[Việt Nam] Ái Tình Và Sự Nghiệp

Chương 5 : V

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:34 05-09-2019

.
Sau buổi nghị sự bàn về cuộc chinh Nam Mạc Thế tử lững thững về thư phòng. Lúc ấy vào khoảng giờ thân, ánh mặt trời đã xế. Chàng ngồi bên song cửa, bâng khuâng với trăm nghìn ý nghĩ nó đuôi nhau trong óc chàng, như những đám mây dưới một trời giông tố. Cuộc chiến tranh không thể tránh được giữa hai họ Nguyễn và Trịnh làm cho Thế tử náo nức một hy vọng êm đềm. Chàng biết rằng Thanh Đô Vương dù tài cao trí cả đến đâu cũng không dễ gì mà thắng nổi được bọn văn thần võ tướng của … chúa Nguyễn. Cuộc chiến-tranh sẽ hết sức gay go. Sự thiệt hại của hai bên sẽ không bút nào tả xiết. Mạc Thế tử rung đùi đắc ý. Chàng khẽ rung đùi và ngâm nga một câu thơ cổ: Bạng ruật tương trì, Ngư ông đắc lợi tiếu hi hi!... Thực thế, cuộc chiến tranh giữa Nguyễn và Trịnh sẽ là một cơ hội tốt cho phụ vương chàng thu phục lại cơ đồ cũ, cái cơ đồ rực rỡ xây dựng lên đã từ bao nhiêu năm, đến nay bị nghiêng lệch về một tay chúa Trịnh. Chàng đau lòng nghĩ đến mấy đời tổ tiên chàng bị hại về tay họ Trịnh. Cái thù kế thế ấy, chàng quyết hễ còn sống ngày nào, chàng sẽ báo cho bằng được mới nghe. Chàng định sẵn trong trí rằng, một khi Thanh đô vương đã thân chinh xuống miền Nam rồi, chàng lập tức sẽ báo tin để Mạc vương đem quân về Thăng long. Chàng sẽ kết hợp với một số văn võ ham lợi để làm nội ứng. - Trong đánh ngoài đánh, một thành Thăng long này lấy dễ như thò tay vào túi áo lấy đồ vật vậy! Mạc Thể tử hăng hái đứng phắt dậy. Nhưng cùng một lúc, những cách tiếp đãi tử tế, và ấm lòng quý trọng thành thực của Trịnh vương đối với chàng lại hiện ra trong trí nhớ chàng, khiến Mạc Thế tử phải bồi hồi vơ vẩn. Đễ lấp cái nao núng của lòng, Thái tử chép miệng. - Sự tử tế của Thanh đô vương chẳng qua là do một lẽ chính tự đó mà thôi. Vả lại, dù Trịnh vương có thực tâm quý mến ta chăng nữa, ấy chỉ là việc riêng giữa ngài với ta. Còn mối thù chung của hai họ, còn cái sứ mệng mà vua cha đã đặt lên đầu ta, ta không có quyền được sao nhãng, dù bất cứ bởi một lẽ nào. Thế tử cố gợi dậy trong ký ức những việc đã qua về bao nhiêu lần thất bại của tổ tiên chàng đã bị rụng đầu dưới lưỡi gươm của Chúa Trịnh. Những giọt máu của họ Mạc- những giọt máu mà một phần đương lưu thông trong huyết quản chàng lúc này, đã đổ ra trên bãi trường hình ngoài cửa Đoan môn. Nó nhuộm hồng cả một khoảng đất phủ cỏ gà, nó đọng lại thành vũng, nó loang ra trong óc chàng thành một vết lớn dần dần che lấp cả đôi vầng nhật nguyệt. Mối thù, được khơi ra, lại bắt đầu thấm khắp cả tâm hồn chàng và đốt nóng máu chàng, như một thứ lửa địa ngục. Mạc Thế tử lững thững ra vườn hoa. Cảnh vật, lúc xế chiều, càng có một sức gợi cảm nấu nung. Chàng lững thững vừa đi vừa ngắm cái mầu cỏ úa dãi dưới ánh tà, cùng với những tia nắng cháy vớt trên những lần vỏ xù xì của bao nhiêu gốc cổ thụ. Một u hoài man mác càng lâu càng chiếm đoạt cả tâm hồn Thế Tử. Chàng tưởng tượng cái thời oanh liệt đã qua của giòng họ nhà chàng. Cái uy nghi ấy bao giờ lại trở lại dưới ánh mặt trời thiên vạn cổ? Chàng có cảm tưởng mỗi bước của chàng là bước lên một dấu vết của thời đã mất. Chàng ngùi thương thân phụ đương sống lẩn lút ở xó rừng xanh, ngồi thúc thủ mà nhìn cái oai của nhà Mạc mỗi ngày một phai tàn đi như ánh chiều đương tắt. Thình lình, những