệnh hệ nào, tôi xin thề thủ tiết cho đến già để báo đáp tình nghĩa. Nàng sụp xuống chân vương. Chàng nâng nàng dậy và nói: - Sao công chúa lại thế? Tình công chúa mênh mang như trời biển, tôi là kẻ võ biền, thực không tả hết được chút tâm thành, nếu nay mai tấu khúc khải hoàn, tôi được vô sự, nguyện xin đem thân khuyển mã đáp ân. Nhưng nếu rủi ro ngoài trận… - Tôi đã hiểu ý vương, nhưng xin vương đừng nói nữa. Tôi đã quyết một bề. Ngoài vườn đã có tiếng chim hót sớm, và qua khe cửa son đã lờ mờ ánh sáng bên ngoài. Chàng nói: - Sáng rồi. Đêm vui chóng quá. Tôi phải đi thôi, xin cùng công chúa vĩnh biệt. Chàng gập bức thêu của An Tư vào túi gấm bên bức thêu của mẫu thân chàng, rồi cho vào bọc. Nàng thổn thức: - Vậy đã sáng rồi! Vương đi nhé, tôi một lòng chờ đợi. Chúc vương nhanh chóng nên danh anh hùng. Vương hãy uống chén trà cho tỉnh - Tôi mới pha. Chàng tiếp lấy, uống ngon và khoan khoái. - Đa tạ công chúa. Từ lúc nãy quên khuấy đi. Tôi vào đây chào công chúa, thủy chung muốn lưu tặng một vật mọn này. Suýt nữa thì không nhớ ra, vì lòng hoang mang quá. Chàng lấy ở bọc ra một chiếc hộp ngà, chạm trổ rất khéo, mở ra trong đựng một đôi vòng ngọc thạch, trân trọng trao cho nàng. An Tư tiếp lấy, cảm xúc quá, không sao nói được. Lâu lâu sẽ nói: - Đa tạ vương! - Tôi xin phép công chúa cho tôi đi. Suốt đêm thức, công chúa ngày hôm nay nên ngủ nhiều cho lại sức, kẻo có hại ngọc thể. Nàng giúp chàng cho đẫy lên vai. Chàng cầm tay nàng và nói: - Công chúa ở lại nhé! - Vương đi! Cánh cửa son mở. Trời đã sáng lờ mờ. Trận gió đêm qua thổi mạnh, làm rơi hầu hết cánh hoa đào nở trước xuân, phủ đặc vườn như tuyết hồng. Chàng bước ra, như ngã xuống một vực sâu lạnh giá, và nàng tiễn chàng đi, như xẻ nửa một người. Chàng cao, nên phải khom khom đi, đỡ những cành cây thấp. Chàng không nhìn lại, luồn qua một cành đại rồi biến vào sau một bụi tre ngà. Nàng vẫn đứng vin tay vào cửa, đầu ngả vào vai theo dõi bước tình lang. Vườn đang dâng nhựa mới, nàng trông cây cối mung lung như trong cơn mưa. Trên cành cây đại, một đôi vành khuyên nhởn nhơ bay ríu rít. Đôi chim dần dần biến đi, trong mắt nàng thành một lứa tình nhân quấn quít vui cùng tuổi trẻ, ý xuân, bên cành đào gốc lý. Dần dần hình ảnh ấy cũng phiêu diêu, cũng xa xăm hóa hết vì lệ mờ, và nàng đứng im lìm không động, đẹp như pho tượng giai nhân, má nhung long lanh như cánh hoa đào trước mặt…
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang