[Dịch] Vãn Tống

Chương 15 : Trở lại Lâm An

Người đăng: phanhitek

Ngày đăng: 17:28 27-12-2018

Đăng lâm tống mục Chính cố quốc vãn thu Thiên khí sơ túc Thiên lý trường giang tự luyện Thúy phong như thốc Trưng phàm khứ trạo tàn dương lý Bội tây phong , tửu kỳ hà súc Thái chu vân đạm Tinh hà lộ khởi Họa đồ nan túc . Niệm vãng tích , phồn hoa cạnh trục Thán môn ngoại lâu đầu Bi hận tương tự Thiên cổ bằng cao đối thử Mạn ta vinh nhục Lục triều cựu sự. tùy lưu thủy Đãn hàn yên phương thảo ngưng lục Chí kim thương nữ Thời thời do xướng Hậu đình di khúc (Tạm dịch: Lên cao đưa mắt nhìn Quê cũ đã cuối thu Khí trời hoang sơ Dòng sông trong vắt chẩy về xa tắp Gió thốc xanh xao như mũi tên nhọn hoắt Buồm giăng chèo lướt động chiều tà Gió tây thổi , lắc lư cờ Thuyền trôi nhanh , mây tan tác Trên trời , sao lác đác Cảnh thiên nhiên , không người vẽ được . Nhớ thủa ấy , vàng son đã hết Để bây giờ than ngoài cửa lầu ai ! Buồn thương vương vấn mãi không phai Ngàn xưa người chuộng vương đài Thì sau tất thẩy. chuốc tai ương nhiều Cao sang đâu sánh Lục triều Cũng theo dòng nước rong rêu bọt bèo Chỉ còn sương lạnh cỏ hiu Mà nay ca kỹ hát nhiều làm chi ? Khúc " Hậu đình " thật lâm ly Ấy là vong quốc , ấy là bại thân!) Nam Tống từ nạn Tĩnh Khang nam độ đến nay cũng đã trăm năm, giống như lời của một bài từ "Lục triều cựu sự tùy lưu thủy", nước chảy Giang Nam sớm đã rửa sạch tâm tình về bắc của con cháu Triệu gia. Bọn Lý Tư Nghiệp đến Lâm An gặp lúc đại hôn của hoàng đế, triều đình hạ chỉ mở hội hoa đăng, cả nước chúc mừng. Toàn bộ Lâm An giống như trở lại đêm thượng nguyên, ngọc bích lung linh, xá tử lộng lẫy, vô số hoa đăng treo thật cao, cái thì dán câu đố cho du khách đoán, cái thì treo nửa câu đối đợi văn nhân đối lại. Một dãy Vũ Lâm môn càng náo nhiệt, người thì bày quán nhỏ bên đường, người lại mang gánh đi rao, đủ loại tiểu thương nặn đồ chơi bằng đường, nặn tượng đất, bán bánh ngọt, mãi võ, chọi gà,... nhiều vô số kể. Đêm đó, trời vửa chập tối, từng nhà đều ăn cơm tối sớm, rồi khóa cửa dẫn vợ mang con ra đường xem đèn. Lâm An vốn đã phồn hoa, tối nay càng nhộn nhịp hơn tết nguyên tiêu, tựa như câu tục ngữ "15 tháng 8 mây che nguyệt, 15 tháng giêng tuyết làm đèn", khắp nơi đình đài lầu các bao phủ trong làn áo bạc, đường phố toàn thành phô bạc tán ngọc. Cây cối xa gần treo đầy ngọc đẹp, giống như một cây dù ngọc căng đầy, đợi đến lúc trăng lên thì người đã ngập đường, khắp nơi giá đèn thiên hình vạn trạng, trăm đèn lung linh rực rỡ, ánh sáng như ban ngày. Hôm nay cũng theo như tục xưa của đêm thượng nguyên ở kinh thành, ngàn nhà vạn hộ không có ban đêm, nam nữ già trẻ đều ra đường tham gia hội rước đèn. Cho dù là tiểu thư thiên kim ngày thường không hề xuống lầu cũng phá lệ ra đường xem đèn dạo cầu, tham gia náo nhiệt khiến cho đám thiếu niên phong lưu giống như ruồi thấy mật, lâu lâu lại sinh ra không ít giai thoại phong lưu. Nhưng cũng không ít khuê tú hào môn ngồi kiệu du lịch, xem đèn qua màn, có người nhà hộ vệ. Cỗ kiệu dạng này giống như một căn phòng di động. Hấp dẫn nhất, không ai bỏ được chính là vẩy tiền vàng vào canh 1 cùng bắn pháo hoa vào canh 2. Vào canh 1 thường có thái giám xuất cung vẩy tiền, trăm ngàn người tranh nhau chen lấn cướp tiền mừng, trong đó dĩ nhiên không ít bọn du côn thừa cơ chấm mút, hưởng tận phấn son. Đến canh 2, làn sóng hoa đăng đang thịnh, nam nữ chơi đèn đầy đường, cảnh xuân tươi đẹp, thứ dân cung nữ, rộn rộn ràng ràng. Thương nhân bán hàng rong tiếng rao lanh lảnh, đột nhiên phía trên Tây Hồ pháo hoa bay thẳng lên trời. Trong chốc lát bầu trời muôn hồng nghìn tía, hình ảnh biến hóa, hài đồng vui đến nhảy cẩng lên, mọi người kinh hô cảm thán. Đoàn người Lý Tư Nghiệp thấy được khung cảnh phong lưu phồn hoa bực này, cảm thấy lưu luyến dừng chân, vui đến ngẩn ngơ. Ngay cả Yến Lão Thất vốn trầm mặc cũng trừng đôi mắt như chuông đồng, trong mắt toát ra cảm khái không uổng nửa đời người. Vương Tứ Bảo tất nhiên là chui vào các hàng quà vặt, vừa ăn vừa cầm, còn đeo thêm mấy túi lớn. Vì tướng ăn của gã bất nhã, khiến một đám trẻ con vây xem, thậm chí mấy đứa trẻ còn vỗ tay hát một khúc: "Quái mặt đen, có 4 thứ quý Cái gì quý? Cái gì quý? Cùng nghe ta nói ngươi chớ cười Thứ nhất mặt, khuôn mặt mập, Thứ hai mắt, con mắt nhỏ, Ba tai to, bốn là da. Bụng thì tròn tròn, mông ngẩng cao." Vương Tứ Bảo nổi giận, cầm chén tính ném, khiến mọi người cười té nghiêng té ngửa. Lý Tư Nghiệp nín cười ném ra một ít tiền, bọn trẻ cầm tiền rồi giải tán ngay lập tức. Dần dần mọi người bị đám người chen tán loạn, cũng may trước đó đã hẹn trước khách sạn, cũng không sợ bị lạc. Chỉ có bảo tiêu mới nhậm chức Yến Lão Thất vẫn luôn theo sát Lý Tư Nghiệp sợ hắn gặp chuyện gì sai lầm. Trong hội đèn lồng có không ít câu đố chuyện xưa, do người biểu diễn phối hợp với người xem, đoán 1 câu thi từ hoặc 1 câu tục ngữ. Lý Tư Nghiệp chen vào 1 cái sân khấu, phía trên có một nữ tử chống cằm nhìn bảo kiếm trên tường. Trên sân khấu có 4 món: một cái kim khâu, một cái khăn voan, một hộp phấn, một chùm tóc. Yêu cầu đoán 1 câu tục ngữ. Lý Tư Nghiệp suy nghĩ một lát đã nghĩ ra, hắn tiến lên cầm hộp phấn đưa cho nữ tử trên sân khấu. Nữ tử cũng thẹn thùng đưa thanh bảo kiếm cho hắn. "Vị này đoán đúng, đáp án chính là "Bảo kiếm phối anh hùng, hồng phấn tặng giai nhân"" một người lão hán bên cạnh hô lớn, mỉm cười lấy một xâu tiền đưa cho Lý Tư Nghiệp, đây là giải thưởng của người đoán đúng. Sau đó Lý Tư Nghiệp lại đi khắp nơi đoán liên tiếp 4 câu, rồi mới cầm một bao phần thưởng lớn hớn hở ra về. Vừa qua một cây cầu nhỏ, bên cạnh cầu là một cửa hàng đèn, phía trên có treo một vế đối, chủ quán dương dương đắc ý nói: "Đây là thiên cổ tuyệt đối của lão gia nhà ta, đến nay chưa có người nào đối được. Lão gia nhà ta nói chỉ cần vế đốkhông phải là của tiền nhân đã đối thì đều được. Phần thưởng thì tùy theo sự tinh tế cùng ý cảnh của vế đối, từ 10 đến 500 quan không kém." Vì phần thưởng hậu hĩnh, đã sớm có mấy trăm tên thư sinh lớp đứng lớp ngồi chống cằm suy tư, chen chặt cầu nhỏ như nêm cối. Thuở đầu Tần Hán, tết trong dân gian đã có tập tục treo bùa đào để đuổi quỷ trấn tà. Tập tục này kéo dài hơn ngàn năm, đến thời Ngũ Đại mọi người bắt đầu viết một câu vần lên bảng gỗ đào, gọi là "bùa đào". Theo ghi chép của "Tống sử. Thục thế gia", sau thời Ngũ Đại Thục chủ Mạnh Sưởng đã viết câu đối đầu tiên trong lịch sử: "Tân niên nạp dư khánh, Gia tiết hiệu trường xuân". Từ Đại Tống về sau, câu đối từ từ phổ biến trong dân gian, năm mới treo câu đối xuân đã trở thành tục lệ. Thi nhân Bắc Tống Vương An Thạch có thơ rằng "Ngàn nhà vạn hộ chung một ngày, cùng đem đào mới thay bùa cũ" chính là khắc họa chân thực nhất ngày tết. Lý Tư Nghiệp ngẩng đầu nhìn lên, thấy vế đầu viết "Yên duyên diễm diêm yên yến nhãn" trong lòng không khỏi giật mình. Câu này phụ thân khi xưa đã từng giảng cho hắn nghe, không chỉ đồng âm, mà còn theo lối "cô lộc", đúng là thiên cổ tuyệt đối. Lý Tư Nghiệp suy nghĩ, rồi lại lắc đầu. Hắn chỉ đọc một ít sách lúc thiếu niên, sao có thể đối được. Lúc này cầu nhỏ có một đám gia đinh đeo đao hùng hổ đi đến, bảo vệ quanh một chiếc kiệu hoa màu tím nhạt. Trên màn kiệu mỏng có thêu mấy đóa hoa nhỏ màu trắng. Bên cạnh kiệu hoa có một công tử trẻ tuổi cưỡi ngựa, mặc một bộ trường bào màu trắng thêu hoa vàng, eo buộc một sợi dây lụa hoa lệ, đầu đội tử kim quan, chân mang giày bộ vân. Gã mang một khuôn mặt xinh đẹp, khiến nữ tử thấy đã si mê, làm nam nhân nhìn mà chán ghét. Thần sắc gã cao ngạo, nhưng lại không phải là làm ra vẻ, chòm tóc đen nhánh che lấy cái trán trơn bóng đầy đặn, 2 hàng lông mày cân xứng giống như đã cố ý trang điểm. Lúc gã cúi đầu nói chuyện với người trong kiệu đôi mắt có vẻ u buồn tĩnh mịch lại ôn nhu. Cạnh gã có 4 tên thư đồng làm bạn, mỗi người cầm một món: đàn, kiếm, sách, cờ. Thỉnh thoảng gã chỉ vào cảnh đèn hoa nói nhỏ vài câu vào trong kiệu, hưng phấn đến mức cao giọng cười to. Chớp mắt cỗ kiệu đã qua khỏi cầu nhỏ, vì đầu cầu đông đúc, kiệu dừng lại trước mặt Lý Tư Nghiệp. "Bão Cầm, Thị Kiếm! Các ngươi đến bảo người phía trước nhường lối, chớ cản đường đi của tiểu thư." 2 tên thư đồng phóng ngựa tiến lên, cao giọng hô to: "Tránh ra! Tránh ra!" Vì đột ngột xông tới, một người thư sinh đứng trên ghế dài cuống quýt tránh né, hụt chân ngã ngửa xuống đất. Lý Tư Nghiệp thấy hạ nhân của công tử kia vô lễ, khó chịu trong lòng. Hắn bèn bước sang đứng bên cạnh. "Kiều công tử đã đọc thuộc "Nghi lễ" nhưng sao lại nóng vội như thế. Chờ một lát, tự nhiên người phía trước sẽ tránh ra" Một nữ tử trong kiệu hướng về phía công tử nọ nhẹ nhàng nói. Giọng êm dịu lại ngọt ngào, khiến người ta cảm thấy giống như một làn gió nhẹ khẽ thổi qua mặt nước. Kiều công tử nghe vậy hơi lúng túng nói: "Cần gì phải nói nghi lễ với những thảo dân thấp bé này." Trong kiệu không có tiếng nói gì nữa. Trong lòng Lý Tư Nghiệp cảm thấy giọng nói này rất quen thuộc, nhưng không nhớ nổi đã nghe qua ở nơi nào. Có mấy thư sinh bên cạnh nhận ra người trẻ tuổi kia, nhao nhao thấp giọng bàn tán. "Các ngươi có biết hắn không? Hắn chính là Kiều Bá Ngọc, công tử của Lễ bộ thượng thư Xu Mật viện tri sự Kiều Hành Giản, thám hoa lang của kỳ thi đình năm ngoái." "Không lẽ hắn chính là đứng đầu Lâm An tứ đại công tử Tiểu Kiều công tử?" "Chính là hắn! Ngươi nhìn thần thái, khí thế kia của hắn, không chỉ có phong thái tuấn lãng mà còn văn tài cao minh. Ngay cả hoàng thượng cũng thường triệu hắn vào ngự thư phòng cùng đọc sách. Nghe nói đã được hoàng thượng khâm định làm Hiển Văn các học sĩ, tiền đồ vô lượng!" "Vậy người trong kiệu bên cạnh hắn là ai? Ta nghe nói mắt Tiểu Kiều công tử cao hơn đầu, tất cả tiểu thư khuê các hâm mộ hắn đều không để vào mắt, sao lại chung tình với người trong kiệu này?" "Hừ! Ta thấy ngươi đọc sách quá rồi choáng váng, ngay cả chuyện Kiều Bá Ngọc gần đây đang theo đuổi Uyển Bình quận chúa cũng không biết. Hôm qua ngươi đọc bài "Ngưu Lang phù liễu lại nhớ tây, cười nhìn Chức Nữ đến chốn tiên" không phải là nói về bọn họ sao?" "Hừ hừ! Ta thấy cũng tầm thường!" Lý Tư Nghiệp nghe thấy mọi người nghị luận, đã biết được người trong kiệu chính là Uyển Bình quận chúa Triệu Hạm mà năm đó đã từng gặp qua. Hắn bỗng nhớ lại lúc mình gặp Thời Vãn Nguyệt trong đầu từng xuất hiện một đôi mắt, không phải là đôi mắt của Triệu Hạm sao? Đột nhiên Lý Tư Nghiệp nghĩ đến Thời Vãn Nguyệt, trong lòng đau xót, vội thu suy nghĩ lại. Người đọc sách vây xem ngày càng nhiều, mọi người nhao nhao hướng về Kiều Bá Ngọc vẫy tay thăm hỏi. Kiều Bá Ngọc cũng mỉm cười đáp lễ từng người. Lúc này chủ quán thấy bèn hô to: "Tiểu Kiều công tử không ngại mời đến thử một lần!" Kiều Bá Ngọc liếc nhìn câu đối, ánh mắt lóe lên, sớm có người mang giấy bút đến, gã chỉ cười mà không nhận. Thư đồng Ti Bút trải ra một tấm giấy tuyên thành của Trương Trạch Đoan dùng thừa, dâng lên bút lông Hồ Châu của Mễ Nguyên Chương đánh rơi lúc say. Gã mỉm cười nâng bút lên. "Ảnh ánh anh doanh ảnh anh anh" "Tốt! Tài tư mẫn tiệp, câu đối tinh tế, không hổ là đệ nhất công tử Lâm An. Tại hạ bội phục sát đất nha!" "Thật sự là nhân tài trụ cột của Đại Tống ta!" Mọi người hô vang, Kiều Bá Ngọc kia mặc dù tỏ ra khiêm tốn, nhưng vẻ mặt vẫn không nhịn được lộ ra vẻ đắc ý. Kiều Bá Ngọc cầm câu đối xuống ngựa đi đến trước kiệu, thấp giọng nói: "Ta gặp quận chúa lần đầu vào tháng trước, tâm trạng chính là như vậy, xin quận chúa nhận câu đối này." "Nếu là tác phẩm của Kiều công tử, dĩ nhiên lúc rảnh rỗi ta sẽ đọc. A Phúc, hay thay ta nhận lấy." Kiều Bá Ngọc thấy quận chúa nhân, không khỏi mừng rỡ. Quản gia A Phúc kia lại cười khổ trong lòng, con của lão đang chuẩn bị thi đồng sinh, quận chúa bèn lấy tác phẩm của Kiều công tử đưa cho con của lão làm giấy tập viết, đã chất đầy một rương. Không cần nói, câu đối này lại phải cầm về nhà. Lúc này trong kiệu lại truyền đến tiếng của một nữ tử khác: "Kiều công tử, quận chúa nhà ta nói, đã làm phiền công tử theo một đêm, cũng là lỡ dịp xem đèn của công tử, thật rất áy náy. Ban ngày nàng tiến cung, giờ hơi mệt , muốn trở về nghỉ ngơi." Kiều Bá Ngọc ngẩn ngơ, vẻ tươi cười chưa ngớt lại lộ ra mấy phần khổ sở. Không biết tại sao khi Lý Tư Nghiệp ở bên cạnh nghe được lời này, trong lòng của hắn cũng thả lỏng, xoay đầu nói với Yến Lão Thất: "Chúng ta cũng trở về thôi!" Lý Tư Nghiệp cùng Yến Lão Thất quay người bỏ đi. Nhưng hắn không biết, phía sau màn kiệu có một đôi mắt mỹ lệ yên lặng chăm chú nhìn bóng lưng khí vũ hiên ngang của hắn.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
Link thảo luận bên forum
 
Trở lên đầu trang