tiếng tơ trầm bổng lại thoảng đến tai chàng... Mạc Thế Tử dừng bước lắng nghe. Bao giờ cũng thế, tiếng ti tiếng trúc thoáng nghe bao giờ cũng như làm tỉnh thức ở chàng một mối tương tư không căn cứ. Chàng đương vui có thể buồn ngay được, gặp lúc chàng đương buồn, nỗi buồn của chàng càng thấm thía, nấu nung vô hạn. Tiếng đờn ca tự hồ nhắc Thế tử một kiếp tiền xinh nào xa xôi lắm mà ghi nhớ vẫn còn sót lại trong óc chàng. Huống hồ, tiếng đờn lúc này lại có tiếng đờn của Phương Lan Quận chúa. Phương lan Quận chúa, một giai nhân, theo nhời mách lẻo của tên nội thị, chẳng những là một tài nữ vô song mà lại còn là là một danh hoa khuynh quốc nữa! Mạc Thế tử thấy lòng nao nao xúc động một cách khó tả. Chàng bất giác tiến về chỗ phát nguyên của tiếng đờn bị thu hút như sắt thấy nam trâm. Chàng thủng thẳng bước đi chẳng khác người mơ ngũ. Qua một con đường trải cát luồn dưới bóng liễu buông mành, Thế tử ngoặt về bên trái và men theo bờ một cái ao sen lụi. Tiếng đàn mỗi lúc một gần, một rõ. Ờ, không phải là một thứ tiếng tơ như chàng vẫn tưởng. Nó là tình, là cảm, là tất cả bao nhiêu nỗi nhớ niềm thương... Nó là tình, là cảm, là nhớ, là thương cứ tiêu mòn đi một cách vô ích giửa chốn thâm cung u tịch, cách ngăn xa biệt hẳn với cõi đời... Nó là sự sống âm thầm nhưng mãnh liệt của một tâm hồn cô quạnh. Và tâm hồn chàng cũng đương chính là một tâm hồn cô quạnh! Mạc Thế Tử thở dài. Cội sầu, ta lại với ta, Lọ quen biết mới gọi là tri âm!... Chàng tuổi trẻ cúi đầu ; chân vẫn bước như cái máy. Sau cùng, chàng đột ngột thấy mình đến trước một bức tường hoa, Bức tường không cao lắm. Thế tử có thể vỗ tay một cái nhảy qua như không. Nhưng, bên kia bức tường, chàng biết rõ là nơi Phương Lan Quận chúa đương ngôi gảy đàn. Chàng sợ sẽ làm kinh động thiếu nữ, nếu cử động của chàng đột ngột quá. Mà lui về thì Mạc Thể Tử không thể sao lui về được nữa. Chàng như một con thuyền đã xuống tới lưng chừng thác. Con thuyền không tự chủ được nữa. Nó bị giòng thác cuốn đi phăng phăng. Thế Tử bị sự tò mò lôi cuốn quá mạnh. Chàng nhìn quanh chỗ đứng, chợt thấy một cây tùng cổ thụ mọc sát tường hoa. Không ngần ngừ, chàng bám cây leo lên, đoạn khe khẽ tụt xuống bên vườn Quận chúa. May sao chỗ ấy nhiều bụi cây rậm nên chàng không bị lộ hình tích. Chàng men theo các khóm cây, tiến đến chỗ nhà thủy tạ dựng giữa hồ nước trong xanh như lọc. Nhà thủy tạ làm theo kiểu lục lăng, mái lợp ngói sứ mầu biếc, cột và bao lan đều sơn đỏ, Giữa thủy tạ kê một cái án son, trên đặt một hình cúc long trảo, một cái lư con toả khỏi trầm nghi ngút và một cây thập lục huyền. Phương Lan Quận chúa ngồi trước kỷ son, hai bàn tay lượn trên mười sáu đường dây nom như một đôi bướm trắng. Nàng không trang điễm lộng lẫy như những lúc phải vào chầu Thái Phi hoặc Vương phụ. Nàng mặc một cách giản dị khiến nhan sắc của nàng có một sắc thái dịu dàng và thân mật. Mạc Thái tử nín hơi đứng nhìn tấm áo lụa bạch mỏng như đám sương tụ lại quanh một thân hình tuyệt dẹp. Những nếp siêm mầu hồ thủy tỏa buông xát đất, chỉ lộ ra hai mũ hài thêu bằng gấm màu hồng tím. Hai tay áo rộng lòa xòa như đôi cánh con thiên nga thỉnh thoảng để lộ hai cổ tay tròn và trắng như hai đẫn ngọc. Phương Lan Quận chúa tự hồ đem cả tâm hồn gửi lên những làn sóng thanh âm trầm bỗng. Toàn thân nàng rung lên ; sắc mặt nàng lúc trắng trong, lúc tươi thấm. Chốc chốc nàng khẽ ngẩng đầu nhìn đắm đuối vào khoảng không, như theo đuổi một mộng ảnh siêu trần... Mạc Thể tử buộc miệng khen: - Thực là thiên tiên giáng thế. Trong nhà thủy tạ, tiếng đàn vụt im bẵng. Quận chúa ngẩn đầu, sắc mặt biến đổi dữ dội khi nàng nhận rõ Thế tử đứng ẩn mình trong lá cây. Mạc Kính Hoàn, như Lưu Nguyễn vào Thiên thai, vòng tay vái chào Quận chúa, đoạn tiến nhanh qua nhịp cầu trúc đá nối nhà thủy tạ với đất liền. Con Ý nhi may lúc ấy bị sai đi chỗ khác có việc. Phương Lan không ngại bị lộ chuyện nữa. Nhưng nàng cảm động thái quá vì lần ấy là lần đầu tiên trong đời nàng, Quận chúa giáp mặt một thanh niên lạ. Nàng nhìn Thế tử như bị chàng thôi miên và thầm khen ngợi chàng quả là một trang anh tuấn phi thường. - Chúng tôi vì bị tiếng đờn hấp giẫn, đường đột tới đây, xin Quận chúa thứ tội cho. Giọng chàng nói, Quận chúa nghe gần ngay bên tai mà văng vẳng tự hồ trong giấc mộng. Nàng tuy đã biết đích chàng là Mạc Thế tử song cũng hỏi: - Tráng sĩ là ai mà dám vào đây, không biết chổ này là chỗ cung vi nghiêm cấm hay sao? - Thưa Quận chúa, tôi là Mạc Triều Hoàng Thái tử, tên gọi Kính-Hoàn. Tôi hiện đương là một con tin trong Vương phủ... Phương lan cúi đầu vì trong mắt chàng tuổi trẻ lúc ấy long lanh một tia lửa thù oán Chàng tiếp theo: - Tôi biết lắm, rằng đây là chỗ cấm cung và cái tội đường đột của tôi có thể làm cho tôi mất đầu được. Ngặt vì tiếng đàn của Quận chúa đã thu hút tâm hồn tôi một cách không cương nỗi... Chàng ngưng lại, nhìn đắm đuối gương mặt giai nhân, và giọng chàng, vụt trở nên đầm ấm và dịu dàng: - Vậy thì, nếu tôi đã có tội, cái tội của tôi cũng là do Quận chúa một phần. Phương Lan nóng bừng hai má. Nàng cứ nhìn mũi giày thêu, trong khi Mạc Thế tử nói tiếp: - Tôi không phải có ý đổ lổi cho Quận chúa đâu. Lúc này, lòng tôi có thể vui sướng vô cùng, nếu tôi có vì Quận chúa mà mất đầu được... Tôi nói câu vừa rồi chỉ là để tỏ ra rằng tôi hâm mộ tài năng của Quận chúa như thế nào, và cả tâm hồn tôi đã hướng về Quận chúa chẳng khác bông hoa quý ngã về mặt trời vậy. Phương Lan bàng hoàng cả tâm trí. Thực chưa bao giờ nàng được nghe những nhời như vậy. Nó êm ru, nó ngây ngất nàng hơn là những cốc rượu ngự mà phụ Vương hằng ban cho nàng vào những dịp lớn lao như Tết Nguyên-đán, ngày Vạn-thọ.v..v.. Thái tử thấy Phương Lan không nói gì liền tiếp: - Tôi cảm ơn Quận chúa đã làm cho tôi đỡ thấy mình chỉ là một thằng tù giam lỏng. Quận chúa, bằng những tiếng đàn kỳ diệu, đã mở cho hồn mộng tôi được thấy những cõi thiên đường lộng lẫy và huy hoàng. - Thưa Hoàng tử, thiếp chỉ là một đứa con gái vụng dại, đâu được xứng đáng những nhời quá bao dung của điện hạ. Nhưng, nếu cái tài mọn của thiếp đôi khi có làm khuây cho điện hạ đỡ được những rầu rựt của bao nhiêu nỗi nước tình nhà thì thực là một vẻ vang phi thường cho thiếp vậy. Say vì nết, nặng vì tình, Mạc Thế tử khẻ cầm tay Quận chúa và nói bằng một giọng bùi ngùi. - Quận chúa ơi chúng ta cớ sao lại sinh làm con cháu của hai họ cừu địch nhau? Sự gặp gỡ hôm nay biết rằng có hẹn cho chúng ta một ngày tốt đẹp nào chăng? Quận chúa chớp nhanh hai mắt: - Điện hạ, người ta ở đời cớ sao cứ phải thù ghét nhau vì những cái vô tích sự?... Tiếng Ý nhi chợt vẳng lại từ cổng vườn, Mạc Thế tử vội lui vào bụi rậm, vượt qua tường hoa về thư viện…
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang